_________________________

A.Tổng quát.

  Như  người viết đã trình bày ở bài đầu “Kinh tế học và kinh tế vĩ mô”, nền kinh tế của một quốc gia được định hình bởi thể chế chính trị của quốc gia đó. Nói đúng hơn mức độ kiểm soát và can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế là yếu tố chủ yếu định hình.

  Nếu dùng thước đo can thiệp (Interference Measure) từ 0% đến 100% thì nền kinh tế cộng sản Nga sô viết nguyên thủy, nền kinh tế Trung cộng nguyên thủy, nền kinh tế cộng sản Việt Nam nguyên thủy và nền kinh tế cộng sản nguyên thủy Bắc Hàn (North Korea) ở thái cực 100%.

  Các nền kinh tế cộng sản Nga sô, Trung quốc, Việt Nam cộng sản hiện nay đã biến thể thành nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở khoảng 75% trên thước đo can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế. Lý do tại sao vậy ? Vì các nền kinh tế cộng sản nguyên thủy đã thất bại hoàn toàn như kinh nghiệm thực tế đã chứng minh trong những thập niên qua. Những nền kinh tế cộng sản nguyên thủy này đã không mang lại phát triển và tăng trưởng kinh tế (Economic Development and Economic Growth) nhằm nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

  Sự khác biệt giàu nghèo ngày càng trở nên sâu rộng giữa một thiểu số rất nhỏ có chức quyền và địa vị của một đảng phái chính trị độc tài đương quyền ngày càng trở nên giàu có vì tham nhũng và đại đa số quần chúng ngày càng nghèo mạt và đói khát. Dân trí trong mọi lảnh vực vẫn dậm chân tại chỗ, không được khai sáng vì không cò tự do ngôn luận do chủ thuyết ngu dân để dễ bề cai trị.

  Ở khoảng 25% trên thước đo can thiệp là nền Kinh tế Hỗn hợp mà người viết sẽ trình bày sau đây :

  Ở thái cực kia tức  5% là nền kinh tế tư bản Hoa Kỳ mà người viết đã đề cập tới trong bài “Tăng trưởng kinh tế trong nền kinh tế tư bản Hoa Kỳ”

  Nền”Kinh tế Hỗn hợp” hiện nay không được một quốc gia nào trên thế giới áp dụng. Thực tình người viết không tìm được quốc gia nào trên khắp thế giới đã và đang áp dụng ngoại trừ Đệ nhất và Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975.

  Có hai tiêu chuẩn chủ yếu để phân biệt quốc gia nào áp dụng nền kinh tế cộng sản nguyên thủy, xã hội chủ nghĩa, Hỗn hợp và Tư bản là sự can thiệp của chính phủ (Government Interference), và “Cơ chế thị trường tự do với luật cung cầu” (Mechanism of Free Market with Supply and Demand)

  Trong nền kinh tế cộng sản nguyên thủy, sự can thiệp của chính phủ là tuyệt đối 100%, không có cơ chế thị trường tự do như Bắc Hàn. Trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sự can thiệp của chính phủ là 75% trong đó quốc doanh giữ vai trò chủ yếu. Trong nền kinh tế hỗn hợp, sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế ở mức 25% trong đó các công\ ty quốc doanh được quản trị dưới hình thức tự trị (Automous), và giới tư doanh với cơ chế thị trường là đầu tàu chủ yếu trong nền kinh tế. Trong nền kinh tế tư bản thị trường, sự can thiệp của chính phủ rất hạn chế chỉ nhằm hướng dẫn và điều chỉnh khi cần, ở mức độ gần 0% trên thước đo can thiệp và tư doanh với cơ chế thị trường là chủ đạo.

  Người viết xin trình bày nền “Kinh tế Hỗn hợp” mà tiêu biểu là Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975.

1.  Thể chế chính trị.

  Truóc hết, người viết nói qua về thể chế chính của Đệ nhất cũng như Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa. Việt Nam Cộng hòa có thể nói, áp dụng một thể chế chính trị giống hệt như Hoa Kỳ. Việt Nam Cộng hòa có Hiến pháp, tam quyền phân lập : Có Lập pháp với Quốc hội, Tư pháp với Tối cao pháp viện và Hành pháp với Chính phủ.

  Người công dân Việt Nam Cộng hòa có đủ các quyền như quyền tư hữu, tư hữu đát đai, tư hữu phương tiện sản xuất như cơ xưởng máy móc và dụng cụ .v..v..

  Người công dân Việt Nam Cộng hòa có đầy đủ các quyền tự do như tôn giáo, chính trị đa đảng, ngôn luận, lập hội, nghiệp đoàn lao động, biểu tình ôn hòa, di chuyển, không kỳ thị giới tính và sắc dân, và nhất là tự do mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Nói tóm lại, thể chế chính trị Việt Nam Cộng hòa áp dụng tích cực và nghiêm chỉnh bản tuyên ngôn nhân quyền mà Liên Hiệp Quốc đòi hỏi các thành viên phải thi hành.

2. Nền Kinh tế.

  Trên bình diện kinh tế, Việt Nam Cộng hòa áp dụng mô hình nền “Kinh tế Hỗn hợp”, với những đặc điểm sau đây.

  Chính phủ chủ trương cơ chế thị trường tự do kinh doanh, bất cứ công dân nào cũng được tự do mở xí nghiệp kinh doanh tư nhân, kỹ nghệ tiểu công nghệ xuất nhập cảng hay dịch vụ. Thủ tục hành chánh xin thiết lập rất thông thoáng và ngắn gọn, chỉ cần 2 tuần là có giấy phép hành nghề.

  Về nông nghiệp với luật “Người cày có ruộng” trong đệ nhất và đệ nhị Cộng hòa, nông dân trở nên sở hữu chủ ruộng đất, không còn phải  di làm mướn cho điền chủ nữa. Đất đai không canh tác của các điền chủ trước 1954 phải bán lại cho chính phủ với giá cả được thương thảo và đền bù thỏa đáng và công bằng.

  Để giúp các nông dân sản xuất nông phẩm hữu hiệu, chính phủ thiết lập “Nông Tín Cuộc” (Agricultural Credit Union) sau này đổi thành “Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp” (Agriculture Development Bank) có các chi nhánh trên khắp đất nước để cho các nông dân vay tiền mua hạt giống, thuốc sát trùng ..v..v..

  Nhằm yểm trợ kỹ thuật, chính quyền Việt Nam Cộng hòa mở trường Nông Lâm Súc trung cấp (School of Agriculture, Forestry-Husbandry) ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và sau này còn có đại học Nông Lâm Súc tại trung tâm Bách khoa Phú Thọ, Sài gòn. Hai trường này đào tạo các kỹ sư và chuyên viên nhằm yểm trợ kỹ thuật cho nông dân. Các trung tâm nghiên cứu và yểm trợ kỷ thuật cũng được thiêt lập khắp nước như thay đổi giống lúa một vụ thành nhiều vụ, và các giống heo lớn Âu Mỹ.

  Về kỹ nghệ, chính phủ khuyến khích phát triển các công ty, công kỹ nghệ và tiểu công nghệ nội địa và chào đón nồng nhiệt các công ty ngoại quốc vào Việt Nam đầu tư qua “Trung tâm Dịch vụ và Đầu tư” (Center of Investment Services) trên đường Tự Do, Sài gòn.

  Để hổ trợ tài chánh cho các kỹ nghệ gia, bằng cách cho vay tiền với lãi suất thấp để họ thiết lập nhiều công ty kỹ nghệ sản xuất mọi ngành, chính phủ thiết lập “Trung tâm Phát triển Kỹ nghệ” (Industrial Development Center) sau này đổi thành “Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ” (Industrial Development Bank) tại 42 Nguyễn Huệ, Sài gòn. Một trung tâm  phát triển tiểu công nghệ cũng đã được thiết lập trong thời đệ nhị Cộng hòa.

  Đi xa hơn nữa, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nội địa và ngoại quốc vào Việt Nam thiết lập các công ty kỹ nghệ sản xuất, chính quyền cố tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho thiết lập “ khu kỹ nghệ Biên Hòa” rất rộng lớn nhằm tập trung gần 200 công ty lớn nhỏ trong một khu xa Sài gòn để bảo đảm môi sinh.

  Trong thời Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa, chính phủ đang xúc tiến mở hai khu kỹ nghệ nữa. Thứ nhất là khu “Chế Xuất Tân Thuận” (Tân Thuận Export Processing Zone) và khu”Kỹ nghệ Long Bình” (Long Bình Industrial Development Zone) trước đây là căn cứ quân sự Long Bình do Hoa Kỳ thiết lập. Người viết đã là giám đốc khu kỹ nghệ Long Bình này năm 1974.

  Tất cả các khu kỹ nghệ này nằm dưới quyền quản lý của “Công ty quốc gia phát triển khu kỹ nghệ”có tên tiếng Pháp là (Société Nationale de Developpement des Zones Industrielles) SONADEZI tại đường Hai Bà Trưng, Sài gòn.

  Trong các khu phát triển kỹ nghệ này, chính phủ xây đường sá cống rảnh, san bằng nền đất và chia thành nhiều lô lón nhỏ được cho mướn với giá phí khuyến khích, có sẳn điện nước, dịch vụ vệ sinh ..v..v.. và có một văn phòng quản lý ngay ở khu để giải quyết các trở ngại và khó khăn xảy ra.

  Về thương mại, nhằm khuyếch trương xuất cảng kiếm ngoại tệ cho nhà nước, chính phủ cũng thiết lập “Trung tâm Khuyếch trương Xuất cảng” (Export Development Center) nằm trên đường Hai Bà Trưng Sài gòn. Trung tâm này yểm trợ các nhà xuật cảng bằng cách cho vay nhe lãi, cung ứng những kỹ thuật, và tìm thị trường xuất cảng trên thế giới.

  Ở trên trung tâm xuất cảng có “Hội đồng quốc gia khuyếch trương xuất cảng” (Nation Council of Export Development)  do Thủ tướng làm chủ tịch và các thành viên gồm một số tổng bộ trưởng như Thương Mại và Kỹ Nghệ, Bộ Tài Chánh và Bộ Canh Nông.v..v…Văn phòng Điều hợp (Coordination Office) có Tổng giám đốc và phó tổng giám đóc, và có nhiều chuyên viên các ngành xuất cảng nằm trong hai ban điều hành và chính sách. Người viết đã là trưởng ban chính sách từ khi thành lập Hội đồng cho đến  năm 1974.

  Ban chính sách có trách vụ nghiên cứu luật và chính sách khuyến khích xuất cảng để đệ trình lên Hội đồng quyết định.

  Ngoài khuyến khích phát triển xuất cảng ngoại biên tức là xuất cảng ra thế giới, còn có xuất cảng nội biên tức là sản xuất thực phẩm hành quân như cơm sấy khô, mì ăn liền, cá và thịt đóng hộp bán cho co quan Viện trợ Hoa Kỳ (USAID) lấy đô la, trả tiền Việt Nam cho cơ quan (USAID) trong quỹ đối giá  Hoa Kỳ sẽ dung tiền Việt Nam giúp trả lương quân đội, mua quân trang, quân dụng và vũ khí đạn dược  v..v… từ các nước đồng minh như Đại Hàn, Nhật Bản v…v.. Mỗi năm chính phủ Việt Nam thâu được hàng tỷ mỹ kim qua chương trình xuất cảng nội biên này.

  Xin nói thêm các công ty hay cơ quan tự trị (Autonomous Authority) được thiết lập và điều hành ra sao. Các cơ quan tự trị như Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp, Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ, Trung tâm Khuyếch trương xuất cảng  v…v.. được chính phủ cấp phát một số tiền và tự điều hành lấy. Các tổng giám đốc, hay giám đốc của các cơ quan này do Tổng hay Bộ trưởng liên hệ bổ nhiệm hay bãi nhiệm. Cơ quan này được quản lý như tư nhân, lời ăn lổ chịu.

  Các công ty tự trị như công ty Đường, công ty giấy Đồng Nai (COGIDO), công ty Xi măng Hà Tiên, Điện lực v..v.. đều là tự trị được cấp vốn thành lập và quản trị như một công ty tư nhân, cũng lời ăn lổ chịu. Chính phủ không quan tâm đến lời thuần, tuy nhiên phải dóng thuế doanh lợi. Điều chính yếu là phải cung cấp tài hóa hay dịch vụ với giá rẻ \cho dân chúng, không được tăng giá tùy tiện, phải có sự chuẩn thuận của Tổng trưởng liên hệ. Chỉ có Bưu Điện, Viễn thông, Điện thoại, truyền hình và truyền thanh là thuần túy quốc doanh.

B. Thành quả.

1. Bối cảnh.

Trong suốt 20 năm 1954-1975 với hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa luôn luôn ở trong tình trạng chiến tranh du kích tại địa phương do những người cộng sản trong miền Nam được cài cắm ở lại quấy phá để rồi với thời gian chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt và toàn diện và cuối cùng Việt Nam Cọng hòa bị cưỡng chiếm bởi cộng sản miền Bắc tháng 4, 1975.

  Nội tình chính trị trong suốt 20 năm tồn tại cũng có nhiều biến động chính trị bất lợi như loạn Bình Xuyên, Hòa Hảo. Tiếp đến cuộc đảo chính 1960 bất thành và cuộc đảo chính 1963 của một số tướng tá đưa đến sự chấm dứt nền Đệ nhất Cộng hòa. Từ 1963 đến 1967 tình hình chính trị trở nên rối ren, bất ổn với biết bao lần thay đổi chính phủ.

  Trong thời gian nền Đệ nhị Cộng hòa ra đời dưới sự lãnh đạo  của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, có biết bao cuộc bạo động chính trị xảy ra như biến cố Miền Trung, những cuộc xuống đường được kích động bởi nhóm thành phần thứ ba bị dựt giây bởi chính phủ ma “Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam,.cánh tay nối dài của cộng sản Bắc Việt.

  Tuy vậy, với sự giúp đỡ của các đồng minh thuộc thế giới tự do, đặc biệt là Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa vẫn đứng vững cho đến năm 1975 bị bất tử vì những toan tính và sắp xếp của các đại cường quốc.

2. Chương trình định cư.

 Công việc đầu tiên và khẩn cấp nhất là phải định cư gần một triệu người, tương đương bằng 7% dân số miền Bắc di cư vào Nam. Đoàn người này hoàn toàn “tay trắng” : hầu hết là không nhà cửa, tiền bạc, đất đai, họ hàng tại miền Nam, cũng không có ngành nghề chuyên môn ngoài nghề nông. Theo một thống kê của tác giả Lê Xuân Khoa, ngành nghề được phỏng định là 70% làm nghề nông, 15% ngư nghiệp, 10% tiểu công nghệ và 5% tiểu thương. Làm sao tìm lại được nơi ăn, chốn ở, tạo dựng được công ăn việc làm, đào giếng nước, xây nhà thương, bệnh xá, trường học cho con em để đáp ứng nhu cầu của gần một triệu người. Ngoài việc hành chính lại còn tìm ra đâu bác sĩ, y tá, thầy dạy cho con em.. Bây giờ nhìn lại thời gian ấy, nhiều độc giả không thể quên được những cố gắng lớn lao của chính phủ Ngô Đình Diệm và những sự yểm trợ liên tục của Hoa Kỳ và Pháp.

  Các làng định cư mọc lên khắp nơi, từ Phú Nhuận tới Gia Kiệm, lên Bảo Lộc. ra Phan Thiết. Một mô hình định cư được coi là rất thành công tượng trưng cho viện trợ Hoa Kỳ là dự án Cái Sắn (Kiên Giang) gần Rạch Giá. Nơi đây, 100.000 di cư cùng với 200.000 dân địa phương được chuyên chỡ tới để khai khẩn 270.000 mẩu đất trước đây bỏ hoang.

  Số người định cư tại Cái Sắn sống rải rác theo các Kênh. Chính quyền địa phương cùng với người dân tị nạn với những phương tiện máy móc và dụng cụ đã đào được 17 con kinh dẫn nước từ sông Tân Hiệp vào nơi cư trú và đồng ruộng, vừa giúp công việc trồng trọt, lại trở thành những tuyến giao thông, chuyên chỡ hàng hóa tiện lợi.

  Cái Sắn vào năm 1957 dân di cư có đời sống nhộn nhịp, vui vẻ và tương đối đầy đủ.  Tại “Kênh F” thì phần đông là nhân dân tỉnh Thái Bình cư ngụ, nổi tiếng về nghề làm pháo, “Kênh G” gồm dân Phát Diệm làm chiếu, “Kênh E” gồm dân Bắc Ninh sản xuất thuốc lào. Cái Sắn trở nên một biểu tượng thành công của chính phủ Ngô Đình Diệm

  Tổng kết năm đầu thì khoảng 400.000 người được định cư ở đồng bằng Cửu Long, 53.000 ở miền Trung và 64.000 trên Cao Nguyên.

3. Tái thiết và phát triển Nông nghiệp.

  Ưu tiên của công việc tái thiết và phát triển phải là nông nghiệp vì đại đa số nhân dân làm nghề nông. Đồng bằng Cửu Long là vựa lúa của cả nước, nhưng sản xuất đã giảm đáng kể trong 10 năm ly loạn. Thời tiền chiến sản xuất lên tới 4,2 triệu tấn (1939). Tới 1954 chỉ còn 2,5 triệu tấn. Cũng năm 1939 xuất cảng gạo là gần 2 triệu tấn, năm 1954 còn 520.000 tấn. Vào thời điểm này lại thêm gần một triệu người di cư từ miền Bắc. Đa số là “bốn không”: không nhà cửa, đất đai, tiền bạc, ngành nghề chuyên môn ngoài nghề nông.

  Nổ lực phát triển nông nghiệp nhắm vào hai mặt : tái canh tác ruộng đất bỏ hoang và cải cách điền địa.

a.Tái canh tác ruộng đất bỏ hoang.

       Tại vùng đồng bằng, trong tổng sồ là 7 triệu hecta đất trồng trọt có tới 2,5 triệu hecta bị bỏ hoang. Lúa gạo là mạch máu của người dân cho nên công việc đầu tiên là phải đưa diện tích này vào canh tác. Đây là một cố gắng vượt mức vì không những nó đòi hỏi phải tốn phí tiền bạc, công sức, để sửa chữa lại hệ thống thủy lợi, vét nạo kênh rạch, lại còn làm sao xây dựng được quyền sở hữu đất đai và phương tiện sản xuất cho người nông dân.

  Trên vùng Tây Nguyên, nơi sinh sống củạ 500.000 đến 700.000 người dân tộc hay “đồng bào Thượng” cũng có một diện tích đất đai mầu mở, ước tính tới 5 triệu hecta. Một phần đất này đã bị bỏ hoang, phần còn lại không được khai thác đúng mức, ngoại trừ một số đồn điền cao su, cà phê, trà thuộc về người Pháp và một vài người Việt Nam giàu có. Nhiều công sức và nổ lực đã được dành cho đồng bào thiểu số để khai khẩn. Lúc đầu mục tiêu là 300.000 rồi từng bước tăng lên dần. Tới 1960 thì có 78 làng mới được thành lập.

b. Đa canh hóa Nông nghiệp

   Để tăng năng suất đất đai và tạo nên công ăn việc làm, một chương trình chuyển hướng nông nghiệp từ độc canh (căn bản là gạo thóc và cao su) sang đa canh. Trước hết là phát triển các loại rau, hoa quả trên vùng Tây Nguyên, đăc biệt là Đà Lạt. Ngoài việc cung cấp rau và hoa quả cho Sài gòn, Chợ lớn và các thị trường địa phương, chỉ trong vòng vài năm đã có thể xuất cảng 1,25 triệu tấn các loại rau tươi đến Singapơre. Các thứ nông sản xuất cảng khác bao gồm cà rót, đậu, cà chua, bí, rau diếp, tỏi và hành tây. Đăc biệt là đã nhập cảng một số loại cây trồng mới : cây cọ để chế ra dầu ăn thượng hạng, phát triển mạnh ở khu vực ven biển phía Nam và ở đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1958 hạt giống Cacoa (ca cao) từ Phi Luật Tân được mua về để cung cấp cho nông dân vùng đồng bằng và cao nguyên.

4. Cải cách Điền địa.

Các biện pháp cải cách ruộng đất vào năm 1955 với lệnh giới hạn địa tô (tiền thuê đất) và những biện pháp giúp cho tá điền (người nông dân thuê đất) có được sự yên tâm về quyền xử dụng đất. Trước hết điền chủ đã được yêu cầu phải khai báo diện tích đất bỏ hoang, đất trồng, và nếu họ không chịu canh tác thì chính phủ mua lại để dùng vào chương trình định cư đoàn người di cư từ miền Bắc. Tới nửa triệu người đã được định cư trên những khu đất thuộc loại này.

  Làm sao mà lấy ruộng của người này chuyễn cho người khác, nhất là khi đất canh tác lại tập trung vào một số rất ít đại điền chủ ? Chỉ có 2.5% điền chủ sở hữu tới một nửa diện tích canh tác, trung bình mỗi điền chủ có hơn 50 mẫu đất. Ngược lại 70% chủ điền nhỏ chỉ sở hữu 12.5%   diện tích canh tác, trung bình không quá 5 mẫu một gia đình.

  Trước tình huống này, tổng thống Diệm đã phải đối mặt với một khủng hoảng xã hội rất có thể xẩy ra nếu như phát động mạnh chương trình cải cách điền địa. Tổng thống Diệm đặt vấn đề này là ưu tiên số một của chính sách kinh tế với Dụ số 2 năm 1955 dẫn đến Dụ số 7 năm 1956 đưa ra 4 điều khoản sau đây:

     a/ Đặt giới hạn cho tiền thuê đất từ 15% tới 25% giá trị thu hoạch hàng năm

     b/ Giúp cho nông dân có được bảo đảm trong việc thuê đất; phải có khế ước thuê chứ không chỉ nói miệng.

     c/ Đặt giới hạn cho tiền thuê đất khi thu hoạch ít đi vì bị mất mùa.

     d/ Cho tá điền ưu tiên được mua đất khi điền chủ muốn bán.

Thêm vào đó Dụ số 57 tháng 10,1956 còn giới hạn quyền sở hữu đát đai là 100 hecta, cộng thêm 15 hecta để dùng vào những chi phí thờ cúng tổ tiên. Số ruộng trên giới hạn này được chính phủ mua để bán lại theo ưu tiên cho 4 đối tượng : tá điền hay người làm thuê đã trồng cấy ít nhất là hai năm, cựu chiến binh, người di cư và người thất nghiệp.

  Trong thời đệ nhị Cộng hòa, tổng thống Thiệu áp dụng chương trình “Người cày có ruộng” và từ đó tình trạng tá điền kể như chấm dứt. Nông dân nào muốn làm sở hữu chủ ruộng đất canh tác, chính phủ sẽ giúp thiết lập hồ sơ hành chánh và tín dụng.

5. Chăn nuôi và Ngư nghiệp.

     a/ Chăn nuôi.

  • TRÂU VÀ BÒ.  Trong những năm chiến tranh, số trâu bò đã bị giảm sút tới 50% vì thiếu hoạt động gây giống và mổ thịt làm thức ăn. Để tăng thêm, bộ Canh Nông đã nhập cảng 21.000 trâu từ Thái Lan, đồng thời tăng cường gây giống, nuôi dưởng súc vât. Việc tăng số lượng được kèm theo với những chương trình bảo vệ gia súc để ngăn ngừa sự thiệt hại cho người chăn nuôi do dịch bệnh. Thêm vào đó là những dự án nhập cảng và sản xuất thuốc chủng để ngừa bệnh.

  Tới năm 1960/1961 số trâu được kiểm kê tăng lên 800.000 so với 220.000 năm 1954. Miền Nam có hai loại bò : bò nhỏ và vàng xuất xứ từ bên Trung hoa và loại bò lớn, chân dài từ Ấn Độ. Để thêm phẩm chất, một số các loại bò khác nhau được nhập cảng để lai giống cho bò nội địa.

  • VỊT. Là một trong những nguồn lợi lớn cho người nông dân. Vùng đồng bằng với nhiều kênh rạch là môi trường rất thuận lợi để nuôi những đàn vịt lớn. Khi được hổ trợ để khai thác, số lượng sản xuất đã tăng lên thật nhanh, chỉ trong vài năm, trứng vịt muối và lông vịt xuất cảng trở thành nguồn lợi tức đáng kể.
  • HEO. Việt Nam nhập cảng các loại heo đực từ Mỹ để tăng sản xuất cả về lượng lẫn phẩm. Tới năm 1960, xuất cảng heo sống và thịt heo đứng hạng thứ 3 trong số sản phẩm xuất cảng. Nguyên thị trường Hồng Kông nhập cảng tới 80.000 con heo mỗi năm

     b/ Ngư nghiệp.

Việt Nam Cộng hòa đặt trọng tâm vào việc gia tăng khai thác ngư sản : cá biển, cá đồng, tôm cua và sò ốc. Đặc biệt là giúp cho khoảng 190.000 ngư dân sinh sống dọc bờ biển miền Trung có thêm phương tiện và được đào tạo để bắt đầu khai thác ngư sản viễn duyên. Viện trợ Hoa Kỳ USAID giúp tín dụng để ngư dân cơ giới hóa 3,500 tàu đánh cá và mua lưới làm bằng bông gòn hay sợi kenaf. Chỉ trong 5 năm số thu hoạch hải sản tăng lên 300% và tới 1961 xuất cảng một nửa triệu tấn hải sản. Thêm vào đó là gần 60.000 tấn cá dùng làm nước mắm.

6. Những biện pháp hổ trợ nông nghiệp.

     a/ Công trình Thủy Nông

Nhằm yểm trợ việc điều hành cho có hiệu quả các diện tích trồng trọt đã được trang bị thủy nông, bộ Canh Nông thực hiện các chương trình trùng tu lại các diện tích bị hư hại vì cuộc chiến hay bão lụt và tân trang một số thủy nông mới nhằm bốn mặt : dẫn thủy nhập điền và thoát thủy, xả phèn, và ngăn chặn nước mặn

     b/ Tín dung Nông nghiệp và Hợp tác xã

Nhằm yểm trợ tài chánh cho các nông dân, chính phủ thiết lập cơ quan “Nông Tín Cuộc” (Agricultural Credit Union) và sau này đổi thành Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp (Agricultural Development Bank).

Hiệp hội Nông Dân và Hợp Tác Xã được khuyến khích thành lập để nâng đỡ nhau về tổ chức cũng như trao đổi kỹ thuật. Chương trình “Radio Nông Thôn” do đài phát thanh chuyển tải và phổ biến các tin tức liên hệ

7. Phát triển Công Kỹ Nghệ

  Trong suốt hai nền đệ nhất và đệ nhị Việt Nam Cộng hòa 1954 – 1975, tự do kinh doanh vẫn hiện hành. Tự do kinh doanh chỉ có thể hiểu là bất cứ cá nhân nào cũng có được tự do mở một công ty sản xuất tài hóa hay dịch vụ, như thiết lập một công ty sản xuất vỏ xe, một hảng du lịch hay một tiệm phở, tiệm hớt tóc v..v…

  Nói một cách tổng quát, với chỉ thị của thủ tướng, Tổng Nha Kế Hoạch yêu cầu tất cả các bộ ngành cho biết tình trạng hiện tại hoạt động ra sao, có những thiếu sót khuyết điểm nào cần phải khuất phục trong 5 năm tới. Các bộ ngành còn phải đề ra các mục tiêu trong 5 năm tới để thỏa mãn nhu cầu của nền kinh tế, kèm với bảng chi phí chi tiết cần có để đạt được những chi tiêu đề ra trong 5 năm tới. Đó là một tài liệu khổng lồ gồm 1 ngàn trang như trong kế hoạch ngũ niên II.

  Nến kinh tế (thời kỳ) hoạch định phải được hiểu là sản xuất gì và bao nhiêu (What) sản xhất thế nào (How) và cho ai (for Whom) do một cơ quan kế hoạch trung ương (A central planning Agency) quyết định. Nền kinh tế hoạch định chỉ xảy ra trong các nền kinh tế chỉ huy bởi trung ương (Centrally Controlled Economy) như trong các nước cộng sản trước đây như Nga Sô Viết. Trung Cộng và Bắc Hàn  v…v..

  Để chứng minh cụ thể, dù ở trong hoàn cảnh chiến tranh 20 năm ròng, chính phủ của đệ nhất và đệ nhị Việt Nam Cộng hòa đã đạt được thành quả phá triển kỹ nghệ xuất sắc.

  Những tài liệu thống kê dưới đây được trích từ tài liệu của ông Trần Tuấn Sang nói tới ở trên, dưới đề mục “Kỹ nghệ trong nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa”. Người viết không đề cập tới lịch sử thành lập mà chỉ nêu lên tên và năng suất của các công ty trong mỗi ngành kỹ nghệ.

  1. Nhiệt điện.

Điện lực Việt Nam, 1967, với các chi nhánh như nhà máy nhiệt điện Thủ Đức-Đa Nhim. Sài gòn điện lực với vốn đầu tư 974 triệu đồng Việt Nam và 32 triệu đô la viện trợ Mỹ.

  • Thũy điện.

Đập thủy điện Đa Nhim, 1961 do 300 chuyên gia Nhật và 3.000 nhân công Việt Nam xây cất.

  • Mỏ và tinh khoáng.

Nam Việt Nam có ít quặng mỏ hơn Bác Việt. Chỉ có xi măng, thủy tinh, phân bón, đồ gốm, hóa học, than đá Nông Sơn, than bùn ở Cà Mâu. Có hai mỏ vàng, một tại Bồng Miêu (Quảng Ngãi), và miền núi Bạch Mã (Thừa Thiên). Mỏ sắt ở đảo Phú Quốc, Hải tặc, Hòn heo, Con bé, và Đồi trung (Kiên Giang). Ngoài ra còn có thiết khoáng (magnetite), đá ong (laterite) và bạch thiết. khoáng (oligiste).

  Về tinh khoáng, Nam Việt Nam có tràng thạch (feldspath), vân vàng (nepheline), than chì, muối, đá vôi, cát trắng và đất sét.

  • Công nghiệp thực phẩm.

a/ Công nghiệp đường: Gồm có 5 công ty : Công ty đường Quảng Ngãi, công ty đường Bình Dương, công ty đường Việt Nam hoạt động trên căn bản một cơ quan tự trị (Automous Authority) và công ty đường Vĩnh Phú tư nhân.

b/ Công nghiệp thức uống: Gồm có BGI,1927 của Pháp, công ty rượu Bình Tây, 1901 của Pháp và xí nghiệp Phương Toàn của Việt Nam.

c/ Công nghiệp thuốc lá : Gồm ba hãng thuốc lá lớn là MIC, BASTOS, MITAC của người Pháp.

d/ Ngành nước mắm: Có hãng Liên Thành, chủ là Viet Nam và Hoa kiều. Các miền sản xuất nhiều nhất là Phú Quốc, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Thuận.

e/ Đồ hộp : Gồm Mỹ Châu, Vĩnh Ký Intraco, Somico, Á Châu đều là Việt Nam và một công ty Mỹ.

  • Ngành dệt.

Công nghiệp dệt trước kia đa phần do người Hoa làm chủ, sau này người Việt mới tham gia. Công nghiệp dệt gồm khoảng 21 xí nghiệp quan trọng nằm ở Sài gòn, Chợ lớn và Gia định.

a/ Bông vải : Ngành đứng đầu và phát triển mạnh nhất, bắt đầu từ năm 1960. Công ty bông vải được trang bị máy móc tân tiến nhất là Sicovina, Phong Phù, sản xuất 30 triệu thước / năm. Tổng cộng ngành bông vải có 9 công ty với 12 nhà máy.

b/ Dệt hàng tơ hóa, tơ bóng : Ra đòi từ 1961 – 1962. Tổng số xí nghiệp trong ngành này là 20, trong đó có 8 xí nghiệp được trang bị khoảng 200 máy dệt là Visyfasa, Nam Á, Tô Châu, Liên Phương, Thanh Hòa, Đông Thịnh, Hoàng Anh, còn 12 hãng còn lại có khoảng 100 máy dệt.

c/ Các ngành dệt phụ thuộc.

  • Dệt mền len có các hãng Sakymen,1961 trang bị máy dệt Jacquard, 800 suốt kéo sợi, có khả năng dệt 800.000 mền bông fibrane mỗi năm
    • Dệt lưới đánh cá có hãng Trúc Giang (sản xuất 120 tấn mỗi năm) Trần Nô (70 tấn) Halicoty (70 tấn) Khải Vinh (60 tấn) Sing Sang (30 tấn) và Việt Nam Netting (30 tấn)
    • Dệt bao bố gồm có các hãng Soviju, Dofitex được trang bị 132 máy dệt 1856 suốt kéo sợi, có khả năng sản xuất 6 triệu bao bố bằng sợi kenap nhập cảng.
    • Dệt mùng lưới nylon : gồm hai hãng Visyfasa và Mỹ Á có năng suất dệt 1.5 triệu thước / năm.
  • Công nghiệp kim khí và cơ khí.

Công nghiệp kim khí và cơ khí trong nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa lúc này chỉ mới trong giai đoạn phôi thai. Đa số các cơ xưởng đều hoạt động dưới hình thức tiểu công nghệ và được chia thành  5 nhóm :

                  a/ Luyện kim, đúc và cán kim loại. Ngành công nghệ này gồm các công ty Thành Mỹ dùng một lò nấu đồng Đài Loan, đạt năng suất 600 tấn đồng / năm, dung đồng vụn đem tinh lọc rồi cán thành dây máy để chế tạo dây điện.

  Hãng Việt Nam Steel luyện sắt vụn thành thép, năng suất 10.000 tấn / năm

  Công ty VICASA, trang bị hai lò nấu thép quang điện với năng suất 12.000 tấn / năm.

  Hãng Đông Á có 1 lò hồ quang 5 tấn để luyện sắt vụn thành thép thỏi, với năng suất 12.000 tấn thép mỗi năm.

b/ Chế phẩm kim khí. Sản xuất đinh, lưới kẻm, dây kẻm gai. Chế phẩm kim khí gồm đinh, lưới kẻm, dây kẻm gai, đinh ốc , bù long, con tán, tôn tráng kẻm, thùng, hộp, lon  v..v… Có các hãng LIFAMEWO, Mỹ Châu và Thật Dung đều có năng suất 10.000 tấn / năm., thép sang dung chế tạo đinh, dây kẻm và lưới kẻm.

  Về chế tạo đinh, miền Nam có tới 31 hãng sản xuất với năng suất 4.000 tấn / năm. Các công ty lớn như Trương Ngọc VITAKO và LIFAMEN.

  Về cế tạo lưới kẻm, tiêu biểu là hãng VITAKO với mức sản xuất năm 1967 là 1.2 triệu mét vuông.

  về chế tạo kẻm gai có 4 hãng : Tứ Nguyên, Mỹ Châu, VITAKO và LIFAMEWO, năng suất 1067 là 2.400 tấn.

  Về sản xuất đinh ốc, bù loong và con tán, có các hãng Liên Hiệp và Tấn Hưng.

  Về chế tạo tôn tráng kẻm, có hảng VINATON, sản xuất 10.000 tấn / năm, và nhu cầu thị trường là 70.000 tấn.Aric, kỹ nghệ Bình Đông, Silico, và Liên Ích sản xuất 143.000 thùng chứa dầu cho Esso, Shell và Caltex.

  Ngoài ra, các hãng như Wa Wa, Hụê Nghệ, Phương Nguyên, Quế Phương, Vĩnh Du và Vĩnh Ký chế tạo khoảng 7.5 triệu thùng , hộp, lon đủ cở bằng sắt trắng năm 1967.

c/ Chế tạo vật dụng bằng nhôm. Việt Nam có tổng cộng 60 nhà chế tạo nhôm chia thành 12 tổ hợp, một hợp tác xả và một nhà kinh doanh độc lập. Các hãng quan trọng là Vạn Lợi, Hiệp Lợi, Ninh Sơn, Tuấn Thành, Đức Phát, Vinalu, Vidafa, Cát Lợi, Việt Phát và Ngô Bình.

d/ Cơ khí. Cơ khí tại miền Nam còn ở trong tình trạng tiểu công nghiệp, nặng tính cách sửa chữa hơn là sản xuất. Đại diện ngành cơ khí thực chỉ có hai công ty là CARIC và SAO, còn EIFEL và SFEDTP thiên về hoạt động kiến trúc.

e/ Lắp ráp. Ngành này gồm các cơ xưởng ráp đồng hồ, máy may, xe scooter v…v…

  Về xe máy, hãng ráp chỉ được phép nhập cảng 85 – 90% bộ phận trị gía FOB củ xe nguyên chiếc, tỷ lệ bộ phận nội hóa kể cả công ráp chiếm 10% (xe Vespa) 15% (xe Lambretta) và 26% xe ba bánh (xe Lam). Công ty Phi Mã ráp xe Vespa, công ty VINACO ráp xe Lambretta.

  Với máy may, hãng ráp phải chế tạo bàn và chân máy. Có 12 hãng ráp như LUCIA-ASIE, SINCO, Nguyễn Văn Khương, VINACO, Sài gòn Công nghiệp, Đức La,  Huỳnh Đăng Nguôn, Nguyễn Văn Điệp, Mycolty, Tân Việt Công thương, Sinaco và Dress Sewing Machine. Về kỹ nghệ lắp ráp, còn phải nói tới kỹ nghệ lắp ráp xe LaDaLat, một điểm son tuyệt vời trong nền kinh tế Hỗn hợp Việt Nam Cộng hòa.

  • Công nghiệp Cao su.

Trước 1954 có hai hãng cao su lớn của Pháp là LABBE và BATA và sau 1945 ngành công nghiệp này phát triển mạnh và dùng cao su nội địa. Ngành này gồm 4 nhóm như sau :

  1. Ngành sản xuất vỏ ruột xe.

Trước 1970, miền Nam có khoảng 10 hãng. Trong đó Michelin và Dutaco đúng đầu. Sau này có thêm nhiều hảng nữa như Mỹ Hạnh, Đức Lợi, Liandrat, Đồng Ích, Việt Tân và Phạm Hiệp.

  • Ngành sản xuất giày dép cao su.

Miền Nam trước 1975 có khoảng 30 hãng sản xuất giày dép cao su, phần lớn tập trung vùng Sài gòn, Gia Định. Sau này có hãng Hợp Ôn. Năm 1968, ngành này sản xuất 275.000 đôi giày cao su và 983.000 dép cao su.

  • Ngành sản xuất nệm xốp (mousse).

Khởi đầu có hai hãng Liandrat và Kim Đan. Sau này có thêm hảng Hà Văn, Liên Sơn, Gấm Vàng, Phạm Hiệp và Xồng Xương. Năm 1967 ngành này sản xuất 922 tấn.

  • Ngành chế tạo vật dụng linh tinh bằng cao su.

Miền Nam có khoảng 12 hãng nhỏ sản xuất các vật dụng như ống dẫn nước, bong bóng, dây thun, đế giày, thảm cao su  v ..v…Tất cả tập trung vùng Sái gòn, Gia Định, năm 1967 đạt 512 tấn.

  • Công nghiệp xi măng.

Trước năm 1954, Việt Nam Cộng hòa nhập cảng một lượng lớn xi măng. Năm 1961 chính phủ đã cho thiết lập nhà máy xi măng Hà Tiên. Nhà máy Hà Tiên có hai cơ sở chính tại Kiên Lương và Thủ Đức sản xuất 30% nhu cầu nội địa.

  • Công nghiệp Thủy tinh.

Công ty thủy tinh là một công ty hỗn hợp giữa chính phủ Việt Nam và công ty Pháp, hảng Société Indochinoise Pyrotechnie – BGI.

  •  Công ty giấy

Việt Nam Cộng hòa có hai công ty giấy, COGIDO (Công ty giấy và Hóa phẩm Đồng Nai) và công ty kỹ nghệ Việt Nam (Tân Mai). Đây là hai công ty quốc doanh được quản trị dưới hình thức tự trị (Autonomous Authority). Chính phủ thuê mướn các kỹ sư Đài Loan và Mỹ yểm trợ kỹ thuật. Nếu không xảy ra biến cố 1975, Việt Nam Cộng hòa, sau khi thỏa mản nhu cầu nội địa, có thể xuất cảng sang Phi Luật Tân, Thái Lan và Mã Lai Á.

  1. Công nghiệp Hóa học.

Trước 1960, công nghiệp hóa học chỉ mới trong giai đoạn phôi thai, đến năm 1960, ngành công nghiệp này phát triển mạnh với nhiều nhà máy tối tân trong vùng Sài gòn, Chợ Lớn và khu công nghiệp Biên Hòa.

  1. Hóa phẩm căn bản

Có 6 xí nghiệp chuyên sản xuất hóa phẩm vô cơ căn bản. Công ty VICACO, VIKAINCO, NAMYO, Thiên Hương sản xuất soude caustique (NaOH) và Acide  Chlorhydrique (HCI).

Công ty SOAEO (Societe d’Oxygene et d’Acetylene) chuyên sản xuất các loại khí hóa học như  O2, C2H2 (Acetylene) và khí Carbonic (CO2)

  1. Nhựa dẻo.

Tính đến cuối năm 1969, miền Nam có khoảng 250 cơ sở sản xuất thuộc dạng tiểu công nghệ và 30 cơ sở sản xuất lớn. Sản phẩm từ nhựa dẻo có đặc tính vừa bền, rẻ, tiện lợi, không bể ngày càng gia tăng về sản lượng và dần dà thay thế các sản phẩm bằng cao su, nhôm, tre và mây.

  Năm 1969, các sản phẩm bằng nhựa dẻo gồm giày dép 294.715 đôi, gọng kiếng 74.523 cái, nút nhựa 4.6 triệu cái, nắp nhựa 1.2 triệu cái, hộp nhựa 32.200 cái.

  1. Xà bông.

Riêng tại Sài gòn có 21 nhà chế tạo xà bông đáng chú ý là công ty Trương Văn Bền. Có hai thương hiệu nổi tiếng là Viso và Net.

  1. Âu dược (Thuốc Tây)

Ngành sản xuất Âu dược có tốc độ phát triển nhanh nhất tại miền Nam. Máy móc đa phần nhập cảng từ Pháp, Đức, Mỹ, và Nhật. Vào năm 1967, 10 viện bào chế Âu dược lớn nhất gồm O.P.V, Roussel, Tenamyd, Cophavina, Neofarma, Sifapp, Farmo, La Thành và Vinaspecia. Tổng giá trị các thương vụ của 10 công ty được trong năm 1967 đạt 2.2 tỷ đồng.;

  1. Bột ngọt.

Ngành bột ngọt có 4 hảng gồm Thiên Hương, VIFOINCO, NABOCO và Thái Sơn. Sản lượng bột ngọt từ năm 1964 đến 1969 tăng 1,700%, từ 137 tấn / năm lên 2,334 tấn / năm.

  1. Ngành thuộc da.

Ngành thuộc da hoạt động từ lâu tại miền Nam dưới dạng tiểu công nghệ. Trong ngành có 2 hãng lớn được trang bị đầy đủ máy móc là VINAD và Bình Lợi, còn lại là các xí nghiệp vừa và nhỏ. Năm 1967, số lượng sản xuất da thuộc đạt 553,862  pieds, da đế đạt 152,281 kg.

  1. Thiết bị điện.

Sản xuất thiết bị điện miền Nam trước 1975 tương đối phát triển.

  • Quạt điện.

Có hai công ty lớn sản xuất quạt điện là NATICO (Công ty Nam Tiến) và Tân Lợi kỹ nghệ điện, còn lại các hãng nhỏ như Khương Hữu Electric Industry, Minh Tân Trading, Đông Á kỹ nghệ điện và Ngọc Giao. Hai thương hiệu chiếm thị trường phần cao là Bel Air của Tân Lợi và Natico của Nam Tiến.

  Sản lượng của Natico năm 1967 gồm 2.378 quạt bàn và 2.122 quạt đứng và quạt hút gió 482, quạt trần 1.326. Cũng trong năm này, sản lượng của công ty Tân Lợi gồm 9.620 quạt bàn, 2.122 quạt đứng và 482 quạt trần.

  • Đèn pin.

Sản xuất đèn pin là ngành phát triển mạnh nhờ thị trường mở rộng. Có 8 hãng sản xuất đèn pin, tất cả đều tập trung tại Sài gòn, gồm Viễn Đông (từ Hải Phòng vào), Á Châu, Kwong Ming, Videco, Kwong, Wa, Bạc Lan, Vinameco và Pin đèn Việt Nam. Kwom Ming và Videco là được trang bị máy móc tối tân của Nhật và Đức và có kỹ sư và chuyên viên điều hành.

  • Dây và cáp điện.

Có hai hãng sản xuất là Thamyco và Cường Sanh.

  Năm 1969 có thêm 2 hãng nữa là Videco và Tân Á, sản lượng đạt khoảng 2.450 tấn các loại dây và cáp điện. Phần lớn các máy móc của Thamyco nhập cảng từ Mỹ và Đài Loan.

  • Bóng đèn điện.

Miền Nam chỉ có hai hảng sản xuất bong đèn điện là COTECO và VIELECCO. Theo tài liệu bộ Kinh tế, năm 1967 Coteco sản xuất được 1 triệu bóng đèn, Vielecco sản xuất 331.685 bóng đèn, phần lớn là bóng đèn tròn có công suất 5 đến 200 watt.

  • Bình điện.

Có 2 hảng chế tạo bình điện nội địa là VABCO (Việtnam Automoyive Battery Corporation) và VIDECO (Việtnam Development Corporation). Cả hai hãng được trang bị máy móc hiện đại.     Phần lớn sản xuất là bình điện xe hơi 6 volt và 120 volt loại bằng chì. Riêng Videco có sản xuất một số bình điện cho xe scooter và xe máy dầu. Sản lượng của hai hãng tăng 1.5 lần từ 34.662 năm 1964 lên 48.645 bình năm 1996.

C. GIÁO DỤC

 Một điểm son độc đáo phải nói tới là nền giáo dục tân tiến của Việt Nam Cộng hòa.

Bậc tiểu học hoàn toàn miễn phí và có hàng ngàn trường tiểu học khắp đất nước.

Bậc trung học có biết bao nhiêu trường công lập miễn phí và tư thục được thiết lập trên cả nước. Những trường trung học công lập nổi tiếng như Chu Văn An, Nguyễn Trải, Hồ Ngọc Cẩn, Petrus Ký, Trưng Vương, Gia Long, Quốc Học và Đồng Khánh ở Huế. Trường trung học tư thục nổi tiếng như  Tabert, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng và một số trường trung học theo chương trình Pháp như Jean Jacques Rousseau, Yersin, Marie Curie, và Regina Pacis.

Bậc đại học, trước 1954 miền Nam không có trường đại học nào cả, ai muốn học đại học phải ra Hà Nội. Sau 1954 Việt Nam Cộng hòa thiết lập rất nhiều trường đại học công và tư.

 Đại học công lập gồm đại học Luật khoa, Văn khoa, Y khoa, Nha khoa, Dược khoa ở Sài gòn và Huế và đại học Cần Thơ. Ngoài ra còn có Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ gồm các đại học chuyên ngành đào tạo các kỹ sư công chánh, cơ khí, hóa học, kiến trúc và Nông Lâm Súc.

  Đại học tư gồm các Viện Đại học Đà Lạt, viện đại học Minh Đức, Sài gòn, đại học Cửu Long, Gia Định, đại học Hòa Hảo và đại học Vạn Hạnh.

  Các giáo sư tiến sĩ giảng dạy trước kia phần lớn tốt nghiệp từ các trường nổi tiếng Pháp như Sorbone, Haute d’Etude de Commerce ở Paris, Cambridge ở Anh quốc và sau này từ Hoa Kỳ như Havard, MIT, Yale, Princeton, Stanford, Berkeley bang California.

  Bằng cấp từ bậc cử nhân trở lên được các quốc gia tân tiến Anh, Pháp, Đức và Mỹ công nhận.có gía trị tương đương. Trong lãnh vực hành chánh cọng quyền, có trường Quốc Gia Hành chánh chuyên sâu về quản trị công quyền, kinh tế và xã hội.

 Trong Quân đội cũng có những đại học như trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, đại học Chiến tranh chính trị, trường Chỉ huy tham mưu cao cấp, Đà Lạt và trường Cao Đẳng Quốc Phòng ở Sài gòn.

LỜI KẾT

 Mặc dầu phải đương đầu với cuộc chiến tàn phá khốc liệt trong suốt 20 năm do cộng sản Bắc Việt gây ra cộng thêm cuộc ám sát tổng thống Ngô Đình Diệm, nhà ái quốc chân chính yêu nước thương nòi và những biến loạn chính trị do thành phần thứ ba thiên cộng gây ra, Việt Nam Cộng hòa vẫn đứng vững và phát triển vượt bực về mọi lãnh vực cho tới biến cố 1975, bị bức tử bởi các đại cường quốc.

  Nói tóm lại, dù bị chiến tranh ròng rã 20 năm với những phá hoại trong mọi lãnh vực do Cộng sản Bắc Việt gây ra, Việt Nam Cộng hòa vẫn đứng vững và phát triển mạnh vượt bực trong cả hai lãnh vực canh nông và kỹ nghệ, một thành quả chói sáng mà không một ai có thể phủ nhận được.

Đây là một thành quả đặc biệt và ưu việt của nền kinh tế hỗn hợp đặc trưng và độc đáo Việt Nam Cộng hòa.  Tại sao người viết lại gọi nền kinh tế hỗn hợp Việt Nam Cộng hòa là nền kinh tế hỗn hợp “Đặc trưng và độc đáo”? Đó chính là vì các nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa ý thức được câu nói dân gian để đời “Cha chung không ai khóc” và tiền bạc của nhà nước là “Tiền chùa” vì vậy các công ty quốc doanh phải được quản lý như những cơ quan tự trị (Autonomous Authority) để tránh lạm quyền đưa đến nạn lãng phí và tham nhũng. Chỉ có sự quản trị dưới hình thức kinh doanh tư nhân mới tránh được tệ nạn trên. Chúng ta không chối cải nền chính trị và kinh tế Việt Nam Cộng hòa có tệ nạn lạm quyền và tham nhũng, nhưng chỉ ở mức tối thiểu. Trên thế giới, không có một quốc gia nào mà không có nạn lạm quyền và tham nhũng. Vấn đề ít hay nhiều mà thôi. Việt Nam hiện nay là biểu tượng cho chế độ xã hội độc tài với hệ thống công ty quốc doanh lạm quyền và tham nhũng khủng khiếp, từ địa phương đến trung ương.

  Nhân dân, trong thời Việt Nam Cộng hòa, có đủ mọi thứ để tiêu dùng do hàng ngàn công ty tư nhân sản xuất những hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, đường, muối, các tiện ích công cộng như điện, nước và các loại hàng hóa tiêu dùng khác như vải vóc, thực phẩm, y dược, đồ điện tử như TV, tủ lạnh, máy lạnh v..v..

  Với tài nguyên nhân lực và vật lực bị giảm sút vì chiến tranh cộng thêm gần 2 tỷ mỹ kim do Hoa Kỳ và các nước đồng minh viện trợ hàng năm, Việt Nam Cộng hòa đứng vững và phát triển vượt bực.

  Hãy nhìn sang Cộng sản Bắc Việt trong 20 năm 1954 – 1975 đã phát triển kinh tế như thế nào ? Lấy một thí dụ điển hình cả nước chỉ có một công ty may dệt Nam Định cũ kỷ sản xuát vải thô. Hàng năm mỗi người dân chỉ được mua từ 3 tới 5 mét vải. Thật thảm hại !

  Nhìn vào nền “Kinh té thị trường theo định hướng xã hội” của cộng sản Việt Nam hiện  nay thì rõ nạn lạm quyền và tham nhũng trong chính phủ và các công ty quốc doanh hoành hành khủng khiếp như thế nào. Một tên giám đốc quèn mà có thể đánh bạc thua một triệu đô la một đêm. Các đảng viên cao và trung cấp trong chính quyền có hàng trăm triệu, hàng tỹ đô la. Thật là khủng khiếp.

  Sau cuộc đổi mới kinh tế năm 1986 do Nguyễn Văn Linh chủ xướng để cứu nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa đang dẩy chết và nạn đói khắp nơi sắp xảy ra, mỗi năm kiếm được biết bao nhiêu đô la do viện trợ, vay mượn, đầu tư ngoại quốc, xuất khẩu lao động và do Việt kiều trên khắp thế giới gửi về giúp bà con họ hàng, cộng sản VIệt Nam đã phát triển kinh tế ra sao, mà phải nhập cảng từ Trung quốc 80% nhu cầu tiêu thụ nội địa trong khi các xí nghiệp sản xuất trong nước chết dần chết mòn. Hãy làm một bài toán.

  Từ 1986 tới 2020, tính trung bình mỗi năm cộng sản Việt Nam nhận được ít nhất là 20 tỷ đô la. Trong thời gian 34 năm (2020 – 1986) nền kinh tế xã hội chủ nghĩa Việt Nam như vậy đã nhận được 680 tỷ đô la. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã làm gì với số tiền khổng lồ này ? Chắc chắn một nửa 340 tỷ đô la bị tham nhũng làm thịt, vì vậy từ địa phương lên đến trung ương, các đảng viên có chức vị và quyền lực xây vila, siêu biệt thự và cao ốc lộng lẫy.

  Còn lại 340 tỷ đô la làm gì ? Người viết chưa về Việt Nam bao giờ từ ngày bỏ nước trốn chạy cộng sản 1980. Nhìn trên truyền hình và các bạn bè trí thức đã về Việt Nam khen ngợi Sài gòn và Hà Nội phát triển kinh ngạc, không tưởng tượng nổi. Đường sá, xa lộ thênh thang. cầu cống, đường cao tốc thật vĩ đại. Có hàng trăm cao ốc thương mại và cư ngụ mọc khắp nơi trong nước. Có những sân gôn (golf) đạt tiêu chuẩn quốc tế, những khu nghỉ mát sang trọng không thua gì quốc tế. Đây mới là nền kinh tế phồn vinh giả tạo như Việt cộng tuyên truyền về Việt Nam Cộng hòa trước đây. Hãy ra vùng ngoại ô các đô thị và vùng quê xa xôi thử xem, cuộc sống của dân chúng nghèo nàn và đói khổ thế nào. Ai ở những cao ốc sang trọng kia ? Hẳn nhiên là khách du lịch thuê mướn, còn lại là những cán bộ đảng viên cấp trung và một số người dân giàu có nhờ làm ăn móc nối, hoặc có ô dù bảo trợ bởi các viên chức công quyền có quyền lực.

  Nếu không có chiến tranh, với 680 tỷ đô la đổ vào Việt Nam trong 34 năm qua, Việt Nam Cộng hòa có thể phát triển gấp 100 lần, và chắc chắn không thua kém gì Nhật Bản ngày nay.

 Để kết luận, người viết ở tuổi 85 sẽ không bao giờ trở về quê hương Việt Nam khi còn Cộng sản trị vì. Người viết rất hãnh diện và tự hào đã là một công dân, một sĩ quan, một công chức đã đóng góp hết công sức tuy nhỏ mọn cho Việt Nam Cộng hòa. Giờ đây là công dân Hoa Kỳ nên nhận nơi đây là quê hương thứ hai và cũng cố gắng chu toàn nghĩa vụ công dân của nền Cộng hòa Hoa Kỳ vĩ đại cho tới khi nhắm mắt lìa đời và sẽ chọn một người lảnh đạo tài đức và yêu nước làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại trong cuộc bầu cử 2020 này.

  Quý vị chắc biết người đó là Ai ?

GS Đỗ Ngọc Hiển
Cựu giáo sư Kinh tế Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam

—————————————

Tài liệu tham khảo :

  • Khi Đồng minh nhảy vào

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng

  • Nền Công kỷ nghệ VN Cộng hòa

Trần Tuấn Sang

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 27/4/2024. Chứng nhân lịch sử: GSTS Nguyễn Tiến Hưng và 8 thủ đoạn nham hiểm và Bức Tử VNCH của Kissinger!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ukraine là tiền tuyến của một cuộc xung đột lớn hơn nhiều
    Gideon Rachman
  • HỘI LUẬN ngày 27/4/2024. Ukraine phản công ngoạn mục! Tháng Tư Đen và CSVN sau 49 năm: Khủng hoảng lãnh đạo; Trang giành quyền lực; Tham nhũng ở thượng tầng; Hèn với giặc, ác với dân!
    BS Nguyễn Trong Việt
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt