TIN THẾ GIỚI.

Quân Ukraine xâm nhập vùng Belgorod của Nga, cảnh báo tập kích cầu Crimea.

Tổng thống Ukraine Zelensky xác nhận việc binh lính nước này có mặt ở vùng Belgorod của Nga. Giới chức quân sự Ukraine cũng cảnh báo khả năng tập kích cầu Crưm trong tương lai.

Theo báo Kyiv Independent, trong báo cáo cập nhật tình hình xung đột tối 7/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thông báo về việc quân đội Ukraine xâm nhập vào vùng biên giới Belgorod của Nga. Tổng thống Ukraine cho biết thêm : “Chúng ta tiếp tục các chiến dịch hoạt động ở các khu vực biên giới, trên lãnh thổ của kẻ thù và điều này hoàn toàn chính đáng, đem các cuộc giao tranh trở về nơi bắt nguồn“.

Ảnh minh hoạ

Nhờ có chiến dịch quân sự ở Kursk, chúng tôi đã có thể giảm tải áp lực ở tiền tuyến Donetsk. Việc phá hủy khí tài và cắt đứt khả năng hậu cần của đối phương vô cùng quan trọng. Tổng Tư lệnh Syrsky mới đây cũng xác nhận việc quân đội Ukraine có mặt tại vùng Belgorod.

Tuy vậy, tình hình của quân đội Ukraine ở vùng biên giới Kursk của Nga vẫn gặp nhiều khó khăn, khi Moscow đang dần giành lại quyền kiểm soát tại đây. Trong những ngày qua, các lực lượng Nga cũng thành công tiến vào tỉnh Sumy của Ukraine để lập vùng đệm.

Cùng ngày, Tư lệnh Hải quân Ukraine Oleksii Neizhpapa cảnh báo, cầu Kerch nối bán đảo Crimea với phần đất liền Nga (còn gọi là cầu Crimea) vẫn là mục tiêu tấn công của Kiev trong tương lai.

Cây cầu là một mục tiêu khó, đặc biệt ở thời điểm hiện tại. Nhưng không có pháo đài nào là không thể bị đánh sập, không có ranh giới nào không thể vượt qua. Cây cầu cũng giống mọi mục tiêu khác“, ông Neizhpapa nói.

Lãnh đạo hải quân Ukraine nhấn mạnh, việc bảo mật thông tin là yếu tố quan trọng nhất khi tiến hành tấn công các mục tiêu quan trọng như cầu Kerch. Ông Neizhpapa cũng khẳng định, Kiev vẫn đang tập kích nhiều mục tiêu ở Crimea nhưng cường độ đã giảm so với năm ngoái.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, đã có ít nhất 2 cuộc tập kích thành công vào cầu Crimea được ghi nhận, và Nga đều cáo buộc Ukraine đứng sau những vụ việc này.


TT Trump áp thuế Trung Cộng 125%, hoãn áp thuế 90 ngày cho 75 nước vì ‘không trả đũa’

Hôm 9 tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Truth Social tuyên bố tăng thuế ngay lập tức với Trung Cộng lên 125% và hoãn áp thuế 90 ngày với hơn 75 nước, cũng như hạ thuế đối ứng xuống 10%.

Nhấn mạnh tăng thuế với Trung Cộng 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Truth Social tuyên bố tăng thuế ngay lập tức với Trung Cộng lên 125%.

Dựa trên sự thiếu tôn trọng mà Trung Cộng đã thể hiện đối với các thị trường thế giới, tôi quyết định ngay lập tức nâng mức thuế quan mà Mỹ áp lên Trung Cộng lên 125%. Hy vọng trong tương lai gần, Trung Cộng sẽ nhận ra rằng việc trục lợi từ Mỹ và các quốc gia khác không còn là điều có thể tiếp tục hoặc được chấp nhận” – ông Trump giải thích.

Hoãn áp thuế với hơn 75 nước muốn đàm phán 

Đồng thời, ông cũng thông báo có hơn 75 quốc gia đã chủ động liên hệ với Mỹ để đàm phán các vấn đề thương mại. Do các nước này đã không trả đũa Mỹ, ông quyết định tạm dừng áp thuế trong 90 ngày và áp mức thuế đối ứng thấp hơn, chỉ 10% trong thời gian này.

Ngược lại, xét đến thực tế hơn 75 quốc gia đã liên hệ với các đại diện của Mỹ, bao gồm Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), để đàm phán các giải pháp liên quan đến thương mại, rào cản thương mại, thuế quan, thao túng tiền tệ và các hình thức phi thuế khác, các quốc gia này, theo lời đề nghị mạnh mẽ của tôi, đã không trả đũa Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào. Tôi cho phép tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày và áp dụng mức thuế đối ứng thấp hơn đáng kể, là 10%, trong thời gian này, hiệu lực ngay lập tức. Cảm ơn quý vị đã quan tâm đến vấn đề này!“, ông Trump chia sẻ trên Truth Social.

Quyết định của ông Trump được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Trung Cộng tuyên bố nâng thuế lên hàng hóa Mỹ lên mức 84%, và đúng nửa ngày sau khi hàng rào thuế quan của Washington với hầu hết đối tác thương mại chính thức có hiệu lực.

Giới phân tích cho rằng việc ông Trump tạm hoãn áp thuế với phần còn lại của thế giới thể hiện mong muốn đàm phán thương mại của tổng thống Mỹ, đồng thời tạo thêm thời gian để các đối tác chuẩn bị cho các kịch bản tiếp theo.

Ngược lại, việc đánh thuế mạnh tay với Trung Cộng phản ánh rõ quyết tâm của ông Trump cũng như của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang ngày càng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo tờ Wall Street Journal, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận trong thời hạn 90 ngày, tất cả các nước sẽ chịu mức thuế 10%, bao gồm cả Canada và Mexico – hai nước đã được miễn trừ khỏi thuế đối ứng trước đó. 

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng bổ sung rằng các mức thuế theo ngành, như thuế 25% với ô tô và thép, cũng sẽ được giảm xuống còn 10% trong thời gian này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Tưởng thưởng việc không trả đũa 

Theo Đài CNN, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết quyết định của ông Trump về việc hoãn thuế quan với các nước trừ Trung Cộng là tưởng thưởng cho các nước đã không chọn trả đũa.

Ông cho biết việc hoãn áp thuế đối ứng này sẽ tạo điều kiện để đàm phán các thỏa thuận thương mại mới.

“Ông ấy đã thể hiện sự can đảm lớn lao, rất lớn, khi kiên định cho đến thời điểm này”, ông Bessent nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngay sau khi ông Trump công bố tạm hoãn 90 ngày áp dụng các mức thuế đối ứng mới.

Bộ trưởng Bessent cũng cho biết mức thuế cho các quốc gia mong muốn đàm phán với Mỹ sẽ được giảm xuống còn 10%, bao gồm cả Canada và Mexico.

Mọi quốc gia trên thế giới muốn đến đàm phán, chúng tôi đều sẵn sàng lắng nghe” – ông nói thêm.

Ông cho biết chính quyền Mỹ kỳ vọng các nước sẽ mang đến cho Tổng thống Trump đề xuất tốt nhất của họ khi tìm cách điều chỉnh lại thương mại toàn cầu.

Chiến lược ngay từ đầu chứ không tùy tiện

Theo CNN, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã mô tả quyết định hoãn áp thuế của ông Trump là một phần trong kế hoạch dài hạn nhằm khuyến khích các nước đàm phán, chứ không phải hành động tùy tiện làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu.

“Đây là chiến lược được Tổng thống (Trump) vạch ra. Ông ấy và tôi đã có một cuộc thảo luận dài hôm chủ nhật, và đây là kế hoạch của ông ấy ngay từ đầu. Thậm chí có thể nói rằng ông ấy đã thúc Trung Cộng vào vị thế bất lợi. Họ đã đáp trả”, ông nói.

CNN trước đó đưa tin rằng ông Bessent đã đến dinh thự Mar-a-Lago vào hôm 6/4 để thảo luận với ông Trump về các mức thuế, khuyến khích ông tập trung vào mục tiêu cuối cùng là đạt được các thỏa thuận mới với nhiều quốc gia khác nhau.

Ông Bessent cũng cho biết Tổng thống Trump sẽ “đích thân tham gia” vào tất cả các cuộc đàm phán nhằm đạt được nhượng bộ.


Kinh tế gia: Thuế quan của TT Trump nhằm đàm phán thỏa thuận thương mại đôi bên đều thắng

Hôm thứ Ba (8/4), trong chương trình “Varney & Co” của đài Fox Business Network, ông Art Laffer, cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan, nhận định rằng cả thế giới và Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi từ các cuộc đàm phán thương mại phát sinh từ thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump.

Được biết ông Laffer và nhà bình luận truyền hình về kinh tế Stephen Moore viết một bài xã luận trên tờ Wall Street Journal, phát hành vào thứ Hai (7/4) với nhan đề “Chiến lược thoát khỏi thuế quan đôi bên cùng có lợi của [Tổng thống] Trump”.

Hôm thứ Ba (8/4), ông Laffer cho biết: “Chiến lược đôi bên cùng có lợi cho thấy [Tổng thống] Trump thực sự rất giỏi trong đàm phán”. Đồng thời ông cho biết, ông đồng ý với quan điểm của Tổng thống Trump rằng các quốc gia bị Hoa Kỳ áp mức thuế quan đối ứng “có mức thuế quan, các rào cản phi thuế quan và hạn ngạch cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ”. 

Vị cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Reagan giải thích: “Tuy nhiên, bây giờ những gì ông ấy [Tổng thống Trump] đã làm là đưa họ [những quốc gia nước ngoài] vào tình thế là họ sẽ mất quyền tiếp cận thị trường Hoa Kỳ nếu họ không khắc phục những bất bình đẳng mà họ đã gây ra. Và [Tổng thống] Trump là một nhà đàm phán bậc thầy, và tôi đang chứng kiến những quốc gia này đang gọi điện cho [Tổng thống] Trump – đây chính xác là những gì ông ấy làm một cách tuyệt vời và hoàn hảo – và tôi tin rằng ông ấy có thể đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do hơn, khiến thuế quan giảm xuống rất nhiều, thấp hơn nhiều so với hiện tại, chủ yếu bằng cách buộc những quốc gia đó hạ thuế quan của họ và chúng ta tiếp tục giữ mức thuế quan của chúng ta ở mức thấp hoặc thậm chí giảm xuống thấp hơn, và đây sẽ là chiến lược đôi bên cùng thắng”. 

Tuần trước, Tổng thống Trump đã công bố thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, bao gồm mức thuế quan cơ sở 10% và “mức thuế quan riêng cao hơn” đối với một số quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.

Hôm thứ Hai (7/4), phát biểu với người dẫn chương trình Larry Kudlow của đài Fox Business, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tiết lộ rằng “có 50, 60, thậm chí có thể là gần 70 quốc gia hiện đã tiếp cận chúng ta” để đàm phán thương mại sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế quan đối ứng vào ngày 2/4.

Nhận định về kết quả đàm phán các thỏa thuận thương mại mới giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác về thuế quan, ông Laffer tin tưởng: “Thế giới sẽ thịnh vượng. Chúng ta sẽ có một nền kinh tế tuyệt vời, và Hoa Kỳ sẽ ở trong trạng thái hoàn hảo, tuyệt vời để tăng trưởng kinh tế”. 

Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng Tổng thống Trump “đã” đe dọa áp thuế quan nhằm buộc các quốc gia khác phải đàm phán với Hoa Kỳ.

Ông Laffer tiếp tục: “Bây giờ chiến lược để thoát khỏi thuế quan là ông ấy [Tổng thống Trump]  không áp đặt những thuế quan đó nữa. Ông ấy sẽ loại bỏ những thuế quan đó. Ông ấy thậm chí còn giảm thuế quan của chúng ta đối với các quốc gia đó nếu họ xóa bỏ thuế quan của họ đối với chúng ta, và đó sẽ là chiến lược thoát khỏi thuế quan, một chiến lược có lợi cho cả hai bên”. 

Ông Laffer cảnh báo nếu các mức thuế quan mới có hiệu lực, duy trì trong thời gian dài và “chúng ta có sự leo thang trả đũa thuế quan mạnh mẽ”, thì đó sẽ là “thảm họa” cho cả Hoa Kỳ và nền kinh tế thế giới.

Hôm 2/4, Toà Bạch Ốc nhấn mạnh rằng các mức thuế quan đối ứng sẽ được duy trì “cho đến khi Tổng thống Trump quyết định rằng mối đe dọa do thâm hụt thương mại gây ra và các đối xử không có đi có lại tiềm ẩn đã được đáp ứng, giải quyết, hoặc giảm thiểu”. 

Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Argentina, Indonesia, Thái Lan và Campuchia nằm trong số hàng chục quốc gia đang theo đuổi chính sách đàm phán với chính quyền Trump để giải quyết vấn đề thuế quan đối ứng.


Tổng thống Ukraine tuyên bố bắt giữ 2 công dân Trung Cộng chiến đấu cho Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa thông báo đã bắt giữ 2 công dân Trung Cộng được cho là đang chiến đấu cho Lực lượng vũ trang Nga.

Ảnh chụp màn hình từ video cho thấy những công dân Trung Cộng sau khi bị Kiev bắt giữ

Trong bản cập nhật trên Telegram có nội dung thẩm vấn một trong những người đàn ông Trung Cộng bị bắt, ông Zelensky cho biết 2 người lính này bị bắt tại khu vực Donetsk của Ukraine cùng với các giấy tờ cá nhân, bao gồm cả thẻ ngân hàng. 2 người bị bắt đang bị Cơ quan An ninh Ukraine giam giữ.

Ông Zelensky không tiết lộ thời điểm những người đàn ông này bị bắt cũng như hoàn cảnh khi họ bị bắt.

Tổng thống Ukraine cáo buộc binh sĩ Trung Cộng đang chiến đấu trực tiếp tại Ukraine. “Chúng tôi hy vọng rằng sau diễn biến này, người Mỹ sẽ đàm phán trước với người Ukraine, sau đó là với người Nga. Chúng tôi rất hy vọng rằng phía Trung Cộng cũng sẽ phản ứng“, ông nói.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu tập đại biện lâm thời của Trung Cộng để bày tỏ sự lên án và yêu cầu giải thích về vấn đề này.

Tổng thống Ukraine cho biết “các hoạt động điều tra và hoạt động có liên quan đang được tiến hành”. Những người lính Trung Cộng sẽ bị thẩm vấn về lý do họ đến chiến đấu cho Nga ở Ukraine. Ông đồng thời kêu gọi phản hồi từ Mỹ và Châu Âu.


Nam Hàn nổ súng cảnh cáo lính Triều Tiên

Quân đội Nam Hàn thông báo nổ súng cảnh báo nhóm quân nhân Triều Tiên vượt qua đường phân giới quân sự tại khu vực biên giới.

Lính Bắc Hàn đang bảo trì hàng rào vùng phi quân sự. Ảnh Yonhap

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn (JCS) thông báo khoảng 10 quân nhân Triều Tiên lúc 17h (giờ địa phương) ngày 8/4 vượt sang phía nam đường phân giới quân sự. Binh sĩ Nam Hàn phát loa và bắn cảnh cáo, nhóm quân nhân Triều Tiên sau đó trở lại phía bắc đường phân giới.

“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các động thái của quân đội Triều Tiên và thực hiện những biện pháp cần thiết theo đúng quy trình tác chiến”, JCS tuyên bố, song chưa công bố lý do nhóm quân nhân Triều Tiên vượt sang phía nam đường phân giới.

Triều Tiên chưa bình luận về thông tin trên.

Đường phân giới quân sự, còn được gọi là đường đình chiến, là đường phân định trên bộ giữa Triều Tiên và Nam Hàn. Ở hai bên đường này là khu phi quân sự được thiết lập theo hiệp định đình chiến ký tại Bàn Môn Điếm tháng 7/1953.

Quân đội Nam Hàn tháng 6/2024 thông báo một nhóm quân nhân Triều Tiên vượt qua đường phân giới quân sự xuống phía nam. Binh sĩ Nam Hàn phát loa và bắn cảnh cáo, nhóm quân nhân Triều Tiên sau đó quay về phía bắc. Giới chức Nam Hàn sau đó đánh giá rằng những người lính này đang mang theo công cụ xây dựng và không cố ý xâm phạm biên giới.

Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên gần đây gia tăng khi Triều Tiên đẩy mạnh thử vũ khí và đưa ra các thông điệp răn đe, còn Nam Hàn cũng tăng cường tập trận chung với đồng minh Mỹ.

Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Nam Hàn vẫn trong tình trạng chiến tranh, sau khi cuộc chiến 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình.


TT Trump nói Mỹ ‘đang đàm phán trực tiếp’ với Iran về thỏa thuận hạt nhân

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ đàm phán trực tiếp với Iran nhằm ngăn chặn nước này sở hữu bom hạt nhân, đồng thời cảnh báo Tehran về hậu quả thảm khốc nếu thỏa thuận không thành.

Chúng tôi đang đàm phán trực tiếp với Iran và mọi thứ đã bắt đầu. Vào ngày 12/4 tới, chúng tôi có một cuộc họp rất lớn, và chúng tôi sẽ xem điều gì có thể xảy ra“, Tổng thống Trump nói với các phóng viên khi ngồi cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục (Mỹ) ngày 7/4.

Ông Trump cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm tránh các cuộc tấn công quân sự của Mỹ hoặc Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran. “Tôi nghĩ nếu các cuộc đàm phán với Iran không thành công, Iran sẽ gặp nguy hiểm lớn… bởi vì họ không thể có vũ khí hạt nhân”, The Guardian dẫn lời ông Trump nói.

Vị tổng thống Mỹ không đưa ra chi tiết về nơi diễn ra các cuộc đàm phán hoặc những quan chức nào sẽ tham gia tiến trình này.

Trong nhiệm kỳ đầu (2017 – 2021), Tổng thống Trump đã áp đặt lại các lệnh trừng phạt nghiêm khắc lên Iran sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Cộng và Đức).

Về phần mình, vài giờ trước tuyên bố của ông Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei cho biết nước này đang chờ phản hồi của Mỹ đối với đề xuất đàm phán gián tiếp mà họ đưa ra, tin rằng Iran đang đưa ra một lời đề nghị hào phóng, có trách nhiệm và danh dự.

Iran trước đó bác bỏ yêu cầu đàm phán trực tiếp của Tổng thống Trump, nhưng nước này muốn tiếp tục đàm phán gián tiếp thông qua Oman. Iran cũng liên tục phủ nhận mọi ý định chế tạo bom hạt nhân và cho biết chương trình của họ chỉ nhằm mục đích hoàn toàn dân sự.


Không quân Mỹ và Philippines tập trận chung tăng cường khả năng răn đe (RFI)

Hôm 07/04/2025, Malina thông báo không quân Philippines và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến và « răn đe chiến lược ».

Theo AFP, trong lễ khai mạc cuộc tập trận mang tên « Cope Thunder », tư lệnh không quân Philippines Arthur Cordura cho biết, mục đích chính của cuộc diễn tập là nhằm « cải thiện khả năng chuẩn bị chiến đấu và hiệu quả của các nhiệm vụ chung » của quân đội 2 nước.

Về phần mình, tướng Mỹ Christopher Sheppard phát biểu tại buổi lễ khẳng định : « Nhịp độ liên minh của chúng ta đang tăng tốc ».

Theo không quân Philippines, cuộc tập trận « Cope Thunder », sẽ diễn ra từ hôm nay đến ngày 18 tháng 4, nhằm cải thiện khả năng phối hợp tác chiến và răn đe chiến lược. Cuộc tập trận dự kiến ​​diễn ra ở phía bắc đảo Luzon, khu vực gần Đài Loan nhất của Philippines.

Cuộc tập trận thường niên có tên gọi « Balikatan » lớn hơn, phối hợp các binh chủng hải, lục không quân  của quân đội hai nước cũng được lên kế hoạch vào cuối tháng 4 này.

Tuần trước, khi Trung Cộng tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn mô phỏng phong tỏa Đài Loan, tư lệnh quân đội Philippines Romeo Brawner nhận định, trong trường hợp đảo Đài loan bị xâm lược, việc Philippines bị cuốn vào cuộc chiến tranh này là điều « không thể tránh khỏi ». Tuy nhiên sau đó Manila đã diễn giải lại rằng các bình luận trên muốn liên hệ đến việc triển khai quân đội để hồi hương kiều dân Philippines làm việc tại Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột.

Từ năm 2022,  Philippines và Mỹ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Hai bên đã ký một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự tại Philippines.

Trong chuyến công du Philippines mới đây, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố Washington đã « nỗ lực gấp  bội » để  tăng cường mối quan hệ đồng minh với Philippines.

Tuần trước Hoa kỳ thông báo đã thông qua quyết định bán cho Philippines 20 chiến đấu cơ F-16, dù Manila cho biết là hợp đồng này vẫn đang trong « giai đoạn đàm phán ».

Nhiều tháng gần đây, giữa Philippines và Trung Cộng đã xảy ra nhiều căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.


Giao tranh tại Myanmar tiếp diễn bất chấp tuyên bố ngừng bắn sau động đất (BBC)

Giao tranh vẫn tiếp diễn tại Myanmar dù chính quyền quân sự và liên minh các nhóm nổi dậy đã tuyên bố ngừng bắn tạm thời để hỗ trợ công tác cứu trợ sau động đất.

Tính đến thứ Sáu (4/4), quân đội chính phủ đã tiến hành ít nhất 14 cuộc tấn công kể từ khi các tuyên bố ngừng bắn có hiệu lực, theo các báo cáo mà Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhận được.

Quân đội cáo buộc hai nhóm nổi dậy trong liên minh đã tuyên bố ngừng bắn là thủ phạm của các cuộc tấn công. Một trong các nhóm này cho biết giao tranh đã bùng phát nhằm đáp trả các “cuộc tấn công” từ phía quân đội.

Thiếu tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn hội đồng quân sự, đã phát đi thông cáo rằng “chúng tôi sẽ đáp trả nếu các căn cứ quân sự bị tấn công vô cớ”. Người phát ngôn quân đội không phản hồi yêu cầu bình luận từ BBC Tiếng Miến Điện.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk kêu gọi “chấm dứt mọi hoạt động quân sự” và tập trung “hỗ trợ những người bị ảnh hưởng do động đất, cũng như đảm bảo cho các tổ chức nhân đạo được tiếp cận mà không bị cản trở” sau trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra hôm 28 tháng 3.

Một cuộc nội chiến vẫn đang diễn ra giữa chính quyền quân sự – lực lượng đã giành quyền kiểm soát trong cuộc đảo chính năm 2021 – và các nhóm vũ trang sắc tộc cùng lực lượng kháng chiến trên khắp cả nước.

Hội đồng quân sự tuyên bố ngừng bắn trong 20 ngày kể từ ngày 2 tháng 4, sau khi liên minh gồm ba nhóm nổi dậy thông báo ngừng bắn riêng.

Theo truyền thông nhà nước, số người thiệt mạng chính thức do trận động đất tại Myanmar đã tăng lên tới con số 3.564 người tính đến thứ Hai (7/4). Ngoài ra, còn có 5.012 người bị thương và 210 người vẫn đang mất tích.

Hơn một tuần sau trận động đất, các nhân viên cứu hộ cứu nạn vẫn đang tìm thấy thi thể trong đống đổ nát của các tòa nhà bị sập ở Mandalay vào cuối tuần qua, theo truyền thông nhà nước.

Mưa cũng đã xuất hiện vào cuối tuần, điều mà các tổ chức cứu trợ lo ngại có thể cản trở công tác cứu hộ.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm thứ Sáu cho biết dù các nỗ lực nhân đạo đã có tiến triển ở những khu vực được phép tiếp cận, nhưng “các biện pháp hạn chế kéo dài do quân đội áp đặt đối với hoạt động cứu trợ và việc tiếp cận” khiến nhiều khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng “vẫn chưa thể tiếp cận được để cung cấp hỗ trợ khẩn cấp – trừ những gì người dân địa phương có thể tự tổ chức”.

Ông Tom Fletcher, lãnh đạo cơ quan nhân đạo Liên Hợp Quốc, nói trong một video quay tại Mandalay hôm thứ Bảy (5/4) rằng người dân “cần lương thực. Họ cần nước. Họ cần có điện trở lại. Họ nói với tôi rằng họ cần chỗ trú ẩn”.

Dư chấn vẫn tiếp diễn, với một trận động đất 4,9 độ được ghi nhận vào cuối tuần, và người dân đang “sống trong nỗi ám ảnh đó”, ông nói thêm. Trước khi trận động đất xảy ra, đã có gần 20 triệu người trong cộng đồng này sống trong tình cảnh cần được hỗ trợ.


Quân đội Mỹ có thể được cấp ngân sách 1.000 tỷ USD

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông báo Ngũ giác đài sẽ được cấp khoảng 1.000 tỷ USD ngân sách, mức chi cao kỷ lục dành cho cơ quan này.

Hãy cùng đón chờ: Lần đầu tiên ngân sách Bộ Quốc phòng Mỹ đạt 1.000 tỷ USD. Tổng thống Donald Trump đang hành động mau chóng để xây dựng lại quân đội chúng ta. Mọi đồng tiền thuế của người dân sẽ được chi tiêu thông minh, tập trung cho vũ khí sát thương và khả năng sẵn sàng chiến đấu“, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ngày 8/4 thông báo trên X.

Trước đó vài tiếng, Tổng thống Trump nêu thông tin tương tự trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục. Ông Trump nói ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2026 sẽ “rơi vào khoảng” 1.000 tỷ USD, tăng vọt so với mức 850 tỷ USD dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm nay.

Tổng ngân sách cho tất cả các chương trình an ninh quốc gia năm tài khóa 2025, bao gồm chi cho quân đội Mỹ, phát triển vũ khí hạt nhân và các cơ quan an ninh khác là 892 tỷ USD.

“Chúng tôi sẽ phê duyệt gói ngân sách lớn nhất tính đến nay cho quân đội”, ông Trump tuyên bố. “Khoảng 1.000 tỷ USD. Chưa từng có tiền lệ. Chúng ta đang xây dựng một đội quân rất, rất mạnh. Nhiều vũ khí và trang thiết bị đã được đặt hàng“.

Tuyên bố của ông Trump và Hegseth gây bất ngờ vì dự thảo ngân sách liên bang phải đến cuối tháng 5 mới được công bố, và năm tài khóa mới sẽ bắt đầu được tính từ tháng 10.

Ông Trump ám chỉ Mỹ có thể cân đối ngân sách và tăng chi cho Ngũ giác đài là nhờ các khoản tiết kiệm đã được Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) rà soát, tuy nhiên ông không nêu rõ những hạng mục nào bị cắt giảm để nhường ngân sách cho Ngũ giác đài.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu 8% mỗi năm trong vòng 5 năm để tái đầu tư vào hiện đại hóa, đồng thời cắt giảm hàng chục nghìn nhân viên dân sự và hợp nhất một số căn cứ quân sự hải ngoại.


Chính quyền Mỹ ‘khôi phục một số chương trình viện trợ nước ngoài’ (BBC)

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba (8/4) đã có động thái khôi phục ít nhất sáu chương trình viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ đã bị tạm ngưng gần đây để hỗ trợ lương thực khẩn cấp, sáu người có thông tin về vấn đề này nói với hãng tin Reuters.

Quyền Phó Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông Jeremy Lewin — người trước đó từng được xác định là thành viên của Bộ phận Hiệu quả Chính phủ (Doge) do tỷ phú Elon Musk thành lập — đã yêu cầu nhân viên đảo ngược các quyết định cắt giảm trong một email nội bộ.

Ông đã yêu cầu khôi phục các khoản viện trợ dành cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Lebanon, Syria, Somalia, Jordan, Iraq và Ecuador.

Chính quyền Trump cũng đã khôi phục bốn khoản viện trợ cho Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại khu vực Thái Bình Dương.

Theo Stand Up For Aid, một nhóm vận động của các quan chức Mỹ hiện tại và trước đây, các hợp đồng của WFP bị hủy theo lệnh của ông Lewin vào cuối tuần trước cho Lebanon, Syria, Somalia và Jordan có giá trị tổng cộng hơn 463 triệu đô la.

Nhiều chương trình bị chấm dứt trước đó đã được Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cấp miễn trừ sau vòng cắt giảm viện trợ nước ngoài đầu tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết những quyết định đó không mang tính cuối cùng.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về việc khôi phục các chương trình viện trợ.

Mỹ đã không khôi phục viện trợ cho Afghanistan do Taliban cai trị và Yemen, phần lớn do các chiến binh Hồi giáo của phong trào Houthi do Iran hậu thuẫn kiểm soát. Washington là nhà tài trợ viện trợ lớn nhất cho cả hai quốc gia này, những quốc gia đã phải chịu đựng nhiều năm chiến tranh tàn khốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce hôm thứ Ba đã nói với các phóng viên rằng Mỹ lo ngại rằng nguồn tài trợ của WFP cho Yemen và Afghanistan đang mang lại lợi ích cho Houthis và Taliban.

Có một vài chương trình ở các quốc gia khác đã bị cắt giảm dù không nằm trong kế hoạch, nhưng sau đó đã được khôi phục và triển khai trở lại,” ông Bruce nói, đồng thời cho biết thêm rằng chính quyền hiện tại vẫn cam kết với viện trợ nước ngoài.

Tại Việt Nam, Chương trình hợp tác rà phá bom mìn, giải quyết hậu quả chiến tranh với sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ cũng đã được khởi động lại, theo đại diện Tập đoàn Meta (công ty mẹ của Facebook) trong cuộc gặp với các doanh nghiệp Mỹ và giới báo chí hôm 18/3.

Dự án này từng bị tạm ngưng kể từ ngày 25/2 năm nay, sau khi ông Trump cắt viện trợ của USAID, khiến hơn 1.000 người làm việc rà phá bom mìn tại Việt Nam mất việc tạm thời.

Trong số các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh đã được khởi động lại, có dự án ”tẩy độc sân bay Biên Hòa”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết trong họp báo ngày 20/3.


TIN VIỆT NAM.

Một vị cao tăng Tây Tạng qua đời khi bị csVN giam giữ

Chính phủ lưu vong của Tây Tạng hôm 8 tháng 4 đã đưa ra một thông cáo báo chí, thông báo về cái chết của cao tăng Tulku Hungkar Dorje, trụ trì một tu viện và là một nhà giáo dục nổi tiếng.

Vị cao tăng sinh năm 1969 được cho là đã qua đời ở Thành phố Saigon vào ngày 29 tháng 3, tuy nhiên phải đến tận ngày 3 tháng 4 thì tin tức mới được loan tải.

Tulku Hungkar Dorje được nhìn thấy trong bức ảnh không có ngày tháng. Nguồn: RFA

Theo nguồn tin từ Tây Tạng, chính quyền Trung cộng đã triệu tập bảy vị sư từ Tu viện Lung Ngon, do cao tăng Tulku Hungkar Dorje làm trụ trì, để thông báo về cái chết của ông.

Chính phủ lưu vong Tây Tạng cho biết vị cao tăng này đã tới Việt Nam từ tháng 9 năm 2024 để tránh sự truy bức của Băc kinh. Nhưng sau đó đã bị công an Việt Nam và Trung cộng phối hợp bắt giữ tại nhà riêng ở Saigon vào tháng 3 năm 2025. Và qua đời ba tuần sau đó.

Phía Trung cộng không cho biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông, trong khi truyền thông lẫn chính quyền Việt Nam hoàn toàn im lặng cho tới thời điểm này.

Cao tăng Tulku Hungkar Dorje, danh hiệu “Tulku” trong Phật giáo Tây Tạng ám chỉ một người đã tái sinh, đã biến mất ngay sau buổi thuyết giảng trước công chúng vào ngày 21 tháng 7 năm 2024.

Các quan chức Trung cộng sau đó đã áp đặt các hạn chế đối với các nhà sư của tu viện và người dân Tây Tạng địa phương, cấm mọi cuộc thảo luận công khai về vụ mất tích và cấm chia sẻ các bài giảng của ngài dưới dạng âm thanh hoặc video, các nguồn tin cho biết.

Khi các nhà sư được thông báo về sự ra đi của vị trụ trì vào thứ Tư, họ đã phải ký vào một văn bản của chính phủ xác nhận cái chết của ông, nhưng các quan chức Trung cộng đã không tiết lộ điều gì đã xảy ra với hài cốt của vị cao tăng, cũng như nơi ông ở trong những tháng ông mất tích.

Người dân ở Tây Tạng đã lên các nền tảng mạng xã hội để bày tỏ sự thương tiếc về cái chết của ông và viết những lời tri ân đầy xúc động, tưởng nhớ những đóng góp của ông trong việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng, hỗ trợ hàng nghìn người dân thiệt thòi và thành lập các trường học tư thục ở Tây Tạng. (RFA)


Ngay cả khi tồn tại tính độc lập, cơ quan này cũng bị đặt dấu hỏi

Báo chí trong nước hôm 4 tháng 4 đưa tin Bộ Công an muốn sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình, và đã gửi tờ trình lên chính phủ.

Điều đáng chú ý là trong dự thảo luật sửa đổi này, Bộ Công an muốn khai tử Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, vốn có nhiệm vụ điều tra tư pháp.

“Đây cũng là một cơ quan điều tra, nhưng đối tượng của nó là những hoạt động tư pháp, gồm hoạt động của cơ quan cánh sát điều tra, cơ quan an ninh điều tra, hoặc của chính nó, hoặc là của tòa án.” Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có 30 năm hành nghê luật sư ở Việt Nam cho RFA biết.

Hiểu một cách đơn giản, cơ quan mà Bộ Công an đang muốn khai tử, có nhiệm vụ giám sát hoạt động của chính Bộ Công an, cụ thể là trong lĩnh vực điều tra.

Tranh luận đã nổ ra trong giới luật sư và những người quan tâm đến lĩnh vực tư pháp ở Việt Nam.

Một bên bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm dụng quyền lực của Bộ Công an trong hoạt động điều tra nếu mất đi sự giám sát. Luồng ý kiến còn lại cho rằng cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vốn dĩ đã không thực thi quyền hành của mình, vì vậy nếu bị khai tử cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động tư pháp.

“Ví dụ nếu người dân muốn tố cáo cán bộ công an hoặc quan chức ngành tòa án tội nhận hối lộ, thì sẽ rất khó để tố cáo tới cơ quan công an, vì họ có thể bao che, bảo kê cho nhau.” Luật sư Nguyễn Văn Đài, một trong những người bày tỏ sự lo ngại đối với đề nghị bỏ cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát, cho RFA biết.

Ông cũng chứng minh sự cần thiết của cơ quan này bằng việc nêu ra trường hợp ông Trần Tiến Quang, cựu Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng bị bắt vì tội làm sai lệch hồ sơ vụ án hồi năm 2021, vụ án này do cơ quan điều tra của Viện Kiếm sát thực hiện.

Nếu bỏ đi cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát thì “các cơ quan điều tra của Bộ Công an, từ trung ương tới tỉnh, sẽ lộng quyền hơn. Và người dân sẽ không còn chỗ dựa để tố cáo.“ Luật sư Nguyễn Văn Đài kết luận.

Ở chiều ngược lại, luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng việc bỏ đi chức năng điều tra của Viện Kiểm sát sẽ “không tạo ra thay đổi gì“.

“Hiện giờ, các cơ quan của chính quyền đang rối tung hết, không ai làm đúng chức năng của mình. Thậm chí cơ quan nào muốn làm đúng chức năng, nhưng Đảng mà can thiệp thì cũng như không.” Luật sư Mạnh nói thêm.

Ông cũng cho rằng vốn dĩ cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát đã rất ít khi thực hiện thức năng của mình. Nên có hay không cũng không ảnh hưởng gì. Điều mấu chốt, theo luât sư Đặng Đình Mạnh, nằm ở tính độc lập của các cơ quan tư pháp, khỏi sự can thiệp chính trị từ Đảng.

Đồng tình với quan điểm trên, một luật sư đang hành nghề tại Việt Nam trao đổi với RFA dưới điều kiện ẩn danh, rằng “việc tranh luận giữ hay bỏ Cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao sẽ không có hồi kết nếu không đặt lại vấn đề cốt lõi ai có thẩm quyền điều tra các vi phạm trong hoạt động tư pháp một cách độc lập và khách quan.”

Đảng Cộng sản vẫn thực hiện quyền kiểm soát tuyệt đối đối với các hoạt động điều tra, khởi tố, và xét xử ở Việt Nam. Mỗi cơ quan, từ công an, kiểm sát, và tòa án đều được đặt dưới sự lãnh đạo bởi Đảng ủy nội bộ. Ngoài ra, ba cơ quan này còn được giám sát phối hợp bởi ngành Nội chính, một cơ quan khác của Đảng có vai trò kiểm soát lĩnh vực tư pháp.

Vị luật sư ẩn danh kết luận “nếu các cơ quan không được thực thi quyền lực một cách độc lập, thượng tôn pháp luật, mà vẫn đặt dưới sự chỉ đạo, can thiệp trực tiếp của Đảng, thì mọi cải cách tư pháp sẽ vẫn chỉ là hình thức.”


Nhiều doanh nghiệp Trung Cộng điêu đứng vì Mỹ đánh thuế Việt Nam

Hoa Kỳ đã bắt đầu thu 46% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Việt Nam vào nửa đêm ngày 8 tháng 4 giờ địa phương, tức 11h sáng ngày 9 tháng 8 giờ Việt Nam.

Điều này được dự báo sẽ tác động tiêu cực tới năng lực xuất khẩu của Việt Nam, và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, vốn theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Nhưng không chỉ một mình các doanh nghiệp Việt Nam mới bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mà ông Trump đưa ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tỏ ra vô cùng lo lắng trước con số 46% thuế mà hàng hóa xuất cảng từ Việt Nam phải chịu khi vào thị trường Mỹ.

Bà Gong, giám đốc một công ty tại Quảng Châu chuyên xuất khẩu tai nghe Bluetooth và các sản phẩm điện tử khác, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RFA vào thứ Hai (ngày 7 tháng 4) rằng hầu hết các công ty ở Quảng Đông đang giao dịch với Hoa Kỳ đã ngừng chấp nhận đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ do rào cản thuế quan. Bà cho biết thêm:

Tôi đã ăn tối với những người trong ngành hôm qua. Sản phẩm của họ trước đây được xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ Việt Nam. Bây giờ nhiều đơn hàng về cơ bản không được chấp nhận. Họ đã dừng lại và đang chờ xem tình hình sẽ nghiêm trọng đến mức nào. Hiện tại, chúng tôi biết rằng Quảng Châu và Quảng Đông đang tạm thời không chấp nhận đơn hàng.

Trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã lũ lượt xây dựng nhà máy ở Việt Nam để tránh mức thuế cao mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc.

Bà Gong cũng cho biết, một công ty Hồng Kông gần nhà bà vừa chuyển nhà máy đến TP.HCM, Việt Nam, và hiện đang tuyển dụng lao động địa phương, nhưng việc Hoa kỳ đột nhiên áp thuế cao đang khiến nhà máy gặp rắc rối: “Họ vừa xây dựng nhà máy tại Việt Nam và đang chuẩn bị khởi động trong hai ngày qua. Nhưng giờ Mỹ đã tăng thuế lên 46% ngay cả ở Việt Nam, nên không thể tránh khỏi mức thuế cao, các khoản đầu tư trước đây giờ trở nên vô ích”.

Trung cộng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, “chiếm 19% trong tổng vốn FDI tại Việt Nam” trong năm 2024 theo Trung Tâm WTO.

Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam tiếp tay cho hàng hóa Trung Quốc tuồn vào thị trường Mỹ để né thuế, do vậy đã áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa xuất cảng từ Việt Nam.

Tại Trung cộng, bà Li, một thương nhân Quảng Đông chuyên xuất khẩu sản phẩm điện tử sang Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RFA, rằng mức thuế quan mới của Hoa Kỳ đã khiến những người trong ngành Trung cộng lo lắng và mất phương hướng, và bà than thở rằng “mọi thứ đều phụ thuộc vào số phận”.

Bà cho biết công ty đã điều chỉnh chiến lược và chuyển đơn hàng sang Việt Nam: “Xuất khẩu thương mại nước ngoài của Trung cộng chỉ có thể đi theo con đường vòng, bằng cách nhận đơn hàng tại Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa từ Đông Nam Á, chẳng hạn như Việt Nam, với các nhà máy tại Việt Nam và nơi sản xuất cũng tại Việt Nam. Nhưng các nhà sản xuất Quảng Đông không thể nhận được đơn hàng”. (RFA)

Về mức thuế 46% mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam, bà Li tin rằng chính phủ Việt Nam sẽ thỏa hiệp với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực khác để giảm thuế, và những ngày tới là rất quan trọng. Bà cũng cho biết: “Hiệu suất của các nhà máy Việt Nam không cao bằng Quảng Đông. Tuy nhiên, thực sự không có cách nào để vận chuyển hàng hóa từ Trung cộng đến Việt Nam rồi đến Hoa Kỳ”.

Trung cộng hiện đang là nước gánh chịu mức thuế cao nhất, nước này ban đầu bị đánh thuế 20%, sau đó nâng lên 54%, đỉnh điểm là khi chính quyền Trung công đáp trả đòn thuế quan của Mỹ, thì tổng thống Donald Trump đã áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên tới 104%.


ADB dự báo tăng trưởng GDP 2025 Việt Nam năm 2025 chỉ 6,6%

“Việc Hoa Kỳ công bố áp thuế gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay”, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.

Thương mại mạnh mẽ, sản xuất xuất khẩu hồi phục và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Sang đến quý I/2025, theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025.

“Tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, sản xuất cho xuất khẩu phục hồi tích cực và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024”, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, nhận định.

Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý I/2025 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP , nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội nước ta. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70% , đóng góp 53,74%.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về triển vọng phát triển châu Á – Thái Bình Dương, các chuyên gia đánh giá, những bất ổn toàn cầu và các rào cản pháp lý vẫn là những rủi ro suy giảm đáng kể trong năm nay. Dù vậy, trong hai năm tới, tăng trưởng được dự báo sẽ duy trì vững chắc với mức lạm phát tăng nhẹ.

Theo đó, ADB dự báo, GDP Việt Nam sẽ  tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026, sau khi tăng mạnh ở mức 7,1% vào năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ được sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2025, nhờ gia tăng du lịch trong nước và quốc tế cũng như các ngành công nghiệp công nghệ. Song, mức dự báo này được các chuyên gia ADB tính toán trước khi Hoa Kỳ công bố các biện pháp thuế quan.

“Việc Hoa Kỳ công bố áp thuế gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Điều này cần phải theo dõi thêm trong thời gian tới”, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.

Đánh giá về các rủi ro từ bên ngoài đối với kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng ADB cho biết, môi trường kinh tế toàn cầu thay đổi, chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các tuyên bố về mức thuế gần đây của Hoa Kỳ và căng thẳng địa chính trị, đặt ra những thách thức lớn đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng hướng đến xuất khẩu, chẳng hạn như Việt Nam.

Mặc dù thuế quan toàn cầu tăng, nhu cầu đối với các hàng hóa nông sản và các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp duy trì xuất khẩu. Nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng vững chắc ở mức 3,2% trong năm 2025. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế và thiếu hụt về cơ sở hạ tầng vẫn là những thách thức của ngành. Cải thiện năng suất thông qua công nghệ và quản lý thuế quan toàn cầu đang ngày càng tăng trong khi vẫn duy trì giá cả cạnh tranh là chìa khóa để duy trì tăng trưởng xuất khẩu.

Những bất ổn bên ngoài—như leo thang thuế quan, các biện pháp trả đũa, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine và tình trạng bất ổn đang tiếp diễn tại Trung Đông—có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn tới trung hạn.

Thêm vào đó, sự tăng trưởng chậm lại tại Hoa Kỳ và Trung Quốc, các đối thương mại lớn của Việt Nam, có thể ảnh hưởng hơn nữa tới triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Lý giải về mức dự báo thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là trên 8% mang tính định hướng và đi kèm với đó là những chiến lược cần thiết để đạt 8%.

Ông Hùng nói thêm, đánh giá của ADB cũng đưa mục tiêu tăng trưởng 8% mà Chính phủ đặt ra vào làm một tham số nhưng tham số này cũng phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả thực hiện.

“Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cần dựa trên rất nhiều yếu tố. Vì vậy, thời gian còn lại của năm sẽ là giai đoạn để chúng ta xem hiệu quả thực hiện đến đâu. Và điều này cũng cho thấy vẫn còn dư địa để kích thích tăng trưởng nếu những biện pháp này được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả”, ông Hùng cho biết. (CafeF)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 31/3, 1-2/4/2025
  • Chấm dứt chiến tranh Ukraina: Tổng thống Trump dường như hết kiên nhẫn
  • Tổng thống Zelensky sắp tổ chức cuộc họp về việc lực lượng quốc tế bảo đảm an ninh cho Ukraina
  • "Ngày Giải phóng": Mỹ tăng thuế quan với toàn thế giới
  • Mỹ và thuế đối ứng: "Big Bang" trong thương mại toàn cầu
  • Marine Le Pen bị tước quyền ứng cử: Phản ứng mạnh mẽ của phe cực hữu Pháp và quốc tế
  • Thổ Nhĩ Kỳ: Biểu tình lớn đòi tự do cho thị trưởng Istanbul, thắng lợi vẻ vang của đảng đối lập CHP
  • Mỹ thị uy sức mạnh ở Trung Đông, điều thêm hàng không mẫu hạm, máy bay quân sự
  • Số người thiệt mạng vì động đất ở Myanmar tăng lên hơn 2.800
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth đến Nhật Bản, nhấn mạnh liên minh Mỹ-Nhật
  • Trung Cộng bất ngờ tập trận mô phỏng tấn công các cơ sở hạ tầng chiến lược của Đài Loan
  • Tổng Bí thư Tô Lâm phá bỏ thành trì cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản?
  • Ủy viên Bộ Chính trị gặp mặt trí thức ‘bất đồng chính kiến’
  • Nguy cơ phá sản hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam
  • Cựu tù nhân chính trị tố bị công an lắp camera giám sát trong nhà
  • CSVN giam giữ 81 tù nhân tôn giáo
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 24-25-26/3/2025.
  • Phái đoàn Ukraina và Mỹ họp tại Ả Rập Xê Út trước cuộc đàm phán với Nga
  • Chiến tranh Ukraina: Đàm phán Mỹ-Nga về ngừng bắn có thể kéo dài
  • Kyiv bất ngờ có bước tiến với chiến dịch ở Luhansk
  • Mỹ công bố thỏa thuận ngừng bắn trên biển giữa Nga và Ukraine
  • Israel đẩy mạnh chiến dịch trên bộ ở Gaza
  • Tình báo Mỹ: Trung Cộng là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Hoa Kỳ
  • Xung đột Nga - Ukraine: Giám đốc CIA nói quân đội Ukraine sẵn sàng chiến đấu bằng tay không nếu cần
  • Trung Cộng tích cực "mua chuộc" người dân Đài Loan làm gián điệp
  • Tòa án Hiến pháp Nam Hàn trì hoãn phán quyết luận tội Tổng thống Yoon
  • Mỹ thử nghiệm thành công hoả tiễn tầm xa thiết kế riêng cho mặt trận Thái Bình Dương
  • Gaza: Đảng Fatah kêu gọi Hamas từ bỏ quyền lực vì “tồn vong của người Palestine”
  • CsVN loan báo sẽ sửa Hiến Pháp
  • CsVN loan báo sắp xếp lại 62 đơn vị hành chính cấp Tỉnh, Thành phố
  • Hà Nội 'di chuyển' hàng chục cây xanh ven Hồ Gươm, nhiều người phản đối
  • Thành viên thứ hai của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên bị bắt tạm giam
  • Dân số giảm, csVN khuyến khích sinh thêm con
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 17-18-19/3/2025.
  • Điện đàm Trump - Putin: Nga từ chối đề xuất ngừng bắn toàn diện 30 ngày với Ukraina
  • Pháp, Đức yêu cầu Ukraina phải được tham gia đàm phán về ngừng bắn
  • Các nước lên tiếng về thỏa thuận ngừng bắn hạn chế ở Ukraine
  • TT Trump điện đàm với TT Zelensky
  • Truyền thông Nga loan báo những điểm chính trong cuộc điện đàm Trump-Putin
  • Quân nổi dậy Houthi tấn công tàu sân bay Mỹ để trả đũa vụ oanh kích thủ đô Yemen
  • Israel oanh kích trở lại vào Gaza làm hơn 900 người chết
  • Các phi hành gia đã hạ cánh an toàn trong khoang tàu SpaceX sau 9 tháng trên ISS
  • Tổng thống Macron thông báo đầu tư tăng cường năng lực răn đe Nguyên tử của Pháp
  • Nguy cơ Mỹ áp thêm thuế lên hàng hóa Việt Nam để giảm thâm hụt thương mại
  • Phương án 34 tỉnh được lan truyền trên mạng trông thế nào?
  • Đài truyền hình Huế xin lỗi vì phát chương trình có cờ Việt Nam Cộng Hòa
  • Bộ Công an tổ chức sự kiện tôn vinh bố của ông Tô Lâm
  • Mỹ công bố kết quả điều tra sơ bộ về chống trợ cấp đối với sản phẩm sợi đúc nhiệt từ Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 10-11-12/3/2025
  • Ukraine sẵn sàng ngừng bắn, áp lực lên vai Putin
  • Lãnh đạo quân đội 30 nước họp tại Paris bàn về "bảo đảm an ninh" cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Nga vẫn muốn duy trì lợi thế quân sự, chưa sẵn sàng ngưng bắn
  • Cựu tổng thống Philippines Duterte bị bắt vì ''tội ác chống nhân loại''
  • Iran, Nga và Trung Cộng bắt đầu các cuộc tập trận chung trên biển
  • Trung Cộng vượt xa Hoa Kỳ về số lượng tàu quân sự, tàu thương mại
  • Bạo lực chưa từng có tại Syria kể từ khi chế độ Assad sụp đổ
  • Đức Đạt Lai Lạt Ma nói người kế nhiệm ông sẽ sinh ra bên ngoài Trung Cộng
  • Mỹ hoàn tất thanh lọc USAID, cắt bỏ 83% các chương trình của USAID
  • Hạ viện thông qua dự luật cấp ngân sách tạm cho chính phủ
  • Quốc hội Việt Nam sẽ sửa Hiến pháp cho kế hoạch tinh gọn chính phủ trong kỳ họp tháng 5
  • Việt Nam sẽ ký các thỏa thuận với Mỹ trong tuần này
  • Mỹ rút khỏi thỏa thuận JETP Việt Nam
  • Vingroup muốn sớm lấn biển Cần Giờ để làm du lịch
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 3-4-5/3/2025
  • Ukraine nói sẽ làm mọi cách có thể để duy trì quan hệ với Hoa Kỳ sau khi Trump tạm dừng viện trợ
  • Trước Quốc Hội, TT Trump thông báo Ukraina sẵn sàng đàm phán với Nga, ký thỏa thuận khoáng sản với Mỹ
  • TT Mỹ muốn tái khởi động dự án ống dẫn khí đốt từ Alaska đến châu Á
  • Kênh đào Panama: Công ty Hồng Kông nhượng quyền khai thác cảng cho đối tác Mỹ
  • Thượng đỉnh Luân Đôn: Kiev được an ủi nhưng vẫn không hết lo lắng
  • Trung Cộng tăng ngân sách quốc phòng thêm 7,2% cho năm 2025
  • Nga thuyết phục các blogger quân sự hiếu chiến chấp nhận lệnh đình chiến với Ukraina
  • Hoa Kỳ áp dụng mức thuế mới và bổ sung đối với hàng hóa nhập từ Canada, Mêhicô và Trung Cộng
  • Israel nói cần đạt được thỏa thuận về việc thả con tin để gia hạn thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza
  • Tàu sân bay Mỹ đầu tiên thăm Hàn Quốc dưới thời tổng thống Trump
  • Liên đoàn Ả Rập thông qua kế hoạch tái thiết Gaza do Ai Cập đề xuất
  • Việt Nam ve vãn các doanh nghiệp Mỹ, cam kết giảm thặng dư thương mại
  • Việt Nam chuẩn bị mua vệ tinh của Israel để do thám Trung Cộng
  • Việt Nam và Anh phối hợp trục xuất người Việt tới Anh bất hợp pháp
  • EU kêu gọi Việt Nam bảo vệ quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận