Nguồn: Dân Làm Báo

Toàn năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam tăng 5,05%, thấp hơn chỉ tiêu 1,45%. Sang đầu năm 2024, Ba-Đình ra lệnh cho truyền thông thuộc quyền dựa vào dự báo của Trung tâm tư vấn CEBR tận bên Anh quốc để tô điểm nền kinh tế Việt Nam “sẽ đứng thứ 21 thế giới” vào năm 2038 [1]. Cùng dịp này, csVN hứa hẹn với Liên Hiệp Quốc (LHQ), 75 năm nữa toàn dân Việt Nam sẽ có đủ Nhân Quyền!

Vào dịp niệm 75 năm ngày ra đời bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948-2023), csVN chính thức đưa ra cam kết với LHQ sẽ cải thiện nhân quyền vào 75 năm nữa, định rõ đến năm 2099, người dân tại Việt Nam mới có các quyền sống như một con người [2]

Các sự kiện liên tục diễn ra giữa lúc Trung Nam Hải – chỗ dựa của Ba-Đình bước vào năm mới mà vẫn canh cánh mối lo “không vực lại được nền kinh tế”. Nhìn qua eo biển 170km về hướng Đông Nam, nơi có Công ty Đài Loan TSMC, với hợp đồng gần 600 tỷ Mỹ kim, sản xuất hơn 90% vi mạch ly ty của thế giới để chế tạo từ điện thoại tay, đến xe điện tân tiến khiến ông Tập nổi máu xâm lược cố hữu muốn chiếm Đài Loan.  Nhưng, ông Tập đã “tắt hẳn nụ cười” do thất bại từ dương oai dụng võ đến đe dọa trừng phạt thương mại để đẩy lá phiếu vào tay các ứng cử viên Quốc Dân đảng, thân Bắc Kinh. Người Đài Loan thấy rõ Bắc Kinh mưu toan “xiềng xích” họ như Hôngkong, nên hôm 13 tháng Giêng, đa số gần 20 triệu cử tri đã dồn phiếu cho đảng Dân Tiến (Democratic Progressive Party, DPP) tiếp tục cai quản quốc đảo 24 triệu dân 4 năm tới.

Đã nhiều lần, khi lâm cảnh nghiệt ngã, cần “mỵ dân” Ba-Đình lại tô vẽ bức tranh kinh tế màu hồng. Tháng 3 năm 2019, tuyền thông của đảng từng trích thuật New Economics Foundation (NEF) tại Vương quốc Anh, để khoe rằng: Việt Nam là quốc gia có chỉ số hạnh phúc (HPI) thứ 5 thế giới, thứ 2 ở châu Á – Thái Bình Dương. [3]

Năm 2023 “nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Xuất cảng hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%; nhập cảng hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33%. Nhiều doanh nghiệp và các nhà buôn đóng cửa. Người dân sống chật vật. Chỉ tiêu GDP được Quốc Hội đề ra là 6,5%, nhưng đến cuối năm chỉ tăng trưởng ở mức 5,05%, đưa tổng sản phẩm quốc nội lên tương đương 430 tỷ Mỹ kim. Tuy vậy, theo cơ quan Thống Kê của đảng, thì “đây vẫn là kết quả tích cực, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới”.

Theo thăm dò của hãng tuyển dụng Navigos Search tại Saigon, do không bán được hàng, 65% doanh nghiệp toàn quốc buộc phải cắt giảm từ 25%-75% nhân viên các loại: chứng khoán đã giảm từ 25-50% số lượng nhân viên; xây dựng, bất động sản BĐS và tư vấn phải giảm từ 50-75% lao động. Trước áp lực “sống còn” đã có từ 70% – 80% doanh nghiệp môi giới BĐS rời thị trường hoặc tạm ngừng hoạt động. “Cơn bĩ cực” vẫn chưa qua đối với doanh nghiệp môi giới BĐS. Và theo dự đoán từ ngàng BĐS thì hy vọng đến quý III năm 2024, thị trường này mới “phuc hồi”.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng-Manufacturing Purchasing Managers’ Index™ (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global theo dõi trong tháng 12 là 48,9 điểm, vẫn dưới ngưỡng trung bình 4 tháng liên tiếp. Nhìn toàn cảnh năm 2023, S&P Global đánh giá, ngành sản xuất Việt Nam suy yếu kéo dài gần hết năm 2023, ngoại trừ tháng 2 và tháng 8. Và là năm có mức sản xuất thấp nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 172 ngàn 600 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, bình quân một tháng có gần 14.400 ngưng hoạt động.

Vào dịp cuối năm 2023, Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) nhìn về tương lai kinh tế vĩ mô của Việt Nam để đưa ra nhận định: Việt Nam phải “nỗ lực khôi phục niềm tin trong dân chúng và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh thị trường BĐS sẽ là chìa khóa hỗ trợ ổn định kinh tế trong ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế dài hạn”. Bởi vì, qua tháng 11 năm 2023, BĐS chỉ đăng ký số vốn 3,5%, so với 16,7% cùng kỳ năm 2022, phản ảnh tình trạng trì trệ của thị trường BĐS trong nước. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam “vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn”.

Điểm sáng theo WB, Việt Nam vẫn tiếp nhận được cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dù có thấp hơn khoảng 10% so với mức trước Covid (2019).  Nhưng, trong 11 tháng năm 2023 FDI tiếp tục tăng, đạt 28,8 tỷ Mỹ kim, cao hơn 14,8% so với cùng kỳ năm 2022, bất chấp những bất ổn toàn cầu, “phản ảnh niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam”.

Theo số liệu, tình trạng xuất cảng của Việt nam hiện tùy thuộc trên 70% vào các công ty có nguồn vối ngoại quốc (FDI). Sự kiện này làm cho giới chuyên gia không ngớt báo động “đừng trông cậy quá nơi người ngoài”. Vì khi thời cuộc đổi thay, doanh nghiệp FDI sẽ cuốn gói ra đi như đã từng xẩy ra cho Thái Lan năm 1979, khi đó sẽ rất khó xoay xở.

Giới chuyên ngành khuyên Việt Nam nên tận dụng cơ hội đầu tư FDI đang đổ tiền vào để sửa đổi chính sách, nâng đỡ doanh nghiệp tư nhân trong nước đứng vững sản xuất bằng chính đôi chân của mình. Có như vậy, thì khi doanh nghiệp FDI rời đi, Việt Nam không bị hụt hẫng. Như trong tháng 11 năm 2023, khi Việt Nam chuẩn bị đưa ra ưu đãi cho các công ty xây dựng nhà máy bán dẫn, thì đại tập đoàn bán dẫn của Mỹ, Intel đột ngột loan báo ngưng đầu tư thêm vào Việt Nam; đem đại dự án sang Âu Châu, chỉ vì quan quyền Việt Nam đòi “bôi trơn” đến độ không biết ngượng là gì. Khi bị bắt ra tòa, họ nói có nhận “quà cảm ơn” hàng chục tỷ đồng của các doanh nghiệp nhưng không biết hành vi của mình là phạm pháp. Do vậy, csVN mới đưa ra án lệ “ăn hối lộ vô vị lợi” được miễn tố hình sự để “cứu” các quan chức cùng phe (?)

Doanh Nghiệp tư thì rất e ngại nhóm chữ “lợi dụng đầu tư để chuyển hóa chính trị” được chế độ dùng như sợi dây thòng lọng treo lơ lửng trên đầu các doanh nghiệp không có “chức năng sân sau”, hoặc không tiếp tục “bôi trơn” cho phải phép, thì số phận sẽ như nhà đầu tư Trịnh Vĩnh Bình thỉnh thoảng lại được Tuyền Thông Quốc Tế lập lại để các nhà đầu tư ghi nhớ.  (https://vanhoimoi.org/?p=10250)

Mô hình kinh tế Việt Nam được thai nghén từ cái nôi toàn trị từ thời Mao trạch Đông làm nên thực trạng kinh tế bất ổn nghiêm trọng hiện nay. Từ nguồn gốc đó, hai chế độ chính trị tương đồng về mô hình tổ chức công quyền và kinh tế vẫn áp đặt trên hai dân tộc Tầu, Việt.

Trong 36 thỏa thuận được đôi bên ký kết vào dịp ông Tập cận Bình thăm Việt Nam từ 12-13 tháng 12 vừa rồi, văn kiện được chú ý hơn cả là đại dự án trọng điểm hợp tác đường sắt dài 380 cây số, hoàn tất vào năm 2030 nối liền Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, khổ 1,435m được điện khí hóa, phí tổn nợ nần phía Việt Nam phải gánh đến 11 tỷ Mỹ kim. . .  

Đường sắt Lào Cai – Hanoi – Hai Phòng đi xuyên qua vùng Núi Pháo, nơi có mỏ vonfram chứa 66 triệu tấn quặng, và đa kim như bismuth, fluorit, đồng…  là tài nguyên quan trọng nhất của Việt Nam ở tỉnh Lào Cai. Vonfram là thành phẩm quan trọng bậc nhất trong công nghệ vũ khí, điện tử, máy tính… đang là tâm điểm cạnh tranh của những cường quốc công nghệ.

Giới quan sát thời sự chỉ ra rằng Bắc Kinh sẽ dùng dự án này để thao túng kinh tế, công nghệ và cả an ninh quôc phòng của Việt Nam. Bởi vì tiền bạc được giao vào tay đàn anh “xấu nết” phương Bắc, từng ố danh trong việc xâm lăng kinh tế qua các đại dự án đội vốn và chậm tiến độ ở Việt Nam.

Từ năm 2017, Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (Pew Research Center) đã công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, có đến 80% người Việt Nam coi Trung cộng là mối đại họa cho hòa bình và ổn định thế giới.

Tâm lý người Việt Nam ghét Trung cộng ngày nay còn tăng thêm do Bắc Kinh bức hiếp Việt Nam từ khai thác dầu khí, ngư nghiệp và cả quốc phòng. [4]

Theo ghi nhận của Trung tâm SeaLight Gordian Knot for National Security Innovation, của trường Đại học Standford, Hoa Kỳ: Hai ngày trước chuyến thăm của ông Tập tới Việt Nam, Bắc Kinh đã đưa tàu 5901- loại tuần tra lớn nhất thế giới với lượng giãn nước 12.000 tấn xâm nhập vào khu vực biển quanh Bãi Tư Chính để tạo “áp lực” trên Việt Nam. Sau đó, con tàu này đã quay trở lại thêm hai lần nữa, một vào ngày 29 tháng 12, và mới đây nhất là ngày 7 tháng 1 năm 2024.

Ba Đình lúc nào cũng muốn “làm ngơ” trước tỷ lệ dân Việt chống đối Trung cộng ở mức độ chưa bao giờ giảm. Nhưng thực tế này lại làm gia tăng mối bận tâm của ông Tập cận Bình trong lần thăm Việt Nam tháng 12 năm 2023. Và, đó cũng là lý do tại sao Bắc Kinh làm đủ cách cột chặt Hà-nội vào “cộng đồng chung vận mệnh”.

Trong thế giới ngày càng phân cực, ngoại giao “Cây Tre” hay kiểu “đu dây” được csVN xem như khôn ngoan, áp dụng từ năm 2021, liệu vẫn giữ được cân bằng …? Nay ông Trọng lâm vào tình huống bạo bệnh (13/01), Bắc Kinh lâm vào thế bí, họ sẽ tìm cách “bào mòn sợi dây”, làm cho Ba-Đình đi dần vào thế đứng rất hẹp đến mức phải dựa hẳn vào Bắc Kinh để “sống còn”. Như thế, lời thỉnh cầu của Bộ trưởng Công An, Tô Lâm đưa ra hôm mùng 10 tháng Giêng “xin Bắc Kinh giúp đỡ csVN duy trì vị trí cầm quyền tuyệt đối” khiến Băc Kinh “mở cờ” trong bụng. [5]

Việt Nam đã lâm vào tình thế này, thì Trung Nam Hải chẳng chịu ngồi yên để Ba-Đình dựa vào công nghệ tân tiến của khối Tư Bản về đất hiếm mà vươn lên, dù Việt Nam đang làm chủ kho báu đất hiếm với trữ lượng thứ nhì thế giới.

Như thế, mục tiêu của Ba-Đình trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045 còn rất xa vời.

Trần nguyên Thao
Jan 13- 2024

[1] Trung tâm nghiên cứu Anh: Việt Nam thành nền kinh tế thứ 21 thế giới năm 2038 | Vietnam+ (VietnamPlus)

[2]https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-submitted-pledges-to-un-secretariat-by-end-2099-to-reform-13262023071551.html

[4] Vì sao Việt Nam được đánh giá là quốc gia hạnh phúc? (kinhtedothi.vn)

[5] https://www.rfi.fr/vi/chau-a/20191004-cu-dan-lang-gieng-trung-quoc-ngay-cang-ghet-bac-kinh

[5] Bộ trưởng Tô Lâm muốn Trung Quốc giúp đỡ duy trì vị trí cầm quyền tuyệt đối của Đảng Cộng sản, chế độ XHCN — Tiếng Việt (rfa.org)

Bài liên quan:
  • Chiến tranh Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tranh thế giới?
    Michael Kimmage & Hanna Notte
  • Sổ Tay Thường Dân: GIẢI GIỚI
    Tưởng Năng Tiến
  • Trung Quốc nên lo lắng về Triều Tiên
    Lee Hee-ok & Cho Sungmin
  • Tập vẫn sẽ theo đuổi “Trung Hoa Mộng” bất chấp sự trở lại của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa
  • Chiến dịch vùng xám của Trung Quốc chống lại Đài Loan đang phản tác dụng
    David Sacks