Tảng băng vạn tấn sụp đổ trên đầu họ Tập

Tin bà Pelosi, Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ chính thức đặt chân xuống phi trường Tùng Sơn Đài Bắc đêm Thứ Ba rạng Thứ Tư 02/03-8-2022, quả là một tảng băng vạn tấn sụp đổ trên đầu ông Vua Không Ngai Tập Cận Bình.

Bài viết của nhà báo Mặc Lâm “Bà Pelosi Tới Đài Loan: Ván Bài Lật Ngửa” đã lột trần bộ mặt thật thê thảm của Đảng CSTQ.

Sau đây là trích đoạn mở đầu và kết thúc bài viết của Mặc Lâm:

Đêm qua Tập Cận Bình và toàn bộ cơ quan cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc không tài nào ngủ được. Từ sẫm tối tới hơn 10 giờ đêm, cả một guồng máy đứng sau Tập Cận Bình cứ thấp thỏm không biết chuyến chuyên cơ chở bà Nancy Pelosi sau khi rời Malaysia có rẽ qua lối khác hay đáp xuống Đài Loan. Nếu bay thẳng thì rượu Mao Đài không đủ để chúc mừng, còn ngộ nhỡ nó đáp xuống Đài Bắc thì mặt mũi nào nói chuyện với người dân cũng như thế giới đây?”

Bài viết kết thúc:

Cuối cùng, vụ bà già gân Pelosi tới Đài Loan một lần nữa là cơ hội để Mỹ cho thế giới thấy sức mạnh thật sự của Trung Quốc nằm ở đâu, và kết quả: Sức mạnh kinh hồn bạt vía ấy vẫn chỉ nằm ở miệng những lãnh đạo nước này.

Ngay sau khi Nancy Pelosi đặt chân đến Đài Bắc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố “kịch liệt” phản đối, lên án động thái này là “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc”, “tác động nghiêm trọng tới nền tảng chính trị của quan hệ Trung – Mỹ”, và “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền cùng sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Những cái “nghiêm trọng” ấy cũng làm lộ rõ một nghiêm trọng khác: Mãnh hổ Trung Quốc thật ra chỉ là một con cọp giấy!

Lý chứng của tác giả nêu ra trong toàn bài rất đáng chú ý. Theo ông, Mỹ không hề đánh giá cao Trung Quốc như người dân và lãnh đạo nước này ngộ nhận.

Về mặt kinh tế, cứ tạm coi như Trung Cộng đang ở thế trên chân Hoa Kỳ. Riêng ba mặt khác như kỹ nghệ tin học, không chiến và hải chiến đều có những chỉ dấu biểu trưng cho thấy, chuyện Trung Cộng bắt kịp Hoa Kỳ vẫn còn là một giấc mơ xa lắc.

Tác giả nhắc tới sự kiện Huawei từng bị chính quyền ông Trump ngăn cấm triệt để không cho mua chip bán dẫn mấy năm trước, từng đẩy đất nước đông dân bậc nhất thế giới này vào tình trạng dở sống dở chết một thời. Con chip này Bắc Kinh không tự làm ra được, bị lệ thuộc hoàn toàn vào hai nơi nắm độc quyền sản xuất là Hoa Kỳ và… Đài Loan. Trong điều kiện ấy, ngay cả việc làm chiếc điện thoại thông minh còn bị ngắc ngư, làm sao tính đến việc sản xuất các loại vũ khí chiến lược cấp cao để có thể đương đầu với Mỹ.

Về không chiến, bằng cách nào quân đội Trung Cộng có thể đối đầu với F-16 của Hoa Kỳ nói chi tới F-35, loại chiến đấu cơ được thế giới nhìn nhận là con ma tinh khôn vùng vẫy bốn phương tám hướng, làm chủ gầm trời thế giới.

Trong khi ấy về hải chiến, làm sao và bằng cách nào, với vài chiếc tàu sân bay trang bị nghèo nàn, hải quân Trung Cộng có thể đương đầu với cả chục hàng không mẫu hạm tối tân của Mỹ?

 Từ rất lâu, Bắc Kinh luôn lệ thuộc vào việc mua bán vũ khí, cơ giới, kể cả chiến đấu cơ của Mạc Tư Khoa. Điều đáng chú ý là giới lãnh đạo cao cấp trong quân đội Nhân Dân Trung Cộng luôn đánh giá cao những phát minh của Nga. Như ếch ngồi đáy giếng, họ tin như đinh đóng cột rằng các loại khí tài tân tiến này vượt xa của Mỹ.

Sự tin tưởng mù quáng trên đây, 6 tháng trước cả thế giới, trong đó có cả Mỹ đều bán tín bán nghi. Nhưng sau ngày 24-2-2022, khi Putin liều lỉnh đem đại quân xăm lăng Ucraina, tưởng có thể nuốt trửng đất nước 40 triệu dân này trong đầu hôm sớm mai. Nhưng, ngót nửa năm sau, chuyện gì đã xảy ra, cả thế giới đều đã rõ.

Hàng chục tướng lãnh tài ba kéo theo ngót 40 ngàn binh lính của Hồng Quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến, mặc dầu Mạc Tư Khoa đã vét cạn láng những loại khí tài tối tân nhất của họ trong kho dự trữ đổ vào chiến trường Ucraina cách vô vọng.

Ở đây không bàn tới chuyện thắng thua trong giấc mộng bá quyền của Putin. Kết quả hiển nhiên này cho thiên hạ thấy rõ một điều: cả khối Liên Xô cũ của hai tổ sư Lênin/Stalin, và nước Nga của Putin ngày nay, cũng như Trung Cộng thời cực thịnh dưới quyền Tập Cận Bình đều chỉ là những con hổ giấy!

Trước mắt, chúng ta cần trả lời câu hỏi; tại sao bà Pelosi lại đột ngột có quyết định ngoạn mục là bất chấp lời đe dọa của họ Tập, dứt khoát tới thăm Đài Loan. Ngoài việc biết trước con hổ giấy Trung Cộng sẽ chẳng làm gì đe dọa tới an nguy của bà và thế giới, bên trong và đàng sau hậu trường chính trị đảng Dân Chủ có gì đáng chú ý?

Sau khi nhìn lại chính tình nước Mỹ gần đây, chúng ta sẽ có dịp bàn sâu vào vấn đề mấu chốt này.

Một Thoáng Nhớ Lại Thời Của Ông Trump

Chỉ còn không đầy ba tháng nữa là tới ngày bầu cử giữa kỳ của người dân Hiệp Chúng Quốc Mỹ. Có rất nhiều chỉ dấu cho thấy đảng Cộng Hòa sẽ thắng lớn trong cả hai viện Quốc Hội, bao gồm cả Thống Đốc các tiểu bang. Và điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng lớn tới cuộc Tổng Tuyển Cử trong năm 2024 tới đây.

Có nhiều bằng chứng cụ thể đang diễn ra trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa mấy ngày vừa qua. Hầu hết các ứng viên được ông Trump yểm trợ đều đã về đầu bảng. Thí dụ như hai chức vụ ở tiểu bang Arizona là vị trí Thống Đốc thuộc về Kari Lake và Thượng Nghị Sĩ thuộc về Blake Master. Cả hai đều có ông Trump đứng đàng sau.

Dư âm những gì ông Trump còn để lại trong nhiệm kỳ đầu vẫn là những yếu tố nền tảng báo trước sự thành công của đảng Con Voi.

Ngoài danh tiếng của ông trong ba lãnh vực: kinh tế ổn định, thị trường chứng khoán tăng cao, tỉ lệ thất nghiệp ở mức độ thấp nhất trong nhiều năm, còn có hai sự kiện nổi bật.

Đó là thái độ quyết liệt, không khoan nhượng của ông Trump đối với tham vọng bá quyền, bành trướng và thái độ hung hăng của Tập Cận Bình, song song với sự tin cậy của giới lãnh đạo Đài Loan dành cho đảng Cộng Hòa trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Tạm gác qua một bên những thành công lớn về nội trị cũng như ngoại giao của một vị Tổng Thống từng bị coi là tay mơ, chưa từng tham chính một ngày, tính tình cổ quái không giống ai. Ở đây người viết chỉ tập chú vào vài nét điển hình liên quan tới những ngón đòn lạ, những chiêu thức “lăng ba vi bộ” cực độc xưa nay chưa vị Tổng Thống nào của Hoa Kỳ dám ra tay đương đầu với các lãnh tụ cộng sản khét tiếng của Trung Cộng cỡ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, nhất là Tập Cận Bình.

Trước hết là Cuộc Chiến Thương Mại khốc liệt do ông Trump chủ động đã gây ra những thiệt hại lớn lao như thế nào cho nền kinh tế Hoa Lục mà cho đến nay vẫn còn gánh chịu nhiều hệ lụy.

Liên quan tới lãnh vực này, ông Trump còn nuôi quyết tâm giảm thiểu những lệ thuộc của Mỹ vào chủ trương của các đời tổng thống trước ông là khoán trắng cho Trung Cộng bao thầu trọn gói việc độc quyền sản xuất những nhu yếu phẩm, đặc biệt là trong lãnh vực y tế. Kết quả, hầu hết những vật dụng thường ngày của người dân Mỹ, bao gồm các loại thuộc men và các y cụ tối cần cho bệnh nhân, nhất là cho các hệ thống bệnh viện, đều lệ thuộc hoàn toàn vào sự cung cấp của Tàu Cộng. Vì là nạn nhân của cuộc bầu cử gian dối, khuất tất năm 2020, đưa cặp Joe Biden/Kamala Harris đảng Dân Chủ vào làm chủ Toà Bạch Ốc, mọi kế hoạch của ông Trump bị chính quyền mới vô hiệu hóa. Do đó, khi đại dịch Covid nổ ra, Hoa Kỳ cũng như thế giới tự do đã phải lãnh đủ.

Thứ đến là những đòn phủ đầu đánh vào những ổ gián điệp do Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cài vào Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ qua hai hệ thống núp dưới vỏ bọc là Văn Hóa và Ngoại Giao. Người viết muốn nói tới hai sào huyệt.

*Thứ nhất là Tòa Đại Sứ và các Tòa Lãnh Sự của Bắc Kinh

*Thứ hai là các cơ sở Văn Hóa mang tên Viện Khổng Tử từng được thiết lập trong khuôn viên cả trăm trường Đại Học lớn nhỏ ở Mỹ.

Đầu hạ tuần tháng 7 năm 2020, qua kết quả các cuộc điều tra, theo dõi của các cơ quan mật vụ, TT Donald Trump công khai lên tiếng cảnh cáo ĐCSTQ đã âm thầm cài người vào các cơ sở ngoại giao của họ để phá hoại nước Mỹ. Điển hình là ăn cắp tài sản trí tuệ, các phát minh khoa học tiên tiến của Hoa Kỳ đem về xứ.

Bất chấp những luận điệu huênh hoang chối tội của Bắc Kinh, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thời TT Trump đã có hành động quyết liệt. Trước hết, đòi buộc nhà cầm quyền Trung Cộng phải đóng cửa Tòa Lãnh Sự của họ tại thành phố Houston thuộc tiểu bang Texas. Ngay sau đó ra lệnh cho toàn bộ nhân viên tại đây phải rời Hoa Kỳ tức khắc.

Tòa lãnh sự Trung Cộng ở Houston bị đóng cửa

Động thái thứ hai của chính quyền Trump là cuối tháng 8 cũng năm 2020, Bộ Ngoại Giao đã chính thức đưa ra nhận xét là các cơ sở đội lốt Văn Hóa có tên là Viện Khổng Tử của Trung Quốc được thành lập do sự tài trợ của Bắc Kinh trong các trường Đại Học Mỹ, kể cả một số các Phòng thuộc viện này tại các lớp 12 trong hệ thống giáo dục trung học đã gây ảnh hưởng không tốt cho sinh viên Mỹ.

Thí dụ, trong một chuyên mục năm 2018, Josh Rogin đã lên án các Viện Khổng Tử đe dọa “khả năng của thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Mỹ trong việc học hỏi, suy nghĩ và phát biểu về thực tế ở Trung Quốc và bản chất thực sự của chế độ Cộng sản”. Chuyên mục của ông trích dẫn lời cảnh báo từ Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng Hòa Tiểu Bang Florida. Theo đó, mục tiêu hàng đầu của các Viện Khổng Tử ở Mỹ là nhồi nhét vào trí não các nhà lãnh đạo tương lai của Hiệp Chúng Quốc một quan điểm hùa theo Trung Quốc”.

Cùng lúc, các nhà phê bình khác cho rằng các viện này thường xuyên tìm hết cách loại bỏ các vấn đề Đảng CSTQ thường quy kết là nhạy cảm về mặt chính trị. Cụ thể như những vấn đề liên quan tới quyền tự do ngôn luận, tự do chính trị ở Tây Tạng, Tân Cương hay cuộc đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Một thí dụ khác là vào năm 2009, Đại học North Carolina đã nghe theo Viện Khổng Tử quyết liệt chống lại việc mời Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong tới thăm trường.

Các nhà lập pháp như Rubio, Sens. Ted Cruz (R-Tex.) và Josh Hawley (R-Mo.) đã gây áp lực buộc các trường đại học Hoa Kỳ phải đóng cửa các Viện Khổng Tử của họ và thông qua luật khuyến khích điều này. nh chung đã có 45 Viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ phải ngưng hoạt động. Chỉ trong tháng 8-2020, Đại học Emory đã công bố kế hoạch đóng cửa Viện Khổng Tử của mình. Trong khi đó, các viện ở các cơ sở khác đã được giám sát chặt chẽ hơn để tránh những lạm dụng có khả năng dẫn tới những di hại cho tinh thần độc lập của sinh viên Mỹ.

Để biết chi tiết về câu chuyện quan trọng này, độc giả có thể tìm vào hai địa chỉ sau đây:

-https://www.insidehighered.com/news/2019/01/09/colleges-move-close-chinese-government-funded-confucius-institutes-amid-increasing
-https://www.washingtonpost.com/politics/2020/08/24/state-department-labeled-chinas-confucius-programs-bad-influence-us-students-whats-story/

Khác biệt nền tảng giữa Trump & Biden

Những khác biệt căn bản về đường lối, chính sách của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa Mỹ có lẽ ai cũng đã rõ, ít nhất là những nét đại cương. Dĩ nhiên cũng cần phải chú ý tới hiện tượng đảng Dân Chủ càng ngày càng ngả theo khuynh hướng cực tả trong những năm tháng gần đây. Tuy nhiên điều này không phải là điều chúng tôi muốn đề cập.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết muốn nhấn mạnh tới những khía cạnh đặc thù về cá tính, cuộc đời và sự nghiệp của hai đối thủ chính trị thuộc hai đảng là ông Donald Trump và ông Joe Biden. Tường cần minh xác ngay, khi làm việc này, người viết không có ý nói tới cuộc đụng độ giữa ông Trump và ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2024. Giản dị vì chuyện này sẽ không xảy ra. Vì nhiều căn nguyên tiêu cực, ông Biden sẽ không có cơ hội tranh đua trong cuộc bầu cử này. Chính nội bộ đảng Con Lừa đã hé mở cho biết như thế. Chuyện đối chiếu này hướng vào mục tiêu khác.

Trong khi ông Biden là một nhà chính trị chuyêng nghiệp với bề dày ngót nửa thế kỷ lăn lộn trên chính trường thì ông Trump chỉ là một tỷ phú địa ốc, chưa một lần dính líu đến chính trị.

Ông Biden từng là Thượng Nghị Sĩ trong nhiều nhiệm kỳ, là Phó liên tiếp 8 năm cạnh Tông Thống Obama và là đương kim Tổng Thống thứ 46 của Hoa Kỳ thì ông Trump nhờ thời thế trở thành Tổng Thống thứ 45 của nước Mỹ trong một nhiệm kỳ.

Nhưng ở hai ông có hai cá tính hoàn toàn khác biệt, nếu không muốn nói là đối nghịch nhau.

Để giữ sự công bằng và khách quan tối đa, tôi không muốn nói tới những ưu nhược điểm nổi bật bề ngoài về sức làm việc, cung cách ăn nói, phản ứng trước công chúng của hai người. Điều tôi muốn nhấn mạnh là lập trường, quan điểm và thái độ của hai vị lãnh đạo đối với nước Mỹ, với quyền lợi sinh tử, thiết thân của mấy trăm triệu người dân nơi đây.

Có lẽ ai cũng nhận ra ông Biden là một loại chính trị gia tròn trịa, không góc cạnh, bị động, gió chiều nào che chiều ấy. Suốt 8 năm làm phó cạnh ông Obama, khuôn mặt của ông chìm lỉm. Ông có dịp xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng lúc nào cũng chỉ như một cái bóng.

Tuồng như ông hoàn toàn đặt mình dưới sự chỉ đạo của chef, là loại người chỉ đâu đánh đấy và nhiều khi lại đánh không ra chiêu. Vì thế có người cho rằng ông thường bị ông Obama khinh thường ra mặt.

Ngó cảnh một ông phó lơ láo đứng ngồi thiếu tự nhiên, tay chân không biết để đâu trước một ông TT da màu tự tin, kiêu hãnh nằm dài trên ghế, duỗi thẳng đôi chân ngông nghênh ghếch trên bureaux ở phòng bầu dục, thật chẳng giống ai.

Một người như thế, chính trị chỉ là một phương thế để đương sự vinh thân, phì gia (chuyện con trai lợi dụng thế cha để cấu kết với Tàu cộng làm giầu bất chính lâu nay là một chứng cớ điển hình).

Trường hợp chủ nhân ông Trump Tower không một li kinh nghiệm chính trường, phát biểu bặm trợn chẳng giống ai, tả xung hữu đột, chỉ với một tấm lòng: “Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Lần Nữa” nên được lòng cử tri. Chính nhờ yếu tố này, ông đã bất ngờ đánh bại một chính trị gia lão luyện lại là phái nữ, một vưu vật được cử tri Mỹ chờ đợi đã lâu là cựu Đệ Nhất Phu Nhân Bill Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016.

Thăm Đài Loan, Cơ Hội Ngàn Năm Của Đảng Dân Chủ

Không đầy 100 ngày nữa sẽ tới cuộc bầu cử giữa kỳ.

Chuyến thăm viếng Đài Loan của Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Pelosi là một cơ hội “ngàn năm một thuở” của đảng Con Lừa, cho dù ông Biden không muốn. Đây là một chọn lựa vang động nhất và cũng dễ dàng nhất đối với bà già 82 tuổi này. Vì lẽ, như đã trình bày trong phần đầu bài viết, hơn tất cả ai khác, kể cả Joe Biden và đảng của bà, đều biết trước Trung Quốc thời Tập Cận Bình chỉ là một con hổ giấy, nhe nanh, múa vuốt (giả) lừa bịp thiên hạ mà thôi.

chủ tịch quốc hội Mỹ Nancy Pelosi và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (photo courtesy: UPI and Getty)

Câu hỏi đặt ra là tại sao, từ trước tới nay, chính quyền Biden vẫn tỏ ra thái độ hòa dịu với họ Tập, nay bỗng dưng lại có hành vi chọc giận ông ta đến như thế? Người ta chưa quên rằng trong khi bà Pelosi tuyên bố hôm Thứ Hai 01-8, rằng bà sẽ ghé thăm Đài Loan, Toà Bạch Ốc lên tiếng nhắn nhe đòi xét lại. Khi CNN lên tiếng công khái xác nhận ý định của Chủ Tịch Hạ Viện, ông Biden làm thinh.

Điểm đặc biệt là sau 4 tháng dài không liên lạc gì với ông Tập Cận Bình, lần này ông Biden đã trực tiếp kêu điện thoại cho Ông Vua Không Ngai họ Tập trong suốt hơn 2 tiếng đồng hồ. Sau khi nghe ông Tập cảnh báo mạnh mẽ Hoa Kỳ không nên can thiệp vào cuộc xung đột với Đài Loan, ông Biden tìm cách trấn an người đồng cấp.

Rằng chính quyền của ông không tìm cách làm đảo lộn tình hình hiện tại giữa hai bên.

Và rằng: Hoa Kỳ cam kết sẽ giữ nguyên quan điểm một nước Trung Hoa!

Sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc kéo dài hai giờ 17 phút, thư ký báo chí Toà Bạch Ốc, Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên. Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng chính sách của Hoa Kỳ không thay đổi và Hoa Kỳ cực lực phản đối bất kỳ ai thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.

Câu trả lời cho câu hỏi tại sao nội bộ đảng Con Lừa có chuyện tung hứng vừa lạ kỳ vừa mâu thuẫn như thế khá giản dị.

Chỉ vì đảng Con Lừa rất cần cơ hội VÀNG này để cứu vãn phần nào sự thất bại nhìn thấy trong cuộc bầu cử giữa kỳ trong khi nước đã tới trôn.

Công bằng và thẳng thắn mà nói, lần này bà Pelosi đã có một hành vi ngoạn mục và bà đã thành công rực rỡ.

Có điều đừng ai quên rằng trong lúc bí, Bà Già Gân này cũng như đảng của bà đã “cầm nhầm” lập trường MAGA của ông Trump, và hậu quả ra sao vẫn còn là một ẩn số.

Nam California, ngày 03-8-2022  
TPVũ