__________________________

“Dô! Dô! Dô!”

“Lâu lâu rồi ta mới nhậu một lần.
Nhậu một lần thì nhậu cho lâu lâu”.

Rồi cả bàn lại nâng ly hô to: “Dô! Dô! Dô!”

Đây là hình ảnh một bữa nhậu mà tôi đã học được trong lần về quê thăm gia đình vừa qua. Những bữa nhậu như vầy thường xuyên xảy ra trong văn hóa giao lưu đối tác tại Việt Nam. Tổ chức nhậu để ký hợp đồng. Nhậu mừng vì vừa ký hợp đồng. Nhậu vì giao lưu công việc. Nhậu mừng sinh nhật… Văn hóa giao lưu gắn liền với văn hóa nhậu. Và văn hóa nhậu gắn liền với những thứ gì khác thì ai cũng hiểu. Hậu quả là nền tảng gia đình bị lung lay, nhiều gia đình tan vỡ, nhiều cặp vợ chồng chia ly, và con cái nheo nhóc!

Những việc xảy ra như trên chỉ là những hậu quả trước mắt, còn hậu quả sau này nữa thì sao? Say sưa rượu chè còn ảnh hưởng tới cả đời con và đời cháu nữa, đúng như những gì mà người đời  thường ví von qua câu tục ngữ: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Cũng có thể thêm: “Đời cháu đi tiểu”. Câu chuyện sau đây thật sự không xa lạ và cũng không hiếm thấy trong gia đình mà người cha bê tha rượu chè, cờ bạc, trai gái hoặc nghiện hút. Những thứ tệ nạn xã hội thường gọi là “tứ đổ tường”:

Ông Công là người cha của gia đình gồm 4 trai và 1 gái. Ông là người nát rượu. Mức độ nghiện của ông được cho là kinh niên và ở vào những giai đoạn cuối (chronic stage, and end stages), dẫn đến việc ông không thể sống mà thiếu rượu. Trường hợp của ông đã khiến cho nhiều người nghĩ rằng vì ông nghiện ngập như vậy nên 3 trong 4 người con và người cháu ngoại của ông đã sinh ra với hội chứng chậm phát triển (Mild developmental delays), và cũng rơi vào tình trạng nghiện ngập.  

Trong lãnh vực y học, con cái hay đúng hơn, thai nhi sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu người mẹ uống rượu nhiều. Người mẹ say xỉn khi mang thai thường đem đến hậu quả là hội chứng của thai nhi, “fetal alcohol syndrome”, làm tổn thương não bộ, thần kinh của thai nhi khiến trẻ sinh ra bị chậm phát triển, ngu đần, bệnh tật bẩm sinh ..v..v.. và thường sẽ chết sớm. Đối với người cha nghiện rượu sẽ để lại ảnh hưởng đến con cái qua tương quan xấu, tác hại trong phạm vy giáo dục, tạo gương xấu trong gia đình.  

Như vậy, những gì xẩy ra cho những người con, cháu của ông Công đến từ nguyên nhân nào? Do di truyền hay ảnh hưởng tâm lý? Do người cha hay do người mẹ? Câu trả lời còn tùy vào sự khảo sát của khoa học, nhưng qua câu chuyện của ông cũng cho chúng ta một bài học về trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ.   

HÌNH ẢNH TRÁI NGƯỢC VỀ NGƯỜI CHA

Hình ảnh người chồng, người cha tốt, hy sinh vì vợ con không thiếu. Ngoài những những nhận định mang tính cách tình cảm, thì hình ảnh này vẫn được đánh giá cao; đặc biệt, khi các con bước vào tuổi trưởng thành và trải qua những kinh nghiệm sống:    

4 tuổi: Bố có thể làm được bất cứ điều gì.
5 tuổi: Bố biết nhiều lắm.
6 tuổi: Bố thông minh hơn bố của bạn.
8 tuổi: Bố không biết gì nhiều.
10 tuổi: Bố bây giờ khác với lúc trước.
12 tuổi: Bố thật là không biết gì hết! Bố quá già đến nỗi không còn nhớ gì về tuổi trẻ của mình.
14 tuổi: Bố lỗi thời rồi! Đừng quan tâm đến ông ấy.
21 tuổi: Bố cổ hủ và lỗi thời quá sức!
25 tuổi: Bố già rồi không biết nhiều về vấn đề này.
30 tuổi: Bố có nhiều kinh nghiệm hơn, cần hỏi ý kiến bố.
35 tuổi: Tôi phải hỏi ý kiến bố trước xem sao đã.
40 tuổi: Chuyện này khó quá! Hỏi xem bố giải quyết như thế nào, vì bố khôn ngoan và có nhiều  kinh nghiệm.
50 tuổi: Bố đã không còn nữa! Tiếc quá, vì đã không hiểu bố, nếu không tôi đã học hỏi được nhiều điều.

Song song với những nhận xét tích cực trên, thì hình ảnh những người cha bị dính vào những tệ nạn xã hội đã làm mất đi những giá trị, và đem lại những cái nhìn tiêu cực về vai trò làm chồng và làm cha của nam giới. Tiếc là tình trạng những người chồng, người cha say xỉn tối ngày, đánh đập vợ con vẫn còn thấy xuất hiện trong nhiều gia đình người Việt. Điều này nói lên rằng, ảnh hưởng của rượu đã làm rạn nứt tình cảm gia đình, và tạo nên những cuộc bạo hành trong gia đình.     

TÌNH TRẠNG NGHIỆN RƯỢU

Ai cũng biết rượu không phải là xấu. Uống rượu chừng mực, và biết kiểm soát là điều tốt. Theo khảo cứu thì uống một ngày một ly rượu đỏ có lợi cho sức khỏe tim mạch, tuy nhiên uống rượu quá độ có thể làm hại đến sức khỏe.

Tác hại của rượu lên gan, óc, tim và thận

Rượu, đặc biệt là những loại rượu mạnh, là thức uống có khả năng làm cho say, mất kiểm soát, và đưa đến nghiện. Thống kê những người nghiện tại Hoa Kỳ, theo AI Overview ước tính 28,9 triệu người tuổi từ 12 và già hơn. 10,2% đã nghiện rượu (AUD) trong năm qua, gồm 12,1% đàn ông, con trai và 8,3% đàn bàn, con gái. Nhưng chỉ 10% những người nghiện rượu nhận được sự chữa trị.

Thống kê cũng cho biết số người chết vì liên quan đến rượu như bệnh sơ gan (liver cirrhosis) đã gia tăng. 7,3 trong số 100.000 người chết trong dân số năm 2019, so với 4,3 người trong số 100.000 người dân số 2000.

Cũng theo AI Overview khi hỏi về “Thống kê người nghiện rượu tại Việt Nam” (Statistic of alcoholism in Vietnam) đã trả lời là số người nghiện rượu ở Việt Nam cao, đặc biệt ở nam giới.  Thống kê năm 2021 cho biết có 64% đàn ông và 10% đàn bà đã nghiện rượu trong 30 năm qua. Theo The WHO (Tổ Chức Y Tế Thế Giới), ước tính không được ghi nhận số người nghiện rượu khoảng 31-50%. Hơn 40.800 người chết liên quan đến rượu trong số 7,5% những trường hợp tử vong.

Một khảo cứu gần nhất của WHO, thức uống có cồn người Việt Nam uống nhiều nhất là beer (91,5%), tiếp theo là rượu nặng như whisky, vodka, rum, gin, tequila, brandy, và (7,7%) các loại rượu chiết xuất từ trái cây, đặc biệt là nho (0,8%). Cũng theo khảo cứu của WHO năm 2025, người Việt Nam uống rượu nhiều thuộc các nước Á Châu, và đứng 25 trên toàn thế giới. Trung bình mỗi người uống 11,4 liters mỗi năm. Nghiên cứu di truyền về rượu, ước tính khoảng 50% đến 60% trong giới đàn ông, con trai.

HẬU QUẢ CỦA RƯỢU

Ảnh hưởng của rượu thay đổi một người như thế nào? Uống rượu không những ảnh hưởng đến cá nhân, nó còn ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình và người phối ngẫu. Nó có thể đưa đến sự phá vỡ những mối liên kết, thiếu tin tưởng, và sự thiếu tôn trọng phẩm giá người say.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái, gia đình

Không những thế, nó còn ảnh hưởng nhiều đến những giao tiếp xã hội, bao gồm những mối giao tiếp cá nhân, đoàn thể, cộng đồng. Về sức khỏe, nó là lý do của các triệu chứng như đau tim, các bệnh tật về gan, ung thư, thiếu kiểm soát về đi đứng, và những tai nạn khác. Say rượu còn dẫn đến những tội ác, bạo hành trong gia đình, và tự tử.

Xét về mặt tâm sinh lý, nghiện rượu ảnh hưởng đến khả năng chậm phát triển về trí tuệ, có thể dẫn đến tình trạng mất trí nhớ. Ngoài ra rượu còn dẫn đến những hội chứng về tâm lý, thí dụ, bực tức, khó chịu, nóng nảy, hoảng loạn, ảnh hưởng đến giấc ngủ và khả năng sinh lý, và nhiều hội chứng tâm lý khác.      

Trong Kinh Thánh có một câu khiến cho tất cả những ai trong vai trò làm cha mẹ phải lưu ý: Khi người cha tắt thở, họ vẫn chưa chết vì họ còn để lại những người con giống họ” (Huấn Ca 30:4). Chúng ta phải nghĩ gì nếu chỉ vì để thỏa mãn tính ích kỷ, thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà đem lại những hậu quả hết sức tai hại không những cho mình và cho con cháu? Và nếu có ai đó nói với ta rằng nghiện rượu là một hội chứng tâm bệnh, có khả năng làm tiêu tan tương lai, sự nghiệp, hạnh phúc, và gia đình của mình thì ta sẽ nghĩ sao?

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ CHỪA?

Những người say xỉn cũng có những giây phút tỉnh táo. Nên dành một chút thời gian này để suy nghĩ lại và tìm cách xa rời những môi trường, những hoàn cảnh đem ta đến nghiện ngập. Thí dụ, do bạn bè rủ rê, do chán nản buông xuôi, do thất bại nhất thời, để xả stress, hoặc bất cứ một lý do nào. Tuy khó nhưng bước đầu tiên vẫn luôn cần thiết. Nếu như mới bắt đầu hoặc đang ở trong tình trạng nghiện, thì sau đây là một vài gợi ý chữa trị. Gồm:

  • Những chương trình tư vấn và trị liệu theo tâm lý (behavioral therapy).
  • Những chương trình chữa trị bằng thuốc (medical detoxification).  
  • Sự giúp đỡ và cổ võ của những người đã từng nghiện rượu nay đã cai được.
  • Hãy nhớ đến vợ, con, cha mẹ… Họ đang cần mình.
  • Hãy hãy nghĩ đến và thương yêu chính mình, nhân phẩm của mình, giá trị cuộc đời của mình.
  • Nhưng quan trọng nhất là đừng tạo cơ hội, hoặc đến gần những cơ hội làm quen với rượu. 

Tóm lại, dù là do ảnh hưởng đến từ người mẹ hay người cha, nghiện rượu là một tình trạng hết sức tồi tệ, và hậu quả của những cha mẹ này để lại cho con cái sẽ rất lớn và tai hại. Nhưng không ai nghiện rượu mà lại nhận mình nghiện rượu. Vậy tốt hơn, ta nên đề phòng đừng để mình bị lôi cuốn vào đam mê tai hại này, và nếu đã vướng mắc vào thì phải can đảm tìm phương pháp chữa trị. Vì uống rượu thì dễ nhưng chừa rượu là rất khó. 

TS Trần Mỹ Duyệt

Bài liên quan:
  • HỘI LUẬN ngày 5/4/2025. Việt Nam Tháng Tư Đen: Những ngày tháng không thể quên! Miến Điện: Đau thương chồng chất.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 5/4/2025. VNCH 50 năm trước: Những ngày tháng không thể quên! TC Mưu toan gì?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Việt Nam sẽ ứng phó thế nào với mức thuế quan gây sốc của Trump?
    Lê Hồng Hiệp
  • “Reciprocal Tariff”. PHẢN ỨNG CÁC BÊN
    Trần Nguyên Thao
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 30/3/2025. VN cải tổ guồng máy công quyền: Sáp nhập tỉnh và xã, bỏ huyện: Kẻ được, người mất! Lợi-hại về ai? Quyền lực về ai?
    BS Nguyễn Trọng Việt