____________________________

Isa là một thiếu nữ đang lớn, phát triển về vẻ đẹp và tài năng. Em học rất giỏi và ngoan ngoãn. Em đã sống với ông bà ngoại từ sau khi lọt lòng mẹ. Isa và mẹ em, người em mới nhận ra mẹ đẻ và làm hòa chỉ hơn một tháng. Do những lý do thầm kín, mẹ của em sau khi sinh em đã để em lại cho ông bà và rời khỏi nhà sống với người yêu ở một tiểu bang khác. Một năm vài lần mẹ em về thăm nhà nên em không hề biết đó là mẹ ruột của mình, và đã gọi mẹ là chị. Bằng một linh tính trời phú, mới đây nhân dịp người mẹ về thăm, em đã trực tiếp hỏi mẹ về những gì em đang suy nghĩ. Không thể kìm hãm tình mẫu tử lâu hơn được nữa, mẹ em đã nói ra những điều khiến day dứt nhưng lại phải âm thầm dấu kín trong lòng bấy lâu. Tuy đã nhận mẹ, nhưng Isa vẫn còn buồn với mẹ…   

Liz và Hugo là hai đứa trẻ từ ngày lọt lòng mẹ đã được ba thay tã lót, tắm rửa, pha sữa, cho bú và chăm sóc. Năm năm trước, người mẹ đã đơn phương ly dị để đi theo con đường riêng tự chọn. Trong hoàn cảnh sống mới, hai đứa trẻ hoàn toàn bị bỏ rơi, lạc lõng, không được chăm sóc về thể chất lẫn tinh thần. Tuy là những đứa trẻ thông minh, nhưng vì thiếu sự dìu dắt và dậy đỗ, cả hai đã trở nên hư hỏng, tương lai không biết sẽ đi về đâu. Từ đầu sau khi ly dị, người cha tuy đau khổ nhưng chỉ được can thiệp rất giới hạn, vì quyền nuôi hai đứa thuộc về người mẹ.

Tuổi trẻ hiện nay đang bị lãng quên, bỏ rơi ngay trong nhà của mình, do chính cha mẹ của mình.

Nhiều em đã chán nản, muốn tìm cách thoát ly, lý do vì ở cái nơi mà ta gọi là nhà ấy, nhiều em đã không tìm được tình thương, không cảm thấy mình được quan tâm, lo lắng và an toàn. Bầu khí ở nơi ấy ngột ngạt, căng thẳng vì thường xuyên xảy ra cảnh cha mẹ chửi rủa, đánh đập nhau. Tệ nạn xã hội xảy ra ngay trong nhà. Và tệ hại nhất là các em đã trở thành nạn nhân của những lần hành hung, lạm dụng thể xác, tâm lý và tâm thần do chính cha mẹ mình. Thực tại gia đình như thế khiến các em rơi vào tình trạng phải miễn cưỡng bỏ nhà đi hoang.

Một vị linh mục làm tuyên úy nhà tù và trại cải huấn cho biết, qua nhiều năm làm việc với các tù nhân và các trẻ vị thành niên, nguyên nhân chính khiến các em phải vào tù là bỏ nhà đi hoang, hoặc bị đuổi ra khỏi nhà. Và người đã ảnh hưởng nhất khiến các em phải quyết định như vậy là người cha trong nhà. Mẹ cũng có, nhưng hầu hết những tai họa gây ra cho gia đình, làm đổ vỡ hạnh phúc là do người chồng, người cha. Vô tâm, vô tình, ích kỷ và thiếu trách nhiệm. Nhiều người còn bỏ rơi vợ con và vướng vào tứ đổ tường.   

Cũng theo vị linh hướng này, trong tù có những em chỉ mới 13 tuổi. Khi hỏi nếu được thả về, các em có muốn về nhà không, số đông đều trả lời là “không”. Không muốn về lại nhà, vì sợ sẽ bị bạc đãi, lạm dụng và hành hạ trở lại. Sợ phải nghe, phải chứng kiến những cuộc chửi bới, cãi vã, đánh đấm nhau của cha mẹ. Còn những em không có nhà mà trở lại thì sao? Cha chia sẻ tiếp câu chuyện về một em 16 tuổi hết hạn bị giam được trả tự do nhưng em khóc vì không biết đi đâu? Cha em đang ở trong một nhà tù tiểu bang, mẹ em cũng đang ngồi tù tại một nhà tù ở một tiểu bang khác. Cuối cùng em trở về để sống với bà ngoại…     

Khảo cứu cho thấy rằng riêng tại Hoa Kỳ 7% trẻ em, hoặc 1 triệu rưỡi các em nhỏ và vị thành niên đã thoát ly, trốn khỏi nhà mỗi năm. Cũng có những trường hợp các em bị cha mẹ hay người lớn “bị ném ra khỏi nhà!” Nguyên nhân chính là do những khủng hoảng trong gia đình, bị bỏ rơi, lạm dụng và hành hạ. [1]

Đi hoang dưới bất cứ hình thức nào, hậu quả của nó cũng rất tồi tệ và nguy hiểm. Một khi đã ra khỏi nhà, các em thường bị dụ dỗ vào con đường sa đọa, phạm những tội ác xã hội. Vì phải tự sống, tự sinh tồn, các em dễ vướng vào những thói xấu như trộm cướp, buôn bán nha phiến, hoặc làm điếm. Bất hạnh nhất là rơi vào những đường dây buôn bán trẻ vị thành niên.

Ngày nay nhiều phương pháp giáo dục, nhiều chương trình, nhiều cuộc hội thảo hữu ích về tâm lý, tình yêu, hôn nhân, gia đình, tôn giáo và xã hội được phổ biến rộng rãi qua những phương tiện truyền thanh, truyền hình, sách vở. Nhưng có mấy người xem và tìm hiểu học hỏi?

Còn lại giới trẻ thì đang bị cuốn hút, thu hút bởi những phong trào yêu đương, đồng tính, chuyển giới, ly dị, phá thai hoặc đi theo những đòi hỏi của thế giới vật chất.

Chính vì thế trách nhiệm giáo dục, nhất là giáo dục gia đình đã trở thành một ơn gọi thiêng liêng và cao cả. Cha mẹ hay phụ huynh vì bất cứ lý do gì lơ là, coi thường không quan tâm đến trách nhiệm đặc biệt này, họ nên nghe lời Chúa Giêsu nói với họ: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.” (Mt 18:6) Những kẻ bé mọn đó là các trẻ em, những con cháu của chúng ta.

Những lời cảnh cáo, trách cứ của Thánh Kinh trên tuy nghiêm khắc, nhưng đi sâu vào ảnh hưởng giáo dục, tâm lý và tâm linh thì rõ ràng là một điều hết sức quan trọng và cần thiết. Chúng ta không đang tâm buộc cối đá vào cổ và quăng con mình xuống biển, nhưng làm gương xấu, gương mù cho con cái thì ít người thấy áy náy, hối hận! Biển trần gian chúng ta không đang tâm ném con mình xuống, thì cũng đừng ném con mình vào biển đời trong đó các loài thủy quái của bóng tối sẽ đón lấy và nuốt chửng con chúng ta.

Hai ông bà, những cô cậu và người mẹ tuy không buộc cối đá vào cổ Isa và ném em xuống biển. Nhưng cối đá tinh thần mà họ đã buộc vào cổ em suốt 16 năm. Cối đá ấy, tuy nay đã được cởi bỏ, dầu vậy ảnh hưởng tâm lý của nó mãi mãi là một khối nặng trong em mà phải nhiều năm mới có thể làm nhẹ vơi. Hy vọng nó sẽ không để lại một hậu chấn tâm lý.

Người mẹ bỏ chồng, bỏ rơi các con, dù không buộc cối đá vào cổ hai con mình ném chúng xuống biển. Nhưng hậu quả của sự lơ là đối với con cái, không đem lại cho chúng tình thương, không quan quan tâm đến việc giáo dục, và nhất là qua lối sống của mình đã buộc những khối đá tâm linh nhận chìm hai đứa con trong biển sâu của vong thân. Hậu quả là những cơn sóng dữ của xã hội đã dập vùi con của bà!

Người cha nghiện ngập đã bỏ rơi vợ và ba con. Ngoài những cối đá nặng nề ông buộc vào tâm tư vợ và các con, chiếc cối đá thiếu thốn, vất vả về vật chất cũng là một chiếc cối đá nặng nề đang khiến vợ và các con ông phải chơi vơi giữa biển đời!    

Cối đá buộc vào cổ những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi gương mù, liệu có nên buộc nó vào cổ những kẻ làm gương mù hay không?

TS Trần Mỹ Duyệt

Tham khảo:
1. National Conference of State Legislatures https://www.ncsl.org › human-services › youth-homeless..

Bài liên quan:
  • Hình tượng ‘nhà cải cách Tập Cận Bình’ bị lật đổ ngay trong Hội nghị Trung ương 3
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 14/9/2024. Tranh luận sôi nổi giữa Trump & Haris: Ai thắng, ai thua? Điều hợp viên thiên vị? Thông điệp gì cho cử tri?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Sổ Tay Thường Dân: Bứt Phá & Đột Phá
    Tưởng Năng Tiến
  • HỘI LUẬN ngày 14/9/2024. Tranh luận Trump & Haris: Ai thắng, ai thua? Thông điệp gì cho cử tri? Chiến tranh Ukraine đi vào khúc quanh: Giải pháp nào? Căng thẳng ở Biển Đông: Sách lược của mỗi ứng viên?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • NHỮNG NGƯỜI KHÔNG NÊN LẤY LÀM CHỒNG
    TS Trần Mỹ Duyệt