Sơn Hà (June.2022)

Gần đây, trong dư luận ở Hoa Kỳ, chúng ta thường nghe nói đến hai chữ “Con-Con” và những đe doạ của nó. Những người theo phe cấp tiến hay thiên tả thì reo hò ủng hộ. Những người bảo thủ thì phản đối mạnh mẽ và e ngại hậu quả tệ hại về sau. Một số bài phân tích về Hiến Pháp đăng trên tạp chí The New American, thường xuyên cảnh báo các âm mưu cải sửa hiến pháp, thậm chí xoá bỏ Hiến Pháp Hoa Kỳ, nhân danh cách mạng xã hội. Đó là các bình luận có liên quan đến hai chữ “Con-Con”.

“Con-Con” viết tắt từ hai chữ Constitutional Convention (Hội Nghị Lập Hiến) là một cuộc họp chính thức của đa số dân biểu trong một tiểu bang hoặc trong một quốc gia, với mục đích soạn thảo hiến pháp (lúc chưa có hiến pháp) hay tu chính án (thêm điều luật mới hoặc sửa đổi điều luật đang có trong hiến pháp hiện hành).

Đối với “đảng và nhà nước ta”, Hiến Pháp chẳng là cái gì cả! Đảng cộng sản viết ra hiến pháp, muốn sửa là sửa, đảng muốn ban hành là cứ ban hành, không một đảng viên nào dám hó hé. Dân chúng thuộc loại dân đen, lại càng không có tiếng nói. Đảng ấy là đảng Cộng Sản Việt Nam hay bất cứ đảng cộng sản nào khác.

Hiến Pháp Hoa Kỳ

Hoa Kỳ, một quốc gia vĩ đại của thế giới, Hiến Pháp do dân chúng viết ra và áp dụng cho tất cả người dân, bất kể sang giàu, nghèo hèn, trắng hay đen; cấp cao hay cấp thấp; đúng với nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hiến pháp bắt đầu bằng ba chữ, We the People, nhân danh người dân Hoa Kỳ đưa ra các xác định rõ ràng các quyền hạn của người dân và bổn phận để giữ gìn kỹ cương của quốc gia.

Đối với Hiến Pháp Hoa Kỳ, những người chủ trương bảo thủ thì muốn giữ gìn, bảo vệ những gì do cha ông để lại, được coi là di sản quý báu. Những gì không gây hại cho quốc gia dân tộc, thì để nguyên. Những gì cần thay đổi hay sửa chữa thì phải triệu tập dân chúng để cùng nhau trao đổi, tìm hiểu cặn kẽ trước khi sửa. Báu vật ấy là Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Trong khi đó, những người chủ trương cấp tiến, thậm chí theo chủ nghĩa xã hội thì chỉ muốn thay đổi. Các di sản của tổ phụ để lại bị cho là quá cổ xưa, cần phải thay đổi. Họ phát động phong trào đổi mới, thay đổi,… thay đổi tất cả những gì đã xưa cũ. Những người mang tư tưởng bè phái, băng đảng; họ tự xưng là cấp tiến và thường xuyên đả phá tất cả những gì không do họ làm ra.

Đập Phá Cái Cũ, Xây Cái Mới

Giống như chiến dịch của Mao Trạch Đông từng phát động vào thập niên 1950, 1960, sau khi cộng sản chiếm Trung Quốc:“phá tứ cựu, lập tứ tân” (đập phá 4 cái cũ, xây dựng 4 cái mới). Cuộc Cánh Mạng Văn Hoá giết học trò, đốt sách, phá tượng đài; cuộc Cải Cách Ruộng Đất long trời lở đất, đã giết hại hàng triệu nông dân ở Trung Hoa. Nó cũng được diễn ra ở Việt Nam do Hồ Chí Minh rập khuôn của Mao Trạch Đông, gây tang tóc cho người dân Việt Nam trong những vùng do cộng sản kiểm soát. Nó lại tái diễn trên cả nước Việt Nam sau khi chiếm được cả nước vào năm 1975.  

Tư tưởng này đang dần dần được cộng sản đưa vào Hoa Kỳ. Bốn cái cũ: tư duy cũ, văn hoá cũ, thói quen cũ, phong tục cũ cần phải phá đi. Và đảng Cộng Sản sẽ đẻ ra Bốn Cái Mới để thay vào, gọi là để xây dựng tốt đẹp hơn (“Build Back Better”).

Hoa Kỳ là Hiệp Chúng Quốc gồm có 50 Tiểu Bang. Mỗi tiểu bang đều có hiến pháp, được gọi là Hiến Pháp Tiểu Bang chỉ được áp dụng trong tiểu bang; và liên bang cũng có Hiến Pháp Liên Bang hay Hiến Pháp Hoa Kỳ được áp dụng cho toàn thể 50 tiểu bang, do tất cả các tiểu bang phê chuẩn.

Bài viết này không trình bày chi tiết về Hiến Pháp nhưng chỉ giải thích một cách tóm lược về ý nghĩa của Con-Con, liên quan đến Hiến Pháp của liên bang, gọi là Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Điều V của Hiến Pháp Hoa Kỳ có ghi, có hai cách đề nghị tu chính án:

  1. Bất cứ khi nào có 2/3 số thành viên của Quốc Hội xét thấy cần thiết, Quốc Hội sẽ soạn thảo tu chính án;
  2. Dựa trên 2/3 các nhà lập pháp của một vài Tiểu Bang đưa yêu cầu Quốc Hội triệu tập một hội nghị để soạn thảo và phê chuẩn tu chính án.

Phương pháp đầu tiên đã được sử dụng 27 lần; phương pháp thứ hai chưa bao giờ được sử dụng. Rồi, mọi sửa đổi được đề nghị sẽ phải được 3/4 số tiểu bang phê chuẩn trước khi được thêm vào Hiến Pháp Liên Bang, rồi đem áp dụng cho toàn quốc.

Điều đáng lo ngại là một khi Hội Nghị Hiến Pháp Điều V được triệu tập, nó sẽ đe dọa các quyền cá nhân và cơ chế chính phủ của quốc gia. Mặc dù quyền cá nhân được bảo đảm, có ghi trong Hiến Pháp; và Con-Con thì lại có quyền lực, có thể trở thành một quy ước “chạy làng”, có thể thay đổi hoàn toàn Hiến Pháp. Làm thế nào chúng ta biết một quy ước như vậy có thể trở thành một “cuộc chạy làng”?

  1. Đã có tiền lệ, là Hội Nghị Philadelphia năm 1787 đã viết lại hoàn toàn Các Điều Khoản Liên Bang (Articles of Confederation) và thay đổi thủ tục phê chuẩn; và
  2. Những người có quyền lực” tụ họp trong đại hội, lợi dụng cơ hội đang có quyền trong tay rồi thay đổi hoặc bãi bỏ chính phủ (dù đã được xác định trong Tuyên Ngôn Độc lập). Họ có thể viết lại Hiến Pháp và thay đổi luôn cả thủ tục phê chuẩn.

Bài Học Lịch Sử: Chuyện Đã Xảy Ra Vào Năm 1787

Hội Nghị Annapolis năm 1786 triệu tập một hội nghị gồm các đại biểu từ 13 tiểu bang (lúc này Hoa Kỳ chỉ có 13 tiểu bang) để đưa ra những thay đổi về Các Điều Khoản Liên Bang (Articles of Confederation)của chính phủ, trong hiến pháp đầu tiên của Hoa Kỳ (khác với hiến pháp đang sử dụng ngày nay). Những sửa đổi hoặc thay đổi này đối với Các Điều Khoản Liên Bang, được Quốc Hội đồng ý. Sau đó được “xác nhận bởi các Quốc Hội của mỗi tiểu bang” theo yêu cầu của Điều XIII của Các Điều Khoản Liên Bang.

Đầu năm 1787, Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành một nghị quyết cho phép một hội nghị có yêu cầu giống như vậy, và 9 trong 12 tiểu bang có cử đại biểu tham dự Hội Nghị Philadelphia năm 1787, cũng bao gồm yêu cầu phê chuẩn Điều XIII.

Thay vì chỉ sửa đổi hoặc thêm vào Các Điều Khoản Liên Bang, Hội Nghị “chạy làng” (runaway)1787 đã thay thế bằng một Hiến pháp hoàn toàn mới. Trên thực tế, Edmund Randolph, một dân biểu từ Virginia, đã kêu gọi các đại biểu đồng viện: “lợi dụng khi có được quyền quá giới hạn, không nên bỏ qua”. Thay vì tuân theo yêu cầu của Điều XIII rằng, bất cứ sự thay đổi nào sẽ phải được “chấp thuận bởi quốc hội của mỗi Tiểu Bang”, bản dự thảo Hiến Pháp sẽ được phê chuẩn theo phương thức của tiểu bang đó, được ghi trong Điều Khoản VII.

Ngày 13 tháng 9 năm 1788, chỉ có 11 trong số 13 tiểu bang đã phê chuẩn Hiến Pháp mới, Quốc Hội Liên Bang đã thông qua một nghị quyết tuyên bố rằng nó “đã được phê chuẩn”. Hai tiểu bang North Carolina và Rhode Island vẫn chưa phê chuẩn cho đến gần một năm rưỡi sau đó. Vào ngày 29 tháng 5 năm 1790, Rhode Island trở thành tiểu bang thứ 13 là tiểu bang cuối cùng phê chuẩn Hiến Pháp.

Ban đầu, nó là Hội Nghị Lập Hiến có “hạn chế” cho “mục đích duy nhất và rõ ràng là sửa đổi Các Điều Khoản Liên Bang” đã chuyển đổi thành một hội nghị chạy làng  (runaway convention), tạo ra một bản Hiến Pháp hoàn toàn mới.

Làm Gì Để Tránh Con-Con Trở Thành “Hội Nghị Chạy Làng”?

Ai biết được liệu các đại biểu phó hội có trung thành với Hiến Pháp hay không? Ban đầu, trước khi về họp, các đại biểu chỉ biết mục đích là tu chỉnh một điều luật. Nhưng khi đến phòng hội có thể bị lôi cuốn vào một cơn lốc mới, với động cơ là quyền Lập Hiến, viết lại điều mới, thậm chí viết lại toàn bộ Hiến Pháp mới. Tiền lệ đã xảy ra vào năm 1788. Không ai dám bảo đảm điều đó sẽ không lặp lại. Người dân Hoa Kỳ từng chứng kiến “hội nghị chạy làng”.

Xã hội Hoa Kỳ chưa có kinh nghiệm của những cuộc hô hào đổi mới, cách mạng, “đấu tranh xoá bỏ cái cũ, xây dụng cái mới”,… Cho dù khắp nơi đã thấy cảnh kéo giật các tượng đài đã được xây dựng từ mấy trăm năm, nhân danh chống nô lệ, chống kỳ thị. Có nơi đòi đổi tên trường, tên phố vì những tên gọi ấy mang tính thực dân, là độc tài,… Những người “cấp tiến” đã xúi giục các phong trào này nổi lên, lồng trong các cuộc tranh đấu đòi kiểm soát súng, đòi được quyền phá thai,…

Ngăn chặn Con-Con là việc khó làm. Nhưng để tránh cuộc chạy làng nếu có Con-Con diễn ra, chúng ta phải thận trọng trong những cuộc bầu cử, phải chọn người xứng đáng vào Quốc Hội bằng lá phiếu của mình. Phải chọn những người trung thành với Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Sơn Hà (June.2022)
(viết theo các tài liệu của tạp chí The New American)

Bài liên quan:
  • Biden: Chỉ Biết Hận Thù Mà Quên Chuyện “Tề Gia”
    -Trần Phong Vũ