Trần Nguyên Thao

  • Sức khỏe lãnh tụ số 1 Việt Nam suy kiệt, dẫn đến khủng hoảng lãnh đạo.
  • 10 Ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam yếu kém.
  • Năm 2023, chỉ 13 ngân hàng thu lợi, nhiều nhà băng lợi nhuận âm.
  • Tín dụng tiếp tục tăng cao 140%/GDP sẽ dẫn đến rủi ro kinh tế vĩ mô.

Nền Kinh Tế Việt Nam năm 2024 được chính thức nhìn nhận còn nhiều rủi ro, khối ngân hàng thương mại (NHTM) có đến 33% yếu kém và tràn ngập nợ xấu. Trong khi nguy cơ đe dọa xáo trộn chính trị nơi thượng tầng kiến trúc – cái “nôi” đưa ra mệnh lệnh độc quyền cai trị đang “xiêu vẹo” nhiều khả năng dẫn đến đấu đá nội bộ, gây ra “bất ổn chính trị” khiến nền kinh tế “ọp ẹp” ngay từ trước Tết Giáp Thìn.

Gần đây nhất, ngày 29 tháng 01 năm 2024, TBT Nguyễn phú Trọng không thể xuất hiện trong dịp Việt Nam đón Tổng Thống Phi Luật Tân, Ferdinand Romualdez Marcos Jr. thăm chính thức Việt Nam. Trước đó 40 ngày, ông Trọng cũng đã không hiện diện trong chuyến thăm của Thủ tướng Vương quốc Campuchia – Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet thăm chính thức Việt Nam hai ngày 11-12 tháng 12 năm 2023.

Nhiệm kỳ của vị Tổng Bí Thư tham quyền còn mãi đến năm 2026, thời kỳ còn lại của ông Trọng được mô tả như một người “không minh mẫn đủ để cân nhắc những việc lớn của quốc gia” giữa lúc chưa có người kế vị tạo ra khoảng trống quyền lực.  Nhóm cán bộ cận thần nhất của vị Tổng Bí Thư bệnh hoạn, nhiều khả năng đang tìm cách duy trì hiện trạng để thao túng nội cung. Tình huống này sẽ không giữ được lâu và sẽ đưa đến những đấu đá khốc liệt để tranh đoạt lợi quyền rất tai hại cho nền kinh tế đang “chào từ biệt thời hoàng kim” để đi vào thời kỳ tăng trưởng chậm lại, như năm 2023, GDP Việt Nam chỉ có 5,05%, thấp hơn năm 2022 tới 2,97%.

Hiện nay Phó Thủ Tướng đặc trách Kinh Tế Lê minh Khái và Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đang “gờm” nhau sau khi chính phủ ra lệnh thực hiện khẩn trương thanh tra NHNN từ đầu tháng 12 năm ngoái về phân phối tín dụng năm 2023, cho đến nay chưa công bố kết quả, nhưng NHNN đã bị “gỡ tay” khỏi phần hành phân phồi tín dụng thường lệ. Toàn chỉ tiêu 15% tín dụng năm 2024 đã được NHNN trao cho khối NHTM từ đầu năm nay.  (https://vanhoimoi.org/?p=19863)

Nếu tính lợi nhuận trước thuế, thì nhiều ngân hàng Quý IV năm ngoái, đã làm ăn lỗ lã, lần lượt “ố danh” chốn thương trường, gồm: NCBank -436%; ABB là -124%; PGB -5%. Toàn năm 2023 có đến 6 ngân hàng lợi nhuận trước thuế đi lùi: TPB là -67%; Kiên Long Bank là -53%; MSBank là -37%; OCBank là -25%; VIBank là -14%; và VCBank -6%.

Trong 31 NHTM tại Việt nam, chỉ có 13 ngân hàng có lãi năm 2023, còn đến 10 ngân hàng bị xếp vào loại yếu kém về chuyên ngành tài chánh: bao gồm quản lý không hiệu quả, rủi ro tài chính không kiểm soát được, như nợ xấu, thiếu nguồn vốn đủ mạnh hoặc các vấn đề pháp lý. Khi tình trạng “yếu kém” không được giải quyết kịp thời, hoạt động ngân hàng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây nguy cơ thất thoát tài sản, bất ổn trong hệ thống tài chính và có thể dẫn đến nguy cơ phá sản ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. [1]

Những ngày sát Tết Giáp Thìn, khối NHTM băn khoăn vì lãi suất tiết kiệm định kỳ bị “đổ dốc” toàn diện xuống đến mức thấp nhất “phá đáy lịch sử” trong 10 năm gần đây; với dự báo cả năm sẽ đi ngang, không có “cửa lên”. Do doanh nghiệp sản xuất ỳ ạch, chưa cần vay vốn, cho nên năm 2024 lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Nguồn cơn đưa đến tình huống này là do sức cầu nền kinh tế suy yếu và rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Thị trường bất động sản (BĐS) chiếm tỷ trọng trên 20% so với tổng tài sản toàn nền kinh tế; lại trầm mình trong ảm đạm kéo dài, sẽ tạo áp lực lên thị trường trái phiếu. Ngay đầu năm 2024, đã có 2.000 doanh nghiệp kinh doanh BĐS tạm ngừng hoạt động, bằng 138% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp BĐS giải thể là 149, bằng 97,4% so với cùng kỳ. Tình trạng mặt bằng cho thuê tại các khu phố trung tâm Hà Nội như Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học, Phùng Hưng, vốn rất đắt đỏ và nhộn nhịp xưa nay, bỗng trở lên vắng vẻ tiêu điều từ trước Tết Giáp Thìn.

Nếu tính cả nợ xấu tiềm ẩn thuộc khối tín dụng NHTM, trong đó có đến 70% nợ xấu do tài sản thế chấp là BĐS – không thể phát mãi để thu tiền về thì mức nợ xấu có thể lên đến 6%, cao nhất từ năm 2015. Trong tình huống này, các ngành kinh tế khác chưa kịp lấy lại đà phục hồi, áp lực nợ xấu ngân hàng gia tăng sẽ tạo thành “nút thắt” không thể gỡ trong nền kinh tế đang ọp ẹp.

Chỉ số Nhà Quản Trị Mua Hàng – Manufacturing Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) ngành sản xuất Việt Nam được S&P Global ghi nhận đã quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12 năm 2023. Mức tăng khiêm tốn trong tháng chưa đủ sức thuyết phục các công ty tuyển dụng thêm nhân viên. Dù trong những ngày giáp Tết Giáp Thìn, lượng hàng hóa và giá cả vẫn giảm, nhưng sức mua của giới tiêu thụ tương đối chậm phản ảnh nhu cầu chung vẫn còn yếu.

Do thực tế thượng dẫn, nếu 15% tín dụng năm 2024, tương đương 2 triệu tỷ đồng; chỉ một phần lọt vào 10 ngân hàng yếu kém thì coi như “giao trứng cho ác”. Bởi vì trong số 4 ngân hàng yếu kém nhất từng có ngân hàng năm 2019 như OceanBank lỗ hơn 17.900 tỷ đồng; CBBank lỗ luỹ 31.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng SCB bị “rút ruột” đến 12 tỷ Mỹ kim, đang trong tình trạng bị kiểm soát.

Doanh nghiệp Việt Nam trông cậy trên 70% tín dụng nơi khối NHTM. Nếu năm 2024, Chính Phủ cũng ép như năm ngoái để tăng trưởng tín dụng đạt gần 15%; tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt gần chỉ tiêu là 6,5% thì đến cuối năm 2024 có thể tỷ lệ dư nợ trên GDP tiếp tục leo lên gần mức 143-144%.

Theo số liệu chính thức, tỷ lệ dư nợ của Việt Nam trên GDP tăng liên tục mỗi năm: 2015, là 89,7%; 2016 là 97,6%; 2017 là 103,5%; 2018 là 102,9%; 2019 là 110,2%, 2020 là 114,3%; 2021 là 113,2%; 2022 là hơn 125%. Ngân Hàng Thế giới (WB) từng cảnh báo nhiều lần, dư nợ trong nền kinh tế Việt Nam “khá cao” so với các nước thu nhập trung bình thấp có thể dẫn đến rủi ro vĩ mô trong nền kinh tế.  (https://vanhoimoi.org/?p=19947).

Đối với các lãnh vực khác, trong tháng 01/2024, có 43,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; có 7.798 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14%; có 2.165 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,2%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 53,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Điểm sáng của Việt Nam lại dựa vào đôi chân của người ngoài, tính đến ngày 20/01/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,36 tỷ Mỹ kim, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước.

Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 1 đạt 2,58%, tương đương 16.900 tỷ đồng. Trung ương đã giao cho địa phương 632.000 tỷ đồng, tương đương gần 97% vốn đầu tư công năm 2024. Chính Phủ hy vọng đầu tư công được các địa phương giải ngân đầy đủ giúp cho tăng trưởng GDP, nhưng quan chức thì quen với văn hóa “không bôi trơn” thì việc gì cũng “để đó”, nên vẫn xẩy ra tình trạng “lãn công” trong hệ thống quan quyền csVN.

Hôm mùng 03 tháng 02 năm 2024, đài VOA thuật tin từ Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ cho biết có 30 Thượng Nghị Sỹ Mỹ kêu gọi chính phủ Biden không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, và cảnh báo “quyết định vội vàng … sẽ làm suy yếu việc thực thi luật thương mại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, chỉ càng khuếch trương và tạo lợi thế cho đảng cộng sản Trung cộng và đảng csVN mà thôi”, và “làm tổn thương các ngành công nghiệp Mỹ cũng như người lao động của Hoa Kỳ”. Tương tự với Thượng Viện, 25 Dân Biểu, cũng gửi thư chung đến Bộ trưởng Thương Mại Gina Raimondo, lập luận rằng Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục để thay đổi tình trạng hiện nay sang quy chế Kinh Tế Thị Trường. [2]

Trước đó, The Economist cơ quan ngôn luận chuyên về Kinh Tế & Chính Trị có ảnh hưởng gần 200 năm trên thế giới, lượng giá rằng “Có rất ít quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như Việt Nam để trở nên giàu có, nhưng sự tắc nghẽn trên thượng tầng chính trị quốc gia do sức khỏe của TBT Nguyễn phú Trọng suy yếu, đang trở thành “nút thắt” chưa gỡ được. Vì vậy, The Economist, đã cổ xúy để “Việt Nam cần một nhà lãnh đạo mới”.  [3]

Trần Nguyên Thao
(Áp tết Giáp Thìn)


[1] https://visacanada.edu.vn/danh-sach-cac-ngan-hang-yeu-kem-tai-viet-nam.html
[2] https://www.voatiengviet.com/a/hon-30-nghi-si-my-phan-doi-viec-xet-cong-nhan-kinh-te-thi-truong-cho-viet-nam/7469363.html
[3] https://www.economist.com/leaders/2024/01/25/vietnam-needs-a-new-leader

Bài liên quan:
  • Động cơ đằng sau đợt cải tổ quân đội mới nhất của Tập Cận Bình
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 28/4/2024. Tháng Tư Đen Sau 49 Năm: Đe dọa từ quan thầy phương Bắc, đấu đá tranh giành quyền lực trên thượng tầng, bài học nào cho VN?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • So sánh các chiến thuật vùng xám ở Biển Đỏ và Biển Đông
    Thomas Lim & Eric Ang
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 27/4/2024. Chứng nhân lịch sử: GSTS Nguyễn Tiến Hưng và 8 thủ đoạn nham hiểm và Bức Tử VNCH của Kissinger!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ukraine là tiền tuyến của một cuộc xung đột lớn hơn nhiều
    Gideon Rachman