Quang cảnh bệnh viện ở Bắc Kinh trong tình trạng “quá tải”

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China’s elderly pay ultimate price for COVID missteps,” Nikkei Asia, 12/01/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Người già ở Trung Quốc đang chết với tốc độ chưa từng thấy, khiến nhiều gia đình tan nát.

Tại Trung Quốc, người trẻ thường không ngần ngại nhường ghế cho người già trên tàu lửa và xe buýt. Nền văn hóa Nho giáo luôn luôn có truyền thống kính trọng người già.

Nhưng khi Covid-19 tấn công 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, 200 triệu người cao tuổi ở nước này chính là nhóm bị tổn thương nhiều nhất, bị dồn vào chân tường.

Số người già chết mỗi ngày đã ở mức cao chưa từng thấy kể từ cuối tháng 12, thậm chí sớm hơn. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của nhiều bộ óc xuất sắc nhất Trung Quốc, chẳng hạn như các thành viên đáng kính của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Học viện Kỹ thuật Trung Quốc ở độ tuổi 80 trở lên.

Trong khi tỷ lệ tử vong ở người trẻ là tương đối thấp, và ngày càng có nhiều người quay trở lại cuộc sống bình thường ở các thành phố lớn, việc có quá nhiều người già thiệt mạng đã đặt ra câu hỏi về khía cạnh nhân đạo trong những sai lầm của chính phủ.

Hãy cứu người già.” Các luật sư ở nhiều nơi trên đất nước đã ký và gửi đơn kiến nghị có chứa thông điệp này tới các cơ quan chính phủ trung ương, kêu gọi họ ngay lập tức hành động, chẳng hạn như nhập khẩu số lượng lớn các loại thuốc hiệu quả từ nước ngoài và sản xuất bất cứ thứ gì có thể trong nước.

Chính quyền không công bố số liệu mô tả chính xác tình hình. Nhưng các đơn vị công tác địa phương (danwei) vẫn theo dõi và công bố thông tin đáng tin cậy về số ca tử vong. Khi cộng lại với nhau, con số là cực kỳ cao.

Thông báo về cái chết của nhiều cá nhân được đăng trên bảng tin của trường đại học, trong khi cái chết của những người khác được công bố trên các trang web. Chính quyền trung ương không thể che giấu quy mô của thảm kịch.

Cái chết của 25 giáo sư, giảng viên, và nhân viên đã nghỉ hưu được một trường đại học ở thành phố Đại Liên, đông bắc Trung Quốc, thông báo vào ngày 3/1.

Một chuyên gia phân tích các xu hướng xã hội ở Trung Quốc tính toán rằng số người về hưu tử vong do các trường đại học trên khắp Trung Quốc công bố gần đây gấp ít nhất là từ 3 đến 6 lần so với những năm trước.

Kể từ đầu năm, số lượng người được hỏa táng hàng ngày tại các nhà tang lễ ở một khu vực của tỉnh Phúc Kiến đã tăng gấp 5 đến 6 lần so với mức trung bình hàng năm.

Cái chết của các giảng viên và nhân viên, chủ yếu là người về hưu và các thành viên trong gia đình họ, tại các trường đại học ở Phúc Kiến được cho là cao gấp gần 10 lần dự đoán năm ngoái.

Nguyên nhân cái chết thường không được đề cập, vì phải cẩn trọng trước chính quyền trung ương. Nhưng không nghi ngờ gì, chúng có liên quan đến Covid.

Ngay cả các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới, những người có thiện cảm với Trung Quốc trong những ngày đầu của đại dịch, giờ đây cũng chỉ trích sự khác biệt giữa số ca tử vong chính thức liên quan đến Covid do Trung Quốc công bố và con số thực tế.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không có dấu hiệu thay đổi lập trường của mình. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không nhấn mạnh đến cái chết của người cao tuổi trong thông điệp năm mới của họ. Tất cả những gì họ làm là nhắc lại những khẩu hiệu như “Hãy để đất nước được thịnh vượng, nhân dân được sống trong hòa bình.”

Trong khi đó, tình hình đang rất nghiêm trọng. Thuốc hạ sốt đã được bán sạch tại các hiệu thuốc trên khắp Trung Quốc. Do có quá nhiều nhân viên bị nhiễm Covid, các bệnh viện đã không thể khám cho bệnh nhân mới.

Các con buôn chợ đen hiện đang bán Paxlovid – một loại thuốc điều trị Covid được Bắc Kinh phê duyệt do công ty dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ phát triển – với giá cao ngất ngưởng hơn 10.000 nhân dân tệ (1.477 USD) mỗi hộp.

Khi một trận động đất tàn phá Tứ Xuyên vào năm 2008, các tổ chức phi chính phủ đã can thiệp để phân phát thuốc men và tiến hành các hoạt động cứu trợ. Vào thời điểm đó, các tổ chức phi chính phủ non trẻ này đã mang lại hy vọng cho người dân rằng xã hội dân sự đang bắt đầu hoạt động ở Trung Quốc.

Mười lăm năm sau, mọi thứ đã thoái trào. Kể từ thời Chủ tịch Tập Cận Bình, các tổ chức phi chính phủ đã không được phép tự do hoạt động vì chúng buộc phải có thêm các chi bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một nhà quan sát cho biết: “Hầu như không có hoạt động cứu trợ tình nguyện nào trong tình hình bùng phát dịch bệnh như hiện nay. Rõ ràng, xã hội dân sự đang thụt lùi.

Trung Quốc có 200 triệu người già ở độ tuổi từ 65 trở lên, tương đương với toàn bộ dân số của Nhật Bản và Vương quốc Anh cộng lại, và corona virus đang gây ra nhiều thiệt hại cho họ hơn các nhóm tuổi khác.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nước này có 10,14 triệu ca tử vong vào năm 2021. Con số tử vong vào năm 2022 sớm muộn cũng sẽ được công bố, cho thấy rõ cái giá nhân mạng phải trả cho Covid-19 cao đến thế nào – dù nguyên nhân tử vong vẫn còn mơ hồ.

Đến một lúc nào đó, người ta sẽ đặt câu hỏi về việc xử lý sai Covid. Các chính sách tồi đã từng gây hậu quả ở Trung Quốc trước đây. Các quyết định tai hại của Mao Trạch Đông khi tiến hành Đại nhảy vọt (1958-1961) và Cách mạng Văn hóa (1966-1976) đã gây ra những biến động lớn đến mức làm biến dạng tháp dân số quốc gia, như các nghiên cứu sau này đã chứng minh.

Lần này, thực ra có một cách để ngăn chặn mức độ tử vong cao như vậy. Trung Quốc có thể đã cứu được nhiều người già nếu họ chịu sử dụng vaccine mRNA từ phương Tây và sản xuất thêm hàng loạt vaccine trong nước.

Dù tình hình khá ảm đạm, nhưng vẫn có vài dấu hiệu tươi sáng. Làn sóng lây nhiễm hiện tại được cho là đã đạt đỉnh ở một số thành phố lớn, bao gồm cả Bắc Kinh, vào khoảng cuối tháng 12. Mọi người đang quay trở lại đường phố, và bình yên đang được khôi phục.

Ở Trung Quốc, những người bị nhiễm bệnh được gọi là “dê.” Đó là vì từ “dương tính” trong tiếng Trung gồm chữ dương (yang), có cách phát âm giống như từ “con dê.”

“Anh thành dê rồi à?” đang là câu chào phổ biến mỗi khi bạn bè gặp nhau ngoài đường. Hầu hết những người đã ra ngoài đều là dê, nghĩa là từng mắc Covid ít nhất một lần.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán bắt đầu vào cuối tháng này sẽ chứng kiến một lượng lớn người di chuyển. Nếu hơn 1 tỷ người cùng nhau lên đường về quê thăm gia đình sau gần ba năm phong tỏa, thì tình trạng lây nhiễm sẽ lan rộng hơn trên khắp đất nước.

Kịch bản tốt nhất của chính quyền trung ương là kiểm soát lây nhiễm vào cuối tháng 2, đạt được miễn dịch cộng đồng trên thực tế, và sau đó tổ chức phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, vào đầu tháng 3. Đó sẽ là màn ra mắt tốt đẹp cho nhân vật số 2 Lý Cường, người được kỳ vọng sẽ kế nhiệm Lý Khắc Cường làm thủ tướng tại phiên họp.

Nhưng kịch bản lạc quan này chứa đầy cạm bẫy. Như các quốc gia khác đã từng trải qua, đợt lây nhiễm đầu tiên thường sẽ được theo sau bởi đợt lây nhiễm thứ hai và thứ ba của các biến chủng khác.

Chính sách zero-Covid không có hiệu quả đối với biến chủng omicron có khả năng lây nhiễm cao. Bằng chứng đã cho thấy điều đó từ trước khi chính phủ từ bỏ chính sách này.

Cái đinh cuối cùng đóng vào chiếc quan tài zero-Covid là các cuộc biểu tình “giấy trắng“. Phong trào này đã nổ ra đồng thời hoặc theo phản ứng dây chuyền tại hơn 160 trường đại học và nhiều địa điểm khác. Nó được cho là đã bắt đầu tại một trường đại học ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, khi các sinh viên cầm những tờ giấy trắng trong cuộc biểu tình phản đối chính sách zero-Covid. Người trẻ đã trút bỏ nỗi bức xúc dồn nén bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Điều mà lẽ ra chính phủ Trung Quốc nên làm là cung cấp vaccine hiệu quả cho công chúng, chủ yếu cho người già, và chuẩn bị một lượng lớn thuốc như thuốc hạ sốt.

Thay vào đó, họ lại bận rộn tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid, cố gắng làm cho phản ứng của chính phủ trông có vẻ tốt đẹp.

Sau khi lãng phí thời gian quý báu, chính phủ Trung Quốc buộc phải từ bỏ chính sách zero-Covid một cách đột ngột.

Nhìn lại quá khứ, một phần nguyên nhân khiến hai thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe và Yoshihide Suga – phải từ chức là do sự bất bình mạnh mẽ của công chúng vì họ đã xử lý thảm họa Covid-19 một cách tệ hại. Nhìn bề ngoài, có vẻ như Tập sẽ không phải lo lắng về điều đó vì không có bầu cử dân chủ.

Tuy nhiên, nếu nhiều gia đình Trung Quốc tiếp tục mất đi những thành viên lớn tuổi trong bối cảnh kinh tế suy thoái, điều đó có thể thay đổi. Nếu mọi người bắt đầu coi mớ hỗn độn này là một thảm họa nhân tạo do những sai lầm trong chính sách, nó sẽ dần dần giáng một đòn mạnh vào chế độ của Tập.

Sự tức giận như vậy có thể dẫn đến làn sóng biểu tình giấy trắng tiếp theo.

Katsuji Nakazawa
Nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2023/01/16/nguoi-gia-trung-quoc-la-nan-nhan-cua-nhung-sai-lam-trong-dai-dich/#more-49452

Ảnh minh họa: Vận Hội Mới

Bài liên quan:
  • Năm dự đoán về Trung Quốc năm 2025
    James Palmer
  • 1975 – Khi Xuân Về: Phước Long khởi đầu hoàng hôn của VNCH
    TS Nguyễn Tiến Hưng
  • Cuộc chiến ngầm trong lòng Israel
    Mairav ​​Zonszein
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 5/1/2025. Hoà Bình trong danh dự sẽ đến với Ukraine và Xung đột Trung Đông sẽ lắng dịu?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Lời nguyền khoảng cách: Những điều Trump cần biết về Liên minh Mỹ-Nhật
    Takahashi Kosuke