Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) Việt Nam hôm 22/5 được báo của đảng dẫn lời, đã chính thức lượng giá, nợ xấu của khối Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, tài sản bằng bất động sản gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi. [1] Chỉ (1) ngày sau, Quốc Hội khai mạc kỳ họp 3, đã đánh giá “nền Kinh Tế cực kỳ bất thường”. Đầu tháng 6, Bộ Tài Chánh nhìn nhận, thời gian tới dự báo có nhiều yếu tố không thuận ảnh hưởng đến số thu ngân sách của năm 2022. Hôm 23/5 mô tả Quốc Hội họp kỳ thứ 3 (23/5-17/6), báo Nhà Nước chạy tiêu đề “Tình thế gian nan cần quyết sách mạnh mẽ”, trong đó Quốc Hội định hình Kinh Tế Việt Nam là “cực kỳ bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động của Covid-19”. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 là 2,58% so với mục tiêu khoảng 6% [2]. Quý 1/2022, GDP của Việt Nam được nói là tăng 5,03%.

Chỉ riêng năm 2021 có khoảng 120 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động và phá sản, giải thể. Các ngành du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách, giáo dục mầm non gặp khó khăn nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp phá sản. Cho đến quý 1 năm 2022, cả nước còn tới hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên mất việc làm, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Vẫn theo Quốc Hội, toàn cảnh u ám của các doanh nghiệp gần như mọi ngành là không thể nói khác được, do nền kinh tế rơi vào phong tỏa toàn quý 3 năm 2021. Trong khi Chính phủ lại báo cáo với Quốc hội là tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã chiếm tới 59,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng vọt so với các tỷ lệ trước đây là chỉ hơn 40%.

Đây là điều bất thường không lý giải được trong bối cảnh 23 tỉnh, thành bị phong tỏa toàn thời gian của quý 3 năm 2021 theo chỉ thị 16 của Chính Phủ, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế âm 6,02% – thấp nhất kể từ khi có thống kê quý.

Vì vậy, Quốc Hội có lý do để đặt vấn đề, làm thế nào mà người dân và doanh nghiệp có thể tăng đầu tư trong tình huống thượng dẫn. Quốc Hội cũng yêu cầu Chính Phủ làm rõ vì sao 5/12 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra?

Quốc Hội cho rằng dự toán ngân sách của Chính Phủ năm 2022 là “không phù hợp, hoặc lạm thu”. Vì ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân còn rất khó khăn sau đại dịch.

Trong khi nền kinh tế khó khăn, thiếu vốn, khát vốn thì tỷ lệ giải ngân đầu tư công đến cuối tháng 4 chỉ đạt hơn 18,5% kế hoạch năm. Có đến 17 bộ, cơ quan trung ương giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức 0%. Tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài chưa có cải thiện nào đáng kể khi mới đạt 3% kế hoạch.

Ngày 2/6/2022 Bộ Tài chính nói tọac ra rằng, thu ngân sách nhà nước trong tháng 5/2022 giảm 68 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. 5 tháng qua thu ngân sách nhà nước ước đạt 806,4 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán. Tuy nhiên, thời gian tới dự báo có nhiều yếu tố không thuận ảnh hưởng đến số thu ngân sách năm 2022. [3]

Trong tường trình gởi Quốc Hội về số nợ cho vay cuối quý 1/2022 của 26 NHTM lên đến 7,7 triệu tỷ đồng (tăng 4,2% so với đầu năm). Mục tiêu tăng tín dụng 2022 là 14%. Tính từ đầu năm đến hết 31-3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%. Số liệu chính thức về tỷ lệ tín dụng đi vào lãnh vực sản xuất chưa được công bố.

Một thực tế rất đang lo là mức nợ xấu tồn đọng cộng với nợ mới xấu lại cao hơn tăng trưởng tín dụng. Tổng nợ xấu của 26 ngân hàng chiếm hơn 109.433 t đồng trong tổng dư nợ, tăng đến 8,93% so với đầu năm.

Nợ xấu của khối NHTM tính đến cuối tháng 3/ 2022 tăng trung bình khoảng 13,53%, nhưng một nhóm ngân hàng lớn có tỷ lệ nợ xấu trên 20% như Vietcombank (VCB), VietBank (VBB), NCB, SaigonBank (SGB)…

Một trong các lý do nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh trở lại do khách hàng vay vốn gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, đã được khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn nợ, nhưng hết thời gian ân hạn mà khó khăn vẫn còn, chưa có nguồn tiền nào để trả nợ đúng hạn.

Ngoài ra, sau khi các ông chủ của hai tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn là FLC (29/3) và Tân Hoàng Minh (04/4), sân sau của những “ông trùm ngã ngựa” bị khởi tố, bắt tạm giam và đang bị điều tra, nợ xấu có nguy cơ gia tăng. Thực tế này diễn ra đã giúp hình thành một hướng dẫn trong dân gian: nhà đầu tư ở TTCK hay TPDN không phải chỉ biết theo dõi báo cáo tài chính của nơi gốc, mà còn phải theo dõi mối liên hệ của doanh nghiệp đó, ai đỡ đầu, ai là ông trùm, ông trùm đó còn thực lực bảo kê hay không, khi đó mớ “xuống” tiền đầu tư.

Do một số các lý do thượng dẫn, nợ đang nằm ở những khoản chưa phải là xấu, nhưng sẽ trở thành nợ xấu đột biến trong tương lai rất gần.  Như thế, số liệu NHNN đưa ra lúc này chưa phản ảnh đúng tình trạng nợ xấu trong khối NHTM. Nợ xấu chắc chắn có khả năng sẽ còn tăng hơn nữa khi các khoản tiền do khách hàng cá nhân vay bắt đầu trở nên rủi ro hơn và buộc phải tái cơ cấu.

Xâu lại chuỗi số liệu tỷ lệ nợ xấu theo dòng thời gian 6 năm gần đây cho thấy: năm 2016 là 10,58%; năm 2017 là 7,36%; năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và năm 2020 là 3,81%. Đến năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn dần tăng trở lại ở mức 7,1-7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ theo hướng dẫn của NHNN.

Từ năm 2017 do tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), giúp tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế liên tục giảm, thì vài năm qua do dịch bệnh, chính phủ áp dụng thiết quân luật trong xã hội, khiến mọi sinh hoạt sản xuất quý 3/2021 hoàn toàn đình đốn, đưa tỷ lệ nợ xấu bật tăng trở lại đến mức 10,58%.

Chuyên gia Kinh Tế, Tiến Sỹ Vũ đình Ánh (không thuộc loại Tiến Sỹ Cầu Lông [*]) trong một bài viết về nợ xấu đăng trên báo chuyên ngành Tài Chánh Vietstock.vn nói rõ: Nếu thực hiện đúng theo nguyên tắc, tính đúng tính đủ, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng ở mức 2 con số”. [4]

Những đánh động về xu hướng gia tăng nợ xấu cũng đến từ các tổ chức quốc tế. Theo báo cáo Triển Vọng Phát Triển Á Châu (ADO) năm 2021 do Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) công bố mới đây, các ngân hàng thương mại đã mở rộng tái cơ cấu nợ, miễn lãi suất cho các khoản vay hiện có, giảm lãi suất và cung cấp các khoản vay ưu đãi mới cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. ADB dự báo nhu cầu tín dụng sẽ được cải thiện trong năm 2022, khi các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường, tuy nhiên, nợ xấu có thể trở thành rủi ro trong năm tới.

Trong thời gian vừa qua, bất động sản được “thổi” lên quá cao, giá nhà đất cao phi thực tế. Một khi các vụ án bất động sản bị vỡ lở, giá nhà đất giảm liên tục như giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thời gian vừa qua khiến nợ xấu gia tăng là điều không thể tránh khỏi.

Tương tự, khi giá nhà đất “quay đầu”, nhà đầu tư “ôm” đất và các dự án bất động sản muốn cắt lỗ cũng không được, thì “đào” đâu ra tiền để trả nợ, nên nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại rất cao.

Do lãi suất rất hấp dẫn, thường gấp 2 lần gửi tiết kiệm ngân hàng, nên TPDN thu hút nguồn tiền lớn.  Theo Hiệp Hội TPDN Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp đã phát hành thành công 4 năm từ 2018 -2021 thứ tự như sau: 224 nghìn tỷ đồng; 312.000 tỷ đồng; 436.000 tỷ đồng và 722.700 tỷ đồng. Tổng cộng từ 2018 đến hết 2021 là (224 + 312 + 436 + 723= 1,695 triệu tỷ đồng).

Trong Quý I/2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 138.809 tỷ đồng, nhưng thời gian nửa quý I về sau, lượng phát hành riêng lẻ đã giảm dần.

Doanh nghiệp BĐS chiếm khối lượng lớn trên thị trường trái phiếu. Khi BĐS gặp khó khăn, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ lãi và vốn cho nhà đầu tư, sẽ dẫn đến biến động trong xã hội. Ngoài ra còn có rất nhiều nhà đầu tư đã vay ngân hàng đầu tư vào trái phiếu để hưởng chênh lệch, nên khi doanh nghiệp không trả được nợ cho trái chủ đúng hạn, thì nợ xấu ngân hàng sẽ tăng lên.

Nợ công đến cuối năm 2020 là 3.52 triệu tỷ đồng, năm 2021 là 3.7 triệu tỷ đồng. Giai đoạn 2022 đến hết năm 2024 nợ công sẽ tiệm cận mốc 5 triệu tỉ đồng. Tính trung bình mỗi người dân Việt Nam phải gánh khoảng 50 triệu nợ công. Giai đoạn 2022-2024 csVN phải trả vốn và lãi cho chủ nợ khoảng 1.2 triệu tỷ đồng, tương đương 51 tỷ Mỹ kim.

Trong trường hợp “thời gian tới dự báo có nhiều yếu tố không thuận ảnh hưởng đến số thu ngân sách, như báo động ở trên của Bộ Tài Chánh thì khả năng trả nợ của csVN sẽ bước vào “ngưỡng rủi ro”. Ngân Sách năm 2022 có thể bội chi trên mức tính toán là 372,9 nghìn tỷ đồng.

Gần đây do TPDN rơi vào tình trạng cảnh báo “rất nóng”, đặc biệt ở khu vực BĐS rất lớn, sân sau của các ông trùm đỏ; chiếm đến 138 – 140% GDP của nền kinh tế. Mức nợ tư nhân tại Việt Nam cao hơn nhiều so với khu vực tư nhân của nhiều nước. 

Trường hợp các công ty phát hành TPDN không trả được nợ đáo hạn sẽ nảy sinh ra nhiễu loạn rất lớn trong xã hội. Khi đó chế độ chuyên quyền sẽ thấy hậu quả bao che để các “mảng” sân sau kinh tài làm giầu bằng tiền của dân.

Ba-Đình chọn cách công khai nhìn nhận “Kinh tế rất bất thường” tại diễn đàn Quốc Hội với mục đích “đùn đẩy trách nhiệm” là dấu hiệu tranh ghế quyền lực cấp cao trong những tháng trước mặt.

Trần nguyên Thao

Tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/ngan-hang-nha-nuoc-canh-bao-no-xau-tang-dac-biet-la-bat-dong-san-post1461277.html

[2] https://vietnamnet.vn/tinh-the-gian-nan-can-quyet-sach-manh-me-2022176.html

[3] https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-bao-nhieu-yeu-to-khong-thuan-anh-huong-toi-thu-ngan-sach-106237.html

[4] https://vietstock.vn/2022/01/no-xau-tiem-an-o-muc-2-con-so-757-921785.htm

[*] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61379221

Bài liên quan:
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen