Trần Phong Vũ

ben_vuc1

Từ 14 năm qua, tôi bỏ hẳn được thói quen ngủ nướng trong ngày Chúa Nhật. Bởi một lẽ giản dị là cũng trong thời khoảng ấy, một nhóm anh em chúng tôi (khởi đầu có 5 người, và cho đến nay là 12 người) đã tạo ra một thói quen mới là cứ mỗi sáng Chúa Nhật hàng tuần, chúng tôi họp nhau để cùng cầu nguyện, chia sẻ Thánh Kinh và lo một số công tác thiện nguyện.  

Trong những năm đầu, chúng tôi luân phiên đi tới từng nhà anh em trong nhóm, nhưng sau này, vì khoảng cách nơi cư ngụ của một số anh em quá xa nhau, nên chúng tôi chọn một địa điểm cố định để gặp nhau. Trước kia ở Trung Tâm CG, vài năm gần đây ở phòng thâu hình của chương trình Truyền Hình Ánh Sáng Niềm Tin.

Sáng Chúa Nhật, 26-1-1997, như thường lệ tôi dậy sớm làm những công việc vệ sinh và tập thể thao trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Đúng 7 giờ 20, tôi lái xe đi họp. Khác với mọi khi, sáng hôm ấy, nhà tôi theo tôi xuống nhà xe, và trong khi tôi lùi xe nhà tôi bước theo ra lấy báo và ân cần căn dặn “Anh nhớ lái xe cẩn thận, trời vẫn còn đang mưa.” Tôi nhìn nhà tôi khẽ gật đầu.  

Vì là buổi sáng Chúa Nhật, thêm nữa trời lại đang mưa nên xa lộ vắng tanh. Tôi tắt radio vì không có gì hấp dẫn. Tôi nghĩ tới buổi gặp gỡ anh em lúc 8 giờ. Những khuôn mặt quen thân của từng người vẽ ra trong tâm tưởng tôi cùng với âm vang của những tiếng nói cười, những tâm tình chia sẻ. Tôi cũng nghĩ tới những dự tính cùng những công việc đang bỏ dở trên bàn viết ở nhà với một tâm hồn bình an, yêu sống, không bợn một chút âu lo.

Từ xa lộ 405 tôi ra đường Magnollia hướng bắc. Tôi biết là mình đang lái xe trên đường trơn ướt vì trời vẫn còn mưa lai rai, và tự nhủ phải giữ tốc độ an toàn dù ở đường trong hay trên xa lộ.  

Nhưng thật là khủng khiếp!  

Khi vừa chuyển tay lái để vào đường Magnolia thì bỗng dưng chiếc xe như rời mặt lộ bay vút về hướng trước mặt như một chiếc hỏa tiễn. Mũi xe phía bên phải đâm bổ vào thân cột điện rồi theo đà còn lại phóng tới gốc cây dội ngược lại bức tường bên cạnh, trước khi bốc cao lật ngửa bốn bánh lên trời. Tai nạn xảy ra chỉ trong khoảnh khắc, nhưng điều lạ lùng là tôi vẫn tỉnh táo để ghi nhận từng chi tiết. Tôi nghe được tiếng gió xé bên tai và cảm được sức chấn động của thân xe khi đụng vào cột đèn với ý nghĩ kinh hoàng là chắc chắn mình sẽ phải chết! Chết một cách thảm khốc không toàn thây! Và nếu không chết thì cũng hôn mê hoặc ra thân tàn ma dại!  

Khi chiếc xe nằm ngửa bất động bên lề đường, tôi thấy mình như bị treo ngược với cảm giác bàng hoàng nhận ra mình vẫn chưa chết. Tôi khẽ cử động tứ chi để xem thương tích nặng nhẹ ra sao. Và một lần nữa tâm trí tôi rơi vào một trạng thái vừa kinh mang vừa hụt hẫng. Tự dưng nước mắt tôi trào ra. Tôi khóc như chưa bao giờ khóc như thế. Những giòng nước mắt tự động trào ra như suối. Đấy không hẳn chỉ là những giòng lệ biểu tỏ nỗi vui mừng, sung sướng của một kẻ vừa thoát khỏi cái chết trong kẽ tóc đường tơ. Nó là tổng hợp những cảm xúc trong thất tình, lục dục của con người.  

Trong một thoáng, tôi thấy đầy ắp trong tôi những cảm giác vừa tức giận vừa thương tâm, vừa ưu tư vừa sướng thỏa. Tôi giận mình và thương vợ con, thân nhân, bằng hữu. Trí tưởng tượng đẩy tôi tới một nhà xác. Ở đấy là cỗ quan tài chứa đựng mảnh hình hài bầm dập, lạnh lẽo của tôi. Và những tiếng khóc bi ai của những người thân vẳng lên, quyện lấy tâm hồn, trí tưởng tượng của tôi.  

Vì bị treo ngược nên sức nặng làm cho giây beo bị căng cứng khiến tôi phải loay hoay cả phút mới mở được. Và khi lưng chạm trần xe tôi mới nhận ra lòng xe bị thu hẹp, cánh cửa hai bên xẹp lép, kính bể tan nát không có cách nào lách mình ra khỏi. Tôi lạnh mình nhớ tới những đoạn phim chiếu lại cảnh tượng xe bị lật, nổ tung rồi bốc cháy. Tôi như ngửi thấy mùi thịt da khét lẹt. Tôi hốt hoảng cố gắng một cách tuyệt vọng một lần nữa để tìm cách thoát ra khỏi xe.  

Giữa lúc tôi đang loay hoay chưa biết phải làm gì thì một người đàn ông và một người đàn bà da trắng, có lẽ là vợ chồng, ngừng xe bên kia đường lao tới. Cúi nhìn vào lòng xe thấy tôi còn sống, người chồng dùng sức mạnh nâng chiếc xe nghiêng về một phía trong khi người vợ cố gắng mở cánh cửa phía sau rồi hợp lực cùng chồng kéo tôi ra khỏi xe.  

Sau đó, họ dìu tôi ra một nơi cách xa chỗ chiếc xe khoảng mươi thước. Người đàn bà đỡ tôi ngồi xuống và dịu dàng nói: “Anh phải tránh xa chiếc xe để đề phòng xe phát nổ.” Trong khi người đàn ông chùi nhẹ những vết máu trên môi, trên bàn tay tôi, người đàn bà chăm chú nhìn tôi nói tiếp: “Anh may mắn lắm. Chúa thương anh.” Tôi nhẹ gật đầu như tán thưởng lời bà trong khi tâm trí tôi nghĩ khác.  

Những ý nghĩ khác thường này đã nảy sinh trong tôi sau mấy lần phải vào ra bệnh viện, nhưng lúc này nó mới thật sự rõ nét. Tôi muốn lên tiếng bày tỏ ý nghĩ của tôi với bà, nhưng sợ diễn tả không hết ý khiến làm phiền lòng một người ơn không quen biết, nên tôi đành nín lặng.

Trên đường tới bệnh viện, thân thể bị cột chặt trên chiếc băng ca, tôi nghĩ ngợi miên man. Giờ này hẳn là những người anh em tôi vừa kết thúc phần chia sẻ Phúc Âm cùng những cảm nghiệm riêng tư trong đời sống và đang thảo luận những công tác của nhóm. Như thường lệ, hẳn là trong giây phút cầu nguyện mở đầu các anh đã nghĩ đến tôi, một người vắng mặt. Tự dưng tôi ao ước những người anh em của tôi được chứng kiến giây phút xảy ra tai nạn, hay ít nữa là được nhìn thấy tận mắt hình ảnh chiếc xe bẹp dúm nằm ngửa bên lề đường, để nhờ thế có thể chia sẻ phần nào những kinh nghiệm của tôi trong tai nạn khủng khiếp vừa xảy ra.  

Một niềm thương cảm trào dâng trong tôi khi nghĩ tới nỗi âu lo của vợ con lúc hay tin tôi bị nạn. Trong một giây, tôi ước ao được có mặt bên gia đình để mọi người thân yêu thấy tôi vẫn bình yên vô sự.

Tại khu cứu cấp, tôi được săn sóc tận tình. Sau khi chuyển qua phòng quang tuyến để chụp các phần thân thể bị nghi ngại chấn thương, tôi được giao trả trở lại phòng cũ. Khoảng 11 giờ, tôi được thông báo có người nhà đến thăm. Ít phút sau, nhà tôi bước vào với nét mặt hốt hoảng pha lẫn lo âu. Tôi nắm bàn tay nhà tôi, nói nhỏ cho nàng yên tâm về tình trạng của tôi trong khi nước mắt vẫn âm thầm tuôn đổ. Sau đó là Minh Châu, con gái tôi. Cha con tôi ôm nhau trong nỗi xúc động không cùng. Lần lượt là các bạn trong nhóm của tôi. Chúng tôi trao đổi với nhau thật ít, nhưng qua khoé mắt, qua những giao cảm trong hồn, chúng tôi nói với nhau thật nhiều. Lối 30 phút sau, tôi được bác sĩ cho rời bệnh viện. Tại phòng đợi, hai trong số bạn hữu vẫn còn chờ để cùng vợ con tôi đưa tôi ra xe.

(Sau này tôi được biết, một trong các bạn tôi lái xe ngang qua trên đường tới nơi họp đã nhìn thấy chiếc xe bị nạn nhưng không biết là xe của tôi. Lý do giản dị là vì thời gian ấy tôi không có xe riêng, mà thường thay đổi, khi chiếc này khi chiếc khác của các con tôi. Sau phần cầu nguyện mở đầu, đọc Phúc Âm và chia nhóm, anh tỏ ý thắc mắc về tai nạn trên đường và sự vắng mặt của tôi. Khoảng nửa giờ sau, một anh khác cảm thấy không yên tâm nên cùng một anh nữa ra lấy xe lái tới quan sát nơi xảy ra tai nạn.  

Vì cảnh sát không cho tới gần nên hai anh ghi nhận màu và loại xe rồi ra trạm điện thoại công cộng kêu cho nhà tôi. Khi biết chắc là tôi có đi họp với chiếc Toyota Corolla màu xám, các anh trở lại giữa lúc chiếc xe bị nạn sắp sửa được kéo đi. Nhìn những giấy tờ, tài liệu quen thuộc dính vết máu vương vãi đang được cảnh sát thu dọn ném vào lòng xe, các anh không  nghi hoặc gì nữa, vội vã trở về báo cho cả nhóm, đồng thời kêu điện thoại chính thức thông báo cho nhà tôi hay. Sau khi dâng lời cầu nguyện chung, các anh quyết định kết thúc buổi họp sớm và cùng nhau tới bệnh viện thăm tôi.)

Về tới nhà khoảng 12 rưỡi, tôi liên tiếp nhận được điện thoại của bà con, bạn bè gọi tới, trong đó có những người đã hối hả lên nhà thương nhưng không gặp vì tôi đã được cho về. Buổi chiều, sau khi dùng bữa với con cháu, tôi quyết định cùng gia đình tham dự thánh lễ tại cộng đoàn lúc 6 giờ để tạ ơn Chúa, đồng thời cũng để các bằng hữu thân sơ biết rõ tình trạng sức khỏe của tôi sau tai nạn.

Giây phút này, ngồi ôn lại những sự việc đã xảy ra trong mấy ngày qua, tôi thấy có nhu cầu phải nói lên một vài suy tư về tình thương của Thiên Chúa.

Chúa Là Tình Yêu. Đúng. Không một Kitô hữu nào phủ nhận điều ấy. Tuy nhiên, liệu có thể vì thế mà khi thấy một người gặp may mắn, được sướng, hạnh phúc, được trúng số, được lành bệnh, được thoát khỏi một tai nạn hiểm nghèo mà có thể kết luận dễ dãi rằng người đó được Thiên Chúa thương yêu hơn người khác chăng? Những cảm nghiệm sau mấy lần ra vô nhà thương, sau ba tháng trời lăn lộn, quắt quay bên cạnh giường bệnh của đứa con gái út, và đặc biệt sau lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong tai nạn khủng khiếp sáng Chúa Nhật vừa qua, đã cho tôi một câu trả lời dứt khoát là KHÔNG.  

Người đàn bà Mỹ ân nhân không quen biết, sau khi cùng chồng giúp đưa tôi ra khỏi chiếc xe bầm dập đã nói với tôi là tôi được Chúa thương yêu. Người y tá trong phòng cứu cấp khi biết về trường hợp tai nạn của tôi cũng nói là tôi được Thiên Chúa phù trợ đặc biệt. Những thân nhân, bằng hữu của tôi khi kêu điện thoại hoặc khi tới thăm tôi đều cùng có chung một nhận định tương tự như thế. Đã đành những nhận định này có những khía cạnh không sai, Nhưng nếu chỉ kết luận một cách giản lược như vậy dường như có một cái gì không ổn.  

Một câu hỏi lớn thường xuyên vẳng lên trong tôi: Tôi đã làm gì, đã có công trạng gì khiến Chúa dành cho tôi một đặc ân như thế? Quanh tôi, hàng ngày có biết bao nhiêu người khác, gồm cả những trẻ thơ vô tội, những người đạo đức, lương thiện gấp trăm lần tôi đã bị băng đảng thảm sát, hoặc đã chết không toàn thây trong những tai nạn thảm khốc! Và bên cạnh những người câm lặng chấp nhận những cái chết như thế còn có biết bao nhiêu nạn nhân khác đã phải kéo dài cái chết lần mòn trong những cơn đau đớn tột cùng với những thương tích tật nguyền trên cơ thể, hoặc những cơn hôn mê triền miên bất tận! Như vậy liệu có thể kết luận một cách giản đơn rằng những nạn nhân này là những kẻ không hoặc ít được Thiên Chúa yêu thương? Câu trả-lời-tìm-thấy-trong-tôi là KHÔNG.

Trong Phúc Âm Thánh Matthew, tôi đọc thấy câu này: “Thiên Chúa là Đấng đã cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và đã cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương.” (Mt 5:45)  Lời Chúa đã minh nhiên cho tôi thấy Thiên Chúa là Đấng rất đỗi yêu thương nhưng đồng thời cũng là Đấng vô cùng công thẳng. Người không thiên vị bất cứ ai, kẻ tốt cũng như người xấu, kẻ hiền lương cũng như người bất chính.  

Nhận định này đã mở ra trước cặp mắt linh hồn tôi một chiều kích vô cùng rộng lớn về tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã sai Con-Một-Duy-Nhất của Ngài nhập thể, nhận lấy thân phận con người như tôi, đã chết cho tôi, đã mạc khải cho tôi hay cuộc đời này chỉ là cõi tạm và chỉ bảo cho tôi Đường Đi tới Chân Lý và Sự Sống vĩnh cửu đời sau. Với cách nhìn như vậy, tôi đã nhận ra những gì xuyên qua những biến cố trong đời tôi, đặc biệt trong tai nạn xảy ra sáng Chúa Nhật 26-1-1997?

Trong tai nạn vừa qua, người trong cuộc là tôi đương nhiên sẽ phải nhận lấy một trong ba trường hợp sau đây. Thứ nhất, được thoát hiểm một cách an toàn. Thứ hai, bị thương tích nặng hoặc nhẹ, phải trải qua những đau đớn thể xác, sẽ bình phục nhiều, ít sau một thời gian chữa trị, hay chịu cảnh tàn phế trọn đời.Và thứ ba là chết.

Tôi rơi vào trường hợp thứ nhất, mà bằng con mắt và cách suy nghĩ của con người thế tục, chúng ta quen gọi là may mắn, là có số hên, là được trời thương, thánh độ. Cũng thế, trong tai nạn vừa qua, nếu tôi chết hoặc trở thành người tàn phế thì hẳn rằng thiên hạ, trong đó có cả những thân nhân, bằng hữu của tôi, sẽ không ngần ngại cho rằng tôi gặp vận rủi, hoặc tệ hơn nữa là đã bị đấng trên cao trừng phạt!

Nhưng nếu đẩy cách nhìn và cách suy tư qua vị trí của người có niềm tin Kitô giáo, ta sẽ dễ dàng nhận ra những bất ổn trong đó. Sự bất ổn nổi bật là ta đã chỉ dựa trên những tiêu chuẩn phán đoán về những tiện ích trần gian để đo lường tình thương của Thiên Chúa, Đấng mà qua Con Một của Ngài là Đức Giêsu Nazareth đã nói thẳng trước mặt Philatô là nước Ngài không thuộc về thế gian. Và như thế ta đã tự bày ra những rào cản không để cho những suy nghĩ cất cánh bay vào lãnh địa siêu nhiên, nơi những con người có niềm tin Công Giáo phải đi tới như  cùng đích của đời người.

Thiên Chúa là tình yêu thương. Không có cách định nghĩa nào khác hơn, đúng đắn hơn về Ngài. Chính vì Yêu Thương, Thiên Chúa Cha đã sai người con duy nhất của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống thế, mặc lấy thân phận con người với tất cả những rủi ro, yếu đau, tật bệnh, nhục nhằn, kể cả sự chết để biểu tỏ tình yêu thương con người. Đồng thời cũng để dạy cho con người biết sống, biết chấp nhận khổ đau cũng như biết chết, như cảm nghiệm của Đức Hồng Y Bernadin trước khi từ giã cõi đời sau những tháng năm dài vui vẻ chấp nhận những đớn đau thể xác vì chứng ung thư tụy tạng.  

Xuyên qua cách nhìn và cách cảm nhận về những nỗi đau thương cũng như sự sống, sự chết như thế, tôi đẩy tiếp giòng suy tưởng của tôi chung quanh tai nạn vừa qua. Bây giờ đặt giả thuyết là tôi đã chết thì đâu là lòng yêu thương lân tuất của Thiên Chúa dành cho tôi? Ngược về quá khứ, qua những chặng đường nổi trôi trong kiếp sống, tôi cảm nhận biết bao ân huệ Thiên Chúa đã gửi đến cho tôi. Khởi đầu Ngài đã ban cho tôi sự sống, cho tôi được sinh ra trong một gia đình Công Giáo, dạy tôi biết yêu thương tha nhân và vui say đón nhận cuộc đời, cho dẫu có gặp nhiều chông gai thử thách. Ngài đã tha thứ cho tôi khi tôi lầm lỗi, đã yên ủi nâng đỡ tôi khi tôi gặp cơn túng ngặt, nhất là những năm gần đây đã gửi đến cho tôi một chứng bệnh trầm kha để tôi biết chỉnh đốn lại đời sống, biết tập sống yêu thương để sẵn sàng lên đường khi tới giờ Ngài gọi đến. Ngài cũng gửi đến cho tôi cặp mắt dịu hiền, trái tim lân tuất gói ghém trong Tin Mừng Cứu Độ của Ngài để tôi chia sẻ cho anh chị em tôi.  

Cho đến phút giây tai nạn xảy ra, tuy vẫn còn vương mắc nhiều sai lầm thiếu sót, nhưng tôi biết chắc rằng tôi đã cố gắng nhiều trên đường hoàn thiện. Nhờ sự nâng đỡ của vợ con tôi, của anh chị em cùng chung lý tưởng với tôi, tôi đã nỗ lực với sức của tôi cùng với ơn Chúa trong việc tận dụng những khả năng hèn mọn của mình để phục vụ tha nhân, đem Tin Vui đến cho mọi người.  

Là con người hèn mọn, tôi không tránh khỏi những yếu đuối, những sai sót. Nhưng tin vào tình yêu vô lượng của Thiên Chúa, nếu tôi chết trong tai nạn vừa qua, tôi tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ đoái thương tôi và cho tôi được hưởng ơn cứu rỗi. Như thế, nhìn cái chết được gọi là “bất đắc kỳ tử” này của tôi trên chiều kích siêu nhiên, quả tôi là kẻ được Thiên Chúa yêu thương quá đỗi. Ở một góc cạnh nào đó, qua cái chết của tôi, tình thương của Thiên Chúa còn tuôn đổ trên những thân nhân, bằng hữu của tôi. Bởi lẽ nó sẽ mang giá trị như một lời nhắc nhở, một lời cảnh giác cho mọi người biết ngừng lại để nhìn về quá khứ, nhìn vào chính mình, kiểm điểm lại hành vi, cử chỉ, lời nói của mình khi dấn bước trong cuộc lữ hành trần thế.

Trường hợp tai nạn chưa cướp mất mạng sống của tôi nhưng lại gây cho tôi những thương tích trầm trọng để suốt đời phải đeo đẳng những đớn đau thể xác và tinh thần thì tôi sẽ tìm ra đâu là tình yêu thương của Thiên Chúa để tôi biết tạ ơn Ngài?

Tôi đã đọc sách, đã suy nghiệm nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi nhận ra được một phần khuôn mặt thật của một từ ngữ mà trong thần học Công Giáo gọi là Màu Nhiệm Đau Khổ (Mystery Of Suffering). Thật may cho tôi vì nhờ tai nạn vừa qua, Thiên Chúa đã hé mở cho tôi hiểu được đôi chút về ý nghĩa thâm sâu của màu nhiệm này.  

Hồi tháng 8 năm ngoái, tôi đi Houston và gặp một người bạn cũ. Thuở thiếu thời anh sống bên Cambodge, đã ở chùa một thời gian. Về Saigon anh lập gia đình với một người Công Giáo, nhưng anh không rửa tội. Vì thế anh thường nhìn đời qua lăng kính của một Phật tử, hoặc nhẹ hơn là một người không có niềm tin Thiên Chúa Giáo. Gặp tôi, anh hỏi tôi nhiều điều về Đức đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Điều làm anh thắc mắc là tại sao một người được Thiên Chúa chọn vào ngôi vị Giáo Hoàng, cầm đầu cả một Giáo Hội hoàn vũ với ngót 1 tỷ tín đồ mà sao lại phải gánh chịu quá nhiều tai ương, bênh hoạn thể xác như thế? Cả thế giới Công Giáo cầu nguyện cho Ngài mà sao Ngài vẫn tiếp tục phải gánh chịu khổ đau? Như thế liệu có Thiên Chúa không, và nếu có thì tại sao không thương yêu, nâng đỡ wazzu Ngài?  

Hồi ấy, một phần vì không đủ thì giờ và phần khác cũng vì chưa có những cảm nghiệm thực tiễn, tôi chưa khai thông được những thắc mắc tuồng như chính đáng của anh. Hôm nay, nếu có dịp trở lại vấn nạn anh nêu ra thì tôi sẽ không ngần ngại bám vào ý nghĩa và giá trị của màu nhiệm đau khổ xuyên qua kinh nghiệm sống-trong-lần-thoát-chết-vừa-qua để cùng anh lý giải những khúc mắc trên đây.

Nói đến Màu Nhiệm Đau Khổ cũng là nói đến Màu Nhiệm Thập Giá. Nếu nhờ Thập Giá của Chúa Kitô, nhờ những đau thương kể cả cái chết nhục nhằn của Ngài mà nhân loại được hứa ban phúc trường sinh thì những nỗi đớn đau khổ nhục mà những kẻ bước theo Ngài phải chịu, dĩ nhiên không có luật trừ cho người cầm đầu Giáo Hội, cũng là những đóa hoa nhỏ xinh tươi cộng thông vào ơn cứu rỗi.  

Như Chúa Giêsu Kitô đã tự nguyện nhận lấy chén đắng Thiên Chúa Cha trao cho để hoàn thành sứ mạng cứu thế, những kẻ tin nhận Ngài cũng coi những chông gai thử thách cùng những điều bất như ý trong cõi đời tạm như những nguồn ân sủng góp phần tạo dựng hạnh phúc đời sau. Trong một bài chia sẻ về những ấn tượng khi có dịp cử hành thánh lễ bên Đức Gioan Phaolô II, Đức Cha Bùi Tuần, Giám Mục giáo phận Long Xuyên đã viết.

“Mỗi lần đứng bên Đức Thánh Cha trên bàn thánh, tôi cảm thấy phần nào con đường thánh giá của Ngài. Thánh giá đủ thứ đến từ nội bộ Giáo Hội. Thánh giá đủ loại đến từ ngoài Giáo Hội. Thánh giá phát sinh từ những gánh nặng trách nhiệm…

“Tôi thấy những đau đớn thường hiện lên trên nét mặt Đức Thánh Cha, những khi Ngài cử hành thánh lễ. Trong vẻ khoan thai xem ra vẫn có nhiều thúc bách, gai góc đợi chờ. Trong vẻ bình thường xem ra vẫn ẩn chứa nhiều âu lo, khắc khoải. Trong vẻ hân hoan dường như vẫn thoáng lộ ra những ray rứt của trái tim tông đồ trước những thực tại nơi này nơi nọ.

“Những hiện tượng đó nơi Đức Thánh Cha làm tôi nhớ lại tấm huy hiệu Giáo Hoàng của Ngài: Một Thánh Giá bao trùm bề dài bề rộng chiếc huy hiệu. Như thể thánh giá sẽ trải khắp cuộc đời Giáo Hoàng của Ngài. Phải chăng khi chọn huy hiệu đó, Đức Thánh Cha đã thấy trước những thánh giá đời mình? Tình hình hiện nay đang báo hiệu những thánh giá mới trong tương lai Hội Thánh. Nhưng, những thánh giá nào giống thánh giá Đức Kitô sẽ có giá trị cứu độ nhân loại.  

“Một lần tôi hỏi Đức Thánh Cha về những thử thách đau đớn mà Ngài phải chịu, Đức Thánh Cha đã trả lời: “Tôi quen rồi”. Tôi hiểu cái quen của Đức Thánh Cha là do tình mến Chúa, yêu thương đồng loại và do lòng cậy trông nơi Đức Trinh Nữ Maria. Cái đẹp của thánh giá là ở chỗ đó. Sức mạnh cứu độ của thánh giá là vì có những yếu tố đó kèm theo. Sự khôn ngoan của thánh giá mà thánh Tông Đồ Phaolô ca tụng là sự khôn ngoan của một thánh giá diễn tả tình yêu Thiên Chúa.” (1Cr 1, 17-25)

Có thể nói rằng cách nhìn khổ đau qua thập giá trên đây của người Công Giáo hoàn toàn khác hẳn với cách nhìn của những tín đồ thuộc các tôn giáo khác, nhất là với Phật Giáo. Khi một người chết nhẹ nhàng không đau đớn, không phải trải qua một thời gian dài bệnh hoạn, người Phật tử coi là có phúc, là một điều may mắn. Trong khi ấy, theo quan niệm của người có niềm tin Thiên Chúa Giáo, những đớn đau thể xác, những khoảng thời gian kéo dài trên giường bệnh lại là những hương hoa, những ân huệ, những công trạng giúp giao hòa với những hương hoa, những ân huệ, những công trạng của thập giá Chúa Kitô để làm hành trang cho người tín hữu trên đường về cõi phúc.


*  *  *

http://khktmd.org/kyhoa_nd/TPVu_02.jpg

Với những chia sẻ trên đây, tôi chấm dứt những giòng này với tất cả tấm chân tình gửi đến vợ con tôi, những người thân trong gia đình tôi, những anh em trong nhóm đã nâng đỡ tôi trong ngót hai thập niên qua, và tất cả những người thân quen mà tôi hằng yêu mến đã ân cần thăm hỏi, đã dành cho tôi những lời cầu nguyện chân thành để cảm tạ những hồng ân Thiên Chúa đã đổ xuống trong cuộc đời tôi, nhất là những dấu chỉ Ngài đã soi chiếu vào tâm hồn tôi trong biến cố sáng Chúa Nhật 26-1-1997 vừa qua.


Trần Phong Vũ
(Để ghi lại một biến cố và để riêng tặng Anh Sơn Nghị)
Nam California, Hoa Kỳ một ngày cuối năm Bính Tý


Trở về trang Trần Phong Vũ


Bài liên quan:
  • Trả lại DANH DỰ cho Cố Thi Sĩ NGUYỄN CHÍ THIỆN
    -Trần Phong Vũ
  • Lễ Húy Nhật Thứ 8: Tưởng Niệm Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện (1939-2012)
  • Tủ sách Tiếng Quê Hương với 3 tác phẩm mới
  • Chương XII – GIOAN PHAOLÔ II & NỖ LỰC BẢO VỆ SỰ SỐNG
  • Cảm nhận sau khi đọc “Nguyễn Chí Thiện – Trái Tim Hồng” của Trần Phong Vũ