Tin Hoa Kỳ & Thế Giới

Đàm Phán Thương Mại Với Trung Cộng Có Kết Quả Tốt

Các viên chức Hoa Kỳ cho biết họ đã đạt được tiến triển sau hai ngày đàm phán thương mại với các viên chức Trung Cộng tại Thụy Sĩ vào ngày 11 tháng 5.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent đã gặp Phó Thủ tướng Trung Cộng He Lifeng tại Geneva vào cuối tuần để giảm căng thẳng thương mại sau khi hai nước áp đặt mức thuế quan đáng kể lên hàng hóa của nhau trong những tháng gần đây.

Ông Scott Bessent cho biết, “Tôi vui mừng báo cáo rằng chúng tôi đã đạt được tiến triển đáng kể giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng trong các cuộc đàm phán thương mại quan trọng”. Ông Bessent nói, ông đã thông báo cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về tiến trình này và sẽ có cuộc họp báo đầy đủ vào sáng ngày 12 tháng 5.

Trong bài phát biểu, Bessent không nhắc đến một thỏa thuận hay hiệp định nào, nhưng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer, người cũng tham dự các cuộc đàm phán, cho biết các cuộc đàm phán mang tính xây dựng và kết thúc bằng một thỏa thuận đạt được với “các đối tác Trung Cộng” nhằm hướng tới mục tiêu giảm thâm hụt thương mại hàng hóa toàn cầu trị giá 1,2 nghìn tỷ đô la của Hoa Kỳ.

Greer cho biết: “Điều quan trọng là phải hiểu chúng ta có thể đi đến thỏa thuận nhanh, có lẽ những khác biệt không lớn như chúng ta nghĩ”.

Ông cho biết, các viên chức Trung Cộng tham gia đều là những “nhà đàm phán cứng rắn”. Trong cuộc họp báo sau đó, Trung Cộng cho rằng cuộc đàm phán là “cuộc đối thoại thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng”. Phó Thủ tướng Trung Cộng He Lifeng cho biết cả hai bên đã nhất trí “thiết lập cơ chế tham vấn” để thảo luận thêm về các vấn đề thương mại và kinh tế.

Các viên chức Trung Cộng cho biết hai bên sẽ đưa ra tuyên bố chung vào thứ Hai, mặc dù ngày giờ vẫn chưa rõ ràng.

Các cuộc thảo luận đánh dấu lần đầu tiên Bessent, Greer và He gặp nhau trực tiếp kể từ khi Hoa Kỳ và Trung Cộng bắt đầu áp đặt mức thuế vượt xa 100% đối với hàng nhập cảng của nhau.

Bessent trước đó đã nói rằng thuế quan song phương giữa hai nước cần phải được giảm bớt trong nỗ lực hướng tới giảm leo thang nhưng không cung cấp thêm thông tin về khả năng cắt giảm và không trả lời câu hỏi của các phóng viên.


Hamas Cho Biết Sẽ Thả Con Tin Người Mỹ Cuối Cùng

Nhóm khủng bố Hamas tuyên bố vào ngày 11 tháng 5 rằng họ sẽ thả Edan Alexander, con tin người Mỹ cuối cùng còn sống ở Gaza, trong nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn với Israel và tiếp tục cung cấp viện trợ vào vùng lãnh thổ đang bị chiến tranh tàn phá mà họ kiểm soát.

Hamas không nêu rõ thời điểm Alexander được thả, nhưng thông báo này được đưa ra khi Tổng thống Donald Trump chuẩn bị thăm Trung Đông vào tuần này. Ông không có kế hoạch tới thăm Israel trong chuyến đi này.

Mặc dù là người gốc Hoa Kỳ, Alexander, 21 tuổi, là một người lính Mỹ gốc Israel bị bắt tại căn cứ trong cuộc bao vây miền nam Israel của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, châm ngòi cho cuộc chiến ở Gaza.

Văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không đưa ra lời nào trong lúc này, mặc dù chính phủ của ông trước đó đã bày tỏ sự thất vọng với chính quyền Trump vì đã đàm phán với Hamas vào đầu năm nay.

Lãnh đạo Hamas tại Gaza, Khalil al-Hayyah, cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã liên lạc với họ trong nhiều ngày qua.

Trong một tuyên bố, ông cho biết Hamas sẵn sàng “bắt đầu các cuộc đàm phán ngay lập tức” để chính thức hóa lệnh ngừng bắn lâu dài, qua đó chấm dứt chiến tranh, trao đổi tù nhân và con tin Palestine ở Gaza, và trao quyền quản lý Gaza cho một cơ quan độc lập.

TT Trump và đặc phái viên của ông tại Trung Đông, Steve Witkoff, đã nhiều lần nhắc đến Alexander trong vài tháng qua. Witkoff đã gặp gỡ các gia đình con tin trong chuyến thăm Israel vào ngày 11 tháng 5. Ông Witkoff cho biết, “Chúng tôi muốn đưa các con tin về nhà, nhưng Israel không muốn chấm dứt chiến tranh. Israel đang kéo dài thời hạn mặc dù chúng tôi không thấy có hướng đi nào khác và cần phải đạt được thỏa thuận. Hiện tại có một cơ hội mà chúng tôi hy vọng Israel và tất cả các bên hòa giải sẽ tận dụng. Chúng tôi đang gây sức ép lên tất cả các bên hòa giải và làm mọi cách có thể để đưa các con tin trở về nhà”.

Ông nói thêm, “Mỗi lần họ nhắc đến tên Edan, họ như thể không quên,  rằng anh ta là người Mỹ và họ đang muốn tìm hiểu thêm về điều đó”.

Theo lời kể của người mẹ, vào kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vào tháng 11 năm 2024, Hamas đã phát hành một đoạn video về Alexander. Bà cho biết đoạn video rất khó xem vì có tiếng kêu cứu và cầu xin giúp đỡ của anh, nhưng cũng rất đáng an tâm vì đó là dấu hiệu gần đây nhất cho thấy người lính trẻ vẫn còn sống.

Alexander là người bản xứ ở Tenafly, New Jersey, nơi cha mẹ và anh chị em của anh vẫn đang sinh sống. Năm 2022, anh chuyển đến Israel sau khi học xong trung học và gia nhập Lực lượng Phòng vệ Israel.

Hiện vẫn còn 59 con tin bên trong Gaza, và khoảng một phần ba trong số họ được cho là vẫn còn sống. Hầu hết các con tin còn lại đều được thả ra thông qua các cuộc đàm phán ngừng bắn hoặc các thỏa thuận khác.


TT Zelenskyy Nói Rằng Ông Sẵn Sàng Gặp Putin Ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chp biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 11 tháng 5, đồng ý gặp ông tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15 tháng 5 trong khi nhắc lại sự cần thiết phải có lệnh ngừng bắn tạm thời, hoàn toàn giữa hai nước trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán về một nền hòa bình lâu dài. Zelenskyy viết trong bài đăng trên mạng xã hội X, “Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy người Nga cuối cùng đã bắt đầu cân nhắc đến việc chấm dứt chiến tranh. Toàn thế giới đã chờ đợi điều này trong một thời gian rất dài. Và bước đầu tiên để thực sự chấm dứt chiến tranh là lệnh ngừng bắn”.

TT Ukraine – Zelenskyy

Ukraine đang chờ “một lệnh ngừng bắn toàn diện và lâu dài, bắt đầu từ ngày mai, để tạo cơ sở cần thiết cho hoạt động ngoại giao”,

TT. Zelenskyy viết trong bài đăng sau đó vào ngày 11 tháng 5, đồng thời đồng ý gặp Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ, “Cá nhân tôi hy vọng rằng lần này người Nga sẽ không tìm lý do để bào chữa”.

Vào ngày 11 tháng 5, Nga tiếp tục các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Ukraine, chấm dứt thời gian tạm dừng chiến sự kéo dài ba ngày mà Nga tự tuyên bố.

Không quân Ukraine tuyên bố vào ngày 11 tháng 5 rằng Nga đã phóng 108 máy bay không người lái, tấn công từ sáu địa điểm khác nhau, trong đó có 60 máy bay không người lái bị bắn hạ và 41 máy bay không người lái mô phỏng khác không bắn trúng mục tiêu sau các biện pháp đối phó của Ukraine.

Cả hai quốc gia đều cáo buộc lẫn nhau, cả hai bên  vi phạm lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày, khi Bộ Quốc Phòng Nga tuyên bố vào ngày 11 tháng 5 rằng Ukraine đã vi phạm 14.000 lần. Ukraine cũng cáo buộc Nga vi phạm lệnh ngừng bắn, và Bộ trưởng Ngoại Giao Ukraine gọi đó là trò hề.

Ukraine không đồng ý với lệnh ngừng bắn từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 5 mà Nga đơn phương tuyên bố và cáo buộc Nga liên tục vi phạm lệnh này.

TT Zelenskyy nhấn mạnh đề nghị bắt đầu lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày vào ngày 12 tháng 5, nói rằng ông hy vọng Putin sẽ cam kết ngừng bắn “hoàn toàn, lâu dài và đáng tin cậy” vào ngày 12 tháng 5 và rằng “Ukraine sẵn sàng đáp ứng. Không có lý do gì để tiếp tục giết chóc dù chỉ một ngày”.

Trong bài phát biểu với giới truyền thông vào sáng sớm ngày 11 tháng 5, Putin đã kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine tại Istanbul vào ngày 15 tháng 5 “mà không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào”, trong đó có thể đàm phán về lệnh ngừng bắn.

Các nhà lãnh đạo từ bốn quốc gia lớn ở châu Âu đang đe dọa sẽ gia tăng áp lực lên Moscow nếu nước này không đồng ý ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày tại Ukraine, cùng nhau đoàn kết vào ngày 10 tháng 5 vì Kyiv.

Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ba Lan và Anh cho biết trong một tuyên bố chung,  “Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của Tổng thống Hoa Kỳ [Donald] Trump về một thỏa thuận hòa bình và kêu gọi Nga ngừng cản trở những nỗ lực bảo đảm một nền hòa bình lâu dài. Cùng với Hoa Kỳ, chúng tôi kêu gọi Nga đồng ý ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện trong 30 ngày để tạo không gian cho các cuộc đàm phán về một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Chính quyền TT Trump trước đó cũng đã đề nghị lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày giữa hai quốc gia đang có chiến tranh, mặc dù Moscow có vẻ miễn cưỡng chấp nhận đề nghị này.

Vài giờ sau phát biểu của Putin vào ngày 11 tháng 5, Trump nói rằng đó là “một ngày có thể rất tuyệt vời đối với Nga và Ukraine!”


Hoa Kỳ, Iran Đồng Ý Tiếp Tục Đàm Phán Hạch Tâm

Các viên chức Iran và Hoa Kỳ đã kết thúc vòng đàm phán thứ tư về các vấn đề liên quan đến chương trình hạch tâm của Iran vào ngày 11 tháng 5, với cả hai bên đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo.

Đặc phái viên của tổng thống Hoa Kỳ Steve Witkoff và Bộ trưởng Ngoại Giao Iran Abbas Araqchi đã có cuộc hội đàm kéo dài ba tiếng đồng hồ tại Muscat, thủ đô của Oman, nơi đóng vai trò là trung gian trong các cuộc đàm phán hạch tâm giữa Hoa Kỳ và Iran.

Các cuộc đàm phán diễn ra trước chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Donald Trump vào tuần này. Hoa Kỳ muốn Iran kiềm chế chương trình hạch tâm của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ áp đặt.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Iran Esmaeil Baghaei cho biết các cuộc đàm phán gián tiếp gần đây là “khó khăn nhưng hữu ích” trong việc hiểu được lập trường của nhau và tìm ra “những cách thực tế” để giải quyết những khác biệt. Thông tin chi tiết về vòng đàm phán tiếp theo sẽ được Oman phối hợp và công bố, Baghaei tuyên bố trên nền tảng truyền thông xã hội X.

Một viên chức cấp cao của Hoa Kỳ, xin giấu tên, đã cho biết, cuộc họp bao gồm cả trao đổi trực tiếp và gián tiếp, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về kết quả. “Chúng tôi rất vui mừng trước kết quả của ngày hôm nay và mong chờ cuộc họp tiếp theo, sẽ diễn ra trong tương lai gần”. Viên chức này cũng cho biết, cả hai bên đã nhất trí giải quyết “các yếu tố kỹ thuật”.

Bộ trưởng Ngoại Giao Oman Badr Albusaidi, người làm trung gian cho các cuộc đàm phán Iran-Hoa Kỳ, tuyên bố rằng vòng đàm phán mới nhất bao gồm “những ý tưởng hữu ích và độc đáo”, mà ông cho biết phản ảnh mong muốn chung là đạt được thỏa thuận nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Albusaidi nói thêm rằng vòng đàm phán thứ năm sẽ diễn ra sau khi cả hai bên tham khảo ý kiến ​​của các nhà lãnh đạo tương ứng.

Cuộc họp thứ tư ban đầu được lên lịch vào ngày 3 tháng 5 nhưng đã bị hoãn lại do những lý do chưa được nêu rõ. Araqchi cũng đã tham gia hai vòng đàm phán đầu tiên với Witkoff vào tháng trước và một vòng đàm phán kỹ thuật chuyên môn hơn vào ngày 26 tháng 4.

Trước cuộc gặp với Araqchi vào ngày 11 tháng 5, Witkoff nói với Breitbart News rằng Iran phải tháo dỡ các cơ sở làm giàu uranium ở Natanz, Fordow và Isfahan để chứng minh với Hoa Kỳ rằng Iran đã ngừng phát triển vũ khí hạch tâm.

Witkoff nói, “Một chương trình làm giàu Uranium không thể tồn tại ở Iran nữa. Đó là lằn ranh đỏ của chúng tôi. Không làm giàu Uranium có nghĩa là tháo dỡ, nghĩa là không vũ khí hóa”.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, Araqchi mô tả các cuộc đàm phán gần đây với Witkoff là “nghiêm túc và thẳng thắn hơn nhiều” so với các vòng trước.

Tuy nhiên, bộ trưởng Iran cho biết “hoàn toàn không có chỗ cho sự thỏa hiệp” khi nói đến việc làm giàu Uranium của Iran được sử dụng để phát triển vũ khí hạch tâm. Ông nói trên đài truyền hình của chính phủ Iran, “Quy mô, mức độ, kích thước hoặc số lượng [làm giàu] có thể phải tuân theo một số hạn chế nhất định vì mục đích xây dựng lòng tin, như đã từng làm trong quá khứ, nhưng nguyên tắc làm giàu Uranium là không thể thương lượng”,


Ấn Độ, Pakistan Tuân Thủ Lệnh Ngừng Bắn Sau Khi TT Trump Đề Nghị Giúp Đỡ Cả Hai Bên

Ấn Độ và Pakistan vẫn duy trì lệnh ngừng bắn vào ngày 11 tháng 5, sau những cáo buộc rằng mỗi bên phải chịu trách nhiệm cho các hành vi vi phạm quân sự ban đầu.

Một viên chức quân đội cấp cao của Ấn Độ cho biết, quân đội Ấn Độ đã cảnh báo Pakistan vào ngày 11 tháng 5 về việc vi phạm lệnh ngừng bắn mà hai quốc gia đã nhất trí trong tuần này, gửi cho quốc gia láng giềng phía bắc một “tin nhắn đường dây nóng” cam kết sẽ đáp trả nếu các hành vi vi phạm tiếp tục.

Lệnh ngừng bắn mong manh, được ban hành vào ngày 10 tháng 5 sau bốn ngày liên tục tấn công giữa hai cường quốc quân sự, mà cả hai đều có vũ khí hạch tâm, dường như vẫn tiếp diễn vào Chủ Nhật sau khi cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm vào đêm Thứ Bảy.

Trong cuộc giao tranh tồi tệ nhất giữa Ấn Độ và Pakistan trong gần ba thập niên, cả hai bên đã bắn hỏa tiễn và máy bay không người lái vào các mục tiêu quân sự của nhau, khiến gần 70 người thiệt mạng.

Trung tướng Rajiv Ghai, tổng giám đốc các hoạt động quân sự của Ấn Độ, đã thảo luận về lệnh ngừng bắn trong một cuộc họp báo, ông nói rằng, “Đôi khi, những sự hiểu biết này cần thời gian để có kết quả trên thực địa. Các lực lượng vũ trang [Ấn Độ] đã được đặt trong tình trạng báo động rất cao và vẫn tiếp tục trong tình trạng đó”.

Ông Ghai cho biết người đồng cấp của ông tại Pakistan đã liên lạc vào chiều thứ Bảy để kêu gọi “chấm dứt thù địch” và đàm phán ngừng bắn ngay lập tức.

Chính quyền TT Trump cũng đã tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp với hai quốc gia để chấm dứt giao tranh.

Trong khi áp lực của Hoa Kỳ đã giúp bảo đảm thỏa thuận ngừng bắn, chỉ vài giờ sau khi nó được thực hiện, hỏa lực pháo binh đã được nhìn thấy ở Kashmir của Ấn Độ, nơi chứng kiến ​​phần lớn các cuộc giao tranh vào tuần trước.

Theo chính quyền địa phương, tiếng nổ từ các hệ thống phòng không đã được nghe thấy ở các thành phố gần biên giới trong tình trạng mất điện, tương tự như những tiếng nổ được mô tả trong hai ngày trước đó. Ấn Độ cáo buộc Pakistan vi phạm lệnh ngừng bắn vào cuối ngày 10 tháng 5.

Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri cho biết, “Trong vài giờ qua, đã có những vi phạm liên tục đối với thỏa thuận đã đạt được vào đầu giờ tối nay giữa các tư lệnh quân sự của Ấn Độ và Pakistan. Đây là hành vi vi phạm thỏa thuận đã đạt được vào đầu giờ sáng nay”.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã có bài phát biểu trước toàn quốc vào cuối buổi tối ngày 10 tháng 5, tuyên bố “chiến thắng” và coi Ấn Độ là kẻ xâm lược. Ông nói, “Ấn Độ, vì quá kiêu hãnh, họ đã cố tấn công biên giới của chúng tôi thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, bằng hỏa tiễn, và họ cũng đã cướp đi sinh mạng của những người vô tội. Họ đã phá hủy các nhà thờ Hồi giáo. Họ muốn nhắm vào tất cả những nơi rất quý giá của chúng tôi, và sau đó chúng tôi quyết định sẽ trả đũa theo cách tương tự”.


Nhà Cầm Quyền Trung Cộng Lên Án Các Video Tuyển Dụng Nhân Viên Của CIA

Sau khi CIA công bố hai video để thuyết phục các viên chức Trung Cộng cung cấp thông tin tình báo về chế độ cộng sản của Trung Cộng, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã lên án nỗ lực này là “ xâm nhập”.

Các nhà phân tích cho biết phản ứng mạnh mẽ của nhà cầm quyền Trung Cộng cho thấy các video của CIA đang có tác động đến các viên chức trong hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cầm quyền tại Trung Quốc.

Vào ngày 1 tháng 5, CIA đã công bố hai video ngắn bằng tiếng Quan Thoại, nói chuyện trực tiếp với các viên chức của ĐCSTQ và dụ dỗ họ làm việc với CIA.

Video đầu tiên nhắm vào các viên chức cao cấp của ĐCSTQ đã chứng kiến ​​đồng nghiệp của mình mất quyền lực, vào tù hoặc mất tích. Sau khi tóm tắt lại những cuộc đấu tranh nội bộ giữa các viên chức cấp cao của ĐCSTQ, video kêu gọi bất cứ viên chức cao cấp nào của ĐCSTQ “muốn kiểm soát số phận của mình để tìm ra con đường bảo vệ những người thân yêu và thành quả của công việc khó khăn cả đời” thì nên làm việc cho Hoa Kỳ.

Video liên kết đến một trang có hướng dẫn về cách liên hệ với CIA thông qua dịch vụ Tor—một đường dây kỹ thuật an toàn, ẩn danh và được mã hóa.

Video thứ hai nhắm vào các viên chức cấp thấp của ĐCSTQ, đồng cảm với sự bất mãn của họ với chế độ Trung Cộng và nhắc lại rằng công sức của họ chỉ mang lại lợi ích cho một số ít thành phần chóp bu của đảng. Video kết thúc bằng câu nói, “Chúa giúp những ai tự giúp mình, và số phận của các bạn nằm trong tầm kiểm soát của các bạn”.

Đáp lại các video của CIA, Lin Jian, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, đã chỉ trích Hoa Kỳ tại một cuộc họp báo vào ngày 6 tháng 5, gọi việc phát hành các video là “vi phạm trầm trọng đến lợi ích quốc gia của Trung Cộng và là hành động khiêu khích chính trị thuần túy”.

Lin cho biết Bắc Kinh sẽ đẩy lùi “các hoạt động phá hoại từ nước ngoài”.

Một chuyên gia về Trung Cộng cho biết lời cảnh báo của chế độ Trung Cộng đối với Hoa Kỳ nhằm mục đích đe dọa các viên chức ĐCSTQ đang cân nhắc lời đề nghị của CIA.

Chung Chih-tung, trợ lý nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia, Đài Loan, đã cho biết, “Tác dụng răn đe Trung Cộng chỉ giới hạn đối với những viên chức ĐCSTQ đã bị chế độ đàn áp và đối với những người bi quan về chế độ ĐCSTQ vì họ sẵn sàng chiến đấu đến chết với ĐCSTQ”.

Chung cho biết đây là lần đầu tiên Washington công khai tạo điều kiện cho các viên chức ĐCSTQ đào tẩu kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Ông nói, “Đây là phát súng đầu tiên và đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho làn sóng đào tẩu của các viên chức Trung Cộng”.

Các video tuyển dụng thực sự đã tạo ra tác động, xét theo phản ứng mạnh mẽ của Trung Cộng, Shen Ming-shih, giám đốc bộ phận nghiên cứu an ninh quốc gia tại Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng và An Ninh Đài Loan, đã nói với The Epoch Times vào ngày 8 tháng 5. “ĐCSTQ nhạy cảm hơn với hoạt động gián điệp và có thể tiến hành nhiều hoạt động giám sát hơn hoặc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn, điều này sẽ gây ra nhiều rắc rối hơn cho công dân hoặc viên chức cơ sở”.  Shen cho biết hiện tại, các điệp viên nước ngoài khó có thể vào Trung Quốc để thu thập thông tin tình báo thông qua các hoạt động kinh doanh hoặc trao đổi, vì họ sẽ dễ dàng bị phát giác.

Ông cho biết, “Khi người ngoại quốc xuất hiện ở Trung Quốc, họ sẽ bị theo dõi”.


Tập Cận Bình Kêu Gọi Thanh Niên Trung Quốc Về Làm Việc Ở Vùng Nông Thôn

Khi nền kinh tế đang suy yếu của Trung Cộng ngày càng gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình một lần nữa kêu gọi thanh niên Trung Quốc nên tìm việc ở vùng nông thôn.

Phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin vào ngày 3 tháng 5, đêm trước “Ngày Thanh Niên” của Trung Cộng, rằng Tập Cận Bình đã gửi một lá thư cho một nhóm giáo viên tình nguyện tại một trường nội trú xa xôi ở khu vực Tân Cương.

Tập ​​Cận Bình cho biết, “ngày càng có nhiều thanh niên đến các vùng nông thôn hoặc biên giới để phục vụ”. Và ông kêu gọi thanh niên trên toàn quốc “nên đi đến những nơi tổ quốc đang cần để tỏa sáng và cống hiến hết mình”.

Các nhà chức trách của Đảng đã nhiều lần kêu gọi thanh niên Trung Cộng tìm kiếm việc làm ở các vùng nông thôn trong lúc triển vọng kinh tế của Trung Cộng không mấy sáng sủa.

Trong một lá thư năm 2023, Tập Cận Bình khuyến khích sinh viên đại học về nông thôn vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp trong số thanh niên thành thị Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi đã đạt mức cao kỷ lục là 21,3 phần trăm, với 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường lao động vào tháng 6 năm đó.

Cùng năm đó, Ủy ban Đoàn Thanh Niên Cộng Sản tỉnh Quảng Đông đã lên kế hoạch tổ chức 300.000 thanh niên chuyển đến nông thôn trong ba năm tiếp theo. Thông báo này gợi lại những ký ức nhạy cảm cho nhiều người dân Trung Quốc.

Từ năm 1968 đến năm 1978, khoảng 17 triệu sinh viên đại học và trung học Trung Quốc, đã bị đưa về nông thôn để “được những người nông dân nghèo và trung lưu thấp giáo dục lại”.

Nhiều sinh viên trong số này là Hồng Vệ Binh, những người hoạt động tích cực cho Cách Mạng Văn Hóa. Hồng vệ binh, bao gồm sinh viên đại học và trung học, đã thành lập các nhóm chiến binh trên khắp cả nước. Khi đó, lãnh đạo ĐCSTQ là Mao Trạch Đông đã huy động họ tấn công các viên chức mà ông cho là không đủ tính cách mạng. Nhiệm vụ của họ cũng bao gồm việc xóa bỏ mọi tàn tích của nền văn hóa Trung Hoa truyền thống và thanh trừng xã hội khỏi mọi thành phần được cho là tư sản, bằng các hình thức bạo lực từ năm 1966 đến năm 1968.

Trong quá trình này, họ đã phá hủy các ngôi đền, hiện vật và các tòa nhà lịch sử, đồng thời đánh đập các viên chức, trí thức và những người khác.

Sau khi Mao giành lại toàn quyền kiểm soát chế độ từ các đối thủ chính trị của mình trong ĐCSTQ thông qua phong trào này, số lượng lớn Hồng Vệ Binh, đã mất đi tính hữu dụng của mình, trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với chế độ. Tình hình đó phát sinh khi các trường học đã bị đóng cửa trong Cách Mạng Văn Hóa, khiến họ thất nghiệp trong bối cảnh suy thoái kinh tế và nghèo đói lan rộng. Do đó, Mao đã cưỡng chế di dời họ đến vùng nông thôn và các vùng xa xôi.

Những Hồng Vệ Binh trẻ tuổi vung vít các tài liệu “Sách Đỏ Nhỏ” của Mao Chủ tịch ở Bắc Kinh trong Cách Mạng Văn Hóa năm 1966. Hồng Vệ Binh đã hoành hành khắp các thị trấn Trung Quốc, khủng bố người dân, đặc biệt là người già.

Vào năm 2025, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học dự định ​​sẽ đạt 12,22 triệu, lập kỷ lục mới, trong khi cuộc khủng hoảng thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc vẫn tiếp diễn từ những năm trước.

Khi Hoa Kỳ áp đặt mức thuế quan mới nặng nề đối với Trung Cộng, nhiều công ty xuất cảng của Trung Cộng đã chứng kiến ​​đơn hàng giảm mạnh, khiến các nhà máy phải đình chỉ sản xuất. Hàng chục triệu việc làm có thể bị mất ở Trung Quốc nếu mức thuế quan không sớm được giảm, gây thêm áp lực lên thị trường việc làm vốn đã ảm đạm.

Với số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học kỷ lục vào mùa hè này, các nhà phân tích cho rằng hành động thúc đẩy những người trẻ tuổi đến các vùng nông thôn để làm việc của Tập Cận Bình là nhằm ổn định chính trị của chế độ cộng sản và che đậy những khó khăn dai dẳng về tình trạng thất nghiệp ở các thành phố.

Sheng Xue, một nhà văn và nhà hoạt động người Canada gốc Hoa, đã nói với The Epoch Times rằng, Trung Cộng coi lượng lớn thanh niên thất nghiệp ở các thành phố là mối đe dọa tiềm tàng đối với chế độ.

“Việc Tập Cận Bình khuyến khích người trẻ tuổi đến vùng nông thôn, là sử dụng các phương pháp của thời Mao Trạch Đông để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế hiện tại”.

Sheng cho biết ngoài việc che đậy cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở các thành phố, chính quyền đang tìm cách duy trì sự ổn định của chế độ bằng cách đẩy những người trẻ tuổi đến vùng nông thôn để “phân tán, và cô lập họ”.