TIN THẾ GIỚI.

Mật nghị Hồng y khai mở tại Vatican để bầu giáo hoàng

Hôm nay, 07/05/2025, tại nhà nguyện Sixtina, Vatican,  Mật nghị Hồng y với sự tham dự của 133 hồng y, bắt đầu bầu chọn người kế nhiệm giáo hoàng Phanxicô qua đời hôm 21/04. Theo Reuters, trong ngày đầu tiên của Mật nghị, chỉ có một cuộc bỏ phiếu duy nhất mang tính biểu tượng.

Tong những ngày tiếp theo, tối đa sẽ có bốn lần bỏ phiếu. Các hồng y ở trong khu nhà nguyện Sixtina, hoàn toàn cắt đứt liên lạc với bên ngoài, cho đến khi nào bầu được tân lãnh đạo Giáo hội Công giáo.

Các hồng y tại nhà nguyện Sixtine (Ảnh minh hoạ)

Sáng nay, trước khi Mật nghị Hồng y bắt đầu, hồng y người Ý Giovanni Battista Re, người chủ trì thánh lễ tập hợp 133 hồng y, đã kêu gọi tất cả « gác sang một bên mọi cân nhắc mang tính cá nhân » để hành động duy nhất « vì lợi ích của Giáo hội và nhân loại ». Vị giáo hoàng 91 tuổi, không tham gia Mật nghị vì lý do tuổi tác, nhấn mạnh là giáo hoàng tương lai sẽ phải đối mặt với một khúc quanh « phức tạp » của Lịch sử. Tại Quảng trường thánh Phêrô, Roma, nhiều khách du lịch và tín đồ túc trực để chờ đợi làn khói trắng, và thông tin về tân giáo hoàng. Các tín đồ trông đợi gì ở vị giáo hoàng tương lai.

Mật nghị bầu người kế nhiệm cố Giáo hoàng Phanxicô đang diễn ra là một trong những mật nghị đa dạng nhất trong lịch sử Công giáo La Mã, với các hồng y cử tri tới từ 71 quốc gia khác nhau trên 6 châu lục.

Ngoài ra, đây là lần đầu tiên 15 quốc gia có các hồng y bản địa là cử tri tham gia mật nghị. Theo đài CNN, trong số 133 hồng y có đủ tư cách bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo hoàng hôm nay (7/5) có 108 hồng y do cố Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm. 

Trong thời gian tại nhiệm, cố Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm hồng y ở nhiều quốc gia chưa từng có người đảm nhiệm vai trò này trước đó, bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Haiti, Malaysia, Myanmar, Paraguay và Singapore.  

Trong số các hồng y tham gia mật nghị bầu Giáo hoàng có 52 người tới từ châu Âu, 23 người tới từ châu Á, 20 người từ Bắc Mỹ, 17 người từ châu Phi, 17 người từ Nam Mỹ4 người từ châu Đại Dương. Italia có nhiều hồng y có thể bỏ phiếu nhất, gồm 17 người, trong khi Mỹ có 10 người, Brazil có 7 người và Anh có 3 người. 

Trong khi quá trình bầu chọn Giáo hoàng mới đang diễn ra sau cánh cửa đóng kín của Nhà nguyện Sistine, phần lớn sự chú ý đều dồn vào những ứng viên hàng đầu.  Nhà bình luận Alastair Bruce phát biểu: “Điều tuyệt vời nhất của mật nghị là chúng ta hoàn toàn không biết kết quả thế nào“.

Hôm nay (7/5) là ngày đầu tiên của mật nghị bầu Giáo hoàng và chỉ có một vòng bỏ phiếu được tổ chức. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo có thể diễn ra tới 4 lần bỏ phiếu trong một ngày với mỗi vòng bỏ phiếu sẽ mất khoảng 2 giờ. 


27 mạng người/km: Nga chịu tổn thất kỷ lục ở Ukraine trong năm 2024 (BBC)

2024 là năm đẫm máu nhất đối với quân đội Nga kể từ khi cuộc chiến toàn diện ở Ukraine bắt đầu: ít nhất 45.287 người đã thiệt mạng.

Con số này cao hơn gần ba lần so với năm đầu tiên của cuộc xâm lược và vượt xa đáng kể so với tổn thất của năm 2023, thời điểm diễn ra trận chiến dài và đẫm máu nhất tại Bakhmut.

Vào đầu cuộc chiến, số binh lính tử trận tăng theo từng đợt trong các trận chiến giành các địa điểm quan trọng, nhưng năm 2024 chứng kiến số người thiệt mạng tăng theo từng tháng khi chiến tuyến từ từ tiến về phía trước, cho phép chúng tôi xác định rằng Nga đã mất ít nhất 27 mạng người cho mỗi kilomet lãnh thổ Ukraine mà họ chiếm được.

BBC News Tiếng Nga, hợp tác với hãng truyền thông độc lập Mediazona và một nhóm tình nguyện viên, đã xử lý dữ liệu nguồn mở từ các nghĩa trang, đài tưởng niệm quân sự và cáo phó ở Nga.

Cho đến nay, chúng tôi đã xác định được danh tính của 106.745 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Con số thực tế rõ ràng cao hơn nhiều. Các chuyên gia quân sự ước tính con số của chúng tôi có thể chỉ chiếm từ 45% đến 65% tổng số người chết, nghĩa là từ 164.223 đến 237.211 người đã thiệt mạng.

Ngày 20/2 là ngày đẫm máu nhất đối với quân đội Nga trong năm 2024.

Trong số những binh sĩ thương vong có Aldar Bairov, Igor Babych và Okhunjon Rustamov, những người lính thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới số 36. Họ thiệt mạng khi bốn tên lửa HIMARS tầm xa của Ukraine tấn công một bãi huấn luyện gần thành phố Volnovakha ở vùng Donetsk bị chiếm đóng. Họ đã được lệnh xếp hàng để tham dự lễ trao huy chương. 65 quân nhân đã thiệt mạng, bao gồm cả chỉ huy của họ là Đại tá Musaev. Hàng chục người khác bị thương.

Theo dữ liệu của chúng tôi, tổng cộng có 201 lính Nga đã tử trận vào ngày hôm đó.

Vài giờ sau cuộc tấn công vào bãi huấn luyện, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là Sergei Shoigu đã gặp Tổng thống Vladimir Putin để báo cáo về “thành công quân sự” từ tiền tuyến.

Không có bất kỳ đề cập nào đến cuộc tấn công vào bãi huấn luyện, cũng không có dòng nào trong báo cáo hàng ngày của Bộ Quốc phòng Nga.

Một người họ hàng của Okhunjon Rustamov cho biết bà đã chôn cất ba người thân trong gia đình kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. “Vào tháng 12/2022, chồng tôi mất. Vào ngày 10/2/2024, cha đỡ đầu của tôi qua đời. Và vào ngày 20/2/2024 là anh trai cùng cha khác mẹ của tôi. Hết đám tang này đến đám tang khác”.

Khi phân tích, chúng tôi ưu tiên thông tin về ngày tử trận chính xác của những người lính. Nếu không có thông tin đó, chúng tôi sẽ sử dụng ngày tổ chức tang lễ hoặc ngày báo cáo tử vong.

Trong hai năm đầu của cuộc chiến, 2022 và 2023, tổn thất của quân đội Nga diễn ra theo dạng sóng: giao tranh ác liệt với thương vong cao xen kẽ với các giai đoạn tương đối yên bình.

Ví dụ, trong năm 2023, hầu hết thương vong xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, khi lực lượng Nga cố gắng chiếm các thành phố Vuhledar và Bakhmut ở Tỉnh Donetsk.

Trong năm đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện, theo tính toán của chúng tôi, Nga đã mất ít nhất 17.890 binh lính. Con số này không bao gồm tổn thất từ ​​hai lực lượng ủy nhiệm của Nga ở miền Đông Ukraine mà họ chiếm đóng.

Vào năm 2023, con số này tăng lên 37.633.

Đến năm 2024, không có khoảng thời gian nào ghi nhận mức giảm thương vong đáng kể. Các trận đánh đẫm máu ở Avdiivka và Robotyne được tiếp nối bằng các cuộc tấn công dữ dội vào Pokrovsk và Toretsk.

Tháng 8/2024, lính nghĩa vụ Nga thiệt mạng khi quân đội Ukraine vượt qua biên giới tiến vào vùng Kursk. Chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 6 – 13/8, ước tính có 1.226 binh lính Nga tử trận.

Tuy nhiên, tổn thất nặng nề nhất xảy ra trong cuộc tiến công chậm chạp của Nga ở phía đông Ukraine từ tháng 9 – tháng 11/2024, theo nhà phân tích quân sự hàng đầu của Mỹ, Michael Kofman.

“Chiến thuật tập trung vào các đợt tấn công liên tục với các nhóm tấn công phân tán, sử dụng đội hình bộ binh nhỏ, khiến thương vong tổng thể tăng cao so với diện tích kiểm soát được”, ông giải thích.

Sau gần hai năm giao tranh khốc liệt, quân đội Nga đã chiếm được trung tâm hậu cần Vuhledar ở vùng Donetsk vào ngày 1/10/2024.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ (ISW), từ tháng 9 – tháng 11/2024, quân đội Nga đã chiếm được 2.356 km2 lãnh thổ Ukraine.

Dẫu vậy, quân đội Ukraine ở tiền tuyến vẫn không sụp đổ.

Cái giá cho bước tiến này là ít nhất 11.678 binh sĩ Nga thiệt mạng.

Con số tổn thất thực tế có thể cao hơn. Chúng tôi chỉ tính những người lính và sĩ quan có tên trong cáo phó công khai và ngày mất hoặc ngày tang lễ của họ nằm trong khoảng thời gian này.Tổng cộng trong năm 2024, theo ISW, Nga đã chiếm được 4.168 km2 lãnh thổ Ukraine. Điều này có nghĩa là cứ mỗi km2 chiếm được, 27 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, chưa kể những người bị thương.

Theo tính toán của chúng tôi, lính tình nguyện đã trở thành nhóm có tỷ lệ tử vong gia tăng nhanh nhất, chiếm một phần tư số người đã được xác định danh tính.

Trong giai đoạn 2023-2024, hàng ngàn tình nguyện viên ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga đã được đưa ra tiền tuyến chỉ sau 10–14 ngày huấn luyện. Theo các chuyên gia, quá trình đào tạo tối thiểu như vậy làm giảm đáng kể cơ hội sống sót của họ.

Một nước cộng hòa thuộc Nga, Bashkortostan, có số thương vong cao nhất, với 4.836 binh lính được xác nhận thiệt mạng. Phần lớn họ đến từ các vùng nông thôn và 38% đã ra trận mà không có kinh nghiệm quân sự.


Năm nay Ukraina sẽ nhận được 3 triệu đạn pháo từ các đồng minh (RFI)

Trong chuyến thăm Cộng hòa Séc hôm 04/05/2025, tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo, trong năm nay Ukraina có thể nhận được 3 triệu đạn pháo từ các đồng minh, trong đó có 1,8 triệu được cung cấp trong khuôn khổ sáng kiến do Praha khởi xướng.

Hãng tin Ukrinform dẫn tuyên bố của tổng thống Ukraina : « Không chỉ có sáng kiến của Séc. Chúng tôi biết ơn họ về điều này, nhưng Nga phải biết là chúng tôi tin sẽ có 3 triệu đạn pháo ». Ông Zelensky cũng nói thêm rằng điều đó không có nghĩa là Ukraina mong muốn chiến tranh kéo dài, ông tuyên bố : « Chúng tôi muốn chấm dứt chiến tranh. Mọi cuộc chiến tranh đều có hồi kết. Tôi tin chắc cuộc chiến này sẽ kết thúc, cũng giống như mọi chế độ độc tài ».

Trong một bối cảnh khác, nhật báo Mỹ New York Times cho biết, Kiev sẽ nhận được hai hệ thống phòng không Patriot mới trong những tháng tới. Các thiết bị này có thể phát hiện tên lửa của đối phương ở khoảng cách hơn 100 km và vô hiệu hóa chúng ở khoảng cách xa. Hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất từ ​​lâu đã được chính quyền Ukraina yêu cầu sử dụng để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Ban đầu Hoa Kỳ do dự, không muốn cung cấp cho quân đội Ukraina, nhưng cựu tổng thống Joe Biden cuối cùng đã cho phép chuyển giao hệ thống đất đối không loại này vào tháng 12 năm 2022.

Trong một bài đăng hôm 04/5, New York Times dựa trên một nguồn tin của bốn quan chức Mỹ hiện tại và trước đây, xin ẩn danh, cho biết hai hệ thống Patriot này ban đầu được dự kiến chuyển từ Israel và Đức hoặc Hy Lạp. 

Hiện Ukraina có trong tay 8 hệ thống, trong đó chỉ có 6 hoạt động. Hệ thống phòng không Patriot rất đắt tiền, theo các chuyên gia, giá một hệ thống lên tới 2,5 tỷ đô la, chưa kể chi phí mua tên lửa.


Ukraina bắn hơn 100 drone vào Matxcơva trước lễ diễn binh mừng Ngày Chiến Thắng 09/05

Trong đêm rạng sáng ngày 06/05/2025, Ukraina đã phóng hơn 100 drone vào lãnh thổ Nga, chủ yếu nhắm vào Matxcơva, làm rối loạn hoạt động của hơn chục sân bay. Vụ tấn công diễn ra 3 ngày trước lễ kỷ niệm hàng năm, mừng ngày chiến thắng Đức Quốc Xã, 09/05/2025, được tổ chức rầm rộ ở Nga.

Thị trưởng Matxcơva, Sergey Sobyanin, được AFP trích dẫn, cho biết 19 drone nhắm vào thành phố đã bị bắn chặn và bày tỏ lo ngại thủ đô sẽ tiếp tục bị tấn công trong những ngày tới. Các mảnh vỡ của drone rơi xuống một đại lộ lớn ở phía nam thủ đô, nhưng không gây ra thương vong nào. Truyền thông Nga đăng tải những hình ảnh các cửa sổ siêu thị bị nứt, và mặt tiền của một tòa chung cư bị cháy đen.

Cơ quan hàng không dân dụng của Nga Rosaviatsia, cho biết 4 sân bay Sheremetyevo, Domodedovo, Vnukovo và Zhukovsky đã phải hạn chế hoạt động tạm thời trong đêm qua, đường băng của một số sân bay cũng tạm thời bị đóng.

Các drone của Ukraina cũng tấn công vào nhiều khu vực. Một số sân bay tại các thành phố lớn như Nizhny Novgorod, Samara, Saratov và Volgograd đã tạm thời ngừng hoạt động.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố hưu chiến từ ngày 08 đến 10/05, nhân dịp lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng, với lễ diễu binh cùng sự hiện diện của nhiều lãnh đạo cấp cao nước ngoài tại thủ đô. Về phía Ukraina, Kiev vẫn chưa rõ ràng, liệu có chấp nhận ngừng bắn trong ba ngày nói trên hay không.

Ngoài ra, vụ tấn công mới nhất diễn ra sau các báo cáo hôm 5/5 về nỗ lực mới của Ukraine nhằm xâm nhập vào khu vực Kursk của Nga.

Kyiv cho biết họ đã đánh trúng một đơn vị chỉ huy các drone ở khu vực Kursk vào hôm 4/5, gần ngôi làng Tyotkino ở khu vực Kursk của Nga, theo bộ tham mưu Ukraine.

Vào tháng 4/2025, Moscow cho biết họ đã giành lại quyền kiểm soát toàn bộ khu vực này, chín tháng sau khi lực lượng Ukraine tiến hành một cuộc xâm lược bất ngờ. Kyiv khẳng định vẫn có quân lính của họ vẫn hoạt động bên kia biên giới.

Cũng tại Kursk, các quan chức Nga báo cáo rằng một trạm biến áp điện ở thị trấn Rylsk đã mất điện vào hôm 5/5 sau khi bị hư hại trong một cuộc tấn công của Ukraine. Hai máy biến áp tại trạm biến áp ở Rylsk đã bị hư hại, theo thống đốc khu vực Kursk, Alexander Khinshtein đăng trên Telegram.

Quan chức này cho biết thêm rằng hai thiếu niên đã bị thương do mảnh đạn từ vụ nổ.

Nhiều blogger quân sự Nga cũng đưa tin rằng quân đội Ukraine đã cố gắng vượt qua biên giới vào làng, đăng tải những hình ảnh – vẫn chưa được BBC xác minh – về những chiếc xe vượt qua bẫy xe tăng ở biên giới. Theo các blogger, vào ngày 4/5, quân đội Ukraine đã bắn tên lửa qua biên giới và vượt qua các bãi mìn bằng xe chuyên dụng.

“Kẻ thù đã đánh sập các cây cầu bằng tên lửa vào ban đêm và tiến hành một cuộc tấn công bằng các nhóm thiết giáp vào buổi sáng”, hãng tin Reuters dẫn lời blogger RVvoenkor.

“Các xe rà phá bom mìn bắt đầu di chuyển qua các bãi mìn, tiếp theo là xe bọc thép chở quân. Một trận chiến ác liệt đang diễn ra ở biên giới”.

Trong một tuyên bố vào hôm 5/5, Ukraine cho biết: “Chín tháng sau khi bắt đầu chiến dịch Kursk, Lực lượng Phòng vệ Ukraine vẫn duy trì sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ khu vực Kursk của Nga”.

Mặc dù chưa có phản hồi chính thức nào từ Moscow, một số blogger quân sự cũng đã công bố bản đồ cho thấy các lực lượng đối địch đang cố gắng vượt biên giới ở hai địa điểm hướng tới Tyotkino – gần nơi đơn vị chỉ huy drone bị tấn công.

Trong khi đó, tại Sumy – cách Tyotkino khoảng 12km bên kia biên giới ở đông bắc Ukraine – chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân sơ tán khỏi hai khu dân cư, Reuters đưa tin.

Ukraine ban đầu đã phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Kursk vào tháng 8/2024 để tạo ra vùng đệm và bảo vệ Sumy cùng các khu vực lân cận, đồng thời hy vọng dùng khu vực này làm con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán trong tương lai.


Nội các an ninh Israel thông qua kế hoạch “chinh phục” Gaza (RFI)

Hôm 05/05/2025, Israel thông báo mở rộng cuộc tấn công vào dải Gaza,  lên kế hoạch “chinh phục” lãnh thổ Palestine, với mục tiêu loại trừ hoàn toàn phong trào Hồi giáo Hamas. Nội các chính trị-an ninh của Israel đã phê duyệt kế hoạch tác chiến mới vào đêm qua. Quân đội Israel cũng đã xác nhận việc triệu tập “hàng chục nghìn quân dự bị” để tham gia cuộc tấn công vào Gaza.

Thông tín viên Michel Paul  tại Jerusalem cho biết thêm chi tiết:

Nội các an ninh của Israel đã bật đèn xanh, cho phép tăng cường độ tấn công quân sự vào Gaza. Hoạt động này sẽ diễn ra theo nhiều giai đoạn vào nhiều nơi trong dải Gaza và sẽ phải mất nhiều tháng, theo các bộ trưởng đã thông qua kế hoạch này với sự nhất trí hoàn toàn.

Việc triệu tập lại hàng chục nghìn quân dự bị cũng đã được quyết định. Israel cũng đã cho phép, mặc dù những điều kiện không rõ ràng, đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào vùng đất của người Palestine nhờ sự hỗ trợ của một quỹ quốc tế. Mục đích của Israel là loại Hamas ra khỏi nguồn phân phát lương thực.

Kế hoạch này không dự kiến ​​sẽ có hiệu lực ngay lập tức và đã vấp phải sự phản đối từ phe cực hữu, nhất là bộ trưởng An Ninh Itamar Ben Gvir, và đã gây ra những cuộc tranh cãi gay gắt giữa ông với tham mưu trưởng quân đội, người đã cảnh báo các bộ trưởng cực đoan.


Đức: Friedrich Merz trở thành thủ tướng sau 2 vòng bỏ phiếu tại Hạ Viện (RFI)

Hôm 06/05/2025, trong cuộc bỏ phiếu vòng hai tại Hạ Viện Đức (Bundestag), ông Friedrich Merz, lãnh đạo liên minh bảo thủ Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU/CSU, đã được bầu làm thủ tướng với 325 phiếu thuận trên tổng số 630 dân biểu tại Hạ Viện.

Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz

Ngay khi có kết quả bỏ phiếu vòng 2, tổng thống Đức Steinmeier đã chính thức bổ nhiệm ông Friedrich Merz làm thủ tướng. Nhiều lãnh đạo quốc tế, như chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen, tổng thống Pháp Macron, tổng thống Ukraina Zelensky đã chúc mừng thủ tướng Đức Friedrich Merz.

AFP nhắc lại, trong cuộc bỏ phiếu sáng nay, ông Merz chỉ có được 310 phiếu thuận, trong khi phải có 316 phiếu mới được chọn làm thủ tướng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Đức kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, lãnh đạo một liên minh có đa số tại Hạ Viện lại không trúng cử thủ tướng ngay vòng một.

Việc sáng nay ông Merz thất bại trong vòng 1 đã làm dấy lên nỗi lo bất ổn chính trị vào lúc kinh tế bị trì trệ, quan hệ với Mỹ trở nên căng thẳng và phe cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ. Khi ông Merz thất bại ở vòng 1, đảng cực hữu Đức AfD đã kêu gọi tổ chức lại bầu cử lập pháp.


Ấn Độ không kích Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát (BBC)

Hai tuần sau vụ tấn công chết người nhằm vào du khách tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, Ấn Độ đã tiến hành một loạt cuộc không kích nhằm vào các địa điểm ở Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết các cuộc tấn công – mang tên “Chiến dịch Sindoor” – là một phần trong “cam kết” buộc những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công ngày 22/4/25, vụ bạo lực khiến 25 công dân Ấn Độ và một người Nepal thiệt mạng, phải “lãnh hậu quả”.

Tuy nhiên, Pakistan, từng phủ nhận việc có bất kỳ liên quan nào đến vụ tấn công tháng trước, đã gọi các cuộc không kích này là hành động “vô cớ” và Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tuyên bố “hành động xâm lược tàn ác này sẽ không thể không bị trừng phạt”.

Ngoại trưởng Pakistan Muhammad Ishaq Dar cho biết tám dân thường đã thiệt mạng và 35 người khác bị thương trong các cuộc không kích của Ấn Độ. Phía Ấn Độ hiện chưa đưa ra bình luận về con số thương vong này.

Phản ứng từ các bên

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi “kiềm chế tối đa”, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng “giao tranh sẽ sớm kết thúc”.

Trong khi lãnh đạo đảng Quốc Đại kêu gọi đoàn kết dân tộc, nhiều chính khách khác ủng hộ hành động quân sự của Ấn Độ.

Ông Mallikarjun Kharge, Chủ tịch đảng Quốc Đại – đảng đối lập chính tại Ấn Độ – tuyên bố rằng “đoàn kết và thống nhất dân tộc là điều cấp thiết vào lúc này”.

Ông khẳng định kể từ sau vụ tấn công hồi tháng trước ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, đảng của ông “luôn dứt khoát đứng về phía các lực lượng vũ trang và chính phủ trong bất kỳ hành động kiên quyết nào nhằm đối phó với khủng bố xuyên biên giới“.

Ông Asaduddin Owaisi, Chủ tịch đảng Toàn Ấn Majlis-e-Ittehadul Muslimeen (AIMIM), cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc “không kích chính xác” mà Ấn Độ tiến hành nhằm vào “các trại khủng bố trên lãnh thổ Pakistan”.

Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) đã lên án điều mà họ gọi là “hành động gây hấn của Ấn Độ khi tấn công vào khu dân cư bên kia biên giới”. PPP là một trong ba chính đảng lớn tại Pakistan và hiện do ông Bilawal Bhutto Zardari – con trai Tổng thống Asif Ali Zardari – làm chủ tịch.

Trong một tuyên bố đăng trên nền tảng X, đảng này nhấn mạnh rằng cuộc tấn công “không có lý do chính đáng” của Ấn Độ là hành vi vi phạm “luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc và chủ quyền của Pakistan”.

“Những hành vi khiêu khích của Ấn Độ sẽ bị đáp trả bằng toàn bộ sức mạnh và lòng quyết tâm không lay chuyển nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakistan,” tuyên bố nêu rõ.

Ngoại trưởng Iran Seyed Abbas Araghchi dự kiến sẽ đến thủ đô New Delhi vào cuối hôm nay 7/5, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Dự kiến, ông Araghchi sẽ có các cuộc gặp với Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu và Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar.

Trước đó trong tuần, ông Araghchi đã có chuyến thăm Islamabad, nơi ông hội đàm với Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pakistan, Tướng Syed Asim Munir, và Thủ tướng Shehbaz Sharif. Theo tuyên bố của Iran, hai bên đã trao đổi về quan hệ song phương, hợp tác biên giới và tăng cường an ninh tại các khu vực giáp ranh giữa hai nước.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang, Iran đã đề xuất vai trò trung gian hòa giải giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á này.

Ấn Độ tấn công vào đâu?

Ấn Độ cho biết vào rạng sáng ngày 7/5 rằng chín địa điểm khác nhau, ở cả khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát và bên trong lãnh thổ Pakistan, đã bị nhắm tới.

Ấn Độ nói rằng các địa điểm này là “hạ tầng khủng bố” – những địa điểm “lên kế hoạch và chỉ đạo” các cuộc tấn công.

Họ nhấn mạnh rằng họ không tấn công bất kỳ cơ sở quân sự nào của chính quyền Pakistan, đồng thời khẳng định hành động của mình là “có chọn lọc, có kiểm soát và không mang tính leo thang”.

Theo thông tin từ phía Pakistan, ba khu vực khác nhau đã bị tấn công: Muzaffarabad và Kotli ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát và Bahawalpur thuộc tỉnh Punjab của Pakistan.

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif nói với GeoTV rằng các cuộc tấn công đã nhắm vào khu vực dân sự, đồng thời cho rằng tuyên bố của Ấn Độ về việc “nhắm vào trại khủng bố” là sai sự thật.

Theo thông báo của Ngoại trưởng Pakistan Muhammad Ishaq Dar, tám dân thường đã thiệt mạng và 35 người khác bị thương trong các cuộc không kích của Ấn Độ.

Đến nay phía Ấn Độ chưa có phát ngôn nào liên quan đến con số thương vong nói trên.

Tại sao Ấn Độ tấn công?

Các cuộc không kích của Ấn Độ được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân, sau vụ xả súng đẫm máu tại thị trấn nghỉ dưỡng Pahalgam vào hôm 22/4.

Vụ tấn công ấy, do một nhóm tay súng vũ trang thực hiện, đã khiến 26 người thiệt mạng. Nhân chứng cho biết những kẻ tấn công đã cố tình nhắm vào đàn ông theo đạo Hindu, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên khắp Ấn Độ. Đây được xem là vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào dân thường ở khu vực Kashmir trong vòng hai thập kỷ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ truy lùng các nghi phạm “tới tận cùng Trái Đất” và khẳng định những kẻ chủ mưu “sẽ phải trả giá vượt xa sức tưởng tượng”. Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ Ấn Độ vẫn chưa công bố tổ chức nào đứng sau vụ tấn công.

Cảnh sát Ấn Độ cáo buộc hai tay súng trong nhóm tấn công là công dân Pakistan, đồng thời chỉ trích Pakistan hậu thuẫn các nhóm vũ trang. Pakistan đã bác bỏ cáo buộc này, khẳng định họ không liên quan đến vụ việc.

Trong hai tuần sau vụ xả súng, căng thẳng giữa hai bên liên tục gia tăng với loạt biện pháp trả đũa ngoại giao như trục xuất nhà ngoại giao, ngưng cấp thị thực và đóng cửa khẩu biên giới. Giới quan sát nhận định một cuộc oanh kích quân sự xuyên biên giới là điều khó tránh, gợi nhớ đến kịch bản sau vụ đánh bom Pulwama năm 2019 khiến 40 nhân viên bán quân sự Ấn Độ thiệt mạng.


Chiến tranh thuế quan: Mỹ và Trung Quốc lần đầu tiên họp chuẩn bị cho đàm phán (RFI)

Mỹ và Trung Quốc thông báo sẽ họp vào cuối tuần này tại Thụy Sĩ để chuẩn bị các cơ sở cho đàm phán thương mại. Theo AFP, đây là lần đầu tiên hai bên chấp nhận xuống thang kể từ khi Washington áp thuế hải quan 145% đối với hàng Trung Quốc và Bắc Kinh trả đũa với mức thuế 125%.

Trên kênh Fox News hôm 07/05/2025, bộ trưởng Thương Mại Mỹ Scott Bessent thông báo Mỹ và Trung Quốc sẽ họp trong hai ngày 10 và 11/05, với mục tiêu trước mắt là « xuống thang căng thẳng ». Ông Scott Bessent cho biết « nóng lòng có các trao đổi mang tính xây dựng với Trung Quốc nhằm tái cân bằng hệ thống kinh tế quốc tế để phục vụ tốt hơn cho lợi ích của nước Mỹ ».

Trong khi đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) cảnh báo « mọi áp lực với Trung Quốc sẽ không mang lại kết quả ». Theo bộ Thương Mại Trung Quốc, Trung Quốc sẽ « kiên quyết bảo vệ lập trường » trong cuộc họp sắp tới tại Thụy Sĩ giữa phó thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng) và bộ trưởng Tài Chính cùng đại diện Thương Mại Mỹ Jamieson Greer. Theo phía Trung Quốc, cuộc họp được tổ chức « theo yêu cầu của phía Mỹ ».

Ngân hàng Trung Quốc giảm lãi suất chỉ đạo, bơm tiền ồ ạt

Theo Reuters, trước thềm cuộc họp tại Thụy Sĩ, hôm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tung ra một loạt biện pháp để giảm thiểu các tổn thất về kinh tế do cuộc chiến thương mại với Mỹ, trong đó có việc hạ lãi suất chỉ đạo 0,5%, và bơm thêm tiền mặt với biện pháp giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) xuống 50 điểm đối với các ngân hàng kể từ ngày 15/05.

Theo thống đốc Ngân hàng Trung ương Phan Công Thắng (Pan Gongsheng), đợt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đầu tiên, từ tháng 9/2024, đã cho phép bơm ra thị trường khoảng 1.000 tỉ nhân dân tệ tiền mặt, tương đương 138 tỉ đô la. Lãi suất tiền cho vay mua bất động sản lần đầu với thời hạn hơn 5 năm cũng sẽ được giảm từ 2,85% xuống còn 2,6%.

FED dự kiến giữ nguyên lãi suất chỉ đạo

Về phía Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) hôm nay dự kiến vẫn giữ nguyên lãi suất chỉ đạo và tiếp tục theo dõi các hậu quả của cuộc chiến tranh thuế quan do tổng thống Donald Trump phát động. Thông báo chính thức sẽ được đưa ra vào 14 giờ chiều nay giờ Hoa Kỳ. Theo AFP, hiện tại, các chỉ số chính thức căn bản của nền kinh tế Mỹ về cơ bản vẫn ổn định : thất nghiệp 4,2% vào tháng 4, lạm phát 2,3% vào tháng 3, cao hơn một chút so với mục tiêu FED đề ra.


TIN VIỆT NAM.

Việt Nam sẽ học miễn phí từ Tiểu đến Trung Học

Theo tin các báo quốc doanh trong nước, kể từ tháng 9 tới đây, niên học 2025-2026, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu ngành GD-ĐT, các địa phương chuẩn bị điều kiện để dạy 2 buổi mỗi ngày miễn phí ở bậc tiểu học, và Trung Học Cơ Sở.

Văn phòng Trung ương Đảng vừa ra thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Chính phủ và các ban, bộ, ngành về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo (GD-ĐT); chuẩn bị nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, vào ngày 18-4 vừa qua.

Việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện.

Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian thực hiện từ năm học 2025 – 2026.

Hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh các xã biên giới

Xây dựng trường học phải có đủ phòng học, phòng thực hành thí nghiệm, có nước sinh hoạt, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, có sân chơi, chỗ ở cho giáo viên; các xã biên giới giáp quốc gia nào thì cần dạy tiếng nước đó cho học sinh để sau này có điều kiện tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước.  (Trích báo quốc doanh)


Bình quân mỗi tháng hơn 24.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Theo số liệu do Cục Thống kê công bố, trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước ghi nhận khoảng 96.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, vượt xa con số 89.900 doanh nghiệp gia nhập (bao gồm doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Thống kê cho thấy, mặc dù Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp, song môi trường kinh doanh vẫn chịu tác động tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Việc Mỹ áp thuế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang gây áp lực lớn lên hoạt động xuất khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước.

Chỉ tính riêng tháng 4, có hơn 15.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,5% so với tháng trước. Ngược lại, gần 7.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 63,6% so với tháng trước, và gần 8.990 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 83,5%.

Đáng chú ý, trong quý I/2025, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đạt 78.800, cao hơn đáng kể so với 72.900 doanh nghiệp gia nhập. Cũng trong quý này, chỉ có 24,1% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh khả quan hơn so với quý IV/2024, trong khi 45,8% kỳ vọng vào xu hướng cải thiện trong quý II/2025.

Về thương mại hàng hóa, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt khoảng 276,9 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 37,4 tỷ USD trong tháng 4, giảm 2,8% so với tháng trước, phản ánh rõ nét ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4 đạt 36,8 tỷ USD, tương đương tháng trước và tăng mạnh 22,9% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, nền kinh tế xuất siêu khoảng 3,8 tỷ USD.

Trong lĩnh vực đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính đến cuối tháng 4 đạt khoảng 13,8 tỷ USD, tăng trưởng mạnh 39,9% so với cùng kỳ năm 2024. Con số này bao gồm vốn đăng ký mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 đạt 1,7 triệu lượt, nâng tổng số khách quốc tế 4 tháng đầu năm lên hơn 7,6 triệu lượt, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch và dịch vụ sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch và biến động toàn cầu.

Về mặt bằng giá, lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm 2025 tăng 3,2%, vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát. Tuy nhiên, giá vàng tăng mạnh tới 32,85%, và tỷ giá USD tăng 3,52%, cho thấy sự thận trọng của thị trường trước các rủi ro vĩ mô trong và ngoài nước.


PMI tháng 4/2025 của Việt Nam giảm

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Manufacturing Purchasing Managers’ Index (PMI) – ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong tháng 4 đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, sau khi đã chỉ báo tăng trưởng lần đầu trong bốn tháng trong tháng 3. Kết quả chỉ số mới nhất đạt 45.6 điểm so với 50.5 điểm của kỳ trước, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy giảm rõ rệt so với tháng trước. Trên thực tế, các điều kiện kinh doanh đã xấu đi với mức độ lớn nhất kể từ tháng 5/2023.

Những thông báo về thuế quan của Mỹ đã khiến ngành sản xuất của Việt Nam suy giảm trở lại trong tháng 4. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm mạnh, trong khi niềm tin kinh doanh giảm thành mức thấp của 44 tháng khi có những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của thuế quan lên sản lượng trong tương lai. Tình trạng nhu cầu yếu khiến các công ty tiếp tục giảm giá bán hàng, trong khi chi phí đầu vào chỉ tăng nhẹ.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Manufacturing Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) – ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong tháng 4 đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, sau khi đã chỉ báo tăng trưởng lần đầu trong bốn tháng trong tháng 3. Kết quả chỉ số mới nhất đạt 45.6 điểm so với 50.5 điểm của kỳ trước, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy giảm rõ rệt so với tháng trước. Trên thực tế, các điều kiện kinh doanh đã xấu đi với mức độ lớn nhất kể từ tháng 5/2023.

Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất giảm đáng kể trong tháng 4, từ đó đảo ngược xu hướng tăng trong tháng 3. Hơn nữa, tốc độ suy giảm là mạnh và nhanh nhất trong gần hai năm. Người trả lời khảo sát cho biết tình trạng giảm của số lượng đơn đặt hàng mới phản ánh tác động của việc áp dụng thuế quan của Mỹ và sự biến động của tình hình thị trường quốc tế. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới thậm chí còn giảm nhanh hơn tổng số lượng đơn đặt hàng mới trước những tuyên bố về thuế quan. Lần giảm thứ sáu liên tiếp của số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài là đáng kể nhất kể từ tháng 6/2023.

Thuế quan, và tình trạng giảm số lượng đơn đặt hàng mới đã khiến sản lượng giảm trở lại sau khi tăng trong tháng 3. Mức giảm sản lượng là đáng kể và nhanh nhất kể từ tháng 1/2023. Các nhà sản xuất cũng lo ngại về ảnh hưởng của thuế quan lên sản xuất trong những tháng tới. Niềm tin kinh doanh đã giảm mạnh và là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Trên thực tế, mức độ lạc quan kỳ này là một trong những mức yếu nhất trong lịch sử khảo sát.

Lượng công việc tồn đọng giảm mạnh khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm, và tốc độ giảm hầu như ngang bằng với tháng trước.Lượng công việc giảm khiến các nhà sản xuất giảm việc làm, và đây là lần giảm thứ bảy liên tiếp. Hơn nữa, tốc độ giảm việc làm là mạnh nhất trong ba năm rưỡi.

Các công ty cũng giảm mạnh hoạt động mua hàng khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm và yêu cầu sản lượng giảm. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã giảm tháng thứ hai liên tiếp và trở thành mức giảm lớn nhất kể từ tháng 5/2023.

Kết quả là, tồn kho hàng mua cũng giảm, và mức độ giảm là lớn nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã khiến thời gian giao hàng của nhà cung cấp chỉ kéo dài một chút trong tháng 4, và mức độ kéo dài là ít nhất trong tám tháng.

Tuy nhiên, có một số báo cáo về sự chậm trễ giao hàng khi có những vấn đề liên quan đến tốc độ và mức độ sẵn có của phương tiện vận chuyển. Tình trạng nhu cầu suy yếu cũng ảnh hưởng đến giá cả trong tháng 4.

Trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng trong bối cảnh giá một số nguyên vật liệu tăng, tốc độ tăng chỉ là nhẹ và yếu nhất kể từ khi chuỗi tăng chi phí hoạt động hiện nay bắt đầu vào tháng 8/2023. Một số công ty nhắc đến giá dầu và chi phí vận tải giảm. Giá bán hàng đã giảm tháng thứ tư liên tiếp. Mặc dù chỉ ở mức khiêm tốn, tốc độ giảm là mạnh nhất trong 21 tháng

Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nói: “Việc áp thuế của Mỹ đã đẩy ngành sản xuất Việt Nam vào tình trạng suy giảm trong tháng 4, khi các công ty đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của số lượng đơn đặt hàng mới, xuất khẩu và sản lượng. Hơn nữa, khả năng tiếp tục xảy ra gián đoạn cho ngành sản xuất do thuế quan bổ sung khiến niềm tin kinh doanh giảm và trở thành một trong những mức thấp nhất từng được ghi nhận. Trong một tình hình không ổn định, điều quan trọng là cần theo dõi dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong những tháng tới để xem các điều kiện kinh doanh diễn biến như thế nào”.


Giá vàng miếng vượt 122 triệu đồng/lượng

(Dân trí) – Giá vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt tăng trong phiên ngày 6/5. Theo đó, giá bán vàng miếng SJC quanh 122,2 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn là 118 triệu đồng/lượng.

Kết phiên giao dịch ngày 6/5, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 120,2-122,2 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 2,4 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn được điều chỉnh với biên độ hẹp hơn, niêm yết ở mức 115,5-118 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 3 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra.

Mở phiên giao dịch sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá kim loại quý neo quanh mức 3.393 USD/ounce, giảm 45 USD so với mức đỉnh trong phiên hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, giá vàng thế giới tương đương 106,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng vượt 122 triệu đồng/lượng – 1

Trong phiên 6/5, giá vàng chạm 3.436 USD/ounce, mức cao nhất trong hai tuần. Giá vàng tăng nhờ lực mua mạnh từ Trung Quốc sau kỳ nghỉ lễ kéo dài và lo ngại về khả năng Mỹ áp thuế đối với hàng nhập khẩu dược phẩm.

Giám đốc nghiên cứu Adrian Ash của BullionVault cho biết, đà tăng của vàng được hỗ trợ bởi làn sóng đầu tư mới từ Trung cộngc, cùng với nỗ lực của các ngân hàng trung ương toàn cầu nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm phụ thuộc vào đồng USD.

Trong khi đó, đồng bạc xanh suy yếu khi các nhà đầu tư ngày càng mất kiên nhẫn với các tiến triển thương mại, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.

Yếu tố khác dự kiến sẽ tác động đến hướng đi của vàng là đường hướng lãi suất của Fed. Hiện tại, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ quyết định chính sách sắp tới của Ngân hàng Trung ương Mỹ, với phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ đưa ra manh mối về thời điểm nới lỏng.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, tỷ giá trung tâm hiện được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.938 đồng/USD, giảm 4 đồng so với trước đó. Với biên độ 5%, tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là 23.692-26.187 đồng/USD.

Ngân hàng lớn niêm yết giá USD tại 25.760-26.150 đồng (mua – bán), tăng nhẹ 10 đồng ở cả chiều mua và bán. Ngân hàng cổ phần niêm yết giá USD tại 25.760-26.160 đồng (mua – bán).

Trên thị trường “chợ đen”, đồng USD được giao dịch ở mức 26.420-26.520 đồng (mua – bán), giảm 10 đồng mỗi chiều.