Khi tiếng gà gáy báo hiệu đầu ngày 03 tháng 04 ở Việt Nam, thì cũng là lúc hàng hóa Việt Nam xuất cảng sang Mỹ phải chịu mức thuế đối ứng mới. Mỹ đã công bố thuế nhập cảng đối ứng dao động từ 10% đến 50% với 180 đối tác thương mại. Mức thuế mới của Mỹ lần này đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trong trật tự thương mại quốc tế, từ sau Thế chiến II.

Ngay sau khi mức thuế mới “có qua có lại” được ông Trump công bố với hàng loạt quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam chịu 46%. Lập tức Thị Trường Chứng Khoán Việt Nam mở cửa phiên mùng 3 tháng 4 đã giảm gần 5%. Các thị trường khác tại Á châu cũng giảm điểm.

Cùng ngày, Cổ phiếu Hoa Kỳ lao dốc trong đợt bán tháo lớn nhất kể từ năm 2020, với chỉ số Dow Jones giảm 4%, S&P 500 giảm gần 5%, Nasdaq Composit giảm gần 6%. [1]

Trong khi giá vàng thế giới lại lập đỉnh mới là 3.169 Mỹ kim cho 1 ounce ngay phiên sáng ngày mùng 3 tháng 4. Các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu để tìm tới vàng như kênh trú ẩn an toàn cho dòng vối của họ.

Vào năm 2024, Hoa Kỳ đã nhập cảng trên 1,2 ngàn tỷ Mỹ kim hàng hóa so với xuất cảng, một mức thâm hụt thương mại kỷ lục mà TT Trump mong muốn “Reciprocal Tariff” sẽ là công cụ giúp thu hẹp thâm hụt thương mại.

Các quốc gia đồng minh lâu đời của Mỹ cũng phải đối mặt với thuế quan mới, trong đó Vương quốc Anh chịu thuế 10%, Liên minh Âu Châu (EU) chịu thuế 20%.  

Theo mức thuế mới này, hàng hóa từ Hoa Lục sẽ tăng thêm 34%, bổ sung vào mức 20% hiện có. Hàng hóa của Nhật sẽ tăng thuế lên lên 24%, và 49% đối với Cao Mên. . .

Các nước là đối thủ của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ như Thái Lan chịu mức thuế 36%, Ấn Độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%. . .

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, xét trên tương quan, hàng hóa Việt Nam như đồ điện, điện tử, dệt may, da giày, nội thất . . . chịu thuế cao hơn từ 10-20% so với đối thủ chính trong khu vực.

Mặc cho csVN đã tìm cách “xoa dịu” ông Trump bằng một số hợp đồng thương mại, vào giữa tháng 03, trị giá khoảng 4,15 tỷ Mỹ kim; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) cho hàng hóa Mỹ; tạo điều kiện đầu tư vào các ngành trọng điểm như năng lượng; thông qua khung pháp lý cho Starlink của SpaceX … (https://vanhoimoi.org/?p=24711)

Nhưng xem ra những gì csVN đã làm, đối với ông Trump là chưa đủ để giảm thặng dư thương mại với Mỹ, chỉ trong năm 2024 đã lên đến 123,5 tỷ Mỹ kim. Mức thuế 46% của Việt Nam có thể là “nút chặn” rất nhiều loại hàng hóa Việt Nam xuất cảng sang Mỹ. Hiện các doanh nghiệp đang lo lắng và tiếp tục theo dõi tình hình. Mức thuế này khiến Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ như Mexico, Ấn Độ, Thái Lan. VCCI hy vọng Việt Nam sẽ đàm phán với Mỹ để cứu các mặt hàng xuất cảng đem lại đến 28% cho tăng trưởng GDP của Việt Nam.  

CsVN đã thành lập Ủy Ban phản ứng nhanh về việc Mỹ áp thuế đối ứng 46%, nhưng cũng như một số nước như Mexico, Úc chưa có phản ứng nào ngay vào lúc này.

Nội Các Donald Trump đã sử dụng mức thuế suất đối với mỗi nước bằng cách tính tỷ lệ giữa mức thâm hụt thương mại song phương và tổng kim ngạch nhập cảng rồi chia đôi. Từ cách tính toán này, ông Trump công bố rằng Việt Nam đánh thuế hàng hóa của Mỹ đến 90%, nên Mỹ đánh lại mức thuế đối ứng 46% – là đã “giảm xuống” 50% rồi. Theo ông Tump, thì “chúng ta tử tế hơn họ”. [2]

Thương chiến đã ập đến không những trong phòng họp của cơ quan thương mại các nước, mà còn bàn luận sôi nổi nơi bàn ăn, góc phố. Các tin tức đổi thay về “Trump’s tariff” dồn dập như những cuộc họp báo chiến sự của các Bộ Tổng Tham Mưu trong thời chiến, khi các trận thư hùng diễn ra khắp các mặt trận. . .

Các bên đang theo dõi từng biến chuyển, chẳng những ở Mỹ mà còn với các nước liên quan cạnh tranh trong ngoại thương. Rồi đây “chưa biết” ứng phó ra sao khi hàng hóa “của nước mình” phải cạnh tranh với các nước khác cũng có những mặt hàng tương đương trên thương trường quốc tế.

Vài giờ sau khi TT Trump công bố mức thuế mới trên hàng hóa các nước nhập cảng vào Mỹ, Bộ trưởng Tài chánh Scott Bessent nói rằng: “Lời khuyên của tôi đối với mọi quốc gia hiện nay là đừng trả đũa vội. Hãy ngồi xuống, chấp nhận, chúng ta hãy xem tình hình diễn ra như thế nào. Bởi vì nếu trả đũa, căng thẳng sẽ leo thang.”

Ngay lập tức một số các nước có phản ứng rất “chừng mực”:

  • Thụy Điển qua lời của Thủ Tướng Ulf Kristersson giãi bầy: “Chúng tôi muốn quay trở lại con đường thương mại và hợp tác với Hoa Kỳ, để người dân ở quốc gia chúng tôi có thể tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn”.
  • Phía chính phủ Đại Hàn, quyền Tổng Thống Han Duck-Soo cho biết: “Thương chiến toàn cầu đã trở thành hiện thực, chính phủ phải huy động mọi khả năng để vượt qua”.
  • Colombia: “đang xem xét các biện pháp, để bảo vệ ngành công nghiệp quốc gia và các nhà xuất cảng của Colombia.”
  • Brazil: “đang lượng giá mọi biện pháp để bảo đảm tính có đi có lại trong thương mại song phương, bao gồm cả việc nhờ đến Tổ chức Thương mại Thế giới, bảo vệ các lợi ích hợp pháp”.

Bắc Kinh đã đưa ra phản hung hăng hơn khi Tân Hoa Xã dẫn lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung cộng, kêu gọi Mỹ giải quyết thỏa đáng những bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng”. Đồng thời cho hay, sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tuần trước, hôm 27 tháng 3, sau khi Hoa kỳ công mức thuế 25% đối với ô-tô nhập cảng, Thủ Tướng Canada Mark Carney đã tuyên bố: “Mối quan hệ cũ mà chúng ta có với Hoa Kỳ dựa trên sự hội nhập sâu sắc hơn giữa các nền kinh tế và hợp tác chặt chẽ về an ninh và quân sự đã kết thúc”. [3]

Khi TT Trump theo đuổi chủ trương “America First” đã làm cho EU “tỉnh ngộ” trước hai  2 thực trạng, một về thuế quan, và một khác về chi tiêu quốc phòng, đưa EU đến hai phản ứng:

  • Về thuế đối ứng, Chủ Tịch Ủy Ban EU, bà Von der Leyen sau khi cảnh báo việc ông Trump phá vỡ trật tự thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng và doanh nghiệp. “Hàng triệu công dân sẽ phải đối mặt với giá thực phẩm cao hơn. Giá thuốc sẽ tăng, cũng như chi phí vận chuyển. Lạm phát sẽ leo thang”. Bà Von der Leyen cho biết, EU chưa vội kích hoạt ngay lập tức các biện pháp đáp trả cho đến sau khi trao đổi với 27 nước vào này mùng 4 tháng 4.
  • Đối với chủ trương tự lực lo cho EU về an ninh toàn vùng, Tổng Thống Pháp Macron từ năm 2017, cũng như 2 năm sau, đã kiên trì tìm cách khích thích “bộ não” EU “Chúng ta cần… tăng chi tiêu quốc phòng, một điều khoản phòng thủ chung thực sự có hiệu lực, và một Hội đồng An ninh EU với sự tham gia của Anh để chuẩn bị cho các quyết định tập thể của chúng ta.” Nhưng dường như Macron bị buộc lập lại “vị trí xuất phát 2 năm trước” qua một lời phàn nàn: “Việc chúng ta không thể cùng nhau hành động đã làm suy yếu uy tín của chúng ta với tư cách là người Âu châu.” (https://vanhoimoi.org/?p=24628)

Bình luận về kế hoạch an ninh quốc phòng EU dự liệu tốn kém đến 800 tỷ Mỹ kim, cuối tháng 3 vừa qua, Allan Little từng viết trên BBC News: “Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất đối với an ninh phương Tây kể từ khi Thế chiến II kết thúc, và sẽ còn kéo dài. Như một chuyên gia nhận định, “Chủ nghĩa Trump sẽ sống sót sau nhiệm kỳ Tổng Thống của ông ấy.” Vậy những quốc gia nào đủ khả năng đứng lên lãnh đạo khi Mỹ rút lui? [4]

Cho đến lúc này, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ!

Trần nguyên Thao

[1]https://www.yahoo.com/finance/news/live/stock-market-today-dow-plunges-1700-points-nasdaq-sp-500-pummeled-in-biggest-rout-since-2020-200415736.html

[2] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0r5gxdqpnpo

[3] https://www.yahoo.com/news/canada-announces-bombshell-break-u-205145430.html

[4] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckgdkwy97vxo


Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 30/3/2025. VN cải tổ guồng máy công quyền: Sáp nhập tỉnh và xã, bỏ huyện: Kẻ được, người mất! Lợi-hại về ai? Quyền lực về ai?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Bên trong chuyến du lịch do Trung Quốc tài trợ để gây ảnh hưởng lên Đài Loan
    Ian Huang
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 29/3/2025. Chiến tranh Ukraine: Không dứt dù đàm phán; Vừa đánh, vừa đàm ! Trung Đông vẫn bất ổn, xung đột Israel-Hamas bùng phát!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Thời khắc của châu Âu không chỉ là sự lặp lại của chủ nghĩa Gaulle
    Sylvie Kauffmann
  • HỘI LUẬN ngày 29/3/2025. Chiến tranh Ukraine: Tiếng súng có im sau đàm phán? Putin tiếp tục mua thời gian! VN Cải tổ hành chánh toàn quốc: Sáp nhập tỉnh và xã, bỏ quận/huyện. Quyền lực về tay ai?
    BS Nguyễn Trọng Việt