TIN THẾ GIỚI.

Chấm dứt chiến tranh Ukraina: Tổng thống Trump dường như hết kiên nhẫn (RFI, Phân tích)

Donald Trump bị chỉ trích là nhượng bộ Nga quá nhiều để vớt vát được một thỏa thuận ngừng bắn dù chỉ tạm thời và không toàn diện cho Ukraina. Trong lúc chủ nhân điện Kremlin vừa « câu giờ » vừa sử dụng chiến thuật « được đằng chân lân đằng đầu » khi đàm phán với Mỹ về chấm dứt chiến tranh Ukraina.

Hôm 30/03/2025 tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố trên kênh truyền thông Mỹ NBC là ông rất bực mình về thái độ của Matxcơva và dọa trừng phạt dầu hỏa của Nga, cắt nguồn tài trợ chiến tranh của ông Putin. Không chắc đây là dấu hiệu « tuần trăng mật » giữa lãnh đạo Nhà Trắng với tổng thống Nga đã chấm dứt.

Ảnh minh hoạ

Hiếm khi nào trực tiếp công kích Nga và nhất là nhắm vào tổng thống Vladimir Putin, nhưng hôm qua Donald Trump dường như tỏ ra hết kiên nhẫn khi ông nói « rất phẫn nộ » với Matxcơva : vì nếu như « không đạt được thỏa thuận chấm dứt biển máu tại Ukraina thì đó là lỗi của Nga ». Trong trường hợp đó, tổng thống Hoa Kỳ sẽ « trừng phạt tất cả dầu hỏa của Nga ». Chủ nhân Nhà Trắng dự trù đánh thuế 25% và thậm chí là 50 % nhắm vào bất kỳ quốc gia nào mua dầu hỏa của Nga và cấm họ giao thương với Mỹ.

Mặt khác, tổng thống Trump chỉ trích Matxcơva đòi đặt Ukraina dưới sự quản lý của Liên Hiệp Quốc. Lãnh đạo Nhà Trắng coi điều này làm « tổn hại đến uy tín và tính chính đáng của tổng thống Zelensky » và giải thích « hoài nghi của Zelensky tức là cho rằng ông này không đủ thẩm quyền ký lệnh hưu chiến ».

Tuy nhiên, cùng lúc tổng thống Hoa Kỳ thông báo « nội trong tuần này » sẽ lại có một cuộc trao đổi trực tiếp với đồng cấp Nga. Do vậy theo giới quan sát, đây là chiến thuật để thúc ép Matxcơva nhanh chóng thực thi những gì đã cam kết với phía Washington sau các vòng đàm phán mà hai bên đã đạt được tại Ả Rập Xê Út.

Theo các nhà phân tích, thêm một bằng chứng nữa cho thấy, sự « phẫn nộ » của Donald Trump với Vladimir Putin chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, vì cũng trong cùng cuộc phỏng vấn trên đài NBC, ông Trump nói thêm là vẫn tin vào lời nói của tổng thống Nga.

Các tuyên bố nói trên cho thấy không hẳn tổng thống Mỹ thay đổi thái độ với Nga và bắt đầu bênh vực Ukraina. Donald Trump chỉ tiếp tục theo đuổi mục tiêu ông đã đề ra, mà chưa đạt được sau hơn 2 tháng ở Nhà Trắng đó là chấm dứt chiến tranh Ukraina. Hơn nữa cùng lúc tổng thống Mỹ cũng buông lời đe dọa Ukraina nếu tổng thống Zelensky không chấp thuận hiệp ước về khoáng sản với Mỹ.

Lời lẽ cứng rắn của tổng thống Trump nhắm vào đồng cấp Vladimir Putin cũng được đưa ra vào lúc trên mặt trận thương mại, Washington chuẩn bị áp dụng nguyên tắc thuế tương ứng để trừng phạt toàn thế giới và đây được coi là công cụ để Mỹ kiến tạo một trật tự mới về giao thương toàn cầu. Có điều kế hoạch này của Nhà Trắng đang gây nhiều hoang mang ngay cả trong hàng ngũ các doanh nghiệp Mỹ và với công luận nước này. 

Sau cùng tổng thống Trump đắc cử với hứa hẹn cải thiện đời sống cho người dân Hoa Kỳ và đưa đất nước trở lại với « thời kỳ vàng son ». Thực tế cho thấy là hơn hai tháng sau khi trở lại cầm quyền, chính sách thương mại và ngoại giao của Mỹ chưa mang lại bất kỳ một kết quả cụ thể nào. Lạm phát vẫn gia tăng, các đồng minh của Washington từ châu Âu đến Mêhicô hay Canada hoài nghi với nước Mỹ hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, tổng thống Donald Trump cần phô trương một vài thành tích cụ thể trên hồ sơ Ukraina dù đó không là những thắng lợi trọn vẹn như ông mong muốn.


Tổng thống Zelensky sắp tổ chức cuộc họp về việc lực lượng quốc tế bảo đảm an ninh cho Ukraina (RFI)

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, hôm 01/04/2025, thông báo Kiev sẽ tổ chức một cuộc họp quan trọng với một số quốc gia vào ngày 04/04 tới để thảo luận về việc thành lập một lực lượng quốc tế, có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho Ukraina, đối phó với mối đe dọa từ Nga.

Trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại Kiev, ông Zelensky giải thích, cuộc họp vào thứ Sáu sẽ tập hợp lãnh đạo quân đội cũng như đại diện của một số nước, những nước sẵn sàng triển khai lực lượng dưới nhiều hình thức khác nhau. Lực lượng này có thể bao gồm những binh chủng bộ binh, không quân và hải quân để tăng cường phòng thủ cho Ukraina.

Nguyên thủ Ukraina, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, mong chờ những phản hồi cụ thể hơn từ các đồng minh về việc tham gia sáng kiến do Pháp và Vương Quốc Anh khởi xướng. Sáng kiến này nằm trong khuôn khổ nỗ lực của châu Âu bảo đảm an ninh cho Ukraina, trong bối cảnh đang diễn ra những cuộc thảo luận về một lệnh ngừng bắn với Nga. Phát ngôn viên của thủ tướng Anh Keir Starmer cũng thông báo rằng các tham mưu trưởng của Anh Quốc, Pháp và Ukraina sẽ gặp nhau trong những ngày tới để tiếp tục thảo luận việc tăng cường an ninh cho Ukraina.

Trong khi đó, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hôm qua, thông báo rằng cuộc họp thứ hai giữa hai phái đoàn Nga và Mỹ đang được lên kế hoạch, với mục tiêu giải quyết nhiều bất đồng trong quan hệ song phương và khôi phục các kênh liên lạc. Cuộc họp trước đó diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Hai.

Về tình hình chiến sự, cả Ukraina lẫn Nga, hôm qua, đều thông báo với Hoa Kỳ về việc cơ sở năng lượng của mình bị đối phương tấn công. Hai bên cáo buộc nhau không tuân thủ việc ngừng tấn công các cơ sở năng lượng, mặc dù chưa có thỏa thuận chính thức nào được đúc kết cũng như các cam kết của mỗi bên vẫn chưa rõ ràng.


“Ngày Giải phóng”: Mỹ tăng thuế quan với toàn thế giới (RFI)

Ngày 02/04/2025, Mỹ chính thức phát động đại chiến thương mại, hoặc tăng thuế quan với tất cả các nước trên thế giới hoặc tăng đối ứng với từng nước. “Thời kỳ vàng son” được tổng thống Donald Trump hứa với cử tri là sẽ lấp đầy ngân khố Nhà nước và theo người phát ngôn Nhà Trắng, “chấm dứt chuyện vắt kiệt nước Mỹ”.

Cả thế giới hồi hộp vì không một thông tin nào được tiết lộ về tổng số tiền, quy mô và thời hạn áp dụng. Các đối tác “nặng ký” của Hoa Kỳ “dùi mài” biện pháp đáp trả. Còn những nước yếu thế hơn tìm cách xoa dịu tổng thống Trump. Biện pháp tăng thuế sẽ tác rất lớn đến nền kinh tế giới. Năm 2024, tổng trị giá nhập khẩu của Mỹ lên tới 3.300 tỷ đô la, cao hơn cả GDP hàng năm của Pháp.

Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

« Tổng thống Trump nói đến “Ngày giải phóng” cho đất nước của mình. Trong suy nghĩ của ông, thuế đối ứng chỉ là những biện pháp tái cân bằng quan hệ thương mại với các quốc gia mà theo ông, đã lợi dụng Hoa Kỳ trong nhiều thập niên bằng cách đối xử bất công với Mỹ.

Biện pháp được thông báo liên quan đến việc bổ sung mức thuế hải quan hoặc phi hải quan đối với hàng nhập khẩu tương đương với mức thuế mà các nước đánh vào hàng hóa Mỹ. Nhưng trên thực tế, đây thường là những mức thuế cao hơn.

Ví dụ, vài tuần trước, ông nói rằng thuế giá trị gia tăng áp dụng ở châu Âu thực chất là thuế hải quan trá hình, trong khi mức thuế TVA đó được áp dụng ở tất cả các nước châu Âu. Ông Donald Trump đã cảnh báo rằng cả thế giới sẽ phải chịu thuế mới : Châu Âu, Nhật Bản, Mêhicô, Canada, bất kể là nước đồng minh hay không.

Kể từ khi nhậm chức, ông đã dùng thuế hải quan đe dọa các nước láng giềng rồi lại hủy bỏ, tạo ra sự bất ổn không mong muốn trên thị trường tài chính, vốn đã chao đảo căng thẳng từ nhiều tuần qua.

Ông Donald Trump chưa công bố mức thuế nào sẽ áp dụng cho những sản phẩm nào. Điều bất ngờ sẽ được công bố vào lúc 16 giờ, theo giờ Washington và Nhà Trắng nêu rõ các mức thuế hải quan này sẽ được áp dụng ngay lập tức ».

Chiều tối 01/04, một ngày trước khi tổng thống Mỹ công bố các biện pháp đánh thuế mới, sàn giao dịch chứng khoán New York đóng cửa mà không có định hướng rõ ràng. Nhà phân tích Sarhan, được Reuters trích dẫn, nhận định : Nếu các biện pháp thuế mới yếu hơn dự kiến, nếu thời hạn dài hơn hoặc nều tình hình không đến mức căng thẳng như lo ngại thì thị trường có thể sẽ phục hồi. Ngược lại, nếu ông Trump quyết định hành động quyết liệt và công bố mức thuế cao hơn dự kiến, thị trường sẽ sụt giảm.

Liên Âu có “kế hoạch vững chắc” để đáp trả các đòn tăng thuế của Trump 

Hôm qua, 01/04/2025, tại Nghị Viện Châu Âu, họp ở Strasbourg, Pháp, một ngày trước thời điểm chính quyền Mỹ dự kiến đưa ra quyết định tăng mạnh thuế nhập khẩu, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định Liên Âu có “một kế hoạch vững chắc” để sẵn sàng trả đũa, nếu Washington đơn phương áp thuế. 

AFP dẫn lời chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, theo đó, Liên Âu sẽ “đoàn kết”  đối phó với các quyết định mới của chính quyền Trump. Bà Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh là chính sách đơn phương tăng thuế hải quan rộng khắp, mà tổng thống Mỹ chủ trương, chỉ gây thêm khó khăn cho “những người dân bình thường” và Liên Âu “bất đắc dĩ mới phải đưa ra các biện pháp trả đũa“.

Trả lời RFI, chuyên gia về thương mại quốc tế Vincent Vicart dự đoán, nếu chính quyền Trump áp thuế mới với các hàng hóa châu Âu, đây cũng có thể là một động lực khiến nền kinh tế châu lục trở nên gắn bó hơn hẳn :

Đây là một cơ hội để củng cố thị trường thống nhất của châu Âu, một đòi hỏi hiện nay. Đòi hỏi này vốn đã được Mario Draghi trình lên Ủy Ban Châu Âu hồi năm ngoái. Củng cố thị trường châu Âu hướng về nhu cầu nội địa hơn là hướng về xuất khẩu. Đây là một trong những bình diện căn bản của chiến lược củng cố sự tự chủ về chiến lược của châu Âu. Đây là một trong những chính sách cần thiết để đáp ứng cục diện quốc tế mới và chính sách thuế quan của tổng thống Trump”. 


Tạp chí kinh tế. Mỹ và thuế đối ứng: “Big Bang” trong thương mại toàn cầu

Ngày 02/04 được gọi là « Ngày Giải Phóng » Hoa Kỳ khỏi tình trạng hàng sản xuất ở nước ngoài tràn vào Mỹ, chấm dứt tình trạng thế giới « cướp tài sản và công việc làm của người Mỹ, hủy hoại nền công nghiệp Mỹ». Tổng thống Trump trông cậy vào chiếc đũa thần « thuế đối ứng ». Với Nhà Trắng, thuế hải quan là công cụ hiệu quả nhất để bảo đảm an ninh kinh tế cho Hoa Kỳ đang bị Châu Á và Châu Âu đe dọa.

Nhưng 24 giờ đồng hồ trước khi có hiệu lực vào ngày 02/04/2025, kế hoạch « Giải Phóng » nước Mỹ vẫn là một ẩn số. Những quốc gia nào, những mặt hàng nào trong tầm ngắm của chính quyền Trump ? Bên cạnh câu hỏi ai được ai thua trong cuộc chiến thương mại “toàn diện” này, quan trọng hơn nữa là Washington đang hình thành một trật tự mới về mậu dịch, để Hoa Kỳ chiếm lại thế thượng phong trước Châu Á và Châu Âu.

Cho đến trước ngày Hoa Kỳ công bố chiến lược thương mại « giải phóng nước Mỹ », giao dịch trên các sàn chứng khoán từ Âu sang Á và cả ở Hoa Kỳ đều trong tình trạng « tê liệt ». Cho đến phút chót, mỗi nhà lãnh đạo tại các quốc gia xuất siêu sang Hoa Kỳ vẫn kỳ vọng đạt được một thỏa thuận với Washington nhờ có « quan hệ tốt với tổng thống Trump ». Chỉ có một số rất ít như Canada hay Trung Cộng đã dứt khoát chọn giải pháp đối đầu.

Trump hay « Mr. 25 % »

Donald Trump sẽ « giải phóng nước Mỹ » như thế nào ? Từ ngày trở lại cầm quyền hôm 20/01/2025, ông chỉ sử dụng một phương pháp : uy hiếp các quốc gia giao thương với Hoa Kỳ.

Chủ nhân Nhà Trắng quan niệm những quốc gia có thặng dư mậu dịch với Mỹ là do « ăn bám » Hoa Kỳ, do « lạm dụng lòng tốt của nước Mỹ ». Danh sách này bao gồm các nước từ Liên Hiệp Châu Âu đến Nam Hàn, Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ …

Từ đầu tháng 2/2025, Mỹ đã hai lần tăng thuế nhập khẩu nhắm vào hàng Trung Cộng ( 10 rồi 20 %). Từ ngày 12/03/2025, nhôm và thép của thế giới xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã bị đánh thuế 25 %, cho dù các nhà sản xuất ở Mỹ chỉ đủ sức cung ứng 50 % nhu cầu tiêu thụ nội địa.  

Eva Morletto, thông tín viên tại Paris của tờ báo Ý Grazia, trên đài RFI nói đến hệ quả tai hại khi Mỹ tăng thuế 25 % đánh vào ngành xuất khẩu của Ý« Rượu vang của Ý cũng bị nhắm tới, 25 % xuất khẩu của Ý hướng về thị trường Mỹ. Nếu bị đánh thuế 25 %, thiệt hại đối với các nhà sản xuất của sẽ lên tới 500 triệu euro. Các mặt hàng xa xỉ cũng bị nhắm tới. Hiện tại, Roma đang cân nhắc giải pháp nào thích hợp hơn cả để đối phó với chính sách bảo hộ của Donald Trump. Nguy hiểm ở đây là thị trường bị đẩy vào cảnh bấp bênh, không biết tương lai ra sao. Các doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư ».

Ba thay đổi lớn 

Tình huống lại càng bấp bênh hơn nữa, do trên nguyên tắc, ít nhất ba thay đổi lớn đánh dấu cột mốc 02/04/2025 : Washington tăng thêm 25 % thuế nhắm vào tất cả xe hơi sản xuất ở ngoại quốc bán sang Hoa Kỳ. Xe của châu Âu, Nam Hàn và Nhật Bản, xe Mỹ sản xuất từ các nhà máy ở Mêhicô, xe Mỹ sử dụng phụ tùng nhập từ Canada là những nạn nhân hàng đầu.

Canada và Mêhicô, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ (75 % và 80 % xuất khẩu của hai quốc gia này là để phục vụ thị trường Mỹ), đang lo lắng hơn cả, vì trên nguyên tắc kể từ ngày 02/04/2025 Washington đánh thuế thêm 25 % vào hàng của hai quốc gia này xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

« Cái đinh cuối cùng đóng xuống cỗ quan tài của WTO »

Biện pháp thứ ba là Mỹ áp dụng chính sách « thuế đối ứng » mà giới trong ngành gọi là « một quả bom tấn, một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt hay cái đinh cuối cùng đóng xuống cỗ quan tài của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO ».

Nguyên tắc của loại « vũ khí hủy diệt hàng loạt » này khá đơn giản : nếu một nước như Ấn Độ áp dụng mức thuế nhập khẩu 40 % vào một mặt hàng của Mỹ, thì Washington cũng đáp trả « tương ứng » vào cùng mặt hàng này của Ấn Độ thâm nhập thị trường Hoa Kỳ. Nếu xe của Mỹ bán sang châu Âu bị đánh thuế  5 % thì không có lý do gì xe của châu Âu xuất sang Hoa Kỳ chỉ bị thuế 3,4 %.

Theo thẩm định của Phòng Thương Mại Quốc Tế International Chamber of Commerce (ICC), trụ sở tại Paris, để áp dụng chính sách « thuế đối ứng » Washington cần lập tức điều chỉnh mức thuế hải quan của « 13.000 mặt hàng trên thế giới do các nhà cung cấp từ 200 quốc gia khác nhau » bán sang Hoa Kỳ. ICC là một tổ chức quy tụ 14 triệu doanh nghiệp của 170 quốc gia.

Thuế đối ứng « giải phóng » nước Mỹ hay chỉ là « bánh vẽ » ?

Thuế “Đối Ứng” với các quốc gia đã thặng dư thương mại với Hoa Kỳ

Donald Trump quả quyết đánh thuế hàng nhập khẩu cho phép thu về « hàng chục tỷ, thậm chí là cả ngàn tỷ đô la » cho nước Mỹ. Người Mỹ đã bị « lạm dụng ». Tổng thống Mỹ dự trù, với món tiền khổng lồ đó, chính phủ sẽ giảm thuế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, tăng chi phí xã hội và quốc phòng …

Cố vấn thương mại của Nhà Trắng, Peter Navarro, chừng mực hơn khi cho rằng « dưới sự dẫn dắt sáng suốt của tổng thống » khi sử dụng các đòn thuế quan, « ngân sách Hoa Kỳ mỗi năm thu về được thêm 600 tỷ đô la. Đây là một món tiền rất lớn nếu so sánh với tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ năm 2022 là 3.200 tỷ đô la ».

Trái lại, theo một nghiên cứu của đại học Yale, với mức thuế hải quan 25 %, thu nhập của các hộ gia đình Mỹ sẽ bị sụt giảm từ 2.700 đô la đến 3.000 đô la mỗi năm. Tăng thuế 25 % đánh vào trái cây của Mehicô báng sang Hoa Kỳ thì người tiêu dùng Mỹ sẽ phải mua hoa quả với giá đắt hơn 25 %. 

Kịch bản có thể còn tệ hơn nữa nếu như các bạn hàng của Hoa Kỳ « ăn miếng trả miếng » đáp trả chính sách bảo hộ của ông Trump.

Cái giá mà các doanh nghiệp Mỹ phải trả cũng sẽ đắt không kém. Cho đến ngày 01/04/2025, Canada đã đánh thuế vào 40 tỷ đô la hàng Mỹ và dự trù tăng thuế nhập khẩu nhắm vào 280 tỷ đô la hàng Mỹ nhập vào Canada. Mêhicô trong thế yếu, vì xuất khẩu lệ thuộc đến 80 % vào Mỹ, nên đang chờ đợi để đàm phán.  

Trung Cộng đã tăng 10 và 15 % thuế nhắm vào hàng Mỹ và thậm chí là « đánh luôn cả vào nông phẩm của Hoa Kỳ », một điểm nhạy cảm về mặt chính trị đối với Donald Trump. Châu Âu đã đáp trả biện pháp của Mỹ đánh thuế nhôm thép và tiếp tục phối hợp tìm cách trả đũa cân xứng.

Nhưng các cố vấn kinh tế và thương mại của Nhà Trắng và tổng thống Hoa Kỳ xem những tác động này chỉ là tạm thời trước khi kinh tế Mỹ trở lại thời kỳ cực thịnh.

Lionel Zinsou, chủ tịch trung tâm nghiên cứu Terra Nova, trên đài truyền hình Arte, ghi nhận Bruxelles cũng có những công cụ để chống lại chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ : « Mỹ luôn nghĩ là họ bị thiệt thòi, Liên Hiệp Châu Âu gây trở ngại cho tăng trưởng và sự phát triển của Hoa Kỳ. Đúng là về hàng hóa, Mỹ bị thâm hụt mậu dịch với Châu Âu, nhưng nhìn đến các dịch vụ thì không. Liên Hiệp Châu Âu lệ thuộc vào công nghệ kỹ thuật số của Hoa Kỳ, vào các hệ thống phân phối phim của Mỹ … Nhìn chung, mậu dịch hai chiều tương đối khá cân bằng. Trong điều kiện đó, Bruxelles cũng có điều kiện để đáp trả các đòn trừng phạt của Washington. Nếu Châu Âu đáp trả bằng cách trừng phạt các tập đoàn công nghệ số thì đây sẽ là một vố đau đối với Hoa Kỳ và chính quyền Trump ý thức được điều đó ».

Bảo hộ : Trump chỉ là một sự tiếp nối 

Grégory Vanel, giáo sư kinh tế Đại Học Kinh Doanh Grenoble, nhấn mạnh về thương mại, chính sách bảo hộ của ông Trump chỉ là một sự tiếp nối từ nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ« Donald Trump phần nào là người kế thừa hai thập niên chính sách đối ngoại của Mỹ với nghi vấn về vị trí của Hoa Kỳ trên bàn cờ thương mại và kinh tế thế giới. Từ thời tổng thống Barack Obama, khi ông quyết định xoay trục sang châu Á, đến nay, chúng ta thấy rõ sự đối đầu giữa Mỹ với Trung Cộng, mà hiển nhiên hơn cả là trên hồ sơ Đài Loan. Washington và Bắc Kinh đọ sức với nhau về công nghệ bán dẫn. Cũng đã có một sự tiếp nối trong chính sách thương mại dưới thời chính quyền Biden với chính sách của ông Trump, thể hiện qua quyết tâm gạt bỏ các định chế đa quốc gia. Về mặt kỹ thuật mà nói thì coi như Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế đã bị khai tử. Với chính quyền Trump, biện pháp thế đối ứng là cái đinh cuối cùng đóng vào quan tài để chôn WTO ».

Một trật tự mới về thương mại toàn cầu

Trả lời đài RFI từ thủ đô Washington, nơi đặt trụ sở quỹ nghiên cứu German Marshall Fund of the United States, bà Alix Franguel Alves đưa ra một nhận xét khác, cho rằng chính sách thuế quan của ông Trump trước hết nhằm lấy lại vị trí trung tâm trên bàn cờ thương mại thế giới, vào lúc mà Hoa Kỳ trong thế nhập siêu kinh niên, thâm hụt mậu dịch của Mỹ năm 2024 lên tới 3.000 tỷ đô la. Trên bàn cờ thương mại toàn cầu, Mỹ chỉ còn chiếm 13 %.

« Rất rõ ràng là, đối với Donald Trump, chính sách bảo hộ America Business First hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của ông về quan hệ quốc tế. Hàng rào quan thuế là công cụ điều khiển chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với phần còn lại của thế giới, bất luận đó là đồng minh hay là các đối thủ của Mỹ. Do vậy, chiến tranh thương mại, theo ông, là một chiến lược cho phép Washington sử dụng tất cả những công cụ có sẵn trong tay để phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ và bảo đảm an toàn về kinh tế cho nước Mỹ. Hiểu theo nghĩa đó, Donald Trump đánh thuế hàng nhập khẩu vào Mỹ không chỉ nhằm thu hẹp nhập siêu hay để làm sống lại cả mảng công nghiệp của quốc gia này và đưa các nhà máy trở về nước Mỹ. Ông Trump coi đây là một công cụ, một vũ khí để tự vệ trong bối cảnh địa chính trị nhiễu nhương hiện nay. Và theo quan điểm của chủ nhân Nhà Trắng, mối đe dọa về thương mại và kinh tế lớn nhất chính là Châu Âu, là an ninh của châu lục này cũng như chiến tranh Ukraina ».  

Trước chính sách bảo hộ của Mỹ, phần còn lại của thế giới từ Âu sang Á đều đã có những bước chuẩn bị. Từ năm 2017, Liên Âu đàm phán về 8 thỏa thuận tự do mậu dịch và vừa khởi động lại đối thoại trong lĩnh vực này với Malaysia.

Trung Cộng chạy nước rút để thông qua những thỏa thuận « đối tác chưa từng có », nhất là với các nước châu Á. Vào lúc tại Washington, tổng thống Trump ồn ào đe dọa đánh thuế toàn cầu, Bắc Kinh âm thầm ký kết thêm những thỏa thuận đối tác khác, như vừa đạt được với quần đảo Cook ở mãi tận Nam Thái Bình Dương. Trung Cộng cũng vừa khởi động đàm phán với Kirghistan tại Trung Á.

Cũng chính sách bảo hộ này của Mỹ đã thúc đẩy Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Cộng xích lại gần nhau sau cuộc họp  cuối tuần qua tại Seoul, để hướng tới « đàm phán về một thỏa thuận tự do mậu dịch » giữa ba quốc gia Đông Bắc Á này.

Thế rồi, trong lúc Hoa Kỳ bắt thế giới phải chạy theo những thông báo « sốc » gần như hàng ngày của Donald Trump, Bắc Kinh đã từng bước xây dựng mạng lưới công nghiệp và công nghệ để chuẩn bị đối đầu với Mỹ. Điển hình là Trung Cộng đã hiện diện trong các lĩnh vực tưởng chừng Hoa Kỳ đang dẫn đầu, như trí tuệ nhân tạo, với sự xuất hiện bất ngờ của DeepSeek, hay Trung Cộng vừa loan báo đầu tư đến hơn 40 tỷ đô la để cũng có được bí quyết như của tập đoàn Hà Lan ASML trong lĩnh vực sản xuất máy chế tạo bọ điện tử tiên tiến nhất. 

Sau cùng, khi nước Mỹ khai thác chiến thuật « hù dọa và o ép » các đối tác bằng sức mạnh kinh tế, thì sau này khó ai có thể trách Trung Cộng cũng dùng lại lá bài này với các quốc gia trong khu vực, từ Đài Loan đến các quốc gia Đông Nam Á … 


Marine Le Pen bị tước quyền ứng cử: Phản ứng mạnh mẽ của phe cực hữu Pháp và quốc tế (RFI)

Chỉ vài giờ sau khi bị tòa tuyên án 4 năm tù và tước quyền ứng cử trong 5 năm vì tội biển thủ công quỹ, bà Marine Le Pen, nguyên chủ tịch đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc (RN), tối qua, 31/03/2025, lên án một « quyết định mang tính chính trị », đồng thời yêu cầu nhanh chóng mở phiên xử phúc thẩm trước kỳ bầu cử tổng thống 2027.

Bà Marine Le Pen, nguyên chủ tịch đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc (RN)

Bà Le Pen, 56 tuổi, bị cáo buộc “biển thủ công quỹ” vì đã dùng ngân sách Nghị Viện Châu Âu trả lương cho các trợ lý nghị sĩ châu Âu nhưng để họ làm việc cho đảng của bà. Với tội danh này, bà Le Pen đã bị tuyên án 4 năm tù (trong đó 2 năm bị giám sát bằng vòng điện tử). Nhưng quyết định tước quyền ứng cử mới thực sự là nặng nề đối với lãnh đạo cực hữu Pháp. Sau 3 lần ra tranh cử bất thành kể từ năm 2012, kỳ bầu cử tổng thống 2027 hứa hẹn nhiều cơ hội chiến thắng cho Marine Le Pen, vì trong các kỳ bầu cử gần đây, đảng RN của bà ngày càng thu hút đông đảo cử tri. Đặc biệt trong cuộc bầu cử Quốc Hội gần đây, RN đã đạt được một bước tiến lớn, giành được 123 ghế, trở thành đảng đứng hạng đầu tại Hạ Viện Pháp. 

Khi tuyên án hôm qua, chủ tọa phiên tòa đã nhấn mạnh cần « đảm bảo các quan chức dân cử, cũng như mọi công dân, không được hưởng đặc quyền trước pháp luật ». Tòa nhấn mạnh đến « mức độ nghiêm trọng của sự việc », « tính chất có hệ thống », « thời gian kéo dài », « số tiền bị biển thủ », cũng như « địa vị  » của những người bị kết án.

Tuy nhiên, quyết định của tòa đã gây chấn động chính trường Pháp. Trên kênh truyền hình tư nhân TF1 tối qua, bà Marine Le Pen tuyên bố « tôi sẽ không để mình bị loại bỏ như thế này. Tôi sẽ theo đuổi tất cả các thủ tục kháng án có thể. Có một con đường nhỏ. Chắc chắn là hẹp, nhưng vẫn có ». Chủ tịch đương nhiệm của đảng RN, Jordan Bardella, lên án phán quyết đối với Marine Le Pen, kêu gọi « biểu tình ôn hòa » và chỉ trích các thẩm phán.

Dù thận trọng bình luận về các quyết định của tư pháp, thủ tướng Pháp François Bayrou cũng bày tỏ sự bối rối trước bản án. Ông thừa nhận : « Việc Marine Le Pen không thể tranh cử có nguy cơ sẽ gây chấn động trong dư luận ». 

Về phản ứng của quốc tế, nhiều nhân vật theo xu hướng cực hữu như thủ tướng Hungary Viktor Orban, lãnh đạo đảng cực hữu Geert Wilders của Hà Lan, Matteo Salvini của Ý, hay tổng thống Mỹ Donald Trump, tỷ phú Elon Musk, và cựu tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đều lên án quyết định này là « vi phạm dân chủ », hoặc « lạm dụng hệ thống tư pháp ».

Trong trường hợp bà Le Pen không thể ứng cử tổng thống, Jordan Bardella, được đánh giá có sức hút còn cao hơn Le Pen, có thể trở thành ứng viên sáng giá cho RN trong tương lai. Một số cử tri và đối thủ chính trị lo ngại quyết định của tòa án có thể phản tác dụng, giúp đảng cực hữu thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri Pháp.


Thổ Nhĩ Kỳ: Biểu tình lớn đòi tự do cho thị trưởng Istanbul, thắng lợi vẻ vang của đảng đối lập CHP (RFI)

Theo ước tính của lãnh đạo đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ mang tên Đảng Cộng Hòa Nhân Dân – CHP, hơn 2 triệu người hưởng ứng lời kêu gọi xuống đường tuần hành vào chiều qua 29/03/2025, tại Istanbul, để đòi tự do cho thị trưởng thành phố Ekrem Imamoglu.

Ekrem Imamoglu là đối thủ chính trị nặng ký nhất của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông đã bị bắt giữ từ hôm 19/03/2025 vào lúc chuẩn bị được đảng CHP chính thức chỉ định ra tranh cử tổng thống năm 2028. Các cuộc biểu tình tại Istanbul liên tục diễn ra từ hơn chục ngày qua. Đảng CHP chủ yếu huy động giới trẻ đòi bầu cử trước thời hạn và « công lý » cho Ekrem Imamoglu. Lãnh đạo đảng CHP Özgür Özel đang nổi lên như một gương mặt mới đối lập với chính quyền Ankara.

Thông tín viên Anne Andlauer từ Istanbul tường trình :

« Có phải là đã có hai triệu người biểu tình như đảng CHP loan báo hay không ? Chỉ riêng hình ảnh quảng trưởng rộng lớn tràn ngập biển người biểu tình với lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ và chân dung ông Ekrem Imamoglu đã là một thắng lợi của phe đối lập, và nhất là đối với đảng của thị trưởng Istanbul vừa bị bắt giam.

Từ nhiều năm qua, CHP bị mang tiếng là một đảng phái chính trị hơi xa rời với các hoạt động công cộng, và không dám tổ chức các cuộc xuống đường mà chỉ thu hẹp tiếng nói trong khuôn viên của Nghị Viện. Nhưng với phong trào đấu tranh chung quanh gương mặt của ông Ekrem Imamoglu, một số nhà bình luận tại đây cho rằng đảng CHP, nhất là qua việc huy động giới thanh niên và sinh viên, đã trở lại tâm điểm của đời sống chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Chữ Nhân Dân, như tên gọi của đảng CHP –  Đảng Cộng Hòa Nhân Dân, đã hoàn toàn tìm lại được đúng ý nghĩa của nó. Một trong những mục tiêu chính của đảng này là chiếm đóng các quảng trưởng. Lãnh đạo CHP, Özgür Özel, là một chính khách đang lên với các cuộc xuống đường gần đây. Ông kêu gọi tập hợp, biểu tình vào mỗi chiều ngày Thứ Tư hàng tuần ở Istanbul và vào hai ngày nghỉ cuối tuần ở một địa điểm khác.

Đảng này thu thập chữ ký về một bản kiến nghị đòi chính quyền Ankara trả tự do cho thị trưởng của Istanbul và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Nhiều khả năng là còn lâu những đòi hỏi này mới được thỏa mãn. Có điều chắc chắn là tổng thống Recep Tayyip Erdogan không hài lòng với những hình ảnh cuộc xuống đường hôm qua ».


Mỹ thị uy sức mạnh ở Trung Đông, điều thêm hàng không mẫu hạm, máy bay quân sự

Ngũ giác đài thông báo, Mỹ sẽ triển khai thêm một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới Trung Đông, trong khi nhóm hàng không mẫu hạm USS Nimitz sẽ tới Tây Thái Bình Dương.

Theo tuyên bố hôm 1/4 của ông Parnell, Phát ngôn viên Ngũ giác đài, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson mang theo các tiêm kích tàng hình F-35C cũng sẽ tới khu vực phụ trách của CENTCOM để tiếp tục thúc đẩy sự ổn định của khu vực, ngăn chặn hành động khiêu khích, bảo vệ dòng chảy thương mại tự do tại đây”. Nhóm chiến hạm này sẽ tới Trung Đông sau khi hoàn thành cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

HKMH USS Carl Vinson ghé cảng Busan, 3-2025

Business Insider đưa tin, trong những tuần gần đây, quân đội Mỹ đã đẩy mạnh chiến dịch chống nhóm vũ trang Houthi tại Yemen, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ đạo các lực lượng vũ trang không kích các mục tiêu thuộc tổ chức này cho tới khi Houthi dừng tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ. Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman đang tham gia sứ mệnh này. 

Hiện không rõ 2 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm trên hoạt động bao lâu ở Trung Đông, nhưng đây được coi là động thái phô trương sức mạnh quy mô lớn của Mỹ. Vào mùa hè năm 2024, Hải quân Mỹ từng duy trì 2 hàng không mẫu hạm ở Trung Đông, giữa lúc Houthi liên tiếp phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tấn công các tàu ở Biển Đỏ và vịnh Aden. 

Thông tin Mỹ điều thêm hàng không mẫu hạm tới Trung Đông được công bố giữa lúc gia tăng căng thẳng giữa chính quyền Trump với Iran và nhóm Houthi được Tehran hậu thuẫn. 

Cũng theo ông Parnell, Bộ trưởng Hegseth còn ra lệnh điều thêm máy bay quân sự, gồm cả máy bay tấn công A-10 và oanh tạc cơ tàng hình B-2, tới Trung Đông. Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sắp tới Trung Đông cũng sẽ mang theo số lượng chiến đấu cơ đáng kể. 

“Bộ trưởng Hegseth muốn tuyên bố rõ rằng, nếu Iran và các lực lượng ủy nhiệm đe dọa nhân viên và lợi ích của Mỹ trong khu vực, Mỹ sẽ có hành động quyết đoán để bảo vệ nhân sự”, ông Parnell nhấn mạnh. 

Trước đó, hôm 31/3, Tổng thống Trump cho hay, các cuộc không kích nhằm vào Houthi sẽ tiếp diễn nếu nhóm này không dừng tấn công các tàu của Mỹ. Ông cũng cảnh báo “nỗi đau thực sự vẫn chưa tới” với Houthi và Iran. 


Số người thiệt mạng vì động đất ở Myanmar tăng lên hơn 2.800

Myanmar ghi nhận ít nhất 2.886 người thiệt mạng và hàng trăm người mất tích vì trận động đất 7,7 độ hôm 28/3.

Chiều 2/4, đài truyền hình nhà nước Myanmar MRTV cập nhật thống kê thương vong trong động đất là 2.886 người thiệt mạng, 4.639 người bị thương và 373 người mất tích.

Số người chết có thể tăng lên. Liên Hợp Quốc cho biết có hơn 28 triệu người ở 6 khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Hơn 1.000 nhân viên cứu hộ cứu nạn từ các nước đã đến để hỗ trợ Myanmar. Theo truyền thông địa phương, khoảng 650 người đã được cứu ra khỏi những tòa nhà đổ nát trên khắp cả nước. Các nỗ lực viện trợ quốc tế đang được thực hiện gấp rút để hỗ trợ người dân Myanmar, trong đó có khoản quyên góp 100 triệu USD.

Khủng hoảng chồng khủng hoảng ở Myanmar. Các đội tìm kiếm cứu nạn đang nỗ lực cứu sống những người còn mắc kẹt, trong khi bệnh viện quá tải. Những tổn hại về thể chất và tinh thần từ thảm họa này sẽ kéo dài hàng thập kỷ“, Arif Noor, giám đốc tổ chức nhân đạo Care của Myanmar, cho hay.

Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cho biết các vùng nông thôn của khu vực Sagaing, nơi bị ảnh hưởng nặng nề, chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm phiến quân chống chính quyền. ICG đánh giá đây là “một trong những thách thức lớn nhất đối với các cơ quan cứu trợ”.

Động đất xảy ra ở miền trung Myanmar ngày 28/3, với tâm chấn gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai của nước này. Tại nước láng giềng Thái Lan, 22 người đã thiệt mạng và hơn 70 người vẫn mắc kẹt trong những đống đổ nát.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth đến Nhật Bản, nhấn mạnh liên minh Mỹ-Nhật

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã tham dự Lễ tưởng niệm Iwo Jima hôm thứ Bảy (29/3) để tưởng nhớ những người lính đã hy sinh trong trận chiến then chốt này của Thế chiến thứ hai. Ông ca ngợi mối quan hệ hữu nghị và sự tin cậy giữa Mỹ và Nhật Bản, đồng thời cam kết củng cố liên minh giữa hai nước.

Theo AP, Nhật Bản là điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du châu Á đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth kể từ khi nhậm chức.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Cộng, ĐCSTQ) ngày càng có những hành động hung hăng ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Trước đó một ngày, ông Hegseth đã đến thăm Philippines, ông cam kết rằng Mỹ sẽ tăng cường liên minh quân sự với Philippines nhằm “tái thiết lập năng lực răn đe” và chống lại các hành vi gây hấn của ĐCSTQ ở khu vực, qua đó duy trì hòa bình và ổn định.

Chuyến đi lần này của chúng tôi là nhằm tăng cường quan hệ đối tác với Philippines và chúng tôi cũng sẽ tăng cường hợp tác với Nhật Bản theo cách tương tự,” ông nói. Mỹ, Nhật Bản và Philippines mới đây đã tổ chức cuộc tập trận hàng hải chung lần thứ tám ở Biển Đông.

Lễ tưởng niệm trận Iwo Jima

Bức ảnh cho thấy hình ảnh quân đội Mỹ dựng cờ Mỹ trên núi Suribachi ở Iwo Jima trong Trận Iwo Jima vào ngày 23/2/1945. Bức ảnh này do một nhiếp ảnh gia quân đội Mỹ chụp đã được lan truyền rộng rãi. (Nguồn: Miền công cộng)

Vào thứ Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã đến đảo Iwo Jima, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani Gen, Thủ tướng Ishiba Shigeru và các quan chức khác tham dự lễ tưởng niệm “Cuộc hội ngộ vinh dự” (Reunion of Honor). 

Trận chiến Iwo Jima là một trong những trận đánh ác liệt nhất giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản trong Thế chiến II. Một số cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Iwo Jima cùng với thân nhân của những binh sĩ Nhật Bản đã hy sinh cũng có mặt tại buổi lễ tưởng niệm.

“Đảo Iwo Jima thể hiện tinh thần chiến binh chung của chúng ta, sự cống hiến cho quốc gia và sứ mệnh, cũng như lòng tôn kính đối với những bậc tiền bối anh dũng,” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu trước bia tưởng niệm chung Mỹ – Nhật đầu tiên, được dựng lên vào năm 1985, nhằm tưởng nhớ những binh sĩ hai nước đã hy sinh trong trận chiến Iwo Jima.

“Liên minh Mỹ – Nhật cho thấy kẻ thù của ngày hôm qua đã trở thành bạn bè của ngày hôm nay như thế nào”. Ông Pete Hegseth nhấn mạnh: “Liên minh của chúng ta luôn là nền tảng cho tự do, thịnh vượng, an ninh và hòa bình ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai.”

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết: “Chúng ta tuyệt đối không được quên rằng hòa bình và thịnh vượng mà chúng ta đang hưởng ngày hôm nay được xây dựng trên sự hy sinh của những anh hùng ngã xuống trong chiến tranh, cũng như những nỗ lực không ngừng của người dân suốt 80 năm qua sau chiến tranh.” Ông cũng trở thành Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm đầu tiên tham dự lễ tưởng niệm chung trên đảo Iwo Jima.

Trong bối cảnh mối đe dọa từ Trung Cộng, Triều Tiên và Nga ngày càng gia tăng, Nhật Bản đang đẩy nhanh việc mở rộng quân sự và tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn với quân đội Mỹ.

Vào Chủ Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani Gen tại Tokyo, nhằm thảo luận về việc củng cố hơn nữa liên minh song phương.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, người dân Nhật Bản có thiện cảm với Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào khác.


Trung Cộng bất ngờ tập trận mô phỏng tấn công các cơ sở hạ tầng chiến lược của Đài Loan (RFI)

Tiếp theo cuộc tập trận phong tỏa đảo Đài Loan hôm qua, quân đội Trung Cộng bất ngờ tổ chức cuộc tập trận  mới, hôm nay 02/04/2025. Ngoài các hoạt động bao vây đảo, Trung Cộng còn tập trận bắn đạn thật với mục tiêu giả định là « các cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược » của Đài Loan.

Ảnh minh hoạ

Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết, trong vòng 24 giờ qua, xác định được 76 phi cơ và 15 tàu chiến của Trung Cộng hiện diện xung quanh đảo. Tính từ ngày hôm qua đến nay, số lượng chiến hạm tham gia diễn tập sát Đài Loan trong một ngày là cao nhất từ gần một năm nay.  Theo AFP, cuộc tập trận mang mã số “Sấm sét trên eo biển 2025A” đã không được thông báo trước.

AFP dẫn lời phát ngôn viên của Chiến khu Đông Bộ của quân đội Trung Cộng, theo đó tập trận bao gồm « các bài tập bắn đạn thật tầm xa » và mô phỏng các cuộc oanh kích nhắm vào các bến cảng và « các cơ sở năng lượng chiến lược ». Cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Cộng. Bộ tư lệnh Chiến khu Đông Bộ hôm nay công bố trên mạng Weibo hình ảnh cho thấy « các cuộc oanh kích làm tê liệt » Đài Loan, với các tên lửa bắn về phía hòn đảo.

Về mục tiêu của cuộc tập trận bất ngờ nói trên, trang mạng Đài Loan Focus Taiwan dẫn ý kiến của ông Lâm Dĩnh Hữu (Kin Ying-yu), giảng viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế của Đại học Tamkang (Đài Loan), cho rằng Bắc Kinh muốn trắc nghiệm phản ứng của phía Mỹ trước cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra sắp tới giữa hai lãnh đạo Mỹ, Trung. 

Theo ông Tô Tử Vân, giám đốc bộ phận Chiến lược và Các nguồn lực Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia, được quân đội Đài Loan tài trợ, các cuộc tập trận này nhằm bày tỏ thái độ bất bình với Washington, sau khi báo Mỹ The Washington Post, hôm 29/03, công bố nội dung một bản hướng dẫn nội bộ do bộ trưởng Quốc Phòng Pete Hegseth ký, theo đó, quân đội Mỹ sẽ có các hành động để răn đe ý định xâm chiếm Đài Loan của Trung Cộng. Nội dung nói trên được công bố đúng vào thời điểm lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ lần đầu tiên công du châu Á.


TIN VIỆT NAM.

Tổng Bí thư Tô Lâm phá bỏ thành trì cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản?

Khi đã chấp nhận kinh tế thị trường năm 1986, ĐCSVN đã phải thừa nhận chủ nghĩa cộng sản là không tưởng. Nhưng suốt gần 40 năm qua chưa có vị tổng bí thư nào của ĐCSVN dám đưa kinh tế tư nhân lên vị trí chủ đạo của nền kinh tế.

Cho đến khi ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư.

Bài viết của vị đương kim Tổng Bí thư hôm 17 tháng Ba về vai trò của kinh tế tư nhân được PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân, viết trên trang mạng Facebook cá nhân, cho là đúng đắn, và bộc lộ “những tư tưởng trụ cột của chủ nghĩa tư bản”.

Trong bài viết có tựa đề ‘Phát triển kinh tế tư nhân-đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng’, ông Tô Lâm đã thể hiện tư tưởng ủng hộ kinh tế tư nhân mạnh mẽ.

Ông còn thừa nhận rằng “kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh”, “gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính.”

Không dừng lại ở việc khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với đất nước, ông Tô Lâm còn chỉ trích các doanh nghiệp nhà nước dù được “nắm giữ nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại chưa khai thác hiệu quả, thậm chí còn để lãng phí.”

Đó là thực tế ai cũng thấy, nhiều chuyên gia đã nói, nhưng ông Tô Lâm là tổng bí thư đầu tiên thừa nhận thẳng thắn thực tế đó.

Tư tưởng ủng hộ kinh tế tư nhân của ông Tô Lâm đối lập hoàn toàn với quan điểm giáo điều của người tiền nhiệm.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành, nguyên thành viên tổ tư vấn tài chính của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ghi nhận trên trang Facebook cá nhân rằng “doanh nghiệp Việt Nam, sau thời kỳ gần một thập kỷ bị GS. TS. Nguyễn Phú Trọng đánh cho tả tơi,” đang thoi thóp rón rén hồi phục dưới kỷ nguyên mới của Đại tướng Tô Lâm.

Năm 2017, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đưa ra “Nghị quyết trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, khẳng định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo,” “doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.”

Trong toàn bộ bài viết dài hơn 400 chữ, ông Tô Lâm chỉ nhắc đến thuật ngữ ‘kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa’ đúng một lần.

Điều đáng nói là ông Trọng kiên định với doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh trước đó ông đã phải “xử lý 12 đại dự án thua lỗ” của các công ty quốc doanh này. Không chỉ ông Trọng mà các tổng bí thư trước đó cũng có tư tưởng giáo điều tương tự. (RFA)


Ủy viên Bộ Chính trị gặp mặt trí thức ‘bất đồng chính kiến’

Hôm 30 tháng 3, Bí thư Thành ủy TP. Saigon, Nguyễn Văn Nên đã có cuộc gặp với giới trí thức và nghệ sĩ ở Sài Gòn, được biết, sự kiện diễn ra trong khuôn khổ dịp kỉ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Điều đáng chú ý là trong số những người được mời tham dự bao gồm cả những tri thức ‘phản tỉnh’, những người đã từng là đảng viên đảng Cộng sản nhưng sau đó rời bỏ hàng ngũ, và trở thành những tiếng nói phản biện hiếm hoi đối với các chính sách của nhà nước.

Những gương mặt trí thức tiêu biểu được mời có thể kể đến Giáo sư Mạc Văn Trang, người tuyên bố ra khỏi Đảng vào năm 2018 để phản đối quyết định khai trừ Đảng đối với Giáo sư Chu Hảo. Nghệ sĩ Kim Chi, người cũng đơn phương tuyên bố bỏ Đảng vào năm 2018. Nhà thơ Đỗ Trung Quân, một tiếng nói phản biện nổi tiếng trên mạng xã hội. Và nhà thơ Hoàng Thụy Hưng, thành viên của Văn Việt, một tổ chức xã hội dân sự độc lập bị nhà nước nghi kị.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một ủy viên Bộ Chính trị tiếp xúc với những trí thức bất đồng với quan điểm của đảng Cộng sản.

Trao đổi với RFA, nhà thơ Hoàng Thụy Hưng tiết lộ chính ông Nguyễn Văn Nên đã chủ động tìm cách tiếp cận các trí thức, và nỗ lực này đã diễn ra được vài tháng trước khi cuộc gặp hôm 30 tháng 3 xảy ra:

“Cách đây mấy tháng thì bắt đầu có chuyện ông Nên nhờ mời một số tri thức mà lâu nay họ chưa được nghe ý kiến, trong đó có những người mang là hay phản biện.” Ông cho biết.

Tổ chức đứng ra dàn xếp cuộc gặp này là Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, và theo nhà thơ Hoàng Thụy Hưng, có khả năng tổ chức này được điều hành bởi cơ quan an ninh.

Được biết ông Nguyễn Văn Nên đã đề nghị các trí thứ góp ý về hai vấn đề, gồm làm sao để thu hút nhân tài cho Tp. Saigon, và việc thực hiện “tự chủ đại học”.

Đối với các vấn đề này, nhà thơ Hoàng Thụy Hưng cho biết ông đã trực tiếp phê bình chính sách của nhà nước tại cuộc gặp, đặc biệt là cách nhìn nhận những tiếng nói phản biện:“Đường lối đối với trí thức văn nghệ sĩ chưa ổn, chưa tạo được niềm tin, nhất là với những người phản biện vì yêu nước, không phải chống đối! Nhấn mạnh TRÍ THỨC PHẢI ĐỘC LẬP mới đóng góp được cho đất nước!” Ông viết trên Facebook cá nhân ngay sau cuộc gặp.

Cũng theo nhà thơ, lần cuối cùng đảng Cộng sản chịu đối thoại với giới văn nghệ sĩ là ngay sau khi Đổi Mới diễn ra vào năm 1986. Nhưng chính sách này sau đó cũng nhanh chóng kết thúc, và Đảng quay trở lại với chính sách nghi kị, thậm chí đàn áp những tiếng nói phản biện.

Cho đến gần đây khi ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư mới xuất hiện trở lại các tín hiệu cởi mở hơn.

“Gần đây sau khi ông Tô lâm lên thì tôi thấy bắt đầu có vẻ như lại có sự đảo chiều, tức là muốn lắng nghe những tiếng nói phản biện. Đây có lẽ là lần đầu tiên các tiến nói phản biện được mời để trực tiếp gặp gỡ những người lãnh đạo cao cấp trong Đảng”.

Kể từ khi lên nắm quyền ông Tô Lâm đã liên tục kêu gọi phải tháo gỡ các “điểm nghẽn thể chế”.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận liệu đây có phải là sự thay đổi về mặt chính sách, cũng như tác động của nó tới đâu.

Chúng ta chưa vội vã để kết luận là nó đã đạt được mức gì đáng mừng chưa. Bởi vì đây vẫn chỉ là những tín hiệu bước đầu. Nhưng dù sao đây cũng cho thấy triển vọng người lãnh đạo mới của đảng Cộng sản sẽ có cách nhìn nhận, và xử lý đúng các vấn đề của đất nước.” Ông kết luận.

Sự dè dặt trên là có cơ sở, bởi cùng lúc Bí thư Nguyễn Văn Nên tiếp xúc với một vài trí thức độc lập và bày tỏ sự thiện chí, nhà nước lại có động thái kém thiện chí với hai vị trí thức nổi tiếng với những chỉ trích nhắm đến đảng Cộng sản khác gồm Tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhà thơ Thái Bá Tân.


Nguy cơ phá sản hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam

Việt Nam có thể phải đối mặt với làn sóng phá sản của các nhà sản xuất điện gió và điện mặt trời nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục triển khai kế hoạch điều chỉnh giá điện tái tạo, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong lá thư gửi Quốc hội vào ngày 24/3, theo Bloomberg.

Trong dự thảo mới nhất về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng xuống còn 2 tháng, khi chi phí sản xuất điện biến động từ 2% trở lên, thay vì 3% như quy định hiện tại.

Trước đó, Công ty Mua bán Điện (EPTC) thuộc EVN đã tổ chức cuộc gặp với 80 doanh nghiệp là nhà đầu tư của các dự án điện gió và điện mặt trời, sau khi nhóm này gửi đơn kiến nghị khẩn cấp tới Chính phủ về việc bị hồi tố giá điện, không được hưởng mức giá ưu đãi (FIT (HM:FIT)). Trong buổi đối thoại, EVN-EPTC đề xuất tạm thời áp dụng giá điện theo Quyết định FIT2 (7,09 US cent/kWh) đối với các dự án có ngày nghiệm thu sau khi Quyết định FIT1 (9,35 US cent/kWh) hết hiệu lực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng đề xuất này vi phạm hợp đồng mua bán điện (PPA), vì việc không có chứng nhận nghiệm thu hoàn thành (CCA) không phải là lỗi của doanh nghiệp. (Investing.com)


Cựu tù nhân chính trị tố bị công an lắp camera giám sát trong nhà

Việc cưỡng bức lắp đặt camera tại nhà riêng của cựu tù nhân chính trị chưa từng xảy ra trước đó.

Ông Vũ Quang Thuận, một cựu tù nhân chính trị, cho RFA biết trong nhà của ông bị gắn camera giám sát mà không được sự đồng ý của ông.

Là thành viên chủ chốt của Phong trào Chấn hưng Nước Việt, một tổ chức cổ xúy dân chủ, nên ông Thuận bị bắt vào tháng 3 năm 2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, ông sau đó bị kết án tám năm tù giam và năm năm quản chế vào đầu năm 2018.

Ông Vũ Quang Thuận

Hôm 22 tháng 2 năm 2025, ông được trả tự do trước thời hạn tám ngày.

Ông Thuận cho biết gần đây đã phải nhập viện để điều trị các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, và trong lúc ông tập trung trị bệnh, công an địa phương đã tới nhà ông để gắn camera giám sát.

Trong lúc tôi đang hôn mê, bất tỉnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình thì họ cưỡng bức bố mẹ tôi để họ lắp camera. Bố của tôi bị liệt không cử động được, còn mẹ kế của tôi phản đối nhưng họ vẫn bất chấp.” Ông Thuận nói.

Ông cho biết công an gắn hai chiếc camera tại nhà của ông, và hai thiết bị này đã hoạt động được một tuần qua.

“Họ gắn hai cái camera rất to, một cái ở ngoài sân và một cái ở phòng khách của gia đình tôi, tôi cảm thấy rất bất bình về vấn đề này, không luật pháp nào cho phép vi phạm nhân quyền như thế này.” Ông Thuận nói thêm.

Hai chiếc camera, một được gắn ở trên mái hiên ngay cửa ra vào giúp quan sát bất cứ ai tới và đi, chiếc còn lại được gắn ở trong phòng khách cho phép theo dõi mọi hoạt động ở bên trong nhà.

Hiện ông Thuận đang chấp hành lệnh quản chế ở xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nơi ông sống sống cùng người bố 95 tuổi, và người mẹ kế 80 tuổi.

Ông cũng cho biết việc lắp đặt camera giám sát là một bước leo thang của công an địa phương trong việc xâm phạm đời tư của ông, trước đó, công an cũng đã tổ chức khám nhà mà không hề có lệnh.

“Sau khi tôi ra tù được khoảng 10 ngày, ông Trưởng Công an Xã gọi tôi ra để tâm sự, nhưng khi tôi tới nơi thì bị gần chục người công an giữ lại, rồi họ cho người về khám nhà tôi mà không hề có lệnh.” Ông Thuận cho biết.

Trước những hành xử của công an và chính quyền địa phương, ông Thuận cho biết cảm thấy như đang phải đối diện với “xã hội đen” chứ không phải cơ quan thực thi pháp luật.

Các cựu tù nhân chính trị sau khi ra tù thường sẽ chịu quản chế của chính quyền địa phương, và mỗi tháng cần trình diện tại trụ sở công an một lần. Việc cưỡng bức lắp đặt camera tại nhà riêng của cựu tù nhân chính trị chưa từng xảy ra trước đó, theo ghi nhận của RFA.

RFA không có điều kiện để xác minh sự việc với chính quyền địa phương về những cáo buộc mà ông Vũ Quang Thuận đưa ra.


CSVN giam giữ 81 tù nhân tôn giáo

Ngoài bắt giam, chính quyền còn bị cáo buộc thực hiện tra tấn, ép bỏ đạo, và sách nhiễu những tín đồ của các tôn giáo không được nhà nước công nhận.

Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế, cơ quan thuộc chính quyền liên bang Hoa Kỳ, hôm 25 tháng 3 đã công bố phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Đây là cơ quan có chức năng theo dõi và đánh giá độc lập những quan ngại về quyền tự do tôn giáo trên thế giới, và tư vấn chính sách cho chính quyền Mỹ trong lĩnh vực ngoại giao, đặc biệt là với những nước nơi tình hình tự do tôn giáo được cho là có vấn đề.

Tự do tôn giáo cũng là vấn đề được chính quyền của Tổng thống Donald Trump coi trọng. Phó Tổng thống JD. Vance đã có phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế diễn ra ở thủ đô Washington hồi tháng 2 năm 2025.

Trong bản báo cáo thường niên năm nay, Việt Nam được xếp vào nhóm được cần được quan tâm đặc biệt.

Những quan ngại liên quan đến tự do tôn giáo ở Việt Nam được nêu gồm kiểm soát hoạt động của các tôn giáo bằng luật pháp, đàn áp những nhóm tôn giáo thiểu số, và sử dụng những tổ chức tôn giáo quốc doanh để độc quyền quản lý tín đồ.

Báo cáo còn nêu bật nhiều trường hợp được cho là nạn nhân của chính sách đàn áp tôn giáo, gồm ông Lê Tùng Vân của Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ, hai nhà hoạt động người Khmer Krom gồm Thạch Cương và Tô Hoàng Chương, tín đồ đạo Tin Lành Nay Y Blang, và nhiều cá nhân khác.

Những người này đều đang bị giam giữ vì các bản án khác nhau, nhưng theo Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế, họ đều bị nhắm tới do niềm tin tôn giáo. Tổ chức này cho biết, có tổng cộng 81 người hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam vì lý do tôn giáo.

Nhà nước Việt Nam vẫn nhất quán bác bỏ các cáo buộc về sự tồn tại của tù nhân tôn giáo.

Ngoài bắt giam, chính quyền Việt Nam còn bị cáo buộc đã thực hiện tra tấn, ép bỏ đạo, và sách nhiễu những tín đồ của các tôn giáo không được nhà nước công nhận.

Với việc cho Việt Nam vào nhóm cần được quan tâm đặc biệt, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế đã đưa ra hàng loạt đề nghị đến chính quyền Mỹ, trong vấn đề bang giao với quốc gia Đông Nam Á.

Các đề nghị bao gồm không công nhận tư cách nền kinh tế thị trường của Việt Nam nếu không có những cải thiện về tình hình tự do tôn giáo, vận động chính phủ Việt Nam sửa Luật Tín ngưỡng, Tô giáo có hiệu lực năm 2018, và đề nghị chính phủ Mỹ ra luật để ép chính phủ Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền.

Phía chính quyền Việt Nam vẫn chưa có phản ứng chính thức nào đối với báo cáo của Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 24-25-26/3/2025.
  • Phái đoàn Ukraina và Mỹ họp tại Ả Rập Xê Út trước cuộc đàm phán với Nga
  • Chiến tranh Ukraina: Đàm phán Mỹ-Nga về ngừng bắn có thể kéo dài
  • Kyiv bất ngờ có bước tiến với chiến dịch ở Luhansk
  • Mỹ công bố thỏa thuận ngừng bắn trên biển giữa Nga và Ukraine
  • Israel đẩy mạnh chiến dịch trên bộ ở Gaza
  • Tình báo Mỹ: Trung Cộng là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Hoa Kỳ
  • Xung đột Nga - Ukraine: Giám đốc CIA nói quân đội Ukraine sẵn sàng chiến đấu bằng tay không nếu cần
  • Trung Cộng tích cực "mua chuộc" người dân Đài Loan làm gián điệp
  • Tòa án Hiến pháp Nam Hàn trì hoãn phán quyết luận tội Tổng thống Yoon
  • Mỹ thử nghiệm thành công hoả tiễn tầm xa thiết kế riêng cho mặt trận Thái Bình Dương
  • Gaza: Đảng Fatah kêu gọi Hamas từ bỏ quyền lực vì “tồn vong của người Palestine”
  • CsVN loan báo sẽ sửa Hiến Pháp
  • CsVN loan báo sắp xếp lại 62 đơn vị hành chính cấp Tỉnh, Thành phố
  • Hà Nội 'di chuyển' hàng chục cây xanh ven Hồ Gươm, nhiều người phản đối
  • Thành viên thứ hai của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên bị bắt tạm giam
  • Dân số giảm, csVN khuyến khích sinh thêm con
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 17-18-19/3/2025.
  • Điện đàm Trump - Putin: Nga từ chối đề xuất ngừng bắn toàn diện 30 ngày với Ukraina
  • Pháp, Đức yêu cầu Ukraina phải được tham gia đàm phán về ngừng bắn
  • Các nước lên tiếng về thỏa thuận ngừng bắn hạn chế ở Ukraine
  • TT Trump điện đàm với TT Zelensky
  • Truyền thông Nga loan báo những điểm chính trong cuộc điện đàm Trump-Putin
  • Quân nổi dậy Houthi tấn công tàu sân bay Mỹ để trả đũa vụ oanh kích thủ đô Yemen
  • Israel oanh kích trở lại vào Gaza làm hơn 900 người chết
  • Các phi hành gia đã hạ cánh an toàn trong khoang tàu SpaceX sau 9 tháng trên ISS
  • Tổng thống Macron thông báo đầu tư tăng cường năng lực răn đe Nguyên tử của Pháp
  • Nguy cơ Mỹ áp thêm thuế lên hàng hóa Việt Nam để giảm thâm hụt thương mại
  • Phương án 34 tỉnh được lan truyền trên mạng trông thế nào?
  • Đài truyền hình Huế xin lỗi vì phát chương trình có cờ Việt Nam Cộng Hòa
  • Bộ Công an tổ chức sự kiện tôn vinh bố của ông Tô Lâm
  • Mỹ công bố kết quả điều tra sơ bộ về chống trợ cấp đối với sản phẩm sợi đúc nhiệt từ Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 10-11-12/3/2025
  • Ukraine sẵn sàng ngừng bắn, áp lực lên vai Putin
  • Lãnh đạo quân đội 30 nước họp tại Paris bàn về "bảo đảm an ninh" cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Nga vẫn muốn duy trì lợi thế quân sự, chưa sẵn sàng ngưng bắn
  • Cựu tổng thống Philippines Duterte bị bắt vì ''tội ác chống nhân loại''
  • Iran, Nga và Trung Cộng bắt đầu các cuộc tập trận chung trên biển
  • Trung Cộng vượt xa Hoa Kỳ về số lượng tàu quân sự, tàu thương mại
  • Bạo lực chưa từng có tại Syria kể từ khi chế độ Assad sụp đổ
  • Đức Đạt Lai Lạt Ma nói người kế nhiệm ông sẽ sinh ra bên ngoài Trung Cộng
  • Mỹ hoàn tất thanh lọc USAID, cắt bỏ 83% các chương trình của USAID
  • Hạ viện thông qua dự luật cấp ngân sách tạm cho chính phủ
  • Quốc hội Việt Nam sẽ sửa Hiến pháp cho kế hoạch tinh gọn chính phủ trong kỳ họp tháng 5
  • Việt Nam sẽ ký các thỏa thuận với Mỹ trong tuần này
  • Mỹ rút khỏi thỏa thuận JETP Việt Nam
  • Vingroup muốn sớm lấn biển Cần Giờ để làm du lịch
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 3-4-5/3/2025
  • Ukraine nói sẽ làm mọi cách có thể để duy trì quan hệ với Hoa Kỳ sau khi Trump tạm dừng viện trợ
  • Trước Quốc Hội, TT Trump thông báo Ukraina sẵn sàng đàm phán với Nga, ký thỏa thuận khoáng sản với Mỹ
  • TT Mỹ muốn tái khởi động dự án ống dẫn khí đốt từ Alaska đến châu Á
  • Kênh đào Panama: Công ty Hồng Kông nhượng quyền khai thác cảng cho đối tác Mỹ
  • Thượng đỉnh Luân Đôn: Kiev được an ủi nhưng vẫn không hết lo lắng
  • Trung Cộng tăng ngân sách quốc phòng thêm 7,2% cho năm 2025
  • Nga thuyết phục các blogger quân sự hiếu chiến chấp nhận lệnh đình chiến với Ukraina
  • Hoa Kỳ áp dụng mức thuế mới và bổ sung đối với hàng hóa nhập từ Canada, Mêhicô và Trung Cộng
  • Israel nói cần đạt được thỏa thuận về việc thả con tin để gia hạn thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza
  • Tàu sân bay Mỹ đầu tiên thăm Hàn Quốc dưới thời tổng thống Trump
  • Liên đoàn Ả Rập thông qua kế hoạch tái thiết Gaza do Ai Cập đề xuất
  • Việt Nam ve vãn các doanh nghiệp Mỹ, cam kết giảm thặng dư thương mại
  • Việt Nam chuẩn bị mua vệ tinh của Israel để do thám Trung Cộng
  • Việt Nam và Anh phối hợp trục xuất người Việt tới Anh bất hợp pháp
  • EU kêu gọi Việt Nam bảo vệ quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 24-25-26/2/2025.
  • Kiev và Washington nhất trí về dự thảo thỏa thuận khai thác khoáng sản Ukraina
  • Thỏa thuận khai thác mỏ quặng: Kiev “đưa” Mỹ vào Ukraina?
  • Lãnh đạo nhiều nước đến Kiev bày tỏ sự ủng hộ Ukraina nhân 3 năm ngày bị Nga xâm lược
  • Đức: Tăng chi phí quốc phòng, khó khăn đầu tiên của thủ tướng tương lai Friedrich Merz
  • Điện Kremlin: Nga và Mỹ đang chuẩn bị đàm phán thêm về Ukraine
  • Hội đàm với Donald Trump, tổng thống Pháp nhấn mạnh Ukraina cần một nền hòa bình bền vững, không phải “đầu hàng”
  • Đội tàu sân bay Pháp tập trận với quân đội Philippines ở Biển Đông
  • Nhật Bản và Philippines tăng cường hợp tác quốc phòng trước đe dọa Trung Cộng
  • Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách duy trì thế cân bằng trong chiến tranh Nga-Ukraina
  • Giáo hoàng Francis họp bàn công việc tại bệnh viện
  • Trung Cộng tập trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ
  • Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm 30% GDP, rơi vào ‘tầm ngắm’ bị Trump áp thuế
  • Đầu tư của Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam, làm tăng nguy bị Mỹ đánh thuế
  • Cựu tù nhân chính trị tố cáo bị trại giam hành hạ đến suy kiệt sức khỏe không thể chữa trị