TIN THẾ GIỚI.

Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ (RFI)

Tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 05/11 sẽ thúc đẩy tiến trình Ukraina gia nhập NATO và buộc Nga phải bắt đầu đàm phán hòa bình.

Theo hãng tin AFP, trong cuộc gặp với các nhà báo Ukraina và quốc tế hôm 21/10 vừa qua, ông Zelensky nhấn mạnh khả năng đàm phán hòa bình giữa Kiev với Matxcơva “phụ thuộc chủ yếu vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ”. Theo lãnh đạo Ukraina, Nga “sẽ tuân thủ chính sách của Hoa Kỳ về vấn đề này” và Hoa Kỳ “sẽ công bố rất nhanh chóng chính sách của họ sau cuộc bầu cử”, chứ không đợi đến tháng 1/2025, khi tân tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức. 

Tổng thống Zelensky tại Hội Nghị Hoà Bình cho Ukraine tại Thuỵ Sĩ tháng 6/2024 (atnh minh hoạ)

Tổng thống Ukraina cũng hy vọng Washington sẽ đồng ý với việc chính thức mời Ukraina gia nhập NATO cho dù nước này đang có chiến tranh với Nga, điều mà Mỹ hiện chưa chấp nhận. Ông Zelensky nói: “Sau cuộc bầu cử, chúng tôi hy vọng sẽ có phản ứng tích cực hơn từ Hoa Kỳ”

Gia nhập NATO chính là bước đầu trong “kế hoạch chiến thắng” mà tổng thống Ukraina gần đây đã trình bày với các đồng minh. Ông giải thích rằng Kiev muốn nhận được lời mời vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương càng sớm càng tốt và như vậy sẽ chính thức gia nhập khối quân sự này sau khi chiến tranh kết thúc. Hiện tại, khoảng 20% ​​lãnh thổ của Ukraina đang bị Nga chiếm đóng. Do đó, Kiev coi NATO là lực lượng bảo vệ thực sự duy nhất chống lại nước láng giềng Nga, nước tuyên bố đã xâm chiếm Ukraina chính là để ngăn chặn nước này xích lại gần với Liên minh Bắc Đại Tây Dương. 

Khi công bố “kế hoạch chiến thắng” của ông trước Quốc Hội Ukraina, ông Zelensky đã đánh giá rằng kế hoạch này có thể giúp kết thúc cuộc chiến “một cách nhanh chóng và công bằng” vào năm 2025. Tổng thống Ukraina còn tỏ vẻ tin tưởng là nếu Mỹ ủng hộ lời mời gia nhập NATO thì Đức và các quốc gia còn lưỡng lự khác, như Hungary và Slovakia, cũng sẽ ủng hộ theo.

Nhưng liệu tổng thống Ukraina có đủ cơ sở để lạc quan đến như thế không? Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ không chỉ tác động đến khả năng Ukraina gia nhập NATO mà còn ảnh hưởng đến cả tương lai của khối này. Tuy chưa ai biết cụ thể chính sách ngoại giao của bà Kamala Harris sẽ ra sao, nhưng nếu ứng cử viên Dân Chủ đắc cử tổng thống Mỹ thì các đồng minh châu Âu ít ra là sẽ không cảm thấy xa lạ và có thể dễ dàng đối thoại hơn. 

Nhưng nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng thì rõ ràng đây sẽ là một ẩn số khổng lồ. Ai cũng nhớ lời đe dọa của ứng cử viên Cộng Hòa vào tháng 2 với các thành viên khác trong khối NATO: Ông sẽ để mặc cho Nga muốn làm gì thì làm đối với những nước bị xem không đóng góp đầy đủ cho phòng thủ chung của khối. Trước lời đe dọa đó của Trump, nhiều nước trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã vội nâng chi tiêu quân sự lên mức 2% GDP đúng theo quy định của NATO. 

Nhưng điều khiến các đồng minh châu Âu lo lắng nhất, đó chính là tương lai của sự yểm trợ của phương Tây cho Ukraina để chống Nga. Hoa Kỳ, thành viên quan trọng nhất của khối NATO, đã cấp cho Kiev tổng cộng hàng chục tỷ đô la viện trợ tài chính và quân sự kể từ khi Nga mở cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina vào năm 2022. Tuy nhiên, nếu ông Donald Trump lại đắc cử tổng thống, Washington rất có thể sẽ không tiếp tục tỏ ra hào phóng như vậy, bởi vì cho tới nay ứng cử viên Cộng Hòa đã nhiều lần dọa sẽ chấm dứt viện trợ của Mỹ cho Ukraina. Trong trường hợp đó, châu Âu sẽ buộc phải một mình tiếp tục yểm trợ cho Kiev.

Vấn đề là đến một lúc nào đó nội bộ các nước châu Âu sẽ gặp bất đồng, vì không phải nước nào cũng sẵn sàng giúp đỡ Ukraina vô thời hạn. Và cũng đến một lúc nào đó các nước châu Âu rất có thể sẽ thúc ép Ukraina đàm phán với Nga để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh cho dù Kiev ở thế bất lợi. Mà gần như chắc chắn là một trong những điều kiện tiên quyết mà Matxcơva sẽ đặt ra trước khi chấp nhận đàm phán, đó là khối NATO không được kết nạp Ukraina. 


Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết trong cuộc chiến chống Nga (RFI)

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã tới Ukraina vào hôm 21/10/2024 để thể hiện tình đoàn kết của Washington với Kiev trong cuộc chiến chống Matxcơva.

Hai tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 mang tính quyết định với Kiev, đây là lần thứ tư và có lẽ là lần cuối cùng ông Lloyd Austin tới Ukraina với tư cách lãnh đạo Lầu Năm Góc. Trả lời báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khẳng định “sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraina bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.

Theo CNN, ông Austin gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và bộ trưởng Quốc Phòng Rustem Umerov để thảo luận về yêu cầu gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev, điểm đầu tiên trong “kế hoạch giành chiến thắng” do tổng thống Zelensky đề xuất.

Nhưng có nhiều khả năng Hoa Kỳ không chấp nhận yêu cầu của tổng thống Zelensky cho phép Ukraina sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Về tình hình chiến sự, quân đội Nga, hôm qua 20/10, đã oanh kích thành phố Kharkiv, đông bắc Ukraina, làm ít nhất 12 người bị thương và khiến nhiều khu vực trong thành phố bị mất điện. Nằm cách biên giới Nga chưa đầy 30 km, Kharkiv thường xuyên là mục tiêu của những cuộc tấn công của Nga.

Vào tháng 05/2024, quân đội Nga đã tìm cách tiến vào khu vực này để tạo ra vùng đệm nhằm hạn chế các cuộc tấn công của Ukraina nhắm vào các mục tiêu quân sự và công nghiệp trên lãnh thổ Nga.


Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt (Tổng hợp)

Israel cho biết họ đã tấn công trụ sở tình báo của Hezbollah tại thủ đô Beirut của Lebanon hôm Chủ Nhật 20/10, trong khi các quan chức ở Gaza cho hay họ vẫn đang cố gắng lấy ra các thi thể từ đống đổ nát sau một cuộc không kích của Israel khiến hàng chục người thiệt mạng.

Bộ y tế tại vùng lãnh thổ Palestine thông báo có ít nhất 87 người đã chết hoặc mất tích sau cuộc không kích vào Beit Lahiya ở bắc Gaza vào tối 19/10. Israel nói họ đang điều tra các tin báo về vụ việc.

Vụ này đánh dấu việc Israel tăng các cuộc tấn công nhằm vào nhóm chiến binh Palestine Hamas ở Gaza và Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon, vài ngày sau khi thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar bị diệt.

Tại Lebanon, Israel đã tăng cường ném bom vào phía nam Beirut từ chiều 19/10. Israel cho hay hôm 20/10 rằng lực lượng không quân của họ đã tấn công vào trụ sở tình báo của Hezbollah tại Beirut cũng như một xưởng sản xuất vũ khí ngầm.

Cuộc không kích của Do Thái ở Nam Lebanon

Các máy bay chiến đấu đã giết chết 3 viên chỉ huy của Hezbollah, bao gồm Alhaj Abbas Salameh, một nhân vật cấp cao trong bộ chỉ huy phía nam của nhóm, quân đội Israel nói trong một tuyên bố.

Các quan chức, nhà ngoại giao và các nguồn tin khác trong khu vực nói rằng thông qua các hoạt động quân sự, Israel đang tìm cách cố bảo vệ biên giới của mình và đảm bảo rằng những kẻ đối địch không thể tập hợp lại.

Israel cũng đang chuẩn bị trả đũa cho vụ Iran bắn tên lửa vào đầu tháng này, mặc dù Washington đã gây sức ép để Israel không tấn công các cơ sở năng lượng hoặc địa điểm hạt nhân của Iran.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng ông là mục tiêu của một vụ mưu sát do “Hezbollah là tay chân của Iran” thực hiện hôm 19/10 khi một máy bay không người lái nhắm vào ngôi nhà phục vụ các kỳ nghỉ của ông.

Giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah nổ ra cách đây một năm, khi nhóm được Iran hậu thuẫn này bắt đầu phóng rocket để trợ chiến cho Hamas.

Vào đầu tháng 10, Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào bên trong Lebanon nhằm cố bình định khu vực biên giới cho những công dân của mình, họ đã bỏ chạy do có các cuộc tấn công bằng rocket ở miền bắc Israel.

Theo Bộ Y tế Lebanon, trong năm qua, hơn 2.400 người đã thiệt mạng, với hơn 1,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, phần lớn là trong những tuần gần đây. 59 người đã thiệt mạng ở miền bắc Israel và Cao nguyên Golan bị chiếm đóng trong cùng thời gian, theo chính quyền Israel.

Đặc phái viên Le Figaro trong bài phóng sự ngày 15/10/2024 thuật lại việc quân đội Israel phát hiện mạng lưới quân sự khó tin của Hezbollah trong các khu rừng thưa ở Nam Liban. Những địa đạo và kho trữ vũ khí, quân trang hùng hậu đã được phe dân quân Hồi giáo xây dựng công phu sát biên giới nhằm quấy nhiễu các làng mạc Israel, và theo Tsahal, còn chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô.

Phát hiện được 700 kho bí mật của Hezbollah chỉ trong một tuần

Tướng Yiftah Norkin, chỉ huy sư đoàn 146 cho Le Figaro biết để lên đến đỉnh đồi, quân đội Israel không gặp nhiều chống cự. Bức tường bê-tông giữa Israel và Liban đã bị xẻ ngang, những xe ủi bọc thép được các xe tăng Merkava yểm trợ vạch ra con đường đi xuyên qua những bụi cây rậm rạp cho những người lính tuần tra, trong những đám mây bụi trắng. Chỉ vài mét về phía Liban, họ phát hiện hai đường hầm, lối vào được ngụy trang bằng những lớp đất phía trên chiếc nắp bằng sắt. Địa đạo đào sâu khoảng mười mấy mét trong lớp đá. Các quân nhân Israel tìm thấy thiết bị liên lạc, hỏa tiễn chống tăng. Địa đạo chỉ cách 100 mét nhưng lực lượng Liên Hiệp Quốc “không biết”. Một tháp canh của Finul (lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Liban) nằm cách đó 100 mét. Có nhiệm vụ buộc chấp hành nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an – không một lực lượng nào ngoài quân đội Liban được đóng ở phía nam sông Litani – chẳng lẽ các binh lính Finul không biết rằng Hezbollah đang ở đây ?

Vị tướng nhấn mạnh : « Để đào được những địa đạo như thế, cần phải mang đến các thiết bị, vật liệu, gây nhiều tiếng động ». Thực tế Hezbollah đã lập ra một « căn cứ quân sự sát bên Finul », biến các trại lính mũ xanh thành « bia đỡ đạn ». Được Le Figaro liên lạc về chủ đề này, Finul không trả lời.


BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia đến dự thượng đỉnh (RFI)

Từ ngày 22-24/10/2024, thượng đỉnh BRICS – nhóm các nước mới trỗi dậy – diễn ra tại Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga. Tổng thống Vladimir Putin tiếp đón các lãnh đạo đến từ 36 nước, trong đó có 22 nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo 6 tổ chức quốc tế trong đó có tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Theo AFP, thượng đỉnh BRICS diễn ra trong bối cảnh Nga đang có những thắng lợi quân sự trên chiến trường Ukraina, và củng cố các mối quan hệ liên minh với các đối thủ của Mỹ là Trung Cộng, Iran, và Bắc Triều Tiên.

An ninh đã được thắt chặt tại trung tâm thành phố Kazan. Theo truyền thông địa phương, người dân địa phương được yêu cầu ở nhà. Thành phố Kazan cách biên giới Ukraina khoảng 1.000 km, nhiều lần là mục tiêu tấn công bằng drone của Ukraina, nhằm vào các cơ sở công nghiệp có liên quan đến quân đội.

Theo điện Kremlin, tổng thống Nga trong ba ngày thượng đỉnh sẽ liên tiếp có các cuộc gặp song phương với nhiều nguyên thủ và lãnh đạo các nước, trong đó có cuộc gặp với chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.

Phủ tổng thống Nga cho rằng đây là một « sự kiện ngoại giao quan trọng nhất chưa từng diễn ra tại Nga ». Điều này nhằm chứng minh thất bại của chính sách cô lập chống nguyên thủ Nga từ phương Tây kể từ khi bắt đầu cuộc chiến xâm lược Ukraina.

Xin nhắc lại, tổng thống Nga Vladimir Putin đã không thể đến dự thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi năm 2023, do lệnh truy nã của tòa án hình sự quốc tế ban hành 2023.

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri tường thuật :

« Hôm nay, đích thân tổng thống Nga đón tiếp và có ý định chứng tỏ là ông vẫn giữ được các mối quan hệ đối tác và các đồng minh, không chỉ gồm các nước là đối thủ chính thức của Mỹ như Trung Cộng, Iran và Bắc Triều Tiên, mà còn cả với những nước có quan hệ với phương Tây : Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – một thành viên của NATO, Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương – người đã thông báo ý định tham gia nhóm BRICS hồi tháng 9/2024.

Hơn nữa, điện Kremlin nỗ lực gây ấn tượng khi thông báo sự hiện diện của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, được loan truyền từ nhiều ngày qua nhưng chỉ được xác nhận vào tối hôm qua, 21/10. Điện Kremlin không quên nhấn mạnh đến cuộc gặp trực tiếp giữa tổng thống Nga và ông Guterres, cuộc gặp đầu tiên từ tháng 4/2022. Sau thượng đỉnh BRICS, sẽ có khoảng 7 cuộc gặp song phương nhưng vẫn ở Kazan.

Truyền thông Nga, được huy động đông đảo, có thể sẽ phát vô số hình ảnh về nguyên thủ Nga của họ như là một nhạc trưởng dàn nhạc ngoại giao. Khoảng 15 cuộc gặp song phương bên lề thượng đỉnh đã được thông báo nhằm đánh bóng hình ảnh của chủ nhân điện Kremlin. Duy chỉ có bức ảnh sẽ bị thiếu : Cuộc gặp với tổng thống Lula. Lãnh đạo Brazil đã hủy chuyến đi vì lý do sức khỏe. »


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga (VOA).

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm 23/10 cho biết có bằng chứng cho thấy quân đội Triều Tiên đang có mặt ở Nga nhưng chưa rõ họ sẽ làm gì ở đó.

Có bằng chứng cho thấy có quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở Nga”, ông Austin nói với các phóng viên tại Rome.

“Chính xác thì họ đang làm gì? Còn phải xem. Đây là những điều chúng ta cần phải làm rõ”, ông Austin nói thêm.

Video cung cấp bởi cơ quan tình báo Ukraine cho thấy lính Bắc Hàn đang nhận quân trang tại một trại lính Nga

Trong khi đó, các nhà lập pháp Nam Hàn cho biết hôm 23/10 rằng Triều Tiên đã gửi 3.000 quân đến Nga để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Ukraine, sau khi được cơ quan tình báo quốc gia thông báo, một ước tính gấp đôi con số trước đó.

Các nhà lập pháp cho các nhà báo biết rằng Bình Nhưỡng đã hứa sẽ cung cấp tổng cộng khoảng 10.000 quân và việc triển khai dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12.

Những con số mới nhất được đưa ra sau khi Cơ quan Tình báo Quốc gia Seoul trước đó cho biết hôm 18/10 rằng Triều Tiên đã gửi khoảng 1.500 lực lượng đặc nhiệm đến Nga bằng tàu.

“Dấu hiệu của việc quân đội được huấn luyện bên trong Triều Tiên đã được phát hiện vào tháng 9 và tháng 10”, Park Sun-won, thành viên của một ủy ban tình báo quốc hội, cho biết sau cuộc họp báo.

“Có vẻ như quân đội hiện đã được phân tán đến nhiều cơ sở huấn luyện ở Nga và đang thích nghi với môi trường địa phương”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng đã cáo buộc Bình Nhưỡng chuẩn bị gửi 10.000 quân đến Nga, kêu gọi các đồng minh hôm 22/10 phản hồi bằng chứng về sự tham gia của Triều Tiên vào cuộc chiến của Nga.

Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận việc chuyển giao vũ khí nhưng đã cam kết tăng cường quan hệ quân sự, ký một hiệp ước phòng thủ chung tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6. Điện Kremlin đã bác bỏ tuyên bố của Nam Hàn về việc điều động quân đội của Triều Tiên là “tin giả”.

Hôm 22/10, một nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ cho biết Washington đang tham vấn với các đồng minh về những tác động của sự tham gia của Triều Tiên, đồng thời nói thêm rằng một diễn biến như vậy sẽ là “diễn biến nguy hiểm và đáng lo ngại” nếu đúng sự thật.

Bình Nhưỡng chưa công khai phản hồi các tuyên bố của Seoul và Kyiv, nhưng các nhà chức trách ở Triều Tiên đã nỗ lực ngăn chặn tin tức về việc điều động này lan truyền, theo ông Lee Seong-kweun, một nhà lập pháp khác trong ủy ban tình báo quốc hội Nam Hàn cho biết.

“Thậm chí còn có thông tin rằng gia đình của những người lính được chọn đã khóc rất nhiều đến nỗi mặt họ bị thương nặng”, ông Lee nói khi trích dẫn thông tin từ cơ quan tình báo.

“Cũng có dấu hiệu cho thấy chính quyền Triều Tiên đang di dời và cô lập những gia đình đó ở một địa điểm nhất định để kiểm soát hiệu quả và trấn áp triệt để những tin đồn”.

Ông Lee cũng cho biết cơ quan này xác nhận rằng Nga đã tuyển dụng “một số lượng lớn” phiên dịch viên cho những người lính Triều Tiên, đồng thời đào tạo họ cách sử dụng các thiết bị quân sự, chẳng hạn như máy bay không người lái.

“Các giảng viên người Nga đang đánh giá rằng quân đội Triều Tiên có các thuộc tính thể chất và tinh thần tuyệt vời nhưng lại thiếu hiểu biết về chiến tranh hiện đại như các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái”, nhà lập pháp này nói thêm.

“Do đó, có thể có nhiều thương vong nếu họ được triển khai ra tiền tuyến”.

Ông Park cho biết Bình Nhưỡng có thể đang tìm kiếm sự can thiệp nhanh chóng của Nga trong trường hợp có tình huống bất trắc trên bán đảo Triều Tiên cũng như nhận được hỗ trợ kinh tế.

Hôm 23/10, văn phòng tổng thống Nam Hàn đã thúc giục rút quân ngay lập tức khỏi Nga, cảnh báo rằng họ có thể cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nếu quan hệ quân sự giữa hai nước đi quá xa.


Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều (VOA).

Nam Hàn có thể cân nhắc cung cấp vũ khí trực tiếp cho Ukraine như một trong các biện pháp chống lại mối quan hệ quân sự giữa Triều Tiên và Nga, các quan chức cho biết hôm 22/10, sau khi cáo buộc Bình Nhưỡng cử quân đến chiến đấu cho Nga tại Ukraine.

Cơ quan tình báo Nam Hàn vào tuần trước nói rằng Triều Tiên đã đưa 1.500 quân nhân của lực lượng đặc biệt đến vùng Viễn Đông của Nga để huấn luyện và thích nghi tại các căn cứ quân sự địa phương, và có khả năng chiến đấu trong cuộc chiến ở Ukraine.

Một quan chức cấp cao tại văn phòng của Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết họ đang chuẩn bị các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự tương ứng với nhiều kịch bản về mức độ hợp tác quân sự giữa Bình Nhưỡng và Moscow, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Lực lượng đặc nhiệm Bắc Hàn

Chúng tôi sẽ cân nhắc cung cấp vũ khí cho mục đích phòng thủ như một phần của các kịch bản từng bước, và nếu có vẻ như họ đi quá xa, chúng tôi cũng có thể cân nhắc cấp vũ khí tấn công“, quan chức của phủ tổng thống Nam Hàn nói với các phóng viên.

Seoul, vốn nổi lên như một nhà sản xuất vũ khí hàng đầu, đã chịu áp lực từ một số nước phương Tây và Kyiv cần phải cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nhưng cho đến nay vẫn tập trung vào viện trợ phi sát thương bao gồm thiết bị rà phá bom mìn.

Văn phòng của Tổng thống Yoon đã tuyên bố sẽ xem xét lại khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine sau khi Triều Tiên và Nga ký hiệp ước phòng thủ chung vào tháng 6, nhưng những phát biểu của quan chức cấp cao này cho thấy lập trường chủ động nhất cho đến nay của Seoul trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Phát biểu này được đưa ra sau khi Hội đồng An ninh Quốc gia Nam Hàn (NSC) mở một cuộc họp khẩn cấp để xem xét phản ứng của họ đối với mối quan hệ quân sự ngày càng tăng cường giữa Triều Tiên và Nga.

NSC cho biết Bình Nhưỡng đang hành động như một “tổ chức tội phạm” bằng cách cử những nam giới trẻ tuổi đi chiến đấu như là “lính đánh thuê của Nga” trong khi phớt lờ sinh kế và quyền con người của người dân trong nước.

“Chính phủ chúng tôi kêu gọi rút quân Triều Tiên ngay lập tức và nếu sự thông đồng quân sự hiện tại giữa Triều Tiên và Nga vẫn tiếp diễn, chúng tôi sẽ không ngồi yên và sẽ phản ứng nghiêm khắc cùng với cộng đồng quốc tế”, NSC nói trong một tuyên bố.

Quan chức cấp cao kể trên nói rằng một nhóm các quan chức tình báo và quốc phòng Nam Hàn sẽ đến thăm trụ sở NATO “trong những ngày tới” sau khi người đứng đầu khối này, ông Mark Rutte, trong cuộc điện đàm hôm 21/12đã yêu cầu Tổng thống Yoon cử một phái đoàn đến để thúc đẩy chia sẻ thông tin.

Cả Nga và Triều Tiên đều phủ nhận việc chuyển giao vũ khí nhưng đã cam kết thúc đẩy quan hệ quân sự.


EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay (VOA)

Các nghị sỹ Liên minh châu Âu hôm 22/10 đã phê duyệt kế hoạch của khối nhằm sử dụng tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga để cho đồng minh Ukraine vay tới 35 tỷ euro (38 tỷ USD).

Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu với 518 phiếu thuận, 56 phiếu chống và 61 phiếu trắng cho khoản vay cho Kyiv theo kế hoạch trong bước đi cuối cùng tại nghị viện sau khi các chính phủ EU nhất trí về kế hoạch này vào đầu tháng 10.

Nhóm G7 dự định cấp khoản vay tổng thể trị giá 50 tỷ USD, được lấy từ lợi nhuận phát sinh từ tài sản của Nga bị phong tỏa ở phương Tây, để giúp Ukraine. Những tài sản này đã bị đóng băng ngay sau khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022.

Hơn 2/3 tài sản của Nga, tương đương khoảng 210 tỷ euro, bị kẹt trong Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia, chủ yếu là ở công ty lưu trữ và dịch vụ tài sản Euroclear của Bỉ.

Anh tuyên bố hôm 21/10 rằng họ sẽ cho Ukraine vay 2,26 tỷ bảng (2,9 tỷ USD).

Ngay sau khi kế hoạch được thông qua, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal vào ngày 22/10 đã cảm ơn Nghị viện châu Âu.

“Khoản đóng góp quan trọng này từ EU là một phần trong khoản vay 50 tỷ USD của G7 … Nó sẽ giúp giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách của Ukraine trước cuộc chiến tranh toàn diện tàn khốc của Nga”, ông viết trên X.

Trong khi đó, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin rằng đại diện thường trực của Nga tại EU, ông Kirill Logvinov, hôm 22/10 cáo buộc Liên minh châu Âu phạm tội ác kinh tế trên quy mô toàn cầu với việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho Ukraine.


Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan (RFI)

Đài Bắc hôm nay 23/10/2024 cho biết đang « theo dõi sát sao » việc tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Cộng đi qua eo biển Đài Loan, trong lúc áp lực quân sự từ Bắc Kinh ngày càng gia tăng.

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh

Thông báo của bộ Quốc Phòng Đài Loan được đưa ra chỉ một hôm sau khi quân đội Trung Cộng cho tập trận bắn đạn thật trong vòng 4 giờ đồng hồ tại khu vực chỉ cách đảo Đài Loan khoảng 100 km. Theo Đài Bắc, đợt tập trận bắn đạn thật dường như là một phần của « chiến thuật gia tăng hăm dọa » của Bắc Kinh ở eo biển Đài Loan. Cách nay 1 tuần, Trung Cộng cũng đã tiến hành một cuộc diễn tập bao vây quân sự đảo Đài Loan với số máy bay nhiều kỷ lục.

Về phản ứng của Tokyo, theo phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản Kazuhiko Aoki, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Cộng trong những ngày qua di chuyển ở vùng biển gần đảo Yonaguni, nằm ở phía nam Nhật Bản, phía đông Đài Loan.

Còn Giang Tân Phiêu (Jiang Hsin-biao), chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Đài Loan, cho biết con tàu dường như đang quay lại cảng Thanh Đảo ở miền đông Trung Cộng để « tiếp nhiên liệu và bảo trì ». Theo chuyên gia này, việc tàu Liêu Ninh tham gia các cuộc diễn tập quân sự gần đây của Trung Cộng là nhằm « huấn luyện » khả năng đối phó với « các thế lực nước ngoài » và « hăm dọa Đài Loan ».

Về phía của Bắc Kinh, Lâm Kiếm, một phát ngôn viên của bộ Ngoai Giao nhận định việc tàu sân bay Liêu Ninh đến gần Đài Loan là điều « bình thường », bởi vì « Đài Loan là một vùng lãnh thổ của Trung Cộng ».

Trong khi đó, theo hãng tin Anh Reuters, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, Wellington Koo, hôm nay tuyên bố là nếu Trung Cộng tổ chức một cuộc tập trận bao vây Đài Loan thì sẽ cấu thành một hành vi chiến tranh và có thể sẽ gây nhiều hậu quả đáng kể đối với thương mại quốc tế. Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan nhấn mạnh là chiểu theo các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, phong tỏa, bao vây là một hành động chiến tranh và « các cuộc thao dợt, diễn tập khác hẳn với phong tỏa ».

Khoảng 1/5 lượng hàng hóa của thế giới được chuyên chở qua eo biển Đài Loan, nên theo bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, « cộng đồng quốc tế không thể tiếp tục khoanh tay » đứng nhìn Trung Cộng phong tỏa hòn đảo. Bộ Quốc Phòng Trung Cộng chưa hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters.


Mỹ – Nhật khởi động tập trận chung (RFI)

Hôm nay, 23/10/2024, Nhật Bản và Hoa Kỳ bắt đầu đợt tập trận chung kéo dài 10 ngày, quy tụ hơn chục ngàn binh sĩ. Chiến dịch quân sự này diễn ra một tuần sau đợt tập trận quy mô lớn của Trung Cộng, mô phỏng chiến lược bao vây Đài Loan.

Keen Sword 2024

Theo AFP, cuộc tập trận mang tên « Keen Sword », được tổ chức hai năm một lần, diễn ra trên cả nước Nhật Bản, kể cả ở các căn cứ quân sự Nhật và Mỹ, cho đến đầu tháng 11/2024, với sự tham dự của khoảng 45 ngàn binh sĩ Nhật Bản và Mỹ, 40 tầu chiến và 370 máy bay cũng như nhiều thành viên lực lượng quân đội Úc và Canada.

Trong cuộc tập trận này, các máy bay trực thăng vận tải Osprey, lần đầu tiên sẽ đến Yonaguni, đảo Nhật Bản gần với Đài Loan nhất trong khuôn khổ bài tập « sơ tán » thường dân và du khách trong trường hợp có thiên tai.

Phát biểu hôm qua 22/10, tướng Yoshihide Yoshida, lãnh đạo cao cấp Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (FJA), cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc « khủng hoảng nghiêm trọng giống Ukraina » ở gần Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò « thiết yếu » của liên minh Mỹ – Nhật cho sự bình ổn của khu vực.

Đô đốc Steve Koehler, chỉ huy Hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương, cho rằng cuộc tập trận này cho phép « duy trì lợi thế của đôi bên trước những ai tìm cách phá hoại trật tự quốc tế ».


Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống, cam kết xử lý tham nhũng và nhiều vấn đề (VOA)

Hôm Chủ Nhật 20/10, ông Prabowo Subianto nhậm chức tổng thống Indonesia, nền dân chủ lớn thứ ba thế giới. Ông cam kết giải quyết các vấn đề quốc nội như nạn tham nhũng trầm kha và làm cho đất nước tự chủ hơn.

Nhà lãnh đạo 73 tuổi này đã có những thay đổi đáng kinh ngạc, từng là một cựu chỉ huy quân đội đối mặt với cáo buộc về vi phạm nhân quyền nhưng chưa có kết luận, ông giành chiến thắng áp đảo trong các cuộc bỏ phiếu và hiện đang lãnh đạo đất nước có 280 triệu dân.

Tổng thống Prabowo Subianto

Ông Prabowo chính thức trở thành tổng thống thứ tám của Indonesia vào sáng 20/10 sau khi làm lễ tuyên thệ nhậm chức tại quốc hội Indonesia.

Ông Prabowo đã phát biểu đầy nhiệt huyết trước các nhà lập pháp rằng ông sẽ là tổng thống của tất cả người dân Indonesia: “Chúng ta phải luôn nhìn nhận rằng một quốc gia tự do là nơi nhân dân tự do. Họ phải được giải phóng khỏi trình trạng sợ hãi, nghèo túng, đói ăn, dốt nát, bị áp bức, đau khổ”.

Trong bài phát biểu dài khoảng 1 tiếng, ông Prabowo nói đất nước có thể đạt được khả năng tự cung tự cấp lương thực sau khoảng 5 năm, đồng thời cam kết đất nước cũng sẽ có thể tự cung tự cấp năng lượng. Tân tổng thống thề sẽ xóa bỏ tham nhũng.

Ông Prabowo đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 14/2 với gần 60% số phiếu bầu và đã dành 9 tháng qua để xây dựng một liên minh hùng mạnh trong quốc hội.

Sau bài phát biểu, ông Prabowo đi đến dinh tổng thống, di chuyển qua hàng nghìn người ủng hộ vẫy cờ tụ tập trên đường phố Jakarta trong bầu không khí giống như lễ hội.

Các bảng cài hoa bên ngoài dinh tổng thống có nội dung chúc mừng Tổng thống Prabowo và Phó Tổng thống Gibran, cũng như cảm ơn nhà lãnh đạo mãn nhiệm Jokowi về một thập niên phục vụ đất nước.

Ông Jokowi đã để lại dấu ấn không phai mờ tại quốc gia có 280 triệu dân. Trong nhiệm kỳ của ông, Indonesia có một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và phát triển cơ sở hạ tầng ở quy mô rất lớn.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng thời kỳ nắm quyền của mang lại ấn tượng là tình trạng thân quen và chính trị kiểu gia đình trị thời xưa đã gia tăng, và họ cảnh báo về việc tòa án và các thể chế nhà nước đã giảm tính chính trực.Tân Tổng thống Prabowo cũng đề cập đến chính sách đối ngoại trong bài phát biểu của mình, nói rằng Indonesia không liên kết trên trường quốc tế, nhưng ông ủng hộ người dân Palestine và cho biết Jakarta sẵn sàng gửi thêm viện trợ cho Gaza.


Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’ (VOA)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh BRICS rằng ông muốn có hòa bình ở Ukraine và New Delhi sẵn sàng giúp đạt được lệnh ngừng bắn để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Cuộc gặp gỡ giữa TT Modi và Putin vào tháng 7/2024 (Ảnh minh hoạ)

Ông Putin, vốn đã ra lệnh đưa hàng chục nghìn quân vào Ukraine vào tháng 2/2022, muốn hội nghị thượng đỉnh BRICS là màn thể hiện sức mạnh đang gia tăng của thế giới phi phương Tây sau khi Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu và châu Á cố gắng cô lập Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Nga đang mong đợi 22 nhà lãnh đạo, bao gồm cả Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình người đã đến Nga hôm 22/10, để tham dự cuộc họp thượng đỉnh của khối BRICS, vốn chiếm 45% dân số thế giới và 35% nền kinh tế toàn cầu.

Ông Putin, người bị phương Tây coi là tội phạm chiến tranh, đã cảm ơn Thủ tướng Modi vì đã chấp nhận lời mời đến thăm Kazan, một thành phố bên bờ sông Volga, và cho biết Nga và Ấn Độ chia sẻ “quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền”.

Ông Modi cảm ơn ông Putin vì “tình bạn bền chặt” của ông, ca ngợi sự hợp tác ngày càng tăng và sự phát triển của khối BRICS nhưng cũng cho biết Ấn Độ cảm thấy xung đột ở Ukraine nên được chấm dứt một cách hòa bình.

“Chúng tôi giữ liên lạc liên tục về chủ đề xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine”, ông Modi nói. “Chúng tôi tin rằng các vấn đề chỉ nên được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình”.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ khôi phục sớm hòa bình và ổn định. Mọi nỗ lực của chúng tôi đều ưu tiên cho nhân loại. Ấn Độ sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ khả dĩ trong thời gian tới“, ông Modi nói và cho biết thêm rằng ông sẽ thảo luận về các vấn đề này với ông Putin.Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra khi các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tụ họp tại Washington trong bối cảnh chiến tranh ở Trung Đông cũng như Ukraine, nền kinh tế Trung Cộng đang suy yếu và lo ngại rằng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ có thể châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại mới.


Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’ (VOA)

Một tướng Mỹ tuyên bố việc Quân đội Hoa Kỳ triển khai hệ thống phi đạn tầm trung gần đây tới miền bắc Philippines là “cực kỳ quan trọng” và cho phép lực lượng Hoa Kỳ và Philippines cùng nhau huấn luyện để có thể sử dụng vũ khí hạng nặng như vậy.

Chính quyền Biden đã có động thái củng cố vòng cung liên minh quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để chống lại Trung Cộng tốt hơn, bao gồm cả trong bất kỳ cuộc đối đầu nào có thể xảy ra về Đài Loan và các điểm nóng khác ở châu Á. Philippines cũng đã nỗ lực củng cố khả năng phòng thủ lãnh thổ của mình sau khi các tranh chấp với Trung Cộng bắt đầu leo thang vào năm ngoái tại Biển Đông ngày càng bất ổn.

Trung Cộng đã phản đối kịch liệt việc tăng cường triển khai lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ tới châu Á. Nhưng điều này đặc biệt đáng báo động khi Quân đội Hoa Kỳ triển khai hệ thống phi đạn Typhon, một loại vũ khí trên bộ có thể bắn Phi đạn Tiêu chuẩn-6 và phi đạn tấn công mặt đất Tomahawk, tới miền bắc Philippines vào tháng 4 như một phần của cuộc tập trận chiến đấu chung vào tháng 4 với quân đội Philippines.

Thiếu tướng Marcus Evans

Tựu trung lại điều này mang đến cho chúng ta cơ hội để hiểu cách sử dụng khả năng đó — những thách thức về môi trường ở đây rất độc đáo so với bất kỳ nơi nào khác trong khu vực”, Thiếu tướng Hoa Kỳ Marcus Evans, Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh đóng tại Hawaii, cho biết khi được hỏi hệ thống phi đạn đã giúp những người tham gia huấn luyện chiến đấu chung ở Philippines như thế nào.

Năm ngoái, chúng tôi cũng đã triển khai khả năng bắn tầm xa với HIMARS và chúng tôi có thể di chuyển chúng bằng máy bay cánh cố định xung quanh môi trường quần đảo Philippines”, tướng Evans nói với hãng tin AP trong một cuộc phỏng vấn tại Manila, ám chỉ Hệ thống phi đạn pháo binh cơ động cao, bệ phóng gắn trên xe tải, bắn phi đạn dẫn đường bằng GPS có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa.

“Đó chỉ là những hoạt động cực kỳ quan trọng vì bạn được làm việc trong môi trường đó, nhưng quan trọng nhất là bạn đang làm việc cùng các đối tác của chúng tôi tại Philippines để hiểu cách chúng sẽ được tích hợp vào hoạt động của họ”, tướng Evans nói mà không giải thích thêm.

Hệ thống phi đạn Typhon được cho là đã được chuyển ra khỏi Philippines vào tháng trước, nhưng ba quan chức an ninh Philippines gần đây đã nói với AP rằng hai đồng minh hiệp ước lâu năm đã đồng ý giữ hệ thống phi đạn ở miền bắc Philippines vô thời hạn để tăng cường khả năng răn đe bất chấp Trung Cộng bày tỏ những báo động.

Các quan chức Philippines đã nói chuyện với điều kiện giấu tên vì họ không được phép thảo luận công khai về việc triển khai phi đạn nhạy cảm của Hoa Kỳ.

Tướng Evans đã bay đến Manila để bắt đầu các cuộc đàm phán với các đối tác quân đội Philippines về việc tổ chức các cuộc tập trận thường niên của các lực lượng đồng minh tại quốc gia Đông Nam Á này vào năm tới, đặc biệt là các cuộc tập trận Salaknib, nhằm mục đích tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của hàng nghìn quân nhân Mỹ và Philippines trong các bối cảnh ngày càng thực tế.

“Về mặt khái niệm, đây được lên lịch là một cuộc tập trận lớn hơn và phức tạp hơn”, tướng Evans cho biết, đồng thời nói thêm rằng có thể có các cuộc diễn tập chung từ các khu rừng rậm ở miền bắc Philippines đến các căn cứ quân sự cũ của Hoa Kỳ trong khu vực.

“Chúng tôi cũng đang có kế hoạch mang theo thiết bị mới để huấn luyện cùng với quân đội Philippines mà năm ngoái chúng tôi không có”, ông nói mà không cung cấp thông tin chi tiết.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là cải thiện 1% mỗi ngày cùng với quân đội Philippines về mặt sẵn sàng”, ông nói. “Những mối quan hệ được xây dựng, sự sẵn sàng được phát triển, sẽ xóa tan mọi nghi ngờ về tầm quan trọng của liên minh của chúng tôi và công việc chúng tôi làm ở đây với quân đội Philippines”.

Tướng Evans và các quan chức khác của Quân đội Hoa Kỳ đã tham dự một buổi lễ vào ngày 20/10 đánh dấu kỷ niệm một thời khắc lịch sử trong quan hệ Hoa Kỳ-Philippines khi Tướng Hoa Kỳ Douglas Macarthur thực hiện lời hứa trở lại Philippines vào tháng 10 năm 1944 bằng cách lội vào bờ biển của tỉnh Leyte ở miền trung để giúp lãnh đạo cuộc giải phóng đất nước khỏi lực lượng chiếm đóng của Nhật Bản.

Vào ngày 21/10, tướng Evans và những người lính của ông đã đặt vòng hoa trong một buổi lễ trang nghiêm tại Nghĩa trang Hoa Kỳ ở thủ đô Manila, nghĩa trang và đài tưởng niệm Chiến tranh Thế giới thứ II lớn nhất của Hoa Kỳ trên thế giới.

Ông cho biết buổi lễ ở Vịnh Leyte phản ánh lịch sử lâu dài đã gắn kết lực lượng Hoa Kỳ và Philippines trong chiến tranh và hòa bình.

“Niềm tin đó đã được xây dựng trong tám thập niên”, tướng Evans nhấn mạnh.


TIN VIỆT NAM.

Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội

Hôm nay trong ngày đầu kỳ họp thứ 8 khóa 15, Quốc Hội Việt Nam đã bầu đại tướng Lương Cường giữ chức chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo truyền thông chính thức tại Việt Nam, « Quốc Hội đã thông qua Nghị quyết về việc bầu ông Lương Cường làm Chủ tịch nước với 440/440 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành ».

Trước đó, Quốc hội đã bỏ phiếu kín để quyết định việc bầu ông Lương Cường làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026.  Ngay sau khi được bầu, ông Lương Cường đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc Hội chiều nay.

Ông Lương Cường, 67 tuổi, xuất thân là một quân nhân nhập ngũ năm 1975. Sự nghiệp thăng tiến chính trị của ông gắn với quân đội, ông được phong quân hàm đại tướng, giữ chức chủ nhiệm Tổng cục Chính Trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đến tháng 5/2024, trong bối cảnh nội bộ thượng tầng lãnh đạo của Việt Nam đang có nhiều xáo trộn, ông Lương Cường được bổ nhiệm làm thường trực Ban bí thư Trung ương đảng Cộng Sản, thay bà Trương Thị Mai xin từ chức.

Ban bí thư là cơ quan xử lý các công việc hàng ngày của Đảng, có nhiệm vụ chỉ đạo hoặc kiểm tra việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị thảo luận và quyết định.

Trước đó, hồi tháng 3/2024, ông Võ Văn Thưởng xin từ chức chủ tịch nước vì những sai phạm trong công tác. Tháng 5/2024, ông Tô Lâm được Quốc Hội bầu làm chủ tịch nước thay ông Thưởng. Đến tháng 8/2024, một tháng sau khi tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng qua đời , ông Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư kiêm chức chủ tịch nước cho đến nay. (RFI)

Mời quý độc giả đọc bài nhận định liên về sự kiện này trên Vân Hội Mới  https://vanhoimoi.org/?p=22782


HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm

Theo tin của đài VOA, hai tổ chức nhân quyền vừa nộp đơn đề nghị Liên Hiệp Quốc xem xét trường hợp hai nhà hoạt động vì quyền của người Khmer Krom Tô Hoàng Chương và Thạch Cương bị chính quyền Việt Nam bỏ tù chỉ vì “các hoạt động ôn hòa” của họ.

Qũy Nhân quyền (HRF) và Liên đoàn Khmer Kampuchea-Krom (KKF) vừa nộp đơn chung tới Nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc về giam giữ tùy tiện (UNWGAD) thay mặt cho các nhà hoạt động vì quyền của người Khmer Krom bản địa Tô Hoàng Chương và Thạch Cương, HRF cho biết trong một thông báo hôm 22/10.

Ông Tô Hoàng Chương và Thạch Cương tại phiên tòa ở Trà Vinh ngày 20/3/2024.

Ông Tô Hoàng Chương và ông Thạch Cương bị kết án theo điều luật mơ hồ của Việt Nam, hình sự hóa việc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’”, bà Kaitie Holland, chuyên viên pháp lý quốc tế của HRF cho biết trong thông cáo.

“Việc hoàn toàn thiếu thủ tục tố tụng, đặc biệt là việc từ chối quyền có luật sư và coi thường các quyền cơ bản, khiến việc giam giữ ông Tô Hoàng Chương và ông Thạch Cương là vô căn cứ và tùy tiện”, vẫn lời bà Holland.

Trong đơn kiến nghị, HRF và KKF đề nghị UNWGAD điều tra vụ việc của hai ông và xác định rằng hai vụ bắt giữ này là tùy tiện, xét theo luật pháp quốc tế. Ngoài ra, bản kiến nghị còn kêu gọi UNWGAD tác động để Việt Nam trả tự do cho cả hai ông này ngay lập tức và đảm bảo rằng các quyền của họ được tôn trọng.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ bình luận về thông báo trên, nhưng chưa được phản hồi.


LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng

Nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc về vấn đề bắt giữ tùy tiện (UNWGAD) vừa đưa ra kết luận về trường hợp của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, cho rằng việc chính quyền Việt Nam giam giữ ông là tùy tiện và vi phạm các công ước quốc tế mà nước này đã ký kết, theo luật sư của ông và bản ý kiến của nhóm làm việc.

UNWGAD đã thông qua bản ý kiến về trường hợp của ông Dũng tại phiên họp thứ 100 của nhóm này vào ngày 30/8/2024.

Trong đó, UNWGAD tuyên bố rằng “việc tước đoạt quyền tự do của ông Phạm Chí Dũng là tùy tiện và trái với nhiều quyền khác nhau được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”, theo bản ý kiến (Opinion) số 39/2024 được phổ biến ngày 1/10/2024 mà VOA xem được.

Nhà báo độc lập TS Phạm Chí Dũng

Trong bản ý kiến, UNWGAD kết luận rằng chính phủ Việt Nam đã không thiết lập được cơ sở pháp lý cho việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), đồng thời là một blogger, cộng tác viên của đài VOA Tiếng Việt.

Ông Phạm Chí Dũng, 58 tuổi, bị chính quyền bắt giam ngày 16/11/2019 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, cùng với hai thành viên khác của IJAVN là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Ông Dũng bị tuyên án 15 năm tù, trong khi ông Thụy và ông Tuấn mỗi người bị phạt 11 năm tù.

Ý kiến của luật sư

Ông Kurtulus Bastimar, người nộp hồ sơ của ông Phạm Chí Dũng lên UNWGAD, nhận định với VOA rằng phán quyết này là một quyết định quan trọng cho thấy chính quyền Việt Nam đã “vi phạm” luật pháp quốc tế “nghiêm trọng”.

“LHQ đã phát hiện ra nhiều vi phạm trong bản đệ trình của chúng tôi khi đưa trường hợp của ông ấy tới nhóm công tác UNWGAD. Chính phủ Việt Nam đã không phản hồi hoặc không thể phản hồi các cáo buộc mà chúng tôi đưa ra”, ông Bastimar, luật sư nhân quyền người Thổ Nhĩ Kỳ, nhận xét.

“LHQ đã quyết định rằng các quyền và tự do cơ bản của ông Dũng đã bị vi phạm. Chẳng hạn, ông không được phép liên lạc với luật sư và với gia đình, đặc biệt là gia đình” trong thời gian chính quyền tạm giam ông Dũng, vẫn lời ông Bastimar.

“Một trong những phần vi phạm quan trọng nhất mà LHQ quyết định là quyền tự do ngôn luận của ông đã bị xâm phạm và rằng ông bị bắt giữ là do thực tế ông đang thực hiện quyền tự do ngôn luận, vì ông làm nhà báo hoặc công việc liên quan đến nhà báo”, vị luật sư cho biết thêm.

Theo bản ý kiến, việc chính quyền Việt Nam bắt giữ ông Dũng thiếu cơ sở pháp lý (Mục 1), nó chỉ dựa trên hành động thực thi các quyền tự do bày tỏ và biểu đạt ý kiến của ông (Mục 2), có nhiều vi phạm trong quá trình xét xử và tố tụng (Mục 3), và việc cầm tù ông còn do có nguyên nhân từ các hoạt động bày tỏ quan điểm chính trị và ý kiến khác của ông (Mục 5).

Như vậy, sau hơn 5 năm ba thành viên IJAVN bị ngồi tù, đến nay LHQ đã tuyên bố việc chính quyền Việt Nam bắt giam họ là tùy tiện.

Trước đó, UNWGAD hồi năm 2021 ra tuyên bố ông Tuấn bị chính quyền Việt Nam giam giữ tùy tiện, đến năm 2023 nhóm này ra kết luận tương tự đối với trường hợp ông Thụy.

Việt Nam không phản hồi

Theo nguyên tắc làm việc của UNWGAD, vào ngày 12/3/2024, nhóm công tác này đã chuyển tới chính phủ Việt Nam một văn thư yêu cầu giải trình liên quan đến trường hợp ông Phạm Chí Dũng.

Nhóm này yêu cầu Hà Nội phản hồi chậm nhất vào ngày 13/5/2024, về tình hình hiện tại của ông Dũng, làm rõ các quy định pháp lý biện minh cho việc giam giữ ông, cũng như các điều luật đó phù hợp ra sao với các nghĩa vụ của chính phủ Việt Nam theo luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là với các điều ước quốc tế đã được nước này phê chuẩn.

Tuy nhiên, tính đến ngày nhóm công tác lập bản ý kiến này, ngày 30/8/2024, chính phủ Việt Nam vẫn chưa trả lời hay ra yêu cầu gia hạn phản hồi cho UNWGAD.

“Nhóm làm việc lấy làm tiếc rằng họ vẫn chưa nhận được một phản hồi nào từ chính quyền Việt Nam về văn thư đã gửi”, bản ý kiến viết.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về bản ý kiến của UNWGAD liên quan đến trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng, nhưng chưa được trả lời.

Trước đó, trong một phản hồi cho các chuyên gia LHQ về trường hợp của ông Dũng và ông Thụy, ngày 12/8/2021, chính quyền Việt Nam lập luận rằng hai ông bị khởi tố do các hoạt động của họ “vi phạm pháp luật Việt Nam”, chứ không phải do họ thực hiện các quyền tự do cơ bản.

Hà Nội cũng khăng khăng rằng những điều luật mà họ áp dụng để bắt giam và xét xử những nhà báo này là “phù hợp” với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. (VOA)


Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ lên đường tới TP. Kazan của Nga dự Hội nghị BRICS từ ngày 23 đến 24 tháng 10 để khẳng định vị thế, vai trò và tầm vóc của Việt Nam trên thế giới, đồng thời bày tỏ tình bạn thủy chung với Nga, nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS được khai mạc hôm 22/10 với sự tham gia của lãnh đạo từ khoảng 30 quốc gia và chủ đề là “BRICS với nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Trong số các lãnh đạo quốc gia dự Hội nghị có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Đây là nhóm 10 nước bao gồm năm nước khởi điểm là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sau đó mở rộng thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Nhóm này cũng đã tiếp nhận đơn xin gia nhập nhóm của Thái Lan và Malaysia, trong khi các nước như Lào, Việt Nam, Campuchia được cho rằng cũng có khả năng tham gia nhóm trong tương lai.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua cho báo chí biết Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ quá trình mở rộng thành viên của nhóm BRICS. Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nói điều này khi trả lời các câu hỏi của phóng viên về khả năng Việt Nam gia nhâp nhóm trong tương lai.

Bà Hằng cho biết, chuyến thăm đầu tiên tới Nga trên cương vị Thủ tướng của ông Phạm Minh Chính lần này cũng nhằm tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Nga và các nước.

“Chuyến công tác của Thủ tướng tiếp tục khẳng định tình bạn thủy chung Việt Nam – Nga, tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga. Góp phần tạo xung lực cho hợp tác song phương, thúc đẩy, mở ra các cơ hội hợp tác thực chất, hiệu quả giữa hai nước.” – báo Nhà nước dẫn lời thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Nga và Việt nam đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

Nga là một trong các quốc gia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (mức quan hệ ngoại giao cao nhất) với Việt Nam vào năm 2001.

Nga cũng là nước cung cấp phần lớn các vũ khí cho Việt Nam trong các năm qua. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), Việt Nam nhập khẩu khoảng 80% vũ khí từ Nga.

Việt Nam từ trước đến nay vẫn tránh lên án Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga phát động từ năm 2022 với việc bỏ phiếu trắng và chống đối với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án hành động của Nga ở Ukraine. (RFA)


Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng

Báo trong nước dẫn tin từ Nha Khí Tượng Thủy Văn loan báo ngày 24/10, bão Trà Mi sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 6. Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh miền Trung sẽ có đợt mưa lớn diện rộng.

Chiều 22/10, trao đổi với phóng viên báo chí, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết, bão Trami (tên tiếng Việt là Trà Mi) đang hoạt động trên vùng biển phía Đông miền Trung Philippines.

Theo ông Tuấn, nhận định ban đầu cho thấy ngày 24/10, bão Trà Mi sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 6. Sau khi vào Biển Đông, bão di chuyển theo hướng Tây và cường độ tiếp tục mạnh thêm.

“Khi bão vượt qua quần đảo Hoàng Sa khả năng đạt cấp 12 giật cấp 15, bão tiếp tục hướng về bờ biển các tỉnh Trung Bộ. Do ảnh hưởng của bão, khoảng từ ngày 26 đến 28/10, khả năng các tỉnh Trung Bộ sẽ có đợt mưa lớn diện rộng”, ông Tuấn dự báo.

Vị chuyên gia cũng cho hay diễn biến các cơn bão cuối mùa rất phức tạp và hay thay đổi nên cơ quan khí tượng đang tiếp tục theo dõi chặt để đưa ra các dự báo chính xác nhất.

Trước đó, cơ quan khí tượng dự báo từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, cường độ tiếp tục mạnh thêm.

Do tác động của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7.

Từ sáng ngày 24/10 bão tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão sóng cao 6-8m; biển động dữ dội.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 30/9, 1-2/10/2024
  • Tranh luận ứng viên phó tổng thống Mỹ: Ai thắng, ai thua?
  • Chiến tranh Ukraina: ‘‘Có bằng chứng hiển nhiên’’ về việc vũ khí Trung Cộng được bí mật cấp cho Nga
  • Trung Đông tăng nhiệt: Iran phóng phi đạn qua Israel
  • Giới phân tích dự đoán Israel sẽ phản ứng mạnh với Iran
  • Cựu bộ trưởng Ishiba chính thức được bầu làm thủ tướng Nhật Bản
  • Mỹ thông báo viện trợ hơn nửa tỷ đô la hỗ trợ quốc phòng Đài Loan
  • Khủng hoảng Israel-Iran: Pháp điều tàu chiến, Đức cảnh báo, Ý sắp họp G7
  • Nam Hàn trình làng tên lửa “quái vật” nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội
  • Tàu Trung cộng tấn công ngư thuyền Việt Nam tại Hoàng Sa
  • Chưa chọn Việt Nam, Google đầu tư hàng tỷ đô la vào Malaysia, Thái Lan; vì sao?
  • Sản xuất ở Việt Nam suy yếu
  • Bị cáo buộc âm mưu "khủng bố" vì tham gia tổ chức của ông Đào Minh Quân
  • Báo cáo viên LHQ bày tỏ quan ngại việc TS Nguyễn Quang A bị Công an mời làm việc
  • Tòa án Thái Lan ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap, nhà hoạt động người Thượng về Việt Nam
  • Mỹ áp thuế gần 300% trên pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 23-24-25/9/2024
  • Tổng thống Ukraina đến Mỹ trình bày “kế hoạch giành chiến thắng”
  • Tổng thống Ukraine nói với Liên Hiệp Quốc: Phải ép Nga chấp nhận hòa bình
  • Trong lần cuối phát biểu ở LHQ, ông Biden tìm cách xoa dịu căng thẳng Trung Đông
  • Trung Đông: Lần đầu tiên Hezbollah bắn tên lửa đạn đạo về phía Tel Aviv
  • Tổng thống Iran muốn thảo luận với phương Tây về chiến tranh Ukraina
  • Trung Đông: Israel oanh kích dữ dội miền nam Liban để trả đũa
  • Liên Hiệp Quốc thông qua hiệp ước xây dựng "tương lai tốt đẹp" cho nhân loại
  • Bộ Tứ - QUAD bày tỏ quan ngại về Biển Đông, lên án chương trình tên lửa Bắc Triều Tiên
  • Philippines tố trực thăng hải quân Trung Cộng bám đuôi máy bay trong khi tuần tra
  • Biển Đông: Số tàu Trung Cộng tại các vùng tranh chấp với Philippines cao nhất
  • Ông Tô Lâm chia sẻ tầm nhìn VN về xoá bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng thế giới hoà bình
  • Ông Tô Lâm gặp các đại diện doanh nghiệp Mỹ
  • Văn Bút Mỹ kêu gọi TT Biden nêu vấn đề tự do biểu đạt với ông Tô Lâm
  • Việt Nam: Hai nhà hoạt động được trả tự do trước chuyến đi Mỹ của Tô Lâm
  • Hoa Kỳ và Việt Nam củng cố hợp tác an ninh mạng
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 16-17-18/9/2024.
  • Drone Ukraina tấn công một kho vũ khí lớn tại tỉnh Tver, giáp thủ đô Nga
  • Liban: Iran tố cáo Israel là thủ phạm vụ kích nổ đồng loạt máy nhắn tin của Hezbollah
  • Ấn Độ-Thái Bình Dương : Chiến lược vũ khí chống hạm "nhiều và rẻ" của Mỹ để đối phó với Trung Cộng
  • Cuộc chiếm đóng kỳ lạ: Dân Nga ở Kursk thân thiện với lính Ukraina
  • Biển Đông: Philippines khẳng định duy trì hiện diện ở khu vực có tranh chấp
  • Bắc Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn
  • Ukraina mời Liên Hiệp Quốc đến vùng Kursk của Nga
  • Trung Cộng bám đuôi máy bay Mỹ trên Eo biển Đài Loan
  • Reuters: Ông Trump và tổng thống Ba Lan có thể gặp nhau tại bang chiến địa Pennsylvania
  • Ông Tô Lâm sẽ gặp Google và Meta trong chuyến thăm Mỹ vào tuần tới
  • Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 10
  • Bão số 4 sắp đổ vào miền Trung Việt Nam
  • Quỹ giúp nạn nhân bão số 3 hiện có trên 1.200 tỷ đồng
  • Việt Nam mua vũ khí lớn của Mỹ: Bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng song phương?
  • Các tổ chức quốc tế kêu gọi hủy bản án tù đối với blogger Nguyễn Vũ Bình
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 9-10-11/9/2024.
  • Ukraine tấn công Moscow trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay
  • Ngoại trưởng Mỹ và Anh đến Kyiv khi Ukraine thúc đẩy các cuộc tấn công tầm xa vào Nga
  • Philippines thúc đẩy tổ chức một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
  • Hà Lan cho phép Ukraina dùng vũ khí nước này tấn công các mục tiêu quân sự Nga
  • Quốc hội Mỹ đưa ra một loạt dự luật nhắm vào Trung Cộng
  • Anh triệu tập đại biện lâm thời Iran về việc chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga
  • Đức điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, lần đầu tiên sau 22 năm
  • Nga chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác song phương mới với Iran
  • Nước lũ có nguy cơ làm ngập các quận của Hà Nội
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Việt Nam hội đàm, ký kết tuyên bố tầm nhìn chung
  • Dân miền Bắc Việt Nam: “Bão Yagi mạnh chưa từng thấy”
  • Cao ủy Nhân quyền LHQ chỉ trích Việt Nam đàn áp giới hoạt động
  • Công ty năng lượng tái tạo hàng đầu Enel của Ý sẽ rút khỏi Việt Nam
  • Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ kêu gọi phóng thích nhà báo Nguyễn Vũ Bình
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 2-3-4/9/2024
  • Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích Poltava khiến hơn 50 người chết
  • TT Zelenskyy tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất trong chiến tranh
  • Trung Cộng đang thử thách cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
  • Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đừng đùa giỡn ‘lằn ranh đỏ’ của Nga
  • Tokyo phản đối Bắc Kinh xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản
  • Bất chấp lệnh bắt của CPI, Putin chính thức thăm Mông Cổ
  • Ông Netanyahu đẩy lùi áp lực mới về vấn đề Gaza và các con tin
  • Trung Cộng trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo châu Phi
  • 'Gián điệp Trung Cộng': thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa
  • Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi 'thể chế chính trị'
  • Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối Tô Lâm
  • Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên
  • Bão số 3 lên mức siêu bão đe dọa Việt Nam