__________________________

Thế Vận Hội Olympic Paris 2024 đã khép lại sau 2 tuần tranh tài. Pháp, nước chủ nhà rất hài lòng và hãnh diện về những thành quả đạt được sau bốn năm chuẩn bị, với một kinh phí lên đến hơn 8 tỷ Euro. Những thành quả mà những người tổ chức nhắc đến, trước hết là bảo đảm an ninh trong suốt thời gian diễn ra Thế Vận Hội, như đã không có vụ khủng bố nào xẩy ra, điều mà người dân Pháp luôn phập phồng lo sợ; cũng không có những tai nạn đáng tiếc nào, ngoài những vụ va chạm xe cộ hay trộm cắp vặt.

Điều tâm đắc thứ hai là các vận động viên Pháp đã đạt được con số huy chương rất đáng kể.

Nhưng vượt lên tất cả những thành tích kể trên, chính là Lễ Khai Mạc Olympic Paris 2024. Đó là nét độc đáo nhất, vì lần đầu tiên buổi lễ được tổ chức ngay trên sông Seine. Các tiết mục diễn ra chạy dài hơn 6 cây số, đi ngang qua các biểu tượng quan trọng làm nên lịch sử và nền văn minh của dân Pháp nói chung và của thủ đô Paris nói riêng.

Qua các tiết mục được trình diễn trong gần bốn giờ đồng hồ, Ban Tổ Chức B(TC)  đã chuyển tải các thông điệp quan trọng mà họ đã ấp ủ từ lâu, các kịch bản đã diễn ra đúng như kế hoạch dự trù. Trong các tiết mục ấy, có vài tiết mục gây phản cảm, phẫn nộ đối với nhiều người xem, như hình ảnh người ca sĩ bị chặt đầu hát khi máu me lênh láng.  Một tiết mục khác đã để lại vết nhơ khó tẩy xóa trên toàn cảnh bức tranh xinh đẹp đáng có của Olympic 2024, đó là màn trình diễn nghệ thuật về lịch sử Olympic và văn hóa Pháp, do những người chuyển giới trình diễn.

Những người Kitô Giáo nhận ra sự sắp xếp của màn trình diễn này giống bức tranh Bữa Tiệc Ly (The Last Supper) rất nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci. Các diễn viên là những người chuyển giới, ăn mặc lõa lồ, biểu diễn những cử chỉ thô tục dâm ô, chỉ nên có trong phòng kín riêng tư.

Tiết mục này rõ ràng người thiết kế có ý nhạo báng niềm tin của người Kitô Giáo, vì bức danh họa Bữa Tiệc Ly trình bày khung cảnh Chúa Giêsu ăn bữa tối sau cùng với các môn đệ, trước khi Ngài bị nộp và bị đóng đinh trên Thập Giá, trong bữa ăn ấy, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể  làm của ăn thiêng liêng cho con cái của Hội Thánh của Chúa. Bí Tích Thánh Thể là tuyệt đỉnh đức tin của người Kitô Giáo, vì vậy nhiều người đã mạnh mẽ phản đối BTC Olympic. Nhờ đó mà tiết mục này không còn phổ biến trên các mạng truyền thông đại chúng nữa.

Qua màn trình diễn nói trên, ai cũng có thể nhận ra Ban Tổ Chức (BTC) muốn lợi dụng Thế Vận Hội Olympic Paris 2024 để vinh danh những người chuyển giới, và khuyến khích lối sống tự do buông thả, ngược với truyền thống đạo đức và luân lý theo giáo huấn Kitô Giáo, là nền tảng văn minh ở Âu Châu.  Bên cạnh thông điệp ấy, nếu ai tinh ý, sẽ nhận ra một điểm khác thường nữa, là tất cả những nơi trình diễn, hoặc những di tích lich sử doc theo sông Seine mà đoàn diễn hành đi qua, nơi nào có biểu tưởng Thập Tự Giá đều bị che đi hoặc gỡ bỏ, ngay cả trên nóc nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris), với lý do không có biểu tượng tôn giáo nào trong hoạt động thể thao.

Chắc chắn trong số hơn 11,000 vận động viên từ khắp thế giới về Paris tranh tài, có nhiều người là Kitô Giáo, nếu không là Công Giáo, thì cũng là Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống Giáo hay Giáo Hội Nghi Lễ Đông Phương…. Họ đã được thông báo đầy đủ về nội qui phải tuân thủ để được tham gia thi đấu. Như không mặc đồ có biểu tượng tôn giáo hay chính trị…Nhưng không cấm các vận động viên cầu nguyện hay mang trên người tượng ảnh có thể làm trở ngại tới môn tranh tài của mình.

Nếu ai đã theo dõi các trận túc cầu quốc tế, mỗi khi một cầu thủ được ra sân thay cho một cầu thủ khác, họ thường làm Dấu Thánh Giá, có thể đó chỉ là một thói quen, cũng có thể đó là cách người ấy thật lòng cầu nguyện, xin Chúa gìn giữ và chúc lành cho đội của mình, hay muốn tỏ cho mọi người biết “tôi là người Kitô Giáo”.  

Trong kỳ Thế Vận Hội Olympic 2024 vừa qua, có một người làm cho tôi khâm phục và suy nghĩ rất nhiều, đó là cây vợt Novak Djokovic. Djokovic là người Serbia, 37 tuổi, được coi là tay vợt nam tài giỏi nhất trong lịch sử, anh đã đánh bại siêu sao trẻ người Tây Ban Nha Carlos Alcaraz để giành huy chương vàng tại Thế vận hội Paris 2024. Novak Djokovic đã hoàn thành giấc mộng bá chủ “Golden Slam” môn quần vợt, giành chiến thắng ở cả bốn giải đấu lớn thường niên và huy chương vàng Olympic 2024.

Tôi khâm phục Djokovic không phải ở tài chơi tennis của anh, mà là ở cử chỉ anh tỏ cho cả thế giới biết anh là một người Kitô Giáo, chính xác anh là một tín đồ Chính Thống Giáo ở Serbia. Anh lớn lên trong thời kỳ hỗn loạn và sống sót qua các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia thuộc liên bang Nam Tư cũ vào những năm 1990. Lúc trẻ anh đã được hun đúc về đức tin Kitô Giáo trong xứ đạo nơi anh sinh sống. Anh đã tham gia vào các công tác từ thiện, và đã quyên góp hàng triệu đô la cho hệ thống y tế công của Serbia và các tổ chức từ thiện do Giáo Hội Chính Thống Serbia điều hành. Năm 2011, Djokovic được trao tặng danh hiệu cao quý nhất của Giáo Hội Chính Thống  vì tình yêu tích cực của anh dành cho Giáo hội Mẹ, đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt thành và bền bỉ dành cho người dân Serbia và các thánh địa  của chúng tôi”. Khi đón nhận huy chương vàng, anh đã chia sẻ: “Đây là danh hiệu quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, bởi vì trước khi trở thành một vận động viên, tôi là một người theo Chính Thống Giáo.”

Ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào, Djokovic luôn đeo Thánh Giá ở cổ, và làm Dấu Thánh Giá trước và sau mỗi sự kiện.

Có một chút khác biệt giữa các tín đồ Công Giáo và Chính Thống Giáo, là khi người Công Giáo làm Dấu Thánh Giá, khi đọc Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần, Amen; thì đưa tay lên trán, xuống  ngực, sang trái rối sang phải; còn tín đồ Chính Thống Giáo thì đưa tay lên trán, xuống ngực, qua phải rồi mới qua trái. Khi nắm tay, người Chính Thống Giáo chụm ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa lại, đó là biều tượng Thiên Chúa Ba Ngôi, còn ngón đeo nhẫn và ngón út chỉ xuống, đó là biểu tượng Ngôi Hai xuống thế làm người, mang bản tính Thiên Chúa và cũng mang bản tính loài người nữa.

Trong cuộc tranh tài ở Olympic 2024 vừa qua, lúc ra sân, khi thấy Djokovic làm Dấu Thánh Giá, hoặc khi anh đánh hụt trái banh, nhiều khán giả đã chế diễu bằng âm thanh “booooo” từ khán đài, nhưng Djokovic không hề tỏ thái độ giận dữ, ngược lại ành còn tỏ ra thích thú nữa là đàng khác!

Kết thúc trận đấu với chiến thắng vẻ vang, Novak Djokovic quì ngay xuống giữa sân, làm Dấu Thánh Giá nhiều lần, giơ hai tay lên cao để tạ ơn Thiên Chúa, giữa tiếng reo hò chúc mừng chiến thắng của những người hâm mộ anh, nhưng cũng gây khó chịu và kinh ngạc cho những người không có cảm tình với Kitô Giáo.

Novak Djokovic không phải là một chức sắc hay một tu sĩ chuyên rao giảng Lời Chúa, nhưng hành động của anh đập vào mắt hàng tỷ người trên khắp thế giới qua Thế Vận Hội Olympic vừa qua. Chính những cử chỉ đơn sơ ấy có sức thuyết phục mạnh mẽ những ai còn rụt rẻ, không dám tỏ mình ra là người Kitô Giáo. Tiểu sử và những hình ảnh của Djokovic sẽ là di sản quí báu của con cháu dòng họ và bạn bè anh sau này nữa.

Với tôi, Novak Djokovic ví như một vì sao sáng lẻ loi, bị lạc vào giữa bầu trời Paris rực rỡ pháo hoa, với chảo lửa Olympic sáng chói, khiến nhiều người say sưa ngây ngất, nhưng tất cả rồi sẽ đi vào quên lãng, có chăng chỉ còn lại trong ký ức hay trên sách báo; vì những thứ huy hoàng ấy không thể soi rọi vào góc tối của tâm hồn con người được. Khi mọi chuyện qua đi, vì sao sáng lẻ loi Novak Djokovic kia vẫn còn chiếu sáng, vẫn thôi thúc tôi phải tự vấn lòng mình, rằng tôi có dám tỏ ra cho moi người biết, tôi là một người Kitô Giáo như Djokovic hay không? Câu hỏi ấy có lẽ cũng đến với nhiều người khác.

Chúa Giêsu đã phán: “Phàm ai tuyên xưng Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên nhận người ấy trước mặt Cha Thầy. Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy. Đấng ngự trên trời” (Math 10: 32-33)

Đỗ Như Điện
San Diego, lễ Lao Động 2024

Bài liên quan:
  • Tập vẫn sẽ theo đuổi “Trung Hoa Mộng” bất chấp sự trở lại của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa
  • Chiến dịch vùng xám của Trung Quốc chống lại Đài Loan đang phản tác dụng
    David Sacks
  • Trump và sự hấp dẫn của phong cách lãnh đạo cứng rắn
    Gideon Rachman
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 17/11/2024. Chiến cuộc tại Ukraine và Trung Đông: Cơ may hạ nhiệt sau bầu cử tổng thống Mỹ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Các cơ quan quản lý công nghệ Trung Quốc nới lỏng kiểm soát
    James Palmer