Gần cuối năm 2023, Nội các Phạm minh Chính xông xáo khắp nơi để ép khối Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) phải bơm 735 ngàn tỷ đồng vào nền kinh tế trong chỉ 20 ngày cuối năm 2023. Trước đó, đầu tháng 12 Chính Phủ ra lệnh khẩn trương thanh tra NHNN về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023. Các diễn biến này để lại hậu lụy cho nền Tài Chánh Việt Nam trong lúc lãnh tụ số một – ông Nguyễn phú Trọng lâm vào tình trạng “suy kiệt” không thể làm tròn nhiệm vụ; đưa đến cảnh đấu đá tranh quyền quyết liệt ở Ba-Đình.

Tăng trưởng tín dụng năm 2023 không đạt chỉ tiêu, tính đến ngày 23 tháng 11 năm 2023 dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế chỉ mới tăng 8,38%. Do vậy, Thanh tra Chính phủ (TTCP) được điều động khẩn cấp từ hôm mùng 07 tháng 12 để xem xét NHNN về mọi liên quan đến điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2022 và 2023. Kết quả thanh tra phải trình Thủ Tướng trong tháng Giêng năm 2024.

NP Trọng đứng lên khó khăn, phải bấu víu vào bàn và VV Thưởng phải đỡ (15/1/2024)

Qua báo chí Nhà Nước, dân chúng đều biết, trong hai tháng 11 và 12 năm 2023, Thủ tướng Chính đã tả xung hữu đột, hội họp đó đây, ra nhiều công điện nhằm điều hành tín dụng, tiền tệ những tháng cuối năm 2023. Trong đó, Bộ Công an được yêu cầu vào cuộc, theo sát các vụ phạm pháp liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng, nhất là cơ chế “xin – cho” thuộc quy trình cung cấp tín dụng, đưa đến nhiều vụ “kỷ luật, khởi tố” trong môi giới. [1]

“Xin – cho” được bắt nguồn từ thời bao cấp, kinh tế tập trung trong tay Nhà nước. Nhà nước quyết định mọi thứ từ gạo, thịt, muối đường, đến điếu thuốc hay manh áo che thân, . . . cho ai bao nhiêu hoàn toàn dựa vào các quyết định trực tiếp của bạo quyền chuyên chế. Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường từ năm 1991, nhưng cái đuôi Xã Hội Chủ Nghĩa vẫn còn nguyên. “Xin – cho” trở thành luật bất thành văn đương nhiên trong xã hội phải “bôi trơn” mới mong tồn tại.

Trong hoàn cảnh này, mọi cố gắng của phía Chính Phủ vẫn chỉ đưa tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 lên 5,05%, thấp hơn chỉ tiêu 1,45%. Nguyên do vì hệ thống công quyền “lãn công” không chấm mút thì không giải ngân, khiến cho nguồn tiền từ đầu tư công không đi vào nền kinh tế.

Năm 2023, NHNN đã liên tục giảm lãi suất điều hành đến 4 lần, với mức giảm 0,5-2,0%/năm tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở thị trường. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, lãi suất cho vay. Tuy nhiên phía doanh nghiệp vì không có đơn đặt hàng, không thể sản xuất, nên giới hạn nhu cầu vay vốn.  

Thống kê của NHNN cho thấy lãi suất bình quân huy động ở NHTM khoảng 3,9%/năm, còn lãi suất cho vay phát sinh mới là 6,7%/năm, giảm trên 2,5%/năm so với cuối năm 2022.

Dù lãi suất điều hành được nhận định là khó giảm thêm, nhưng kỳ vọng thị trường hiện nay là lãi suất cho vay thực tế sẽ còn tiếp tục giảm thêm từ 1-1,5% trong năm 2024.

Bài toán khó của thị trường tín dụng Việt nam là có đến 80% tiền huy động đến từ người gởi tiền ngắn hạn, trong khi có khoảng 50% dư nợ bị định giá bởi lãi suất cho vay trung và dài hạn, từ 12-24 tháng cộng thêm biên độ. Sự chênh lệch này sẽ làm thu hẹp lợi nhuận trong giới NHTM.

Các quan tham Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam lần lượt hạ cánh an toàn.

Sau khi kết quả GDP năm 2023 được nhìn nhận thấp hơn năm 2022 đến gần 3%, các cơ quan trách nhiệm vẫn “huênh hoang” GDP của Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới”!

Cuối năm 2023, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%. Ngay đầu năm 2024, lúc cuộc điều tra NHNN về phân phối tín dụng năm 2023 chưa công bố, cơ chế chuyên ngành này đã bị “gỡ khỏi tay” mọi quyền hành chuyên môn phân bổ tín dụng như cũ. Do đó, NHNN phải giao đủ 15% tín dụng cho bên NHTM. Như thế, căn cứ trên dư nợ hiện nay khoảng 13,56 triệu tỷ đồng thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế trong năm 2024. Toàn cảnh lủng củng về phân bổ, điều hành tín dụng hiện tại của Việt Nam đưa đến nhận định khác biệt của giới chuyên ngành, trong hoàn cảnh nền kinh tế Việt Nam được Standard Chartered đưa ra lo ngại, lạm phát dự báo tăng từ mức 3,3% năm 2023 lên 5,5% vào năm 2024. Ngoài ra, tác động xấu sẽ phát huy hậu quả do cuối năm 2023, dư nợ tín dụng trong BĐS khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 6,75% so với 2022. Trong đó, dư nợ đối với kinh doanh BĐS đạt mức tăng trên 22%:  

  • Nhìn cảnh thất bại từ phía Chính Phủ chạy nước rút vào 20 ngày cuối năm để bơm tiền bằng mọi giá vào nền kinh tế, nhằm đẩy GDP năm 2023 gần chỉ tiêu 6,5%, giới muốn bảo vệ hoạt động độc lập của NHNN thì dán nhãn TT Chính đã “can thiệp thô bạo” vào chuyên ngành, Tài Chánh, Tiền Tệ.
  • Giới chuyên gia nhìn việc nâng mức tăng trưởng tín dụng cũng sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực, như Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy: “Việc nâng mức tăng trưởng tín dụng lên trong trường hợp nền kinh tế suy yếu không hấp thụ được, sẽ dẫn đến nợ xấu và lạm phát, làm bất ổn nền kinh tế vĩ mô của quốc gia. Bởi vì, trong vòng 5 năm trở lại đây, mức tăng trưởng tín dụng hàng năm là khoảng 13,5%. Việc nâng dự báo mức tăng trưởng tín dụng lên 15% đồng nghĩa với việc nhà làm chính sách lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.”
  • Đại diện nhóm chuyên gia yểm trợ tăng mức tín dụng năm 2024 lên 15%, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng điều kiện của nền kinh tế Việt Nam cuối năm 2023 tăng trưởng tương đối tốt và mức độ tăng trưởng trong năm 2024 dự báo sẽ tốt hơn. Vì vậy theo ông Thịnh, NHNN xác định con số 15% tăng trưởng tín dụng là hợp lý, sẽ làm tăng nguồn vốn của nền kinh tế và không có ảnh hưởng đến lạm phát hay vay nợ hay các vấn đề khác nếu được điều chỉnh kịp thời.
  • Nhẹ nhàng nhất là nhận định của Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Tài Chánh Việt Nam: thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thường là cách làm dễ dàng nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho phía NHTM, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ vào các ngành kém hiệu quả hoặc rủi ro cao, như trường hợp Việt Nam là BĐS và Chứng Khoán.

Trên thị trường tài chính, sự nghi ngờ, bất an và thận trọng được đẩy lên cao độ, như nợ xấu, nếu tính đầy đủ đã trên 6%, những biến cố lớn xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm và sự kiện ngân hàng SCB bị rút ruột đến 12 tỷ Mỹ kim, đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt. . . Tất cả dẫn đến cảnh báo của các tổ chức Tài Chánh quốc tế về hệ số đòn bẩy tài chính của quốc gia, đi cùng với rủi ro an toàn hệ thống, rủi ro an ninh tài chánh của Việt Nam. (https://vanhoimoi.org/?p=19341)

Vào lúc Chính Phủ còn đang rối rắm chưa nhìn thấy hướng đi cho nền kinh tế năm 2024, thì Ba-Đình lại lâm cảnh bối rối tứ bề do cơn bạo bệnh “chưa rõ” của vịTổng Bí Thư 79 tuổi giữ đầy quyền lực. Tin về bệnh tình của ông Trọng được csVN ra sức bưng bít, cấm đồn thổi, nhưng dân chúng vẫn chuyền tai nhau khắp hang cùng ngõ hẻm.

Ông Trọng đã xuất hiện trong hình hài “xiêu vẹo” hôm 15 tháng Giêng tại phiên họp bất thường Quốc Hội. Hình ảnh trên video cho thấy,  ông Trọng cố đứng lên, nhưng phải bấu tay vội vào bàn” và được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ân cần nâng đỡ. Trước đó, Theo Bloomberg, TBT Trọng đã nhập viện khoảng 11 tháng Giêng liên quan đến một loại bệnh chưa được “xác định”.

Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng với giá 1.800 đô la/một phần tại một nhà hàng sang trọng ở Luân Đôn.

Trước đó, ngày 10 tháng Giêng, Bộ trưởng Công An, Tô Lâm, Ủy Viên Bộ Chính Trị, quyền lực nhất ngành an ninh Việt Nam, người đang quyết liệt giành phần thắng trong cuộc đấu đá nội bộ để nắm chức Tổng Bí Thư thay ông Trọng, đã “khấu đầu” công khai trước người đối nhiệm của Bắc phương xin Bắc Kinh giúp đỡ csVN duy trì vị trí cầm quyền tuyệt đối [2]. Qua sự kiện này, dân chúng đều thấy Bắc Kinh chẳng cần mưu toan gì, cũng vẫn có “ngựa thành Troy” nằm sẵn ở Ba-Đình! (https://vanhoimoi.org/?p=19815)

Như có toan tính trước, nhằm hỗ trợ cho thỉnh cầu của Tướng Tô Lâm, mới đầu tháng Giêng năm nay, Bắc Kinh đã đem tầu tuần tra lớn nhất lùng sục nhiều ngày ở bãi Tư Chính – thềm lục địa kinh tế Việt Nam, nơi mà từ cuối tháng 7 năm 2017, Ba-Đình bị Bắc Kinh gây áp lực phải hủy bỏ hoạt động thăm dò mỏ khí lớn tại lô 136-03 (Vạn An Bắc 21) do đại Tập Đoàn Repsol, Tây Ban Nha đã đầu tư trước đó 300 triệu Mỹ kim. Repsol bị Việt Nam yêu cầu rời khỏi khu vực và được bồi thường 1 tỷ Mỹ kim. Theo BBC News, Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam dám bất tuân.

Nay tình huống trên vẫn được Bắc Kinh nhì nhằng áp dụng lại, trong lúc Ba-Đình bối rối tứ bề, Ba-Đình sẽ phải lúp xúp tuân theo Bắc Kinh với mức độ cao hơn lần trước chăng?

Trần nguyên Thao
Jan 15-2024

[1] Công điện của Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023 (chinhphu.vn)

[2] https://www.rfi.fr/vi/chau-a/20191004-cu-dan-lang-gieng-trung-quoc-ngay-cang-ghet-bac-kinh

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 12/5/2024. Họ Tập công du Pháp, Serbia và Hung: Cố phá vòng vây để chuẩn bị chiến tranh Biển Đông?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Sổ Tay Thường Dân: ĂN QUỴT
    Tưởng Năng Tiến
  • Vì sao nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc thất nghiệp?
    The Economist
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 11/5/2024. Đọc tác phẩm “Bức tử VNCH” của TS Hưng: TC âm mưu can thiệp giờ chót vào chiến tranh VN?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chiến tranh Iran-Israel chỉ mới bắt đầu
    Raphael S. Cohen