TIN THẾ GIỚI.

Trump nghi ngờ Putin không thực tâm muốn chấm dứt chiến tranh tại Ukraina (RFI)

Sau cuộc gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky bên lề thánh lễ an táng giáo hoàng Phanxicô tại Vatican, trên mạng Truth Social, hôm 26/04/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra hoài nghi về thực tâm của đồng nhiệm Nga Vladimir Putin muốn chấm dứt cuộc chiến tại Ukraina.

Tổng thống Mỹ viết : « Không có lý do gì để Vladimir Putin tiếp tục bắn tên lửa vào các khu vực dân sự, thành phố và thị trấn như trong vài ngày qua. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không muốn ngừng chiến tranh, ông ấy chỉ đang lợi dụng tôi. Và như vậy, cần phải có cách xử lý khác, thông qua ‘ngân hàng’ hoặc các trừng phạt thứ cấp ? Có quá nhiều người đang chết ! » Cũng trong thông điệp đăng tải trên Truth Social hôm qua, tổng thống Mỹ thừa nhận nhận Nga đã « đánh cắp » bán đảo Crimée, nhưng quy lỗi cho tổng thống tiền nhiệm Mỹ Barack Obama « đã tạo điều kiện cho Nga đánh cắp Crimée của Ukraina mà không cần bắn một phát súng nào ».

Ngay trước phát biểu nói trên, khi vừa hạ cánh xuống Roma, trước cuộc gặp tổng thống Ukraina tại Vatican hôm qua, ông Donald Trump tỏ ra tin tưởng là Nga và Ukraina đang « rất gần với một thỏa thuận, và hai bên cần tiếp xúc ở cấp rất cao để ‘hoàn tất’ » thỏa thuận này. Theo tổng thống Mỹ, « hầu hết các điểm chính đã được thống nhất ».

Sau cuộc gặp tổng thống Ukraina tại Roma, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết lãnh đạo Ukraina nhắc lại « sẵn sàng ngưng bắn vô điều kiện » và « tổng thống Nga Putin phải chứng tỏ là ông ấy thực sự muốn hòa bình ».

Về phía Nga, sau cuộc gặp giữa tổng thống Putin và ông Steve Witkoff, đặc phái viên của tổng thống Trump, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov, hôm qua cho biết tổng thống Putin « tái khẳng định phía Nga sẵn sàng nối lại các đàm phán song phương với Ukraina mà không cần điều kiện tiên quyết nào ». Tuy nhiên, AFP cũng lưu ý là tổng thống Nga một mặt để ngỏ khả năng đàm phán song phương với Ukraina, nhưng thường xuyên nhắc lại « các đòi hỏi tối đa » với Ukraina, như đòi sáp nhập năm vùng lãnh thổ Ukraina mà Matxcơva đang kiểm soát, buộc chính quyền Kiev từ bỏ mục tiêu gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và « phi quân sự hóa » Ukraina.

Nga tuyên bố chiếm lại toàn bộ vùng Kursk và xác nhận sự hiện diện của binh sĩ Bắc Triều Tiên

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov, hôm qua 26/04, tuyên bố rằng làng Gornal, địa phương cuối cùng còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraina, đã được giải phóng. Sự kiện này đồng nghĩa với việc Matxcơva đã giành lại toàn bộ khu vực Kursk, nhưng chính quyền Kiev bác bỏ thông tin này, gọi đó là « tuyên truyền sai sự thật ».

Ngoài ra, tướng Gerasimov cũng ca ngợi những nỗ lực của binh sĩ Bắc Triều Tiên có mặt trên chiến trường Kursk. Đây là lần đầu tiên chính quyền Matxcơva xác nhận việc chế độ Bình Nhưỡng gửi quân sang Nga hỗ trợ nước này tham chiến chống Ukraina.


Tổng thống Zelensky kêu gọi sự công bằng, không trao ‘phần thưởng’ cho ông Putin

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi chấm dứt cuộc chiến 3 năm qua với Nga một cách công bằng và không tưởng thưởng cho ông Putin.

Ngày 29/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi cái kết “công bằng” cho cuộc xung đột Nga – Ukraine, đồng thời phản đối những lời kêu gọi Ukraine nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.

Tất cả chúng ta đều mong muốn cuộc chiến này kết thúc theo cách công bằng, không có phần thưởng nào cho Putin, đặc biệt là không có đất đai” – ông Zelensky phát biểu qua video khi dự hội nghị thượng đỉnh do Ba Lan tổ chức.

Tuyên bố được ông Zelensky đưa ra trong bối cảnh có thông tin Mỹ đã đề xuất phương án đóng băng chiến tuyến và thừa nhận việc Nga kiểm soát bán đảo Crimea – điều mà ông Zelensky kiên quyết bác bỏ.

Tuy nhiên cuối tuần qua Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ quan điểm rằng ông tin Tổng thống Zelensky có thể sẵn sàng từ bỏ bán đảo Crimea, nằm một phần trong thỏa thuận để giải quyết cuộc xung đột.

Về phía Nga, Matxcơva nhiều lần nhấn mạnh rằng họ muốn duy trì quyền kiểm soát các khu vực phía nam và phía đông Ukraine. Hiện tại, Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, theo Hãng tin AFP.

Washington cho biết tuần này sẽ là tuần mang tính “then chốt” đối với các nỗ lực mang lại hòa bình.

Ngày 29/4, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói rằng giờ là lúc Nga và Ukraine cần đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm chấm dứt cuộc chiến, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ rút khỏi vai trò trung gian nếu không có tiến triển.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce dẫn lại tuyên bố từ ông Rubio: “Chúng ta đang ở thời điểm mà hai bên cần đưa ra những đề xuất cụ thể về cách thức chấm dứt cuộc xung đột này. Việc chúng tôi sẽ tiếp tục như thế nào hiện do Tổng thống Trump quyết định. Nếu không có bước tiến cụ thể nào, chúng tôi sẽ rút khỏi vai trò trung gian”.

Phát biểu trước báo giới, bà Bruce nhấn mạnh Mỹ đang tìm kiếm một “lệnh ngừng bắn toàn diện, lâu dài và chấm dứt xung đột”, chứ không phải “khoảng dừng 3 ngày chỉ để có dịp ăn mừng điều gì đó khác (ám chỉ tuyên bố ngừng bắn 3 ngày của Nga vào tháng 5 tới)”.


Ukraine cảnh báo nguy cơ từ Belarus

TT Zelensky cảnh báo Moscow có thể mở mũi tấn công mới thông qua các cuộc tập trận ở Belarus. Tờ Kyiv Independent ngày 30/4 cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây đã cảnh báo về nguy cơ từ những cuộc tập trận của Nga tại Belarus.

“Hãy tập trung vào Belarus trong mùa hè này, Nga đang chuẩn bị một kế hoạch nào đó dưới danh nghĩa các cuộc tập trận. Đó là cách Moscow mở một hướng tấn công mới. Chúng ta phải sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra”, ông Zelensky cho biết.

Với vị trí tiếp giáp Ukraine, Belarus đóng vai trò như một hành lang chiến lược then chốt giữa Moscow và Kiev. Dù không trực tiếp can dự vào chiến dịch quân sự đặc biệt, Belarus vẫn đang để Nga triển khai binh lính và tên lửa trên lãnh thổ nước này.

Trước đó, Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrsky cũng nhận định rằng các cuộc tập trận ở Belarus có thể được Nga sử dụng như một cách “âm thầm triển khai lực lượng tấn công”.

“Việc tổ chức tập trận là ‘lý do’ dễ chấp nhận nhất để di chuyển, tái bố trí lực lượng, tập trung binh lính theo một hướng nhất định”, ông Syrsky nói.

Cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định rằng Nga vẫn sẽ nỗ lực để đạt được mọi mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt.

“Tổng thống Putin đã nói rằng Nga sẽ đạt được mọi mục tiêu của chiến dịch đặc biệt. Chúng ta phải bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Tuy vậy, chúng tôi có thể đạt được các mục tiêu này thông qua đàm phán và ngoại giao”, ông Peskov tuyên bố.


Bộ trưởng Tài chính và Thương mại Mỹ tiết lộ nước đầu tiên sẽ ký thỏa thuận thương mại với Mỹ

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent khẳng định các cuộc đàm phán về thuế quan của Mỹ vẫn đang tiến triển tốt, đặc biệt là với các đối tác thương mại ở châu Á.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent

Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC ngày 28/4, Bộ trưởng Bessent tiết lộ, Ấn Độ có thể là quốc gia đầu tiên ký kết một thỏa thuận thương mại với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

“Tôi cho rằng Ấn Độ sẽ là một trong những đối tác đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Thỏa thuận có thể được ký sớm nhất trong tuần này hoặc đầu tuần tới. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Phó Tổng thống JD Vance đã góp phần đẩy nhanh quá trình này”, ông Bessent cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Bessent, Mỹ và Nhật Bản cũng đang có những cuộc đàm phán quan trọng, trong khi tiến trình thảo luận với các đối tác thương mại khác ở châu Á vẫn diễn ra tích cực.

Khi được hỏi về tình hình thuế quan với Trung Cộng, ông Bessent cho hay, Bắc Kinh đang muốn giảm căng thẳng với Washington thông qua việc miễn trừ một số hàng hóa của Mỹ khỏi mức thuế trả đũa.

Cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn leo thang căng thẳng. Mọi cơ quan chính phủ đều đang liên lạc với phía Trung Cộng. Tôi tin rằng cả hai sẽ đạt được một thỏa thuận, vì Trung Cộng đang bán cho Mỹ khối lượng hàng hóa nhiều gấp 5 lần so với chúng tôi bán cho họ“, ông Bessent nhận xét.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick

Mặt khác, để củng cố tin tức trên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick ngày 29/4 hé lộ rằng chính quyền Mỹ đã đạt thỏa thuận thương mại đầu tiên nhưng chưa hoàn tất.

“Chúng tôi đã có một thỏa thuận hoàn thành nhưng tôi cần chờ thủ tướng và quốc hội của họ thông qua, tôi dự đoán là sớm thôi”, ông Lutnick nói trên đài CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng cao trong phiên ngày 29/4 sau phát biểu của ông Lutnick khi Phố Wall theo dõi sát sao các tín hiệu tiến triển trong đàm phán thương mại.

Từ giữa tháng 4, Mỹ đã thông báo áp thuế tổng cộng tới 245% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Cộng do “các hành động trả đũa trước đó của Bắc Kinh”. Tuy vậy, Nhà Trắng sau đó giải thích con số 245% không phải là mức thuế mới, mà bao gồm thuế đối ứng 125%, 20% thuế áp lên fentanyl và 7,5-10% thuế đánh vào một số mặt hàng cụ thể của Trung Cộng theo Mục 301 được áp dụng từ năm 2019.


Bầu cử Canada: Đảng Tự Do chiến thắng, Carney cam kết bảo vệ đất nước trước mối đe dọa Mỹ (RFI)

Đảng Tự Do của thủ tướng Mark Carney đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội tại Canada hôm 28/04/2025. Trong bài phát biểu đầu tiên vào đêm qua, ông cam kết sẽ bảo vệ Canada trong cuộc thương chiến do tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào và sẽ không bao giờ quên “sự phản bội” từ phía Hoa Kỳ.

Thủ tướng Mark Carney

Theo AFP, đây chưa phải là kết quả chung cuộc vì một số địa phương vẫn còn đang kiểm phiếu và có khả năng đảng Tự Do sẽ không giành được đa số tuyệt đối trong Quốc Hội mới, buộc ông Carney phải liên minh với một đảng khác để điều hành đất nước.

Về phần mình, lãnh đạo đảng Bảo Thủ đối lập Pierre Poilievre đã thừa nhận thất bại và sẵn sàng đặt lợi ích quốc gia lên trên các xung đột đảng phái, tuyên bố sẽ hợp tác với ông Carney để đối phó với “những lời đe dọa vô trách nhiệm” của tổng thống Mỹ.

Cách đây vài tháng, bối cảnh dường như đã rất thuận lợi đối với đảng Bảo Thủ, vì người dân Canada cho rằng đảng Tự Do đã cạn kiệt uy tín sau 10 năm cầm quyền của thủ tướng Justin Trudeau. Tuy nhiên, việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng cùng với những hành động cứng rắn của ông nhắm vào Canada, như áp thuế nhập khẩu và đe dọa thôn tính, đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện.

Bộ trưởng Văn Hóa Canada Steven Guilbeault nhận định những lời đả kích liên tục của ông Trump, không chỉ nhắm vào kinh tế Canada mà còn nhắm vào chủ quyền và bản sắc dân tộc, đã thúc đẩy người dân Canada tham gia bỏ phiếu đông đảo.

Trong bài phát biểu vào đêm qua, thủ tướng Canada khẳng định “mối quan hệ truyền thống với Hoa Kỳ đã chấm dứt”. Ông Carney nhấn mạnh tổng thống Trump đang tìm cách “làm suy yếu và chiếm đoạt Canada”, đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết để vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.


Nguy cơ bùng nổ xung đột Ấn Độ – Pakistan tại Cachemire (RFI)

Năm ngày sau vụ tấn công tại Cachemire làm hơn 26 người Ấn Độ thiệt mạng, Pakistan lo ngại New Delhi nổ súng trước ngày 01/05/2025. Islamabad tuyên bố sẽ « không nổ súng trước nhưng không ngần ngại đáp trả ». Pakistan đã có lời lẽ cứng rắn như trên sau khi thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đồng ý cho quân đội « trả đũa ».

Bất chấp những lời kêu gọi « kềm chế » của cộng đồng quốc tế, Ấn Độ và Pakistan đang lao vào một cuộc đọ sức nguy hiểm. Phát biểu sáng nay, ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar cho biết các nguồn tin tình báo thẩm định là New Delhi có thể mở chiến dịch quân sự nhắm vào nước láng giềng « trong vòng từ 24 đến 36 giờ » sắp tới. Phía Pakistan « sẽ quyết liệt đáp trả mọi hành động gây hấn » và « Ấn Độ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực ».

Trước đó vài giờ theo các nguồn thạo tin được hãng thông tấn Pháp AFP trích dẫn, giới thân cận với thủ tướng Ấn Độ cho biết ông Modi đã « cho quân đội toàn quyền  trả đũa vụ tấn công tại Cachemire hôm 26/04 làm 26 du khách Ấn Độ thiệt mạng ». Điều đó có nghĩa là quân đội Ấn Độ toàn quyền nhắm tới một số các mục tiêu và quyết định cách thức đáp trả.

Cachemire là một vùng giáp ranh giữa Ấn Độ và Pakisan và bị chia đôi giữa một bên là do New Delhi quản lý và bên kia thuộc về Islamabad. Căng thẳng nói trên khiến 1,5 triệu người Pakistan cư ngụ tại vùng Cachemire dưới sự kiểm soát của Islamabad lo ngại và đã tính đến « kịch bản xấu nhất ».

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã điện đàm riêng với lãnh đạo hai nước và kêu gọi các bên kềm chế tối đa. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio hôm 29/04/2025 đã liên lạc với chính quyền Ấn Độ và Pakistan kêu gọi đôi bên « tránh để tình hình thêm nguy kịch ». Ngoài ra, Trung Cộng, Ả Rập Xê Út, những đối tác quan trọng của cả Ấn Độ lẫn Pakistan cùng kêu gọi đôi bên « duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực ».

Năm 2019 sau một vụ tấn công khủng bố, Ấn Độ đã là bên khai hỏa trước và 12 ngày sau thì đến lượt Pakistan đáp trả. Nhờ có sự can thiệp của Hoa Kỳ, giao tranh lần đó đã nhanh chóng được khép lại.


Chiến tranh thuế quan: Chính quyền Trump miễn giảm thuế đối với phụ tùng xe hơi nhập khẩu (RFI)

Theo Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Howard Lutnick hôm 28/04/2025, tổng thống Donald Trump hôm sau sẽ công bố quyết định không giảm thuế hải quan đối với phụ tùng nhập khẩu được sử dụng để sản xuất xe hơi tại Mỹ.

Reuters trích lời của Bộ trưởng Thương Mại Mỹ cho biết quyết định thể hiện rõ chính sách thương mại của tổng thống Trump « khen thưởng các công ty sản xuất trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà sản xuất đã bày tỏ cam kết đầu tư vào Hoa Kỳ và mở rộng hoạt động sản xuất trong nước ».

Bộ trưởng Thương Mại Howard Lutnick (phải)

Hồi tuần trước, một liên minh các công ty sản xuất ô tô Mỹ đã thúc giục tổng thống Trump không áp thuế 25% đối với phụ tùng ô tô nhập khẩu, dự kiến có hiệu lực trễ nhất là từ 03/05, cảnh báo rằng việc áp thuế này sẽ làm tăng giá và làm giảm doanh số bán xe. 

Một quan chức Nhà Trắng xác nhận quyết định nói sẽ được chính thức công bố vào hôm 29/4. Tổng thống Trump dự kiến tổ chức cuộc mít tinh đánh dấu 100 ngày đầu cầm quyền vào tối nay ở bang Michigan. Thủ phủ của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ Detroit City, thường được mệnh danh là « Motor City » (Thành phố xe hơi), bang Michigan, là « căn cứ địa » của ba tập đoàn General Motors, Ford và Stellantis.

Lo ngại cao độ tại thủ phủ công nghiệp xe hơi Mỹ  

Phóng sự của thông tín viên Margot Guicheteau gửi về từ Detroit City cho thấy không khí lo ngại cao độ tại thủ phủ của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ do chính sách thuế quan của tổng thống Trump :

« Từ nhiều tháng nay, ngành công nghiệp xe hơi vẫn giữ im lặng. Tâm trạng lo lắng ngày càng tăng, phát biểu ngày càng hiếm. Nhưng ở Southfield, vùng ngoại ô Detroit, Joe, một chủ đại lý ô tô đang chứng kiến ​​một tác động bất ngờ. Tình hình bất ổn lại thúc đẩy nhiều người mua hàng.

Joe nói : “Những người sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan là những người tiêu dùng thuộc giới trung lưu, là khách hàng của những loại xe giá cả vừa phải. Nhóm người tiêu dùng này sẽ bị ảnh hưởng, vì họ sẽ có ít lựa chọn hơn : họ sẽ không còn mua được xe của Audi nữa. Điều ông Trump thực sự muốn là đưa hoạt động sản xuất và việc làm trở lại đây.”

Donald Trump thừa nhận các nhà sản xuất cần có thời gian để di dời cơ sở . Mục tiêu rất rõ ràng: sản xuất hàng tại Mỹ. Nhưng với giá nào ?

Một giám đốc chiến lược kinh doanh của công ty Hyundai, xin ẩn danh, cho biết: “Bản thân thuế quan tự thân nó là một phương tiện cho phép mở rộng sản xuất và chế tạo tại Mỹ và về lâu dài, điều này sẽ có lợi cho thành phố Detroit. »

Ông nhấn mạnh đến sự khác biệt trong chính sách giữa Joe Biden, người ủng hộ việc mua xe ô tô điện với mức trợ cấp 7.500 đô la, và Donald Trump, người đang trông cậy vào  chính sách tăng thuế hải quan: “Để kích thích sản xuất và thị trường, chúng ta cần cắt giảm thuế chứ không phải tăng thuế… Chúng tôi đã thấy một số nhà sản xuất ô tô vẫn duy trì giá bán cho đến tháng 6 để giải quyết hàng tồn kho.’’

Trong khi đó, xe cũ ngày càng trở nên hấp dẫn: theo AutoPacific, 20% người định mua xe mới đang chuyển sang mua xe cũ và 23% quyết định chờ đợi. »

Vụ ngừng tiếp nhận máy bay Boeing: Bắc Kinh xuống giọng với Washington 

Bộ Thương Mại Trung Cộng hôm nay, 29/05/2025, tuyên bố chính sách thuế quan của Mỹ đã buộc Trung Cộng phải ngừng nhận máy bay mới từ tập đoàn Boeing, đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ điều chỉnh chính sách để tạo môi trường kinh doanh ổn định.

Theo bộ Thương Mại Trung Cộng, « các hãng hàng không Trung Cộng và hãng Boeing tại Mỹ đã phải chịu thiệt hại rất lớn ». Bắc Kinh « hy vọng Hoa Kỳ  lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp và tạo ra một môi trường ổn định và có thể dự đoán được cho các hoạt động thương mại và đầu tư bình thường ».

Xin nhắc lại là ngày 15/04, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các hãng hàng không tạm ngừng nhận máy bay Boeing, tạm ngừng nhập khẩu phụ tùng máy bay của Mỹ, trong bối cảnh giao thương giữa hai nước gần như hoàn toàn đình trệ sau việc Trump tăng thuế 145% với hàng nhập từ Trung Cộng, và Bắc Kinh trả đũa với mức thuế 125%.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình CNBC hôm 23/04, giám đốc điều hành Boeing Kelly Ortberg xác nhận các khách hàng Trung Cộng đã « ngừng nhận máy bay do vấn đề thuế quan ». Boeing có kế hoạch giao khoảng 50 máy bay cho Trung Cộng trong năm 2025. Theo giám đốc điều hàng Boeing, nếu phía Trung Cộng ngừng hẳn việc nhận hàng, Boeing sẽ tìm cách để sớm chuyển các máy bay nói trên cho các khách hàng khác.


Trump 100 ngày đầu nhiệm kỳ: ‘Quá đỉnh’ hay ‘quá lố’? (BBC)

Ông Donald Trump trở lại nắm quyền thành công hồi đầu năm nay là nhờ vào sự ủng hộ của một nhóm cử tri đa dạng – tài xế xe tải, cựu chiến binh, chủ doanh nghiệp…

Lý lịch đa dạng của họ phần nào giúp giải thích sức hút bền bỉ của ông Trump. Nhưng sau 100 ngày nhiệm kỳ Trump, những người ủng hộ trung thành của ông giờ cảm thấy thế nào?

BBC quay lại phỏng vấn năm người trong số họ. Dưới đây là chia sẻ của họ về những lời hứa mà ông Trump đã giữ, những cam kết ông chưa thực hiện, và kỳ vọng của họ trong thời gian tới.

‘Nếu không ăn thua, tôi sẽ nói đó là sai lầm’

Luiz Oliveira nói rằng ông “không thể theo kịp” tốc độ thay đổi chính sách chóng mặt của ông Trump trong 100 ngày đầu tiên.

Về vấn đề nhập cư, ông đánh giá cao loạt biện pháp mới nhằm siết chặt biên giới và việc đẩy mạnh hoạt động trục xuất, bao gồm cả việc đưa người bị trục xuất đến một nhà tù khét tiếng ở El Salvador.

Số vụ chạm trán giữa người di cư và lực lượng biên phòng Mỹ tại biên giới Mỹ-Mexico hiện đang ở mức thấp nhất trong bốn năm qua.

Vấn đề này rất quan trọng đối với Luiz, một người Brazil đến Mỹ hợp pháp từ thập niên 80 và hiện đang sinh sống tại Nevada. Lặp lại cách nói của ông Trump, ông mô tả dòng người di cư trong những năm gần đây là một cuộc “xâm lược”.

Ông Luiz, 65 tuổi, nói rằng ông Trump đang gửi thông điệp tới những người nhập cư không giấy tờ: “Đây là nhà của tôi, sân của tôi, và các người sẽ không được ở lại đây.”

Tuy nhiên, ở những lĩnh vực khác, ông lại tỏ ra lo ngại về cách tiếp cận của ông Trump.

Là chủ một quán cà phê, ông Luiz ủng hộ nỗ lực của ông Trump nhằm buộc các quốc gia khác phải “chịu phần chi phí công bằng” thông qua việc áp thuế. Nhưng ông cũng lo lắng về những tác động kinh tế ngắn hạn cũng như khoảng thời gian Mỹ cần để thực sự được lợi.

“Quá trình này sẽ đau đớn [và] tôi không nghĩ mọi thứ sẽ nhanh như ông ấy nói.

“Tôi vẫn ủng hộ, nhưng cuối cùng, nếu chuyện này không thành, tôi sẽ thừa nhận việc đó là một sai lầm – rằng ông ấy đã hành động quá vội, làm thị trường hoảng sợ, làm kinh tế chao đảo.”

Ông ấy ‘quá đỉnh’ và đang khôi phục ‘xã hội dựa trên thực tài’

Amanda Sue Mathis đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử vừa rồi vì tin rằng ông là ứng cử viên phù hợp nhất để giải quyết những vấn đề cấp bách của nước Mỹ – và sau 100 ngày đầu tiên, bà cho rằng ông đã đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt.

“Có rất nhiều người quan tâm đến những cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần tập trung vào đất nước của mình, sắp xếp cho tốt đã rồi mới đi lo về vấn đề của các nước khác,” cựu binh hải quân 34 tuổi chia sẻ.

Bà Mathis muốn sống trong một “xã hội dựa trên thực tài ” và ca ngợi việc ông Trump bãi bỏ các chính sách Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DEI) – nhóm chính sách nhằm thúc đẩy sự hiện diện các nhóm thiểu số và chống phân biệt đối xử.

Những người chỉ trích cho rằng DEI vốn cũng mang tính phân biệt đối xử – và bà Mathis tin rằng DEI đã bị đẩy đi quá xa trong những năm gần đây.

Bà cũng ủng hộ các sắc lệnh hành pháp của ông Trump về việc hạn chế quyền lợi y tế chuyển giới đối với công dân Mỹ dưới 19 tuổi và cấm người chuyển giới nữ tham gia các môn thể thao dành cho phụ nữ.

Nhìn chung, bà Mathis cho rằng tổng thống “quá đỉnh” và 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ đã khiến bà thấy “hài lòng hơn với lá phiếu của mình”.

Tuy nhiên, bà Mathis cũng sẵn sàng thay đổi quan điểm nếu cần.

“Tôi không phải kiểu người lúc nào cũng ủng hộ ông Trump,” bà nói. “Nếu ông làm sai, tôi sẽ là người đầu tiên lên tiếng.”

Nhờ thuế quan, ‘ông Trump đã giành lại được sự tôn trọng’

Lời hứa áp thuế và đưa việc làm trong ngành sản xuất trở lại Mỹ là lý do chính khiến Ben Maurer, một tài xế xe tải 39 tuổi đến từ Pennsylvania, quyết định bỏ phiếu cho Tổng thống Trump.

“Lúc ấy, nhiều người cho rằng ông ấy chỉ đang nói phét,” ông nói.

Vì vậy, ông Maurer rất hài lòng khi ông Trump lập tức hành động, áp thuế lên hàng hóa từ nhiều quốc gia – từ các đồng minh như Canada và Mexico cho đến các đối thủ như Trung Cộng.

Tuy nhiên, mọi chuyện không hề suôn sẻ. Trong một loạt thông báo đầy biến động, chính quyền Trump đã nâng, hạ, hoãn và rút lại một số mức thuế để phản ứng với các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra và những biến động trên thị trường chứng khoán.

Hiện tại, Mỹ đang áp mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu — riêng Trung Cộng phải chịu mức thuế 145% cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

Bất chấp lo ngại của các nhà kinh tế về nguy cơ giá cả tăng cao, ông Maurer tin rằng các doanh nghiệp đang nhận hàng từ ông sẽ hưởng lợi về lâu dài.

“Ông Trump đã giành lại được sự tôn trọng [cho nước Mỹ],” ông nhận xét về chính sách thuế quan của tổng thống.

“Chúng ta vẫn là một thế lực không thể xem thường.”

Nhìn chung, ông Maurer cảm thấy ông Trump đã làm việc hiệu quả hơn trong những ngày đầu nhiệm kỳ hai. Theo ông, tổng thống đã chuẩn bị kỹ lưỡng — và điều đó đang được thể hiện rõ.

‘Tôi chịu không hiểu nổi Musk’

Quan điểm của June Carey về ông Donald Trump không thay đổi. Tuy nhiên, những tháng đầu nhiệm kỳ hai của ông lại không giống như những gì bà từng hình dung.

“Ông ấy quyết liệt hơn và cũng thất thường hơn tôi tưởng,” nữ họa sĩ 70 tuổi sống tại California cho biết.

Tuy vậy, bà Carey không nhìn những bất ngờ qua lăng kính tiêu cực. Bà cảm thấy “bàng hoàng” trước sự “lãng phí” mà cái gọi là Bộ Chính phủ Hiệu quả (Doge) – do tỷ phú Elon Musk, một đồng minh thân cận của ông Trump, lãnh đạo – tuyên bố đã phát hiện ra.

Các nhà phê bình cho rằng những tuyên bố về khoản tiết kiệm này có vẻ đã bị phóng đại, và ông Musk đã phải đối mặt với nhiều phản ứng dữ dội sau những đợt cắt giảm mạnh ở các cơ quan chính phủ, trong đó có những vụ sa thải nhân viên liên bang chủ chốt mà sau đó phải rút lại.

Về phần mình, bà Carey cho biết bà vẫn chưa hiểu rõ con người ông Musk.

“Musk là một người mà tôi chưa thể hiểu nổi,” bà nói. “Nhưng tôi nghĩ rằng nếu ông Trump tin tưởng ông ấy đến vậy, thì chắc ông ấy cũng là người có ý tưởng và mục tiêu đúng đắn.”

Trước đây, bà Carey từng chia sẻ với BBC rằng bà lo ngại về chi tiêu phúc lợi và hy vọng ông Trump sẽ khuyến khích người Mỹ sống tự lập hơn.

Dù hài lòng với những khoản cắt giảm mà chính quyền đã thực hiện, bà Carey cũng bày tỏ mong muốn rằng chính phủ không động đến các chương trình an sinh xã hội – nguồn trợ cấp hàng tháng mà bà và khoảng 67 triệu người Mỹ nghỉ hưu hoặc khuyết tật đang phụ thuộc vào.

Đảng Dân chủ cảnh báo rằng chương trình an sinh xã hội có thể bị ảnh hưởng trong tương lai, nhưng bà đặt câu hỏi: “Tại sao họ lại phải cắt [an sinh xã hội] trong khi họ đã cắt rất nhiều thứ khác và tiết kiệm được hàng triệu đô la rồi?”

Tin vào Trump, chịu ‘nỗi đau tạm thời’ từ thuế quan

Jeremy Stevens đã ủng hộ ông Trump nhiều năm qua.

“[Ông Trump] đang rất quyết liệt thực hiện những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử,” ông nói.

Tại xưởng sửa chữa ô tô kiêm cửa hàng bán xe cũ của mình ở bang Maine, ông Stevens thỉnh thoảng gặp những khách hàng có quan điểm khác về những nỗ lực kinh tế của Trump.

Tuy nhiên, người đàn ông 45 tuổi cho rằng nỗi lo, đặc biệt về thuế quan, chủ yếu bắt nguồn từ “sự thiếu hiểu biết”.

Theo ông, thuế quan là một phần trong tầm nhìn dài hạn của chính quyền Trump — một tầm nhìn mà ông tin rằng sẽ mang lại hiệu quả nếu những người chỉ trích đủ kiên nhẫn để chờ đợi.

Hiện tại có rất nhiều đánh giá thiển cận về tác động của các chính sách này,” ông nhận định.

Các nhà kinh tế thì cho rằng việc ông Trump liên tục thay đổi chính sách thuế quan đã gây tổn thất lớn, như việc thị trường toàn cầu lao dốc.

Do tình trạng bất ổn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu của mình, trong đó Mỹ bị ảnh hưởng nặng nhất. IMF cũng cảnh báo rằng nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái lên tới 40%.

Nhưng ông Stevens tin rằng thời gian sẽ chứng minh ông Trump đúng.

“Đây chỉ là nỗi đau tạm thời,” anh nói. “Rồi nó sẽ qua thôi.”


Thuế quan của Mỹ đã tác động rõ lên sức sản xuất của Trung Cộng

Cục Thống kê quốc gia Trung Cộng cho biết chỉ số quản lý thu mua (PMI) của nước này đã giảm xuống còn 49 trong tháng 4, thấp hơn so với mức 50,5 của tháng 3. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 12-2023.

Ngày 30/4, Đài CNN đưa tin hoạt động của các nhà máy tại Trung Cộng đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 16 tháng qua, khi thuế quan cao của Mỹ giáng đòn mạnh vào lĩnh vực sản xuất, làm gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh phải sớm đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới.

Dữ liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Cộng (NBS) công bố hôm nay cho thấy chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của nước này đã giảm xuống còn 49 trong tháng 4, là mức thấp nhất kể từ tháng 12-2023. 

Chỉ số này trên mức 50 cho thấy lĩnh vực sản xuất đang mở rộng, trong khi chỉ số dưới 50 phản ánh sự thu hẹp.

Ông Zhao Qinghe – chuyên gia thống kê cấp cao tại NBS – giải thích sự suy giảm trong hoạt động của các nhà máy là do “những biến động mạnh trong môi trường bên ngoài và các yếu tố khác”.

Sự suy giảm đáng lo ngại này phản ánh mức độ thiệt hại mà mức thuế quan lên tới 145% của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra đối với nền kinh tế Trung Cộng – vốn phụ thuộc sản xuất và xuất khẩu.

Ông Robin Xing – chuyên gia kinh tế về Trung Cộng tại Ngân hàng Morgan Stanley – bình luận rằng chỉ số PMI sụt giảm cho thấy được tác động của thuế quan, vốn đã dẫn đến nhu cầu bên ngoài Trung Cộng suy yếu.

Các nhà sản xuất Trung Cộng bắt đầu cảm nhận tác động từ mức thuế cao của Mỹ, khi hàng loạt đơn hàng bị hủy và sản lượng buộc phải cắt giảm, làm dấy lên lo ngại mới về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Cộng.

Dữ liệu tháng 4 đánh dấu bước thụt lùi đối với Bắc Kinh trong bối cảnh hai bên chưa có các cuộc đàm phán thương mại chính thức. Nền kinh tế Trung Cộng vốn đã chịu sức ép từ tiêu dùng nội địa yếu và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Trong cuộc phỏng vấn phát ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Trung Cộng “xứng đáng” phải chịu mức thuế quan 145% mà ông đã áp đặt.

“Trung Cộng có lẽ sẽ phải gánh chịu mức thuế đó. Với mức thuế 145%, về cơ bản, họ không thể làm ăn gì nhiều với Mỹ” – ông nói trong cuộc phỏng vấn trên Đài ABC News.


Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha khôi phục điện sau sự cố mất điện cả nước

Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vào hôm qua thông báo đã khôi phục gần như hoàn toàn hệ thống điện, sau một sự cố mất điện diện rộng tại châu Âu buộc chính phủ 2 quốc gia bán đảo Iberia trên phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Theo Hãng AFP, Cơ quan mạng lưới năng lượng quốc gia Bồ Đào Nha (REN) vào chiều qua thông báo nguồn điện tại nước này đã hoạt động bình thường và ổn định hoàn toàn. Tương tự, Công ty điện lực Red Electrica của Tây Ban Nha hôm qua cho biết hầu hết khu vực trên cả nước đã có điện, cùng với đó các tuyến giao thông công cộng trở lại hoạt động. Trên mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh người dân thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) đổ ra đường ăn mừng khi có điện. Những đám đông phải ngồi chờ tại các ga tàu hàng tiếng đồng hồ cũng đã có thể bắt đầu di chuyển. Một số khu vực vẫn còn tình trạng gián đoạn dịch vụ.

Sự cố mất điện, kéo dài từ 6-8 tiếng đồng hồ, thậm chí còn ảnh hưởng tới một số khu vực ở Pháp.

Khu vực bán đảo Iberia (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một số quốc gia lân cận khác) – nơi sinh sống của khoảng 60 triệu người – đã chìm trong bóng tối vào tối 28/4. Người dân nhiều vùng phải trải qua đêm không điện.

Hiện chưa rõ chính xác số lượng người bị ảnh hưởng. Các quan chức của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và châu Âu đều nhận định đây là một “sự cố chưa từng có tiền lệ”.

Bà Teresa Ribera, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách năng lượng sạch, nhận định: “Đây là một trong những sự cố điện nghiêm trọng nhất được ghi nhận tại châu Âu trong thời gian gần đây”.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết sự cố xảy ra vào trưa 28/4 đã làm mất 15 GW điện, tương đương 60% nhu cầu điện quốc gia. Vụ việc trên đã làm tê liệt hệ thống giao thông công cộng và các dịch vụ di động, ngân hàng, thanh toán trực tuyến trong nhiều giờ. Trong khi đó, khi được hỏi về nguyên nhân mất điện, giới chức của REN cho biết có khả năng xuất hiện những dao động điện áp bất thường ở Tây Ban Nha, làm sụp đổ cả hệ thống và ảnh hưởng lan sang láng giềng Bồ Đào Nha.

The Guardian dẫn lời Bộ trưởng Hạ tầng Bồ Đào Nha Miguel Pinto Luz hôm qua tái khẳng định vụ việc bắt nguồn từ bên ngoài lãnh thổ Bồ Đào Nha. Một vùng nhỏ của Pháp cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện nhưng đã nhanh chóng khôi phục.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro cho biết không có dấu hiệu cho thấy đây là một vụ tấn công mạng, song Lisbon nhấn mạnh sẽ cần điều tra toàn diện để có kết luận cuối cùng. Giám đốc của REN Joao Faria Conceicao nói rằng Bồ Đào Nha chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do nước này nhập khẩu điện từ Tây Ban Nha vào buổi sáng. Đồng thời, nhập khẩu điện mặt trời từ Tây Ban Nha vào khung thời gian trên cũng tối ưu chi phí hơn. Ông Pedro Sanchez nói đây là vụ việc xảy ra ở quy mô chưa từng có và sẽ chỉ đạo điều tra tường tận.

Theo một số báo cáo ngày 28/4, sự cố mất điện có thể bắt nguồn từ hiện tượng khí quyển hiếm gặp gọi là “induced atmosphere vibration” (dao động khí quyển cảm ứng), gây ra các dao động bất thường trên đường dây điện cao thế của Tây Ban Nha.

Nhà điều hành lưới điện quốc gia Bồ Đào Nha Redes Energéticas Nacionais (REN) cũng cho biết những dao động này làm gián đoạn quá trình đồng bộ hóa giữa các hệ thống điện, gây nhiễu loạn mạng lưới điện ở một số nước châu Âu – nơi các hệ thống điện quốc gia được kết nối thành một lưới điện chung lớn hơn. Tuy nhiên sau đó REN bất ngờ bác bỏ giả thuyết này.


TIN VIỆT NAM.

Mỹ lên tiếng về thông tin Trung Cộng ‘cắm cờ’ Trường Sa, Việt Nam thì sao? (BBC)

Nhà Trắng đã nói rằng thông tin Trung Cộng chiếm rạn san hô là “vô cùng đáng lo ngại nếu đúng sự thật”.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông James Hewitt, rằng “những hành động như vậy đe dọa sự ổn định khu vực và vi phạm luật pháp quốc tế”, đồng thời cho biết Nhà Trắng đang “tham vấn chặt chẽ với các đối tác của mình”, theo tờ Financial Times đăng ngày 26/4.

Trước đó vào ngày 25/4, Tân Hoa Xã và một loạt trang mạng tiếng Trung Cộng đã đăng tải hình ảnh Hải cảnh Trung Cộng đổ bộ lên một bãi cạn tại cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, khu vực mà Việt Nam gọi là huyện đảo Trường Sa.

Trước đó một ngày, Hoàn cầu Thời báo cũng đăng bộ ảnh tương tự.

Khu vực Trung Cộng đổ bộ có tên tiếng Anh là Sandy Cay và tên tiếng Trung là Thiết Tuyến trong khi phía Việt Nam gọi là đá Hoài Ân.

Hải cảnh là lực lượng an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và thực thi pháp luật trên biển của Trung Cộng, tương đương Cảnh sát biển của Việt Nam.

Theo các nguồn tin chính thức, Hải cảnh Trung Cộng thực hiện hành vi giương cờ tuyên bố chủ quyền tại đá Hoài Ân vào “giữa tháng Tư”. Đó cũng là khoảng thời gian Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (ngày 14 và 15/4).

Ngoài ra, Trung Cộng cũng công bố “Báo cáo về hệ sinh thái Thiết Tuyến Tiêu (đá Hoài Ân) và Ngưu Ách Tiêu (đá Ba Đầu)”.

Báo cáo do Bộ Tài nguyên Thiên nhiên nước này công bố hôm 25/4, dựa trên dữ liệu vệ tinh và khảo sát thực địa.

Đáng chú ý, theo báo cáo này, bốn bãi cát tại đá Hoài Ân và đá Ba Đầu đều được Trung Cộng khẳng định là cao hơn mực nước biển khi thủy triều cao, ám chỉ các bãi cát này là đá – một động thái được cho là để phục vụ mục đích khẳng định chủ quyền.

Mặc dù đổ bộ và giăng cờ vào thời điểm giữa tháng 4 trùng với thời gian ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam, nhưng thông tin chỉ được công bố vào thời điểm 118 binh lính Trung Cộng đến TP.HCM tham gia diễu binh kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Tính tới 4 giờ chiều ngày 28/4/2025, chính phủ Việt Nam vẫn chưa có tuyên bố chính thức về thông tin trên. Trên các tờ báo trong nước, thông tin về việc Trung Cộng giăng cờ ở Trường Sa cũng không được đề cập đến.

Điều này trái với phản ứng trước đó.

Cụ thể, vào tháng 3/2024, Philippines đã đưa một nhóm người lên một bãi cạn tại cụm Thị Tứ và ở trên bãi cạn này khoảng bốn giờ trước khi rời đi.

Lúc bấy giờ, Việt Nam đã lên tiếng.

Thời điểm đó, tờ VnExpress dẫn lời của một phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay việc các bên đưa người lên thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép là hành vi xâm phạm chủ quyền.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa“, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng tuyên bố trong họp báo ngày 28/3/2024, khi được hỏi về hoạt động của Trung Cộng và Philippines tại đá Sandy Cay thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo ông Thắng, hành vi này còn làm phức tạp thêm tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiện nay.

“Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện DOC, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết.

Các sĩ quan Philippines giương cao quốc kỳ trong tư thế mô phỏng bức ảnh của Trung Cộng (BBC)

Trong một diễn biến mới liên quan, vào ngày 27/4/2025, Philippines cho biết lực lượng của nước này cũng đã đổ bộ lên ba bãi cạn, đồng thời công bố một bức ảnh các sĩ quan giương cao quốc kỳ trong tư thế mô phỏng bức ảnh trước đó của Trung Cộng.

Hiện chưa rõ liệu trong số ba bãi cạn mà lực lượng an ninh Philippines đổ bộ lên có đá Hoài Ân hay không.

Trong một tuyên bố, Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về Biển Tây Philippines (NTF-WPS) cho biết họ đã ghi nhận “sự hiện diện bất hợp pháp” của một tàu Hải cảnh Trung Cộng cách một trong các bãi cạn khoảng hơn 900 mét, cùng với bảy tàu dân quân biển Trung Cộng.

“Tuyên bố này thể hiện sự kiên định và cam kết không lay chuyển của Chính phủ Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của đất nước ở Biển Tây Philippines,” tuyên bố nêu rõ.

Đá Hoài Ân là thực thể tại quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên hiện tại, các bên tranh chấp toàn bộ hoặc một phần Trường Sa còn có Trung Cộng, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.


Việt Nam và Mỹ bắt đầu đàm phán thuế quan, tìm một lộ trình đạt thỏa thuận phù hợp

Việt Nam và Hoa Kỳ đã bắt đầu đàm phán về thuế quan. Tối 23/04/2025 (giờ Việt Nam), bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã điện đàm với Jamieson Greer, Đại diện Thương mại của Nhà Trắng, về “các vấn đề kinh tế và thương mại song phương”. Theo thông tin từ Vụ Phát triển Thị trường nước ngoài (bộ Công Thương), buổi làm việc nhằm “thảo luận về những nguyên tắc cơ bản, phạm vi và lộ trình đàm phán”.

Tham dự cuộc điện đàm còn có các thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ cùng đại diện kỹ thuật từ các bộ, ngành liên quan. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhắc lại mong muốn của Việt Nam là “đàm phán và giải quyết các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm, và tìm ra các giải pháp hợp lý vì lợi ích chung, trên tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro”.

Theo thông cáo, được AFP trích dẫn, Đại diện Thương mại Jamieson Greer hy vọng hai nước “sẽ sớm tìm ra những giải pháp phù hợp”. Washington muốn tái cân bằng trao đổi thương mại với Hà Nội, vì Mỹ nhập siêu hơn 123 tỉ Mỹ kim năm 2024 và vẫn cáo buộc Việt Nam làm “sân sau” cho hàng hóa Trung cộng. Ngày 02/04, tổng thống Trump đã thông báo mức thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam, tuy nhiên biện pháp này được tạm hoãn trong 90 ngày và hàng hóa Việt Nam hiện chỉ bị áp mức thuế chung là 10%.

Trong những ngày qua, Hà Nội đưa ra nhiều đề xuất để giảm bớt thặng dư với Mỹ, như đánh thuế 0% hàng hóa của nhau và Việt Nam sẵn sàng mua thêm sản phẩm của Mỹ. Theo trang 19FortyFive ngày 19/04, dường như Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận mua 24 chiến đấu cơ F-16 của tập đoàn Lockheed Martin. Tuy nhiên, chuyên gia quốc phòng, được báo mạng South China Morning Post trích dẫn ngày 23/04, tỏ vẻ nghi ngờ con số này, vì kinh phí sẽ rất cao. Còn hãng tin Reuters từng nêu khả năng Mỹ xem xét bán máy bay vận tải Hercules C-130, cũng của Lockheed Martin, cho Việt Nam.

Ngoài ra, theo trang Business Times ngày 24/04, hãng hàng không Việt Nam Airlines cho biết đã ký một biên bản ghi nhớ với ngân hàng Vietcombank để tài trợ mua 50 máy bay thân hẹp, trong đó có máy bay Boeing 787, cùng với máy bay thân hẹp Airbus A321 và máy bay thân rộng như Airbus A350. Thỏa thuận được đưa ra sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nhiều lần nói rằng việc mua máy bay của Mỹ sẽ góp phần quan trọng giảm thặng dư thương mại lớn giữa hai nước. Trước đó, hãng hàng không giá rẻ VietJet cũng thông báo dự án mua máy bay Boeing của Mỹ.

Trump nêu ra khả năng đạt thỏa thuận “công bằng” với Trung Quốc về thuế quan

Hôm qua, 23/04/2025, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cập đến khả năng giảm mức thuế quan đối với hàng Trung cộng và đạt được một thỏa thuận thương mại « công bằng » với Trung cộng, mặc dù hai bên chưa bắt đầu đàm phán.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump khẳng định ông « có quan hệ rất tốt với Tập Cận Bình », và hai nhà lãnh đạo « có thể ký kết một thỏa thuận công bằng ». Trước đó một ngày, ông Trump cũng đã nêu ra khả năng giảm thuế đối với hàng hóa Trung cộng.

Cuộc chiến thương mại do Donald Trump khởi xướng đã nâng mức thuế quan mà Hoa Kỳ áp dụng với hàng nhập từ Trung cộng lên thêm 145 %. Bắc Kinh đã mạnh mẽ đáp trả bằng mức thuế 125 % đối với hàng nhập từ Hoa Kỳ.

Phía Trung cộng cũng đã tỏ ra cởi mở với đàm phán hơn. Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng Quách Gia Khôn (Guo Jiakun) cho biết « nếu cần phải đấu, chúng tôi sẽ đấu đến cùng, nhưng cánh cửa đối thoại vẫn rộng mở ».

Hiện hai bên vẫn chưa chính thức bắt đầu đàm phán về thuế quan, nhưng theo Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent « mức thuế hiện hành của cả hai bên nên được hạ xuống, và đó là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán nào ».

Người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt trước đó khẳng định các cuộc thảo luận để tìm ra một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh « đang tiến triển rất tốt ». Nhưng sáng nay, Bắc Kinh tuyên bố bất cứ thông tin về tiến triển trong đàm phán thương mại với Washington đều là « vô căn cứ », hai nước chưa có bất cứ đàm phán nào.   


Việt Nam – Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh, ủng hộ thương mại tự do

Hai nước Việt-Nhật khẳng định « sẽ hợp tác để duy trì một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền » và « dựa trên quy tắc quốc tế » trong bối cảnh cả hai nước đang đàm phán với Mỹ để tránh thuế quan.

Trong buổi họp báo chung sau cuộc hội đàm, thủ tướng hai nước cho biết đã ký bốn thỏa thuận hợp tác, bao gồm thúc đẩy thương mại các sản phẩm chuyển đổi năng lượng và nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn. Nội dung của các thỏa thuận không được tiết lộ và Reuters không thể xác định liệu có bao gồm bất kỳ cam kết ràng buộc hoặc tài chính nào hay không.

Theo Báo Điện tử Chính phủ, khi tiếp thủ tướng Ishiba ngày 27/04, tổng bí thư Tô Lâm đề nghị 7 định hướng lớn để tăng cường hợp tác chiến lược giữa hai nước, trong đó có đề nghị Nhật Bản tích cực tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm thông qua nguồn vốn ODA thế hệ mới. Nhật Bản đã tham gia vào các nghiên cứu sơ bộ về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trong tương lai nối Hà Nội với thành phố Saigon, với chi phí ước tính là 67 tỷ Mỹ kim. Đây là dự án cơ sở hạ tầng tham vọng nhất của Việt Nam.

Ngoài ra, theo Kyodo, hai nước sẽ khởi động đối thoại 2+2 cấp thứ trưởng ngoại giao, quốc phòng nhằm tăng cường « giao tiếp chiến lược ». Cuộc họp đầu tiên có thể diễn ra ngay trong năm 2025. Hai bên cũng nhất trí hợp tác tăng cường năng lực an ninh hàng hải của Việt Nam và hướng tới hợp tác về công nghệ và thiết bị quốc phòng trong bối cảnh cùng phải đối mặt với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Nhật Bản có thể đưa Việt Nam vào danh sách các nước đủ điều kiện nhận thiết bị quốc phòng trong chương trình hỗ trợ các nước có chung chí hướng tăng cường năng lực an ninh và như vậy, Hà Nội sẽ nhận được hỗ trợ khi cần thiết. Nếu được chấp thuận, Việt Nam trở thành nước thứ tư được hưởng Chương trình Viện trợ An ninh chính thức (OSA) của Nhật Bản được triển khai từ năm 2023, trong đó có ba nước ASEAN Philippines, Malaysia và Indonesia. (Trích RFI)


CSVN đã họp bàn đến lần thứ 6 về việc thích ứng với chính sách thuế quan mới của Mỹ

Tin từ báo chí quốc doanh nói, kết quả đàm phán thương mại Việt- Mỹ bước đầu theo chiều hướng tích cực, nhưng vẫn còn thách thức.

Thực tế, các cơ quan phía Việt Nam đã và đang rất tích cực xử lý các vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa, phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, bản quyền, cắt giảm thủ tục hành chính. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần phải rất chủ động làm việc với phía Mỹ, giải thích rõ những vấn đề mà phía bạn quan tâm mà chúng ta đã và đang làm.

Một trong những giải pháp cụ thể được nêu là yêu cầu các bộ ngành, cơ quan liên quan phải khẩn trương đàm phán ký kết trong tháng 5/2025 các hợp đồng mua bán, nhập cảng các mặt hàng từ Mỹ như khí LNG, máy bay, thuốc, vật tư y tế, nông sản… nhằm bảo đảm cân bằng thương mại bền vững.

Vietnam Airlines cũng vừa được Chính phủ đồng ý về chủ trương mua 50 máy bay thân hẹp, không bảo lãnh.

Chính phủ nêu rõ, đàm phán trên tinh thần bình tĩnh, kiên định nhưng rất linh hoạt, không cầu toàn, không nóng vội, phải bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc, bảo đảm các cam kết quốc tế của Việt Nam, không vì được việc này mà làm ảnh hưởng đến việc khác, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.


Dầu giảm giá khoảng 2%

Giá dầu giảm khoảng 2% xuống mức thấp nhất 2 tuần do các nhà đầu tư chuẩn bị cho việc OPEC+ tăng sản lượng và lo lắng về mức thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu và làm chậm nhu cầu nhiên liệu.

Chốt phiên 29/4, dầu thô Brent giảm 1,61 USD hay 2,4% xuống 64,25 USD/thùng. Dầu WTI giảm 1,63 USD hay 2,6% xuống 60,42 USD/thùng.

Do vậy, việc điều hành giá xăng dầu liền kề sau kỳ điều hành ngày 24-4 sẽ được thực hiện vào thứ Hai mùng 5-5 (Ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ).

Tại kỳ điều hành ngày 24-4 trước đó, Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu trong nước tăng mạnh trở lại từ 487-782 đồng/lít/kg, tùy mặt hàng.

Theo quyết định của cơ quan điều hành, xăng E5RON92 tăng 740 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành, lên 19.238 đồng/lít.

Xăng RON95-III tăng 782 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành, lên 19.638 đồng/lít. Hiện tại, giá nhiên liệu này vẫn ở mức thấp nhất 4 năm qua, tương đương thời điểm tháng 5-2021.


67 ngàn công ty rời thị trường 2 tháng đầu năm 2025

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm 2025, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tại Việt Nam lại lên tới 67.000, tăng 6,9%, tức là bình quân mỗi tháng có hơn 33.500 doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động.

Thông tin này phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về nền kinh tế trong thời gian đầu năm 2025. Số lượng doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường không chỉ cho thấy khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt, mà còn gợi mở những thách thức lớn hơn trong bối cảnh kinh tế, chính sách và khả năng thích nghi.

Có lẽ các yếu tố như lạm phát, biến động thị trường, thay đổi chính sách quản lý hoặc suy giảm nhu cầu tiêu dùng đã góp phần làm gia tăng tình trạng này. Để khắc phục, cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tài chính hoặc các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo.