TIN THẾ GIỚI

Thủ tướng Nhật Bản công du Hoa Kỳ trong bối cảnh lo ngại chung về Trung Cộng (RFI)

Hôm 09/04/2024, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Washington nhằm thảo luận về những hành động khiêu khích của Trung Cộng ở Thái Bình Dương và sau những rạn nứt trong hợp tác song phương. 

Theo AP, thủ tướng Nhật Bản cùng phu nhân đến thăm phòng Thương mại Hoa Kỳ trước khi tới Nhà Trắng vào tối nay. Lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc hội đàm và dự chiêu đãi khách mời cấp Nhà nước vào tối vào ngày mai.

Nhật Bản là đồng minh lâu đời mà tổng thống Biden coi là nền tảng trong chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Thủ tướng Kishida là nhà lãnh đạo thứ năm trên thế giới được tổng thống Mỹ chiêu đãi cấp nhà nước kể từ khi ông nhậm chức.

Theo chương trình nghị sự, thủ tướng Nhật cũng được mời phát biểu tại cuộc họp của Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ vào thứ Năm 11/04/2024.

Tổng thống Biden đang tìm cách tập trung chính sách đối ngoại nhiều hơn vào Thái Bình Dương ngay cả khi Hoa Kỳ đang phải đối mặt với chiến tranh Nga-Ukraina và Israel-Hamas. Nguyên thủ Hoa Kỳ hoan nghênh sự ủng hộ của Nhật Bản với Ukraina khi mà Tokyo là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Kiev kể từ đầu cuộc chiến. Về phần mình, ông Kishida lo ngại rằng tương lai của Đông Á có thể sẽ giống như Ukraina hiện nay vì thái độ không cứng rắn với Nga sẽ khuyến khích Trung Cộng có các hành động tương tự.

Thứ Năm 11/04, thủ tướng Kishida sẽ tham gia cuộc gặp ba bên Nhật-Mỹ-Philippines trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Thủ tướng Nhật khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa ba nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng như bảo vệ trật tự quốc tế. Các nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận kế hoạch nâng cấp cơ cấu chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật Bản.


Tổng thống Zelensky cảnh báo: “Mất viện trợ của Mỹ, Ukraina bại trận” (RFI)

Nếu Hạ Viện Mỹ không giúp Ukraina, Ukraina sẽ bại trận” và thất bại của Kiev sẽ mở đường cho Vladimir Putin tấn công thêm « nhiều quốc gia khác nữa ». Tổng thống Volodymyr Zelensky mạnh mẽ tuyên bố như trên hôm Chủ Nhật 07/04/2024 và một lần nữa thúc hối phương Tây tăng cường viện trợ quân sự giúp Ukraina chống quân Nga xâm lược.

Vì những lý do chính trị nội bộ của Hoa Kỳ, từ cuối năm ngoái, khoản viện trợ 60 tỷ đô la mà chính quyền Biden cam kết vẫn bị dân biểu đối lập đảng Cộng Hòa chặn lại.

Phát biểu qua cầu truyền hình trước các đại sứ của nhóm United24, quy tụ những quốc gia đang huy động vốn hỗ trợ Ukraina, ông Zelensky đánh động chính giới Hoa Kỳ vào lúc quân đội Ukraina « khó lòng giữ được các thành trì như ở Chasiv Yar », một thị trấn gần Bakhmut, miền đông Ukraina. Ông Zelenksy đặc biệt quan ngại trước các đợt tấn công đang « gia tăng cường độ ở Kharkiv » – đông bắc Ukraina, nơi mà « hàng ngày, quân đội Nga sử dụng bom có trang bị hệ thống dẫn đường để tấn công vào thường dân », nhắm vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu và nhà máy điện. Hơn 400.000 hộ gia đình bị mất điện.

Nga báo động “drone Ukraina” oanh kích nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia

Cũng ngày hôm qua, Nga tố cáo Ukraina sử dụng drone tấn công nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Zaporijjia. Nga đã chiếm được quyền kiểm soát nhà máy này từ đầu chiến tranh. Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA ghi nhận « nhiều vết tích cho thấy nhà máy Zaporijjia bị tấn công bằng drone, kể cả một vụ tấn công nhắm vào một trong 6 lò phản ứng » của quần thể này.

Trong thông cáo hôm qua giám đốc AIEA Rafael Grossi  « kêu gọi các giới chức quân sự tránh mọi hành động vi phạm những nguyên tắc cơ bản bảo vệ các cơ sở hạt nhân ». Tập đoàn Rosatom của Nga cũng nói đến một « sự cố nghiêm trọng » đe dọa an toàn của các lò phản ứng ở Zaporijjia. Từ đầu cuộc chiến, hơn hai năm nay, Nga và Ukraina đã nhiều lần quy trách nhiệm cho đối phương đe dọa an toàn của khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia.

Về chiến sự trên toàn nước Ukraina, Kiev loan báo đã bắn chặn được 17 trong số 24 drone của Nga đêm qua và trong 24 giờ qua, 76 cuộc giao tranh đã diễn khắp nơi, drone và tên lửa Nga nhắm vào hơn 100 địa điểm trên toàn lãnh thổ. Những điểm nóng vẫn là Donetsk, Kherson hay Mykolaiv, Soumy, Kharkiv…


Xung đột dải Gaza: Israel ấn định ngày cho cuộc tấn công Rafah (RFI)

Ngày 08/04/2024, thủ tướng Israel thông báo đã ấn định ngày cho chiến dịch tấn công Rafah, bất chấp sự phản đối của Washington, trong khi có nhiều thông tin trái ngược về một thỏa thuận ngưng bắn và trao đổi tù nhân – con tin giữa Israel và phe Hamas.

Chiến dịch tái triển khai quân ở Gaza cũng đang gây chia rẽ trong nội bộ chính phủ Israel. Từ Jerusalem, thông tín viên đài RFI, Michel Paul giải thích :

Quân đội Do Thái đang di chuyển quân ở Gaza

« Chiến dịch tấn công Rafah sẽ diễn ra. “Chúng tôi đã có ngày giờ”, ông Benjamin Netanyahu tuyên bố như thế nhưng không cho biết thêm chi tiết. Thủ tướng Israel đang bị kẹt giữa hai phe trong nội các.

Một bên là bộ trưởng Quốc Phòng, người cho rằng Israel đang trong “một thời điểm thích hợp” để đạt được việc giải phóng con tin. Ông Yoav Gallant giải thích rằng những tháng giao tranh và các kết quả trên thực địa của quân đội cho phép Israel có được một sự linh hoạt nhất định trong tiến trình ra quyết định. Và ông nói thêm rằng, rồi sau đó họ có thể quay trở lại chiến đấu.

Những phát biểu của vị bộ trưởng này, vốn thường tương đối biệt lập trong nội bộ chính phủ đã làm dấy lên nhiều phản ứng từ phe cực hữu, đang thắc mắc về việc tái triển khai quân ở Gaza. Một quyết định bị hai vị bộ trưởng Tài Chính là ông Smotrich và bộ trưởng An ninh Nội địa, Ben Gvir đặc biệt chỉ trích.

Trên các mạng xã hội, hai nhân vật này nhấn mạnh rằng nếu ông Benjamin Netanyahu quyết định chấm dứt cuộc chiến chống phe Hamas mà không có một cuộc tấn công quy mô lớn nào ở Rafah, thì ông ấy “sẽ phải thôi giữ chức thủ tướng”. Họ cho biết văn phòng an ninh sẽ có một cuộc họp vào tối hôm nay để đưa ra các quyết định quan trọng. Một cuộc họp được dự báo là sẽ sôi động. »  

Theo AFP, phe Hamas tối ngày 08/04/2024, cho biết đang xem xét một đề nghị gồm ba giai đoạn do các nước trung gian đề xuất, giai đoạn thứ nhất dự trù một lệnh ngưng bắn kéo dài sáu tuần.

Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay, 09/04/2024, thông báo hạn chế xuất khẩu sang Israel nhiều loại mặt hàng, trong đó có các loại sản phẩm được chế tạo từ nhôm, sắt và thép. Trong thông cáo, bộ Thương Mại nước này giải thích, « quyết định này sẽ có hiệu lực cho đến khi nào Israel tuyên bố ngưng bắn ngay lập tức và cho phép viện trợ nhân đạo được tiếp cận dải Gaza. »


Philippines – Mỹ – Nhật – Úc tập trận phối hợp đối phó “các tình huống hàng hải” ở Biển Đông (RFI)

Ngày 07/04/2024, Philippines và ba đối tác Mỹ, Nhật Bản và Úc đã hoàn thành cuộc tập trận hàng hải chung đầu tiên ở phía tây đảo Luzon trong bối cảnh Trung Cộng gia tăng hăm dọa ở Biển Đông. Cuộc tập trận đa phương « Hoạt động hợp tác hàng hải » (MMCA) diễn ra vài ngày trước cuộc họp thượng đỉnh ba bên Philippines-Mỹ-Nhật ở Washington.

Theo trang Inquirer, 5 chiến hạm và nhiều chiến đấu cơ tham gia cuộc tập trận. Hải Quân Philippines cử khinh hạm BRP Antonio Luna, tàu tuần tra BRP Valentin Diaz cùng máy bay trực thăng chống ngầm. Mỹ và Úc, mỗi nước điều một tàu tác chiến ven bờ (USS Mobile và HMAS Warramunga) và máy bay tuần tra chống ngầm P-8A Poseidon. Phía Nhật Bản có tàu khu trục JS Akebono. Chiến hạm của bốn nước tiến hành tập huấn liên lạc, chụp ảnh, « chiến thuật phân chia » (division tactics), tức kỹ thuật điều khiển tàu khi di chuyển gần các tàu khác và trong các tình huống khó khăn, và các cuộc tập trận khác ở phía tây đảo Luzon, trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.

Trong thông cáo ngày 07/04, quân đội Philippines cho biết « những hoạt động này được thiết kế để tăng cường khả năng phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng trong những tình huống hàng hải khác nhau ». Người phát ngôn bộ Quốc Phòng Philippines khẳng định cuộc tập trận MMCA « thể hiện sự đoàn kết » và được tiến hành trong khuôn khổ « luật pháp quốc tế cho phép ».

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hy vọng hoạt động diễn tập hàng hải bốn bên vừa kết thúc sẽ làm giảm các sự cố trên biển với Trung Cộng. Phát biểu ngày 08/04, ông cũng kêu gọi Trung Cộng đàm phán để ngăn các sự cố gia tăng, như đâm tàu, sử dụng vòi rồng ở Biển Đông, đặc biệt là ở Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough trong những tháng gần đây.

Một nguồn tin chính phủ cho trang Inquirer biết nhiều tàu chiến Trung Cộng theo dõi các tàu tham gia cuộc tập trận cách đó 4 đến 8 hải lý. Về phía Trung Cộng, trang Hoàn Cầu Thời Báo, đăng một bài xã luận ngày 08/04 chỉ trích « Hành động khiêu khích của Philippines làm suy yếu sự ổn định khu vực » khi lôi kéo một số thế lực bên ngoài để làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Trung Cộng lặp lại luận điệu « có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Nam Hải Chư Đảo (các quần đảo ở Biển Đông) và các vùng biển lân cận ».


Fitch hạ điểm triển vọng tín nhiệm Trung Cộng (RFI)

Cơ quan xếp hạng Fitch hôm nay, 10/04/2024, thông báo hạ mức đánh giá triển vọng tín nhiệm Trung Cộng từ ổn định xuống tiêu cực, với lý do có những rủi ro ngày càng lớn cho các nguồn tài chính công của nước này. Trung Cộng ngay lập tức đã có phản ứng.

AFP trích dẫn thông cáo từ cơ quan xếp hạng Fitch, nêu rõ việc xét lại những triển vọng này phản ảnh « những rủi ro ngày càng tăng đang đè nặng lên nền tài chính công của Trung Cộng », vào lúc nước này đang đối mặt với nhiều triển vọng kinh tế được cho là « bất định » hơn.

Cơ quan này lo ngại rằng thâm hụt ngân sách đáng kể, mức tăng nợ công trong những năm qua đã làm « xói mòn » nguồn dự trữ ngân sách. Theo dự phóng của Fitch, các chính sách thuế khóa của Bắc Kinh có thể sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vốn dĩ đang trong tình trạng trì trệ, trong nhiều năm tới, dẫn đến nguy cơ duy trì xu hướng tăng nợ đều đặn.

Dù vậy, Fitch vẫn khẳng định duy trì mức hạng A+ cho tín nhiệm của Trung Cộng. Một quyết định mà cơ quan này cho rằng, phản ảnh « nền kinh tế lớn và đa dạng của Trung Cộng, triển vọng tăng trưởng GDP vững mạnh so với các nước đối tác, vai trò không thể thiếu của Bắc Kinh trong nền thương mại toàn cầu, nguồn tài chính bên ngoài dồi dào cũng như là quy chế tiền tệ dự trữ của nhân dân tệ ».

Bộ Tài Chính Trung Cộng đã nhanh chóng phản ứng, và « lấy làm tiếc » về quyết định trên của Fitch. Trong thông cáo, bộ Tài Chính Trung Cộng cho rằng « kết quả này cho thấy hệ thống chỉ số về phương pháp xếp hạng tín nhiệm quốc gia đã không phản ảnh được một cách có hiệu quả và chủ động các nỗ lực mà Bắc Kinh triển khai để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. »


Ukraine và Anh ký thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí (VOA)

Ukraine và Anh đã ký một thỏa thuận khung để hợp tác quốc phòng và sản xuất vũ khí, các quan chức cho biết tại Kyiv. Đây là một phần trong nỗ lực thời chiến nhằm xây dựng ngành công nghiệp vũ khí nội địa của Ukraine bằng cách hợp tác với các đồng minh.

Thỏa thuận được ký kết tại một hội nghị công nghiệp quân sự ở Kyiv với sự tham dự của khoảng 30 công ty quốc phòng Anh. Các công ty này tới Ukraine để thảo luận về các liên doanh tiềm năng với các hãng sản xuất vũ khí và quốc phòng Ukraine.

Đây là thỏa thuận hợp tác liên chính phủ đầu tiên,” Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine, Oleksandr Kamyshin, nói với các phóng viên sau lễ ký kết.

“Ngày nay, các công ty Anh đang làm việc với các công ty Ukraine và tìm kiếm cơ hội để cùng nhau sản xuất thêm vũ khí.”

Ông Greg Hands, Bộ trưởng Chính sách Thương mại Anh, cho biết ông hy vọng thỏa thuận này sẽ giúp Ukraine đạt được bước tiến trên chiến trường và cũng có lợi cho nền kinh tế đang tơi tả của nước này trong dài hạn.

Công ty quốc phòng BAE Systems của Anh, một trong những hãng vũ khí phương Tây đầu tiên mở một xưởng sản xuất ở Ukraine, đã ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Anh để tiến hành bảo trì, sửa chữa và đại tu súng hạng nhẹ tại chỗ ở Ukraine.

Các quan chức cũng cho biết họ hy vọng sẽ có thêm nhiều dự án trong năm nay trong lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái. Nhiều công ty tham dự hội nghị là các hãng máy bay không người lái.

Ukraine đặt mục tiêu sản xuất khoảng 1 triệu máy bay không người lái ghi hình (FPV) trong năm nay và đang tăng cường sản xuất máy bay không người lái tấn công tầm xa để tiến hành các cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.

“Hiện giờ chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi cần đẩy mạnh hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine nhằm định vị công nghiệp quốc phòng Ukraine để có thể ứng phó nhanh chóng hơn và hỗ trợ nền kinh tế Ukraine…,” ông Andy Start, Giám đốc điều hành của Cơ quan Hỗ trợ và Thiết bị Quốc phòng của Vương quốc Anh cho biết.


Washington không để Trung Cộng đe dọa việc làm và ngành công nghiệp Hoa Kỳ (RFI)

Trong ngày cuối cùng chuyến công tác 5 ngày tại Trung Cộng, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen hôm nay 08/04/2024 cho biết « không loại trừ khả năng áp thuế » hàng hóa Trung Cộng. Washington không để tái diễn nguy cơ chính sách trợ giá của Bắc Kinh tạo cạnh tranh bất bình đẳng, « hủy hoại 2 triệu việc làm của người Mỹ » như trong quá khứ.

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ cũng đã cảnh cáo các doanh nghiệp Trung Cộng không nên tiếp tay với Nga trong cuộc chiến Ukraina. Nhưng mối quan tâm hàng đầu của bà Yellen trong các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo Trung Cộng vẫn là cạnh tranh bất bình đẳng đe dọa công nghiệp và việc làm của dân Mỹ.

Bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen

Họp báo sáng nay tại Bắc Kinh trước khi lên đường về nước, bà Yellen giải thích : « Hơn một thập niên trước đây, nhờ các biện pháp trợ giá ở quy mô lớn của chính quyền, hàng của Trung Cộng bán ra với giá thấp » qua đó hủy hoại nhiều mảng  công nghiệp của thế giới và Hoa Kỳ ». Trong các cuộc trao đổi với các giới chức Trung Cộng tại Bắc Kinh, thông điệp của chính quyền Mỹ rất rõ ràng đó là « tổng thống Joe Biden và tôi sẽ không chấp nhận để trường hợp này tái diễn ».

Hãng tin Anh Reuters lưu ý, bộ trưởng Tài Chính Mỹ để ngỏ khả năng « đánh thuế » nhập khẩu hàng hóa của Trung Cộng, tuy nhiên bà Yellen không nói rõ biện pháp đó sẽ có được áp dụng cho các mặt hàng như bình điện ô tô, ô tô điện hay pin mặt trời hay không…  Mỹ cũng như Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, Mêhicô và Philippines lo ngại khả năng sản xuất của Trung Cộng quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ nội địa, do vậy, trong một số lĩnh vực, như là ô tô điện hay pin mặt trời, hàng của Trung Cộng sẽ tràn ngập thị trường thế giới.

Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc trợ giá ô tô điện

Ô tô điện Trung Cộng, trọng tâm đối thoại giữa bộ trưởng Thương Mại Trung Cộng Vương Văn Đào (Wang Wentao) và bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire hôm nay tại Paris. Đến Pháp trong hai ngày 7 và 08/2024 ông Vương Văn Đào sáng nay tuyên bố những cáo buộc Trung Cộng trợ giá ô tô điện, tạo cạnh tranh bất bình đẳng với xe của Mỹ và châu Âu là « không có cơ sở ». Quan chức Trung Cộng này thậm chí tố cáo Liên Âu « bảo hộ mậu dịch ». Các hiệu xe BYD hay Geely đang bị điều tra. Để « giải độc » hồ sơ này, bộ trưởng Thương Mại Vương Văn Đào công du nhiều nước châu Âu. Sau chặng dừng tại Paris, ông sẽ lên đường sang Roma, Ý trước khi đến Bruxelles, để thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu tránh tăng thuế hải quan đánh vào các sản phẩm « sạch » của Trung Cộng. Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình chuẩn bị công du nước Pháp vào tháng 5/2024.


Miến Điện: Phe nổi dậy kiểm soát một thành phố quan trọng sát biên giới Thái Lan (RFI)

Phe nổi dậy sắc tộc Karen vừa chiếm được quyền kiểm soát một trong số các thành phố chính tại Miến Điện, giáp biên giới với Thái Lan, cửa ngõ đi vào phần còn lại của Đông Nam Á. Đây là một vố đau mới cho tập đoàn quân sự, lên cầm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi hồi tháng 02/2021.

Lực lượng nổi dậy Karen (KNU).

Từ Bangkok, thông tín viên RFI trong khu vực, Carole Isoux tường thuật :

Thành phố Myawaddy, giáp biên giới với Thái Lan, là một điểm trung chuyển thương mại và là điểm dừng quan trọng trên một trục được gọi là “xa lộ châu Á”. Từ nhiều ngày qua, những cuộc giao tranh ở đây giữa các nhóm vũ trang người Karen và quân đội Miến Điện đã diễn ra khốc liệt. Hàng trăm binh sĩ Miến Điện đã đầu hàng các lực lượng nổi dậy và thành phố này từ giờ dưới sự kiểm soát của Liên minh Quốc gia Karen (KNU), tổ chức điều hành chính ở địa phương.

Chính phủ Thái Lan đã cấp phép đặc biệt cho nhiều chuyến bay hồi hương đi từ thành phố biên giới Mae Sot của Thái Lan về thành phố Rangun của Miến Điện. Và bất chấp sự phủ nhận của ngoại trưởng Thái Lan, không muốn tỏ ra ủng hộ chế độ Miến Điện, nhiều nguồn tin chính phủ cho biết trên các chuyến bay hồi hương có nhiều sĩ quan và binh sĩ Miến Điện.

Ngoại trưởng Thái Lan còn khẳng định rằng đất nước ông sẵn sàng tiếp nhận 100 ngàn người tị nạn Miến Điện vào lúc các cuộc giao tranh đã đẩy hơn hai triệu người ở trong nước phải di tản và Thái Lan được kêu gọi đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Miến Điện.


Bầu cử Quốc Hội Nam Hàn: Trắc nghiệm về uy tín của tổng thống Yoon Suk Yeol (RFI).

Hôm nay, 10/04/2024, cử tri Nam Hàn bỏ phiếu bầu Quốc Hội mới. Đây là một trắc nghiệm về uy tín của tổng thống Yoon Suk Yeol.

Kể từ khi đắc cử với tỷ lệ sát sao năm 2022, tổng thống Yoon Suk Yeol vẫn thi hành chính sách cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên, đồng thời tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và xích gần lại Nhật Bản. Nhưng uy tín của ông vẫn ở mức rất thấp, chỉ khoảng 30% và do không có đa số ở Quốc Hội, tổng thống Yoon Suk Yeol không thể thực hiện chương trình mang tính bảo thủ của ông.

TT Yoon tại cảng Busan trong buổi lễ đón tàu ngầm nguyên tử USS Kentuckey

Theo kết quả các cuộc thăm dò cử tri sau khi bỏ phiếu, Đảng Dân Chủ (cánh trung tả) của ông Lee Jae Myung, đối thủ chính của tổng thống Nam Hàn, đã giành thắng lợi, củng cố thêm đa số đang nắm giữ ở Quốc Hội. 

Thông tín viên RFI tại Seoul Nicolas Rocca đã gặp gỡ một số cử tri tại một phòng phiếu và gởi về bài phóng sự: 

“Mặc quần áo ngủ, mang dép nhựa hay giày basket, người dân Nam Hàn hôm nay đi bầu trong trang phục rất thoải mái, ngày bầu cử cũng là ngày nghỉ lễ. Đi bỏ phiếu một mình hay cùng với gia đình, tính đến giữa ngày, cử tri Nam Hàn tham gia đông đảo hơn so với những kỳ bầu cử trước. 

Một cử tri nói: “Rất cần đi bỏ phiếu để bày tỏ chính kiến của tôi và bầu cho đảng nào đại diện cho những giá trị mà tôi mong muốn, bởi vì điều này sẽ quyết định cho tương lai của đất nước”. Một cử tri khác thì cho biết: “Tôi muốn đến đây để đích thân chọn những người sẽ làm việc để phục vụ cho đất nước và cho chính bản thân tôi”.

Cuộc bầu cử rất quan trọng lần này dường như đã thu hút người dân Nam Hàn vì rất nhiều lý do, như giải thích của Im Yong Sun, một phụ nữ đã về hưu: “Chính các vấn đề mất an ninh quyết định cho lá phiếu của tôi. Có quá nhiều vấn đề về chính trị nội bộ, quá nhiều áp lực ở cấp độ quốc tế. Chính vì vậy mà có rất nhiều người đi bầu. Ai cũng muốn tình hình lắng dịu trở lại.

Chiến dịch tranh cử vừa qua rất là náo động, đặc biệt là về vấn đề lạm phát. Sau khi tổng thống Yoon Suk Yeol nhầm giá một bó hành xanh, cây hành bỗng trở thành một biểu tượng cho sự bất mãn của người dân đối với vị nguyên thủ quốc gia. Kang Min Seol, 23 tuổi, nói: “Tôi đi bỏ phiếu để chặn đường đảng của tổng thống Yoon Suk Yeol. Đây chính là một lá phiếu phản kháng.”

Ủy ban bầu cử cấm các cử tri đến phòng phiếu mang theo củ hành xanh, từ giờ là biểu tượng của sự phản kháng. Hãy chờ xem thái độ bất mãn này có sẽ dẫn đến chiến thắng áp đảo của phe đối lập hay không?”


TIN VIỆT NAM.

Tỉnh đầu tiên của Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán

Hàng ngàn người dân Việt Nam đang thiếu nước ngọt “nghiêm trọng” vì hạn hán và nhiễm mặn, khiến chính quyền của tỉnh đầu tiên ở Việt Nam phải ban bố tình trạng khẩn cấp, AFP và truyền thông trong nước đưa tin hôm 7/4.

Tiền Giang là tỉnh đầu tiên của Việt Nam phải công bố tình trạng khẩn cấp. Sau khi ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho báo chí biết hiện trong địa bàn có 9/11 huyện, thành phố của tỉnh đủ nước sinh hoạt, chỉ thiếu cục bộ ở một số xã thuộc huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông do ở cuối mạng lưới cấp nước, hoặc chưa được lắp đặt đường ống dẫn nước.

Một đợt nắng nóng kéo dài nhiều tuần đã gây ra hạn hán và xâm nhập mặn tại một khu vực của tỉnh Tiền Giang, nơi cách trung tâm thương mại Saigon 60 km về phía nam.

Khu vực huyện Tân Phú Đông của tỉnh – với 12km bờ biển dọc Biển Đông và có đường thủy chằng chịt – bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

Tiền Giang đã phải mở khoảng 105 vòi nước, điểm lấy nước sinh hoạt miễn phí cho người dân. Riêng huyện Gò Công Đông đã mở 62 vòi cấp nước sinh hoạt miễn phí để phục vụ cho gần 3.000 hộ dân tại các xã ven biển, theo tường thuật của Dân Việt.

Trên địa bàn toàn huyện Tân Phú Đông hiện có hơn 44.000 người đang thiếu nước ngọt sử dụng, nhu cầu sử dụng khoảng 10.270 m3/ngày đêm. Hiện nguồn tự cung cấp của địa phương chỉ có 2.500 m3/ngày đêm và Công ty cổ phần BOO nước Đồng Tâm ủng hộ 6.000 m3/ngày đêm. Như vậy, toàn huyện hiện nay thiếu khoảng 1.770 m3/ngày đêm, theo Kinh tế Nông thôn.

Tờ báo dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học của Viện Khoa học Tài nguyên nước cho biết tổng mức thiệt hại do xâm nhập mặn ở ĐBSCL khoảng 70.168 tỉ đồng. Các nhà khoa học ước tính thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL vào các năm 2030, 2040, 2050 có thể lên mức lần lượt 72.385 tỉ đồng, 73.530 tỉ đồng và 76.485 tỉ đồng. (VOA)


Việt Nam sẽ đầu tư thêm hơn 7 tỷ USD để đẩy mạnh khai thác bô xít

Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ đầu tư hơn 182.000 tỷ đồng (tương đương hơn 7,3 tỷ USD) để đẩy mạnh khai thác bô xít ở Tây Nguyên.

Kế hoạch do Phó Tổng Giám đốc TKV, ông Nguyễn Tiến Mạnh, trình bày tại cuộc làm việc giữa tập đoàn này với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông hôm 8/4 vừa qua.

Bùn đỏ phế thải độc hại được bơm vào hồ chứa gây ô nhiễm, tàn phá môi trường

Kế hoạch này thuộc Đề án “Phát triển tổng thể lĩnh vực bô-xít- alumin-nhôm của TKV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, đến năm 2030 TKV sẽ tập trung đầu tư mở rộng công suất Tổ hợp Alumin Nhân cơ lên khoảng 2 triệu tấn alumin mỗi năm từ mức 650.000 tấn hiện nay; đầu tư mới Tổ hợp bô xít-alumin-nhôm Đắk Nông 2 có công suất 2 triệu tấn alumin/năm và 0,5- 1 triệu tấn nhôm/năm.

Bên cạnh đó, TKV sẽ thực hiện 2 đề án thăm dò và 5 dự án bô xít-alumin-nhôm với tổng mức đầu tư dự kiến trên 182.000 tỷ đồng.

Đắk Nông được cho biết có trữ lượng chừng 5,4 tỉ tấn bô xít. Khoảng hơn 50% diện tích của huyện Đắk Song trong tỉnh này bị quy hoạch thăm dò bô xít. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện này, ông Ngô Đức Trọng, trong trả lời mạng báo VietnamNet cho rằng “việc huyện Đắk Song bị quy hoạch thăm dò bauxite hơn một nửa diện tích kéo theo rất nhiều hệ lụy. Hàng trăm tỷ đầu tư công bị dừng lại, nhiều công trình giao thông trọng điểm không thể thực hiện được. Điều này gân trở ngại lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.”

Việt Nam khởi sự sản xuất alumin hơn một thập niên trước bất chấp mọi quan ngại về ô nhiễm môi trường và mức tiêu thụ điện cao cho hoạt động này.

Hồi năm 2010, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, đại tướng Võ Nguyẻn Giáp, một số lãnh đạo cấp cao cùng nhiều nhân sĩ- trí thức trong nước đồng loạt ký vào đơn thỉnh nguyện gửi Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam dừng dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên.


Việt Nam đề nghị Ả Rập Xê Út tiếp nhận thêm lao động giúp việc nhà

Bộ trưởng Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ-TB-XH) Việt Nam, ông Đào Ngọc Dung, đề nghị phía Ả Rập Xê Út tiếp nhận thêm lao động Việt Nam trong lĩnh vực giúp việc nhà, xây dựng, dịch vụ nhà hàng.

Đề nghị của ông Bộ trưởng LĐ-TB-XH Việt Nam được đưa ra ngày 9/4 với Đại sứ Ả rập Xê Út tại Việt Nam, ông Mohammed Ismaeil A, Dahlwy.

Số liệu do ông Đào Ngọc Dung đưa ra cho thấy hiện có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Ả Rập Xê Út trong ba lĩnh vực vừa nêu.

Người đứng đầu Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam đề nghị phía Ả Rập Xê Út giúp Hà Nội hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động từ Việt Nam; cụ thể hóa các nội dung liên quan đến chế độ lương, thưởng cho số người này.

Việt Nam và Ả Rập Xê Út ký Hiệp định tuyển dụng lao động giúp việc nhà hồi năm 2014. Tại cuộc gặp ngày 9/4, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Việt Nam đề nghị hai phía xem xét lại hiệp định này theo hướng tiếp nhận thêm lao động Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, cơ khí, khai thác dầu khí.

Hồi tháng 11/2021, các chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc từng ra thông cáo báo chí kêu gọi Chính phủ Hà Nội và Ả rập Xê Út hợp tác ngăn chặn việc đưa phụ nữ Việt sang làm giúp việc nhà tại xứ này; nhưng thực chất là lao động như nô lệ, bị đối xử tàn tệ. Một số trường hợp phải lên tiếng kêu cứu.

Được biết, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật hôm mùng 03 tháng 04 vừa qua..


Cổ phiếu VinFast rớt giá kỷ lục xuống mức đáy từ khi lên sàn Nasdaq ở Mỹ (VOA)

Cổ phiếu mã VFS của hãng xe hơi điện Việt Nam VinFast lao dốc xuống mức thấp nhất từ khi giao dịch ở Mỹ, chỉ còn có giá 4,16 đô la khi chốt phiên giao dịch hôm 5/4, theo dữ liệu của sàn Nasdaq.

Trong phiên giao dịch khép lại tuần đầu tiên của tháng 4, có lúc VFS rớt xuống mức thấp chưa từng thấy là 3,96 đô la. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của hãng xe thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã mất đi hơn 50% giá trị.

VinFast là một thành phần trong tập đoàn Vingroup của ông Vượng hoạt động mạnh và sinh lời chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản.

Cổ phiếu VinFast lên sàn Mỹ hồi giữa tháng 8 năm ngoái tạo nhiều phấn khích trong số những người cổ vũ cho hãng cũng như gây chú ý đối với giới quan sát. Chỉ trong vòng 2 tuần, VFS tăng từ mức ban đầu hơn 10 đô la lên đỉnh là hơn 90 đô la, nhưng kể từ đó chủ yếu đi theo xu hướng xuống dốc.

VFS rơi xuống đáy mới hôm 5/4 bất chấp việc tập đoàn mẹ Vingroup ra tuyên bố cùng thời điểm ở Việt Nam rằng tập đoàn đặt mục tiêu đầy tham vọng là sẽ đạt doanh thu thuần 200.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 4.500 tỷ đồng, là những kỷ lục của họ từ trước đến nay.

Riêng về hoạt động của VinFast, theo tường thuật của báo chí Việt Nam, Vingroup nói rằng trong năm 2024, VinFast sẽ tiếp tục mở rộng kênh phân phối với mục tiêu đạt khoảng 400 điểm bán hàng trên toàn cầu vào cuối năm, bên cạnh đó, hãng sẽ bàn giao mẫu mới tại Mỹ, xuất khẩu xe sang châu Âu, và bắt đầu phân phối tại Indonesia.

Một mục tiêu quan trọng hàng đầu nữa của VinFast là tối ưu chi phí thông qua nghiên cứu các sáng kiến thiết kế nhằm giảm chi phí nguyên vật liệu, đồng thời tìm nguồn cung ứng và mua hàng hiệu quả.

Ít ngày trước tuyên bố về mục tiêu lãi và doanh thu đầy tích cực, vào cuối tháng 3, tập đoàn Vingroup bán đi phần sở hữu chính trong hãng thành viên Vincom Retail chuyên về bất động sản phục vụ các trung tâm thương mại, bán lẻ… thu về 1,6 tỷ đô la tiền mặt, theo tin của báo chí Việt Nam.

Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh hãng sản xuất ô tô VinFast vẫn ngập sâu trong lỗ và nợ nần sau gần 7 năm kể từ ngày thành lập và gần 2 năm rưỡi tính từ khi cho ra mắt chiếc xe hơi điện đầu tiên của hãng.

Như VOA đã đưa tin, theo một báo cáo tài chính mà VinFast công bố với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Mỹ hồi tháng 2 năm nay, hãng bị lỗ ròng tới 2,39 tỷ đô la trong năm ngoái.

Trước đó, hãng lỗ lần lượt 2,1 tỷ đô la và hơn 1,3 tỷ đô la trong hai năm 2022 và 2021. Số lỗ của hãng hồi năm 2020 thấp hơn, ở mức gần 800 triệu đô la. Tính từ khi ra đời đến hết năm 2023, lỗ lũy kế của VinFast lên đến hơn 7,7 tỷ đô la.

Về nợ nần, báo cáo cho biết tổng cộng cả nợ ngắn hạn lẫn nợ dài hạn của VinFast lên đến hơn 8,2 tỷ đô la trong toàn bộ năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm kia.

Cũng trong năm 2023, VinFast bàn giao tới người tiêu dùng gần 35.000 ô tô điện, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 50.000 xe. Hồi tháng 2/2024, hãng tuyên bố nhắm đến mục tiêu giao 100.000 xe trong năm, gấp đôi mục tiêu mà họ đã bị thất bại hồi năm ngoái.


Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước năm 2030

Đài VOA thuật tin từ truyền thông trong nước cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu khởi công xây dựng hai tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Hà Nội với Trung cộng trước năm 2030, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ Việt Nam.

Đây được xem là một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ nồng ấm lên gần đây giữa hai quốc gia láng giềng do Cộng sản cai trị, theo nhận định của Reuters.

Trung cộng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn nhập khẩu quan trọng cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Hai nước hiện đã được kết nối thông qua hệ thống đường cao tốc và hai tuyến đường sắt cũ, mà phía Việt Nam cần phải nâng cấp.

Một trong những tuyến đường cao tốc sẽ chạy từ các thành phố cảng Hải Phòng và Quảng Ninh của Việt Nam qua Hà Nội đến tỉnh Lào Cai, giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung cộng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong một thông báo đưa ra vào cuối ngày 9/4 được Reuters trích dẫn.

Hệ thống đường sắt cao tốc ở Nhật Bản (Ảnh minh họa)

Theo kế hoạch, tuyến còn lại sẽ chạy từ Hà Nội đến tỉnh Lạng Sơn, giáp khu vực Quảng Tây của Trung cộng, đi qua khu vực đông dân cư với các cơ sở sản xuất toàn cầu, trong đó có một số thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung cộng.

“Ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn – Hà Nội kết nối với Trung cộng”, VnEpxress dẫn thông báo kết luận của thường trực Chính phủ về quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050, nói.

Thông báo không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các dự án.

Vẫn theo VnExpress, Thường trực Chính phủ cho biết mục tiêu của việc nghiên cứu mở rộng, phát triển, tổ chức giao thông là nhằm giải quyết tắc nghẽn trong khu vực, và các cơ quan được yêu cầu rà soát tuyến đường hành lang công nghiệp để bảo đảm kết nối giao thông, giảm thiểu chi phí logistic cho việc phát triển công nghiệp.

Đầu tháng này, Việt Nam nói đang tìm cách học hỏi Trung cộng để phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc đầu tiên và đã cử quan chức đến làm việc với các công ty đường sắt Trung cộng.

Một tuyến đường sắt cao tốc khổng lồ nối thủ đô Hà Nội với trung tâm thương mại Saigon  cũng đang được lên kế hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã gặp lãnh đạo các công ty đường sắt Trung cộng hôm 8/4 trong chuyến thăm Bắc Kinh, nơi ông được Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp.

Thông báo mới nhất được đưa ra sau khi Việt Nam và Trung cộng ký hàng chục thỏa thuận hợp tác, bao gồm cả về đường sắt, trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình vào tháng 12.

Theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam được Reuters trích dẫn, thương mại giữa Việt Nam và Trung cộng trong quý đầu năm nay đã tăng 22% so với một năm trước đó, lên 43,6 tỷ USD.

Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng Trung cộng có những tranh chấp hàng hải kéo dài ở Biển Đông với nước láng giềng phía Nam.

Mặc dù vậy, những diễn biến gần đây cho thấy căng thẳng đã giảm bớt, khi Bắc Kinh nồng nhiệt đón tiếp một số nhà lãnh đạo từ Việt Nam trong tuần này, giữa bối cảnh nước này chuyển sang tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực nhằm giữ khoảng cách với Mỹ.

Mời quý độc giả đọc thêm bài trên Vận Hội Mới, liên quan đến sự kiện này https://vanhoimoi.org/?p=20618


Việt Nam phá đường dây tín dụng đen 2000% tiền lời

Công an Saigon và tỉnh Khánh Hòa vừa triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi do người Ukraine cầm đầu và bắt giữ hai người Ukraine trong đường dây này hôm 8/4. Công an cho biết, ước tính số tiền thu lợi bất chính của đường dây này lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Truyền thông Nhà nước hôm 9/4 cho biết Bộ Công an gần đây phát hiện nhóm tội phạm nước ngoài liên kết với người Việt Nam thành lập các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao để hoạt động “tín dụng đen” với quy mô lớn. Lãi suất cho vay của các công ty này cao nhất lên đến 2000%.

Hôm 8/4, công an đã bắt giữ hai người mang quốc tịch Ukraine là Bugaevskiy Tymur và Kravchuk Iryna, đồng thời đồng loạt khám xét bốn công ty tại Saigon.

Theo điều tra của công an được báo trong nước trích đăng, đường dây này do Katerynchyk Roman (38 tuổi, quốc tịch Ukraine, hiện đã bỏ trốn) cầm đầu. Người này kết hợp với hai người Việt Nam khác để hoạt động tín dụng đen qua các ứng dụng như Easycash.vn, Oncredit hoặc trang web Oncredit.asia.com.

Cũng theo điều tra, các hoạt động cho vay được bắt đầu từ năm 2019. Katerynchyk Roman đã đưa cho người Việt tên Lê Thanh Huỳnh Cang 400.000 đô la để lập các công ty tài chính, cho vay. Vào năm ngoái, Katerynchyk Roman tiếp tục đưa thêm 11 triệu đô la. Nguồn tiền được xác định từ công ty SCA của Singapore và ngân hàng TAS của Đảo Cyprus.

Số tiền cho vay thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất lên đến vài chục triệu đồng một người. Lãi suất được tính từ 365% đến 2000% năm. Bộ Công an xác định đường dây này có hàng trăm nghìn khách hàng người Việt. Đã có 63 người liên quan bị công an triệu tập trong vụ án này.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 1-2-3/4/2024
  • Ukraine: Drone oanh kích sâu trong lãnh thổ, nguồn xăng dầu của Nga
  • Viện trợ quân sự cho Ukraina: NATO bàn lập quỹ 100 tỉ euro
  • Israel không kích Gaza, nhiều nhân viên cứu trợ nhân đạo nước ngoài thiệt mạng
  • Bầu cử thị trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ: Phe đối lập thắng lớn
  • Teheran thề trả đũa vụ Israel oanh kích Damas, giết chết 7 Vệ binh Iran
  • Chính quyền Biden cân nhắc giao vũ khí trị giá 18 tỷ USD cho Israel
  • “Hội chứng La Havana”: Màn bí mật đã được vén lên
  • Nhật Bản và Mỹ thắt chặt hợp tác an ninh với Anh, Úc và Philippines
  • New Delhi phản đối Bắc Kinh đặt tên Tầu cho 30 địa điểm ở biên giới Himalaya
  • Bộ Ngoại giao Mỹ: án tù cho nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam là bất công
  • Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh Vatican sẽ thăm Việt Nam
  • Phật Giáo Hòa Hảo bị cấm hành lễ
  • Nạn nhân Việt Nam trong hoạt động buôn người ở Đông Nam Á
  • Thanh niên chết tại trụ sở Công an Long Thành
  • FB của chính phủ Việt Nam chỉ trích Facebooker ngoại quốc về hành vi phỉ báng
  • Gần 74.000 doanh nghiệp Việt rời thị trường trong quý một
  • Tin Chính Trong Tuần 25-26-27/3/2024.
  • Hai tàu chiến Nga tại bán đảo Crimée bị Ukraina ''oanh kích''
  • Khủng bố: Putin thừa nhận thủ phạm là Hồi giáo cực đoan, nhưng vẫn cáo buộc Ukraina
  • Trước đe doạ khủng bố, hàng loạt nước châu Âu nâng mức cảnh báo an ninh
  • Bộ Quốc Phòng Anh: Hạm đội Biển Đen của Nga đã ‘‘tê liệt’’ trên thực tế
  • Nam Hàn 'quan ngại sâu sắc' việc Trung Cộng dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines
  • LHQ thông qua nghị quyết ngưng bắn ở Gaza, quan hệ Mỹ - Israel căng thẳng
  • Nhật Bản phê duyệt sửa đổi quy định xuất khẩu chiến đấu cơ
  • Mỹ, Anh và New Zealand đồng loạt tố cáo Trung Cộng tấn công mạng
  • Ấn Độ ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền lãnh hải
  • TBT Nguyễn Phú Trọng mời TT Putin thăm Hà Nội
  • Võ Văn Thưởng mất chức, Giới đầu tư nước ngoài nghi ngại
  • Hơn 10.000 tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam trong năm qua
  • 500 người Việt vượt biển vào Anh quốc
  • Việt Nam sa thải HLV Troussier sau khi gần hết cơ hội vào World Cup
  • Giới hoạt động quan ngại về cái chết ‘bất thường’ của một tín đồ ở Đắk Lắk
  • Việt nam bắt Sư trụ trì chùa Đại Thọ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”
  • Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh không được tại ngoại để chữa ung thư
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/3/2024.
  • Ukraina xây dựng tuyến phòng thủ 2000 km
  • Drone Ukraina tấn công các nhà máy lọc dầu Nga
  • Ngoại trưởng Blinken tới Trung Đông lúc quan hệ Hoa Kỳ -Israel căng thẳng
  • Liên Hiệp Quốc và phương Tây chỉ trích luật an ninh mới của Hồng Kông
  • Mỹ khẳng định cam kết bảo vệ Philippines, Trung Cộng phản ứng
  • Vua Hà Lan 'hoàn toàn bất ngờ' và 'đáng tiếc' khi bị hoãn chuyến thăm Việt Nam
  • TT Pháp tái khẳng định phương Tây có thể cần đưa quân sang Ukraina
  • Miến Điện: Tổng thư ký LHQ lo ngại trước các cuộc tấn công mới nhằm vào dân thường
  • Không quân Mỹ thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh
  • Sau hơn 1 năm tại vị, Ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch Nước
  • VN đối mặt với thiệt hại mùa màng 3 tỷ USD/năm do nước mặn xâm nhập
  • Ô nhiễm không khí tệ hại ở Hà Nội
  • Vi nhựa trong không khí tại Saigon gấp 50 lần Paris
  • Viện kiểm sát đề nghị án tử hình trùm BĐS Trương Mỹ Lan
  • Dân Lâm Đồng thiếu nước sạch nhiều tháng