Thuở sinh tiền, có bữa, Nguyễn Thụy Long tự nhiên nổi nóng:
“Lâu lâu tôi cũng đi uống cà phê, có những quán cà phê cũng ngon nhưng nhạc ầm ỹ qúa. Tôi yêu cầu nhà hàng cho nghe một bản nhạc nhẹ, cô phục vụ hỏi lại:
– Bác muốn nghe nhạc ‘sến’ hả?
….
Tôi nhìn kỹ lại người vừa nói với tôi … chỉ là một đứa ranh con, mặt mũi còn non choẹt … tôi giận cành hông.” (Nguyễn Thụy Long. “Hương Cà Phê.” Tuần báo Viet Tribune – 24/05/2013).
Ông văn sĩ, ngó bộ, hơi … dễ giận. Ông bác sĩ, xem ra, dễ chịu hơn nhiều:
“Thấy tôi đứng loay hoay tìm kiếm mãi trên các kệ đầy nhóc băng đĩa ngổn ngang, cô bé bán hàng đến gần hỏi:
– Bác muốn kiếm loại nào?
– Nhạc. Nhạc xưa.
Cô đọc vài cái tên gì đó…
– Không. Xưa hơn nữa kìa. Chừng nửa thế kỷ trước. Có không?
– Bác chờ con lấy.
Một lúc, cô mang ra một cái… giỏ, đúng hơn là một cái rổ to, hình chữ nhật, chứa hàng ngàn đĩa CD, buộc dây thun từng cọc, nói bác lựa đi. Tôi giật mình thấy trên thành rổ dán mấy mảnh giấy viết tay bằng chữ in khá to: SẾN GIÀ NAM…Tôi đoán đây là loại nhạc “sến” dành riêng cho nam giới “già”!
(Đỗ Hồng Ngọc. “Sến Già Nam.” 03/03/2013).
Tôi cũng già chát (từ lâu) nhưng chưa già bằng hai ông văn sỹ và bác sỹ nên đã có lúc phải trở thành chiến sỹ. Lính thì thằng nào chả hát nhạc vàng, nhạc sến, hay nhạc lính. Lính mà em?
Khác với nhạc đỏ (loại nhạc đã chết nhưng chưa chôn) nhạc vàng tuy đã từng bị nhà nước hiện hành vùi dập (và vùi lấp) nhưng vẫn nhất định không chịu chết mà còn sống hùng, sống mạnh, rồi đang tràn lan “khắp bốn vùng chiến thuật” – theo như tường thuật của một người cầm bút khác ( Đoàn Nhã Văn) trên trang FB của ông, vào hôm 12 tháng 12 năm 2023:
“Qua những gì đã thấy trong thời gian ngắn, tôi chứng nghiệm: nhạc vàng hiện hữu ở đồng bằng, leo lên miền núi, chạy xuống vùng biển, lẫn trong thành phố, ra ngoài ngoại ô. Nó ăn sâu vào tâm khảm của những thanh niên mới lớn, bất kể ở Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nội, Tuyên Quang, Đồng Văn, v.v. bất kể chất giọng cao, thấp, đục, rè. Nó được hát bởi anh tài xế, chị làm ngân hàng, anh bộ đội phục viên, những người ca sĩ trẻ tuổi, và cả những thương gia thành đạt …”.
Tui cũng hát liên miên (hẳn nhiên) nhưng chỉ cho chính mình nghe (thôi) khi lái xe trên những đoạn đường dài. Bữa nay phá lệ, tôi ca vài bài cho thiên hạ nghe chơi để biết thế nào là nhạc sến và nhạc lính. Có thể vì tuổi đời nên giọng của tui e không còn mùi mẫn như xưa (nữa) nhưng bảo đảm là chưa dở:
Mình vui được sao nếu chưa thanh bình
Từng đoàn người trai đi viết sử xanh
Thì gian nhà xinh vắng đi mình anh
Cũng thôi chớ buồn em nhé
Tiễn đưa nhớ ngày đăng trình… (Hoài Linh. “Nếu Một Mai Anh Giã Biệt Kinh Kỳ”)
Tình và buồn dễ sợ chưa? Nếu chưa (phê) thì nghe thêm bản khác nha:
Đường phố khuya rồi
Chênh chếch bóng trăng soi
Uống cạn hết ly này
Ghi nhớ mãi đêm nay …
……
Còn riêng mình tôi vai ba lô về khu chiến
Nghe đường dài thêm. (Song Ngọc. “Chúng Mình Ba Đứa”)
Tiếp tục chương trình là bài mà tui ca tới nhất, cỡ Trường Vũ hay Tuấn Vũ mà nghe là đỏ mặt liền (vì mắc cở) và giải nghệ cấp kỳ:
Mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi
Tình xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi
Tách cà phê ấm môi
Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi
Nhiều khi chờ sáng nghe lòng thao thức canh thâu
……
Đường ga nhỏ bé nằm đợi mong đã bao lâu
Tiếng còi đêm lướt mau
Đoàn tàu đi về mãi mà bạn thân tôi nơi đâu …. (Lê Minh Bằng. “Hai Mùa Mưa”)
Tuổi già hạt lệ như sương mà lần nào tui cũng vừa hát vừa muốn ứa nước mắt. Bạn đi luôn thì tất nhiên là buồn lắm (rồi) nhưng nếu trở lại trên đôi nạng gỗ thì còn buồn hơn nữa:
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân … (Linh Phương & Phạm Duy. “Kỷ Vật Cho Em”)
Đôi khi, tôi không chỉ buồn mà còn cảm thấy hơi cay (và đắng) nữa:
Mây mù che núi cao
Rừng sương che lối vào
Đồng ruộng mông mênh nước
Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù
Áo nhà binh thương lính, lính thương quê
Vì đời mà đi… (Trúc Phương. “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật”)
Tôi cộng tác với tuần báo Trẻ (tờ báo có nhiều ấn bản nhất tại Hoa Kỳ) gần hai chục năm qua. Sự gắn bó lâu dài này không chỉ vì tấm lòng yêu nghề (và thái độ thân thiện cởi mở) của ban biên tập mà còn vì chút tình riêng. Mỗi tuần Trẻ đều dành hẳn một trang báo, để trân trọng giới thiệu đến độc giả hai ba vị thương phế binh (Việt Nam Cộng Hòa) đang sống trong cảnh rất ngặt nghèo ở quê nhà. Nhìn hình ảnh đồng đội của mình đang ngồi trên xe lăn, hay nằm thoi thóp trong một gian nhà tồi tàn nào đó – lắm lúc – tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi: “Liệu có còn ai nhớ đến những kẻ đã từng vì đời mà đi không vậy?
Tất nhiên là có nhưng chắc ít thôi, và ít lắm. Tôi không dám trách đời hay oán hận chi đâu, nếu chưa muốn nói là ngược lại. Tôi biết nhiều tổ chức, hội đoàn, cá nhân (trong cũng như ngoài nước) đã hết lòng chăm lo cho số thương phế binh (bất hạnh) này nhưng chỉ e là không đủ thiếu chi và không còn kịp nữa.
Người trẻ nhất mà tôi biết rõ (vì chúng tôi cùng đơn vị) là Hạ Sỹ Nguyễn Văn X. Ông sinh năm năm 1956, nhập ngũ năm 1974 (bị thương cùng năm) vừa lìa trần tuần trước. Phần lớn chúng tôi đều trên tuổi đó và lắm kẻ (cho đến khi nhắm mắt) vẫn chưa bao giờ nhìn thấy một món quà nào – từ bất cứ ai – dù Đại Nhạc Hội Cảm Ơn Anh Thương Phế Binh đã được tổ chức (rất thành công) khá nhiều lần, từ mấy thập niên qua!
Tưởng Năng Tiến