TIN THẾ GIỚI

Hai tàu chiến Nga tại bán đảo Crimée bị Ukraina ”oanh kích” (RFI)

Ukraina hôm 24/03/2024 khẳng định đã oanh kích hai tàu thuộc hạm đội Biển Đen của Nga tại bán đảo Crimée, mà Nga đã sáp nhập của Ukraina từ năm 2014. Thông báo được đưa ra sau ba đêm liên tiếp các lực lượng Nga oanh kích ồ ạt Ukraina, chủ yếu nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Hai tàu đổ bộ Yamal và Azov neo đậu tại cảng Sebastopol bị phá hủy. Nguồn BBC

Theo thông báo của Không quân Ukraina, hai tàu thuộc hạm đội Biển Đen của Nga tại Sebastopol ”bị nhắm trúng” là hai tàu đổ bộ Yamal và Azov. Không quân Ukraina cũng nhắm trúng một trung tâm liên lạc và cơ sở hạ tầng của hạm đội Biển Đen của Nga tại Sebastopol.

Về phần mình, tối hôm qua, quân đội Nga loan báo đã đẩy lui được một cuộc tấn công ồ ạt của tên lửa Ukraina nhắm đến Sébatopol tại bán đảo Crimée. Trên mạng Telegram, thống đốc vùng, ông Mikhail Razvojaiev, khẳng định theo thông tin ban đầu, có hơn 10 tên lửa của Ukraina đã bị bắn hạ, mảnh vỡ của một tên lửa làm một thường dân 65 tuổi chết, 11 người khác bị thương, trong đó có 1 thiếu niên.

Nga tiếp tục oanh kích nhiều khu vực tại Ukraina

Về cuộc oanh kích diện rộng của Nga nhắm vào lãnh thổ Ukraina, theo AFP, không quân Ukraina cho biết là trong đêm qua 23 rạng sáng hôm nay 24/03 đã hạ được 18 trên tổng số 29 tên lửa và 25 trong tổng số 28 drone phát nổ của Nga đã tấn công nhiều khu vực trên khắp cả nước.

Các thiệt hại của Ukraina chủ yếu liên quan đến cơ sở hạ tầng ở các đô thị, cơ sở hạ tầng của các cảng, cơ sở hạ tầng năng lượng ở Kiev, cũng như tại các vùng Lviv (miền tây), Kryvyi Rig (miền trung) và khu vực Danube (miền tây nam). Nhưng dường như các thiệt hại bớt nghiêm trọng hơn so với trước đó một hôm. Xin nhắc lại là trong đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy, Kharkiv (miền đông bắc), thành phố lớn thứ hai của Ukraina, đã bị cúp điện, nước và hệ thống sưởi ấm cũng bị hỏng.

Tên lửa Nga xâm phạm không phận Ba Lan

Liên quan đến Ba Lan, sáng nay, quân đội nước này cho biết 1 tên lửa của Nga trên hành trình bay nhắm đến các thành phố miền tây Ukraina đã xâm phạm không phận Ba Lan trong vòng 40 giây, phía trên bầu trời làng Oserdow, cách thành phố Lviv của Ukraina khoảng 100km. Vacxava hiện đang yêu cầu Matxcơva giải thích về vụ xâm phạm không phận của Ba Lan.


Khủng bố : TT Nga Putin thừa nhận thủ phạm là Hồi giáo cực đoan, nhưng vẫn cáo buộc Ukraina

Ngày 25/03/2024, ba ngày sau vụ khủng bố gần Matxcơva làm ít nhất 140 người chết và 182 người bị thương, mà tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (Daech) nhận trách nhiệm, tổng thống Nga Vladimir Putin lần thứ 2 lên tiếng về sự kiện này. Trong một cuộc họp chính phủ, ông thừa nhận thủ phạm là các phần tử « Hồi giáo cực đoan », nhưng nguyên thủ Nga tiếp tục hàm ý cho rằng có mối liên hệ  giữa Ukraina và nhóm khủng bố.

Ảnh minh họa

Thông tín viên RFI, Anissa El Jabri, tại Matxcơva tường trình :

Quả thực ông Vladimir Putin vẫn giữ nguyên ý định đầu tiên như trong bài diễn văn dài 5 phút hôm thứ Bảy vừa rồi khi nhắc đến « dấu vết Ukraina ». Theo ông, có những kẻ hành quyết và có cả những kẻ chỉ đạo.

Rõ ràng là 3 ngày sau vụ khủng bố và 2 ngày sau khi Daech nhận trách nhiệm, lần đầu tiên tên của nhóm khủng bố này mới được chính quyền Nga nói đến. Phải chăng lãnh đạo Nga đã mất rất nhiều thời gian để cân nhắc về thủ phạm vụ tấn công ? 

Đó là bởi vì với ông, chẳng có gì khác. Mối đe dọa hàng đầu đối với nước Nga vẫn là phương Tây. Trong khi đó, ông cũng như các cơ quan an ninh hay truyền thông chính thức đều không đưa ra bằng chứng làm cơ sở cho phát ngôn đó.

Nhưng Vladimir Putin vẫn và sẽ còn nhắc đến những kẻ tình nghi trốn sang Ukraina, và coi vụ tấn công khủng bố hôm thứ Sáu là « một mắt xích khủng khiếp, nhưng đó là một mắt xích trong cuộc đối đầu lâu dài với những kẻ chiến đấu chống lại đất nước chúng ta, qua bàn tay của chế độ quốc xã Kiev. »

Sáng nay, hệ thống tuyên truyền đã khởi động. Khi tìm kiếm, người ta có thể tìm thấy một bài trên trang báo chính thức Komsomol Skaïa Pravda. Vẫn không có bằng chứng nhưng bài báo vẫn cứ chạy tựa : « Những gì chúng ta biết về các mối liên quan của Kiev với Daech ».

Trở lại diễn tiến của sự việc khi bốn tên khủng bố bước ra khỏi xe đậu trước cửa rạp, tiến lại gần cửa và bắt đầu xả súng, chúng tiếp tục tiến đến sân khấu và liên tục nổ súng về phía khán giả. Sau độ 15 phút, khi bắn đến viên đạn cuối cùng và phóng hỏa tòa nhà, các hung thủ đi ra xe và không quên dùng smartphone ghi lại cảnh hỗn loạn thương tâm. Một tiếng rưỡi đồng hồ sau, toán đặc nhiệm an ninh mới xuất hiện, dù tổng hành dinh ở gần bên rạp hát. Điều này chứng tỏ guồng máy tình báo an ninh khổng lồ của Putin đã hoàn toàn bất lực trước bọn khủng bố.


Trước mối đe doạ khủng bố, hàng loạt nước châu Âu nâng mức cảnh báo an ninh (RFI)

Sau vụ khủng bố tấn công một rạp hát ở ngoại ô Matxcơva, Nga, hồi tuần trước khiến hơn 140 người thiệt mạng, nhiều nước châu Âu ngày hôm qua 25/03/2024, đã thông báo tăng cường các biện pháp an ninh trên toàn quốc để chuẩn bị cho dịp lễ Phục sinh.

Tại Pháp, sau khi nâng mức báo động khủng bố lên nấc cao nhất, ngày hôm 25/03/2024, thủ tướng Gabriel Attal đã công bố “các biện pháp đặc biệt” nhằm đối phó với các hành động “khủng bố Hồi giáo” khi ông đến thăm Gare St-Lazare ở Paris. Thủ tướng Pháp tuyên bố sẽ huy động các “phương tiện đặc biệt” trên toàn lãnh thổ Pháp, với “4.000 binh sĩ bổ sung”. Việc giám sát sẽ được tăng cường ở những nơi được coi là “nhạy cảm”. Ông đồng thời khẳng định rằng 45 âm mưu tấn công khủng bố đã bị ngăn chặn kể từ năm 2017 và 760 người nước ngoài cực đoan đã bị trục xuất.

Pháp tăng cường canh gác, an ninh

Tây Ban Nha duy trì tình trạng cảnh báo tấn công ở mức 4 trên bậc thang 5 mức, trong khi Na Uy cho biết sẽ trang bị vũ khí tạm thời cho lực lượng cảnh sát vào cuối tuần lễ Phục sinh (27/03 đến 02/04), sau khi cơ quan tình báo nước này cảnh báo về khả năng xảy ra các cuộc tấn công thánh chiến nhắm vào các nhà thờ và các cuộc tụ họp Kitô giáo.

Tương tự như các quốc gia láng giềng, Ủy ban Trật tự và An ninh Quốc gia Ý cũng đã nâng mức cảnh báo trên toàn quốc, đặc biệt là trong những ngày tới, khi nhiều nghi lễ tôn giáo sẽ được tổ chức và dự kiến thu hút hàng nghìn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Từ Rome, thông tín viên RFI Anne Le Nir cho biết cụ thể :

Các biện pháp tăng cường chống khủng bố của Ý dự kiến trước hết sẽ gia tăng giám sát những địa điểm quan trọng trong số 28.000 địa điểm nhạy cảm được xác định ở nước này, bao gồm các cơ sở thờ tự, đại sứ quán, sân bay, nhà ga, bến tàu điện ngầm, viện bảo tàng và công viên khảo cổ. Hơn nữa, cảnh sát và lực lượng hiến binh cũng đang bắt đầu triển khai các cuộc tuần tra thường xuyên trên đường tại các thành phố du lịch.  

Ngoài ra, hoạt động giám sát những người cực đoan trên mạng xã hội cũng được tăng cường. Tại Ý, chính quyền đặc biệt cảnh giác về việc tuyển dụng trực tuyến những “con sói đơn độc” (các cá nhân thực hiện những hành động khủng bố riêng lẻ, nhưng có quan hệ với các tổ chức cực đoan). Vào năm 2023, 95 người bị coi là mối đe doạ an ninh đã bị trục xuất – gần một nửa trong số đó bị trục xuất sau vụ tấn công của Hamas vào Israel, hôm 07/10. Theo bộ Nội Vụ Ý, đa số những người bị trục xuất mang quốc tịch (theo thứ tự) Tunisie, Maroc, Albanie và Algerie.”


Bộ Quốc Phòng Anh: Hạm đội Biển Đen của Nga đã ‘‘tê liệt’’ trên thực tế (RFI)

Tuy phải hứng chịu liên tục các đợt oanh kích dữ dội của Nga, quân đội Ukraina, trong những ngày gần đây cũng giáng cho lực lượng Hải quân Nga nhiều đòn nặng nề. Theo ghi nhận của bộ trưởng Quốc Phòng Anh Grant Shapps, hôm 24/03/2024, trên mạng X, toàn bộ hạm đội Biển Đen của Nga trên thực tế ‘‘đã bị tê liệt’’.

Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Anh nhận định : ‘‘Nga hiện diện tại Hắc Hải từ năm 1783, nhưng kể từ giờ họ buộc phải neo tàu tại bến, nhưng ngay cả ở đó, các chiến hạm của Putin vẫn tiếp tục bị chìm’’. Theo Luân Đôn, cuộc xâm lăng Ukraina đã khiến Hải quân Nga phải gánh chịu các tổn thất nặng nề.

Nhận định của bộ trưởng Quốc Phòng Anh được đưa ra đúng vào lúc Ukraina thông báo bắn trúng hai tàu đổ bộ của Nga, neo đậu tại Sebastopol, đồng thời phá hủy một trung tâm chỉ huy tại thành phố này. Đây là một đòn nặng nề đối với Hải quân Nga, và một minh chứng mới cho thấy chiến lược của Kiev đánh sâu vào hậu cứ đối phương đang mang lại kết quả.

Về cuộc tấn công hôm thứ Bảy qua ngày Chủ Nhật thông tín viên Pierre Alonso cho biết thêm:

‘‘Trong khi đang gặp nhiều khó khăn ở mặt trận, nơi quân đội Ukraina phải củng cố các tuyến phòng thủ để ngăn chặn bước tiến của Nga, quân đội nước này đã gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào các địa điểm xa tiền tuyến. Ví dụ mới nhất là cuộc tấn công ngoạn mục được thực hiện đêm hôm trước ở bán đảo Crimée, nhắm vào Hạm đội Biển Đen.

Cho dù, đây không phải là lần đầu tiên Kiev tấn công bán đảo bị Nga chiếm đóng, và Yamal cùng Azov, hai tàu đổ bộ bị tấn công, chỉ gia nhập vào danh sách dài các tàu Nga bị đánh chìm trong hai năm qua, nhưng Ukraina dường như quyết định tập trung tấn công nhắm vào hậu cứ đối phương. Chiến lược được gọi là ‘‘hàng ngàn nhát cắt’’ này có mục đích phá vỡ hệ thống các cơ sở hậu cần của Nga.

Đây cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công ở khu vực biên giới Belgorod. Các chiến dịch “đưa” chiến tranh vào lãnh thổ Nga cũng mang lại các tác động về tâm lý. Cùng lúc đó, Kiev cũng tấn công vào các nguồn tài chính của Nhà nước Nga bằng cách oanh kích các cơ sở sản xuất dầu mỏ. Một lần nữa vào sáng thứ Bảy 23/03, drone Ukraina lại tấn công nhiều nhà máy lọc dầu ở vùng Samara, cách biên giới gần 1.000 cây số.’’


Nam Hàn ‘quan ngại sâu sắc’ việc Trung Cộng dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines (VOA)

Bộ Ngoại giao Nam Hàn hôm 26/3 bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về việc Trung Cộng gần đây sử dụng vòi rồng tấn công tàu Philippines, và nói rằng nó gây ra căng thẳng ở Biển Đông cũng như làm suy yếu trật tự hàng hải.

Philippines cáo buộc hải cảnh Trung Cộng hôm 23/3 đã sử dụng vòi rồng phun vào một tàu dân sự tiếp tế cho quân đội của họ tại Quần đảo Trường Sa, một quần mà đảo phần lớn không có người ở trên Biển Đông, nơi từ lâu đã là nguồn gốc của các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Đây là vụ căng thẳng mới nhất trong một loạt sự kiện bùng phát trong năm qua.

Tàu tiếp tế (dân sự) của Phi bị hai tàu hải cảnh TC tấn công bằng vòi rồng tại bãi Cỏ Mây. Ảnh chụp từ màn hình của đoạn Video do chính quyền Phi cung cấp

Philippines đã gửi công hàm phản đối Trung Cộng và cho biết con tàu của họ bị hư hỏng và một số thủy thủ bị thương. Còn Bắc Kinh thì cảnh báo Manila phải hành xử thận trọng và tìm kiếm đối thoại, khi cho rằng mối quan hệ giữa họ đang ở “ngã ba đường”.

“Chúng tôi thực sự quan ngại về việc sử dụng vòi rồng gần đây và lặp đi lặp lại ở Biển Đông,” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Seoul, Lim Soo-suk, nói trong một cuộc họp báo.

“Những hành động này làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng được tất cả các nước sử dụng, trong đó có Nam Hàn, và làm suy yếu các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và trật tự hàng hải dựa trên luật lệ.

Ông Lim cũng nói rằng quyền tự do hàng hải và hàng không phải được tất cả các nước tôn trọng dựa trên luật pháp quốc tế.

Chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol của Nam Hàn đã lên tiếng về căng thẳng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, nói rằng họ phản đối các nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Được biết về phía Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro đã lên tiếng “thách thức” Trung Cộng đem yêu sách về chủ quyền Biển Đông ra trọng tài quốc tế và khẳng định Manila sẽ không thay đổi quan điểm của mình.

“Nếu Trung Cộng không ngại tuyên bố chủ quyền của mình với thế giới, thì tại sao chúng ta không phân xử theo luật pháp quốc tế?” ông Teodoro nói với các phóng viên.

Ngoài ra, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines đã triệu tập một cuộc họp cấp cao gồm các quan chức an ninh hàng đầu vào thứ Hai 25/3 về vụ việc để chuẩn bị các khuyến nghị trình lên Tổng thống Ferdinand Marcos Jr về các giải pháp nhằm giải quyết tranh chấp.


LHQ thông qua nghị quyết ngưng bắn ở Gaza, quan hệ Mỹ – Israel căng thẳng (RFI)

Ngày 25/03/2024, lần đầu tiên sau hơn 5 tháng bùng nổ xung đột ở Gaza, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua được một nghị quyết « yêu cầu một lệnh ngưng bắn tức thì trong tháng chay Ramadan » ở dải Gaza. Đây cũng là lần đầu tiên Washington không dùng đến quyền phủ quyết sau nhiều lần phản đối các văn bản khác mà Hoa Kỳ đánh giá là bất lợi cho Nhà nước Do Thái.

Tuy nhiên, động thái này của chính quyền Biden đã khiến Israel tức giận cho dù Hoa Kỳ đã tìm cách giảm thiểu tầm quan trọng của văn bản. Từ Washington, thông tín viên đài RFI, Carrie Nooten tường thuật :

« Chỉ mất có vài phút, Benjamin Netanyahu đã công khai bày tỏ sự bất mãn khi cho hủy chuyến đi một phái đoàn các cộng sự thân cận của ông đến Washington. Nhà Trắng cho biết họ “ngạc nhiên” về phản ứng này, và phủ nhận mọi thay đổi lớn trong quan hệ với Israel. Và để chứng minh cho thiện chí của mình, chương trình chuyến công du cho bộ trưởng Quốc Phòng Israel, hiện đã có mặt ở Mỹ, đã được lên kế hoạch dày đặc. Hoa Kỳ còn tìm cách giảm nhẹ tầm mức của nghị quyết khi khẳng định rằng văn bản này không có tính ràng buộc và sẽ chẳng gây cản trở gì cho khả năng của Israel chiến đấu chống phe Hamas.

Hình ảnh một phiên họp của Hội Đồng Bảo An LHQ

Điều này là không đúng, bởi vì mọi nghị quyết của Hội Đồng Bảo An đều cấu thành luật pháp quốc tế mà các bên liên quan phải tuân thủ. Nhưng dù nói gì đi nữa, chính quyền Biden những ngày qua đã tỏ ra là họ không còn sẵn sàng đi theo Israel đang trong tình trạng ngày càng bị cô lập.

Cuối cùng, đó không phải là vì sự bạc bẽo của Benjamin Netanyahu khiến Biden thay đổi ý kiến mà là điều kiện sống ngày càng tồi tệ của người dân ở dải Gaza và nhất là áp lực từ các cử tri đảng Dân Chủ bất mãn khi chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. »

Phản ứng quốc tế

Phong trào Hồi giáo cực đoan Hamas hoan nghênh nghị quyết, và bày tỏ « mong muốn thực hiện một tiến trình trao đổi » tù nhân lấy con tin  « ngay lập tức » cũng như là mong muốn « đạt được một lệnh ngưng bắn thường trực đi đến việc rút mọi lực lượng Israel » trên lãnh thổ Gaza.

Còn theo Alice Froussard, thông tín viên đài RFI tại Ramallah, phóng viên RFI ở Ramallah, ngay sau khi nghị quyết được công bố, đã có những tiếng reo vui ở phía nam dải Gaza, ở Rafah, nơi có một triệu rưỡi người tị nạn Palestine đang sống chen chúc. Đối với nhiều người, lệnh ngừng bắn – ngay cả khi chỉ trong thời gian tháng Ramadan – có nghĩa là họ sẽ trở về nhà, cung cấp viện trợ nhân đạo tốt hơn và do đó được cung cấp lương thực.

Nhà nước Palestine, thông qua lời bộ trưởng Dân sự, Hussein Al Cheikh, ngoài việc hoan nghênh nghị quyết, đã yêu cầu « ngưng hẳn cuộc chiến tội ác và triệt thoái tức thì quân đội Israel ra khỏi dải Gaza ».

Ai Cập thì nói đến một « bước tiến quan trọng đầu tiên », nhằm « chấm dứt hành động gây hấn của Israel chưa từng có trong lịch sử trên dải Gaza », theo như lời thủ tướng Liban. Chính quyền Teheran, nguồn hậu thuẫn của Hamas, thì xem đây như là « một bước tiến tích cực nhưng chưa đủ ».

Về phần mình, Qatar, nước trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas, kêu gọi hai bên nên « tham gia tích cực hơn trong các cuộc đàm phán đang diễn ra ».

Liên Hiệp Châu Âu, cùng nhiều nước thành viên như Pháp, Đức, Tây Ban Nha… kêu gọi thực hiện nghị quyết, « yêu cầu ngừng bắn tức thì và trả tự do vô điều kiện ngay lập tức tất cả các con tin. »


Nhật Bản phê duyệt sửa đổi quy định xuất khẩu chiến đấu cơ (RFI)

Hôm 26/03/2024, nội các Nhật Bản đã thông qua việc sửa đổi các quy định chuyển giao công nghệ và thiết bị vũ khí để cho phép xuất khẩu các máy bay chiến đấu thế hệ mới mà nước này đang phát triển cùng với Anh và Ý. Đây là động thái mới nhất của Tokyo nhằm thoát khỏi các nguyên tắc chủ hòa kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Ảnh minh họa

Quyết định này sẽ cho phép Tokyo lần đầu tiên xuất khẩu vũ khí sát thương. Nhật Bản hiện đang hợp tác với Anh và Ý để phát triển một loại máy bay chiến đấu tân tiến, nhằm thay thế các chiến đấu cơ Eurofighter Typhoons và phi đội máy bay chiến đấu F-2 do Mỹ thiết kế từ lâu.

Theo AP, chánh văn phòng nội các Yoshimasa Hayashi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những thay đổi này đối với an ninh của Nhật Bản, đồng thời khẳng định Tokyo sẽ “tiếp tục tuân thủ triết lý cơ bản là một quốc gia chủ hòa” và có các “quy định nghiêm ngặt về thủ tục phê duyệt bán máy bay phản lực”. 

Cho đến hiện tại, việc xuất khẩu chiến đấu cơ sẽ được hạn chế trong 15 quốc gia đã ký các thỏa thuận hợp tác quốc phòng và chuyển giao thiết bị với Tokyo. Ngoài ra, Nhật Bản cũng không xuất khẩu chiến đấu cơ đến những nước có xung đột.

Nhật Bản từ lâu đã duy trì chính sách nghiêm ngặt nhằm hạn chế chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự cũng như cấm xuất khẩu mọi loại vũ khí sát thương theo Hiến Pháp chủ hòa của nước này, nhưng đã nhanh chóng tiến hành từng bước nhằm bãi bỏ quy định, trong bối cảnh leo thang căng thẳng trong khu vực và trên toàn thế giới, đặc biệt là sau các hành động khiêu khích từ nước láng giềng Trung Cộng.


Mỹ, Anh và New Zealand đồng loạt tố cáo Trung Cộng tấn công mạng (RFI).

Hôm 25/03/2024, chính quyền Washington, London và Wellington đã cáo buộc Bắc Kinh đứng sau một loạt các cuộc tấn công mạng nhằm vào các định chế chính trị của Mỹ, Anh và New Zealand.

Theo AFP, bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thông báo đã truy tố 7 người Trung Cộng vì thực hiện các “hoạt động tấn công mạng quy mô toàn cầu” trong suốt 14 năm nhằm góp phần vào “các mục tiêu gián điệp kinh tế và tình báo nước ngoài” của Bắc Kinh. Các hoạt động này bao gồm việc gửi hơn 10.000 email nhắm vào các công ty, chính trị gia, ứng cử viên trong các cuộc bầu cử và các nhà báo làm việc tại Hoa Kỳ và nước ngoài. Các tin tặc cũng đã truy cập vào “tài khoản email, tài khoản lưu trữ đám mây và bản ghi âm cuộc gọi điện thoại”. Theo Washington, một nhóm có tên APT31 là thủ phạm của “chương trình gián điệp mạng” này và nằm dưới sự quản lý của bộ An Ninh Trung Cộng.

Ngay sau đó, phó thủ tướng Anh Oliver Dowden cũng thông báo trước Quốc Hội rằng “các đối tượng có liên hệ với nhà nước Trung Cộng” đã thực hiện các hành động tấn công mạng nhằm vào các nghị sĩ chỉ trích Bắc Kinh và chống lại Ủy ban Bầu cử của Anh vào năm 2020 và 2021. Ông cho biết đại sứ Trung Cộng sẽ được triệu tập và hai cá nhân cùng thuộc tổ chức APT31 sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt. Theo truyền thông Anh, cuộc tấn công vào Ủy ban Bầu cử đã cho phép các đối tượng truy cập vào các máy chủ chứa bản sao sổ đăng ký bầu cử với dữ liệu của 40 triệu cử tri.    

Trong một thông báo phối hợp, New Zealand cáo buộc một nhóm hacker do Bắc Kinh hậu thuẫn đã tấn công vào hệ thống máy tính của văn phòng Quốc Hội nhưng cuộc tấn công đã bị ngăn chặn. Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon thừa nhận với báo chí rằng việc quy kết cuộc tấn công mạng do Trung Cộng thực hiện có khả năng khiến mối quan hệ tốt đẹp với đối tác thương mại chính của Wellington trở nên xấu đi, nhưng đây là “một bước quan trọng”.

Đáp lại, đại sứ quán Trung Cộng tại Anh và New Zeland lên án những cáo buộc này là “hoàn toàn vô căn cứ”, là những “vu khống ác ý” đồng thời bày tỏ “sự bất bình sâu sắc”.

Trong những năm gần đây, Trung Cộng và Nga đã nhiều lần bị các nước phương Tây cáo buộc sử dụng các công ty bình phong chuyên dụng để thực hiện các cuộc tấn công mạng, khiến việc kết tội trở nên khó khăn hơn.


Ấn Độ ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền lãnh hải (RFI)

Trong cuộc họp báo tại Manila hôm 26/03/2024, ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố New Delhi hỗ trợ Philippines bảo vệ chủ quyền và hy vọng đôi bên mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh đến cam kết song phương nghiên cứu khả năng bảo đảm tự do và hòa bình cho khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Tàu tiếp tế (dân sự) của Phi bị hai tàu hải cảnh TC tấn công bằng vòi rồng tại bãi Cỏ Mây

Ba ngày sau vụ tàu tiếp liệu cho Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) của Philippines bị tàu hải cảnh Trung Cộng tấn công, ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trong cuộc họp báo với người đồng cấp Philippines Enrique Manalo tránh nêu đích danh Trung Cộng và những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng theo ghi nhận của báo Hindustan Times, hai bên nhấn mạnh đến hợp tác trên biển, « đẩy mạnh đối thoại » và « mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực giao thông hàng hải », « cứu hộ và giám sát việc thực thi luật pháp quốc tế » đặc biệt là trong vùng biển Ấn Độ -Thái Bình Dương, 

Tờ báo cũng nhắc lại Ấn Độ và Philippines đã tăng cường hợp tác chiến lược trong thời gian gần đây và năm 2022 Manila là khách hàng đầu tiên trang bị tên lửa Brahmos do Ấn Độ và Nga chế tạo.

Cũng trong cuộc họp báo sau buổi làm việc với đồng cấp Philippines, ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh New Delhi « hoàn toàn tin tưởng là những tiến bộ và thịnh vượng trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương được bảo đảm tốt hơn nếu như các bên tôn trọng trật tự được dựa trên cơ sở pháp lý ». Đáp lời ngoại trưởng Ấn Độ, phía Manila cho biết đôi bên đã có những « trao đổi sâu sắc về các chương trình hợp tác quốc phòng và an ninh » nhằm bảo đảm các quyền tự do lưu thông ở Ấn Độ -Thái Bình Dương , đây phải là một vùng biển « tự do và rộng mở ».

Trong chuyến công du Philippines từ ngày 25 đến 27/03/2024 ngoại trưởng Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar đã được tổng thống Ferdinand Marcos Jr tiếp và có một buổi làm việc với bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, Gilbert Teodoro.


TIN VIỆT NAM

Ông Nguyễn Phú Trọng mời TT Nga Vladimir Putin thăm Hà Nội

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trong vào chiều ngày 26/3 có cuộc điện đàm cấp cao với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Trọng mời ông Putin sang thăm Việt Nam.

Thông tấn xã Việt Nam loan tin nêu rõ cuộc điện đàm diễn ra tại trụ sở Trung ương Đảng CS VN ở Hà Nội.

Trong cuộc điện đàm, ông Nguyễn Phú Trọng chia buồn về vụ khủng bố ở thủ đô nước Nga hôm  chiều tối 22/3 vừa qua. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam mời ông Putin sớm sang thăm chính thức Hà Nội.

Cuộc điện đàm cấp cao như vừa nêu diễn ra sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử chức vụ tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ thứ năm trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 17/3 vừa qua.

Ngày hôm sau 18/3, ông Nguyễn Phú Trọng- Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, gửi thư chúc mừng.

Liên bang Nga là một trong những nước có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Nước này từng là đồng minh của Việt Nam trong cuộc chiến trước đây và trong thời gian qua là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Hà Nội.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang tìm kiếm các nguồn cung vũ khí khác để tránh quá lệ thuộc vào Nga. (RFA)


Võ Văn Thưởng mất chức, Giới đầu tư nước ngoài nghi ngại

Hai chủ tịch nước bị miễn nhiệm chỉ trong vòng hơn một năm cùng với chiến dịch “đốt lò” khiếnnhiều quan chức bị xử lý, Việt Nam đang khiến giới đầu tư quốc tế nghi ngờ sự ổn định chính trị.

Trong vài ngày có đồn đoán ông Võ Văn Thưởng sẽ bị miễn nhiệm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có biến động.

Cụ thể, Reuters đưa tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã bán đi khoảng 80 triệu USD tiền cổ phiếu trong hai ngày 18-19/3.

Việc ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm vào ngày 21/3 đã gây ra bất an trong giới đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2023, đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào GDP Việt Nam chiếm khoảng 22%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Cũng theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực đầu tư nước ngoài rơi vào gần 258,8 tỷ USD và chiếm khoảng 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước tính đến tháng 12/2023.

Sự ổn định chính trị từ lâu đã là ưu điểm của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sự bất định về chính trị mới nảy sinh gần đây có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại, theo bài bình luận của tác giả Karishma Vaswani trên hãng tin Bloomberg.

Đó là những nhà đầu tư đã đổ xô tới Việt Nam theo sau cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung, khi họ bị thu hút bởi lực lượng lao động lành nghề và giá rẻ của Việt Nam cũng như không bị chính phủ Mỹ soi xét về chính trị.

Bloomberg cho biết Việt Nam là bên hưởng lợi rất lớn từ cuộc chiến tranh thương mại này, với đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng đến 32% trong năm 2023, thu hút gần 36,61 tỷ đô la đầu tư.

Các công ty đang tìm cách phân tán rủi ro ra khỏi Trung Quốc đã thành lập các nhà máy và đổ vốn đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng này cũng rất mạnh mẽ vào đầu năm 2024, với một lượng vốn đầu tư nước ngoài kỷ lục đạt hơn 4,29 tỷ đô la Mỹ trong tháng 1 và tháng 2, tăng 39% so với năm trước.

Việt Nam là một ví dụ điển hình cho điều mà một quốc gia nên làm khi tìm cách thoát khỏi cảnh trì trệ của Trung Quốc và cho đến nay Việt Nam đã khá thành công. Tuy nhiên, nước này cần đảm bảo thể hiện một hình ảnh ổn định và mạnh mẽ đối với thế giới để tiếp tục thành công như hiện nay, theo bài bình luận trên Bloomberg.

“Ba ổn định” để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Tài chính Việt Nam vào tháng 6/2018, lần lượt là “ổn định về chính trị – an ninh; ổn định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; ổn định trong chủ trương không ngừng đổi mới, cải cách”.

Tuy nhiên, việc liên tục miễn nhiệm hai chủ tịch nước – một trong bốn chức lãnh đạo cao nhất Việt Nam – chỉ trong hơn một năm gây ra sự bất an trong tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.Cùng với đó là chiến dịch chống tham nhũng, hay còn gọi là “đốt lò”, liên miên càng tạo nên một ấn tượng bất an rộng khắp.

“Một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là sự ổn định chính trị,” Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War (Mỹ), đánh giá.

“Với việc hai phó thủ tướng, hai chủ tịch nước và một thành viên bộ chính trị khác buộc phải từ chức trong 15 tháng qua, Việt Nam trông có vẻ bất ổn về mặt chính trị. Với tình trạng thiếu năng lượng, tham nhũng và không thực hiện được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, sự bất ổn chính trị gây tổn hại cho một quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài,” ông nhận định.

Báo The Guardian trích lời Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nhận định rằng việc từ chức của hai chủ tịch nước trong vòng chưa đầy hai năm không phải là dấu hiệu tốt đối với một quốc gia thường tự hào về ổn định chính trị.

“Dù khu vực FDI đã phần nào được tách khỏi chiến dịch chống tham nhũng, nhưng sự bất ổn có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn cách chờ đợi và theo dõi thêm giữa bối cảnh chính trị khó lường của Việt Nam,” ông Giang nói.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Florian Feyerabend, trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung), nhận định rằng diễn biến gần đây trên chính trường Việt Nam đặt ra câu hỏi về “khả năng dự đoán, độ tin cậy và hoạt động nội bộ của hệ thống” mà các quyết định đầu tư xoay quanh.

Trong 13 năm làm tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã xem chiến dịch chống tham nhũng là trọng tâm của mình. Công cuộc “đốt lò” của ông đã khiến hai chủ tịch nước và hai phó thủ tướng mất chức trong thời gian gần đây. Nhiều người khác, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, đã bị kỷ luật, thậm chí đi tù.

Reuters cho biết các nhà đầu tư và ngoại giao quốc tế đã nhiều lần đổ lỗi cho chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ cho rằng chiến dịch này làm chậm lại các quyết định ở một đất nước vốn đang phải vật lộn với bộ máy quan liêu cồng kềnh.

Việc miễn nhiệm ông Võ Văn Thưởng nói riêng và chiến dịch “đốt lò” có thể đem lại những tác động không mong muốn, theo giới quan sát.

Một cố vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nói với Reuters rằng việc ông Thưởng bị bãi nhiệm sẽ khiến các quyết định về chính sách và hành chính bị chậm lại do các quan chức sợ bị liên lụy trong quá trình chống tham nhũng.

Theo The Guardian, nhiều quan chức khác cũng e dè trong việc đưa ra các quyết định quan trọng và cho rằng không làm gì thì tốt hơn là phê duyệt các dự án rồi mắc lỗi.

Chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến sẽ còn nóng hơn nữa từ nay cho đến Đại hội Đảng lần thứ 14 vào tháng 1/2026. (BBC)

Mời quý độc giả đọc thêm bài Thời Sự Kinh Tế đăng trên VHM https://vanhoimoi.org/?p=20821


Hơn 10.000 tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam trong năm qua

Theo tin của RFA, Các lực lượng thuộc Hải quân Việt Nam trong năm qua đã xua đuổi trên 10.000 lượt tàu cá nước ngoài bị cho xâm phạm vùng biển của Việt Nam.

Số liệu vừa nêu được thông báo tại hội nghị gặp mặt báo chí Xuân Giáp Thìn 2024 do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam tổ chức hồi ngày 21/3 tại thành phố Hải Phòng.

Đội tàu đánh cá TC “xuất quân” tràn ngập Biển Đông

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng- Bí thư đảng ủy, Chính ủy Hải quân Việt Nam cho biết quân chủng Hải quân trong năm qua thường xuyên duy trì hàng trăm lượt tàu để làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ như trường theo Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không thoe quy định (IUU).

Ngoài việc phát hiện tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển của Việt Nam như vừa nêu, các lực lượng của Hải quân còn tiến hành tuyên truyền, vận động ngư dân trong nước giám sát, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép trên các vùng biển của nước ngoài.

Thông tấn xã Việt Nam ngày 22/3 dẫn lời của một giới chức Chính phủ Hà Nội cho biết tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của những nước khác trong những năm qua giảm dần.

Đáng lưu ý tình trạng vi phạm vùng biển của các quốc gia đảo ở Thái Bình Dương như Australia, Palau, Tân Caledonia, Papua Tân Guinea được xóa bỏ từ năm 2018.

Vào tháng 10/2017, EC ra quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam xuất vào thị trường EU. Lý do phía Việt Nam không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống IUU. Lúc đó EC đưa ra 9 nhóm khuyến nghị mà Hà Nội phải thực hiện để được gỡ thẻ.

Đến tháng 11/2019, EC rút số khuyến nghị IUU đối với Việt Nam xuống còn 4.


500 người Việt vượt biển vào Anh quốc

Theo số liệu mới nhất từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 500 người Việt Nam từ bỏ thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam để nhập cư bất hợp pháp vào Anh Quốc bằng các con thuyền nhỏ vượt eo biển Manche. Tin này cũng nói rõ có đến hơn 4.000 chiếc thuyền nhỏ dùng vào việc chuyển người lậu, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: BBC

Do số lượng ngày càng tăng thuyền nhân từ Việt Nam đến Anh Quốc bất hợp pháp qua eo biển Manche, khiến Bộ Nội vụ Vương Quốc Anh phải cho chạy quảng cáo bằng tiếng Việt trên các nền tảng xã hội với mục đích ngăn ngừa người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh mù bằng thuyền nhỏ.

Bộ Nội vụ Anh Quốc qua nội dung đưa ra cảnh báo Eo biển Manche là một trong những tuyến hàng hải đông đúc nên những chiếc thuyền nhỏ thường gặp nguy cơ bị tàu lớn đâm phải.

Thực tế còn cho thất nhiều thuyền nhỏ bị vỡ trong chuyến hành trình khiến thuyền nhân gặp nguy cơ chết chìm hay tử vong vì hạ thân nhiệt đột ngột.

Bộ Nội Vụ Anh muốn xóa tan những viễn cảnh hão huyền mà các băng đảng tội phạm vẽ nên về chuyến hành trình đến Xứ sở Sương mù và cuộc sống bất hợp pháp tại đó. (Trích RFA)


Việt Nam sa thải HLV Troussier sau khi gần hết cơ hội vào World Cup

Liên đoàn bóng đá Việt Nam sa thải Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam Philippe Troussier sau thất bại 0-3 của đội tuyển Việt Nam trước Indonesia ở vòng ba vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á hôm 26/3.

Huấn luyện viên người Pháp, người tiếp quản đội tuyển quốc gia từ huấn luyện viên Park Hang-seo hồi năm ngoái, đã được Liên đoàn bóng đá Việt Nam thông báo về quyết định này sau trận thua trên sân Mỹ Đình ở Hà Nội. Đây là trận thua Indonesia thứ hai chỉ trong vòng 6 ngày, đẩy Việt Nam xuống vị trí thứ ba của bảng F vòng loại.

Chỉ hai đội đứng đầu mỗi bảng của chín bảng tranh sơ loại giai đoạn hai của khu vực châu Á giành được suất vào vòng tiếp theo.

Việt Nam chưa bao giờ giành được suất tham dự giải bóng đá lớn nhất hành tinh nhưng với việc số đại diện của châu Á tại vòng chung kết World Cup năm 2026 được tăng lên 8 suất, quốc gia Đông Nam Á này đã đặt hy vọng lớn vào ông Troussier, người từng dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản, có thể đưa Việt Nam đến gần hơn tới cơ hội lần đầu tiên đến World Cup.

Tuy nhiên, những trận thua liên tiếp có nghĩa là Việt Nam kém các đối thủ Đông Nam Á bốn điểm và phải thắng Philippines và Iraq vào tháng 6 này cũng như hy vọng Indonesia không thể giành được ba điểm từ hai trận đấu còn lại.

Iraq đang đứng đầu bảng F và đã giành được một trong hai suất vào vòng kế tiếp hôm thứ Ba. Chiến thắng 5-0 trước Philippines đã đưa đội bóng của ông Jesus Casas giành được 12 điểm sau bốn trận.

Indonesia đứng thứ 2 với 7 điểm và Việt Nam đứng thứ 3 với 3 điểm, chỉ trên Philippines, hiện chỉ ghi được 1 điểm.(VOA)


Giới hoạt động quan ngại về cái chết ‘bất thường’ của một tín đồ ở Đắk Lắk

Một thầy truyền đạo thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên vừa qua đời ở Đắk Lắk khiến giới hoạt động quan ngại về cái chết mà họ gọi là “bất thường” này sau khi nạn nhân dường như đã bị chính quyền hăm dọa và thẩm vấn.

Thầy truyền đạo Y Bum Bya được tìm thấy đã qua đời tại thôn Ko Tam, xã Êa Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, trong tư thế treo cổ ngày 8/3/2024, theo Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên và Bàn tròn Đa Tôn giáo Việt Nam.

Ông Y Bum Bya, 48 tuổi, một thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên đã bị kẻ gian sát hại trong nghĩa trang tại buôn ko Tam”, Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên nói hôm 19/3.

Mục sư A Ga, sáng lập viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo có trụ sở ở bang North Carolina và các hội thánh tư gia ở Việt Nam nhưng không được chính quyền công nhận, đưa ra cáo buộc khi nói với VOA:

Ông Y Bum Bya bị chính quyền đưa ra kiểm điểm hồi tháng 12/2023. Ảnh từ YouTube An ninh Trận tự Đắk Lắk.

Ông Y Bum Bya, một thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên. Đây là sự dàn dựng, có bàn tay của công an, chính quyền Đắk Lắk gây ra cái chết của ông Y Bum Bya”.

Không có gì nghi ngờ nữa vì trước đây ông ấy từng bị bắt bớ, đe dọa…và gần đây nhất là vào tháng 12/2023 ông bị chặn đường đánh tại rẫy và phát động quần chúng ép ổng phải từ bỏ hội thánh Tin lành Đấng Christ này. Họ nói nếu cứ tiếp tục sẽ bị bỏ tù và đánh chết”, vẫn lời ông A Ga.

“Khoảng 8 giờ 15 phút sáng, dân làng tìm thấy xác ông Y Bum Bya, nhìn như treo cổ, ở nghĩa trang cách nhà khoảng 800m”, trang Bàn tròn Đa Tôn giáo Việt Nam, một nhóm các nhà hoạt động cho tự do tôn giáo Việt Nam, nói hôm 8/3/2024. “Trước đó ngày 8/12/2023, ông đã bị công an xã Êa Tu tra khảo, đe dọa, đánh nhiều lần vào tai, đá vào xương sườn, bóp cổ, cưỡng ép từ bỏ hội thánh”.

Từ Đắk Lắk, một người quen với nạn nhân, nêu ý kiến cá nhân của ông với VOA với điều kiện không nêu tên vì lý do an toàn: “Có thể chính quyền Việt Nam trả thù ông ấy vì ổng có tin tức và nói ra sự thật”.

Ông sinh hoạt Tin lành Đấng Christ nhưng chính quyền Việt Nam không chấp nhận cho nên họ tìm mọi cách để tiêu diệt”, người này nói thêm.

Ngoài các cáo buộc và nhận định hết sức nghiêm trọng đó, tất cả các nhóm và cá nhân nêu trên không đưa ra bằng chứng, nhân chứng cụ thể với VOA để củng cố cho lập luận của họ cho rằng có người đã sát hại ông Y Bum Bya. VOA không thể kiểm chứng độc lập về những phát biểu của các nhóm và cá nhân đó.

VOA đã liên lạc chính quyền các cấp ở Đắk Lắk và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho biết liệu họ có thông tin gì thêm về cái chết của ông Y Bum Bya và họ phản ứng ra sao với các phát biểu của nhóm Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên và Bàn tròn Đa Tôn giáo Việt Nam, nhưng chưa có phản hồi.

Trang YouTube An ninh Trật tự Đắk Lắk của công an tỉnh này hồi tháng 12/2023 loan tin về việc ông Y Bum Bya bị kiểm điểm do đã tham gia Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên “phản động”.

Trang này nói rằng ông Y Bum Bya nghe theo “lời dụ dỗ” của ông A Ga nên từ năm 2021 đã tham gia vào Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên.

Mục sư A Ga, người đang bị chính quyền Việt Nam truy nã với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết”, bác bỏ những cáo buộc của chính quyền Việt Nam, nói rằng Hà Nội cưỡng ép người Thượng từ bỏ đạo, sách nhiễu các tín đồ và vi phạm tự do tôn giáo.

Truyền thông Việt Nam cho rằng tổ chức Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên đang tiếp tục tìm cách phát triển tín đồ tại các tỉnh Tây Nguyên “với những chiêu bài đội lốt, lợi dụng tôn giáo, chúng lôi kéo tập trung tín đồ để gieo rắc tư tưởng hẹp hòi, ly khai tự trị, âm mưu tập hợp lực lượng, tiến tới gây rối, biểu tình, bạo loạn” và chính quyền nói rằng sẽ mạnh tay “đấu tranh, xóa bỏ” nhóm tôn giáo này. (VOA)


Việt nam bắt Sư trụ trì chùa Đại Thọ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”

Đài RFA dẫn tin từ báo lề phải cho hay, Nhà Sư trụ trì và một tín đồ của ngôi chùa của người Khmer Krom bị bắt giữ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ,” một nhà sư ở chùa này nói cáo buộc trên là quy chụp, không đúng sự thật.

Theo Công an tỉnh Vĩnh Long ông Thạch Chanh Đa Ra, sinh năm 1990, và ông Kim Khiêm, sinh năm 1978 cùng ngụ ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình về cáo buộc theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Cả hai bị công an bắt hôm 26/03.

Tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra trước và sau khi bị chính quyền Vĩnh Long bắt giam ngày 26/3/2024. Ảnh cung cấp bởi Liên đoàn Khmer Krom

Ông Thạch Chanh Đa Ra là trụ trì chùa Đại Thọ, ông bị loại ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam hồi năm ngoái, trong khi ông Kim Khiêm là Phật tử và cũng là người giúp việc của cơ sở tôn giáo này.

Dẫn nguồn tin từ công an địa phương, truyền thông nhà nước đưa tin từ năm 2020 đến nay, hai ông Thạch Chanh Đa Ra và Kim Khiêm sử dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ bài viết, video và livestream nhiều thông tin sai sự thật, giả mạo, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Tuy nhiên, sư Dương Khải, người bảo vệ an ninh – di sản của chùa Đại Thọ cho hay đây là cáo buộc nguỵ tạo. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 27/3:

Cáo buộc đó là sai sự thật, họ xuyên tạc vu cáo mình đó chứ mình không có vu cáo họ. Họ thường xuyên đến quấy rối, gây rối mất an ninh trật tự. Họ làm xáo trộn trong quần chúng cộng đồng người bản địa Khmer Krom… mình không có ngày yên ổn.”

Ông đưa ra quan điểm về việc bắt giữ hai người:

Họ mà ghét ai là họ bắt à. Họ ghét ai dám lên tiếng nói sự thật về tội lỗi của họ là họ quy chụp mình là ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’ như thế.

Chú Kim Khiêm lên tiếng về vấn đề đàn áp thành ra là họ bắt. Còn trụ trì Thạch Chanh Đa Ra, chính quyền thường xuyên quấy rối từ khi chặt cây Sao rồi bắt xe khất thực của chùa.”

Ông cho biết thêm, ngày 25/3, sư trụ trì Thạch Chanh Đa Ra đi làm lễ ở ngôi giảng đường mà ông cùng các Phật tử xây dựng năm 2020 nhưng bị chính quyền địa phương coi đây là công trình xây dựng trái phép. Chiều hôm sau, công an địa phương cho người canh giữ nhiều ngả đường, khi ông Thạch Chanh Đa Ra và ông Kim Khiêm quay trở lại chùa thì bị bắt. (Trích RFA)


Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh không được tại ngoại để chữa ung thư

Công an Hà Nội vừa mới đưa nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh quay trở lại trạm tạm giam dù đang điều trị cùng lúc cả hai bệnh tâm thần và ung thư.

Gia đình cho biết, vào ngày 22 tháng 3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định bắt tạm giam cho bà Nguyễn Thúy Hạnh và đưa bà trở lại Trại tạm giam số 2. 

Sự việc này diễn ra trong bối cảnh nhà hoạt động nhân quyền người Hà Nội đang trải qua quá trình điều trị ung thư tử cung, sau khi được chuẩn đoán mắc căn bệnh này hồi tháng 1 năm 2023. 

Điều đáng nói là trước đó phía công an đã chủ động đề nghị gia đình viết đơn xin tại ngoại nhằm cho phép bà Hạnh về nhà điều trị ung thư. Công an địa phương cũng đã gọi cho gia đình “chúc mừng Hạnh sẽ được tại ngoại”, nhưng sau lại đột ngột thay đổi quyết định. 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh thời điểm đang chữa trị ung thư và giấy thông báo bắt bị can để tạm giam. Nguồn: RFA

Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của bà Nguyễn Thúy Hạnh viết về phản ứng của bản thân về sự việc này, trong đó có đoạn:

“Tui và gia đình rất bất ngờ về sự thay đổi này, đang rất sốc và lo lắng về tình trạng sức khỏe của Hạnh trong trại tạm giam. Mỗi lần xạ hoá trị về, Hạnh rất đau đớn và mỏi mệt, không ăn uống được gì ngoài một chút sữa ensure. Trong điều kiện của trại tạm giam gia đình rất lo ngại không đảm bảo cho Hạnh được hồi phục.”

Bị bắt hồi tháng 4 năm 2021, nhà hoạt động nổi tiếng với sáng kiến Quỹ 50k chuyên giúp đỡ cho thân nhân của tù nhân lương tâm và gia đình họ, bị cáo buộc có hành vi “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXNCN Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Tuy nhiên, hồi tháng 4 năm 2022, chính quyền đã đưa bà Nguyễn Thúy Hạnh vào bệnh viện tâm thần để điều trị bắt buộc sau hai lần giám định bà bị rối loạn trầm cảm cấp tính, và giữ ở đó trong hai năm.

Như vậy, cho đến nay nhà hoạt động này đã bị giam giữ ba năm liên tiếp dưới nhiều hình thức, mà chưa được ra tòa.  

Hàng loạt các tổ chức xã hội dân sự và nhân sĩ trí thức ở trong và ngoài nước thời gian qua đã ký tên vào thỉnh nguyện thư kêu gọi chính quyền trả tự do cho bà Hạnh để chữa bệnh hiểm nghèo, căn cứ theo các quy định của pháp luật Việt Nam.  

Trao đổi với RFA, luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù nhân lương tâm đã dành tổng cộng 6 năm rưỡi trong tù, cho biết quan điểm của ông trước việc chính quyền đưa bà Nguyễn Thúy Hạnh vào trại giam khi đang điều trị ung thư:

Tôi thực sự hết sức bất ngờ, thậm chí là sốc trước quyết định của cơ quan an ninh điều tra, công an Tp. Hà Nội. Bởi vì một người đang ở trong bệnh viện điều trị tâm thần thì điều kiện giam giữ tốt hơn, và điều kiện chữa bệnh cũng tốt hơn là khi đưa chị Nguyễn Thúy Hạnh quay trở lại trại tạm giam. 

Điều kiện để điều trị bệnh trong trại tạm giam hết sức nghèo nàn, không đáp ứng được nhu cầu chữa trị những bệnh nan y như bệnh ung thư.”

Và theo ông thì với điều kiện giam giữ của trại tạm giam thì sức khỏe và thậm chí là cả tính mạng của bà Nguyễn Thúy Hạnh sẽ bị đe dọa. 

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh được biết đến qua các hoạt động hỗ trợ người thân của các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, và nạn nhân của các vụ cưỡng chế đất đai, trong đó có vụ Đồng Tâm. 

Vụ bắt giữ nhà hoạt động này bị các tổ chức nhân quyền phản đối và tố cáo là “vi phạm nhân quyền” và “có động cơ chính trị”. (RFA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 8-9-10/4/2024.
  • Thủ tướng Nhật Bản công du Hoa Kỳ trong bối cảnh lo ngại chung về Trung Cộng
  • Tổng thống Zelensky cảnh báo: “Mất viện trợ của Mỹ, Ukraina bại trận”
  • Xung đột dải Gaza: Israel ấn định ngày cho cuộc tấn công Rafah
  • Philippines-Mỹ-Nhật-Úc tập trận phối hợp đối phó "các tình huống hàng hải" ở Biển Đông
  • Fitch hạ điểm triển vọng tín nhiệm Trung Cộng (RFI)
  • Ukraine và Anh ký thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí
  • Washington không để Trung Cộng đe dọa việc làm và ngành công nghiệp Hoa Kỳ
  • Miến Điện: Phe nổi dậy kiểm soát một thành phố quan trọng sát biên giới Thái Lan
  • Bầu cử Quốc Hội Nam Hàn: Trắc nghiệm về uy tín của tổng thống Yoon Suk Yeol
  • Tỉnh đầu tiên của Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán
  • Việt Nam sẽ đầu tư thêm hơn 7 tỷ USD để đẩy mạnh khai thác bô xít
  • Việt Nam đề nghị Ả Rập Xê Út tiếp nhận thêm lao động giúp việc nhà
  • Cổ phiếu VinFast rớt giá kỷ lục xuống mức đáy từ khi lên sàn Nasdaq ở Mỹ
  • Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước năm 2030
  • Việt Nam phá đường dây tín dụng đen 2000% tiền lời
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 1-2-3/4/2024
  • Ukraine: Drone oanh kích sâu trong lãnh thổ, nguồn xăng dầu của Nga
  • Viện trợ quân sự cho Ukraina: NATO bàn lập quỹ 100 tỉ euro
  • Israel không kích Gaza, nhiều nhân viên cứu trợ nhân đạo nước ngoài thiệt mạng
  • Bầu cử thị trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ: Phe đối lập thắng lớn
  • Teheran thề trả đũa vụ Israel oanh kích Damas, giết chết 7 Vệ binh Iran
  • Chính quyền Biden cân nhắc giao vũ khí trị giá 18 tỷ USD cho Israel
  • “Hội chứng La Havana”: Màn bí mật đã được vén lên
  • Nhật Bản và Mỹ thắt chặt hợp tác an ninh với Anh, Úc và Philippines
  • New Delhi phản đối Bắc Kinh đặt tên Tầu cho 30 địa điểm ở biên giới Himalaya
  • Bộ Ngoại giao Mỹ: án tù cho nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam là bất công
  • Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh Vatican sẽ thăm Việt Nam
  • Phật Giáo Hòa Hảo bị cấm hành lễ
  • Nạn nhân Việt Nam trong hoạt động buôn người ở Đông Nam Á
  • Thanh niên chết tại trụ sở Công an Long Thành
  • FB của chính phủ Việt Nam chỉ trích Facebooker ngoại quốc về hành vi phỉ báng
  • Gần 74.000 doanh nghiệp Việt rời thị trường trong quý một
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/3/2024.
  • Ukraina xây dựng tuyến phòng thủ 2000 km
  • Drone Ukraina tấn công các nhà máy lọc dầu Nga
  • Ngoại trưởng Blinken tới Trung Đông lúc quan hệ Hoa Kỳ -Israel căng thẳng
  • Liên Hiệp Quốc và phương Tây chỉ trích luật an ninh mới của Hồng Kông
  • Mỹ khẳng định cam kết bảo vệ Philippines, Trung Cộng phản ứng
  • Vua Hà Lan 'hoàn toàn bất ngờ' và 'đáng tiếc' khi bị hoãn chuyến thăm Việt Nam
  • TT Pháp tái khẳng định phương Tây có thể cần đưa quân sang Ukraina
  • Miến Điện: Tổng thư ký LHQ lo ngại trước các cuộc tấn công mới nhằm vào dân thường
  • Không quân Mỹ thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh
  • Sau hơn 1 năm tại vị, Ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch Nước
  • VN đối mặt với thiệt hại mùa màng 3 tỷ USD/năm do nước mặn xâm nhập
  • Ô nhiễm không khí tệ hại ở Hà Nội
  • Vi nhựa trong không khí tại Saigon gấp 50 lần Paris
  • Viện kiểm sát đề nghị án tử hình trùm BĐS Trương Mỹ Lan
  • Dân Lâm Đồng thiếu nước sạch nhiều tháng