Sơn Hà (March – 2025)

Kênh đào Panama (Panama Canal), thủy lộ nhân tạo quan trọng, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, băng qua quốc gia Panama. Đây là một trong các dự án quan trọng nhất trong lịch sử, cho phép tàu thuyền tránh được tuyến đường dài và nguy hiểm, khỏi phải đi vòng xuống Nam Mỹ qua Mũi Horn. Nhờ có Kênh đào Panama, tuyến đường biển từ Thái Bình Dương qua Đại Tây Dương thu ngắn được 8000 dặm, tiết kiệm rất nhiều thì giờ và tiền bạc.
Từ khi công ty xây dựng kênh đào của Pháp bỏ cuộc, Hoa Kỳ đã tranh đấu giành được quyền sử dụng đất đai và tiến hành việc xây dựng Kênh Đào Panama. Quyền hạn được ghi trong hiệp ước 1903, ký kết giữa chính phủ Panama và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là quốc gia chủ nhân của Kênh Đào Panama, đã đổ ra những tốn kém to lớn và khả năng kỹ thuật để tạo ra con đường hàng hải chiến lược này.
Tuy nhiên, năm 1977, Hoa Kỳ bắt đầu tiến trình trao lại cho Panama quyền điều hành với điều kiện không được để cho thế lực nào kéo chệch hướng trung lập của Kênh Đào Panama. Nếu điều này bị vi phạm, Hoa Kỳ sẽ can thiệp tức thì; được ghi trong Hiệp Ước Torrijos-Carter Treaties, 1977.
Trong những ngày đầu mới nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 2, Tổng thống Trump đã lên tiếng về việc Hoa Kỳ sẽ lấy lại quyền kiểm soát Kênh Đào Panama mà Hoa Kỳ đã trao trả lại cho Panama hồi năm 1999. Tổng thống yêu cầu Ngoại Trưởng Marco Rubio công du Panama để thảo luận với chính quyền Panama rằng, Panama đã vi phạm hiệp ước đã ký kết hồi năm 1977. Bởi vì, Panama đã cho công ty Trung Cộng thuê hai hải cảng quan trọng ở hai đầu vào của kênh đào. Cảng Balboa ở phía Thái Bình Dương và Cristóbal ở Đại Tây Dương. Nó đe doạ nền an ninh thế giới và an ninh Hoa Kỳ.
Báo chí thiên tả liền nhao nhao tấn công ông Trump. Họ lên án ông Trump thể hiện tinh thần “sô vanh nước lớn”. Có đài truyền hình gọi ông Trump là nhà độc tài, ỷ mạnh hiếp yếu. Lịch sử rành rành còn ở đó không ai có thể nói càng và bóp méo sự thật.
Qua bài tìm hiểu này, chúng ta cùng xem lại kênh đào Panama được xây dựng từ lúc nào, tốn kém bao nhiêu? Kênh đào Panama hoạt động như thế nào, thuộc về ai? Tại sao Kênh Đào Panama được xem là con đường hàng hải chiến lược và lý do gì mà Tổng thống Trump lên tiếng đòi lấy lại kênh đào Panama?
Lần Đầu Xây Dựng Kênh Đào Panama

Công ty Compagnie Universelle du Canal Interocéanique của Pháp, lãnh đạo bởi kỹ sư trưởng Ferdinand de Lesseps. Ông cũng là người đã giám sát việc xây dựng kênh đào Suez, nối liền Hồng Hải và Địa Trung Hải. Công ty này khởi công xây dựng Kênh Đào Panama vào năm 1881, đến năm 1889 thì dự án bị phá sản và bỏ cuộc, khi mới thực hiện được 35%. Dự án này gặp quá nhiều trở ngại, do điều kiện khắc nghiệt của địa thế, khí hậu,… và thiết bị không đủ để khắc phục những khó khăn của thiên nhiên.
Tài liệu cho biết có khoảng 22 ngàn người đã chết trong lần đầu xây dựng kênh đào do tai nạn và dịch bệnh. Công cuộc xẻ núi và phá rừng đã tạo ra các vụ đất lở và lũ lụt, là trở ngại lớn nhất cho công trình đào kênh. Vấn đề tài chánh và thiết bị thiếu thốn khiến cho công trình phải huỷ bỏ, sau 9 năm dài.
Lần Thứ Hai Xây Dựng Kênh Đào Panama
Vào năm 1903, người dân Panama nổi dậy đòi độc lập từ Colombia với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Sau khi tuyên bố độc lập, chính phủ Panama cùng với Hoa Kỳ bắt tay xây dựng Kênh Đào Panama vào năm 1904.
Kỹ sư xây dựng của Hoa Kỳ không áp dụng kỹ thuật cũ của Pháp, tức là đưa nước biển vào kênh, để mực nước ngang bằng mực nước biển, giống như Kênh Đào Suez. Họ cấu tạo những hộc nước (gọi là locks) để nâng tàu lên cao khi vào kênh, tàu bơi xuyên qua hồ trên cao; rồi lại vào các hộc nước để hạ tàu xuống ngang mực nước biển, trước khi trở lại biển khơi. Những hộc nước và hồ trên núi đều do con người tạo ra và lấy nước từ sông Chagres.
Hoa Kỳ khởi công xây dựng vào năm 1904 và hoàn tất Kênh Đào Panama vào năm 1914, đúng lúc xảy ra Đệ Nhất Thế Chiến. Từ đó, Kênh Đào Panama trở thành thuỷ lộ chiến lược, nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương.
Thời kỳ xây dựng Kênh Đào Panama dưới thời Tổng thống Theodore Roosevelt, tập đoàn xây dựng của Hoa Kỳ với phương tiện cơ giới to lớn và tân tiến hơn, có thể khắc phục những trở ngại của thiên nhiên và giảm thiểu tai nạn trong lúc xây dựng. Cuộc phá núi, đốn cây rừng để tạo thành hai hồ nhân tạo trên núi, cao hơn mực nước biển 85 feet (26 thước), là yếu tố chính của Kênh Đào Panama. Con sông Chagres là nguồn chính yếu cung cấp nước cho kênh đào và hai hồ nhân tạo Gatun và Miraflores.
Kênh Đào Panama Được Xây Dựng Như Thế Nào?
Hai bên châu Mỹ là hai đại dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Eo đất Panama là nơi hẹp nhất của châu Mỹ để đào con kênh nối hai đại dương này. Nơi đây, Pháp đã mất 9 năm và đã thất bại. Hậu quả của dự án cho thấy kỹ thuật đào kênh của Pháp không thể áp dụng được cho Panama.

Kỹ thuật được dùng trong Kênh Đào Panama là nỗ lực khác thường và tốn kém. Các hộc nước được xây dựng bằng bê-tông cốt sắt có cửa đóng mở ở hai đầu. Áp suất của nước được dùng để đóng kín hộc chứa nước sâu đủ để nâng tàu lên và hạ tàu xuống. Nước đổ vào các hộc thì lấy từ hồ Gatun.
Từ phía Đại Tây Dương, tàu hàng hải vào kênh, đi vào hộc nước thứ nhất và được nâng lên ngang mực nước với hộc số hai, rồi từ hộc số hai vào hộc số ba. Và tàu được nâng lên cao ngang bằng mực nước để vào hồ Gatun và Miraflores là hồ trên núi. Sau khi đi qua hồ, tàu sẽ đến các hộc nước để được hạ xuống ngang với mực nước biển trước khi đi ra Thái Bình Dương. Tuyến đường ngược lại, các tàu hàng hải cũng sử dụng nguyên tắc tương tự, được nâng lên và đi qua hồ trên núi rồi lại hạ xuống để ra đại dương.


Vào lúc Hoa Kỳ can dự vào dự án đào kênh nối hai đại dương, có hai lựa chọn, Panama hay Nicaragua. Panama là nơi hẹp nhất, rộng 51 dặm. Panama là nơi không có sự đe doạ của thiên tai như động đất hay núi lửa. Chọn lựa thứ hai là kênh đào xuyên qua Nicaragua. Nơi đây có bề rộng là 170 dặm, so với kênh Panama chỉ có 51 dặm. Kênh Nicaragua sẽ đào xuyên qua khoảng đất phẳng hơn, không nhiều đồi núi và rừng rậm như Panama. Tuy nhiên, ở Nicaragua có nhiều rủi ro gặp thiên tai như núi lửa hay động đất, và hệ thống chính trị của Nicaragua quá nhiễu nhương, không dễ dàng như Panama.

Một lợi điểm nữa là Hoa Kỳ giúp cho Panama giành độc lập từ Colombia; nên việc điều đình dễ dàng hơn cho việc xây dựng và kiểm soát vùng đất chung quanh kênh đào.
Cuối cùng, Quốc Hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chọn kế hoạch đào kênh ngang qua Panama thay vì đi qua Nicaragua. Hoa Kỳ đã mất 10 năm để hoàn tất Kênh Đào Panama; tốn kém 400 triệu Mỹ Kim (khoảng 15 tỷ Mỹ Kim thời giá ngày nay).
Theo giáo sư Clifford F. Thies, dạy Kinh Tế và Tài Chánh tại Đại học Shenandoah, ngoài những phí tổn trực tiếp cho dự án, Hoa Kỳ phải trả cho Colombia 25 triệu Mỹ Kim để mua nền độc lập cho Panama. Hoa Kỳ còn trả cho công ty xây dựng của Pháp 40 triệu Mỹ Kim để mua lại những máy móc, vật dụng ngổn ngang của công trình bỏ dở trước đó. Ngoài ra, Hoa Kỳ trả cho Panama 10 triệu Mỹ Kim cộng với 250 ngàn Mỹ Kim mỗi năm cho hợp đồng thuê vĩnh viễn.
Khu vực Trung Mỹ lúc bấy giờ chưa hoàn toàn ổn định sau khi các nước giành độc lập từ các đế chế Tây Phương. Vì vậy, Hoa Kỳ đã đặt ở Panama một lực lượng quân sự để bảo đảm an ninh cho Panama và thuỷ lộ hàng hải chiến lược Panama Canal.
Tại Sao Hoa Kỳ Phải Trả cho Colombia 25 Triệu Mỹ Kim?
Trước năm 1903, Panama còn là thuộc địa của Colombia, giới ngoại giao của Hoa Kỳ và Colombia cùng soạn thảo hiệp ước Hay-Herrán Treaty – 1903. Qua đó Hoa Kỳ trả trước cho Colombia 10 triệu Mỹ Kim và 250,000 Mỹ Kim mỗi năm, kéo dài 100 năm. Hiệp ước này để cho Hoa Kỳ quyền xây dựng và sử dụng kênh đào với khu đất rộng 6 dặm dọc hai bên kênh.
Đến khi dự án trình lên Quốc Hội Colombia thì bị từ chối. Do đó, Hoa Kỳ phải đi đến quyết định yểm trợ Panama giành độc lập từ Colombia. Sau khi Panama tuyên bố độc lập, quân đội Hoa Kỳ đưa quân đội vào Panama để can thiệp, ngăn chặn Colombia đàn áp bằng vũ lực. Đến tháng 11 năm 1903, Hoa Kỳ và Panama ký hiệp ước Hay-Bunau-Varilla Treaty (November 18, 1903).
Hiệp ước này cho phép Hoa Kỳ xây dựng kênh đào, điều hành và bảo vệ kênh đào, sử dụng khu vực đất đai hai bên kênh rộng 10 dặm dọc theo kênh. Phía Panama thì được Hoa Kỳ trả trước 10 triệu Mỹ Kim và 250 ngàn Mỹ Kim mỗi năm. Đáng lẽ Colombia được hưởng quyền lợi này.
Hoa Kỳ khởi công vào năm 1904 và hoàn tất Kênh Đào Panama vào năm 1914, đúng vào năm xảy ra Thế Chiến Thứ Nhất. Lợi nhuận từ Kênh Đào Panama do thu phí các chuyến tàu hàng ngang qua kênh đều thuộc về Hoa Kỳ. Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla Treaty cho phép Hoa Kỳ được sử dụng Kênh Đào Panama và phần lãnh thổ hai bên Panama Canal Zone, vĩnh viễn. Trách nhiệm điều hành, tu bổ, bảo trì và an ninh đều do Hoa Kỳ bảo đảm.
Sau Đệ Nhất Thế Chiến, Colombia đòi Hoa Kỳ bồi thường phần lãnh thổ đã bị chiếm hữu qua Hay-Bunau-Varilla Treaty, đã được thoả thuận giữa Hoa Kỳ và Panama. Đến năm 1921, Hoa Kỳ trả cho Colombia $25 triệu Mỹ Kim để trang trải phần bồi thường về chủ quyền lãnh thổ.
Hoa Kỳ Trao Lại Kênh Đào Cho Panama Vào Năm 1999
Vài chục năm sau thì người dân Panama bắt đầu phản đối sự có mặt của Mỹ trên đất Panama. Họ đòi Mỹ rút ra và trả lại cho Panama quyền kiểm soát. Sự phản kháng ngày một mạnh hơn khiến cho Hoa Kỳ tính đến việc trả lại chủ quyền Kênh Đào và Panama Canal Zone cho chính quyền Panama. Năm 1977, dưới thời Tổng thống Carter, Hoa Kỳ và chính phủ Panama bắt đầu thảo luận hiệp ước Torrijos-Carter Treaties, gồm hai hiệp ước có tính cách vĩnh viễn: 1/ Panama Canal Treaty và 2/ Neutrality Treaty.
Panama Canal Treaty (Hiệp ước Kênh đào Panama), Hoa Kỳ huấn luyện để dần dần chuyển giao, và cuối cùng rút lui vào ngày 31 tháng 12 năm 1999. Cơ quan quản lý kênh đào Panama (Panama Canal Authority – ACP) nắm quyền và bắt đầu điều hành, kiểm soát hoàn toàn kể từ ngày 1 tháng Giêng năm 2000.
Về Neutrality Treaty (Hiệp Ước Trung Lập), Panama phải giữ kênh đào ở trạng thái trung lập và mở cửa cho tất cả các quốc gia, ngay cả trong thời chiến. Hoa Kỳ vẫn giữ quyền bảo vệ kênh đào nếu tính trung lập bị đe dọa.
Tại Sao Tổng Thống Trump Lên Tiếng Về Kinh Đào Panama?
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, chính phủ duyệt lại những bất công trong các giao dịch giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Trong đó có hiệp ước kênh đào Panama. Tổng thống Trump cho rằng, Hoa Kỳ trả lại Kênh Đào Panama là một thua thiệt lớn cho Hoa Kỳ.
Có những lời phê bình cho rằng, ông Trump lên án chính phủ Carter bán cho Panama Kênh Đào với giá $1 Mỹ Kim; và cho đó là lời phát biểu vô căn cứ.
Năm 1976, lúc ấy ông Reagan chưa là tổng thống, đã có nhận xét tương tự, nói rằng, “We bought it, we paid for it, it’s ours, and we’re gonna keep it”. (Ta đã mua, đã trang trải cho quyền sở hữu. Ta phải giữ nó). Tiếng nói của ông không có kết quả. Carter đắc cử Tổng thống (1977-1981) rồi tiến hành ký kết trao trả kênh đào cho Panama, qua Hiệp Ước Torrijos-Carter – 1977. Khi ông Reagan đắc cử Tổng thống (1981-1989) thì chuyện thoả thuận và ký kết đã xong, và chính quyền của ông tiến hành trao trả kênh đào theo hiệp ước.
Xem lại quá trình xây dựng và những phí tổn phải đổ ra để có kênh đào chiến lược Panama, quả là công trình rất lớn của Hoa Kỳ. Nó phải được xem là một phần lãnh thổ và tài sản quốc gia do tiền nhân để lại. Đã vậy, Trung Cộng lại mon men chen chân vào thuỷ lộ chiến lược này, thì ai yêu nước không khỏi chạnh lòng xót xa. Tổng thống Trump cho rằng, an ninh quốc gia bị đe doạ.
Tổng Thống Trump Đòi Lại Kênh Đào Panama Là Hợp Lý!
Trong hai Hiệp Ước Torrijos-Carter Treaties, có Hiệp Ước Trung Lập (Neutrality Treaty), xác định tính chất trung lập của kênh đào, và có tính cách vĩnh viễn. Hiệp ước ghi rằng, “…United States could use its military to defend the Panama Canal against any threat to its neutrality, thus allowing perpetual U.S. usage of the Canal” (…Hoa Kỳ có thể sử dụng quân đội để bảo vệ kênh đào Panama chống lại bất kỳ mối đe dọa nào đối với tính trung lập của nó, cho phép Hoa Kỳ sử dụng kênh đào này vĩnh viễn).
Năm 1997, giai đoạn cuối cùng khi Hoa Kỳ trao lại cho Panama toàn quyền quản lý Kênh Đào Panama, cũng là lúc Công ty CK Hutchison Holdings có cơ sở chính tại Hồng Kông ký hợp đồng dài hạn, vận hành hai cảng lớn hai đầu Kênh đào Panama—Balboa ở phía Thái Bình Dương và Cristóbal ở Đại Tây Dương. Hợp đồng được ký vào năm 1997, trước khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Cộng vào năm 1999. Chủ nhân ông của CK Hutchison Holdings là tỷ phú Lý Gia Thành (Li Ka-shing). Hai hải cảng chặn hai đầu ra vào của Kênh Đào Panama nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Bương, lại là hai điểm quan trọng nằm trên Con Đường Tơ Lụa, thường được gọi là Nhất Đới Nhất Lộ (One Belt One Road – Một Vành Đai, Một Con Đường) của Trung Cộng, là kế hoạch của Trung Cộng trong âm mưu khống chế thế giới.
Đó là nguy cơ tiềm tàng có thể chặn họng con đường Thủy Lộ Chiến Lược Kênh Đào Panama. Trong thời bình, Trung Cộng sẽ kiểm soát đoạn đường nối liền hai đại dương. Chưa kể đến lúc có chiến tranh xảy ra ở Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương thì Hoa Kỳ khó có thể tiếp ứng, nếu Kênh Đào Panama bị tắt nghẽn. Lịch sử còn ghi, trong Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến, Kênh Đào Panama đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các cuộc chuyển quân và tiếp ứng của quân đội Hoa Kỳ.
-oOo-
Vừa nhậm chức nhiệm kỳ 2, chính quyền Tổng thống Trump nhìn thấy Kênh Đào Panama bị rơi vào tình trạng bị “đe doạ” nên đã nhanh chóng lên tiếng rằng, Hoa Kỳ có thể điều động quân đội chiếm lại Kênh Đào Panama, theo đúng tinh thần của hiệp ước 1977.
Trong khi giới truyền thông chế diễu ông Trump, thì nhà tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành nhận thấy ông Trump động thủ bèn nhanh chóng phản ứng, bán lại hợp đồng hai hải cảng Balboa và Cristóbal cho công ty BlackRock của Mỹ, nhưng không thông báo cho Trung Nam Hải. Chính quyền Panama cũng nhanh chóng thông báo cho Hoa Kỳ rằng, không gia hạn cho Trung Cộng thuê hải cảng và Panama rút ra khỏi kế hoạch One Belt One Road của Trung Cộng; đồng thời khẳng định Kênh Đào Panama vẫn còn trong “tình trạng trung lập”, đúng với Hiệp Ước Torrijos-Carter – 1977. Hoa Kỳ tạm thời cảm thấy ổn định.
Trong khi ấy, Trung Cộng nổi giận và chỉ trích Lý Gia Thành đã đơn phương hành động, đặt quyền lợi thương mại lên trên quyền lợi của đảng. Trung Nam Hải yêu cầu Tổng Cục Quản Lý Thị Trường tìm hiểu về tình trạng Panama và áp lực Lý Gia Thành không nhượng bộ Hoa Kỳ.
Theo Bloomberg Intelligence, Lý Gia Thành, nhà tỷ phú của Hồng Kông sẽ không khuất phục đảng cộng sản. Bởi vì tập đoàn của Lý Gia Thành phụ thuộc rất ít vào thị trường Trung Cộng, chỉ 12% doanh thu của CK Hutchison Holdings đến từ đại lục và Hồng Kông. Phần lớn doanh thu còn lại đến từ châu Âu, Bắc Mỹ và Úc Đại Lợi. Lý Gia Thành là nhà kinh doanh lớn, biết mình phải làm gì.
Những phản ứng ở phía Trung Cộng và Panama cho thấy, hành động của Tổng thống Donald Trump về việc duy trì “tính trung lập” của Kênh Đào Panama là việc phải làm ngay. Nếu để Trung Cộng khống chế Kênh Đào Panama thì chắc chắn an ninh của Hoa Kỳ và của thế giới sẽ bị đe doạ. Và Tổng thống Trump đã hành động kịp thời. Chưa biết tình trạng ổn định tạm thời này kéo dài bao lâu?
Sơn Hà (March-2025)
////////////////////////////
Tài liệu tham khảo:
(1) https://2001-2009.state.gov/p/wha/rlnks/11936.htm
(2) https://history.state.gov/milestones/1977-1980/panama-canal
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/Torrijos%E2%80%93Carter_Treaties
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_the_Panama_Canal
(5) https://pancanal.com/en/the-french-canal-construction/
(6)https://jbs.org/assets/pdf/Charles-H-Breecher-Congressional-Testimony- 1983-06-23.pdf
(7) https://jbs.org/assets/pdf/Reclaim-Our-Canal-TNA-01-31-2000.pdf