Sơn Hà – Oct-2022

Hai chữ Phượng Hoàng đẹp vô cùng nhưng ít ai ở Việt Nam dám sử dụng, nhất là sau ngày 30 tháng Tư – 1975 nghiệt ngã. Bởi vì chế độ cộng sản Hà Nội đến ngày nay vẫn còn bị một nỗi ám ảnh to lớn đến từ hai chữ “Phượng Hoàng” hay “Chương trình Phụng Hoàng” (The Phoenix Program). Bị coi như một thứ thuyết âm mưu!

Bài viết này xin trình bày sự thật và mong nhà cầm quyền Hà Nội nhìn nhận sai lầm để có một lời xin lỗi chính thức đối với hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà của ban nhạc Phượng Hoàng và… trả món nợ lớn cho gia đình của hai nhạc sĩ.

Xin nói một ít về ban nhạc Phượng Hoàng và những oan khiên mà đảng cộng sản Việt Nam đã áp đặt lên hai nhạc sĩ đầu đàn là Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà. Ở phần sau đề cập đến Chương Trình Phụng Hoàng mà đảng ta thường gọi là “Kế Hoạch Phượng Hoàng”. Chương trình này đã phá tan nát hạ tầng cơ sở của đảng cộng sản trên khắp miền Nam; đã gây nên nỗi kinh hoàng, khiến cho đảng cộng sản đến nay vẫn còn sợ và thù. Trong các tài liệu học tập dành cho đảng viên cộng sản, đảng cho rằng chiến dịch này chỉ là một loạt các “ám sát, thủ tiêu những chiến sĩ của đảng”.

Ban nhạc Phượng Hoàng của phong trào Nhạc Trẻ Việt Nam chẳng có một tí gì liên can đến “Chương Trình Phụng Hoàng” của tình báo Mỹ hay Chương Trình Phượng Hoàng của tình báo Miền Nam. Cái sợ trở thành nỗi ám ảnh đối với đảng cộng sản, rồi hoá thành hành động trả thù vô tội vạ.

Sau đây, xin nói về ban nhạc Phượng Hoàng của phong trào Nhạc Trẻ Việt Nam.

Ban Nhạc Phượng Hoàng

Được thành lập bởi hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà vào cuối thập niên 1960. Trước khi thành lập ban nhạc Phượng Hoàng, Lê Hựu Hà đã có ban nhạc Hải Âu, cũng mang tên loài chim biển nhưng không phải loài linh điểu Phượng Hoàng. Thời gian này, ở Việt Nam có nhiều ban nhạc trẻ ra đời. Họ mang tên ngoại quốc và thường chỉ hát lại những bản nhạc của Mỹ hay của Pháp, trong đó có nhiều bài được đặt lời Việt. Nhưng đối với Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà, đó không phải là giải pháp tốt. Cả hai nhạc sĩ nhất định phải sáng tác những bản nhạc Việt với âm hưởng mới, hướng đến giới trẻ Việt Nam, do ban nhạc Việt Nam trình bày.

Theo tài liệu của Wikipedia, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang sinh năm 1947 tại Biên Hoà, Việt Nam; qua đời năm 1985. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà sinh năm 1946, Biên Hoà, Việt Nam; mất năm 2003.

Những bản nhạc đầu tiên của Phượng Hoàng được giới trẻ chiếu cố và ủng hộ mãnh liệt. Họ gọi đó là nhạc trẻ, nhạc dành cho giới trẻ. Thời kỳ của thập niên 1960 và 1970, không chỉ là những bài hát vui nhộn hay kích động mà có cả những bài trầm buồn, mang tâm trạng của tuổi trẻ thổn thức với vận mệnh của đất nước và của chính mình giữa lúc chiến tranh đang diễn ra khốc liệt từng ngày. Nhạc Phượng Hoàng mang giai điệu mới lạ; lời hát lại mang nhiều ẩn ý, có khi khó hiểu theo kiểu triết lý hiện sinh. Có khi gieo những nghi ngờ…

Xem lại lời ca của bài “Tình Như Sương Khói” của Nguyễn Trung Cang:

“Giờ người đã xa vời…
Giờ người ở phương trời…
Còn gì cho nhau.. trong đôi mắt sâu…
Mang theo những u sầu…

…”

Bài hát “Yêu Đời Yêu Người” của Lê Hựu Hà:

“Bạn thân ơi cố gắng yêu thương người
Dù người không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài
Mặc người ai quen ai, hãy cho nhau một lời
Dù là nghe chua cay, dù là lời thoáng qua tai…

…”

Bài “Thương Nhau Ngày Mưa” củaNguyễn Trung Cang:

“Khi mặt trời vắng bóng
Khi lời nguyền khuất lấp
Nghe lạc loài kiếp sống sao mỏi mong
Như giọt buồn nước mắt
Mưa ngại ngùng héo hắt
Thương người về buốt giá trên đường xa…

…”

Bài “Một Giấc Mơ” (hay Giấc Mơ Qua) của Nguyễn Trung Cang có lời như sau:

“Chuyện hôm qua như giấc mơ lâu rồi!
Chuyện đùa vui! Chuyện đùa thôi!
Người quên ta hay ta đã quên đi người?
Đừng bận tâm!
” …

Trong bài “Lời Điều Trần” của Nguyễn Trung Cang:

“Đừng trách tôi hay ngồi riêng
Lòng muốn không vương muộn phiền
Đừng trách tôi đi lẻ loi
Lòng muốn không nghe nhiều lời…
“Đời khói mây ơi phù du, xin quên hận thù…
…Mình hát to lên, vang lên hoà bình…
“Đời ta đời thênh thang
Không thù không ân oán

Rồi đây người yên chăng?
Trong lầu son gác vàng?

Trong loạt bài tìm hiểu về lịch sử Nhạc Trẻ Việt Nam, phát thanh trên đài BBC vào đầu năm 1997, do Xuân Hồng thực hiện, Trường Kỳ nói: “...tôi và anh Joe Marcel cũng như các bạn khác có tìm hiểu tâm lý thanh thiếu niên, không muốn họ thay đổi đột ngột,… dùng những gì họ thích thú, họ muốn thay đổi, để hướng dẫn họ,…”. Cũng trong loạt bài này, nhạc sĩ Nam Lộc nói: “...cùng với sự có mặt của Đức Huy, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang của Phượng Hoàng,v.v… qua những hình thức sáng tạo, qua những âm giai sát với tuổi trẻ… tụi này có thể đưa những bài hát ca ngợi cuộc đời, ca ngợi con người để các em tránh xa những vũng lầy có thể tạo ra một số những tư tưởng tiêu cực… Ở bên Mỹ, phong trào phản chiến rất là mạnh, nó du nhập Việt Nam ru ngủ tuổi trẻ của mình. Vì thế cho nên như anh Trường Kỳ vừa nói”,…

Có người cho rằng, sáng tác của Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà có những lời khó hiểu. Chẳng hạn như nhạc sĩ Phạm Duy. Ông cho rằng Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang là hai nhạc sĩ nồng cốt của ban nhạc Phượng Hoàng, cuối thập niên 1960 đã soạn những ca khúc mới mẻ nhất. Phạm Duy viết trong hồi ký (tập 3, chương 20): “Với nhạc ngữ rất lạ, phù hợp với ban nhạc ‘combo’ hơn là nhạc tiền chiến, những Hợp Khúc của họ hay không thua gì những bài hay nhất của nhạc rock Hoa Kỳ. Nhạc của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang, theo tôi, phản ảnh một lớp trẻ lạc loài trong xã hội đang sa đoạ”.

Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng, tệ đoan xã hội ở miền Nam được phản ảnh qua bài “Mặt Trời Đen” của Nguyễn Trung Cang, “…có mùi vị của cần sa hay bạch phiến”:

Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta
Đời hằng mong thoát ly, thấy khung trời xa,
Cuộc đời như chó hoang lang thang về đêm.
Cuộc tình không mấy khi nghe câu dịu êm…
(Mặt Trời Đen – Nguyễn Trung Cang)

Nhận xét của nhạc sĩ Phạm Duy nghe có vẻ lạ tai, khiến có người ngờ vực, hình như trong ca khúc còn có ẩn ý gì chăng? Về sau, có cán bộ văn hoá khám phá rằng, có nhiều ẩn ý trong ca khúc “Mặt Trời Đen”. Như những chữ “thoát ly”, “lang thang về đêm”,… Hay, những chữ “người” trong rất nhiều bài, mà theo nhà thơ Tố Hữu của cộng sản Hà Nội, chữ “người” chỉ để dùng nói đến các lãnh tụ thiên tài của đảng cộng sản như Hồ Chí Minh, Lenin, Staline, Mao,… Dù “người” viết hoa hay không viết hoa.

Đó là những suy diễn vốn sẵn có của những bộ óc “đỉnh cao trí tuệ” ở Hà Nội, có thể nào đó là lý do khiến nhà cầm quyền Hà Nội đày đoạ hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà, cho đến chết… mà chưa thôi.

nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang

Ai cũng công nhận các sáng tác của Phượng Hoàng càng ngày càng được giới yêu nhạc biết đến và hâm mộ nhiều hơn. Ngày nay, chế độ cộng sản có ngăn cấm nhưng họ vẫn hát. Nhất là tuổi trẻ Việt Nam. Trong khi đó ở hải ngoại, nhạc của Phượng Hoàng được tự do bay bổng khắp nơi. Rồi theo cơn gió tự do thổi về trong nước.

Cho dù chưa hiểu tại sao, nhưng hiện tượng nhạc Phượng Hoàng bị cấm lưu hành ở trong nước thì quá rõ ràng. Cho dù không có tội danh, nhưng các nhạc sĩ sáng tác của ban nhạc Phượng Hoàng thì bị bị bức hại tàn nhẫn. Nhạc của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang bị xem là “văn hoá đồi truỵ, phản ánh tư tưởng tiểu tư sản trí thức”,

Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang chết rũ trong tù cải tạo. Một loại tù không bản án. Người bị nhốt không biết mình mang tội gì.  Từ rừng sâu, Nguyễn Trung Cang viết về cho vợ con những lời tuyệt vọng qua bài hát “Còn Yêu Em Mãi”:

Yêu em như thuở nào,
tình yêu còn biên đầy trang giấy,
Yêu em như thuở nào,
Tình yêu còn đong đầy trang sách.


Riêng ta nơi núi rừng,
về đêm càng nghe hồn băng giá,
câu ca hay khúc nhạc,
càng thêm sầu cho tình tan nát.

Dù biết cách xa với đời,
dù biết thủy chung chẳng rời,
mà vẫn xót xa tháng ngày,
chờ ta chi nữa em ơi,
còn đâu giây phút tuyệt vời.

(Còn Yêu Em Mãi – Nguyễn Trung Cang)

Lê Hựu Hà, Lê Huy, Elvis Phương, Nguyễn Trung Cang, Trung Vinh

Bài hát này không được hát ở trong nước, được lén lút chuyển ra hải ngoại. Ca sĩ ở hải ngoại hát và thu băng chuyển ngược trở về trong nước.

Một lần xuất hiện trên video hải ngoại, bà mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang nghẹn ngào cho biết con bà đã qua đời trong hoàn cảnh “nghèo khó và tật bệnh”.

Nhạc sĩ Lê Huy, từng là thành viên của ban nhạc Phượng Hoàng, đã đem bài hát “Còn Yêu Em Mãi” bán bản quyền cho một trung tâm băng nhạc hải ngoại, rồi đem tiền về đưa cho bà mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Nhạc sĩ từng ở đỉnh cao của một thời Nhạc Trẻ ở Sài Gòn. Rồi ngày 30-4-75 đến, chế độ mới trù dập đến chết trong tù, không biết mình mang tội gì.

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà thì bị suy sụp tinh thần từ ngày bị công an Việt cộng đột nhập vào nhà để lấy đi tất cả băng dĩa nhạc ngoại quốc, một tài sản vĩ đại vô giá, bị đảng cộng sản đánh cướp giữa ban ngày!

Tất cả những đĩa quý nhất của thế giới, những ấn bản hạn chế của Rolling Stones, Beatles… ông đều có đủ và luôn làm bạn bè kinh ngạc ngưỡng mộ. Thế nhưng một ngày mùa hè cách mạng, các nhân viên Sở Văn hóa Thông tin đã ập đến lục soát và tịch thu, theo “tố giác của quần chúng nhân dân”. Nhìn từng chiếc xe ba gác chồng chất các bản đĩa mà ông nâng niu, chở ra đi, là một trong những điều suy sụp lớn của đời ông. Nhạc sĩ Bảo Chấn kể rằng đời ông chưa bao giờ hoảng sợ bằng nhìn thấy hình ảnh nhạc sĩ Lê Hựu Hà ngồi gọi rượu đế ra uống một mình, trầm ngâm và khóc. Đó là lần uống rượu duy nhất trong đời của người nhạc sĩ chơi rock, Phật tử và không biết thuốc lá, rượu bia”. (trích Tháng Năm, Nghe Phượng Hoàng Gãy Cánh – nhạc sĩ Tuấn Khanh – blog cá nhân).

Tinh thần của nhạc sĩ Lê Hựu Hà bị bức hại ngay từ những ngày đầu của “cách mạng – giải phóng”. Và kể từ đó, Lê Hựu Hà không được hát và không ai dám mời đi hát bất cứ ở đâu.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: Sự quay lưng tàn nhẫn, khó hiểu này, đã khiến người vợ sau cùng của ông, ca sĩ Nhã Phương, phải thốt lên trong một cuộc phỏng vấn dành cho 1 nhà báo ở Saigon, 10 năm sau… Ðại ý:Có bầu show đã nói thẳng với Nhã Phương rằng, tôi mời chị, nhưng không mời anh Lê Hựu Hà…’. Nhã Phương tâm sự:Tôi có cảm tưởng họ muốn làm nhục anh ấy vậy!”.

Nhận xét của ca sĩ Nhã Phương rất đúng về bản chất của con người cộng sản, là trả thù vặt và “làm nhục” những ai bị xem là kẻ thù. Họ làm vậy để đe doạ nhiều người khác. Lê Hựu Hà sống thui thủi một mình, chết trong nhà không ai hay biết.

Cuộc đời của hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà đã kết thúc bi thảm nhưng có làm ai sợ? Người ta vẫn cứ thưởng thức nhạc của Phượng Hoàng! Băng đĩa nhạc của Phượng Hoàng giới hâm mộ gom góp từ những sản phẩm trước năm 1975, làm thành bản sưu tập. Mặc dù khôg được phép, họ vẫn cứ lưu hành lén lút. 

Mùa Thu Chết của Phạm Duy

Cuối thập niên 1960, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác bài “Mùa Thu Chết” được Julie trình bày lần đầu tiên và sau đó được đón nhận nồng nhiệt qua các chương trình đại nhạc hội của giới trẻ ở Miền Nam. Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong hồi ký (tập 3, chương 18): “bài thơ từng ám ảnh tôi hồi giữa thập niên 50 khi là sinh viên học nhạc tại Pháp, được phổ thành một ca khúc Việt Nam, mang ngữ thuật nhạc trẻ, nối lại truyền thống soạn nhạc mùa thu của các nhạc sĩ lãng mạn trước đây, lần này ở một xúc cảm cao độ nhất. Vì nó khóc một cuộc tình có thật. Nó được soạn theo bài thơ La Chanson du Mal Aimé của Apollinaire:

J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte, souviens t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps, brin de bruyère
Et souviens toi que je t’attends…
…”

Trước đó, thi sĩ Bùi Giáng đã dịch bài thơ này sang tiếng Việt, nhưng khi Phạm Duy phổ nhạc thì lời có sửa đi mấy câu sau. Tuy nhiên, cũng là một câu chuyện tình tan vỡ.


Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, đã chết rồi…
…” (Mùa Thu Chết – Phạm Duy)

Phạm Duy kể, chỉ một thời ngắn sau khi “Mùa Thu Chết” ra đời, có người bạn ở Paris cho biết, đảng cộng sản Hà Nội giận dữ cho đăng nhiều bài công kích Phạm Duy trên báo đảng, “Phạm Duy đã chết”. Họ cho rằng, Phạm Duy chế diễu “Cách Mạng Mùa Thu” của đảng cộng sản, vốn là một sự tráo trở chứ chẳng có cách mạng gì cả. Họ khai tử Phạm Duy từ đó. Họ cho rằng, Mùa Thu chẳng bao giờ ᴄhết, nó đi và nó sẽ trở lại, cớ sao lại bảo đã chết! Chiếm được miền Nam, đảng cộng sản vẫn giữ nguyên sự ngờ vực; cho rằng Phạm Duy kín đáo nói xấu đảng.

Sau khi có chính sách “cởi mở”, và sau nhiều lần đòi hỏi, Hà Nội đã cấp chiếu khán cho nhạc sĩ Phạm Duy trở về Việt Nam vào năm 2005. Ông được giới hâm mộ đón nhận nồng nhiệt với nhiều chương trình ca nhạc Phạm Duy. Lại một lần nữa, bài báo Nguyễn Lưu lên tiếng ồn ào trên báo Đầu Tư: “…Hà cớ gì phải tung hô, xưng tụng đến thế? Đỉnh cao sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài MÙA THU CHẾT. Ở đó tác giả đã công khai tư tưởng chống Cộng của mình. Ông ta đã từ bỏ tình yêu đối với Tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả. Và ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách Mạng Mùa Thu, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam”.

Sự việc đấu tố Phạm Duy về bài hát “Mùa Thu Chết” đã có từ những năm 1970 ở Hà Nội, lúc đất nước còn chia hai, chứ không phải đợi đến năm 2006 mới có bài viết của ông nhạc sĩ kiêm nhà báo Nguyễn Lưu.

Cũng vào năm 1970, Phạm Duy cho ra đời “Giết Người Trong Mộng” dựa vào một câu thơ của Hàn Mặc Tử. “Giết Người Trong Mộng” cũng là bài hát bị đảng cộng sản lặng lẽ lên án. Tuy nhiên, sinh hoạt vỉa hè miền Nam, trẻ em đã hát bài này từ những ngày đầu, khi cộng sản chiếm miền Nam, năm 1975. “Giết Người Trong Mộng” là bài hát được hát nối liền sau bài “Đêm Qua Em Mơ Gặp Bác Hồ”. Đảng cộng sản làm được gì với những sinh hoạt của vỉa hè?

Năm 2006, khi chương trình nhạc Phạm Duy được phép tổ chức, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, “nhà nước mới chỉ cho phép lưu hành 100 bài của tôi”. Đến tháng Tư-2012, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn của cộng sản Hà Nội mới cấp phép lưu hành cho bài hát “Mùa Thu Chết”. Hỏi về cảm tưởng, Phạm Duy nói, “Tôi thấy cũng bình thường thôi. 10 năm chẵn, tính từ ngày tôi về Việt Nam sinh sống mà được phép phổ biến 100 ca khúc…”. Ông có hơn 1000 sáng tác mà đảng chỉ cấp phép 100 bài. Tuy nhiên, chưa có ban tổ chức nào dám chọn bài “Mùa Thu Chết”.

Elvis Phương là thành viên và là giọng ca chính của Ban Nhạc Phượng Hoàng. Tháng Năm, năm 2000, khi, “được phép” trở về Việt Nam trình diễn trong một chương trình đại nhạc hội tại rạp Bến Thành (rạp Rex cũ), Elvis Phương đã hát một số ca khúc của Phượng Hoàng. Ngoài ra, Elvis Phương cũng hát bài Ngày Về của Hoàng Giác, bị xem là “không bình thường”. Sau buổi trình diễn, báo Tuổi Trẻ có bài phê bình trong mục “Câu Chuyện Văn Hoá”, đã viết, “…Chỉ hơi đáng tiếc là chương trình “Yêu Người Yêu Đời” có đến 3/4 là nhạc cũ, trong đó không bình thường là bài ‘Ngày Về’ của Hoàng Giác, từng được chế độ Sài Gòn trước 1975 chọn làm nhạc hiệu cho chương trình Chiêu Hồi của họ”.

Đảng cộng sản có những thứ phân biệt rất “không bình thường”. Họ có thành kiến về các ý niệm trong “chế độ cũ” để so sánh với chế độ cộng sản siêu việt; “nhạc cũ” so với nhạc cách mạng thần thánh,… Nhân viên của chế độ cũ, và nghệ sĩ của nền nhạc cũ,… đều bị xem là “đối tượng” của đảng. Nhưng, quần chúng nhân dân thì có mấy ai chuộng những sản phẩm của chế độ cộng sản?

Gia Tài Của Mẹ và Mùa Thu Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chọn ở lại với chế độ “cách mạng”, “không chạy theo đế quốc”, nhưng nhà cầm quyền “cách mạng” vẫn có nhiều nghi ngờ với các ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Tháng Bảy-2022 mới đây, ở Đà Lạt, Khánh Ly bị khiển trách và ban tổ chức đã bị xử phạt vì hát bài “Gia Tài Của Mẹ”. Báo Lao Động ngày 01/07/2022 viết rằng: “Ngày 25.6 vừa qua, trong đêm nhạc tại Đà Lạt, ca sĩ Khánh Ly đã hát ‘Gia tài của mẹ’. Ca khúc này chưa được cấp phép phổ biến, đồng thời không có tên trong danh sách 24 ca khúc đã được công ty Mây Lang Thang trình duyệt để biểu diễn trong chương trình”.

Bài hát Gia Tài Của Mẹ:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tâу
Hai mươi năm nội chiến từng ngàу
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tâу
Hai mươi năm nội chiến từng ngàу
Gia tài của mẹ một bọn lai căng
Gia tài của mẹ một lũ bội tình.
(Gia Tài Của Mẹ – Trịnh Công Sơn)

Tháng Chín-2022, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), ngày 26/09/2022 loan tải rằng, “…Điện lại được sử dụng như một công cụ để ngăn chặn những thứ mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cho rằng… phiền toái, có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng về tư tưởng và nhận thức, đe dọa sự ổn định chính trị”. Đó là chuyện mới nhất, xảy ra vào cuối tháng 9-2022. Buổi trình diễn của Khánh Ly bị cúp điện, phải hoãn, không biết khi nào được tổ chức lại. Sau đó thì được cho biết bài hát “Nhớ Mùa Thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn bị xét lại. Cũng là mật mã “Mùa Thu”.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, trong một bài nhận định đăng trên trang blog cá nhân của ông hôm 26/09/2022, viết rằng, Chương trình của ca sĩ Khánh Ly có tên là Nhớ Mùa Thu Hà Nội, ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được viết vào năm 1985. Nhưng số phận ca khúc đó cũng long đong không kém show diễn tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Một vài năm sau khi ca khúc Nhớ Mùa Thu Hà Nội được đón nhận rầm rộ trên mặt truyền thông, như là một sáng tác góp vào nền văn hóa mới của chế độ mới, nhưng bài hát cũng bắt đầu bị soi chiếu và thậm chí bị phản ứng khi đưa vào các chương trình truyền hình.

Theo tiết lộ của Đoàn Bổng, trưởng phòng ca nhạc của Đài Truyền Hình Việt Nam, “bài Nhớ Mùa Thu Hà Nội luôn bị dằn xuống bàn, soi chiếu từng câu chữ”. Đoàn Bổng nói: …Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người, lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai, sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi, sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi… Mùa thu Hà Nội tượng trưng cho mùa thu cách mạng. Vậy nói mùa thu Hà Nội trả lời là trả lời cái gì? Nếu một số ca khúc trước đây bị cấm vì có ca từ nhạy cảm, thì sao ca khúc này không bị cấm?”.

Tốn kém ra sao, đúng sai,… đảng ta không cần biết tới. Bởi vì trong chương trình sẽ trình diễn bài “Nhớ Mùa Thu Hà Nội”, có lời ca mang “ẩn ý” thì bị cấm, dù trước đó đã “được cấp phép” trình diễn.

Cho nên nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng, “…Bài hát hay con người của một nền văn hóa của miền Nam trước 1975, vẫn luôn bị xét lại như vậy vào bất kỳ lúc nào. Có thể là công khai, hoặc thầm lặng trong nội bộ của những người có quyền.

Dù sao “ca từ nhạy cảmMùa Thu trong nhạc của Phạm Duy và Trịnh Công Sơn đã được giải mã phần nào. Còn nhạc của Phượng Hoàng thì nhà cầm quyền chưa giải thích tại sao “bị cấm” và bài nào “hết bị cấm”.

Có lẽ, cái tên “Phượng Hoàng” mới là cái bí ẩn lớn nhất trong toàn bộ ban nhạc cũng như các sáng tác của hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà. Bởi vì Phượng Hoàng là chương trình hoạt động của tình báo Miền Nam và của Mỹ.

Chương Trình Phụng Hoàng (The Phoenix Program)

Theo Đại Tá Nguyễn Mâu, Phụ Tá Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia của Việt Nam Cộng Hoà, đặc trách Ngành Đặc Biệt (NDB) thì, “Chương Trình Phượng Hoàng chỉ ra đời từ giữa năm 1968 nhưng cùng một kế hoạch như thế, cùng quan niệm, nhắm cùng mục tiêu và có cùng phương thức hoạt động, mệnh danh The Phoenix Program đã được thi triển từ năm 1964. Chương trình Phượng Hoàng có sự tham gia của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà và các cơ quan an ninh của Việt Nam Cộng Hoà. Riêng với The Phoenix Program, người Mỹ hoạt động đơn phương, chỉ một mình họ trên tuyến tình báo đánh phá hạ tầng cơ sở Việt cộng”. (Nguyễn Mâu, Tình Hình và Yêu Cầu Chiến Lược, NDB, 2009, trang 28).

huy hiệu Phụng Hoàng

Chương trình Phụng Hoàng (The Phoenix Program) hoàn toàn do tình báo của Mỹ (Central Intelligence Agency – CIA) điều khiển. Bốn năm sau, Chương Trình Phượng Hoàng mới ra đời, được phối hợp giữa tình báo Mỹ và của Việt Nam Cộng Hoà, trong đó Ngành Đặc Biệt đóng vai trò quan trọng. 

Cũng theo Đại Tá Nguyễn Mâu, The Phoenix Program (Phụng Hoàng) của tình báo Mỹ và Chương Trình Phượng Hoàng có cùng mục tiêu nhưng không là một. Mục tiêu là tiêu diệt hạ tầng cơ sở của đảng cộng sản ở Miền Nam Việt Nam. Hạ tầng cơ sở (infrastructure) được tình báo Mỹ xem là quan trọng, nhưng không phải là các phương tiện vật chất như cầu cống, đường xá, hệ thống thông tin liên lạc,…

Sau Hiệp Định Geneve 1954, tình báo Hoa Kỳ ghi nhận cán bộ cộng sản không tôn trọng hiệp định, không rút quân về miền Bắc như đã ký kết. Họ lập mật khu, chôn giấu súng đạn và gài cán bộ nằm vùng trong Nam để chờ ngày tổng nổi dậy cướp chính quyền. Đó là “hạ tầng cơ sở” của cộng sản Việt Nam tại Miền Nam.

Trung tá Ronald L. Beckett phúc trình về “The Phoenix Program”, một đoạn trích như sau: “The Phoenix Program certainly ranked high among the most controversial and notorious programs of the Vietnam War. Critics of Phoenix claimed it to be a barbarous program of assassination, abduction, and intimidation that resulted in the murder of thousands and the illegal incarceration and torture of thousands more (often innocent) civilians. Unfortunately, this was the view portrayed broadly by the U.S. media”. (https://weaponsandwarfare.com).

Dịch ra tiếng Việt: Chương trình Phượng hoàng chắc chắn được xếp hạng cao trong số các chương trình gây nhiều tranh cãi và tai tiếng nhất về Chiến Tranh Việt Nam. Các nhà phê bình cho rằng, Phoenix là một chương trình ám sát, bắt cóc và đe dọa man rợ dẫn đến giết hại hàng ngàn người, giam giữ và tra tấn bất hợp pháp hàng ngàn thường dân (thường là vô tội). Không may, đây lại là quan điểm được loan tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của Mỹ.

Cho đến nay, họ không cải chính và vẫn giữ im lặng về nhận xét này. Chắc không bao giờ cơ quan tình báo có thể bạch hoá hoạt động của họ.

Nhắc lại trong các tài liệu về Phụng Hoàng, khi bắt được các tài liệu mật của Việt cộng (VC), tình báo Mỹ khám phá, lệnh của trung ương đảng bộ cộng sản Hà Nội truyền cho các cơ sở đảng trong Nam phải ráo riết hoạt động. Lệnh phải thiết lập đường dây tình báo, phối hợp các hoạt động, cài người nằm vùng, chiêu dụ, khủng bố, đe doạ dân chúng và sinh viên học sinh, thu thuế, ám sát những người trong chính quyền Sài Gòn,… để chuẩn bị cho cuộc Tổng Nổi Dậy. Trong khi lực lượng quân sự của cộng sản chỉ đóng vai trò phụ thuộc. Các tài liệu mật đó là hồi chuông báo động, khiến cho bộ phận tình báo của Miền Nam phải chuẩn bị để đối phó. Do đó, chương trình Phượng Hoàng ra đời nhằm triệt tiêu tiềm năng huy động của cán bộ đảng cộng sản nằm vùng tại miền Nam.

Khi Phượng Hoàng hoạt động, các công tác truy bắt phần tử khủng bố gây rối trong xã hội miền Nam, họ là những cán bộ cộng sản, đã bị đưa vào tù rất nhiều. Song song, còn có chương trình Chiêu Hồi được phát động để tiếp nhận các cán bộ bỏ đảng cộng sản để về với phe Quốc Gia. Mạng lưới tình báo của VC bị phá vỡ rất lớn, khiến cho trung ương đảng phải quyết đánh ván bài chót. Đó là cuộc Tổng Công Kích vào những ngày Tết Mậu Thân, năm 1968. Hạ tầng cơ sở của đảng tại Miền Nam được đảng sử dụng toàn bộ và hậu quả là tất cả bị xoá sổ.

Kể từ Thông Cáo Chung Thượng Hải 1972, Mỹ lấy cái ghế thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc của Trung Hoa Quốc Gia (Đài Loan) trao cho Trung Cộng; rồi còn cam kết sẽ “không trở lại Đông Dương”. Đầu năm 1973, Hiệp Định Paris được các bên ký kết. Quân đội Mỹ và các nước đồng minh rút ra khỏi Việt Nam. Quốc Hội Mỹ quyết định cắt hết viện trợ quân sự và các hoạt động khác, trong đó có Chương Trình Phượng Hoàng, mở đường cho cộng sản xâm lăng miền Nam.

Nhân viên của Phượng Hoàng được cải tuyển thành Lực Lượng Thám Sát Tỉnh. Tình báo ở Miền Nam hoàn toàn được kiểm soát và điều hợp bởi NDB và quân đội. Thời điểm ấy, cộng sản Việt Nam không còn hạ tầng cơ sở ở Miền Nam dùng cho chiến tranh du kích. Cộng sản Bắc Việt cho tiến hành các trận đánh lớn, bằng con số binh lính to lớn hơn, cơ giới, súng ống hạng nặng,… dồi dào hơn, được cả khối cộng sản viện trợ, vượt biên giới xâm lăng Miền Nam.

Miền Nam chiến đấu trong đơn độc, chống lại cộng sản Bắc Việt và toàn khối cộng sản quốc tế, trong đó có Liên Bang Xô Viết, Trung Cộng và toàn khối cộng sản Đông Âu; cho đến khi hết đạn!

Ban Nhạc Phượng Hoàng Chẳng Có Liên Hệ Gì Với The Phoenix Program

Qua những dữ kiện về Chương Trình Phượng Hoàng đủ cho thấy chẳng có mối liên hệ gì giữa The Phoenix ProgramBan Nhạc Phượng Hoàng. Cũng chẳng có ẩn ý gì trong các bản nhạc của Phượng Hoàng, mà chỉ thấy chế độ Hà Nội còn sợ và thù. Bởi vì Phượng Hoàng đã tiêu diệt “hạ tầng cơ sở” của đảng cộng sản tại Miền Nam. Giấc mơ của đảng, “nhân dân miền Nam nổi dậy chống chính quyền Sài Gòn”, đã không diễn ra. Người ta thấy rõ, chế độ cộng sản còn mang mối hận đối với tình báo Miền Nam, rồi đem đổ hết lên đầu hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà.

Nếu vẫn còn suy luận sơ đẳng rằng, chữ “người” chỉ được dùng cho lãnh tụ cộng sản thì biết bao nhiêu sách vở thơ văn từ Bắc chí Nam đều phải đem đi đốt cả. Nếu bảo rằng, “Mặt Trời Đen” của Nguyễn Trung Cang sáng hơn “Mặt Trời Chân Lý” của Tố Hữu thì đảng và Tố Hữu quá tự ty mặc cảm. Nếu đảng còn lý luận mùa Thu “tượng trưng cho mùa thu cách mạng” thì đảng nên gởi cán bộ đi học lại để hiểu mùa thu là gì. Mỗi năm có bốn mùa của thiên nhiên. Mùa nào cũng có thể là tạo cảm xúc cho thi văn sĩ, không thể là của đảng cộng sản.

Đến lúc đảng cộng sản phải trả lại cho nhân dân những quyền do Thượng Đế ban cho từ lúc chào đời. Quyền nói, quyền tư tưởng, quyền tụ họp, quyền làm người, quyền mưu cầu hạnh phúc… Những thứ quyền đó không phải của đảng, và đảng cũng không có quyền gì để ban phát cho ai.

Cái thời chiến tranh đã qua. Hãy xoá đi những nỗi sợ hãi và hận thù trong quá khứ để nhìn vào thực tế của ngày nay.

Hãy trả lại tài sản và danh dự cho ban nhạc Phượng Hoàng và cho hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà. Đảng cộng sản phải đền bù xứng đáng cho gia đình của hai nhạc sĩ. Vin vào những cái gọi là “ẩn ý trong lời ca” để trả thù vặt, thì nó sẽ phơi ra cái hèn hạ của bọn tiểu nhân! Chả có gì vinh quang!

Sơn Hà (Oct-2022)