Ngay khi còn bé thơ – thỉnh thoảng – tôi cũng đã nghe người lớn nhỏ giọng, khi nhắc đến hai câu ca dao: Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Nói gì mà thấy ghê?
Mãi tới già, mới biết rằng cửa Thần Phù – thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình – là chỗ sông Chính Đại đổ ra vịnh Bắc Bộ… Đến cuối đời Lê, cửa sông này đã bị bồi lấp và trở thành đất liền rồi nhưng nỗi sợ (rõ ràng) vẫn còn ám ảnh cho mãi đến mấy đời sau.
Qua đến đời tôi thì Việt Ngữ lại phát sinh ra đôi câu ca dao (mới) nghe tuy không “thấy ghê” nhưng thấy … chán: Mấy ngàn cây số biển xanh/ Mà sao thiếu muối cho canh hàng ngày!
Sao kỳ vậy cà? Sao mà dân ta ngại biển dữ vậy, hả Trời?
Nhà thơ Inra Sara giải thích: “Xưa, người Việt mở cõi xuống đất liền ở phương Nam, và chỉ biết có đất liền; còn đóng tàu viễn dương, thì hầu như chưa. Suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt chỉ biết ra khơi về lộng, chứ chưa hề đi xa hơn. Mà ‘lộng’, theo Từ Chi, chỉ đâu khoảng ba cây số cách bờ, còn ‘khơi’ xa lắm cũng đến bảy cây số là cùng.”
Với núi rừng cũng vậy, người Việt cũng ngại ngùng không kém: “Đường lên núi rừng sao hãi hùng/ Ôi gió lộng/ muôn lá động/ cành trong bóng thê lương.” (Lê Bình. Đường Lên Sơn Cước. Nxb Sóng Nhạc:1954).
Mới chỉ là miền sơn cước (chân núi) mà đã “hãi hùng” lắm rồi nên cỡ cao nguyên Lâm Viên (với đỉnh Lang Biang, cao gần 2000 mét) thì tất nhiên là chả ma nào chịu lặn lội lên tuốt luốt lên đó làm chi. Rừng thiêng, nước độc, lam sơn chướng khí (tùm lum) ai mà không ngán?
Nói ra thì sợ mích lòng, chớ (đôi lúc) tôi vẫn trộm nghĩ: “Nếu không có Alexandre Yersin thì bản đồ nước Việt e cũng không có địa danh nào tên gọi là Đà Lạt cả.”
Người Pháp tìm ra Đà Lạt. Người Anh tìm ra Hang Sơn Đoòng (thuộc quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng) ở Quảng Bình. Còn người Việt thì mãi qua đến thế kỷ 21 mới có một phát hiện bất ngờ, khiến cho cả làng báo nướn nhà phải “xôn xao” bàn tán:
- Tiền Phong: “Xôn xao bức tường quảng cáo tiếng Pháp lộ diện sau hàng chục năm ở Hà Nội”
- Lao Động: “Áp phích quảng cáo vẽ tường bằng tiếng Pháp bị ẩn hàng chục năm tại Hà Nội”
- Dân Việt: “Nên xem bức tường quảng cáo tiếng Pháp mới lộ diện là dấu tích lịch sử một thời của Hà Nội”
- Pháp Luật: “Quảng cáo vẽ tường bằng tiếng Pháp khoảng 100 tuổi bỗng dưng lộ diện”
- An Ninh Thủ Đô: “Hà Nội tạm thời giữ nguyên bức tường quảng cáo tiếng Pháp lộ diện sau hàng chục năm bị che lấp
Chuyện gì vậy kìa?
Tuổi Trẻ Online cho biết qua đôi ba chi tiết: “Dư luận trên một số diễn đàn mạng xã hội về di sản và Hà Nội đang xôn xao chuyện một tấm áp phích quảng cáo bằng tiếng Pháp bất ngờ lộ diện trên tường của trạm biến áp phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sau nhiều thập kỷ bị che lấp…
Ông Phạm Tuấn Long – chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm – cho biết sau khi nắm thông tin, quận đã giao UBND phường Cửa Nam tạm thời che áp phích để bảo vệ. Sự xuất hiện bất ngờ của áp phích quảng cáo bằng tiếng Pháp được nhiều người quan tâm đến di sản rất vui mừng, kêu gọi chính quyền cần bảo tồn, gìn giữ áp phích quảng cáo tiếng Pháp cuối cùng còn sót lại ở Hà Nội.”
Ủa! Cái “chính quyền” này “sính” ngoại ngữ từ hồi nào vậy há? Chứ theo như tôi biết thì nhà nước hiện hành chưa bao giờ có thái độ thân thiện với tiếng nước ngoài cả, còn “tiếng nước nào” bị kỳ thị hay dè bỉu thì tùy vào từng lúc. Hoàn toàn do tính khí và chính sách ngoại giao (thất thường) của … Đảng:
“Tôi quen ba người dạy tiếng Anh và tôi muốn nói tới các anh như những người từng chịu hẩm hiu lúc đất nước sập cửa lại với thế giới, tiếng Anh bị miệt thị. Thật ra chả phải chỉ tiếng Anh mà là bất cứ tiếng nói của kẻ thù nào. Chị P. T. M., dạy tiếng Trung Quốc ở Đại học Sư phạm đã ngồi làm thường trực mãi ở cổng trường cho tới khi Trung Quốc hết là thù mới lên truyền hình dạy lại. Ông Nghĩa dạy tiếng Trung Quốc ở Cao đẳng sư phạm Hà Nội thì đi làm bảo vệ. Khi đảng xét lại, các giáo viên tiếng Nga nghỉ dài dài.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt, 2014).
Chỉ mất việc thôi thì vẫn may mắn chán. Đã có lúc, ở xứ sở này, lắm kẻ còn mất mạng luôn chỉ vì chút vốn liếng sinh ngữ của mình ấy chứ. Họ bị du kích ban đêm lôi ra khỏi nhà bắn bỏ (rồi gắn cho tấm bảng có hai chữ “Việt Gian” trên ngực) vì nói được tiếng Pháp, và bị tình nghi … là làm gián điệp cho Tây.
Nay thì cả nước “vui mừng” vì phát hiện ra được “tấm áp phích quảng cáo tiếng Pháp cuối cùng còn sót lại” ở Hà Nội, và coi đây như là một “di sản,” rồi “kêu gọi chính quyền cần bảo tồn, gìn giữ…”
Trong số thuộc địa của Tây (rải rác khắp đó đây) có lẽ không đâu mà dân bị trị lại yêu quý Pháp Văn đến thế (và lâu thế) dù không ít kẻ đã từng bị hành cho tới bến luôn, với lý do là có ít nhiều “liên lụy với bọn thực dân đế quốc.” Hỏi ra mới biết là đương sự đã từng nhận được thư (hay quà) của người thân, ở nước ngoài, từ Paris chả hạn!
Tiếng Tây, tuy vậy, không mang lại nhiều hệ lụy cho dân ta như tiếng Nga hoặc tiếng Tầu. Khi Đảng chủ trương chống lại chủ nghĩa xét lại của Liên Xô thì chỉ cần nhà ai có vài ba tạp chí tiếng Nga là cũng đủ “bằng chứng” để cho “khổ chủ” phải đi tù mà khỏi phải hầu tòa. Còn lúc Đảng coi “Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp” thì ai gốc Tầu (hay có liên hệ xa gần chi đó với Tầu) là … chết mẹ. Chắc chắn sẽ bị nhà nước hành cho tới bến luôn.
George Orwell than phiền: “Đặc trưng của nhà nước toàn trị là tuy nó kiểm soát tư tưởng, nhưng nó lại không xác dịnh dứt khoát tư tưởng ấy là gì. Nó đưa ra một số tín điều không được tranh cãi, nhưng các tín điều ấy lại thay đổi hàng ngày. Chế độ cần tín điều vì cần các thần dân phục tùng một cách tuyệt đối, nhưng nó không thể không thay đổi theo các nhu cầu của tầng lớp nắm quyền.”
Nét “đặc trưng” này thấy rất rõ ở chế độ toàn trị ở VN vì “tầng lớp nắm quyền” ở xứ sở này thay đổi đường lối và chủ trương xoành xoạch. Hôm qua thù Tây, hôm nay thù Mỹ, mai giận Nga, mốt oán Tầu … Lúc thế này, khi thế khác, bao giờ cũng với thái độ quá khích, giận cá chém thớt, trút hết mọi oán hận vào những lương dân vô tội.
Cái thời khốn khổ/khốn nạn này tuy có vẻ đã qua nhưng hệ lụy thì còn kéo dài lâu. Nhà báo Nguyễn Thông cho biết: “Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đông như quân Nguyên nhưng số người lập bập được một ngoại ngữ cũng quá hiếm, chứ nói chi thông thạo.”
Đất nước “được” dẫn dắt bởi một đám người nông nổi, tiểu tâm, ngu tối, và thiển cận nên vấn đề (tất nhiên) không chỉ giới hạn vào ngôn ngữ. Họ còn tạo ra một “cái nền dân trí luôn là mảnh đất cho hận thù, ngờ vực và chia rẽ” nữa – theo lời của FB Nguyễn Thọ:
“Đa số người Việt trên mạng chỉ có một hình ảnh kẻ thù cố định hoặc một anh hùng vĩnh cửu. Khi coi Trung Quốc là kẻ thù thì mọi thứ của Trung Quốc đều xấu, đều đáng bị tiêu diệt. Ai chửi Trung Quốc thì là bạn, ai phê phán người chửi Trung Quốc là kẻ thù… Cách đơn giản hóa vấn đề, chỉ biết có trắng và đen đang làm cho người Việt trở nên cực đoan… Cái nền dân trí đó luôn là mảnh đất cho hận thù, ngờ vực và chia rẽ.”
Giữ cho dân trí thấp và khuyến khích người dân luôn hận thù/ngờ vực tha nhân – không chừng – còn (dám) là chủ trương xuyên suốt của chế độ hiện hành, từ hai phần ba thế kỷ qua!
Tưởng Năng Tiến