________________________

Cứ mỗi lần có tin ai đó trong đám bạn bè hoặc người thân qua đời, mọi người thường hỏi nhau: “Người ấy có đạo không?” Và “Tên thánh là gì?”

Đối với những người hỏi như vậy có nghĩa là người vừa qua đời đó có phải là người Công Giáo không? Hoặc nếu là người Công Giáo đã rửa tội thì tên thánh là gì? Xem như trong đầu óc những người này hễ không rửa tội hay không chịu phép rửa, không phải người Công Giáo, và không có tên thánh thì làm sao mà cầu nguyện? Làm sao mà được rỗi linh hồn? Đối với họ, phải có đạo, phải là đạo gốc, phải được rửa tội, phải có tên thánh khi chết mới được rỗi linh hồn, mới được vào Thiên Đàng.

Tiếc là những người mang tư tưởng và suy nghĩ như vậy cũng có một số trong hàng giáo sỹ và tu sỹ nam nữ.

Bạn tôi một con chiên ngoan đạo, một tín hữu nhiệt thành, một tông đồ sốt sắng. Bạn xuất thân trong một gia đình theo đạo ông bà, cha mẹ là những người chuẩn mực, trọng lễ giáo, trọng tình người, luôn rộng tay giúp đỡ những người sa cơ, lỡ bước, những gia đình nghèo khó. Kẻ ăn, người ở trong nhà ai cũng mến phục. Không phải là người Công Giáo, nhưng ông bà cho tất cả các con học trường đạo, con gái học St. Paul, con trai học Taberd. Ông bà lý luận rằng con cái học những trường này được lợi cả về học thức, tinh thần, và đạo đức, sau này khi khôn lớn ai muốn theo đạo thì ông bà cho phép. Bạn tôi là một trong những người được phép đó.

Từ khi trở thành con Chúa bên giếng nước rửa tội, bạn tôi sống rất ngoan đạo, tốt lành. Sáng dự lễ, chiều đi nhà thờ, đọc kinh ở nhà, rộng rãi giúp đỡ những ai gặp thiếu thốn, rủi ro và giữ luật Chúa một cách tỷ mỷ hơn nhiều người vẫn tự cho mình là đạo gốc, đạo từ lúc mới sinh. Nhưng càng đi sâu vào con đường đạo hạnh, bạn tội lại càng tỏ ra buồn và không vui. Tôi suy nghĩ về điều này nên một hôm mới hỏi bạn:

-Đã là con cái Chúa, sống đạo như em mà sao lại cứ buồn buồn. Chúa không thích con cái Chúa buồn.

Bạn nhìn tôi và trả lời cũng với nét mặt buồn:

-Em buồn là nghĩ đến ba má em và ông bà em. Em sợ sau này em không được gặp họ trên Thiên Đàng.
-Sao vậy?
-Vì họ không phải là Công Giáo, chưa chịu phép Rửa Tội, và không có tên thánh.

Thì ra là vậy, không ngờ những tư tưởng trên cũng đã ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của bạn như vậy.

Tôi biết, tôi có khuyên gì đi nữa thì bạn cũng không tin hoặc không muốn nghe, nên đã tìm tòi lại lời của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, một vị giáo hoàng cao cả, và là một nhà thần học của thế kỷ. Tôi chép lại và đưa cho bạn tôi:  

“Khi nhà báo Peter Seewald hỏi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI lúc bấy giờ còn là Hồng Y Joseph Ratzinger rằng: “Có bao nhiêu con đường để lên với Thiên Chúa”, thì ngài trả lời, “Có bao nhiêu người, thì có bấy nhiêu con đường”, điều này có nghĩa là qua Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống, thì con đường ấy rộng đủ để mọi người có thể tìm được lối đi cho chính mình để về nhà Thiên Chúa.” [1]

Và tôi thêm: “Đường vào Nước Trời được mở ra cho mỗi người và từng người. Những người như ba má em đã sống một đời sống tốt lành lại không phải là những người đã bước đi trên con đường giải thoát đó sao? “Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa và Thiên Chúa sống trong người ấy. ” (1Gioan 4:16) Ngài không thể làm gì ngoài tình yêu. Chỉ những ai dùng tự do Thiên Chúa ban chống lại Ngài, mới bị Ngài loại bỏ mà thôi!”

Ý nghĩa của Phép Rửa

Phép rửa là con đường mở ra cho mọi người đi về Thiên Đàng. Phép rửa là nghi thức gia nhập Hội Thánh Chúa, bước đầu làm con cái Chúa. Nhưng Chúa Giêsu đã không đề cập đến một phép rửa hình thức, hay một sự chọn lựa hẹp hòi. Ngài chỉ nói với các môn đệ của mình: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.” (Mt 28:19-20)

Để tâm suy nghĩ cẩn thận về lệnh truyền trên, hai điều cốt lõi cho những ai tin và tiếp nhận dòng nước thanh tẩy, đó là phải được nghe giảng dậy và sống với lời giảng dậy. Được rửa tội hay chưa được rửa tội chỉ là phương tiện. Tuy nhiên, đối với một số người, những người giữ đạo hình thức, giả hình và bảo thủ vẫn thường dựa vào lời Thánh Marcô ghi lại để lên án những người ngoài Công Giáo, những người chưa có cơ hội chịu phép Thánh Tẩy: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu rỗi, nhưng ai không tin sẽ bị luận phạt.” (16:16) 

Trong phép rửa mà chúng ta ngày nay được rửa ghi dấu Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Ngoài ra khi dòng nước rửa tội được đổ trên trán chúng ta, hoặc khi được dìm mình dưới giếng rửa tội, chúng ta sẽ được tham dự với Đấng Cứu Chuộc quyền Rao Truyền Lời Ngài (Tiên Tri), Tham dự hoặc dâng hiến lễ là Đức Kitô trên bàn thờ thập giá (Tư Tế), và được làm Con Thiên Chúa (Vương Giả). Do ba đặc quyền này mà phép thánh tẩy chúng ta lãnh nhận không chỉ là một ơn huệ đặc biệt đến từ lòng nhân lành của Thiên Chúa, mà còn là một sứ mệnh của chúng ta được kêu gọi để tham dự khi trở thành con cái Ngài.  

Những hình thức khác nhau của Phép Rửa

Đức Kitô chịu Phép Rửa

“Chính Chúa Giêsu khẳng định Bí Tích Rửa Tội là cần thiết để được cứu độ” (GLCG 1257). Nhưng khi nói về phép Thánh Tẩy hay Bí Tích Rửa Tội, Giáo Hội đã đưa ra 3 hình thức rửa tội: Rửa tội bằng nước. Rửa tội bằng lòng mến. Và Rửa Tội bằng máu. Điều này nói lên rằng, chúng ta có thể vào Thiên Đàng bằng những con đường khác nhau. Philip Kosloski đã tóm lược và trình bày trên aleteia.org (08.01.2022), được G. Võ Tá Hoàng thuộc Giáo Phận Quy Nhơn chuyển dịch và phổ biến: [2]

1. Phép Rửa bằng nước

Rửa tội bằng nước là hình thức rửa tội “thông thường” mà tất cả mọi người Công Giáo cũng như không Công Giáo đều quen thuộc. Qua nghi thức đổ nước trên đầu hoặc dìm mình xuống giếng rửa tội nói lên rằng, “người dự tòng chết đối với tội lỗi và bước vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ nên giống Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua.”(GLCG 1239) Rửa tội bằng nước cũng là cách thức mà Chúa Giêsu trước khi bước vào sứ vụ Rao Giảng Tin Mừng đã lãnh nhận từ Gioan Tiền Hô. Ngài đã được dìm xuống dòng sông Jordan.

Trong nhiều trường hợp Phép Rửa không phải là tấm vé vào thiên đàng. Nó chỉ đặt nền tảng cho ân sủng mà tất cả các Kitô hữu có thể đón nhận hay từ chối. Nếu chúng ta chấp nhận thì Thiên Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta đi trên con đường cứu độ của Ngài, và chúng ta sẽ đạt được sự sống đời đời trên thiên đàng.

2. Phép Rửa do lòng mến

Đây là phép rửa đối với những ai thật sự muốn tìm gặp chân lý, muốn có cơ hội trở thành con cái Chúa qua phép rửa tội bằng nước, nhưng lại không có cơ hội. Ta có thể coi đây như lòng ao ước của những người có thiện tâm, sống đức độ, ăn ngay ở lành, và thành tâm được biết Tạo Hóa, Đấng ban cho mình hạnh phúc trường sinh.

Ví dụ rõ ràng nhất về hình thức rửa tội do lòng mến, tức là khi một người đang trên tiến trình nhận phép rửa nhưng không thể hoàn thành nó.“Đối với những người dự tòng chết trước khi được rửa tội, nếu họ minh nhiên ước muốn được rửa tội, đồng thời sám hối tội lỗi và sống đức mến, thì họ được bảo đảm ơn cứu độ, dù chưa thể lãnh nhận bí tích.” (GLCG 1259)

Rửa tội do lòng mến cũng bao gồm bất cứ ai có thể đã “khao khát” được rửa tội, ngay cả khi họ chưa hề biết gì về bí tích này. Theo Giáo Lý Công Giáo: “Vì Chúa Kitô đã chết cho tất cả và vì mọi người chỉ có một ơn gọi cuối cùng là kết hợp với Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh, cách nào đó chỉ có Chúa biết. Bất kỳ ai, dù không nhận biết Tin Mừng và Hội Thánh của Chúa Kitô, nhưng tìm kiếm và thực thi ý muốn của Thiên Chúa theo sự hướng dẫn của lương tâm, có thể được cứu độ. Chúng ta có thể giả thiết họ sẽ khao khát lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, nếu họ biết đến sự cần thiết của bí tích này. (GLCG 1260)

Đây là hình thức rửa tội bao quát nhất, vì nó bao gồm bất kỳ ai khao khát được rửa tội “nếu họ biết đến sự cần thiết của bí tích này”. Cuối cùng điều đó phụ thuộc vào lòng thương xót của Thiên Chúa và quyết định của Ngài về việc người đó đã đi theo con đường đã vạch ra cho mình như thế nào. Và trong thâm tâm, người đó không biết được tầm quan trọng của phép rửa.

3. Phép Rửa bằng máu

Rửa tội bằng máu, hình thức rửa tội này là rõ ràng nhất. Đối với những tâm hồn thiện chí, tuy chưa gia nhập Giáo Hội Công Giáo, nhưng sẵn lòng chết cho niềm tin của mình như những anh hùng tử đạo.

Dù không phải là một tín hữu, nhưng nếu bạn chết vì Chúa Kitô, thì điều chắc chắn đó là bạn đã “được rửa tội”. Vì:“Hội Thánh luôn xác tín rằng những người chịu chết vì đức tin mà trước đó chưa được rửa tội, thì coi như đã được thanh tẩy, vì đã chết cho Đức Kitô và với Đức Kitô.” (GLCG 1258)

Như vậy, khi nghe tin ai đó qua đời, thì dù người đó là Công Giáo hay không Công Giáo, đã rửa tội hay chưa rửa tội, có tên thánh hay không có tên thánh, chúng ta hãy phó dâng linh hồn người đó cho lòng Thương Xót Chúa. Ngài sẽ ban thưởng cũng như luận phạt họ tùy theo việc họ đã tin, đã làm, và đã sống như thế nào khi còn sống. “Vì Chúa Kitô đã chết cho tất cả và vì mọi người chỉ có một ơn gọi cuối cùng là kết hợp với Thiên Chúa.”

TS Trần Mỹ Duyệt
Lễ Chúa chịu phép rửa
12 Jan 2025

________

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.google.com/search?client=firefox-b-1-d&q=There+are+how+many+people%2C+there+are+such+ways+to+go+to+Heaven+%28Pope+Benedict+XVI%29

2. G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ từaleteia.org (08.01.2022)

Nguồn: gpquinhon.org

Bài liên quan:
  • Sổ Tay Thường Dân: Dân Đức & Quan Đức
    Tưởng Năng Tiến
  • Năm dự đoán về Trung Quốc năm 2025
    James Palmer
  • 1975 – Khi Xuân Về: Phước Long khởi đầu hoàng hôn của VNCH
    TS Nguyễn Tiến Hưng
  • Cuộc chiến ngầm trong lòng Israel
    Mairav ​​Zonszein
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 5/1/2025. Hoà Bình trong danh dự sẽ đến với Ukraine và Xung đột Trung Đông sẽ lắng dịu?
    BS Nguyễn Trọng Việt