Năm1974, tuần báo Newsweek đã đăng hình Kissinger trên bìa, mặc quần áo như “superman,” siêu nhân, với chữ “Super K” trên ngực. Trong lịch sử chưa có ai đầu hàng rồi được vinh danh như vậy!
Người Việt Nam không thích Henry Kissinger. Ông bị coi là đã “bán đứng” Việt Nam Cộng Hòa cho Cộng sản Bắc Việt khi ký Hiệp định Paris với Lê Đức Thọ, mặc dầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phản đối đến cùng.
Nhưng Kissinger chỉ thi hành lệnh của Richard M. Nixon, ông tổng thống mới là người quyết định. Kissinger luôn luôn hết sức làm cho xong việc ông tổng thống trao cho, dù đồng ý hay không. Theo nhật báo South China Morning Post Kissinger chống ý kiến thả bom Cambodia từ lúc đầu, nhưng sau khi được lệnh, ông thi hành quyết liệt. Theo tài liệu bộ quốc phòng Mỹ, sau khi nghe Nixon, Kissinger đã điện thoại ngay cho phụ tá, Tướng Alexander Haig, nói rằng: “Tổng thống muốn ném bom dữ dội ở Cambodia… Đây là một mệnh lệnh, phải thi hành. Bất cứ cái gì biết bay, cái gì chuyển động. Hiểu chưa?”
Theo báo Washington Post dẫn các tài liệu đã được giải mật, Kissinger là người chấp nhận từng chuyến bay dội bom 3,875 lần trên nước Cambodia trong những năm 1969 đến 1973. Tổng cộng 500,000 tấn bom, chết 150,000 thường dân – theo sử gia Ben Kiernan, Đại học Yale, được Washington Post trích dẫn. Nhưng những cuộc ném bom trải thảm đã tạo cơ hội cho lực lượng Khmer Đỏ tuyên truyền chống Mỹ và chống chính phủ Cambodia được ông hoàng Sihanouk bảo trợ. Trong phiên tòa của Liên Hiệp Quốc năm 2009 xử một lãnh tụ Khmer Đỏ, ông Kaing Khek Iev khai: “Các ông Nixon và Kissinger đã cho chúng tôi một cơ hội bằng vàng.”
Kissinger bước vào chính trị Mỹ khi làm cố vấn cho Nelson Rockefeller trong các cuộc vận động tranh cử năm 1960, 1964 và 1968. Lần chót, Nixon thắng thế, được Kissinger theo phò tá. Một sự kiện nổi tiếng nhất đời của Kissinger là chuyến bay bí mật sang Trung Quốc năm 1971. Chính Nixon là người chủ trương đánh “lá bài Trung Quốc;” sau khi binh sĩ Liên Xô và Trung Cộng kình nhau suốt bảy tháng trời, chết hàng chục người, năm 1969, tại đảo Damansky trên sông Ussuri, biên giới Mãn Châu. Kissinger chỉ đi mở đường, gõ cửa, cho Nixon gặp Mao Trạch Đông.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), khi nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia năm 1969, Kissinger không quan tâm gì đến Trung Quốc. Hai năm sau, theo lệnh của Nixon, ông qua Pakistan, cáo bệnh mấy ngày không gặp ai, nhưng bí mật bay sang Bắc Kinh gặp Chu Ân Lai. Năm sau Nixon ngồi uống trà với Mao Trạch Đông. Lần đầu tiên các lãnh tụ Mỹ và Trung Cộng bắt tay nhau. Đến năm 1979, thời Tổng thống Jimmy Carter mới bang giao chính thức.
Tuy chỉ thừa hành theo chỉ thị của Nixon, Kissinger đã chứng tỏ tài “ngoại giao” trong các cuộc thương thuyết với Trung Cộng. Tài nói, tài viết, giỏi chọn lựa các chữ cho văn bản, ít người sánh kịp Kissinger.
Báo SCMP kể lúc đầu Kissinger đề nghị chính phủ Mỹ sẽ công nhận cả hai nước Trung Hoa, đồng ý để Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và Trung Hoa Dân Quốc (ở Đài Loan) cùng vào Liên Hiệp Quốc. Nhưng sau cùng, Kissinger nhượng bộ Chu Ân Lai, chấp nhận chỉ có “một nước Trung Hoa” và Đài Loan là một “phần.” Trung Cộng vào ngồi trong Liên Hiệp Quốc trên ghế của Trung Hoa Dân Quốc.
Khi bàn bản thông cáo chung, Bắc Kinh muốn dùng chữ “tỉnh Đài Loan,” phía Mỹ không chịu gọi Đài Loan là một “tỉnh.” Kissinger đã đề nghị dùng chữ một “phần” (part), cả hai đều thỏa mãn. Hai bên cũng cãi cọ rất lâu khi tìm một chữ cho “chủ trương”, hay “quyết định” hoặc “lập trường,” “chính sách” về Đài Loan của Trung Quốc. Chính Kissinger đã đề nghị chữ “quan điểm Trung Quốc” (Chinese position) để thỏa hiệp. Chu Ân Lai khen Kissinger giỏi chữ nghĩa, đáng gọi là “tiến sĩ.” Kissinger có văn tài, viết giỏi, viết nhiều và rất dài. Đọc sách nào của ông cũng thấy sáng sủa, lôi cuốn dù bàn về chính trị, ngoại giao, kể chuyện đời hay lịch sử. Luận án tiến sĩ của ông tại Đại học Harvard dài hơn 400 trang; sau đó nhà trường phải ấn định giới hạn không ai được viết dài quá 35,000 chữ!
Báo, đài Trung Quốc đều lên tiếng chia buồn khi Henry Kissinger qua đời, 100 tuổi. Tập Cận Bình gọi ông là “Một người bạn cũ lâu đời của nhân dân Trung Quốc.” Theo báo SCMP, Kissinger đồng ý với Đặng Tiểu Bình khi tàn sát sinh viên tại Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989. Trên mạng Weibo, bài viết về chuyến ông đến thăm Bắc Kinh tháng Bảy năm nay được 56 triệu người coi sau một tiếng đồng hồ. Lúc đó Tập Cận Bình đã từ chối không gặp John F. Kerry, cựu ngoại trưởng Mỹ hiện làm việc trong chính phủ Joe Biden, nhưng tiếp Kissinger vì “bạn cố tri không bao giờ quên được.” Cuốn sách “Về Trung Quốc” (On China) của Kissinger in năm 2001, được Tân Hoa Xã ca ngợi, hầu hết các học giả và sinh viên môn bang giao quốc tế đều phải đọc.
Tập Cận Bình và Nixon cũng như Kissinger, suy nghĩ giống nhau. Trong bang giao quốc tế, họ coi sức mạnh là yếu tố quyết định. Những vấn đề như đạo nghĩa, nhân quyền, danh dự, kiểu Joe Biden nói về “hai chiến tuyến dân chủ và độc tài” là những chuyện nói cho vui, không thực tế. Tập Cận Bình có thể đã học kinh nghiệm từ Chiến Quốc Sách, Kissinger nghiên cứu lịch sử Âu châu sau khi Napoleon bại trận. Tại Wien, thủ đô Đế quốc Áo Hung, tể tướng Klemens von Metternich chủ trì một hội nghị năm 1814, cùng với Ngoại trưởng Anh Robert Stewart, Pháp de Talleyrand, và Nga hoàng Alexander I, vẽ lại địa giới các nước Âu châu theo thế lực các cường quốc Pháp, Nga, Phổ, Prussia. Thế giới là một bàn cờ cho các nước lớn giao đấu với nhau.
Kissinger quan niệm ngoại giao là tạo thế cân bằng quyền lực giữa các cường quốc. Trả lời cuộc phỏng vấn của báo The Wall Street Journal năm 2022, Kissinger khuyến cáo chính phủ Mỹ không nên đối đầu với Trung Quốc, chỉ gây thêm khó khăn, mà nên đối thoại. Ông nói, “Chúng ta làm như là chuẩn bị chiến tranh với Nga và Trung Quốc, trên những vấn đề do chúng ta tạo ra, không nghĩ trước là cuối cùng sẽ đi tới đâu, với mục đích gì.” Ông phản đối quân Nga xâm lăng Ukraine nhưng cũng công nhận Nga phải lo lắng khi Ukraine tỏ ý muốn gia nhập khối NATO.
Nhưng với quan niệm hoàn toàn thực tế đó, Kissinger đã bỏ qua, không quan tâm tới các giá trị, kể cả tinh thần dân chủ. Năm 1971 Kissinger tán thành chính phủ quân phiệt ở miền “Tây Pakistan” tấn công miền “Đông Pakistan,” sau khi dân chúng bầu một chính quyền muốn độc lập, vì chủng tộc và ngôn ngữ khác biệt. Nước Bangladesh ra đời sau cuộc chiến dẫm máu bị coi là “diệt chủng” chấm dứt.
Chính phủ Nixon ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ Salvador Allende, vị tổng thống chính đáng được dân Chile bầu lên, năm 1973. Năm 1975, Mỹ hoan nghênh cuộc xâm lăng East Timor của chính phủ quân phiệt Indonesia, sau đó đàn áp dân chúng suốt 24 năm, kể cả những vụ tàn sát, đến năm 1999 mới trao quyền cho Liên Hiệp Quốc, rồi trở thành một quốc gia độc lập.
Thái độ và hành động của chính phủ Mỹ trong những biến cố trên đây hoàn toàn trái ngược với các giá trị như tự do dân chủ, thượng tôn luật pháp và bảo vệ quyền làm người; là những vết nhơ trong lịch sử. Đối với người Việt Nam thì vết nhơ lớn nhất trong sự nghiệp của Henry Kissinger là Hiệp định Paris năm 1973.
Bây giờ ai cũng biết, tất cả những cuộc họp “đàm phán” ở Paris thời đó chỉ là một trò hề, với hai diễn viên Kissinger và Lê Đức Thọ. Richard Nixon đã chủ trương sẽ rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam trước khi ứng cử tổng thống năm 1968. Ông đã sai Kissinger tới báo trước cho đại sứ Liên Xô ở Washington ý định này, hai lần. Ký một hiệp định chỉ cốt “hưu chiến” để rút quân về, có vẻ giống một vụ đầu hàng.
Vì mối quan tâm lớn của các chính phủ Mỹ từ thời 1950 là Trung Cộng chứ không phải Cộng sản Bắc Việt. Báo South China Morning Post thuật lại lời Kissinger nói với những người cộng sự, gọi Bắc Việt là “một thứ cường quốc bé hạng tư” (a little fourth-rate power like North Vietnam). Sau khi mở bang giao với Trung Cộng, và thấy chủ nghĩa cộng sản không còn hy vọng lan tràn trong vùng Đông Nam Á vì kinh tế các nước ở đó đã phát triển vững vàng, dân Mỹ chán nản vì cuộc chiến tranh tốn kém, chỉ muốn rút về. Họ bằng lòng để mặc cho “cường quốc bé hạng tư” này chiếm miền Nam rồi để lộ bộ mặt thực của một chế độ thối nát, hà khắc, bất lực, chỉ làm kinh tế tồi bại.
Vì Hiệp định Paris hai người được trao Giải Nobel Hòa Bình. Lê Đức Thọ theo chỉ thị của đảng Cộng sản đã từ chối một giải thưởng của thế giới tư bản. Kissinger đứng ra lãnh giải, và được báo chí ở Mỹ hoan hô. Năm1974, tuần báo Newsweek đã đăng hình Kissinger trên bìa, mặc quần áo như “superman,” siêu nhân, với chữ “Super K” trên ngực. Trong lịch sử chưa có ai đầu hàng rồi được vinh danh như vậy! Năm 1975, khi cộng sản chiếm miền Nam, Kissinger tuyên bố sẽ trả lại Giải Nobel nhục nhã đó. Không biết ông đã trả lại chưa.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn: VOA Tiếng Việt
https://www.voatiengviet.com/a/kissinger-cai-quan-dinh-luan/7380209.html
Hình ảnh minh họa: Vận Hội Mới