Nguyên tác: Den Heliga Natt
Trích từ cuốn Kristuslegender/ Những Huyền thoại về Chúa Kitô (1904)

Tác giả: SELMA LAGERLÖF
Nữ văn sĩ  Thuỵ Điển, đoạt giải văn chương Nobel năm 1909
(1858 – 1940)

Dịch giả: Nguyễn Văn Thực * dịch từ tiếng Thuỵ Điển

Khi tôi năm tuổi, tôi phải chịu đựng một nỗi buồn thật lớn. Từ đấy tôi thấy khó mà có một nỗi buồn nào lớn hơn. Đó là lúc bà nội tôi qua đời.

Cho đến ngày mất, mỗi ngày bà nội tôi cứ ngồi trên ghế bành kê trong một góc nhà mà kể truyện đời xưa.

Tôi không thể nhớ bất cứ điều gì khác về bà nội, ngoài việc bà cứ ngồi kể truyện và kể từ sáng đến tối, và lũ trẻ chúng tôi ngồi lặng yên bên bà mà nghe. Những ngày thơ ấu tuyệt vời. Không có đứa trẻ nào khác trên đời này có được diễm phúc như chúng tôi.

Ký ức của tôi về bà nội, không nhiều, ngoại trừ tôi nhớ bà có mái tóc trắng phau phau, trắng mà đẹp. Khi đi, lưng bà cong gập và hễ ngồi, lại cứ cắm cúi đan tất (tức là ”vớ”, theo cách gọi ở miền Nam).

Tôi cũng nhớ rằng lúc đó, mỗi khi bà kể cho tôi nghe một câu truyện cổ tích, bà thường đặt tay lên đầu tôi, rồi trước khi hết truyện bà nói:  ”Và tất cả những gì trong truyện thì y như chuyện bà đang nhìn cháu, và cháu đang nhìn bà đây.”

Tôi cũng nhớ rằng bà có thể hát, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới hát. Một trong những bài hát đó là bài về một hiệp sĩ và một nàng người-cá-trong-hồ và điệp khúc có câu: ”Trên hồ gió thổi lạnh, trời buốt giá.”

Rồi tôi còn nhớ một lời cầu nguyện ngăn ngắn, bà đã dạy tôi, và một câu Thánh Vịnh.

Trong tất cả truyện đời xưa bà kể, trí nhớ tôi kém cỏi và lại hay nhớ lộn, tôi chỉ nhớ được mỗi một truyện, đó là truyện Chúa Giêsu ra đời”.

Tranh: Chúa Giêsu giáng sinh, của Anders Eriksson, Thuỵ Điển, vẽ năm 1806

Vâng, đấy là tất cả những gì mà tôi còn nhớ về bà nội, và ngoài truyện này ra, điều tôi nhớ nhiều nhất vẫn là chuyện bà nội tôi qua đời.

Tôi nhớ là buổi sáng hôm ấy chiếc ghế bành đã bị bỏ trống và lúc đó tôi hoàn toàn không thể biết được ngày hôm ấy sẽ chấm dứt ra làm sao đây. Tôi nhớ. Tôi không bao giờ quên.

Và tôi nhớ rằng bọn trẻ chúng tôi được dẫn tới để hôn tay bà nội đã chết. Và bọn tôi rất sợ, nhưng khi ấy có ai đó nói với chúng tôi rằng đây là lần cuối cùng chúng tôi có thể cảm ơn bà vì những niềm vui bà đã mang đến cho chúng tôi.

Và tôi nhớ những truyện cổ tích, những bài hát đã bị đưa ra khỏi nhà như thế nào: chúng bị đóng kín trong một cái hòm dài và đen ngòm, và chúng sẽ chẳng còn bao giờ trở lại.

Tôi  nhớ rằng một cái gì đó đã ra khỏi cuộc đời. Giống như cánh cửa của một thế giới tuyệt đẹp và quyến rũ, mà ở đó chúng tôi có thể thoải mái đi ra, đi vào, cánh cửa ấy đã bị đóng hẳn. Và bây giờ chẳng còn ai đứng đó mà mở cửa cho chúng tôi nữa.

Và tôi nhớ, sau đó, bọn tôi bé tí, học cách chơi búp bê, và chơi những đồ chơi khác và sống như những đứa trẻ khác, và khi ấy có thể coi như chúng tôi không còn đoái hoài đến, không còn nhớ bà nội nữa.

Nhưng rồi ngày hôm nay, sau bốn mươi năm, khi tôi ngồi và sưu tầm lại các huyền thoại về Chúa Giêsu, mà tôi đã được nghe nơi Miền Đông Thuỵ Điển xa xôi, một mẩu truyện nhỏ về sự ra đời của Chúa Giêsu thức dậy trong tôi, câu truyện mà bà nội tôi đã kể, vẫn còn ấp ủ trong lòng tôi. Và tôi muốn kể lại và đưa vào trong tập truyện huyền thoại về Chúa Giêsu mà tôi sưu tầm.

Đấy là một Đêm Giáng sinh, khi mọi người đã đi dự lễ đêm, ngoại trừ bà nội và tôi. Tôi nghĩ là hai bà cháu sẽ cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà trống vắng. Chúng tôi không được đi lễ vì một thì quá già và một thì quá trẻ. Và chúng tôi buồn vì không được dự lễ và được nhìn đèn giáng sinh.

Nhưng khi chúng tôi ngồi cô đơn trong nhà như thế thì bà nội tôi bắt đầu kể truyện.

”Ngày xưa,” bà kể, có một người đàn ông đi trong đêm tối để xin lửa. Ông ta đi từ nhà này đến nhà khác và gõ cửa và nói: ’Ông bà làm ơn làm phước. Vợ tôi mới sinh, và tôi cần lửa để sưởi ấm vợ tôi và đứa nhỏ.’

Nhưng đêm thì khuya quá rồi, cho nên ai cũng đã ngủ cả. Chẳng một ai trả lời.

Người đàn ông đi, đi, đi mãi, cuối cùng ông thấy có một đốm lửa xa xa. Ông ta lê gót theo hướng ấy và thấy rằng đám lửa ấy đốt giữa đồng. Một đám cừu trắng đang ngủ chung quanh lửa ấm, và một người chăn cừu đang ngồi canh chừng đàn chiên.

Người đàn ông đi xin lửa đi tới đám cừu, và thấy có ba con chó lớn nằm và ngủ cạnh chân của người mục tử. Cả ba con chó đều bừng tỉnh khi ông đến, và chúng mở to con mắt, như thể chúng muốn sủa mà sủa không ra tiếng. Người đàn ông thấy lông trên sống lưng chúng dựng lên, và thấy những chiếc răng nhe sáng bóng trong ánh lửa và chúng xông lại phía ông. Ông cảm thấy một con cắn chân, một con cắn tay ông và một con bám vào cổ ông. Nhưng hàm và răng, mà lũ chó muốn dùng để cắn, không nghe theo lũ chó, và người đàn ông chẳng bị thương tích gì, dù nhỏ.

Quang cảnh chăn cừu ở Bethlehem

Bây giờ người đàn ông tiếp tục đi đến để lấy cái ông ta cần, nhưng lũ cừu cứ nằm sát chặt với nhau, lưng đấu lưng, đến nổi ông ta không thể tiến tới đống lửa được. Người đàn ông bèn đi lên lưng lũ cừu mà đến bên đống lửa. Không có con cừu nào thức dậy hay cựa quậy gì. ”

Bà nội đã được tôi để yên mà kể cho tới khúc này, nhưng giờ thì tôi không thể không ngắt lời bà.

”Tại sao chúng lại không cựa quậy vậy, bà?” Tôi hỏi.

”Chút nữa cháu sẽ biết,” bà nội nói và tiếp tục kể,

”Khi người đàn ông đã đến được gần sát đống lửa, người mục tử nhìn nhìn dè chừng. Lão này là một người khó tánh, khó nết và tàn nhẫn với người. Và khi lão thấy một người lạ đến gần, ông ta lôi chiếc hèo dài và nhọn ra, cái hèo mà lão dùng khi chăn cừu, và phóng về phía người đàn ông, nhưng trước khi chiếc hèo đâm thẳng vào người đàn ông, thì nó lại bẻ quặt qua một bên và bay vù qua người đàn ông rồi rơi xuống ngoài xa. ”

Khi bà nội kể tới đây, tôi lại ngắt lời bà: ”Bà ơi, sao bà không để cho cái hèo đâm trúng cái ông đó?” Nhưng bà nội tôi chẳng thèm trả lời tôi, mà tiếp tục kể:

”Khi người đàn ông tiến về phía lão chăn cừu và nói: ’Thưa ông, ông làm ơn cho tôi một chút lửa! Bà xã tôi vừa mới sinh, và tôi phải đốt lửa để sưởi ấm bã và đứa nhỏ.’ Lão chăn cừu không muốn cho, như khi lão chợt nghĩ ra rằng lũ chó chẳng cắn kiếc gì được ông này, rằng lũ cừu không chạy tản ra, và rằng cái hèo của lão không đốn ngã được ông ta, lão ta cảm thấy sợ hãi và không dám từ chối điều ông kia xin. 

Lão ta bèn nói: ’Lấy bao nhiêu thì lấy đi.’

Nhưng đống lữa đã gần tàn, chẳng còn có lấy một thanh củi, hay cành cây khô nào, mà chỉ còn lại một đống lửa than to, và người đàn ông lạ mặt chẳng có xẻng, cũng chẳng có môi xúc than hồng mà mang đi.

Nhưng người đàn ông cúi xuống lấy bàn tay trần phủi tro ra khỏi than hồng  và bỏ than vào túi áo khoác ngắn. Và than không đốt cháy tay ông ta và khi ông xắc xắc chúng trong túi áo, cũng không thấy than cháy đốt cháy túi, rớt ra ngoài áo khoác, nhưng tỉnh bơ mang chúng đi, như thể chúng là hạt dẻ hoặc táo vậy.

Nhưng bây giờ người kể truyện lại bị ngắt lời lần thứ ba: ”Bà ơi, tại sao tại sao than hồng không làm cháy bỏng ông ấy vậy, bà?”

”Rồi cháu sẽ biết thôi!” Và bà nội lại kể:

”Thế là lão chăn cừu xấu tính, xấu nết ấy, thấy tất cả những gì xảy ra trước mắt lão, lão bắt đầu lẩm bẩm: ’Đêm nay như thế này là thế nào? Chó không cắn được, cừu không khiếp sợ, cái hèo mũi nhọn chẳng giết được và lửa chẳng làm bỏng được ông ta là sao?

Lão gọi người đàn ông lạ lại và hỏi: ’Đêm nay là đêm gì? Vì cớ làm sao mà con gì, vật gì cũng tỏ ra thương xót ông như vậy?’

Thế rồi người đàn ông trả lời: ’Tôi không thể cho ông biết cớ sự, nếu chính ông, ông không tự thấy ra.’ Và người đàn ông muốn rời chân đi để chóng về đốt lửa sưởi ấm vợ, con mình.

Nhưng lão chăn cừu nghĩ trong lòng rằng tớ không muốn người đàn ông bỏ đi mất dấu, mất tăm, trước khi tớ tìm ra nguyên cớ những gì vừa xảy ra. Thế là lão ta chỗi dậy và đi theo ông kia tới tận nhà.

Khi đó lão mục tử mới thấy người đàn ông chẳng có nhà, có chòi gì ráo, ngoại trừ có vợ và con nằm trong một hang đá, và trong đó chẳng có gì khác ngoài những bức tường đá trần trụi, trơ lạnh. Nhưng người mục tử nghĩ rằng thiệt là bậy nếu để cho đứa bé vô tội phải chết lạnh trong hang đá, và mặc dầu lão là một người sắt đá, lòng lão bỗng mềm lại và lão thấy lão muốn giúp đứa nhỏ. Và lão cởi cái túi mang ra khỏi vai, và lấy từ túi ra một tấm da cừu mềm và trắng, đưa cho người đàn ông và nói là lão mong người mẹ đặt cháu bé nằm trên đó mà ngủ.

Nhưng ngay khi lão ta cảm thấy mình cũng có thể có lòng thương xót, mắt lão bỗng mở ra, lão thấy được cái mà lão trước đây không thể thấy, và nghe được cái mà trước đây lão chưa từng được nghe.

Lão thấy một vòng các thiên thần cánh nhỏ đứng chung quanh mình, và có  một thiên thần đánh đàn, và tất cả các thiên thần đều cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa rằng đêm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra đời, Ngài sẽ cứu mọi người trần gian thoát khỏi vòng tội lỗi.

Lúc đó lão mới hiểu ra rằng mọi loài mọi vật đêm nay trở nên vui sướng, và rằng mọi loài mọi vật sẽ không làm hại nhau. Và không phải chỉ quanh lão mục tử, mà lão thấy đâu đâu cũng có thiên thần. Các vị ngồi trong hang, trên núi, và các vị bay trong bầu trời. Các vị đi từng nhóm đông, và khi các vị đi qua hang đá, các vị dừng lại và lén nhìn em bé.

Reo hò như thế, vui mừng như thế, và ca hát, chơi đùa, và lão thấy tất cả những nỗi hân hoan này, mà lão không ngờ là có được trong đêm tăm tối. Lão vui mừng đến nổi lão cảm thấy mình được mở mắt ra, và đến nổi lão quỳ xuống mà cảm tạ Chúa.”

Nhưng khi bà nội kể đến đây, bà thở phào một cái và nói: Nhưng những gì mà lão mục tử thấy, chúng ta cũng có thể thấy, vì thiên thần mỗi độ giáng sinh về cũng đều bay dưới bầu trời, chỉ cần chúng ta biết nhìn ra các vị.

Thế rồi bà nội đặt tay bà lên đầu tôi mà nói: Cháu phải ghi nhớ những điều bà kể vì chúng rất thật, thật như bà đang thấy cháu đây và như cháu đang thấy bà đây. Có đèn, có nến hay không, cũng không nhằm nhò gì, mặt trăng và mặt trời chỉ là chuyện nhỏ, điều cần thiết là chúng ta có đôi mắt nhìn ra được sự vinh hiển của Chúa.”

SELMA LAGERLÖF


* Vài nét về dịch giả Nguyễn Văn Thực:

Dịch giả hiện ở Na Uy. Ông chính thức bước vào ngành dịch thuật trong vòng hơn hai thập niên qua. Sau đây là một số dịch phẩm của ông:

  • Sao Chúa Mãi Im (沈黙: Chin Mokư: Trầm Mặc), của Endō Shūsaku: 遠藤 周作,: Viễn-Đằng Chu-Tác, xuất bản ở Na Uy, 1999.
  • Bên Giòng Sông Hằng (深い河: Fưkai Kawa: Dīpu ribā: Thâm Hà), của Endō Shūsaku: 遠藤 周作: Viễn-Đằng Chu-Tác, xuất bản ở Hoa Kỳ, 2000; và ở Việt Nam, 2018.
  • Kim Các Tự (金閣寺: Kinkaku-ji), của Mishima Yukio: 三島 由紀夫: Tam-Đảo Do-Kỷ-Phu, xuất bản ở Việt Nam, 2020
  • Toàn Văn Bản Tường Trình của LHQ Đi Tìm Sự Thật tại Nam Việt Nam1963: Report of United Nations Fact-Finding Mission to South Viet-Nam –1963, xuất bản ở Hoa Kỳ, 2020

Ông cũng đã dịch một số truyện ngắn Nhật ngữ và Hán ngữ đăng trên báo giấy Thế Kỷ 21 và Diễn đàn Thế kỷ Online.

Đang dịch:

  • From Trust to Tragedy: The Political Memoirs of Frederick Nolting, Kennedy’s Ambassador to Diem’s Vietnam: Từ Tin tưởng tới Bi kịch: Hồi ký Chính trị của Frederick Nolting, Đại sứ của TT Kennedy ở Việt Nam của TT Diệm, của Đại sứ Frederick Nolting

Ông tốt nghiệp môn tiếng Nhật, Đại học Oslo, và biết tiếng Anh, Đức, Na Uy, Pháp, Hán.

Ngoài dịch thuật, ông còn viết nhiều truyện ngắn và thơ.

Bài liên quan:
  • GIÁO DỤC CON KHI NÀO VÀ NHƯ THẾ NÀO?
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt