TIN THẾ GIỚI

Matxcơva hứng chịu một trong những cuộc tấn công bằng drone Ukraina lớn nhất từ trước đến nay (RFI)

Theo thông báo hôm 21/08/2024 của thị trưởng Matxcơva, Sergei Sobyanin, thủ đô Nga trong đêm qua đã là mục tiêu của một trong những cuộc tấn công bằng drone của Ukraina quy mô nhất trong lịch sử nhắm đến thành phố này.

Hãng tin AFP trích nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Nga cho biết trong đêm qua, 11 drone đã bị bắn hạ trên vùng trời thủ đô Matxcơva và vùng phụ cận. Theo thị trưởng Matxcơva, do bị bắn hạ nên các drone của Ukraina đã không gây thương vong cũng như thiệt hại vật chất.

Nằm cách biên giới Ukraina hơn 500 km, Matxcơva và vùng phụ cận đã từng bị tấn công bằng drone, như vào mùa hè năm ngoái, các drone đã bị bắn chặn trên không phận thủ đô và trước đó, vào tháng 5/2024, hai drone cũng đã bị phá hủy trước khi bay đến mục tiêu.

Cuộc tấn công bằng drone nói trên diễn ra trong bối cảnh Nga đã phải đối đầu với một chiến dịch tấn công chưa từng có của quân Ukraina vào vùng biên giới Kursk từ ngày 06/08.

Trong khi đó, quân Nga, được trang bị tốt hơn và có quân số đông hơn đối phương, tiếp tục đà tiến ở vùng Donetsk, miền đông Ukraina. Hôm qua, họ thông báo đã chiếm được thành phố New York ở vùng này. Đây là một trong những trung tâm hậu cần quan trọng của quân Ukraina.

Thành phố này mang tên New York cho đến năm 1951, khi chính quyền Liên Xô đổi tên thành Novgorodskoïe. Chỉ đến năm 2021, thành phố mới lấy lại tên cũ là New York.

Cũng vào hôm qua, lần đầu tiên kể từ năm 2011, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Chechnya, nước Cộng hòa thuộc Nga ở vùng Kavkaz, mà lãnh đạo là Ramzan Kadyrov, một đồng minh của chủ nhân điện Kremlin. Để chống trả cuộc tấn công của quân Ukraina vào vùng Kursk, lực lượng Chechnya đã được triển khai tại vùng này để hỗ trợ quân Nga.


Ukraina tăng cường oanh kích các cầu chiến lược ở vùng Kurst của Nga (RFI)

Một ngày sau khi Matxcơva thừa nhận đối phương đã phá được một cây cầu có vị trí chiến lược ở vùng Kurst của Nga, hôm 18/08/2024 không quân Ukraina thông báo các lực lượng của nước này đã oanh kích một cây cầu khác tại vùng Kurst nhằm làm suy giảm khả năng chống trả của Nga trong vùng.

Theo AFP, trên mạng Telegram, chỉ huy lực lượng không quân Ukraina, Mykola Oleshchuk, cho đăng tải một video về vụ tấn công được xem là “vụ oanh kích với độ chính xác cao” để cản trở hậu cần của đối phương.

Về vụ phá cầu hôm qua, phía Nga tố cáo Ukranaina dùng vũ khí phương Tây, cụ thể là tên lửa Himars của Mỹ, để tấn công vào lãnh thổ Nga. Cây cầu nằm gần Glouchkovo, là một trong những trục chính mà quân Nga phải đi qua để tăng viện cho chiến trường Kurst. Việc Ukraina phá hủy cây cầu này cũng khiến Nga gặp khó khăn trong việc di tản thường dân. Đến chiều hôm qua, theo một số bloggeur quân sự của Nga, quân đội đã lắp đặt một cầu phao gần đó để tiếp tục di tản thường dân.

Tổng cộng trên 100 lính Nga đã bị đối phương bắt. Theo đặc phái viên báo Le Monde tại vùng biên Soumy của Ukraina, việc bắt thêm được nhiều tù binh trong chiến dịch tấn công vùng Kurst của Nga cho phép Kiev hy vọng có thể đưa nhiều binh sĩ và thường dân Ukraina trở về từ Nga. Hôm 14/08, ủy viên nhân quyền Ukraina, Dmytro Lubinets, khẳng định là đồng nhiệm Nga, Tatiana Moskalkova, đã liên hệ với ông để mở các cuộc thảo luận về trao đổi tù nhân.

Liên quan đến các vụ oanh kích của Nga nhắm vào lãnh thổ đối phương, các lực lượng phòng không Ukraina sáng sớm hôm 18/08 thông báo đã chặn được một đợt tấn công của Nga bằng tên lửa nhắm đến thủ đô Kiev, và rất có thể đó là những lên lửa KN-23 do Bắc Triều Tiên chế tạo. Nhiều drone cũng đã bị bắn hạ khi bay đến vùng trời ngoại ô Kiev.

Còn tại vùng Zaporijjia, miền nam Ukraina, sau khi xảy ra một vụ oanh kích bằng drone tại địa điểm gần nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA hôm 17/08 cảnh báo về tình hình an ninh “xuống cấp” tại nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, hiện đang bị quân Nga chiếm.


Công du Trung Đông lần 9, ngoại trưởng Mỹ không thúc đẩy được thỏa thuận ngừng bắn Israel – Hamas (RFI)

Hôm 21/08/2024, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã rời Trung Đông mà không đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza giữa Israel và phong trào Hamas. Tuy nhiên, ông cam kết Mỹ sẽ tập trung mọi nỗ lực để đạt được lệnh hưu chiến trong những ngày tới”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken

Một quan chức cấp cao tháp tùng ông Blinken trong chuyến đi cho biết Hoa Kỳ dự kiến ​​các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong tuần này. Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi Hamas chấp nhận đề xuất ngừng bắn mới nhất của Mỹ đối với dải Gaza, sau khi thông báo thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đồng ý với kế hoạch này.

Tuy nhiên, theo AFP, Hoa Kỳ vẫn thể hiện những bất đồng với Nhà nước Do Thái. Trước đó, thủ tướng Netanyahu thông báo đã thuyết phục được ngoại trưởng Mỹ cho phép duy trì quân đội Israel ở hành lang Philadelphia, dải biên giới giữa Ai Cập và Gaza, trong phạm vi hẹp. Nhưng khi được hỏi về tuyên bố này của thủ tướng Israel, ông Blinken khẳng định là ngay từ đầu Hoa Kỳ đã không chấp nhận việc Israel chiếm đóng Gaza lâu dài. Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm rằng các bên đã có một “thỏa thuận rất rõ ràng về thời gian và các khu vực ở dải Gaza mà (Lực lượng Phòng vệ Israel) phải rút lui và Israel đã đồng ý.”

Trả lời Reuters, một quan chức cao cấp Hoa Kỳ xin ẩn danh, đã nói thẳng rằng những “tuyên bố mang tính tuyệt đối” như của ông Netanyahu “không mang tính xây dựng” để đạt được một lệnh ngừng bắn. Ai Cập, quốc gia Ả Rập đầu tiên ký hiệp định hòa bình với Israel, cũng đã rất bức xúc vì việc quân đội Israel chiếm giữ biên giới vào tháng 5. Còn về phần mình, Hamas tuyên bố “sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận hưu chiến“, nhưng phản đối các “điều kiện mới” do Israel đưa ra trong đề xuất cuối cùng của Hoa Kỳ.


Úc-Indonesia ký thỏa thuận triển khai quân trên lãnh thổ của nhau (RFI)

Úc và Indonesia hôm 20/08/2024, thông báo sẽ ký kết một thỏa thuận quốc phòng mới, tăng cường hợp tác quân sự. Thỏa thuận cho phép các đơn vị quân đội hai bên triển khai trên lãnh thổ của nhau.

Tổng Thống Prabowo và Thủ tướng Albanese

Theo AFP, tuyên bố được lãnh đạo hai bên đưa ra vào lúc tổng thống đắc cử Indonesia, bộ trưởng Quốc Phòng Prabowo Subianto, công du Úc. Theo ông Subianto, thỏa thuận, được hai bên đàm phán từ tháng 2/2024, ‘‘sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên’’. Thủ tướng Úc Anthony Albanese nhấn mạnh: ‘‘Hiệp định lịch sử này sẽ là một phần căn bản trong các hợp tác giữa hai nước chúng ta trong lĩnh vực an ninh.’’ Bộ trưởng Quốc Phòng Úc, Richard Marles, cho biết thỏa thuận sẽ được ký kết trong những ngày tới. 

Úc và Indonesia chia sẻ đường biên giới trên biển dài nhất thế giới. Hai bên đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực như an ninh trên biển, chống nạn buôn người và nạn buôn lậu ma túy. Bà Curie Maharani, chuyên gia về quốc phòng Đại học Binus, ở Jakarta, nhận định : ‘Chắc chắn đây là thỏa thuận hoàn chỉnh nhất về lĩnh vực quốc phòng mà Indonesia từng ký kết cho đến nay.’’

Về phía nước Úc, chính quyền Canberra đang nỗ lực siết chặt quan hệ quân sự với Mỹ, và tăng cường lực lượng vũ trang để đối phó với ảnh hưởng gia tăng của Trung Cộng trong khu vực. Theo báo Jakarta Post, Úc đã ký kết một số thỏa thuận quốc phòng với các đối tác trong những năm gần đây, trong đó đáng chú ý nhất là liên minh quân sự AUKUS với Hoa Kỳ và Anh, hiệp ước ‘‘khiến Trung Cộng tức giận’’.

Theo AFP, chính quyền Indonesia theo đuổi một chính sách ‘‘trung lập hơn’’. Ông Subianto ngay sau khi đắc cử tổng thống Indonesia, đã chọn Trung Cộng là điểm đến đầu tiên. Chuyên gia Greg Raymond, Đại học Quốc gia Úc, Canberra, nhận định, ông Subianto đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy các hợp tác quốc tế, khác với người tiền nhiệm Joko Widodo, trong 10 năm cầm quyền chưa bao giờ tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ông Prabowo Subianto sẽ chính thức nhậm thức tháng 10/2024.


Đài Loan phô diễn hỏa lực tên lửa trong chuyến thăm hiếm hoi địa điểm thử nghiệm nhạy cảm (VOA)

Đài Loan đã phô diễn hỏa lực tên lửa của mình hôm 20/8, khi phóng một loạt tên lửa đất đối không trước các phóng viên trong chuyến thăm một địa điểm thử nghiệm nhạy cảm ở một khu vực xa xôi của bờ biển phía đông nam hòn đảo.

Đài Loan dân chủ, nơi Trung Cộng luôn coi là lãnh thổ của mình, đã phàn nàn về việc Trung Cộng tăng cường hoạt động quân sự khi Bắc Kinh tìm cách khẳng định chủ quyền của mình, và Đài Bắc đã tăng cường khả năng răn đe của mình.

Đài Loan: bộ binh cơ giới Quân đội phô diễn hỏa đồ trận

Tên lửa là một phần quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Đài Loan, cả do Hoa Kỳ sản xuất và do trong nước làm ra.

Tại căn cứ Jiupeng ở huyện Bình Đông của Đài Loan, cuộc thử nghiệm quân sự đã bắn cả tên lửa Patriot do Hoa Kỳ sản xuất và tên lửa Sky Bow III do Đài Loan sản xuất lên bầu trời vào lúc bình minh ló dạng, trong khi một tàu chiến ngoài khơi bắn một tên lửa RIM-66 Standard.

“Tất cả các tên lửa được bắn hôm nay đều bắn trúng đích một cách suôn sẻ và đã chứng minh được hai điều: Đầu tiên là quá trình huấn luyện binh lính của chúng tôi rất vững chắc, thứ hai là hệ thống vũ khí của chúng tôi đã được xác thực trong quá trình bắn tên lửa thật này”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Sun Li-fang nói.

“Nhìn chung, chúng tôi đã đạt được mục tiêu của mình”, ông nói với các phóng viên trong chuyến đi hiếm hoi đến căn cứ này.

Jiupeng cũng là nơi Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Chung-Shan do chính phủ điều hành thử nghiệm các tên lửa mới, như phiên bản tầm xa hơn của Hsiung Feng được thiết kế để tấn công các mục tiêu sâu bên trong Trung Cộng.

Chính phủ Đài Loan bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Cộng, nói rằng chỉ có người dân hòn đảo này mới có thể quyết định tương lai của họ.


Biển Đông: Mỹ chỉ trích Trung Cộng trong vụ va chạm với tuần duyên Philippines (RFI)

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, hôm 19/08/2024, đã lên án mạnh mẽ “những hành động nguy hiểm” của Trung Cộng đối với các tàu Philippines ở Biển Đông, sau vụ va chạm giữa tuần duyên nước này và hải cảnh Trung Cộng.

Sự kiện mới xảy ra hôm 19/08/2024 giữa các tàu mang cờ hiệu Trung Cộng và Philippines. Vụ va chạm xảy ra tại khu vực gần một bãi cạn Sabina, nằm cách đảo Palawan của Philippines 140 km về phía tây, vào 3h24 sáng 19/08, giờ địa phương (19h24 ngày 18/08, giờ quốc tế), nơi mà đôi bên đang tranh chấp ở Biển Đông.

Ảnh minh hoạ

Tuyên bố của Washington khẳng định Hoa Kỳ sát cánh cùng đồng minh Philippines và lên án những hành động nguy hiểm của Trung Cộng khi thực hiện các hành động liều lĩnh, cố tình va chạm với hai tàu tuần duyên Philippines khiến những tàu này bị hư hỏng cấu trúc và gây nguy hiểm cho thủy thủ đoàn trên tàu.

Hoa Kỳ kêu gọi Trung Cộng tuân thủ luật pháp quốc tế và chấm dứt hành vi nguy hiểm và gây bất ổn.

Đồng thời, Washington tái khẳng định Điều IV của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines, ký kết vào năm 1951, sẽ được kích hoạt khi lực lượng vũ trang hay các thiết bị quân sự của Philippines, bao gồm cả lực lượng tuần duyên nước này, bị tấn công ở bất kỳ đâu trên Biển Đông.

Chính quyền Manila, hôm 20/08, đã chỉ trích lực lượng hải cảnh Trung Cộng không thiện chí trong việc xây dựng lòng tin ở Biển Đông. Phó đô đốc hải quân Philippines Alexander Lopez, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc về hành vi cố ý quấy rối và xâm phạm của Trung Cộng” đối với chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines ở Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế các hành động gây hấn và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Theo AFP, Manila nhận định đây là hành động thù địch đầu tiên của Bắc Kinh tại khu vực này, nơi cả Trung Cộng và Philipines đều triển khai tàu tuần duyên từ vài tháng nay. Philippines lo ngại Trung Cộng chuẩn bị xây đảo nhân tạo tại bãi cạn Sabina.

Phía Trung Cộng bác bỏ những cáo buộc của Manila và cho rằng tuần duyên Philippines đã hành động một cách “thiếu chuyên nghiệp và nguy hiểm”.


Mỹ: Biden chính thức “trao cờ” cho Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng (RFI).

Tổng thống Joe Biden, hôm 19/08/2024, đã được chào đón nồng nhiệt vào đêm đầu tiên của Đại hội đảng Dân Chủ ở Chicago, nơi ông chính thức « trao cờ » cho phó tổng thống Kamala Harris ra tranh cử tổng thống Mỹ. Chủ nhân Nhà Trắng đã kêu gọi mọi người dồn toàn lực hậu thuẫn bà Harris, bảo vệ, duy trì nền dân chủ.

Từ Chicago, đặc phái viên Guillaume Naudin cho biết :

Kamala Harris xuất hiện trên nền nhạc một bài hát của Beyonce như mỗi lần xuất hiện trước đám đông. Mọi người ngây ngất khi nhìn thấy ứng cử viên của họ, người đã thổi một luồng gió mới vào chiến dịch tranh cử của đảng Dân Chủ. Nhưng Kamala Harris chỉ phát biểu vài giây và lui vào trong, sau khi giải thích về mục đích của buổi tối.

Bà Harris nói : « Xin chào mọi người. Đây sẽ là một tuần hết sức quan trọng. Và tôi muốn bắt đầu bằng việc tôn vinh tổng thống Joe Biden tuyệt vời của chúng ta. Joe, cảm ơn ông, một nhà lãnh đạo chưa từng có, dành cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, cảm ơn ông vì những gì ông sẽ tiếp tục làm. Chúng tôi sẽ mãi mãi biết ơn ông. »

Khán phòng được hâm nóng cả buổi tối, cho đến khi Joe Biden xuất hiện và bảo vệ thành quả chính trị kéo dài 50 năm và gần 4 năm cầm quyền. Ông Biden chỉ trích gay gắt Donald Trump và trao ngọn cờ cho bà Harris.

Ông Biden nói : « Mọi người sẵn sàng bỏ phiếu cho tự do chưa ? Mọi người sẵn sàng bỏ phiếu cho nền dân chủ và cho nước Mỹ chưa ? Mọi người đã sẵn sàng bầu cho Kamala Harris và Tim Walz làm tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ hay chưa ? »

Những người ủng hộ đáp lại một cách nồng nhiệt vì họ đã không làm như thế từ nhiều tháng qua, và thể hiện lòng yêu mến với Joe Biden vào thời điểm bàn giao trọng trách cho Kamala Harris.


Châu Âu khẳng định tăng thuế thêm tới 38% với xe ô tô điện nhập Trung Cộng (RFI)

Hôm 20/08/2024, Ủy Ban Châu Âu khẳng định quyết tâm duy trì dự án tăng thuế thêm, tối đa là 38%, với xe ô tô điện nhập từ Trung Cộng, để bảo vệ thị trường nội địa. Hôm nay, 21/08, Bắc Kinh thông báo điều tra về một số sản phẩm sữa của châu Âu để trả đũa.

Ngày 04/07/2024, Ủy Ban Châu Âu thông báo sẽ tăng thêm thuế, có thể lên tới 38% đối với xe ô tô điện Trung Cộng (bổ sung vào mức thuế hiện nay là 10%), bị cáo buộc nhận được các trợ giá trực tiếp hay gián tiếp. Quyết định chính thức sẽ được đưa ra vào cuối tháng 10/2024, và có hiệu lực trong 5 năm. Kể từ khi thông báo được đưa ra cho đến khi quyết định có hiệu lực, Ủy Ban Châu Âu tiếp tục tiến hành các điều tra về trợ giá, vốn đã được khởi sự từ tháng 10/2023 và điều chỉnh việc áp thuế mới dựa trên mức độ trợ giá và thái độ hợp tác của các công ty sản xuất xe ô tô điện tại Trung Cộng.

Xe ô tô điện của hãng BYD tại cảng containeur ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Cộng.

Với các công ty bất hợp tác, thuế có thể bị tăng thêm 36,3% ngay từ bây giờ. Mác MG4 của nhà sản xuất SAIC, loại xe bán chạy nhất ở châu Âu, sẽ bị tăng thuế tối đa. Xe Tesla của công ty Mỹ, sản xuất tại Trung Cộng, sẽ bị tăng ít thuế nhất, thêm 9%. Lý do là Tesla được tài trợ rất ít và hợp tác với cuộc điều tra của châu Âu. BYD và Geely bị đánh thuế thêm 17% và 19,3%.

Theo chuyên gia Elvire Fabry, viện Jacques Delors, phụ trách nhóm công tác về quan hệ Liên Âu – Trung Cộng, việc tăng thuế khác biệt tùy theo mức độ hợp tác nói trên là ‘‘một tín hiệu chính trị’’ của Ủy Ban Châu Âu, cho thấy châu Âu đang nỗ lực để ‘‘điều chỉnh tình trạng cạnh tranh bất chính để bảo vệ thị trường nội địa châu Âu, nhưng cũng không đóng sập mọi cánh cửa’’ với Trung Cộng.

Xe ô tô điện giá rẻ Trung Cộng ngày một tràn ngập châu Âu

Ngành xe hơi châu Âu, với 14,6 triệu nhân công đang đứng trước cuộc cạnh tranh sống còn với Trung Cộng. Xe ô tô điện Trung Cộng giá rẻ đang ngày càng tràn ngập thị trường châu Âu, chiếm 22% so với 3% cách nay 3 năm. Theo một giới chức châu Âu, được AFP dẫn lời, phần căn bản của trợ giá từ phía Bắc Kinh là giúp các hãng xe đưa ra được bình điện (ắc quy) giá rẻ hơn.

Hiện tại, dự án tăng thuế của Ủy Ban Châu Âu vẫn tiếp tục gây chia rẽ trong nội bộ khối. Nếu như Pháp và Tây Ban Nha ủng hộ mạnh, thì Đức, Hungary và Thụy Điển vận động chống, vì lo sợ các trả đũa của Trung Cộng. Tại Trung Cộng, các tập đoàn xe hơi Đức, như Audi, BMW, Mercedes và Volkswagen thu được 40% trên tổng số doanh thu toàn cầu.

Kể từ khi Ủy Ban Châu Âu chính thức thông báo dự án tăng thuế, phòng Thương mại Trung Cộng ở Liên Âu đã lên án ‘‘chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch’’ trá hình, và đe dọa các hệ quả ‘‘tiêu cực’’. Hôm nay, Bắc Kinh thông báo điều tra về một số sản phẩm sữa của châu Âu, như một số loại pho mát, kể từ ngày 21/08/2024, do hoạt động bị cáo buộc là cạnh tranh ‘‘bất chính’’.


Phát hiện chất độc hại trong hàng hóa bán trên Shein và Temu của Trung Cộng (VOA)

Các mặt hàng dành cho phụ nữ bán ra từ một số công ty mua sắm trực tuyến phổ biến nhất thế giới có chứa chất độc hại, đôi khi cao gấp hàng trăm lần mức cho phép, nhà chức trách Hàn Quốc khuyến cáo hôm 21/8.

Những công ty thương mại điện tử khổng lồ của Trung Cộng bao gồm Shein, Temu và AliExpress đã tăng vọt về mức độ phổ biến trên toàn cầu trong những năm gần đây, cung cấp nhiều loại quần áo và phụ kiện hợp thời trang với mức giá cực kỳ thấp, giúp họ cạnh tranh với công ty khổng lồ Amazon của Hoa Kỳ.

Trước sự tăng trưởng bùng nổ đó, các nơi như Liên hiệp Châu Âu và Hàn Quốc cũng tăng cường giám sát chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh và tiêu chuẩn an toàn của các công ty Trung Cộng này. Các quan chức ở Seoul tiến hành kiểm tra hàng tuần các mặt hàng do các nền tảng trực tuyến đó bán ra.

Trong cuộc kiểm tra gần đây nhất, 144 sản phẩm từ Shein, AliExpress và Temu đã được thử nghiệm và nhiều sản phẩm từ tất cả các trang thương mại điện tử này đều không đáp ứng được các tiêu chuẩn pháp lý.

Giày bán từ Shein bị phát hiện có chứa hàm lượng phthalate cao đáng kể — hóa chất được sử dụng để làm cho nhựa dẻo hơn — có đôi chứa phthalate cao gấp 229 lần so với quy định cho phép.

Chất dẻo gốc phthalate ảnh hưởng đến chức năng sinh sản như giảm số lượng tinh trùng và có thể gây vô sinh, thậm chí sinh non”, một quan chức của nhóm sức khỏe môi trường Seoul cho AFP biết.

Một loại hóa chất như vậy “được Viện Ung thư Quốc tế phân loại là chất gây ung thư ở người, vì vậy cần đặc biệt cẩn thận để tránh tiếp xúc lâu dài với cơ thể con người”, họ nói thêm.

Formaldehyde, một loại hóa chất thường được sử dụng trong các sản phẩm xây dựng nhà ở, bị phát hiện trong nắp chai của Shein ở mức gấp đôi ngưỡng cho phép.

Hai lọ sơn móng tay của Shein bị phát hiện có dioxane — một chất có thể gây ung thư nơi người và có thể gây ngộ độc gan — ở mức cao hơn 3,6 lần giới hạn cho phép và nồng độ methanol cao hơn 1,4 lần mức có thể chấp nhận.

Chì trong giày sandal

Shein nói với AFP rằng họ “hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thử nghiệm độc lập quốc tế… để thường xuyên tiến hành các cuộc thử nghiệm lấy mẫu dựa trên rủi ro nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm do nhà cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm của Shein”.

“Các nhà cung cấp của chúng tôi được yêu cầu tuân thủ các biện pháp kiểm soát và tiêu chuẩn mà chúng tôi đã đưa ra cũng như luật và quy định về an toàn sản phẩm tại các quốc gia mà chúng tôi hoạt động”, công ty cho biết thêm.

Chính quyền Seoul phát hiện giày sandal của Temu có chứa chì trong đế giày với mức cao hơn 11 lần so với giới hạn cho phép.

“Sau khi nhận được thông báo từ chính quyền thành phố Seoul, chúng tôi đã ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra nội bộ”, một phát ngôn viên của Temu nói với AFP.

“Chúng tôi đã nhanh chóng xóa danh sách các sản phẩm này khỏi thị trường toàn cầu của mình và đang tăng cường hệ thống và hướng dẫn cho các thương gia để đảm bảo họ tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và quy định của địa phương”.

Theo một tuyên bố của chính phủ, các quan chức ở Seoul đã yêu cầu loại bỏ tất cả các sản phẩm độc hại đó ra khỏi danh mục mua bán.

“Các sản phẩm vượt quá giới hạn pháp lý là các sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, chẳng hạn như giày sandal da và mũ, vì vậy người dân nên đặc biệt chú ý”, ông Kim Tae-hee, một quan chức tại thủ đô Hàn Quốc khuyến cáo.

“Chính quyền đô thị Seoul sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc kiểm tra an toàn định kỳ và công bố kết quả”.

Vào tháng 4, Liên hiệp Châu Âu đã đưa Shein vào danh sách các công ty kỹ thuật số đủ lớn để phải tuân theo các quy định an toàn chặt chẽ hơn — bao gồm các biện pháp bảo vệ khách hàng khỏi các sản phẩm không an toàn, đặc biệt là những sản phẩm có thể gây hại cho trẻ em.


Tổng thống Lại Thanh Đức: Đài Loan không phải mục tiêu duy nhất của Bắc Kinh (VOA)

Tổng thống Đài Loan, Lại Thanh Đức, ngày 21/8 cảnh báo “chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng” của Trung Cộng sẽ không dừng lại ở hòn đảo này và kêu gọi các nước dân chủ đoàn kết để kiềm chế sự bành trướng đó.

Trung Cộng tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Cộng ngày 20/8 nói rằng Bắc Kinh tự tin về “sự thống nhất toàn diện” với hòn đảo Đài Loan.

Phát biểu tại Diễn đàn Ketagalan thường niên về an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ở Đài Bắc, ông Lại cảnh báo rằng Đài Loan không phải là “mục tiêu duy nhất” của Bắc Kinh.

Tổng thống Lại Thanh Đức

Chúng ta đều hoàn toàn nhận thức được rằng chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng của Trung Cộng sẽ không dừng lại ở Đài Loan, và Đài Loan cũng không phải là mục tiêu duy nhất của áp lực kinh tế của Trung Cộng”, ông nói với các chính trị gia và học giả từ 11 quốc gia tham dự diễn đàn.

Trung Cộng có ý định thay đổi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đó là lý do tại sao các nước dân chủ phải đoàn kết lại và hành động cụ thể. Chỉ bằng cách hợp tác với nhau, chúng ta mới có thể ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa độc tài.

Ông Lại, người đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 5 năm nay, đã bị Trung Cộng dán nhãn là “kẻ ly khai nguy hiểm” vì ông kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Đài Loan.

Bắc Kinh đã tăng cường áp lực quân sự và chính trị lên Đài Loan trong những năm gần đây và đã phát động các cuộc tập trận vài ngày sau lễ nhậm chức của ông Lại, bao vây hòn đảo bằng máy bay phản lực chiến đấu và tàu hải quân.

Quân đội Đài Loan báo cáo nhìn thấy tàu chiến Trung Cộng gần như hàng ngày xung quanh vùng biển của mình, cũng như các phi vụ của máy bay phản lực chiến đấu và máy bay không người lái xung quanh hòn đảo.

Ông Lại nhấn mạnh “chủ nghĩa bành trướng quân sự” của Trung Cộng đang diễn ra ở những nơi khác nữa, viện dẫn các cuộc tập trận chung của Bắc Kinh với Nga ở Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Biển Nhật Bản. “Những hành động như vậy nhằm mục đích đe dọa các láng giềng của Trung Cộng và phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực”, ông nói.

“Đài Loan sẽ không bị đe dọa. Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan”.

Ông Lại đã nhiều lần ngỏ lời muốn đối thoại với Bắc Kinh nhưng các cuộc đàm phán đã thực sự bế tắc kể từ cuộc bầu cử năm 2016 của người tiền nhiệm của ông Lại là bà Thái Anh Văn, người từ lâu đã tuyên bố Đài Loan không phải là một phần của Trung Cộng.

“Đài Loan sẽ không nhượng bộ hay khiêu khích … Với điều kiện bình đẳng và tôn trọng, chúng tôi sẵn sàng tiến hành trao đổi và hợp tác với Trung Cộng”, ông Lại nhắc lại hôm 21/8.

Bộ Ngoại giao Trung Cộng đã phản pháo vào chiều ngày 21/8, phát ngôn viên Mao Ninh khẳng định Đài Loan là “một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Cộng” và cáo buộc Đảng Dân Tiến của ông Lại đã đánh lừa công chúng.

“Bất kể họ nói hay làm gì, họ không thể thay đổi thực tế rằng cả hai bên Eo biển Đài Loan đều thuộc về một Trung Cộng duy nhất, họ cũng không thể ngăn chặn xu hướng thống nhất lịch sử của Trung Cộng”, bà Ninh tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ.


TIN VIỆT NAM.

Triển lãm 70 năm Cải cách ruộng đất và cuộc Di cư 1954: giáo dục về “sự kiện lịch sử bị lãng quên” (RFA)

Cải cách ruộng đất ở Miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1953 – 1956 và Cuộc di cư vĩ đại của người miền Bắc vào Nam Việt Nam (1954-1955) là những sự kiện quan trọng thay đổi lịch sử Việt Nam hiện đại, nhưng phần lớn đã bị xóa bỏ khỏi lịch sử chính thức được giảng dạy ở Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cho biết, đôi khi các sự kiện này được nhắc tới một cách rời rạc trong sách sử ở Việt Nam nhưng bản chất của chúng bị bóp méo cho mục đích tuyên truyền hoặc vì lí do “nhạy cảm chính trị”. 

Mặt khác, các sự kiện này đã xảy ra cách đây rất lâu, cách đây 70 năm, khiến cho phần đông công chúng không còn biết đến. Ngoài ra, sau 70 năm, phần lớn nhân chứng đã qua đời, già yếu hoặc di cư ra ngoài sau 1975, ký ức về những sự kiện này càng trở nên mờ nhạt dần. Thậm chí, qua trao đổi với RFA, Giáo sư Vũ Tường, trưởng khoa Chính trị học Đại học Oregon, và Tiến sỹ Alex Thái Võ, Giáo sư tại Trung tâm Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas, cho biết ngay cả với giới trẻ người Mỹ gốc Việt, những sự kiện này cũng được nhận thức rất mờ nhạt.  

Một số tư liệu lịch sử về Cải cách ruộng đất và Di cư 1954 được trưng bày ở triển lãm tại Bảo tàng Bowers, California hôm 17 và 18 tháng 8, 2024

Ngày 17 và 18 tháng 8, 2024, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, Trung tâm Việt Nam tại Đại học Công nghệ Texas và Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ tại Đại học Oregon đồng tổ chức một cuộc triển lãm về hai sự kiện lịch sử nêu trên tại Bảo tàng Bowers, thành phố Santa Ana, California, Hoa Kỳ. Các nhà tổ chức cho biết mục đích của cuộc triển lãm là góp phần vào việc nâng cao kiến thức và giáo dục về những sự kiện lịch sử bị lãng quên…

Tại cuộc triển lãm, những người tham gia được xem những hiện vật hấp dẫn và được nghe những lời chứng cảm động của các nhân chứng và những nghiên cứu mới nhất của các nhà sử học Bắc Mỹ về Cải cách ruộng đất 1953 – 1956 và cuộc Di cư vĩ đại 1954 – 1955. 

Triển lãm có sự hiện diện của nhiều nhân chứng lịch sử và các giáo sư sử học ở Bắc Mỹ. Về phía nhân chứng có diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, Tiến sỹ Trần Huy Bích. Về phía học giả có các giáo sư như Lan Cao (Đại học Chapman), Alec Holcombe (Đại học Ohio), Alex-Thai Vo (Đại học Texas Tech), Phi-Van Nguyen (Đại học Saint-Boniface), Jason Picard (Đại học VinUniversity), Tuấn Hoàng (Đại học Pepperdine) và Tường Vũ (Đại học Oregon).

Tại triển lãm, Giáo sư Alex Thái, người từng bảo vệ luận án tiến sỹ sử học tại Đại học Cornell, Hoa Kỳ, về Cải cách ruộng đất 1953 – 1956, đã thuyết trình về cải cách ruộng đất và tầm quan trọng của nó qua tư liệu lịch sử. Đây dường như là những tư liệu lịch sử lần đầu tiên được công bố trước công chúng. Tiến sỹ Alex-Thái nói: 

“Bảy mươi năm trước, từ 1953 đến 1956, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện một cuộc cải cách ruộng đất lớn nhằm xóa bỏ trật tự xã hội cũ ở nông thôn và xây dựng một trật tự xã hội mới thời ấy. Chiến dịch này được trình bày như một cuộc đấu tranh vì công lý, vì bình đẳng, nhằm lấy đất đai của người giàu chia cho người nghèo. Tuy nhiên, cách thực hiện chiến dịch này đã gây ra một làn sóng bạo lực, để lại những vết thương đến giờ chưa lành, những ký ức đến giờ chưa quên. Chúng ta không biết có bao nhiêu người đã chết trong chiến dịch đó.”

Những tư liệu mà GS Alex Thái trình bày tại cuộc triển lãm được các nhà nghiên cứu cho là rất có giá trị để hiểu về cải cách ruộng đất và di cư 1954, hai sự kiện quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại. Giáo sư Vũ Tường nhận xét:  

“Tôi cũng không ngờ là khối lượng tư liệu lịch sử mà anh Alex-Thái thu thập được thật là khổng lồ. Tôi cũng từng nghiên cứu nhiều năm ở các trung tâm lưu trữ và thư viện nhưng có nhiều tư liệu tôi chưa được biết, chưa được đọc. Anh Alex-Thái đã bỏ công sức hàng chục năm thu thập các tư liệu đó. Đó là những tư liệu rất có giá trị. Không có ở nơi nào ngoài Việt Nam có những tư liệu đó. Vì vậy, tôi mong công chúng đọc và xem kỹ các tư liệu, hiện vật và rút tỉa được thông tin từ đó. Chúng ta biết ơn anh Alex-Thái đã thu thập các tư liệu lịch sử có giá trị này trong rất nhiều năm.”

Sự kiện Cải cách ruộng đất 1953 – 1956 diễn ra trước cuộc Di cư vĩ đại của người miền Bắc vào miền Nam năm 1954 – 1955 khoảng một năm. Cuốn sách “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức xuất bản năm 2012 từng nhấn mạnh rằng, Cải cách ruộng đất là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy cuộc Di cư của người Bắc vào Nam sau đó. Trao đổi với RFA, cả Giáo sư Vũ Tường và Giáo sư Alex-Thái cũng đều khẳng định mối quan hệ nhân quả của hai sự kiện này. 

Nữ diễn viên Kiều Chinh, tại triển lãm, đã đọc một trích đoạn trong hồi ký “Kiều Chinh: Nghệ sỹ Lưu vong” về ngày cuối cùng bà ở Hà Nội và cuộc chia tay gia đình đẫm nước mắt với gia đình trước khi vào Nam năm 1954. Tiến sỹ Trần Huy Bích kể lại kinh nghiệm cá nhân là người di cư. Giáo sư Hoàng Anh Tuấn (Đại học Pepperdine) thuyết trình về ảnh hưởng của cộng đồng di cư đối với xã hội miền Nam, đặc biệt là vai trò của người Công giáo di cư. Giáo sư Jason Picard (Đại học VinUniversity) thuyết trình về những nghiên cứu về hoạt động tái định cư người miền Bắc ở miền Nam Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Phi-Vân (Đại học Saint-Boniface) phân tích hiệp định Geneva và nguyên nhân cuộc di cư. 

Cách đây 10 năm, năm 2014, nhân 60 năm cải cách ruộng đất, những cơ quan tuyên truyền ở Hà Nội cũng tổ chức một triển lãm về sự kiện Cải cách ruộng đất để tuyên truyền về những “thành tựu” của nó. Kết quả là cuộc triển lãm đã phải đóng cửa sớm hơn dự định do phản ứng trái chiều của dự luận. Những cán bộ tuyên truyền này cũng không lường được một diễn biến là những người nông dân mất đất ở ngoại thành Hà Nội đã kéo đến xem triển lãm ngay trong ngày khai mạc. 

Phát biểu khai mạc cuộc triển lãm, ông Châu Thụy, Giám đốc Sáng lập Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt tại California, nhắc lại những sự kiện đau thương do “cơn sóng thần đỏ của chủ nghĩa cộng sản” tràn qua Việt Nam thế kỷ 20 như Cải cách Ruộng đất 1953 – 1956, Di cư vào Nam 1954 – 1955, Thuyền nhân tị nạn sau 1975 và sự hình thành cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh: 

“Lịch sử cần phải được tìm hiểu, hầu đưa ra ánh sáng những gì còn bị ẩn giấu, để từ đó chúng ta rút tỉa ra được những kinh nghiệm lịch sử, gìn giữ một cách trung thực nội dung di sản tri thức dành cho thế hệ con cháu của chúng ta, ngay tại đây, bây giờ và mai sau.” 


Hơn 30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa nửa đầu năm 2024 (RFA)

Ngành kinh doanh ẩm thực (F&B) đang đối mặt với nhiều khó khăn khi trong vòng nửa đầu năm 2024 đã có đến hơn 30.000 cửa hàng đóng cửa. 

Công ty cổ phần iPOS.vn đưa ra thống kê trên tại hội nghị “Vietnam F&B Summit 2024” diễn ra hôm 21/8, theo truyền thông Nhà nước. 

Theo báo cáo, tính tới hết tháng 6/2024, Việt Nam có khoảng 304.700 cửa hàng kinh doanh ăn uống, giảm gần 4% so với số liệu từ năm 2023. Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa trong khi số lượng mở mới hạn chế. Thành phố Hồ Chí Minh là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với số lượng cửa hàng bị giảm gần 6%, trong khi tại Hà Nội vẫn tăng trưởng nhẹ 0,1%. 

Tổng giám đốc iPOS Vũ Thanh Hùng cho rằng con số hơn 30.000 cửa hàng đóng cửa trong thời gian vừa qua chứng minh mức độ cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Sự tăng trưởng chi tiêu của thực khách không đuổi kịp được tăng trưởng nóng cửa hàng F&B từ sau đại dịch COVID-19. Thêm nữa, số lượng cửa hàng với tuổi thọ ngắn (dưới ba tháng hoạt động) đang xuất hiện nhiều hơn tại các thành phố lớn. Đồng thời, các thương hiệu có tính bền vững cũng không thoát khỏi sự tác động sâu của kinh tế dù có lượng khách hàng trung thành lớn và có thu nhập ổn định. 

Bên cạnh đó, theo khảo sát, người tiêu dùng cũng giảm tần suất đi cà phê do áp lực công việc tăng cao. Có 41,7% người được hỏi chỉ thỉnh thoảng đi quán nước và 32,3% đi với tần suất một đến hai lần mỗi tuần. Lý do đa phần những người tham gia khảo sát cho rằng, do họ đang phải làm việc với cường độ lớn hơn vì khó khăn của nền kinh tế và nội tại doanh nghiệp. 

Vẫn theo thống kê của iPOS, dù ngành F&B gặp khó khăn nhưng doanh thu lại gây bất ngờ khi cán mốc 403.900 tỷ đồng, đạt 68,46% doanh thu của cả năm 2023. Nguyên nhân được nói một phần do lạm phát và tổng số lượng giao dịch tăng trưởng đáng kể do các cửa hàng F&B tung nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu.


Việt Nam cam kết đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Cộng

Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Trung cộng ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt – Trung.

Truyền thông Nhà nước hôm 20/8 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Tuyên bố chung này được đưa ra nhân kết thúc chuyến thăm Trung cộng của tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm.

Cộng đồng chia sẻ tương lai thực chất là cụm từ quen thuộc Cộng đồng chung vận mệnh được lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung cộng khởi xướng và Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình thường xuyên sử dụng trong các phát biểu với quốc tế. Theo các chuyên gia quốc tế, Cộng đồng chia sẻ tương lai thực chất là để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung cộng trên phạm vi toàn cầu với các chương trình cụ thể hơn như Sáng kiến Vành đai Con đường, Sáng kiến An ninh toàn cầu.

Việt Nam và Trung cộng đã ký thuyên bố chung về Cộng đồng chia sẻ tương lai vào tháng 12 năm ngoái.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam trong trả lời phỏng vấn báo chí trong nước mới đây cho rằng chuyến thăm của ông Tô Lâm đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện.

Ông Tô Lâm đã có 18 hoạt động trong hơn hai ngày thăm Trung cộng. Hai bên đã ký kết 14 thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực bao gồm việc hợp tác xây dựng các tuyến đường sắt kết nối hai nước.

Tờ China Daily của Trung cộng hôm 19/8 có bài xã luận khẳng định cộng đồng chia sẻ tương lai Trung cộng – Việt Nam là viên gạch lót cho sự ổn định trong khu vực.

Theo bài báo, “bằng việc chọn Trung cộng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi lên chức Tổng bí thư thay thế cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 3/8 vừa qua, ông Tô Lâm – người cũng là Chủ tịch nước – đã cho thấy rằng Việt Nam sẽ tiếp tục con đường đã dược Bắc Kinh và Hà Nội vạch ra trong thập kỷ trước.”

“Chuyến thăm của ông Tô Lâm có thể được coi là một thông điệp cho các thế lực bên ngoài đang tìm cách chia rẽ hai nước láng giềng vì mục đích địa chính trị hẹp hòi của chính họ và rằng sự chuyển giao lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không có nghĩa một sự thay đổi trong quan hệ Việt – Trung” – bài xã luận nhận định.

Trung cộng là nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam từ năm 2008, trong khi Mỹ và Việt Nam mới nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất này vào năm 2023 nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội.

Trung cộng từ trước tới nay vẫn chỉ trích Hoa Kỳ đang tìm cách chia rẽ quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng trong khu vực.

VHM: Mời quý độc giả đọc thêm bài https://vanhoimoi.org/?p=22232 , TBT Tô Lâm “gánh vàng đi đổ sông Ngô” để biết thêm phần nào những gì diễn ra đàng sau sự kiện này.


 Mưa lũ cản trở hàng ngàn học sinh ở Việt Nam đến trường vào ngày khai giảng

Tổ chức Save the Children hôm 20/8 cảnh báo tình trạng hàng ngàn trẻ em ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi đến khai giảng niên học 2024-2025, do mưa lũ gây ngập lụt, làm đường xá hưu hỏng ở khu vực phía Bắc Việt Nam.

Theo thống kê của Save the Children, tỉnh  Sơn La  có khoảng 1,3 triệu người chịu ảnh hưởng do sạt lở đất và lũ do mưa lớn vào tháng trước, gây hư hại cho 29 trường, hơn 2.670 ngôi nhà và khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.

Khoảng 4.500 trẻ em ở Sơn La hiện đang phải đối mặt với những thách thức khi quay lại trường học vào ngày 5/9 tới, Save the Children cảnh báo.

Save the Children dẫn lời một hiệu trưởng một trường học ở tỉnh Sơn La cho biết đường đến trường học rất khó khăn do sạt lở đất và các cây cầu bị gãy. Trẻ em phải bơi qua suối để đến trường.

Lũ lụt đã gây ra thiệt hại khoảng 85 triệu đô la trong vòng bảy tháng qua ở Việt Nam, gấp đôi con số này vào cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê của Tổng cục Thống kê.

Chín mươi người đã chết và mất tích do thiên tai, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.


Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với ba mặt hàng của Việt Nam

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vào ngày 14/8 thông báo bộ này khởi xướng rà soát hành chính đối với ba mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị cáo buộc phá giá và có trợ cấp khi xuất vào thị trường Mỹ. Cục Phòng vệ (Bộ Thương mại Việt Nam) cho biết như vậy.

Cụ thể, các mặt hàng bị điều tra gồm: đinh thép (chống bán phá giá và chống trợ cấp); ống thép chịu lực không gỉ (chống bán phá giá); lốp xe tải hạng nhẹ (chống trợ cấp).

Thời kỳ rà soát cho các sản phẩm này là trong các giai đoạn khác nhau trong khoảng thời gian từ 1/1/2023 đến 31/12/2023.

Theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, trong vòng 35 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến ngày 18 tháng 9 năm 2024), DOC sẽ tiến hành lựa chọn các doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc trong các vụ việc dựa trên lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp từ cao tới thấp theo số liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) hoặc bản trả lời câu hỏi Lượng và Giá trị.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong các năm qua liên tục bị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vào khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2023 đã đạt 97 tỷ đô la.

Để tránh các tác động tiêu cực trong các vụ kiện chống bán phá giá và trợ cấp, Việt Nam thời gian qua cũng tích cực đề nghị Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vào ngày 2/8 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố quyết định tiếp tục xếp kinh tế Việt Nam vào dạng phi thị trường. Điều này có nghĩa là phương pháp được sử dụng để tính toán mức thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ vẫn như cũ.


Anh quốc khuyến cáo công dân du hành đến Việt Nam có thể bị ‘cấm xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu’

Bộ Ngoại giao Anh vừa cập nhật khuyến cáo du hành đối với công dân của mình tới Việt Nam sau khi có thông tin về việc du khách bị ngăn không được rời khỏi quốc gia Đông Nam Á và bị tịch thu hộ chiếu, theo truyền thông Anh.

Báo Mirror và Wocester News cho biết rằng Bộ Ngoại giao Anh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lệnh “cấm xuất cảnh” ảnh hưởng đến công dân Anh ở nước ngoài đồng thời cập nhật lời khuyên về du hành cho những người hay đến Việt Nam.

Theo tờ báo này, một xu hướng đáng lo ngại là du khách không thể rời khỏi đất nước và bị tịch thu hộ chiếu đã thúc đẩy chính phủ ban hành các hướng dẫn mới.

Du khách đến VN (Ảnh minh hoạ)

Chính quyền Việt Nam có thể áp dụng lệnh cấm xuất cảnh đối với một số cá nhân để ngăn họ rời khỏi đất nước,” một người phát ngôn của chính phủ Anh được tờ Mirror trích lời đưa ra cảnh báo hôm 16/8. “Hộ chiếu của bạn sẽ bị tịch thu cho đến khi vụ việc được điều tra đầy đủ.”

Bộ Ngoại giao Anh khuyên những công dân của mình khi rơi vào tình huống khó xử như vậy nên tìm kiếm tư vấn pháp lý và liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự Anh gần nhất.

Tờ tin tức Worcester News cũng đưa ra thông tin tương tự khi trích dẫn cập nhật về cảnh báo du hành đến Việt Nam của Bộ Ngoại giao Anh, trong đó đưa thêm vào các thông tin về lệnh cấm xuất cảnh, kiểm duyệt internet, hình phạt ma túy và bão nhiệt đới.

Tờ báo này nói rằng công dân Anh được khuyến cáo họ có thể phải chịu “án tử hình” vì tội liên quan đến ma túy. Bản cập nhật của Bộ Ngoại giao Anh bao gồm thông tin về hình phạt liên quan đến tội phạm ma túy ở Việt Nam.

Các tờ báo Anh không đưa ra chi tiết cụ thể cho những thông tin gần đây về việc khách du lịch bị ngăn không được rời khỏi Việt Nam và bị tịch thu hộ chiếu ở quốc gia Đông Nam Á.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trước những thông tin này.

Bộ Công an Việt Nam vào tháng trước đưa ra khuyến cáo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh về tình trạng xuất nhập cảnh trái phép của công dân Việt Nam, nhưng không có cảnh báo nào đối với khách nước ngoài tới hay rời khỏi đây.

Thông tin trên trang web của chính phủ Anh cho thấy những cập nhật về khuyến cáo du hành tới Việt Nam được đưa ra hôm 14/8 và vẫn có tác dụng vào ngày 19/8.

Chính phủ Canada tuần trước cũng cập nhật thông tin về du hành tới Việt Nam và khuyến cáo công dân của họ “hết sức thận trọng.” Các khuyến cáo này được cập nhật hôm 15/8 với lý do “tỷ lệ cao về tội phạm vặt” ở quốc gia Đông Nam Á.

Canada nhắc nhở công dân của họ khi đến Việt Nam phải thận trọng với nguy cơ bị gian lận thẻ tín dụng, tội phạm an ninh mạng, tội phạm đóng giả tài xế taxi nhắm vào du khách nước ngoài tại sân bay quốc tế Nội Bài, kiểm duyệt và giám sát trên internet, cũng như các hoạt động dưới nước do thời tiết khắc nghiệt hay tai nạn tàu thuyền trong số nhiều khuyến cáo khác.

Việt Nam đầu tháng này cho biết có gần 10 triệu khách du lịch nước ngoài đã đến thăm Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay. (VOA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 11-12-13/11/2024
  • Nghị trình "Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại" được định hình: Nội các của TT Trump
  • Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc
  • Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công
  • Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực
  • Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
  • Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
  • Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt
  • APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
  • Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng
  • Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng
  • Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
  • Tô Lâm - Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ
  • Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục
  • Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh
  • CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng