Sơn Hà (tháng Ba, 2023)

Gần đây, trên báo chí và các hệ thống truyền thông, người ta nghe nói đến những chữ “cộng hoà chuối” nhưng rất ít lời giải thích cho biết ý nghĩa nó là gì. Một nước cộng hoà chuối là nước như thế nào; từ đâu có chữ “cộng hoà chuối”.

Chỉ trong làng báo chí, văn chương của Mỹ mới có chữ “banana republic” (cộng hoà chuối). Chữ banana nghĩa là chuối, đúng nghĩa thật sự của nó. Trong lãnh vực khoa học chính trị, hai chữ “banana republic” được dùng để diễn tả một quốc gia có nền chính trị và kinh tế không ổn định; bị lệ thuộc vào sự xuất cảng tài nguyên thiên nhiên, và luật lệ thì tuỳ tiện trong tay đầu sỏ cầm quyền.

Thoạt đầu, là bán chuối rồi về sau bán những thứ khác, cũng chỉ là bán tài nguyên quốc gia; trước sau vẫn bị xem là một quốc gia bán chuối vì họ không biết làm gì khác ngoài bán chuối. Đất nước bị các nhà tư bản bất lương bản xứ cấu kết với tài phiệt ngoại quốc bóc lột người dân theo khẩu hiệu “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”.

Trăm Năm Trước, Cộng Hoà Honduras và Cộng Hoà Costa Rica Đã Là Những Cộng Hoà Chuối

Vào năm 1904, nhà văn Olivier Henry (hay O. Henry) đã dùng chữ “banana republic” để đặt tên cho hai quốc gia Honduras và Costa Rica. Hai nước này nằm ở vùng Trung Mỹ, bị khai thác bởi những công ty trái cây của Mỹ, chẳng hạn như United Fruit Company (viết tắt là UFC), ngày nay có tên là Chiquita. Thời điểm ấy, trong xã hội tại hai quốc gia này có nhiều giai cấp, nhưng giai cấp bần cùng thì chiếm đa số và dễ bị lợi dụng. Nhóm cầm quyền là thiểu số nhưng lại có vũ khí và quyền lực trong tay, sẵn sàng làm tay sai và cấu kết với thương nhân nước ngoài để cùng khai thác sức lao động của tầng lớp nông dân để kiếm lợi. Bọn cầm quyền không hề bận tâm đến tương lai của đất nước hay của người dân, miễn kiếm được tiền bỏ vào túi riêng là được. Bọn này có toàn quyền thao túng ở thượng tầng lãnh đạo và sửa đổi luật lệ theo chiều hướng có lợi cho phe nhóm.

Nền kinh tế mất cân đối của hai quốc gia nói trên vẫn luôn luôn xảy ra do bị hạn chế phát triển, nền kinh tế không đồng đều giữa các khu vực trong nước, làm giảm giá trị đồng tiền quốc gia, dẫn đến tình trạng không đủ điều kiện nhận tín dụng phát triển quốc tế. Chung quy do bọn đầu sỏ cầm quyền không muốn phát triển quốc gia mà chỉ muốn đất nước mãi mãi ở trong tình trạng kém phát triển để trục lợi.

William Sydney Porter
(Olivier Henry)

Olivier Henry là một trong nhiều bút danh khi viết văn và làm báo. Ông tên thật là William Sydney Porter, 1862–1910), có giấy phép hành nghề là dược sĩ, có khiếu viết truyện ngắn, được độc giả nhiều tuần báo ưa chuộng. Ông làm nhiều nghề khác nhau nhưng vẫn lâm cảnh túng thiếu. Khi làm việc kế toán cho một ngân hàng vào năm 1898, ông đã làm thất thoát hơn $800 USD, bị cáo buộc đã biển thủ tiền của nhà băng. Ông sợ phải ra toà nên đã trốn sang Honduras. Vì Honduras không có hiệp ước dẫn độ với Hoa Kỳ, có luật lệ lỏng lẻo, là nơi ông có thể trốn tránh. Tại đây ông chứng kiến cảnh tượng người nông dân trồng chuối bị nhà cầm quyền cấu kết với tài phiệt Mỹ bóc lột thậm tệ. Ông chỉ sống ở Honduras 6 tháng rồi về đầu thú với nhà chức trách và chịu đi tù.

Vào năm 1904, ông xuất bản tuyển tập “Cabbages and Kings” (Bắp Cải và Các Ông Vua), gồm các truyện ngắn, phần lớn là truyện phóng tác dựa trên chuyện thật ngoài đời. Olivier Henry đã đặt ra chữ “banana republic” để mô tả Cộng hòa Anchuria, là một quốc gia hư cấu trong các câu chuyện. Nhưng nó mô tả hình ảnh thật của quốc gia Honduras và Costa Rica, là các “Cộng Hoà Chuối”, chuyên trồng chuối và xuất cảng chuối sang Hoa Kỳ. Ông chứng kiến tài phiệt Mỹ toa rập với bọn gian thương nội địa cùng làm giàu trên mồ hôi nước mắt của công nhân đồn điền tại Honduras. Chỉ trồng chuối để bán cho Mỹ. Không phải chỉ bán chuối mà bị mang tên là “cộng hoà chuối”. Mà vì, chủ trương ngu dân của bọn cầm quyền, lập ra luật lệ vô tội vạ, cấu kết với ngoại bang để cùng trục lợi trên mồ hôi nước mắt của dân chúng.

Ai Đã Khám Phá Nguồn Lợi “Chuối”?

Lịch sử của “cộng hòa chuối” bắt đầu với việc đưa trái chuối nhập cảng vào Hoa Kỳ, năm 1870, do Lorenzo Dow Baker, là thuyền trưởng chiếc tàu buôn mang tên Telegraph.  Ông đã mua chuối ở Jamaica, cũng là một đảo quốc ở Trung Mỹ, nằm trong Biển Caribbean đem về phân phối qua các cửa hàng thực phẩm ở Boston với mức lời gấp 10 lần. Mỗi ngày, dân chúng Hoa Kỳ càng thích ăn chuối nhập cảng từ vùng nhiệt đới, lại nghe ca tụng là trái cây bổ dưỡng và rẻ hơn các loại trái cây khác, làm cho nước Mỹ trở thành thị trường chuối rất lớn, hấp dẫn các quốc gia Trung Mỹ trồng chuối để xuất cảng.

Năm 1873, ông chủ thầu người Mỹ tên là Henry Meiggs, chuyên xây dựng hệ thống hoả xa ở Costa Rica. Ông cùng với người cháu Minor C. Keith, thành lập các đồn điền trồng chuối dọc theo đường rầy xe lửa, để cung cấp thực phẩm cho công nhân hoả xa. Đến khi nhận thấy xuất cảng chuối đem lại lợi nhuận lớn nên đã bắt đầu trồng thêm chuối và xuất cảng sang vùng Đông Nam Hoa Kỳ. Sự khai thác chuối và xuất cảng chuối sang Hoa Kỳ càng ngày càng được khai thác mạnh mẽ bởi các công ty buôn bán trái cây của Hoa Kỳ.

Henry Meiggs

Vào cuối thế kỷ 19, ba tập đoàn đa quốc gia của Mỹ (UFC, Standard Fruit Company và Cuyamel Fruit Company) thống trị việc trồng trọt, thu hoạch và xuất cảng chuối, đồng thời kiểm soát hạ tầng cơ sở: đường bộ, đường xe lửa và hải cảng của Honduras. Dần dần các công ty mua đất đai khu vực ven biển phía bắc gần Biển Caribbean, được chính phủ Honduras sang nhượng. Ở Costa Rica và vài quốc gia lân cận cũng bị khai thác tương tự. Nhiều công ty ngoại quốc làm chủ rất nhiều đất đai và mướn người bản xứ làm công nhân trả lương rẻ mạt.

Đời sống của công nhân đồn điền ở các nước Trung Mỹ không được cải thiện bao nhiêu, mà chỉ bị lợi dụng. Các nhà phê bình thường dùng những chữ “cộng hoà chuối” để lên án các chính quyền vô trách nhiệm đối với người dân. Ngược lại họ chỉ vì lợi nhuận riêng tư mà đẩy đưa hoặc duy trì nền kinh tế và chính trị của đất nước ở mức độ tồi tệ, hầu dễ dàng trục lợi.

*
*      *

Nhìn vào nước Mỹ ngày nay, Trung Cộng đang mua nhiều đất nông nghiệp và đất kỹ nghệ để xây dựng trại chăn nuôi và nhà máy. Các nhà phê bình cho rằng, chính quyền Biden đã bị Trung Cộng mua chuộc, để cho Trung Cộng nhiều ưu tiên trong lãnh vực nhập cảng các loại hàng hoá vào Hoa Kỳ. Chính phủ Biden đã để cho Trung Cộng ăn cắp các kỹ thuật tiên tiến trong lãnh vực kinh tế và quốc phòng. Nền kinh tế của Hoa Kỳ thì bấp bênh do lạm phát và chính trị thì luôn ở trong tình trạng xáo trộn. Luật lệ bị lạm dụng trắng trợn. Chủ quyền đất nước đang dần dần bị sang nhượng. Đó là những yếu tố khiến cho các nhà phê bình cho rằng, Hoa Kỳ đang trở thành một “Banana Republic”, hay Cộng Hoà Chuối.

Sơn Hà (tháng Ba, 2023)

Bài liên quan:
  • Thẩm Phán Thomas Lên Tiếng Về Vụ
    Colorado Truất Quyền Ứng Cử Tổng Thống Của Ông Trump

    -Trần Phong Vũ
  • Cựu TT Trump Quyết Liệt Thanh Tẩy Nội Bộ Đảng Cộng Hoà
    -Trần Phong Vũ
  • Đạo luật Chống Lạm phát của Biden đã đạt được gì sau một năm?
    The Economist
  • Cựu Chủ tịch Hạ viện Gingrich: Barack Obama, người “Phủ Bóng” Joe Biden
    -Trần Phong Vũ
  • Khi các Tối Cao Pháp Viện của Tiểu Bang Lên Tiếng
    -Trần Phong Vũ