Sơn Hà (Aug-2023)
Một cuốn phim vừa mới được Angel Studios chính thức tung ra vào ngày 4 tháng Bảy, 2023 đã gây chấn động trong dư luận. Phim “Sound of Freedom” không thuộc loại phim ảnh của nghệ thuật thứ bảy. Dựa trên câu chuyện thật và được dựng lại như một cuốn phim tài liệu, không phải để nghiên cứu. Nó mạnh mẽ tố cáo bọn lưu manh kinh doanh trên thân thể trẻ em. Cuốn phim cũng là một lời kêu gọi mọi người, kể cả chính phủ và các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, hãy tiếp tay giải cứu trẻ em và chặn đứng tệ nạn buôn người, buôn bán tình dục trẻ em, rất khốn nạn này.
Phim được ra mắt nhằm vào ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, nhưng cũng nhằm đúng lúc trình làng của cuốn phim Indiana Jones, với tài tử Harrison Ford lừng danh. Tuy vậy, “Sound of Feedom” đã thu hút đông đảo khán giả và tiền bán vé thu về lại vượt xa cuốn phim “Indiana Jones” trong tuần lễ đầu tiên.
Cuốn phim gây sự ngạc nhiên cho những nhà sản xuất và ê-kíp làm phim. Rằng, trong thiên hạ vẫn còn có những người có lòng nhân. Một cuộc thử nghiệm về kỹ thuật rất cổ điển là truyền miệng. Dù chỉ là phim tài liệu không thể bì được với những sản phẩm lớn của Hollywood có tầm vóc nghệ thuật và tốn kém hơn nhiều. Nhưng, “Sound of Freedom” mang ý nghĩa lớn hơn. Nó diễn tả câu chuyện có thật mà những người có trách nhiệm trong chính quyền Hoa Kỳ và cả thế giới không dám nói tới. Cuốn phim được phổ biến nhờ vào các mạnh thường quân và quần chúng. Khán giả đi xem có thể thấu hiểu cái khốn nạn ở một góc trời u tối đang giam hãm các em nhỏ bất hạnh. Người ta tích cực tiếp tay phổ biến cuốn phim “Sound of Freedom” hầu tìm cách ngăn chặn những cuộc làm ăn vô đạo đức.
Bắt Cóc Trẻ Em
Từ lâu ở Việt Nam, chúng ta đã nghe nói tới “mẹ mìn” chuyên đi dụ khị con nít để bắt cóc. Bắt rồi đem đi đâu, không ai biết. Có đứa, sau một thời gian trở về như một đứa mất trí, nửa tỉnh nửa khờ. Người ta cho là bị quỷ ám. Rồi chúng ta lại nghe hiện tượng “bắt trẻ đồng xanh”, cả xóm xôn xao đi tìm con thất lạc. Vài năm sau, đứa trẻ lớn lên trở về ,“đem đao, đem súng vào xóm làng”. Thật ra, chúng nó đã trở những con người mới xã hội chủ nghĩa được “Bác và đảng cộng sản” đem về Bắc để huấn luyện rồi thả trở về miền Nam tiến hành những cuộc khủng bố.
Sau năm 1975, chúng ta lại nghe con gái Việt Nam bị bán như món hàng, đưa sang Tàu và Đại Hàn để làm vợ cho cả một giòng họ bên chồng. Những cô gái nô lệ tình dục! Rồi chúng ta lại nghe trẻ em Việt Nam bị bán cho các động đĩ ở Cam Bốt. Có những em chưa đến tuổi dậy thì. Nghe đau đớn biết bao!
Khán giả Việt Nam có thể sẽ bắt gặp những hình ảnh tương tự trong cuốn phim này: Sound of Freedom.
Câu chuyện thật, được thuật lại bởi một nhân viên tình báo làm việc cho Homeland Security Department (HSD – Cục An Ninh Lãnh Thổ Hoa Kỳ), tên là Tim Ballard . Anh hăng say trong công việc, đạt được nhiều thành tích qua các điệp vụ ngăn chặn các cuộc mua bán tình dục trẻ em xuyên biên giới và trên mạng internet.
Chuyện Hai Chị Em Miguel và Rocío Aguilar
Những lần công tác ở Honduras, quốc gia Trung Mỹ nổi tiếng sản xuất các loại ma tuý, đầy dẫy đĩ điếm và nhiều đường dây buôn bán trẻ em. Tim Ballard bắt gặp hoàn cảnh một thằng bé 7 tuổi bị bán sang một đất nước xa lạ. Anh đã cứu nó đem đến nơi an toàn. Thằng bé Miguel khẩn cầu ông Tim tìm cứu chị nó, Rocío, 11 tuổi, đang bị bắt đem đi đâu đó, không biết trôi dạt phương trời nào. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà Tim đã chứng kiến. Anh cho biết, anh thường nghe những tiếng kêu gào thống thiết “Con tôi đâu rồi?”. Có khi cả xóm, nhiều gia đình dáo dác đi tìm con. “Ai bắt con tôi?…”.
Câu chuyện là, …một hôm, hai chị em nó bị một cô gái từng đoạt giải hoa hậu, ăn mặc sang trọng, dụ dỗ tham gia chương trình tìm kiếm tài năng thiếu nhi. Ông cha là gà trống nuôi con, tưởng con mình gặp may, biết đâu con mình sẽ có đời sống khá hơn. Ông đem con đến điểm hẹn là một căn phòng ở một khách sạn. Bên trong phòng được bày trí như một studio chụp hình quay phim. Ông yên chí giao con cho cô gái hoa hậu ấy rồi hẹn giờ đến để đón về. Khi trở lại, ông hoảng hốt vì căn phòng trống trơn. Bấy giờ, ông biết con mình cùng với nhiều đứa trẻ khác đã bị bắt cóc nhưng không biết bị đưa đi đâu. Ông đau khổ nhưng chẳng biết kêu cứu vào đâu.
Một thời gian sau,… được tin thằng Miguel được cứu ông mừng lắm. Tim đem thằng Miguel cho ông, nhưng ông vẫn đau khổ chờ tin đứa con gái Rocío, 11 tuổi.
Tim Ballard , là nhân viên tình báo của Cục An Ninh Lãnh Thổ Hoa Kỳ, đã phải giả dạng và đóng nhiều vai khác nhau, len lỏi vào đám tội phạm để tìm tòi đường dây tổ chức bắt cóc và buôn bán trẻ em cho các động đĩ điếm ở các quốc gia nói tiếng Spanish ở Trung và Nam Mỹ. Anh đã thấy mặt các tay nhà giàu và có chức vụ cao trong chính quyền quốc gia, nhất là nước Mỹ. Anh biết nơi giam nhốt và các em được huấn luyện nghề bán dâm. Anh chứng kiến các em lao động trong các khu kỹ nghệ chế biến và sản xuất ma tuý. Anh biết là đã đụng đến chỗ nhạy cảm và bắt đầu lo sợ. Anh cũng gặp những “tay anh chị” và các bạn đồng nghiệp sẵn sàng giúp anh để giải cứu các em.
Tim Ballard báo cáo với Cục An Ninh Lãnh Thổ Hoa Kỳ và xin yểm trợ để giải cứu hàng trăm em bé gái đang bị bắt làm nô lệ tình dục. Ông xếp chỉ huy trực tiếp của anh viện cớ không có ngân sách cấp cho anh thực hiện công tác đó. Hơn nữa, Cục không cho phép anh có những hoạt động ngoại biên kiểu đó, và ra lệnh anh phải trở về Hoa Kỳ gấp. Anh hỏi, vậy việc giải cứu các em thì sao? Xếp trả lời, việc của anh là ngăn chặn buôn bán nô lệ chứ không phải giải cứu các em.
Tim Ballard không thể nhắm mắt làm ngơ. Anh gọi điện thoại hỏi ý kiến người vợ. Cô vợ trả lời mạnh mẽ: “Anh có sợ thì sợ, tôi thì không! Anh phải giải cứu những đứa trẻ đó. Anh không làm thì đừng trở về! Nếu cần, thì nghỉ việc và tìm cách giải cứu mấy đứa nhỏ”.
Lời khẳng khái của người vợ đã động viên Tim Ballard: tìm cách giải cứu những đứa trẻ khỏi bàn tay của những kẻ buôn người. Anh thầm nhủ, con người là tạo vật của Thượng Đế, không thể để trở thành món hàng buôn bán của bọn bất lương. Con người ở đây là những trẻ em. Anh muốn ngăn chặn những cuộc buôn bán này, nhưng điều quan trọng trước mắt vẫn là phải giải cứu các em.
Anh xin nghỉ việc và chấp nhận sự mất mát quyền lợi về sau. Anh thành lập các Quỹ Hỗ Trợ cho công tác giải cứu trẻ em nô lệ tình dục. Kinh nghiệm tình báo lâu năm đã giúp anh tránh được những con mắt của bọn buôn người, lại được những người bạn tốt bụng sẵn sàng tiếp tay.
Cuối cùng, anh đã cứu được rất nhiều em bé gái, trong đó có chị Rocío của Miguel. Anh đem trao đứa con gái cho người cha, đem lại hạnh phúc cho cả ba cha con. Hình ảnh đoàn tụ làm mát lòng người cựu nhân viên tình báo.
Anh ái ngại nhìn ánh mắt đờ đẫn của hai chị em khiến anh lo âu, không biết đến bao giờ nỗi ám ảnh in sâu trong tâm khảm của hai em mới được xoá nhoà.
Tim Ballard biết sẽ phải tiếp tục đeo đuổi sứ mệnh giải cứu các em khác nữa. Anh thành lập tổ chức Operation Underground Railroad (OUR), chỉ để giải cứu trẻ em bị bắt làm nô lệ tình dục và giúp các em trở lại đời sống bình thường. Quyết tâm của OUR là trung thành với lý tưởng cho đến khi mọi đứa trẻ được an toàn.
Cơ Duyên Làm Phim Sound Of Freedom
Sự hy sinh của Tim Ballard và những tài liệu do anh sưu tập đã tới tay của những nhà sản xuất phim. Họ tìm đến anh và muốn thực hiện một cuốn phim tài liệu, nhưng họ thêm vào những pha chuyển động nhanh giống những phim hành động. Các nhà làm phim muốn dựng nhân vật Tim Ballard là vai chính và dựa hoàn toàn vào những dữ kiện do chính Tim Ballard sưu tập trên mười năm hoạt động cho Cục An Ninh Lãnh Thổ Hoa Kỳ.
Đối với Tim, tài tử đóng vai nhân viên tình báo đó phải là người tận tâm tận lực với sứ mạng giải cứu những đứa trẻ bất hạnh. Anh nghĩ đến Jim Caviezel. Sau khi được xem những video clips mà Tim sưu tập, Jim nhận lời đóng vai Tim, không do dự. Jim nói: “I gave my career to Jesus; you pick my roles for me…”. Bấy nhiêu lời ấy đã khiến cho Tim và đoàn làm phim yên tâm để Jim Caviezel đóng vai đặc vụ HSD trên đường đi giải cứu các em nhỏ bị bán qua các biên giới, được chuyên chở trong những thùng hàng như buôn bán thú vật.
Jim Caviezel là tài tử đã từng đóng vai Chúa Giêsu trong phim “The Passion of The Christ”, thường nói ngắn “The Passion” (Khổ Nạn của Chúa Kitô), của đạo diễn Mel Gibson. The Passion tập trung vào 12 tiếng đồng hồ cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu. Trong lúc đóng phim, Jim đã nhập vai Chúa Giêsu và cảm thấy đau đớn với những nỗi đau của Chúa Giêsu đã mang, của hơn 2000 năm trước. Chúa Giêsu đội mũ gai, vác thập giá, bị đòn, bị sỉ nhục và cuối cùng bị đóng đinh trên cây thập giá do chính mình đã vác. Chúa đã chọn dân Do Thái là Dân Chúa và người Do Thái đã đóng đinh Chúa Giêsu, là con Thiên Chúa. Đó là một trong những điều oái oăm của câu chuyện The Passion of The Christ. Jim Caviezel đã đóng trọn vai.
Anh kể lại, trong lúc quay phim, đến giờ giải lao thì mọi người cười nói vui vẻ. Duy chỉ Jim Caviezel vẫn còn bần thần đau đớn trong tâm trí, cứ như nỗi đau của Chúa Giêsu vẫn còn mang trên thân thể chính mình. Về sau, anh vẫn thường nói, anh muốn khán giả trong lúc xem phim sẽ nhìn thấy hình ảnh của Chúa Giêsu đã trải qua trong 12 tiếng đồng hồ cuối cuộc đời của Ngài. Xem phim để nhìn thấy chính mình.
Trong vai người đặc vụ Tim Ballard trong phim “Sound of Freedom”, Jim Caviezel đặt sự nghiệp của mình trong tay Chúa Kitô. Như anh đã nói trong cuộc phỏng vấn: “I gave my career to Jesus; you pick my roles for me…”. Jim Caviezel diễn lại các hành động của Tim Ballard đã trải qua trước đây, theo câu chuyện do chính Tim Ballard kể lại.
Hình ảnh trong phim phần lớn có vẻ tối tăm, để miêu tả bối cảnh âm u của một góc tối của thế giới chưa được soi rọi ánh sáng của công lý. Nơi ấy, những tên lưu manh làm giàu trên thân thể của các em gái chưa đến tuổi thành niên. Phim cũng cho thấy cái bỉ ổi của những người nhà giàu mua dâm ở những em gái còn nhỏ. Phim cũng công khai báo động rằng, các em nhỏ không thể là món hàng bị bán đi bán lại nhiều lần; có em bị bán vào các lãnh thổ của nước Mỹ. Qua các hình ảnh trong phim, ta thấy có rất nhiều người Mỹ nhúng tay trong những vụ buôn bán trẻ em.
o
o o
Ở phần cuối cuốn phim, cảnh đoàn tụ của gia đình ba cha con Aguilar chưa phải là “happy ending” của cuốn phim. Cuốn phim “Sound of Freedom” để lại cho khán giả một niềm khắc khoải: Ta phải làm gì để chấm dứt tình trạng khốn nạn này?
Khi đã kết thúc cuốn phim, dành ra vài phút, Jim Caviezel gởi đến khán giả lời kêu gọi hãy tiếp tay phổ biến “Sound of Freedom” bằng cách mua vé để tặng và khuyến khích những người bạn đi xem. Và nhắc nhở người bạn cũng mua vé tặng cho bạn bè như mình đã làm. Một mặt, Jim Caviezel cũng thay mặt nhà sản xuất và đoàn làm phim kêu gọi các chính phủ và các cơ quan tình báo, nhất là Hoa Kỳ, nên thi triển các chương trình cụ thể để giải cứu các em đang lâm nạn nô lệ tình dục và chặn đứng các cuộc buôn bán con người (human trafficking), ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Sơn Hà (Aug-2023)