TIN THẾ GIỚI.
Ủy Ban Châu Âu khuyến nghị mở đàm phán kết nạp Ukraina (RFI)
Hôm nay, 08/11/2023, được xem là « ngày lịch sử » đối với Kiev : Ủy Ban Châu Âu vừa khuyến nghị mở đàm phán kết nạp Ukraina và Moldova vào Liên Hiệp Châu Âu. Ngoài ra, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cũng thông báo trao tư cách ứng viên cho Gruzia. Ngay lập tức, tổng thống Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh quyết định « đúng đắn » của Ủy Ban Châu Âu.
Trước đó, vào tháng 06/2022, Bruxelles đã trao cho Ukraina tư cách ứng viên. Để bước sang được giai đoạn tiếp theo là mở đàm phán kết nạp, Ủy Ban Châu Âu ấn định 7 tiêu chí mà Kiev phải đáp ứng, trong đó có chống tham nhũng trên diện rộng và cải cách tư pháp. Theo AFP, trong chuyến công du Kiev bất ngờ vào cuối tuần trước, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tỏ ra « tin tưởng » là chính quyền Kiev có thể nhận được « quyết định lịch sử mở ra tiến trình đàm phán gia nhập ngay năm nay (2023) » bởi vì Ukraina đã hoàn thành « hơn 90% công việc ».
Thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev cho biết thêm về những nỗ lực chống tham nhũng của Ukraina :
« Để gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Ukraina biết là phải nỗ lực chống tham nhũng. Tuy có nhiều vụ tai tiếng ở Ukraina, ví dụ vụ một số bộ trưởng từ chức rồi đến các vụ bắt giữ vì biển thủ công quỹ vẫn được đề cập trên trang nhất các báo, thì cũng phải nói đến một số tiến bộ, như nhận định của Oleksandr Kalitenko, luật gia của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International).
Ông nói : « Rất nhiều việc đã được thực hiện, mở một cuốn sổ đăng ký cho công chúng có thể truy cập, tái lập quy định bắt buộc các chính đảng phải báo cáo về tài chính. Một biện pháp đáng ghi nhận khác là thông qua chiến lược chống tham nhũng ở cấp liên bang. Quý vị thấy trên truyền thông có nhiều bài viết về những nghi ngờ liên quan đến những chính khách, về một số vụ tai tiếng. Đó là một dấu hiệu tốt, bởi vì sẽ nguy hiểm hơn nếu việc đó diễn ra trong im lặng ».
Ông Kalitenko cũng như nhiều luật gia khác muốn các cơ quan chống tham nhũng được độc lập hơn, đặc biệt là để tránh những can thiệp hoặc xung đột lợi ích, từ cơ quan chống tham nhũng đến công tố viên được chỉ định, rồi tòa án cấp cao và cơ quan phòng chống tham nhũng. Để làm được như vậy, tổ chức Minh Bạch Quốc Tế đã đề xuất 85 khuyến nghị mà chính phủ có thể lựa chọn xem xét hoặc không ».
G7 khẳng định tiếp tục hỗ trợ Ukraina
G7 hứa tiếp tục « đoàn kết » để « kiên định » hỗ trợ Ukraina chống cuộc xâm lược của Nga, « bất chấp tình hình thế giới hiện nay », ý muốn nói đến cuộc xung đột Israel-Hamas. Theo thông cáo ngày 08/11/2023 của bộ Ngoại Giao Nhật Bản, ngoại trưởng các nước G7 họp tại Tokyo cũng khẳng định tiếp tục cùng nhau áp dụng « các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc » đối với Matxcơva, tăng cường nỗ lực tái thiết Ukraina « trong trung và dài hạn », cũng như « nỗ lực hướng tới một tiến trình hòa bình » với các đối tác quốc tế khác.
Quân đội Israel “giữa lòng” thành phố Gaza, TT Netanyahu “không có ý định chiếm đóng” Gaza (RFI)
Quân đội Israel hôm nay, 08/11/2023, đã tiến vào giữa lòng thành phố Gaza ở miền bắc dải Gaza, nơi hàng trăm nghìn thường dân vẫn hiện diện và tình hình ngày càng thảm khốc sau một tháng chiến tranh dữ dội.
Theo AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Israel, Yoav Gallant, cho biết quân đội hiện đang ở “giữa lòng” thành phố Gaza, nơi các trận giao tranh trên bộ và chiến dịch oanh kích đã gia tăng trong những ngày gần đây nhằm “tiêu diệt Hamas”.
Ông tái khẳng định lập trường sẽ không có thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo cho đến khi nào Hamas trao trả các con tin. Theo chính quyền Israel, ít nhất 1.400 người Israel đã thiệt mạng trong vụ tấn công của Hamas ngày 07/10 và hơn 240 người đã bị tổ chức Hồi Giáo cực đoan bắt làm con tin kể từ hôm đó.
Trước tình hình nhân đạo thảm khốc tại vùng lãnh thổ nhỏ bé này, Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ hay lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã liên tục kêu gọi ngừng bắn, nhưng không được đáp ứng.
Hôm 07/11/2023, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình MSNBC của Mỹ, bộ trưởng bộ Chiến Lược Israel, Ron Dermer, tuyên bố thủ tướng Benyamin Netanyahu “không hề đả động đến việc chiếm đóng Gaza” sau khi kết thúc cuộc chiến với Hamas, nhưng Israel vẫn kiên quyết đảm nhận “toàn bộ trách nhiệm về an ninh” cho dải Gaza.
Ông Dermer phát biểu : “Chúng tôi đã rút hoàn toàn khỏi Gaza cách đây 17 năm, nhưng kết quả là chúng tôi lại phải lãnh nhận một Nhà nước khủng bố. Dĩ nhiên là chúng tôi không thể để lặp lại điều này. Một khi Hamas không còn nắm quyền và sau khi cơ sở hạ tầng của họ bị phá hủy, Israel sẽ phải có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho Gaza trong một khoảng thời gian không xác định.”
Bình luận của ông Dermer được đưa ra sau khi Hoa Kỳ phản đối việc Israel tái chiếm đóng dải Gaza.
Ukraina tấn công một xưởng đóng tàu Nga tại Crimée bằng tên lửa hành trình (RFI)
Bộ Quốc Phòng Nga vào sáng nay 05/11/2023 đã xác nhận thông tin do phía Ukraina loan báo vào hôm qua, theo đó một xưởng đóng tàu của Nga trên bờ biển phía đông bán đảo Crimée đã bị trúng tên lửa của Ukraina, làm một chiến hạm Nga bị hư hại.
Theo hãng tin Pháp AFP, truyền thông nhà nước Nga đã trích dẫn bộ Quốc Phòng Nga cho biết: “Vào ngày 04/11, quân đội Ukraina đã phóng 15 tên lửa hành trình vào xưởng đóng tàu B.E. Butoma (Zaliv) ở thành phố Kerch”. Theo nguồn tin trên, phòng không Nga đã bắn hạ 13 tên lửa Ukraina, nhưng “một con tàu đặt tại nhà máy đã bị hư hại sau khi bị tên lửa hành trình của đối phương bắn trúng”. Thông báo của bộ Quốc Phòng Nga không nêu rõ tên của tàu bị hư hại, cũng như mức độ nghiêm trọng của thiệt hại.
Trước đó, Quân Đội Ukraina đã loan báo về cuộc oanh kích “thành công” vào xưởng đóng tàu ở Kerch, ở Crimée. Trên mạng Telegram, nhà báo kiêm phân tích gia quân sự người Ukraina Andriy Tsaplienko tiết lộ rằng một trong những chiến hạm hiện đại nhất của Nga, khinh hạm mang tên lửa hành trình Askold, hạ thủy vào năm 2021 – đã bị hư hại trong cuộc tấn công. Đây được cho là một đòn mới giáng vào hạm đội của Nga, vốn đã bị mất nhiều chiếc tàu trong những tháng gần đây
Trong lãnh vực chính trị, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky vào hôm qua đã bác bỏ nhận định cho rằng cuộc xung đột với Nga đang lâm vào tình thế bế tắc. Trong cuộc họp báo chung tại Kiev với khách mời là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, ông Zelensky cho rằng rằng với thời gian “ai nấy đều mệt mỏi… nhưng đó không phải là bế tắc”.
Tuyên bố của tổng thống Ukraina được đưa ra nhằm bác bỏ nhận định gần đây của một chỉ huy Ukraina cao cấp, theo đó cả hai quân đội Nga và Ukraina đang bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh tiêu hao. Tổng thống Ukraina cũng phủ nhận tin đồn cho rằng phương Tây đang gia tăng áp lực buộc Kiev thúc đẩy quá trình thương thuyết với Nga.
Trung Cộng sẵn sàng đối thoại với Mỹ ở ‘‘mọi cấp độ’’ để thúc đẩy hợp tác (RFI)
Washington và Bắc Kinh tiếp tục tìm cách cải thiện quan hệ. Phó chủ tịch Trung Cộng Hàn Chính (Han Zheng) hôm 08/11/2023 khẳng định Trung Cộng sẵn sàng đối thoại ở ‘‘mọi cấp độ’’ với Hoa Kỳ. Tuyên bố được đưa ra cùng lúc với các thông tin từ chính quyền hai nước xác nhận lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình sẽ dự thượng đỉnh APEC tại San Francisco, Mỹ.
Theo AFP, trong một phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mới Bloomberg (Bloomberg New Economy Forum) ở Singapore, phó chủ tịch Trung Cộng nhấn mạnh là các cuộc gặp cấp cao giữa các giới chức Trung – Mỹ đã gửi đi nhiều tín hiệu ‘‘tích cực’’, và ‘‘chúng tôi sẵn sàng tăng cường trao đổi thông tin, đối thoại với Hoa Kỳ ở mọi cấp độ, nhằm thúc đẩy hợp tác có lợi cho hai bên, và quản lý một cách có trách nhiệm các bất đồng, phối hợp cùng nhau hóa giải các thách thức toàn cầu’’. Cũng trong bài phát biểu nói trên, ông Hàn Chính nhắc lại lập trường của chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình : Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington ‘‘có tính chất quyết định đối với tương lai nhân loại’’.
Về chuyến công du Mỹ của lãnh đạo Trung Cộng, theo AFP, bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã xác nhận hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden sẽ hội kiến tại San Francisco. Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cũng cảnh báo là ‘‘con đường đến San Francisco không bằng phẳng’’, ‘‘hai bên cần phải thực sự thực thi đồng thuận giữa lãnh đạo hai nước, nhằm vượt qua các trở lực…’’.
‘‘Đồng thuận’’ nói trên ngụ ý nhắc đến cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Cộng tháng 11/2022 bên lề thượng đỉnh G20 ở Indonesia. Hãng tin Nhật Kyodo cũng dẫn lại thông tin từ một giới chức Mỹ cho biết cụ thể là hội kiến Joe Biden và Tập Cận Bình sẽ diễn ra ngày 15/11.
Trung Cộng tuyên bố sẵn sàng đối thoại ở ‘‘mọi cấp độ’’ với Hoa Kỳ được đưa ra vào đúng vào lúc phó thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng) bắt đầu chuyến công Mỹ 5 ngày, từ 08 đến 12/11. Trong hai ngày 09 và 10/11, phó thủ tướng Trung Cộng sẽ hội đàm với bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Janet Yellen về hàng loạt vấn đề song phương và đa phương, từ lo ngại của Hoa Kỳ về ‘‘các chính sách kinh tế bất công của Trung Cộng, đến các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như chống biến đổi khí hậu, hay việc giảm nợ cho các nước thu nhập thấp’’. Theo một giới chức bộ Tài Chính Mỹ, cuộc họp này là một phần trong nỗ lực nhằm ‘‘tăng cường gắn kết quan hệ kinh tế song phương’’ Mỹ – Trung.
Phó thủ tướng Hà Lập Phong hôm 06/11, vừa được bổ nhiệm đứng đầu Ủy ban Tài chính Trung ương. Theo đài truyền hình Nhật NHK, kể từ giờ ông Hà Lập Phong – một cộng sự thân tín của Tập Cận Bình – đứng đầu ba cơ quan giám sát tài chính và kinh tế của chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Cộng.
Thủ lĩnh Hezbollah cảnh báo chiến tranh ‘‘lan rộng’’ nếu Israel tiếp tục tấn công Gaza (RFI)
Hôm 03/11/2023, thủ lĩnh lực lượng Hezbollah thân Iran ở Liban đưa ra tuyên bố chính thức đầu tiên về xung đột Israel – Hamas, nhấn mạnh cuộc chiến tranh hiện nay có thể lan ra ‘‘toàn khu vực’’, nếu Israel tiếp tục tấn công Gaza.
Ông Hassan Nasrallah ca ngợi cuộc kháng chiến ‘‘anh hùng’’ của Hamas tại Gaza, và khẳng định Hoa Kỳ ‘‘hoàn toàn chịu trách nhiệm’’ về xung đột hiện nay, cảnh báo ‘‘mọi biện pháp’’ đều để ngỏ, bao gồm việc xung đột được mở rộng tại vùng biên giới Liban – Israel.
Bài phát biểu được trông đợi của Hassan Nasrallah gây thất vọng cho những người muốn cứng rắn hơn với Israel, đồng thời khiến một bộ phận truyền thông và giới chính trị Liban thở phào, vì nguy cơ Liban bị cuốn vào chiến tranh với Israel tạm thời lùi xa. Thông tín viên RFI Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth:
‘‘Một phát biểu được đưa ra vào thời điểm đầy thách thức: Vừa sáng tỏ, vừa chừng mực’’, nhật báo Al-akhbar, thân cận với tổ chức Hezbollah, đã cân đong từng chữ để đưa ra một nhận định có khoảng cách về phát biểu của thủ lĩnh Hassan Nasrallah, vừa gây thất vọng, nhưng cũng vừa khiến người Liban thở phào nhẹ nhõm.
Nhật báo Al-akhbar cho biết dân chúng và chính giới Liban bị chia rẽ giữa một bên là thái độ ‘‘hài lòng’’ trước việc thủ lĩnh Hezbollah đã không hành động ‘‘một cách bộc phát, bất chấp tình hình khó khăn mà người Palestine đang đương đầu hiện nay’’, với bên kia là thái độ ‘‘thất vọng’’ của những người đang chờ đợi một quyết định ‘‘mạnh mẽ hơn’’ đối với Israel và Hoa Kỳ.
Đối với cựu bộ trưởng Walid Joumblatt, phát biểu của thủ lĩnh Hezbollah là ‘‘thực tế và cân bằng’’. Viên cựu bộ trưởng, thủ lĩnh cộng đồng sắc tộc thiểu số theo đạo Druze ở Liban, khẳng định Hezbollah coi như đã ‘‘mở ra một mặt trận tại miền nam Liban theo cách của mình, và điều này buộc Israel phải giảm bớt lực lượng tấn công Gaza’’, nhưng không đi xa đến mức biến toàn bộ vùng biên giới phía nam Liban thành chiến trường.
Tuy nhiên, việc thủ lĩnh Hezbollah tránh một cuộc chiến tổng lực với Israel trong hiện tại không khiến các đối thủ của Hezbollah hài lòng. Chủ tịch đảng Thiên Chúa Giáo Liban, Kataëb Samy Gemayel, bác bỏ ‘‘việc Hassan Nasrallah gắn chặt số phận của Liban với Gaza’’. Ông cũng bất bình với việc chính quyền Liban đang hoàn toàn vắng bóng trong thế cuộc hiện nay’’.
Về phía Hoa Kỳ, Washington hôm qua ngay lập tức cảnh báo Hezbollah không được tìm cách lợi dụng cuộc chiến Israel – Hamas. Theo một phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cần tránh để Liban bị lôi vào vòng chiến tranh với ‘‘các tổn thất kinh hoàng cho dân thường’’.
‘‘Hai Nhà nước’’ : Giải pháp duy nhất bảo đảm an ninh cho Israel
Phát biểu của lãnh đạo Hezbollah được đưa ra đúng vào lúc ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang công du Cận Đông. Hôm qua, tại Tel-Aviv, Israel, ngoại trưởng Mỹ khẳng định ‘‘con đường tốt hơn cả, và có thể là duy nhất’’, để bảo đảm an ninh cho Israel, là giải pháp ‘‘Hai Nhà nước’’ cùng tồn tại, một Nhà nước Israel, một Nhà nước Palestine. Sau Israel, tối hôm qua, ngoại trưởng Mỹ đã đến Jordanie.
Trung Cộng lần đầu bị thâm hụt đầu tư nước ngoài, báo hiệu phương Tây ngày càng ‘giảm rủi ro’ (VOA)
Trung Cộng ghi nhận lần đầu tiên có tình trạng thâm hụt đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tính theo quý, theo dữ liệu cán cân thanh toán. Điều này cho thấy thách thức của Bắc Kinh trong việc thu hút các công ty nước ngoài sau động thái “giảm rủi ro” của các chính phủ phương Tây, theo Reuters.
Nợ đầu tư trực tiếp – thước đo về FDI – đã thâm hụt 11,8 tỷ đôla trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, theo dữ liệu sơ bộ về cán cân thanh toán của Trung Cộng công bố vào ngày 3/11.
Đây là sự sụt giảm hàng quý đầu tiên kể từ khi cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Cộng bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1998, dữ liệu này có thể liên quan đến tác động của việc các nước phương Tây “giảm rủi ro” từ Trung Cộng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.
Công ty tài chính Goldman Sachs viết: “Một phần nguyên nhân của tình trạng FDI đổ vào Trung Cộng yếu ớt có thể là do các công ty đa quốc gia chuyển thu nhập về nước”, đồng thời chỉ ra rằng chênh lệch lãi suất giữa Trung Cộng với các nước phát triển cũng đóng một vai trò nào đó.
“Với lãi suất ở Trung Cộng ‘thấp hơn trong thời gian dài hơn’ trong khi lãi suất bên ngoài Trung Cộng ‘cao hơn trong thời gian dài hơn’, áp lực dòng vốn chảy ra ngoài có thể sẽ tiếp tục tồn tại”, công ty này nhận xét.
Kết quả là số dư cơ bản của Trung Cộng – bao gồm tài khoản vãng lai và số dư đầu tư trực tiếp, ổn định hơn so với các khoản đầu tư danh mục đầu tư dễ biến động – đã ghi nhận mức thâm hụt 3,2 tỷ đôla, mức sụt giảm hàng quý lần thứ hai được thống kê.
Ông Tommy Xie, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Trung Cộng Đại lục thuộc Ngân hàng Singapore OCBC, viết: “Với những chuyển động đang diễn ra này, chắc chắn sẽ gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ, chúng tôi dự báo sẽ có phản ứng chiến lược mang tính lâu dài từ chính quyền Trung Cộng”.
Dữ liệu chính thức cho thấy giao dịch đồng nhân dân tệ trong nước so với đồng đôla cũng đạt khối lượng thấp kỷ lục trong tháng 10, cho thấy rõ nỗ lực tăng cường của chính quyền nhằm hạn chế việc bán đồng nhân dân tệ.
Ông Xie kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Cộng sẽ tiếp tục các biện pháp can thiệp ngược chu kỳ – bao gồm hành động thiên về bảo vệ giá trị đồng nhân dân tệ hàng ngày và quản lý thanh khoản đồng nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài – để hỗ trợ đồng tiền này trước những diễn biến bất lợi.
Dữ liệu mới nhất cho thấy khối lượng giao dịch nhân dân tệ trong nước so với đồng đôla đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, xuống còn 1,85 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 254,05 tỷ đôla) trong tháng 10, giảm 73% so với mức tháng 8.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Cộng kêu gọi các ngân hàng lớn hạn chế giao dịch và ngăn cản khách hàng đổi nhân dân tệ lấy đồng đôla.
Dữ liệu của Goldman Sachs cho thấy trong tháng 9, dòng vốn ngoại hối chảy ra từ Trung Cộng đã tăng mạnh lên 75 tỷ đôla, con số hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2016.
Nhật Bản và Philippines đàm phán về một hiệp ước an ninh song phương (RFI).
Hôm 03/11/2023, ngày đầu tiên trong chuyến công du của thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Manila, lãnh đạo hai nước đã thông báo chính thức khởi sự đàm phán về một hiệp ước an ninh song phương. Hiệp ước an ninh, tương tự như giữa Philippines và Hoa Kỳ, cho phép quân đội nước này triển khai lực lượng trên lãnh thổ nước kia.
Mối đe dọa từ Trung Cộng là lý do chủ yếu thúc đẩy Tokyo và Manila nâng cấp quan hệ hợp tác. Thông tín viên RFI Frédéric Charles từ Tokyo cho biết thêm:
‘‘Hồi tháng Hai vừa qua tại Tokyo, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đưa ra sáng kiến về một thỏa ước an ninh ba bên, Philippines, Nhật Bản và Hoa Kỳ, tương tự với thỏa ước đã có giữa ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Đối mặt với áp lực của Trung Cộng tại khu vực, Manila đã cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng thêm bốn căn cứ tại Philippines, bên cạnh năm căn cứ đã có. Giờ đây Philippines muốn thương lượng một hiệp ước về an ninh với Nhật Bản. Tokyo đã quyết định cung cấp cho Manila một hệ thống radar giám sát bờ biển, nhiều tàu tuần tiễu để tăng cường hoạt động bảo vệ luật biển.
Do vị trí địa lý, Nhật Bản và Philippines sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng nếu Trung Cộng tấn công Đài Loan. Tại châu Á, chiến lược của Mỹ được thực thi với việc triển khai các lực lượng trên các quần đảo đối diện với Trung Cộng, trải dài từ Nhật Bản, Đài Loan đến Philippines’’.
Trong hai ngày công du Manila (03-04/11) của thủ tướng Nhật Bản, đã có nhiều tuyên bố và hoạt động khẳng định « đỉnh cao » của mối quan hệ song phương. Ông Fumio Kishida cũng là lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên được vinh dự phát biểu trước Quốc Hội lưỡng viện Philippines. Hai nước cũng ký nhiều thỏa thuận hợp tác về đối phó thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch và thương mại. « Mối quan hệ tuyệt vời giữa Nhật Bản và Philippines » bước vào « thời kỳ vàng son », theo phát biểu của thủ tướng Fumio Kishida trước Quốc Hội lưỡng viện Philippines.
Quân kháng chiến Myanmar chiếm một thị trấn từ tay quân đội nắm quyền (VOA).
Các chiến binh đối lập đã chiếm được một thị trấn ở miền trung Myanmar vốn là trung tâm hành chính của một quận sau khi đánh bại quân đội nắm quyền, chính phủ đối lập và truyền thông địa phương cho biết hôm 7/11.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) của Myanmar ca ngợi đây là chiến thắng quan trọng, mặc dù một phân tích gia cảnh báo quân kháng chiến có thể sẽ rất khó khăn để nắm quyền kiểm soát thị trấn Kawlin với dân số khoảng 25.000 người.
Quân đội Myanmar đang đối phó với bạo lực gia tăng sau khi các lực lượng chống đối, bao gồm đội quân của các nhóm dân tộc thiểu số, đã mở các cuộc tấn công trong hai năm sau khi các tướng lĩnh lật đổ chính phủ dân cử trong một cuộc đảo chính hồi năm 2021.
Quân đối lập đã tấn công binh lính của chính quyền quân sự ở Kawlin hồi tuần trước, trước khi áp đảo họ vào ngày 6/11 và chiếm lấy thị trấn, NUG cho biết.
Bộ Quốc phòng NUG đăng một video trên mạng xã hội cho thấy binh lính giương cờ của các nhóm quân kháng chiến có liên hệ với chính phủ đối lập.
“Một thị trấn cấp huyện hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi,” Thủ tướng NUG Mahn Winn Khaing Thann viết trên X. “Thật là một chiến thắng đột phá!”
Phát ngôn nhân của chính quyền quân sự Myanmar không phản hồi các cuộc gọi từ Reuters.
Thị trấn này đã thất thủ sau khi một nhóm nhỏ binh lính của chính quyền quân đội đã đầu hàng sau các cuộc giao tranh ác liệt, cơ quan truyền thông địa phương Myanmar Now dẫn lời một người lính của quân đối lập cho biết.
Tuy nhiên, Richard Horsey, cố vấn cấp cao về Myanmar tại tổ chức phi lợi nhuận International Crisis Group cho biết quân kháng chiến có thể gặp khó khăn để giữ lấy Kawlin.
“Không khó để tràn vào và giành lấy một thị trấn miền núi. Nhưng khó lòng giữ được nó,” nhà phân tích này nói với Reuters.
Một cư dân Kawlin 28 tuổi từ chối nêu tên vì lo ngại an ninh cho biết họ đã rời thị trấn hồi cuối tuần qua sau khi giao tranh ác liệt nổ ra giữa quân nổi dậy và quân đội của chính quyền quân sự được không quân yểm trợ.
“Nhà hàng xóm của chúng tôi đã bị trúng đạn. Không thể nào ở lại an toàn,” người dân này nói. “Do đó hầu như mọi người đều rời đi.”
Quân đội kháng chiến đã tiếp quản đồn cảnh sát Kawlin, trụ sở hành chính, ngân hàng và các cơ sở quan trọng khác của quận, NUG cho biết.
Chính phủ NUG, bao gồm tàn dư của chính quyền của bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo bị lật đổ, và những người khác, đã giao tiếp với các nước dân chủ, bao gồm Mỹ, để tranh thủ sự ủng hộ cho cuộc chiến chống lại quân đội Myanmar hùng mạnh.
Trong một cuộc tấn công riêng rẽ, NUG cho biết quân của họ và các đồng minh đã chiếm một thị trấn khác ở Sagaing giáp biên giới Ấn Độ, nơi có thị trấn Kawlin.
Đối thoại Mỹ Trung về vũ khí hạt nhân: Một bước tiến nhỏ nhưng “quan trọng”
Lần đầu tiên kể từ thời tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Mỹ và Trung Cộng nối lại đối thoại về vũ khí hạt nhân vào hôm 06/11/2023 tại Washington.
Bước tiến tuy nhỏ này được nhiều nhà quan sát đánh giá là quan trọng. Hoa Kỳ tạm thời tránh rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch”, cùng lúc phải chạy đua vũ trang với hai cường quốc hạt nhân Nga – Trung. Washington và Bắc Kinh muốn giảm thiểu nguy cơ “tính toán sai lầm” do hiểu lầm đối phương.
Đứng đầu đoàn Trung Cộng là vụ trưởng vụ Kiểm soát Vũ khí Tôn Hiểu Ba (Sun Xiaobo), bộ Ngoại Giao Trung Cộng. Đại diện phía Mỹ là ông Mallory Stewart, một quan chức cấp cao của bộ Ngoại Giao. Việc Mỹ, Trung Cộng tổ chức đối thoại về vũ khí hạt nhân là một kết quả cụ thể của chuyến công du Hoa Kỳ của ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi) hồi tháng trước, nhằm chuẩn bị điều kiện cho cuộc hội kiến giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC, từ ngày 15 đến 17/11 tại San Francisco, Hoa Kỳ.
Tuy đã có một số nỗ lực ngoại giao song phương trong những tháng gần đây, quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục căng thẳng. Cuộc gặp dự kiến giữa lãnh đạo hai nước cho đến nay chưa được Bắc Kinh xác nhận. Theo hãng tin Pháp AFP, không có bất cứ một kết quả cụ thể nào được trông đợi từ cuộc đối thoại đầu tiên về vũ khí hạt nhân này. Hãng tin Mỹ Bloomberg cũng lưu ý đây chỉ là một cuộc họp ở ‘‘cấp thấp’’ giữa hai nước mà mục tiêu không nhằm giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân của Trung Cộng. Trả lời báo giới, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Vedant Patel nhấn mạnh: ‘‘Vấn đề chủ yếu là tiếp tục các nỗ lực nhằm quản lý quan hệ (song phương) một cách có trách nhiệm, bảo đảm là các cạnh tranh không làm bùng phát xung đột’’.
TIN VIỆT NAM.
Đại sứ Mỹ cam kết tìm cách trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa (VOA)
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, nay là Bình An, nơi an nghỉ của những tử sỹ Việt Nam Cộng hòa, cần được đại trùng tu sau khi Dân biểu Hoa Kỳ Michelle Steel nêu quan ngại về tình trạng “đáng buồn” của nơi được xem là một di sản của Chiến tranh Việt Nam.
Dân biểu Steel vào cuối tháng 9 gửi cho Đại sứ Knapper một bức thư trong đó bà bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc các ngôi mộ ở nghĩa trang quân đội quốc gia của miền Nam Việt Nam, được chính quyền miền Bắc tiếp quản từ năm 1975 khi Sài Gòn sụp đổ, bị hủy hoại “ở mức báo động.”
Đại sứ Knapper, người tiếp quản nhiệm kỳ đại sứ từ ông Daniel Kritenbrink hồi tháng 1 năm ngoái, cho VOA biết ông đã đi thăm Nghĩa trang Biên Hòa vào tháng trước và nhận thấy tình trạng này.
“Tôi tới thăm Nghĩa trang Nhân dân Biên Hòa/Bình An hôm 13/10 cùng với tổ chức NGO (phi chính phủ) Sáng hội Việt Mỹ (VAF) có trụ sở tại Hoa Kỳ,” Đại sứ Knapper nói trong email trả lời yêu cầu bình luận của VOA về quan ngại của Dân biểu Steel hôm 6/11. “Cá nhân tôi chứng kiến, thấy rằng nghĩa trang cần được trùng tu lớn.”
Trong bức thư gửi ông Knapper đề ngày 29/9, bà Steel nói rằng bà ủng hộ việc trùng tu nghĩa trang hiện là nơi an nghỉ của hơn một chục nghìn binh sỹ Việt Nam Cộng hòa. Theo dân biểu Mỹ, đây là nghĩa trang quân đội quốc gia cuối cùng còn lại ở tỉnh Bình Dương sau khi chính quyền Cộng sản miền Bắc phá hủy hết các nghĩa trang khác của tử sỹ miền Nam Việt Nam sau ngày Sài Gòn sụp đổ.
Nhiều cá nhân và tổ chức, trong đó có VAF, đã giúp trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa. Theo ông Kevin Đặng, phó chủ tịch ngoại vụ của hội, VAF đã xây các ngôi một đất thành xi măng vào năm 2014. Ông Kevin, người cùng ĐS Knapper đi thăm nghĩa trang hôm 13/10, cũng cho biết rằng tình trạng của các ngôi mộ này “xuống cấp trầm trọng”.
Nói với VOA hôm 1/11, ông Kevin cho rằng nếu như tình trạng này không được tu sửa thì “trong vòng một thời gian rất ngắn, các ngôi một sẽ bị nứt vì rễ cây” và “sẽ bị xoáy mòn vào các huyệt đạo vì nước mưa.”
Theo Dân biểu Steel, Nghĩa trang Biên Hòa là một “di sản của Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa được Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết.”
Bà đề nghị ĐS Knapper “nêu vấn đề của Nghĩa trang lịch sử Quân đội Biên Hòa với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và xin văn bản cho phép tiếp cận và cải thiện điều kiện tại nghĩa trang.”
Trả lời VOA, ĐS Knapper cho biết “chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với nhiều nhóm khác nhau, trong đó có chính quyền tỉnh Bình Dương, để tìm cách giải quyết những vấn đề đó.”
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương không trả lời yêu cầu bình luận của VOA.
Khi đăng tải các hình ảnh của ĐS Knapper cùng Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam Susan Burns đến thăm Nghĩa trang Biên Hòa hôm 13/10, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nói rằng “Lịch sử giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cuối cùng, sự can đảm với mong muốn củng cố lòng tin và tình hữu nghị từ cả hai phía đã mang lại kết quả tích cực.”
Hai quốc gia cựu thù đã nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất, đối tác chiến lược toàn diện, khi Tổng thống Joe Biden tới thăm Việt Nam hôm 10-11/9.
Intel ngưng đầu tư thêm ở Việt Nam
Theo tin RFA, Hãng sản xuất chip hàng đầu của Mỹ là Intel quyết định ngưng kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, một quyết định quan trọng gây ảnh hưởng đến tham vọng trở thành trung tâm sản xuất chip ở khu vực của Việt Nam. Reuters trích dẫn từ hai nguồn tin biết rõ về thông tin này cho biết hôm 7/11.
Nguồn tin không tiết lộ danh tính vì lý do thông tin bảo mật cho Reuters biết quyết định này được Intel đưa ra vào khoảng tháng 7 vừa qua.
Thông tin này được đưa ra vào khi Việt Nam đang có tham vọng là quốc gia thay thế Trung cộng và Đài Loan trong việc sản xuất chip cho thế giới vào khi có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua, giới chức Mỹ đã thông báo cho một nhóm các doanh nghiệp Mỹ về quyết định của Intel. Một nguồn tin tham dự cuộc họp này nói với Reuters như vậy.
Nguồn tin này nói với Reuters rằng Intel không nêu lý do ngừng kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam nhưng một nguồn tin thứ hai dự các cuộc gặp gần đây giữa các công ty Mỹ và giới chức Chính phủ Việt Nam cho biết Intel đã bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu điện và nạn quan liêu nặng nề ở Việt Nam.
Một trong các cuộc gặp như vậy đã diễn ra hồi tuần trước ở Hà Nội với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Reuters cho biết.
Hiện Intel chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này nhưng khẳng định với Reuters rằng “Việt Nam sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của hãng vào khi nhu cầu chất bán dẫn đang tăng”.
Đại sứ quán Mỹ từ chối bình luận về thông tin này. Chính phủ Việt Nam cũng chưa trả lời câu hỏi của Reuters về thông tin mới nhất.
Hiện Intel có một nhà máy thử và đóng gói chip ở Saigon nơi hãng này đầu tư khoảng 1,5 tỷ Mỹ kim. Mời quý độc giả đọc thêm bài về công nghệ bán dẫn (https://vanhoimoi.org/?p=18973)
Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá nhôm đùn ép từ Việt Nam
RFA thuật tin từ Bộ Công thương Việt Nam hôm 4/1: Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào ngày 24/10 chính thức khởi xướng việc điều tra chống bán phá giá với nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam.
Nguyên đơn là Liên minh nhôm, thép, giấy và lâm nghiệp, cao su, công nghiệp, năng lượng, liên đoàn lao động công nghiệp và dịch vụ Hoa Kỳ.
Phía nguyên đơn nêu tên khoảng 14 công ty Việt Nam, theo báo Công Thương.
Báo Công thương cho biết, theo nguyên đơn, căn cứ số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, trong năm 2022, Việt Nam chiếm khoảng 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia vào Hoa Kỳ, đứng thứ tư trong số các quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ, sau Mexico, Colombia, Trung cộng (chiếm tỷ lệ lần lượt là 12,9%, 10,2% và 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia vào Hoa Kỳ trong năm 2022).
Theo Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương, do Hoa Kỳ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là quốc gia thay thế do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm (Indonesia nằm trong danh sách các nước thay thế mới nhất do DOC ban hành cho Việt Nam).
Việt Nam hiện đang cố gắng thuyết phục Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để tránh những bất lợi bao gồm các vụ kiện về chống trợ cấp, chống bán phá giá.
Tuy nhiên, một số chuyên gia được RFA phỏng vấn nhận định Việt Nam khó đạt chuẩn để được công nhận là nền kinh thế thị trường do tiền tệ chưa thể chuyển đổi tự do, người lao động không được thương lượng về mức lương với người sử dụng lao động, Chính phủ còn can quan thiệp quá sâu vào các hoạt động kinh tế.
Mỹ đưa Việt Nam trở lại ‘danh sách giám sát’ về hành vi thao túng tiền tệ (VOA).
Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại “danh sách giám sát” về hành vi thao túng tiền tệ, một báo cáo của bộ cho biết hôm 7/11/2023. Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi này với những diễn biến liên quan đến tài khoản vãng lai và cán cân thương mại thặng dư đáng kể.
Báo cáo xem xét các quốc gia có thặng dư thương mại lớn và tích cực can thiệp vào thị trường ngoại hối để đạt được lợi thế thương mại.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen phát biểu: “Hầu hết sự can thiệp ngoại hối của các đối tác thương mại của Mỹ trong giai đoạn báo cáo đều dưới hình thức bán đôla, những hành động nhằm củng cố đồng tiền của họ”.
Bà nói thêm rằng triển vọng kinh tế toàn cầu phải đối mặt với “sự bất ổn gia tăng liên quan đến cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, lạm phát cơ bản vẫn tăng cao và khả năng căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Cộng ngày càng sâu sắc”.
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính liệt 6 nền kinh tế vào “danh sách giám sát” các đối tác thương mại lớn, báo hiệu rằng họ nên chú ý chặt chẽ đến các hoạt động tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô của mình. Danh sách này bao gồm Trung Cộng, Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan và Việt Nam.
Các quốc gia này đã vượt quá 2 trong 3 tiêu chí: thặng dư thương mại với Mỹ trên 15 tỷ đôla, thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu cao trên 3% tổng sản phẩm quốc nội và lượng mua ngoại tệ ròng liên tục vượt quá 2% GDP trong một năm.
Bộ Tài chính Mỹ cho hay Việt Nam đã bị đưa trở lại danh sách giám sát này sau khi thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu của nước này tăng vọt lên tới 4,7% GDP trong thời kỳ giám sát. Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây khi các công ty chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Cộng sang quốc gia Đông Nam Á đang phát triển nhanh này, theo Reuters.
Việt Nam có thặng dư thương mại song phương hàng hóa và dịch vụ với Hoa Kỳ tới 105 tỷ đôla, (vượt ngưỡng 15 tỷ đôla) và thặng dư cán cân vãng lai đạt 19 tỷ đôla, tương đương 4,7% GDP (vượt ngưỡng 3% GDP), theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói trong một tuyên bố hôm 8/11 rằng họ sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ và thiết lập các cuộc đối thoại thường xuyên và hiệu quả với Bộ Tài chính Hoa Kỳ để “kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh”.
Thụy Sĩ và Hàn Quốc được đưa ra khỏi danh sách giám sát sau khi chỉ bị rơi vào một tiêu chí trong hai kỳ giám sát liên tiếp.
Chính quyền của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào cuối năm 2020 đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước thao túng tiền tệ do các biện pháp can thiệp tiền tệ của những nước này, một động thái dẫn đến những cuộc làm việc chặt chẽ giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 8/11 nhắc lại những chính sách “nghiêm túc của mình: “Trong thời gian qua, tại các cuộc làm việc song phương với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam do đã thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc giải quyết các quan ngại của phía Hoa Kỳ và duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức”.
CSVN bàn chuyện chống tham nhũng với Trung Cộng
Quan chức chop bu chống tham nhũng của Việt Nam và Trung cộng gặp nhau bàn chuyện đối phó với tệ trạng tham nhũng luồn sâu leo cao ở cả hai nước.
Tờ South China Morning Post ở Hongkong thì nói rõ hơn và cho biết ông Tú đi Bắc Kinh thảo luận chuyện chống tham nhũng ở hai nước Cộng sản anh em. CSVN rập khuôn theo Trung cộng về mọi hình thái tổ chức đảng và chính trị xã hội từ trên xuống dưới. Trung cộng thì có chiến dịch “đả hổ giết ruồi” của Tập Cận Bình từ 20 năm qua, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng thì theo đuôi Bắc kinh mở chiến dịch “đốt lò” để diệt tham nhũng mới khoảng 10 năm nay.
Cả hai nước đều phải cố diệt trừ tham nhũng để giới đầu tư ngoại quốc bớt kêu ca và bỏ chạy. Theo báo SCMP, Bắc Kinh đề nghị chia sẻ kinh nghiệm chống tham nhũng của mình cho Hà Nội. Nhưng thâm ý của Bắc Kinh là muốn CSVN trừ diệt tham nhũng thế nào để đừng cho sâu mọt ảnh hưởng đến chương trình hợp tác kinh tế “Vành đai và Con đường” mà Trung Cộng khởi xướng.
Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc là nhân vật cao nhất mới bị Bắc kinh cách chức vì tham nhũng từ khi ông ta còn nắm những chức vụ trước đó trong quân đội.
Chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng đã đẩy nhiều bộ trưởng, quan chức cấp cao, tướng tá của chế độ vào tù, nhiều vụ án đang còn đang điều tra. Tuy nhiên, người ta hiểu đó chỉ mới là “những đồng chí bị lộ” mà thôi. Quan chức tham nhũng tại Việt Nam cấu kết với nhau thành một hệ thống rộng lớn từ trên xuống dưới nên khi bị bắt, người ta thấy chúng bắt tay chặt chẽ với nhau để ăn bẩn khắp mọi bộ ngành.
Một bài phân tích về tham nhũng tại Việt Nam hồi Tháng Năm vừa qua của Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng những nỗ lục chống tham nhũng của ông Trọng có thể nói là toàn diện nhất từ trước tới nay ở nước này. Dù vậy, guồng máy thư lại ở Việt Nam vẫn còn ỳ ạch, chồng chéo vì đám quan chức khi mất ăn đã không còn thấy hào hứng với trách nhiệm.
Mấy tháng trước, người ta thấy ông thủ tướng Phạm Minh chính dọa cách chức tất cả những ai chây ỳ đối với công việc. Nhưng báo cáo gần đây nhất nói ngân khoản đã dành sẵn cho các dự án đầu tư công chỉ mới được khoảng 50% dù đôn đốc, thúc giục thế nào khi chỉ còn hai tháng nữa là hết năm.
Dân Việt Nam đòi xét lại án oan
Theo tin của các cơ quan Truyền Thông quốc tế hôm mùng 7 tháng 11, đã có tới 550 người ký tên vào một thỉnh nguyện thư do các luật sư thảo ra để yêu cầu các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét và điều tra lại các vụ án mà họ cho là oan sai đối với các tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh, trong đó ông Mạnh đã bị hành quyết.
Đây là những vụ án được chú ý nhiều nhất trong những năm trở lại đây bởi việc xét xử mà các luật sư cho là còn có nhiều “sai sót” và sự phản đối từ gia đình của các tử tù này. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và cả đại diện Liên Hợp Quốc cũng đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam điều tra xét xử lại ba vụ án mà họ nói là có dấu hiệu oan sai.
Bất chấp sự phản đối của nhiều nước phương Tây và người dân trong nước, chính quyền Việt Nam đã hành quyết ông Mạnh vào ngày 22/9 trong lúc gia đình vẫn đang đi kêu oan cho ông. Một báo cáo viên đặc biệt của LHQ hồi đầu tháng 10 nói ông “bàng hoàng” và “thất vọng” trước việc chính phủ Việt Nam hành quyết ông Mạnh.
Giống như ông Hải và ông Chưởng, ông Mạnh bị buộc tội giết người và bị kết án tử hình chỉ với những lời thú nhận tội mà sau đó ông đã rút lại với lý do đã bị buộc phải nhận tội do tra tấn và nhục hình. Ông Mạnh bị giam giữ hơn 18 năm trước khi bị hành quyết. Còn ông Chưởng và ông Hải cũng đang bị giam giữ hơn 10 năm qua và đang chờ ngày thi hành án.
Báo Nhà Nước thuật lời Chánh án tòa tối cao CSVN Nguyễn Hòa Bình nói tại phiên họp Quốc hội hôm mùng 6 tháng 11, là năm 2023 “chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội”.
Báo cáo viên nhân quyền LHQ đến Việt Nam trong Tháng Mười Một
Một báo cáo viên đặc biệt của Ủy hội Nhân quyền LHQ đến Việt Nam trong Tháng Mười Một để hiểu tình hình nhân quyền tại chỗ.
Theo một bản tin của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Article 19, báo cáo viên đặc biệt Surya Deva, đặc trách về điều tra quyền phát triển con người dự trù đến Việt Nam từ nay đến cuối tháng, gặp mặt cả viên chức nhà nước cũng như thân nhân các tù nhân lương tâm.
Ông Surya Deva là một giáo sư luật tại đại học Macquarie, Sydney, Australia, đồng thời được bổ nhiệm làm báo cáo viên đặc biệt về sự tiến bộ của con người tại Ủy hội Nhân quyền Liên hiệp Quốc. Chuyến đi này là cơ hội để ông hiểu rõ hơn những rào cản đang là trở ngại cho việc hành sử nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là quyền tự do thông tin mà rất nhiều người đã bị bỏ tù.
Nhiều Facebooker cũng được tin ông Deva đến Việt Nam nên thúc giục thân nhân các tù nhân lương tâm gửi thư đến văn phòng ông ở Ủy ban Nhân quyền LHQ tạiThụy Sĩ, thúc giục ông đòi hỏi CSVN trả tự do cho hết thảy những ai đang bị cầm tù chỉ vì người ta nói hay viết những gì trái với đường lối tuyên truyền một chiều của chế độ.
Địa chỉ của ông là: Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights (OHCHR) Palais Wilson 52 rue des Pâquis CH-1201 Geneva, Switzerland. Một mẫu đơn được phổ biến trên một số trương mục Facebook, rồi được chuyển luân lưu, trong đó có Facebooker Lê Thanh Tùng.
Hầu hết tất cả các tù nhân lương tâm bị CSVN cầm tù đều chỉ viết bình luận hay đưa các thông tin “ngoài luồng” phơi bày mặt trái của chế độ độc tài đảng trị. Vì vậy, họ bị vu cho những tội danh như “Tuyên truyền chống nhà nước…”, “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” hoặc nặng hơn để bị tù lâu hơn “Âm mưu lật đổ….”
Ủy hội Nhân quyền LHQ đã nhiều lần cáo buộc CSVN dùng các điều luật 109, 118, 331 để bỏ tù dân dù người ta chỉ ngồi ở nhà, viết hay nói trực tiếp trên các mạng xã hội, tức là làm ngược lại các cam kết quốc tế minh định trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị. Ủy hội này đã gửi thư rất nhiều lần cho nhà cầm quyền CSVN, chất vấn các trường hợp bắt giữ và bỏ tù cụ thể.
Theo tổ chức Article 19, tình hình nhân quyền tại Việt Nam đang bị khủng hoảng (in a state of crisis) vì có gần 200 người đang bị cầm tù chỉ vì người ta sử dụng quyền tự do biểu đạt qua internet. Chế độ Hà Nội có một lực lượng hùng hậu nhân sự theo dõi bài viết, thông tin hay video clip trên mạng xã hội để khống chế, vo tròn, bóp méo sự thật theo nhu cầu của kẻ nằm trọn quyền lực chính trị.
Theo thư gửi cho ông Deva, người ta kêu gọi ông mở các cuộc điều tra độc lập để hiểu rõ hoàn cảnh oan khuất của những người dân bị bỏ tù vì không chịu ngậm miệng trước những gì sai trái đang xảy ra trong xã hội Việt Nam. Người ta chỉ “đấu tranh cho nhân quyền, lên tiếng trước những bất công và đứng về những người yếu thế nhằm mục đích hòa bình và phát triển xã hội”.
Họ kêu gọi ông đề nghị với chế độ Hà Nội các biện pháp cải thiện nhân quyền và trả tự do ngay cho tất cả những ai đang bị cầm tù hoặc bị bắt mà chưa có án. Như trường hợp bà Nguyễn Thúy Hạnh, bị bắt từ Tháng Tư 2021 đến nay vẫn bị nhốt tại bệnh viện tâm thần và không thấy bị đem ra xử hay bị khép vào tội gì.
Tháng trước, thân nhân một số tù nhân lương tâm gửi thư ngỏ đến những kẻ cầm đầu chế độ Hà Nội, đồng thời chuyển đến Ủy hội Nhân quyền LHQ, kể về nhà tù làm ngược những quy định về giam giữ, đau bệnh không cho chữa trị, ăn uống thiếu thốn, không hợp vệ sinh mà nói chung là “giam giữ hết sức khắc nghiệt về tinh thần lẫn thể xác trong các trại giam”. Họ đòi trả người ta về với gia đình vì họ “không có tội”.