Ngành chế tạo Chip bán dẫn đang hướng đến “chân trời mới” đầy ánh sáng, có thể định hình thế giới trong thế trận “cạnh tranh chiến lược” mà csVN với trữ lượng đất hiếm “chưa chắc chắn” mới chỉ nhen nhúm tham vọng leo lên địa vị “có thế giá” trong ngành, thì liền bị “đàn anh phương Bắc GATO(*)”, lập lại áp lực quân sự như từng đẩy Ba-Đình vào hoàn cảnh “xiêu hồn lạc phách.”
Cho đến nay trữ lượng đất hiếm của Việt Nam vẫn còn là “ẩn số”. Một nghiên cứu không chính thức ở Việt Nam nói “Lai Châu hiện là địa phương có mỏ đất hiếm lớn nhất, theo một dự báo của Bộ Tài Nguyên Môi trường lên tới khoảng 21 triệu tấn, nhưng hiện vẫn chưa thể khai thác trên quy mô công nghiệp do thiếu đầu tư.”
Tháng 7 năm 2023, báo Nhà Nước trích thuật tin từ Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (United States Geological Survey, USGS), Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, khoảng 22 triệu tấn, sau Trung cộng có đến 44 triêu tấn.
Hôm mùng 01 tháng 02 năm 2024, theo Reuters, Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) giảm mạnh thẩm định về trữ lượng đất hiếm của Việt Nam, quốc gia vốn được coi là đứng hàng thứ hai về trữ lượng các kim loại chiến lược của thế giới.
Trong khi Ba-Đình tung ra nhiều biện pháp giảm thuế và hỗ trợ quỹ nghiên cứu để khuyến dụ các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn, thì Bắc Kinh lại bật đen xanh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản cảnh báo Ba-Đình phải cẩn trọng với chính sách “củ cà rốt” về chip bán dẫn của Mỹ.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo nhấn mạnh rằng, “thay vì thực sự giúp Việt Nam phát triển, Hoa Kỳ chỉ muốn dùng Việt Nam để gây sức ép lên Bắc Kinh bằng cách giành lấy một miếng bánh”.
Bắc Kinh từng thành công từ mùa Thu năm 2017, khi dùng sức mạnh quân sự yểm trợ cho chiến lược 2 bước: (1) ép Ba-Đình ngưng khai thác tài nguyên biển với các quốc gia Bắc Kinh không chấp nhận; (2) Bắc Kinh muốn quyền ưu tiên khai thác tài nguyên của Việt Nam. Cho đến nay Ba-Đình chưa lộ ra dấu hiệu nào cho thấy có đáp ứng yêu sách về bước thứ 2 của Trung Nam Hải.
Nhằm gây thêm áp lực đối với Ba-Đình, hôm 18 tháng 2 năm 2024, Trung Nam Hải ra lệnh đưa tàu hải cảnh đi vào khu vực các lô dầu khí nằm rải rác trong diện tích 693 km2 của Việt Nam ở vùng biển Bãi Tư Chính, nơi chỉ cách bờ biển thị xã Vũng Tàu 160 hải lý, ngay trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo ghi nhận của Trung tâm SeaLight Gordian Knot for National Security Innovation, của trường Đại học Standford, Hoa Kỳ: Hai ngày trước chuyến thăm của ông Tập tới Việt Nam vào giữa tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa tàu 5901- loại tuần tra lớn nhất thế giới với lượng giãn nước 12.000 tấn xâm nhập vào khu vực biển quanh Bãi Tư Chính để tạo “áp lực” trên Việt Nam. Sau đó, con tàu này đã quay trở lại thêm hai lần nữa, một vào ngày 29 tháng 12, và mới đây nhất là ngày 7 tháng 1 năm 2024.
Trong các năm 2017-2018, trước các áp lực dữ dội của Bắc Kinh, cấp lãnh đạo cao nhất Việt Nam đã phải đưa ra quyết định chính trị, huỷ các hợp đồng thăm dò với hai công ty nước ngoài là Repsol và Noble, nhằm tránh việc Bắc Kinh sử dụng biện pháp quân sự. Rốt cuộc Ba-Đình chẳng những mất cơ hội khai thác tài nguyên ngay trong vùng biển của mình, mà còn phải cắn răng xì ra 1 tỷ Mỹ kim để bồi thường cho Repsol và Noble, vì đã đơn phương hủy hợp đồng thăm dò khí đốt.
Với mỏ Cá Voi Xanh, nơi có trữ lương 150 tỷ mét khối khí đốt nằm trong Lô 118, cách bờ biển tỉnh Quảng Ngãi 50 hải lý, trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Mỏ Cá Voi Xanh được PetroVietNam hợp tác thăm dò với tập đoàn Exxon Mobil của Hoa Kỳ từ năm 2009. Nhưng Mỏ Cá Voi Xanh cũng nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn do Bắc Kinh đơn phương vẽ ra. Mùa Thu năm 2019 Bắc Kinh đã hai lần đem tầu Hải Dương 8 xâm phạm và quấy nhiễu nhằm lập lại kiểu đe dọa như từng áp lực với Repsol năm trước. Cả hai lần Hoa Kỳ đều xác định “không để Exxon trở thành nạn nhân của Bắc Kinh.” Đầu năm nay, csVN loan báo: Cá Voi Xanh dự trù sẽ cung cấp dòng khí đốt đầu tiên cho điện khí Việt Nam vào quý 4 năm 2026. Exxon Mobil ước lượng Cá Voi Xanh sẽ đem về khoảng 20 tỷ Mỹ kim cho ngân sách Việt Nam.
Đối với tài nguyên đất hiếm cũng vậy, tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn dụ rằng “hợp tác với dây chuyền công nghiệp của Bắc Kinh là điều tiên quyết mở ra đúng hướng cho Việt Nam tiến vào các ngành công nghiệp chiến lược”. [1]
Trong 36 thỏa thuận được đôi bên ký kết vào dịp ông Tập cận Bình thăm Việt Nam từ 12-13 tháng 12 năm 2023, văn kiện được chú ý hơn cả là đại dự án trọng điểm hợp tác đường sắt dài 380 cây số, hoàn tất vào năm 2030 nối liền Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, khổ 1,435m được điện khí hóa, phí tổn nợ nần phía Việt Nam phải gánh đến 11 tỷ Mỹ kim. . .
Đường sắt Lào Cai – Hanoi – Hai Phòng đi xuyên qua vùng Núi Pháo, nơi có mỏ vonfram chứa 66 triệu tấn quặng, và đa kim như bismuth, fluorit, đồng… là tài nguyên quan trọng nhất của Việt Nam ở tỉnh Lào Cai. Vonfram là thành phẩm quan trọng bậc nhất trong công nghệ vũ khí, điện tử, máy tính… đang là tâm điểm cạnh tranh của những cường quốc công nghệ.
Giới quan sát thời sự chỉ ra rằng Bắc Kinh sẽ dùng dự án đường sắt điện khí hóa để thao túng kinh tế, công nghệ, an ninh quôc phòng và chiến lược công nghệ đất hiếm của Việt Nam. Bởi vì tiền bạc được giao vào tay đàn anh “xấu nết” phương Bắc, từng ố danh trong việc xâm lăng kinh tế qua các đại dự án đội vốn và chậm tiến độ ở Việt Nam từ hàng chục năm qua. https://vanhoimoi.org/?p=19815
Trong khi Ba-Đình mở ra rất nhiều cách chiêu dụ các công ty ngoại quốc vào đầu tư trong ngành bán dẫn, thì Tập Đoàn Intel của Mỹ từng có nhà máy thử và đóng gói chip ở Saigon, nơi hãng này đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ Mỹ Kim, tháng 11 năm ngoái, Intel đã nêu lên mối lo ngại về thiếu ổn định nguồn cung cấp điện và tình trạng hệ thống hành chánh quan liêu quá mức ở Việt Nam, nên Intel đã ngưng đầu tư thêm ở Việt Nam để đưa đại dự án xây nhiều nhà máy trị giá đến hàng chục tỷ Mỹ kim sang các nước EU và Israel.
Hẳn là Ba-Đình không thể làm ngơ lịch sử Dân Tộc Việt bị giặc Tầu đô hộ 1000 năm. Mới nhất, từ năm 2014, Bắc Kinh từng ngang nhiên đem giàn khoan HD981 thăm dò dầu khí tại vùng biển cạnh quần đảo Hoàng Sa, châm ngòi cho sự nổi giận trong dân chúng. Vì vậy, mùa Hè năm 2018 hàng trăm ngàn người Việt Nam xuống đường trong nhiều cuộc biểu tình tuần hành phản đối Ba-Đình giao đất cho người Tầu thông qua hợp đồng thuê đất 99 năm theo Luật Đặc Khu Kinh Tế.
Vì vậy, ngày nay dù trong nội bộ Ba-Đình có nhóm muốn để Bắc Kinh liên doanh khai thác hai loại tài nguyên của Việt Nam: dưới biển trong các giếng dầu và đất hiếm trên đất liền, thì chế độ toàn trị cũng “chưa dám quyết”, vì biết chắc sẽ phải đối mặt với trên 80% (**) người Việt Nam coi Tầu cộng là mối đại họa mở ra một cuộc xâm lăng mới vào Việt Nam.
Mặc dù bây giờ là mùa Xuân, gió mùa Đông Bắc vẫn rít lên từng chặp đem theo hơi lạnh toát ra từ nòng súng đang gờm sẵn trên các chiến hạm của giặc Tầu bao phủ khắp Miền Bắc, khiến những người ngồi ở Ba-Đình chợt nhận ra chính sách ngoại giao đu dây lâu nay cố quá, bây giờ sắp đổi sang “quá cố”.
Trần nguyên Thao
March 2024
[1] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/global-times-warns-vn-to-be-cautious-of-the-us-carrot-policy-in-semiconductor-chip-development-02122024091032.html
(*) GATO: viết tắt từ thành ngữ dân gian: Ghen Ăn, Tức Ở.
(**) Số liệu khảo sát của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (Pew Research Center) đã công bố ngay từ năm 2017.