TIN THẾ GIỚI

TT Zelensky: Chiến thắng của Ukraina phụ thuộc vào các đồng minh phương Tây (RFI)

Chủ Nhật 25/02/2024, tổng thống Volodymyr Zelensky đã tổ chức họp báo nhân dịp kỷ niệm hai năm ngày tổng thống Nga Vladimir Putin điều quân xâm lược Ukraina. Nguyên thủ Ukraina đã điểm lại các vấn đề đáng chú ý hiện nay, đặc biệt là tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược. Ông Zelensky nhấn mạnh, Ukraina có nguy cơ hứng chịu một đợt tấn công lớn của Nga nếu Kiev không nhận được đạn pháo của phương Tây.

Tổng thống Volodymyr Zelensky

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan gửi về bài tường trình :

Hôm Chủ Nhật, Volodymyr Zelensky đã cảnh báo phương Tây về hậu quả của việc trong những tuần qua không cung cấp đủ đạn pháo cho Ukraina. Theo nguyên thủ Ukraina, quân đội Nga sẽ phản công ồ ạt vào cuối tháng 5 hoặc đầu mùa hè tới đây, nếu trong tháng Ba hoặc tháng Tư Ukraina không nhận được đạn dược.

Trước đó, cũng trong cùng ngày, bộ trưởng Quốc Phòng Rustem Umerov cho biết Ukraina mới chỉ nhận được 50% số đạn pháo mà các đối tác châu Âu đã hứa giúp và tất cả các viện trợ đều chậm so với dự kiến ban đầu.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, trong những ngày qua đã đến thăm khu vực Koupiansk của vùng Kharkiv, nói rằng tại đó hỏa lực của quân Nga mạnh hơn 7 lần so với hỏa lực của Ukraina.

Và điểm cuối cùng : Đây là lần đầu tiên tổng thống Zelensky nói về số binh sĩ Ukraina thiệt mạng kể từ đầu cuộc chiến. Theo ông, con số có thể là 31.000 người. Zelensky không muốn đưa ra con số binh sĩ bị thương hoặc mất tích. Nhưng theo tổng thống Ukraina, phía Nga dường như có ​​tới 180.000 binh sĩ thiệt mạng và nửa triệu người đã bị loại khỏi vòng chiến đấu ».

Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Zelensky khẳng định Nga đã có được kế hoạch phản công năm 2023 của Ukraina trước khi đợt phản công diễn ra. Được AFP hỏi, phủ tổng thống Ukraina cho biết ông Zelensky nói việc rò rỉ thông tin. Theo nguyên thủ Ukraina, để tránh nguy cơ kế hoạch tác chiến bị lộ, các chỉ huy quân sự Ukraina sẽ lập nhiều kế hoạch dự phòng cho năm 2024.


Ngoại trưởng Sejourne: Quân đội Pháp có thể đóng vai trò phi chiến đấu ở Ukraine (VOA).

Ngoại trưởng Pháp hôm thứ Ba (27/2) tìm cách làm rõ bình luận của Tổng thống Emmanuel Macron rằng Paris có thể gửi quân đến Ukraine để phục vụ cho những nhu cầu cụ thể, nhưng không phải là để tham gia cuộc chiến chống lại Nga.

Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne

Chúng tôi phải xem xét những hành động mới để hỗ trợ Ukraine. Những hành động này phải đáp ứng những nhu cầu rất cụ thể. Tôi đặc biệt nghĩ đến việc rà phá bom mìn, phòng thủ mạng, sản xuất vũ khí tại chỗ, trên lãnh thổ Ukraine”, Ngoại trưởng Stephane Sejourne nói với các nhà lập pháp.

“Một số công việc có thể yêu cầu sự hiện diện trên lãnh thổ Ukraine mà không vượt qua ngưỡng chiến đấu. Không thể loại trừ bất cứ điều gì. Đây đã và vẫn là quan điểm của tổng thống cho đến nay”.

Ông Macron hôm thứ Hai nói không loại trừ khả năng các quốc gia châu Âu gửi quân tới Ukraine, nhưng lưu ý rằng không có sự đồng thuận ở giai đoạn này vì các đồng minh đã đồng ý nỗ lực hơn nữa để đưa đạn dược đến Kyiv nhanh hơn.

Các nhà ngoại giao Pháp nói ý tưởng của ông Macron khơi dậy cuộc tranh luận về vấn đề này, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể nào theo hướng đó.

Phát biểu này cũng gây ra một loạt phản ứng từ các đồng minh rằng họ không có ý định gửi quân tới Ukraine.


Điện Kremlin cảnh báo chiến tranh với NATO nếu quân liên minh chiến đấu ở Ukraine (VOA)

Điện Kremlin hôm thứ Ba (27/2) cảnh báo rằng chiến tranh giữa Nga và liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu sẽ không thể tránh khỏi nếu các thành viên châu Âu của NATO gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov

Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ Nga với phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, và Tổng thống Vladimir Putin trước đó đã cảnh báo về sự nguy hiểm của một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai đã mở cửa cho các quốc gia châu Âu gửi quân tới Ukraine, mặc dù ông cảnh báo rằng chưa có sự đồng thuận ở giai đoạn này.

Khi được hỏi về phát biểu của ông Macron, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Việc thảo luận về khả năng gửi một số quân từ các nước NATO tới Ukraine là một yếu tố mới rất quan trọng”.

Khi được phóng viên hỏi về những rủi ro nếu các thành viên NATO gửi quân tới Ukraine, ông Peskov nói:

“Trong trường hợp đó, chúng ta không cần nói về khả năng xảy ra mà về tính không thể tránh khỏi (của một cuộc xung đột trực tiếp)”.

Ông Peskov nói rằng phương Tây nên tự hỏi liệu kịch bản như vậy có mang lại lợi ích cho đất nước và người dân của họ hay không.

Ngay cả việc nói về cuộc đối đầu giữa Nga và NATO – một cơn ác mộng Chiến tranh Lạnh đối với cả các nhà lãnh đạo và người dân – cũng cho thấy nguy cơ leo thang khi phương Tây vật lộn với một nước Nga đang trỗi dậy 32 năm sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Nga và Mỹ, cường quốc đứng sau NATO, có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng thống Joe Biden từng cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và NATO có thể gây ra Thế chiến thứ ba.


Tổng thống Mỹ thông báo Israel có thể ngừng bắn tại dải Gaza trong kỳ Ramadan (RFI)

Gần 5 tháng kể từ khi Israel mở màn chiến dịch quân sự chống Hamas tại Gaza, để đáp trả cuộc tấn công đẫm máu ngày 07/10/2023 trên đất Isarel, tối hôm qua, 26/02/2024, tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Israel có thể ngừng bắn kể từ đầu tuần tới, và trong suốt giai đoạn Ramadan của người Hồi giáo.

Theo AFP, trên đài truyền hình Mỹ NBC, tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết : ‘‘Kỳ Ramadan đang đến, sẽ có một thỏa thuận từ phía Israel, theo đó Israel cam kết không tiến hành các chiến dịch quân sự trong kỳ Ramadan, để tạo điều kiện cho việc Hamas trả tự do cho toàn bộ các con tin.’’ Ông Biden cũng nói thêm là, theo cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, thỏa thuận đang rất gần, nhưng chưa thực sự hoàn tất. Phát biểu trên mạng Ynet, một giới chức Israel ẩn danh cho biết, đàm phán hiện ‘‘đang theo hướng tích cực’’.

Trước đó, hôm Chủ Nhật 25/02, thủ tướng Isarel Benjamin Netanyahu vẫn tuyên bố duy trì các hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch tấn công Rafah, được coi là căn cứ địa cuối cùng của Hamas, nhưng là nơi tỵ nạn của khoảng 1,5 triệu người Palestine. Theo thủ tướng Israel, việc ngừng bắn sẽ ‘‘chỉ làm chậm lại’’ cuộc tấn công, được hy vọng là tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas ‘‘trong ít tuần lễ’’.

Hãng tin Nhà nước Qatar, quốc gia đứng ra làm trung gian cho các đàm phán giữa Israel và Hamas, cho biết lãnh đạo Qatar vừa có cuộc gặp thủ lĩnh Hamas Ismaïl Haniyeh, tại Doha, và đã thảo luận về các nỗ lực nhằm ‘‘đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức và lâu bền’’.

Hiện tại, theo Israel, sau đợt trả tự do cho 105 con tin đổi lấy 240 tù nhân Palestine trong đợt ngừng bắn cuối tháng 11/2023, tổ chức Hamas còn cầm giữ tổng cộng 130 con tin, trong đó có thể 31 người đã chết.


Tổng thống Philippines: Hải quân Trung Cộng ‘gây lo ngại’ tại Biển Đông (BBC)

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm thứ Tư (28/2) nói rằng sự hiện diện của hải quân Trung Cộng ở Biển Đông là “đáng lo ngại”, nhưng Manila sẽ không từ bỏ việc bảo vệ ngư dân và chủ quyền trên biển.

Theo tờ Manilla Times, ông Marcos nói rằng tình hình ở những vùng nước tranh chấp đã thay đổi do sự hiện diện của Hải quân Trung Cộng.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

“Điều này đáng lo ngại vì có hai yếu tố. Trước đây chỉ có Cảnh sát biển Trung Cộng hoạt động trong khu vực, bây giờ có cả Hải quân và tàu cá. Vì vậy, tình hình đang thay đổi,” ông nói với các phóng viên.

Tuần duyên Philippines (PCG) đã phát hiện sự hiện diện của các tàu hải quân Trung Cộng trong một chuyến tuần tra của một tàu thuộc Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản (BFAR) tại Bãi cạn Scarborough, nơi xảy ra tranh chấp gay gắt vào tuần trước.

Đề đốc Jay Tarriela, phát ngôn viên của Tuần duyên Philippines phụ trách Biển Tây Philippines (tên mà Philippines gọi một phần Biển Đông), cho biết Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản đã theo dõi ba tàu chiến cùng một máy bay của Hải quân Trung Cộng ở gần Bãi cạn Scarborough.

Bà Tarriela cho biết các tàu chiến Trung Cộng duy trì một khoảng cách hơn 20 hải lý so với bãi cạn này (Philippines gọi là Bajo de Masinloc).

“Quan trọng là chúng ta [Philippines] phải lưu ý rằng trong phạm vi 12 hải lý quanh Bajo de Masinloc, chúng ta có chủ quyền đối với vùng nước này,” bà nói.

Chiếc tàu của BFAR, mà PCG từng nói rằng bị các tàu cảnh sát biển Trung Cộng theo dõi và cản trở, làm nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu cho ngư dân Philippines trong khu vực.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân của chúng tôi. Họ là những người làm nghề cá để kiếm sống từ những ngư trường này và chúng tôi sẽ tiếp tục giúp họ mặc dù… có những nỗ lực chặn đường và theo dõi,” Marcos nói với các phóng viên trước khi lên đường thăm cấp nhà nước tới Úc.

Trước đó, ông Ian Storey, một thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, từng nhận định:

“Những nỗ lực của Trung Cộng nhằm ngăn chặn ngư dân Philippines đánh cá ở Bãi cạn Scarborough là hoàn toàn bất hợp pháp. Phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 đã trao cho ngư dân của cả hai nước quyền đánh bắt cá ở đó. Manila chỉ đơn thuần ủng hộ các quyền hợp pháp của ngư dân Philippines.”

Tờ South China Morning Post tại Hong Kong ngày 17/2 có bài viết phản ánh những quan ngại liên quan đến việc Phillipines trở thành “đại diện” chống lại Bắc Kinh của Mỹ tại khu vực Biển Đông.

Theo bài báo, dù Philippines khẳng định rằng liên minh quân sự với Mỹ và quan hệ đối tác với các nước khác như Nhật Bản chỉ mang tính chất phòng thủ, Bắc Kinh lại coi đây là một phần của chiến dịch bao vây Trung Cộng.


Gia nhập NATO: Thụy Điển chấm dứt 2 thế kỷ phi liên kết quân sự (RFI)

Ngày 26/02/2024, Nghị Viện Hungary – rào cản cuối cùng – đã bật đèn xanh cho phép Thụy Điển được gia nhập Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO. Việc quốc gia Bắc Âu này trở thành thành viên thứ 32 của NATO đặt dấu chấm hết cho 200 năm chính sách phi liên kết quân sự, đánh dấu một sự thay đổi sâu sắc cho nền quốc phòng cũng như những thay đổi địa chính trị quan trọng đối với khu vực.

Từ trung lập đến thành viên NATO

Sau khi kết thúc các cuộc chiến do hoàng đế Pháp Napoléon tiến hành, và nhất là sau cuộc xung đột với Na Uy năm 1814, Thụy Điển chính thức đi theo đường lối trung lập và phi liên kết quân sự. Chính sách này, trong thời chiến tranh lạnh cho phép Thụy Điển tránh xa mọi cuộc xung đột.

Thủ tướng Thụy Điển Kristersson(phải), Tổng thống Thổ Erdogan (trái) và TTK NATO Stoltenberg tại thượng đỉnh NATO ở Lithuania 2023

Bất chấp tính chất trung lập, luôn đứng ngoài khối NATO, nhưng Thụy Điển cũng tìm cách xích lại gần với khối Liên minh quân sự khi tham gia Hiệp ước Đối tác vì Hòa bình năm 1994 và Hội đồng Đối tác châu Âu – Đại Tây Dương năm 1997.

Trước khi Nga xâm lược Ukraina, tháng 02/2022, đường lối « trung lập » được đại bộ phận người dân Thụy Điển ủng hộ. Vấn đề « tham gia liên minh quân sự » còn bị xem như là chủ đề cấm kỵ, nhất là đối với đảng Xã hội – Dân chủ, một chính đảng lớn ở Thụy Điển. Mùa thu 2021, cựu bộ trưởng Quốc Phòng, Peter Hultqvist, còn tuyên bố ông có thể « bảo đảm » là đất nước sẽ không bao giờ tham gia liên minh quân sự.

Tuy nhiên, cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga đánh dấu một sự thay đổi ngoạn mục trong chính trường và công luận. Tuyệt đại đa số nghị sĩ Thụy Điển hồi tháng 5/2022 đã bỏ phiếu thuận cho việc khởi động tiến trình xin gia nhập NATO.

NATO gia tăng sức mạnh

Việc có thêm Thụy Điển, thành viên thứ 32, là một lợi thế rất lớn cho NATO. Giống như Thụy Sĩ, dù là trung lập, nhưng Thụy Điển từ lâu đầu tư ồ ạt cho ngành công nghiệp quốc phòng để bảo đảm thế trung lập của mình, cũng như khẳng định vị thế nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới.

Liên minh Quân sự NATO có thể trông cậy vào lực lượng không quân với hơn 90 chiếc tiêm kích JAS 39 Gripen do hãng Saab Thụy Điển sản xuất, và đội tầu chiến hùng hậu ở biển Baltic gồm nhiều tầu hộ tống và tầu ngầm.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson khẳng định sẵn sàng chi viện lực lượng cho NATO ở Litva. Quân đội Thụy Điển có đến 50 ngàn người, mà một nửa là quân dự bị.

Theo phân tích của chuyên gia Robert Dalsjö, Viện Nghiên cứu về Quốc phòng Thụy Điển, được AFP, trích dẫn, sau Phần Lan, « Thụy Điển là mảnh ghép sau cùng cho tấm bản đồ của NATO ở vùng Bắc Âu ». Vùng biển Baltic, được bao bọc bởi các nước thành viên của khối, giờ biến thành « ao nhà » của khối.

Tuy nhiên, vẫn theo chuyên gia Robert Dalsjö, việc gia nhập NATO buộc Thụy Điển phải điều chỉnh chính sách quốc phòng, vốn dĩ xuất phát từ nguyên tắc « phải tự mình giải quyết vấn đề », để đi vào khuôn khổ « chính sách phòng thủ tập thể », không chỉ bảo vệ đất nước mình mà cả lãnh thổ của các đồng minh thành viên NATO.

Trong kịch bản Phần Lan và các nước Baltic có nguy cơ trở thành chiến trường, Thụy Điển có nhiều khả năng bị lôi kéo vào cuộc chiến. Nước này sẽ phải khẳng định vị thế như là điểm trung chuyển quân cho lực lượng NATO. 


Đài Loan tố 5 tàu hải cảnh Trung Cộng xâm nhập vùng biển gần các đảo tiền tuyến (VOA)

5 tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào các vùng biển bị cấm hoặc bị hạn chế xung quanh đảo tiền tuyến Kim Môn của Đài Loan hôm thứ Hai 26/2 nhưng đã rời đi ngay sau khi bị xua đuổi, một bộ trưởng Đài Loan cho biết hôm thứ Ba 27/2 trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng với Bắc Kinh.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong tháng này đã bắt đầu tuần tra đều đặn quanh quần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát, gần bờ biển Trung Quốc, sau khi hai công dân Trung Quốc thiệt mạng trong lúc họ cố chạy trốn lực lượng tuần duyên Đài Loan vì trước đó tàu của họ đi vào vùng biển cấm.

Đảo Kim Môn của Đài Loan, cách Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) khoảng 3km.

Kuan Bi-ling, người đứng đầu Hội đồng Đại dương Sự vụ của Đài Loan, cơ quan điều hành lực lượng tuần duyên, nói với các phóng viên tại quốc hội rằng các tàu Trung Quốc đã rời khỏi khu vực ngay sau khi lực lượng tuần duyên Đài Loan yêu cầu họ rời đi.

Bà nói: “Ý nghĩa chính trị rất lớn, đó là một hình thức tuyên bố chủ quyền”.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của họ bất chấp việc bị hòn đảo này bác bỏ. Đài Loan gần đây cảnh giác với những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng áp lực lên Đài Bắc sau khi ông Lai Ching-te được bầu làm tổng thống vào tháng trước. Bắc Kinh coi ông Lai là nhân vật ly khai.

Đài Loan có một doanh trại quân đội lớn ở Kim Môn, nơi từng xảy ra giao tranh thường xuyên trong thời Chiến tranh Lạnh, nhưng lực lượng tuần duyên của Đài Loan vẫn tuần tra vùng biển của họ.

Bộ Quốc phòng Đài Loan tuần trước nói rằng họ sẽ không tăng cường lực lượng trên các hòn đảo gần Trung Quốc, bao gồm cả quần đảo Mã Tổ không xa Kim Môn.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng, cũng phát biểu tại quốc hội rằng ông hy vọng những gì đang xảy ra xung quanh Kim Môn sẽ không leo thang và sẽ được “xử lý êm thấm”.

Ông nói: “Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ tình huống chiến sự nào xảy ra”.

Kim Môn cách hai thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu của Trung Quốc một khoảng ngắn nếu đi bằng tàu thuyền. Đài Bắc đã kiểm soát đảo này kể từ khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bại trận chạy sang Đài Loan vào năm 1949 sau khi thua trong cuộc nội chiến với những người cộng sản của Mao Trạch Đông. Phe cộng sản đã thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.


Mỹ gởi 5 hàng không mẫu hạm đến Thái Bình Dương (RFI)

Gần một nửa trong số hàng không mẫu hạm của Mỹ có thể sớm được triển khai cùng lúc ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hành động « phô trương sức mạnh » nhằm trấn an các đồng minh rằng Hoa Kỳ không bị dàn trải quá mức, lại có thể gây phản tác dụng.

Trang mạng South China Morning Post (SCMP) ngày 14/02/2024 đưa tin, hai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt đang hiện diện trong khu vực và đã có cuộc tập trận chung với Nhật Bản tại vùng biển Philippines. Chiếc USS Ronald Reagan thì đang neo đậu tại cảng quân sự Yokosuka, Nhật Bản. Hai chiếc còn lại là USS Abraham Lincoln đã rời cảng San Diego hồi đầu tháng Hai, và USS George Washington trong vài tuần nữa sẽ đến Yokosuka để thay phiên cho hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.

Ba HKMH Hoa Kỳ tập trận trên biển Thái Bình Dương (ảnh minh họa)

Thái Bình Dương: Ưu tiên quân sự !

Đây là lần đầu tiên cùng lúc 5 trong số 11 hàng không mẫu hạm của Mỹ hoạt động trong cùng khu vực. Nhiều chuyên gia được SCMP trích dẫn nhận định rằng sự tập trung bất thường sức mạnh hải quân Mỹ cùng lúc tại một khu vực là một tín hiệu răn đe trước các hành động quân sự ngày càng gia tăng từ Trung Cộng và Bắc Triều Tiên.

Trong năm 2023, chính quyền Biden đã nêu rõ sẽ thực hiện nhiều hoạt động phô trương sức mạnh hơn ở Đông Á nhằm trấn an các đồng minh châu Á rằng Hoa Kỳ vẫn chưa quên họ. Tầm quan trọng mà Hoa Kỳ gắn cho vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng như vai trò tích cực của Mỹ tại khu vực là không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng cách thức Washington thực hiện có thể góp phần làm gia tăng căng thẳng cả với Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng. Nhà sử học Daniel Larison, và cũng là một cây bút xã luận, trên trang mạng Responsible Statecraft, đánh giá : “Mặc dù việc triển khai này được cho là nhằm báo hiệu quyết tâm và cam kết của Mỹ đối với các đồng minh, nhưng chúng có thể dễ dàng khuyến khích Trung Cộng và Bắc Triều Tiên lao vào các cuộc biểu dương sức mạnh đáp trả của chính họ.

Việc triển khai đông đảo hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương dường như là một nỗ lực để « bù đắp » cho việc Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư quá mức các nguồn lực và năng lượng cho cuộc chiến ở Gaza và các cuộc xung đột có liên quan ở Trung Đông từ bốn tháng qua. Nếu như việc phô trương sức mạnh này có thể làm hài lòng các chính phủ đồng minh, nhưng cũng có nguy cơ xác nhận một cảm giác ở cả các nước thân thiện lẫn thù địch rằng Mỹ đang bị « căng » quá mức và cố gắng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc.

Nhưng mối nguy hiểm tiềm tàng với Bắc Triều Tiên thậm chí còn lớn hơn, vì chính phủ Bắc Triều Tiên có lịch sử lâu dài trong việc đáp trả các áp lực từ Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ bằng chính những hành động khiêu khích và dọa dẫm của nước này.

Trong một chừng mực nào đó, Bình Nhưỡng cảm nhận việc triển khai nhiều hàng không mẫu hạm đến Thái Bình Dương có phần nào nhắm thẳng vào Bắc Triều Tiên. Lãnh đạo Kim Jong Un có thể kết luận rằng ông ấy cần phải chứng tỏ năng lực thật sự của đất nước qua việc thử nghiệm thêm nhiều tên lửa và thậm chí có thể là một vụ thử hạt nhân mới.

Năm 2023, Bắc Triều Tiên đã có phản ứng giận dữ về việc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến cảng Busan của Hàn Quốc. Nếu lần này có nhiều hàng không mẫu hạm cùng lúc tại các vùng phụ cận, đương nhiên Bình Nhưỡng có thể phản ứng gay gắt hơn. Việc chế độ Kim Jong Un trong vài tháng qua có những lời lẽ ngày càng trở nên thù địch, một cuộc đối đầu mới giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ chẳng phải đợi lâu.


Biển Đông: Trung Cộng lại thả phao chắn quanh bãi cạn Scarborough (RFI)

Hãng tin Reuters ngày hôm nay 27/02/2024, cho biết những hình ảnh chụp từ vệ tinh khu vực bãi can Scarborough trong vùng Biển Đông mới đây cho thấy một hàng rào phao nổi được thả tại lối vào bãi đá, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Cộng.

Lực lượng tuần duyên Philippines cắt gỡ phao rào ở bãi cạn Scarborough

Theo hãng tin Anh, một trong những hình ảnh được công ty Maxar Technologies chụp hôm 22/02 cho thấy một hàng rào phao để ngăn lối vào bãi cạn, nơi mà tuần duyên Trung Cộng hồi tuần trước xác nhận đã đuổi các tàu của Philippines « xâm nhập trái phép » vào vùng biển của Bắc Kinh.

Cùng ngày 22/02, lực lượng tuần duyên Philippines xác nhận Trung Cộng đã cho thả hàng rào phao gần với bãi cạn Scarborough, khiến cho các tàu cá của Philippines không thể đi qua. Manila cũng tố cáo nhiều tàu Trung Cộng đã bao vây một tàu của chính quyền Philippines đang hoạt động trong khu vực này.

Bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng trên thực tế Bắc Kinh đã giành quyền kiểm soát từ năm 2012. Bắc Kinh không ngần ngại tố cáo Manila xâm phạm « chủ quyền » của họ mỗi lần có sự cố va chạm tại vùng biển này.

Hôm 26/02, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng một lần nữa tố cáo Philippines xâm phạm chủ quyền của Trung Cộng, đe dọa sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Bãi cạn Scarborough, từ lâu nay vẫn là điểm nóng ở Biển Đông trong tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Manila, được biết đến là một khu vực dồi dào nguồn hải sản. Từ khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên cầm quyền, tháng 06/2022, Philippines đã nhiều lần phản đối việc tàu Trung Cộng hiện diện tại Scarborough cũng như ngăn cản Philippines tiếp viện cho một tiền đồn, thực chất là một chiến hạm mắc cạn, tại bãi Cỏ Mây.


TIN VIỆT NAM.

‘Vựa lúa’ Đồng bằng Sông Cửu Long khô hạn đến nứt nẻ

Đài RFA thuật tin của AFP báo động,Miền nam Việt Nam, gồm cả Saigon là ‘vựa lúa’ Đồng bằng Sông Cửu Long hứng chịu đợt nắng nóng bất thường trong tháng 2/2024.

AFP loan tin dẫn xác nhận của giới chức khí tượng đưa ra ngày 28/2 về đợt nắng nóng bất thường tại miền nam Việt Nam. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, một số khu vực bị hạn hán và nông dân phải chuyển đổi mùa vụ do nước xuống thấp trong các kênh mương.

Các nhà khí tượng cho AFP biết đợt nóng dữ dội bắt đầu từ ngày 9/2 với nhiệt độ lên đến 38 độ C. Đó là hiện tượng nóng cao bất thường vào tháng hai ở miền nam Việt Nam. Thường vào tháng tư hay tháng năm nhiệt độ đỉnh điểm mới lên đến 39 độ C.

Chuyên gia Lê Đình Quyết thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Miền nam, nói với AFP rằng hiện tượng El Nino và tác động chung của biến đổi khí hậu góp phần tạo nên đợt khô hạn bất thường như vừa nêu.

Trên bình diện toàn cầu, năm 2023 là năm nóng kỷ lục theo ghi nhận của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).

Vào tháng qua, WMO đưa ra cảnh báo năm nay có thể còn nóng hơn cả năm 2024. Lý do vì hiện tượng El Nino xuất hiện từ giữa năm 2023 sẽ là nhiệt độ toàn cầu tăng lên trong một năm sau đó.

Các nhà khoa học cảnh báo thời tiết cực đoan đang gia tăng do tình trạng ấm nóng toàn cầu.

Mời quý độc giả đọc bài “Đồng Bằng Cửu Long báo động” trên Vận Hội Mới, tháng 10 năm ngoái : https://vanhoimoi.org/?p=17922


Xăng dầu đi qua Việt Nam tới Myanmar, vi phạm lệnh cấm quốc tế (BBC)

Một báo cáo mới đây đã phơi bày cách thức xăng dầu từ Trung Cộng và một số nơi khác thông qua công ty ở Việt Nam rồi được chuyển đến cho chính quyền quân sự Myanmar, vi phạm lệnh cấm quốc tế.

Một công ty Việt Nam bị cáo buộc tham gia vận chuyển xăng dầu cho chính quyền quân sự Myanmar, thông qua cảng Cái Mép – Thị Vải, theo báo cáo do Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố ngày 31/1.

Hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, chính quyền quân sự Myanmar đã sử dụng các chiêu thức mới để nhập khẩu nhiên liệu, thông qua quốc gia trung gian.

Đã có ít nhất bảy đợt vận chuyển xăng dầu từ Việt Nam sang Myanmar, từ kho xăng dầu Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) do Công ty Hải Linh vận hành, theo các hình ảnh vệ tinh, dữ liệu theo dõi tàu thuyền và hải quan mà Tổ chức Ân xá Quốc tế thu thập được trong năm 2023.

Ảnh chụp vệ tinh của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại kho xăng dầu Cái Mép lần lượt vào tháng 12/2023 (ảnh bên trái) và tháng 8/2023 (ảnh bên phải), cho thấy một con tàu, mà tổ chức này cho rằng là tàu chở dầu Huitong 78 . NGUỒN HÌNH ẢNH,AMNESTY INTERNATIONAL

Các đợt vận chuyển diễn ra vào tháng 4, 5, 6, 7, 8 và 12/2023, theo phát hiện của Tổ chức Ân xá Quốc tế, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Anh.

Sáu trong số bảy đợt vận chuyển của Việt Nam sang Myanmar được thực hiện bằng tàu dầu Huitong 78 mang cờ Trung Cộng, một đợt vận chuyển bằng tàu dầu Yida 8 mang cờ Liberia, theo báo cáo.

Tổ chức Ân Xá Quốc tế xác định nơi bắt nguồn của ba đợt vận chuyển xăng dầu đến Việt Nam là từ cảng của Tổng công ty Dầu khí Ngoài khơi Trung Cộng (CNOOC) ở thành phố Huệ Châu (Quảng Đông, Trung Cộng) vào tháng 8/2023.

Hai vụ vận chuyển khác là vào tháng 4 và tháng 5, xuất phát từ cảng Pengerang Independent ở Malaysia, rồi đến Việt Nam, sau đó di chuyển đến Myanmar bằng một con tàu khác, báo cáo nêu.

Đường đi ra sao?

Theo báo cáo, con đường vận chuyển xăng dầu từ Việt Nam sang Myanmar như sau:

Đầu tiên, nhà cung cấp bán xăng dầu cho một công ty giao dịch (trader). Công ty giao dịch này sau đó bán số xăng dầu trên một hoặc nhiều lần.

Nhưng trong mọi trường hợp, lần bán áp chót (second-to-last sale) trước khi được vận chuyển đến cho Myanmar là từ một công ty giao dịch (trader) với công ty Việt Nam.

Công ty Việt Nam này sau đó nhận nhiên liệu từ kho xăng dầu của Công ty Hải Linh ở cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Công ty xăng dầu Hải Linh là một trong những đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn ở Việt Nam, được thành lập vào năm 2002.

Sau khi trữ xăng dầu từ vài giờ đến vài ngày, số xăng dầu này được bán sang cho chính quyền quân sự Myanmar và được vận chuyển bằng tàu, theo báo cáo.

Dữ liệu hải quan của Việt Nam mà Tổ chức Ân xá Quốc tế thu thập được cũng xác định rõ những công ty giao dịch xăng dầu này, nổi bật nhất có BB Energy (Asia), một công ty tư nhân tại Singapore do BB Energy có trụ sở tại Dubai sở hữu.

Tổ chức Ân xá Quốc tế không xác định được liệu những công ty này có biết sau khi bán xăng dầu cho các công ty Việt Nam thì cuối cùng sẽ được chuyển đến Myanmar hay không.

Hiện chưa có phản ứng từ Công ty xăng dầu Hải Linh liên quan đến những thông tin trong báo cáo này.

Vai trò của Việt Nam ở đây đặc biệt có vấn đề. Cảng Cái Mép cần thiết cho chuỗi cung ứng mới này hoạt động. Vì vậy, chính phủ Việt Nam phải có nghĩa vụ đảm bảo các cảng không được sử dụng cho các hoạt động liên quan đến những vi phạm nhân quyền,” Montse Ferrer, Phó Giáo đốc nghiên cứu vùng Đông Nam Á và Đông Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nêu trong báo cáo.

Cho đến nay, về phần mình, Việt Nam thường xuyên lặp lại tuyên bố Việt Nam cùng ASEAN hỗ trợ Myanmar thúc đẩy giải pháp hòa bình và bền vững.


Mục đích các tàu khảo sát của Trung Cộng: vẽ chữ “Trung” trên vùng biển Việt Nam (RFA)

Việt Nam và Philippines áp dụng hai chiến thuật khác nhau đối với áp lực của Trung Cộng trên Biển Đông: Việt Nam im lặng trên truyền thông còn Philippines công khai các hành vi của Trung Cộng ra toàn thế giới.

Hai cách thức ứng xử này liệu có dẫn đến hai kết quả khác nhau trong năm 2024 và dài hạn? 

RFA đặt câu hỏi với ông  Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Standford, về lý do các tàu khảo sát của Trung Cộng khi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đường đi theo hình ngang và dọc đều đặn như hình bàn cờ. 

Ông Powell cho biết mô hình di chuyển như vậy không có ý nghĩa nhiều về mặt kỹ thuật như để vẽ bản đồ đáy biển cho tàu ngầm hay để khảo sát địa chất. Ông cho rằng có thông điệp chính trị nhiều hơn:  

Đường di chuyển của tàu khảo sát Trung Cộng trong hai tháng 5 và 6, 2023 theo mô hình chữ “Trung” ( “中”) ngoài khơi bờ biển Việt Nam. (Ảnh minh họa) . Nguồn: RFA

“Nhìn vào mô hình đường đi khảo sát của các tàu khảo sát trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ trước tới nay, chúng ta ngạc nhiên về đường đi kì lạ của nó. 

Theo tôi, lời giải thích hợp lý duy nhất là Trung Cộng thực sự muốn vẽ một ký tự trong chữ Trung Cộng, chữ “Trung” , nghĩa là “Trung Cộng.” 

Về cơ bản nó gửi một thông điệp tới Việt Nam rằng Trung Cộng coi các mỏ dầu ở Bãi Tư Chính là thuộc về Trung Cộng. 

Đó là một hành động rất táo bạo và quyết đoán. Tôi nghĩ nó báo hiệu rằng các mục tiêu dài hạn của Trung Cộng vẫn được giữ nguyên.” 

Lập luận như vậy, ông Powell cho rằng mặc dù Việt Nam cố gắng giữ mức độ căng thẳng ở mức thấp, và tất nhiên điều đó giúp Việt Nam dễ thở hơn, nhưng không ai dám chắc năm 2024 và các năm tới, tàu Hải cảnh Trung Cộng sẽ giảm xâm nhập và tuần tra trong EEZ của Việt Nam.

Theo ông Powell, kiểm soát truyền thông về các hoạt động cưỡng bách của Trung Cộng trên Biển Đông gần như là chiến lược điển hình của Việt Nam đối với đại cường phía bắc trong nhiều năm qua, trừ một số ngoại lệ. Ông nói:

Tôi đã ở Hà Nội vào năm 2014 trong cuộc khủng hoảng giàn khoan HD 981. Lúc đó Việt Nam thực hiện chiến lược ngược lại. Việt Nam đã tung ra các video về tất cả cảnh đâm tàu và bắn vòi rồng của Trung Cộng xung quanh giàn khoan dầu. Tôi nghĩ vào thời điểm đó, tình hình căng thẳng với Trung Cộng đã leo thang. Nó gây ra một số vấn đề trong nội bộ Việt Nam khi một số cuộc biểu tình vượt quá tầm kiểm soát. Nhưng tôi nghĩ vào thời điểm đó, điều đó cũng khiến Trung Cộng ngạc nhiên. Tôi nghĩ nó đã mang lại cho Việt Nam một số đòn bẩy. Tôi tin rằng Trung Cộng đã rút giàn khoan sớm hơn dự định. 

Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam rất coi trọng sự ổn định nội bộ bởi vì đó là một chế độ cộng sản. Đối với họ, duy trì sự ổn định nội bộ, để người dân không trở nên quá đỗi giận dữ là điều rất quan trọng.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng muốn có thể quản lý xung đột với Trung Cộng một cách cẩn thận. Và một lần nữa, như bạn đã đề cập, tôi nghĩ họ tin rằng giọng điệu nhẹ nhàng sẽ mang lại cho họ thành công.”

Tuy vậy, ông Powell cho rằng, về lâu dài, ông không tin chiến thuật im lặng trên truyền thông của Việt Nam sẽ có hiệu quả trong việc ngăn cản Trung Cộng tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến lực lượng Hải cảnh Trung Cộng tuần tra ngày càng nhiều hơn trong vùng đặc quyền kinh tế, khảo sát thềm lục địa và các mỏ dầu khí ở vùng Nam Côn SơnTư Chính Vũng Mây ngoài khơi bờ biển phía nam của mình.

RFA đặt câu hỏi với ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, rằng nếu Việt Nam im lặng trên truyền thông về các hành vi xâm lấn của Trung Cộng, liệu hai nước này có một cơ chế nào khác để giải quyết xung đột trên Biển Đông? Ông Greg Poling nhận xét:

Trung Cộng và Việt Nam không có cơ chế giải quyết xung đột. Họ đã có một số nỗ lực giải quyết xung đột và những nỗ lực đó có nhiều thành công khác nhau. Họ có các cuộc tuần tra chung hàng năm của Cảnh sát biển ở Vịnh Bắc Bộ mà cả hai bên đã công bố rộng rãi. Nhưng tất nhiên những điều đó chẳng làm được gì cả. Họ thậm chí chưa giải quyết được vấn đề chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.” 

Theo ông Greg Poling, niềm tin nhất quán của Việt Nam là nước này gần gũi hơn với Trung Cộng. Nước này có lịch sử xung đột lâu dài hơn với Trung Cộng. Họ vẫn xảy ra nhiều vụ đụng độ bạo lực thường xuyên hơn ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đặc biệt liên quan đến ngư dân Việt Nam. Họ tin rằng tranh chấp không thể giải quyết được trong ngắn hạn và trung hạn.”

Vì vậy, ông Poling cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa nhiều hơn bất kỳ bên tranh chấp nào khác để ngăn chặn Trung Cộng. Đồng thời, Việt Nam cũng cố gắng giải quyết căng thẳng bằng ngoại giao để không lan sang một cuộc xung đột mà cuối cùng sẽ không có ích gì cho lợi ích quốc gia của mình. 

Ông Poling chỉ ra rằng Việt Nam tiếp tục phát triển mỏ dầu khí ở Bãi Tư Chính bất chấp tàu hải cảnh Trung Cộng có mặt ở đó hàng ngày, bất chấp Trung Cộng tung các tàu nghiên cứu để khảo sát thềm lục địa và EEZ của Việt Nam. Lực lượng dân quân biển của Trung Cộng vẫn đang neo đậu 270 ngày một năm ở Trường Sa mà không làm gì cả. 

Mặc dù chính quyền Việt Nam im lặng trên truyền thông, ông Poling cho rằng những hành vi cưỡng bách của Trung Cộng vẫn khiến nước này ngày càng ít được ưa chuộng trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng và giới thượng lưu trong toàn khu vực Đông Nam Á. Các hành vi đó của Trung Cộng cũng thúc đẩy một mạng lưới quan hệ an ninh và ngoại giao mới nhằm cân bằng một Trung Cộng hung hãn hơn. Ông nói tiếp:

Chúng ta có thể cảm ơn Trung Cộng một phần, bởi vì mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đã không hình thành nếu không có một Trung Cộng hung hãn. 

Chúng ta có thể cảm ơn Trung Cộng vì đã tái sinh một Liên minh Hoa Kỳ – Philippines. Chúng ta có thể cảm ơn Trung Cộng vì nhờ họ mà xuất hiện ý tưởng về bộ quy tắc ứng xử mới của Philippines với việc hợp tác Cảnh sát biển giữa một số nước trong khu vực. 

Tất cả điều này đã xảy ra vì Trung Cộng. Rõ ràng, Trung Cộng đang làm suy yếu lợi ích của chính mình và nước này không còn giành thêm được bất kỳ vị trí nào ở Biển Đông trong ít nhất hai năm qua.”


Giữa tháng 3, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ dừng hoạt động

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được truyền thông Nhà nước dẫn thông báo như vừa nêu vào ngày 25/2.

Đây là lần bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần thứ năm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Tổng Giám đốc BSR, ông Bùi Ngọc Dương, cho biết khối lượng công việc BDTT lần này lớn hơn nhiều so với bốn đợt trước đây. Cụ thể số lượng công việc cần thực hiện với hơn 546 thiết bị cơ khí tĩnh, 977 thiết bị đường ống, 67 thiết bị cơ khí, 275 thiết bị điện, 3.195 thiết bị tự động hóa và 67 dự án cải tiến (MOC) và 7 dự án Tie-in.

BRS phân chia khối lượng công việc như vừa nêu thành 10 gói; trong đó BSR tự thực hiện bốn gói được cho quan trọng, có tình chuyên môn sâu liên quan thiết bị điện, thiết bị quay, tự động hóa, tháo lắp van; sáu gói còn lại thuê nhà thầu thực hiện liên quan đến thiết bị cơ khí tĩnh và đường ống.

BRS huy động hơn 135 chuyên gia trong và ngoài nước tham gia công tác BDTT gồm nhà sản xuất, nhà bản quyền & tư vấn thiết kế, kiểm tra & tư vấn độc lập, giám sát bảo dưỡng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất được xây dựng vào năm 2005 tại Quảng Ngãi, bắt đầu sản xuất vào năm 2009, khánh thành vào năm 2011, do nhà nước Việt Nam làm chủ. Phần công nghệ của nhà máy này do các công ty Pháp, Nhật Bản, Malaysia, và Tây Ban Nha xây dựng.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, có qui mô lớn hơn Dung Quất, và nhà nước Việt Nam chỉ sở hữu một phần, phần còn lại là của một công ty Kuwait và hai công ty Nhật Bản. (RFA)


Gần 5.000 container vô chủ tại cảng biển và cả trăm tấn tại các kho hàng sân bay

Cảng quốc tế Cái Mép – Tân Cảng Saigon

RFA, thuật tin tù truyền thông Nhà nước loan ngày 26/2 cho hay, tại Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1, tính đến tháng 1/2024 số lượng hàng tồn quá 30 ngày và 60 ngày là hơn 1.200 container; tại Chị Cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, số lượng hàng hóa tồn đọng được báo cáo gần 68 tấn thuộc 134 dòng hàng, tăng gấp hơn hai lần so với tháng 1/2023.

Số lượng hàng tồn quá 90 ngày tại các cảng biển tính đến tháng 1/2024 là hơn 4.800 container, hàng tồn tại cửa khẩu đường hàng không  tại Chi Cục Hải quan Cửa Khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất là trên 467 tấn thuộc 1.700 dòng hàng…

Tổng Công ty Tân Cảng sài Gòn cho biết có hàng nghìn container chứa phế liệu. Số này chiếm dụng diện tích rất lớn gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của cảng.Tình trạng tồn đọng các container còn dẫn đến thiếu container rỗng, buộc các hãng tàu tăng giá cước vận chuyển…


Kêu gọi trả tự do để bà Nguyễn Thúy Hạnh được điều trị ung thư

Tin của đài RFA cho hay, Hôm 25 tháng 2 năm 2024, ba tổ chức gồm Diễn đàn Xã hội dân sự – Đại diện là Tiến sĩ Nguyễn Quang A; Diễn đàn Bauxite Việt Nam – Đại diện là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi; Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng – Đại diện là Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi, cùng 38 cá nhân đã đăng trên trang change.org bản “Yêu cầu trả tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh chữa bệnh ung thư”. Bản kiến nghị cũng được gửi tới ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bản kiến nghị có đoạn: “Cuối tháng 4 năm 2022, tuy đã hết hạn điều tra, bà Nguyễn Thúy Hạnh vẫn bị chuyển vào giam giữ tại khoa Chữa bệnh bắt buộc của Viện Pháp y Tâm thần trung ương. Ngày 15/1/2024 bà Hạnh đã được phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn hai. Tiếp tục giam giữ bà Hạnh dưới bất kỳ hình thức nào khi đã hết hạn điều tra từ rất lâu và trong tình cảnh bà bị bệnh hiểm nghèo ở tuổi trên 60 là việc làm trái pháp luật và hết sức vô nhân đạo.

Chúng tôi, các tổ chức và cá nhân ký tên dưới đây, khẩn thiết yêu cầu ông chỉ đạo các cơ quan hữu trách trả tự do ngay lập tức cho bà Nguyễn Thuý Hạnh để bà được chữa bệnh một cách thuận lợi”.

Bà Nguyễn Thuý Hạnh bị công an Hà Nội bắt giam vào ngày 7 tháng 4 năm 2021 về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” quy định tại điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015. Một năm sau đó, công an buộc bà phải đi điều trị bệnh trầm cảm tại Viện Pháp Y Tâm thần Trung ương. Bà Hạnh đã mắc bệnh trầm cảm nặng nhiều năm trước và phải trải qua quá trình điều trị bệnh này từ trước khi bị bắt.

Về lý nó là như thế và về luật nó phải là như thế. Mình không biết hy vọng thế nào, có đạt được gì không, nhưng mình không lên tiếng thì chẳng bao giờ có hy vọng gì cả. Việc lên tiếng thì mình phải lên tiếng. Thấy sự sai trái thì phải cất lên tiếng nói. Mà nhiều người cất lên tiếng nói thì khả năng có kết quả tốt càng nhiều. – TS. Nguyễn Quang A

Bà Nguyễn Thúy Hạnh

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với RFA hôm 27 tháng 2:

Cái kiến nghị này nêu ra việc các vị làm nó trái với luật của chính các vị. Và như thế là vô nhân đạo, ông Chủ tịch nước phải can thiệp. Phải thả bà Hạnh ra cho bà ấy chữa bệnh. Hết thời hạn điều tra mà không đi đến đâu thì phải tuyên bố việc điều tra đã chấm dứt và phải trả tự do cho bà ấy. Việc bà ấy chữa bệnh ở đâu là chuyện của bà ấy.

Về lý nó là như thế và về luật nó phải là như thế. Mình không biết hy vọng thế nào, có đạt được gì không, nhưng mình không lên tiếng thì chẳng bao giờ có hy vọng gì cả. Việc lên tiếng thì mình phải lên tiếng. Thấy sự sai trái thì phải cất lên tiếng nói. Mà nhiều người cất lên tiếng nói thì khả năng có kết quả tốt càng nhiều.

Ngày 27 tháng 1 năm 2024, cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Huệ cũng đăng tải lên danh khoản Facebook cá nhân của bà kiến nghị thư gửi Viện Kiểm sát Nhân dân và Cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Hà Nội, đồng thời thu thập chữ ký trực tuyến.

Trước đó một ngày, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cũng ra một bản kiến nghị “Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả bà Nguyễn Thúy Hạnh về gia đình để trị bệnh”. Kiến nghị có đoạn: “Chúng tôi đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam với tinh thần tôn trọng Nhân quyền và chính sách Nhân đạo, hãy giao trả bà Nguyễn Thúy Hạnh về gia đình để có điều kiện chăm sóc và điều trị tốt hơn. Chúng tôi tin rằng nhà cầm quyền làm như vậy sẽ được đông đảo dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ, hoan nghênh”.

Với bản kiến nghị mới nhất, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, nói với RFA:

“Trước đó có hai cái thư. Cái thư của chị Kim Chi với nhóm CLB Lê Hiếu Đằng và thư của cô Huệ Như. Tất cả đều đăng trên mạng. Hạnh có biết hai cái thư đó vì Hạnh đi chữa bệnh gặp mọi người họ nói. Anh cũng có nói cho Hạnh nữa. Những chuyện đó làm cho Hạnh rất là vui, cảm thấy mọi người có quan tâm tới mình. Trong tình hình này, liệu pháp tinh thần cũng giúp cho Hạnh nhiều. Có tác dụng nhiều.

Hạnh vừa bị trầm cảm vừa bị ung thư, mà hóa trị nó gây đau đớn lắm. Đau bỏ ăn, bỏ uống, chán nản lắm. Ăn cái gì nôn cái đó. Chừ còn lại ba đợt hóa trị. Đáng lẽ sáng hôm qua hóa trị nhưng bác sĩ nói yếu quá nên không cho hóa trị. Chả hy vọng gì nhưng lên tiếng vậy thì quốc tế họ để ý, họ tác động vô thì cũng giúp cho Hạnh về mặt tinh thần nhiều”.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh trong một lần biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh và chồng Huỳnh Ngọc Chênh

Ông Huỳnh Ngọc Chênh nói thêm, ông có nhờ luật sư của bà Hạnh là Luật sư Nguyễn Hà Luân làm đơn đề nghị Cơ quan điều tra cũng như Viện kiểm sát miễn trách nhiệm hình sự cho bà Hạnh theo Điều 29 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Nguyễn Hà Luân có đăng tải Kiến nghị của Văn phòng luật sư tới các cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu miễn trách nhiệm hình sự đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh. Kiến nghị có đoạn viết:

“Trước tình trạng mắc bệnh hiểm nghèo của một phụ nữ cao tuổi, phát sinh trong khi đang mắc một bệnh khác (Chữa bệnh từ tháng 04/2022 tới nay chưa cải thiện được) như trường hợp của bà Hạnh, chúng tôi nhận thấy rằng đã có đủ cơ sở, đủ căn cứ để kết luận rằng, tại thời điểm hiện tại bà Nguyễn Thúy Hạnh là không còn và không thể có “… khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa…” – nếu xác định là bà Hạnh đã có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đến mức phải khởi tố.

… Vì thế, việc áp dụng quy định tại điểm b, khoản 2 điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh là một quyết định phù hợp với quy định và thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự hiện hành. Quyết định này cần được đưa ra trong thời gian sớm nhất có thể”.

Theo Điểm b khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 quy định miễn trách nhiệm hình sự khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh là một nhà hoạt động nhân quyền. Bà từng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016 với cương lĩnh tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền và bảo vệ quyền phụ nữ.

Ngoài những người bị bệnh nặng nhưng không được chữa trị, không được đặc xá, còn một số tù chính trị chết trong trại giam, như nhà báo tự do Đỗ Công Đương, cựu giáo chức Đào Quang Thực và mục sư Đinh Diêm ở Trại giam số 6 (tỉnh Nghệ An), ông Phan Văn Thu ở Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), ông Đoàn Đình Nam ở Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), ông Huỳnh Hữu Đạt ở trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai).


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng