RFA
2020-06-28
Tuyên bố chung của ASEAN nhân kết thúc Thượng đỉnh ASEAN 36 ở Hà Nội hôm 26/6 đã nêu quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Tuyên bố có đoạn viết: “Chúng tôi tái khẳng định rằng UNCLOS 1982 là cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển.”
Tuyên bố cũng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo, những diễn biến gần đây và những sự cố nghiêm trọng xảy ra ở Biển Đông thời gian gần đây, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Các lãnh đạo ASEAN một lần nữa khẳng định các bên phải giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, trong các năm trước, tuyên bố của ASEAN cũng nêu việc tuân thủ UNCLOS nhưng việc nhấn mạnh UNCLOS lần này của ASEAN cho thấy các quốc gia trong ASEAN đã thẳng thừng bác bỏ các yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.
Trong các tháng qua, Trung Quốc đã có một loạt các hành động nhằm gia tăng các đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra ở Biển Đông, đòi chủ quyền lịch sử với vùng nước lịch sử vốn đã bị Toà Trọng tài Quốc tế bác bỏ trong một phán quyết vào năm 2016.
Trung Quốc mới đây đã tuyên bố thành lập hai quận hành chính quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp, đồng thời đặt tên cho các thực thể địa lý chìm và nổi ở Biển Đông bao gồm cả những thực thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Như thường lệ, tuyên bố lần này của ASEAN cũng không nêu đích danh tên Trung Quốc là nước gây ra những sự cố nghiêm trọng gần đây ở Biển Đông như việc cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia hay việc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa.
Nguồn: Đài Á Châu Tự Do
Copyright © 2006, RFA. Đăng tải lại với sự cho phép của Radio Free Asia, 2025 M St. NW, Suite 300, Washington DC 20036. https://www.rfa.org.