Nguyên tác: Elbridge A. Colby & A. Wess Mitchell, “The Age of Great-Power Competition”, Foreign Affairs, Jan/Feb 2020.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Các ưu tiên lúc này
Đó chính là tình thế của Washington vào lúc này. Mỹ đã cho thấy họ sẵn sàng và đủ khả năng áp dụng cách tiếp cận đua tranh hơn trước các đối thủ, cả về mặt quân sự, kinh tế, và ngoại giao. Trong nước, quá trình điều chỉnh trên nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng cao hơn cả mong đợi; lập trường cứng rắn của chính quyền với Trung Quốc được hậu thuẫn bởi hầu hết các nghị sĩ, cả Dân chủ và Cộng hòa. Tương tự, sau nhiều năm do dự, giờ đây lưỡng đảng đã đồng thuận rằng mối đe dọa từ Kremlin là nghiêm trọng và phải bị ngăn chặn. Ở hải ngoại, thông điệp mới của Mỹ đã dẫn đến các thay đổi quan trọng. Các đồng minh Châu Âu bắt đầu chi nhiều hơn cho quốc phòng và duy trì một mặt trận chung cùng chống lại Nga bằng cách áp cấm vận; quan hệ quốc phòng của Mỹ với Ấn Độ, Nhật Bản, và Ba Lan đã nồng thắm hơn đáng kể; trong khi các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình nhằm rút chân khỏi Trung Quốc. Và đó chỉ là một số ví dụ.
Song, tất cả đều chỉ là khởi đầu của một nỗ lực rồi sẽ kéo dài hàng thập niên. Không hề có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ từ bỏ sự trỗi dậy của họ ở Châu Á. Trong khi Moskva cũng chẳng hề có ý làm hòa với phương Tây; mà trái lại còn đang thắt chặt mối bang giao với Bắc Kinh. Do vậy, Hoa Kỳ nên chuẩn bị cho một nỗ lực kéo dài nhiều thế hệ.
Để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Châu Á và toàn cầu, Mỹ cần phải khẩn trương duy trì các cán cân quyền lực khu vực có lợi cho mình. Xây dựng và giữ vững các liên minh cần thiết ở Châu Á và Châu Âu nên là trọng tâm chiến lược của Mỹ. Chắc chắn, các yêu cầu và cam kết lịch sự sẽ không đủ. Bởi vì Hoa Kỳ không thể giả vờ như mình có thể một mình chống lại cả Trung Quốc và Nga, họ sẽ cần sự trợ giúp nhiều hơn từ các đồng minh và các đối tác mới, với sự kiên định và cả áp lực thực tế nếu cần. Cùng với đó, nếu Washington tạo ra quá nhiều hỗn loạn chính trị khiến các cấu trúc đồng minh suy yếu từ bên trong, họ sẽ khó yêu cầu các đồng minh đóng góp nhiều hơn về mặt vật chất.
Nói gì thì nói, vẫn cần có nhiều sự hỗ trợ vật chất hơn nữa. Cấu trúc liên minh hậu Chiến tranh Lạnh của Washington vẫn còn phản ánh các dàn xếp của thời kỳ đơn cực, khi mà Hoa Kỳ có thể tự mình quyết định vấn đề an ninh của các đồng minh. Ngoại trừ một số ngoại lệ, như Ba Lan và Hàn Quốc, các đồng minh của Mỹ không được trang bị nhiều lắm, thậm chí là chẳng trang bị gì, đặc biệt khi so sánh với Nga và Trung Quốc. Tuy Nhật Bản sẽ đóng vai trò quyết định trong bất kỳ thế trận quân sự thắng lợi nào trước Trung Quốc, nhưng chi phí quốc phòng của họ vẫn hầu như không hề thay đổi kể từ 1996, trong khi chi tiêu của Trung Quốc đã tăng một cách chóng mặt. Đài Loan – nơi bị đe dọa bởi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hơn bất kì nơi nào khác – chưa hề tăng chi tiêu quốc phòng trong suốt 20 năm qua. Ở châu Âu, phần lớn áp lực của Nga lên các thành viên NATO ở Đông Âu có thể được giảm bớt nếu Đức triển khai chỉ một phần nhỏ của 15 sư đoàn chính quy và các sư đoàn dự bị mà họ sở hữu vào năm 1988. Giờ đây, Berlin chỉ có thể triển khai được đúng một sư đoàn. Tìm cách khiến các đồng minh chi nhiều hơn trong bối cảnh nước Mỹ nợ công hơn 23 nghìn tỷ đô và không còn có thể tự mình làm mọi việc – và làm điều này mà vẫn giữ được ổn định của các liên minh – sẽ là một trong các thách thức lớn nhất trong các năm tới.
Một câu hỏi khác là chính xác thì các liên minh của Mỹ sẽ trông như thế nào, nhất là ở Châu Á. Mỹ không cần phải có một NATO thứ hai ở đây; mục tiêu là xây dựng một tập hợp lực lượng (coalition) nhằm kiểm soát tham vọng bá quyền khu vực của Trung Quốc. Một tập hợp lực lượng như vậy có thể gồm các liên minh chính thức (chẳng hạn như Australia, Nhật , Phillipines, và Hàn Quốc), bán liên minh (Đài Loan), và quan hệ đối tác ngày càng nồng thắm dù không có các bảo đảm an ninh chính thức (như Ấn Độ và Việt Nam). Quan hệ của Washington với New Delhi và Tokyo sẽ là nòng cốt của tập hợp lực lượng này, song để duy trì nó trước một Trung Quốc quyền lực yêu cầu Mỹ phải đóng vai trò chủ động. Trong khi đó, các nước nhỏ hơn và dễ bị tổn thương hơn ở Đông Nam Á khả năng cao sẽ là trọng tâm của một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Ở châu Âu, Mỹ đã có sẵn một khuôn khổ tiện lợi đáng kể, NATO, điều Mỹ cần duy trì và cải thiện nhằm tương xứng với quy mô mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc. Kể từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga, tổ chức này đã điều chỉnh cơ chế chỉ huy và bắt đầu thay đổi cách bố trí lực lượng, vốn trước mắc kẹt trong mô hình thời năm 1989. Song cần có nhiều thay đổi hơn để ngăn chặn Nga tiến hành “sự đã rồi” trong tương lai ở dọc biên giới của mình. Cụ thể, Mỹ cần các lực lượng có thể triển khai đủ nhanh để ngăn Nga chiếm đất từ trong trứng nước. Và trong bối cảnh nhiều nguồn lực của Mỹ sẽ bị ghim chết ở Châu Á, các đồng minh NATO ở Châu Âu cần phải mở rộng năng lực quân sự nhằm phối hợp với các lực lượng Mỹ đối phó với một cuộc tấn công từ Nga.
Trong vấn đề thúc ép Châu Âu phản kháng lại chính sách thương mại kiểu săn mồi của Trung Quốc và các quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng thiếu cân nhắc, Washington chưa đạt nhiều thành công, một phần vì các bất đồng thương mại giữa hai bên. Song thật khó để giảm nhẹ tầm quan trọng của quan hệ xuyên Đại Tây Dương trên mặt trận này, và cả hai bên sẽ cố gắng vượt qua các tranh cãi của mình. Giới chính sách châu Âu nên thừa nhận các hậu quả địa chính trị về dài hạn của hệ thống thuế quan và hàng rào phi thuế bất đối xứng nhắm vào Mỹ và nên dừng chĩa mũi nhọn quản lý vào các công ty lớn của Mỹ trong khi ngó lơ các doanh nghiệp nhà nước Nga và Trung Quốc. Nếu không, Châu Âu sẽ khó chống lại áp lực từ Trung Quốc và Nga. Ở chiều ngược lại, các quan chức Mỹ nên thừa nhận rằng cạnh tranh thương mại với các đồng minh dân chủ vốn cùng chia sẻ nhiều lợi ích là kém cấp bách hơn nhiều so với cuộc thương chiến với Trung Quốc. Hoa Kỳ không nên cùng một lúc xét lại mọi quan hệ thương mại bất bình đẳng, mà nên coi việc duy trì một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc làm ưu tiên hàng đầu. Tương tự như vậy là quan hệ kinh tế của Mỹ với Ấn Độ và Nhật Bản.
Mục đích cao nhất của chiến lược này không phải là nhằm cắt đứt mọi quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc hay buộc các đồng minh của Mỹ chọn phe (mặc dù việc xây dựng một khu vực thương mại Phương Tây thuế quan thấp bao gồm cả các đồng minh Á-Âu nên là mục tiêu dài hạn của Hoa Kỳ). Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu Mỹ bảo vệ các tài sản trí tuệ và công nghệ nhạy cảm, đồng thời hạn chế ưu thế kinh tế của Trung Quốc trước Mỹ và các nước khác. Canada, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước ở trung và đông nam Âu, cùng với các nước khác hiện đã thấy rõ tác động từ sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc. Hòa nhập kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc là cần thiết với tất cả các nước, song các nước cũng nên hạn chế khả năng Bắc Kinh biến các giao thiệp này thành ưu thế cưỡng chế – không phải nhằm làm vừa lòng Washington mà vì chính chủ quyền của chính họ.
Thêm vào đó, Washington cũng nên tìm cách chia tách Bắc Kinh và Moskva. Đã từ lâu, nước Mỹ quan niệm cố nhiên rằng sẽ không hề sáng suốt tí nào nếu để hai cường quốc Âu Á cùng liên hiệp, nhưng điều này lại đang thật sự diễn ra, khi mà Nga tách biệt sâu sắc với Phương Tây và đang dần xoay trục về Trung Quốc bất kể việc này có thể gây thiệt hại cho quyền lực Nga. Ví dụ, Moskva gần đây đã chào đón gã khổng lồ viễn thông Huawei đến Nga làm ăn, và hai nước đang tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và quân sự. Cho đến hiện tại, các nỗ lực dụ dỗ Nga thoát ra khỏi vòng tay Trung Quốc là rất khó thành công, buộc Mỹ phải dựa vào chính sách răn đe và chờ đợi một thời cơ thuận lợi hơn. Hoa Kỳ nên gia tăng sức ép của NATO lên Nga ở vùng Baltic và Trung Âu trong khi tiếp tục dùng cấm vận nhằm trừng phạt mọi hành động đi quá giới hạn của Nga ở các khu vực như Syria và Ukraine. Một tương lai hòa hoãn dựa trên quyền lợi chung với Nga sẽ chỉ xảy ra nếu Moskva nhận ra rằng khôi phục ảnh hưởng của mình bằng bằng sức mạnh như thời Xô-viết là quá tốn kém không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, kể cả với sự trợ giúp của các đồng minh, Mỹ vẫn sẽ không thể đạt được lợi thế quân sự tuyệt đối trước Nga và Trung Quốc như những ngày đỉnh cao của giai đoạn đơn cực. Mọi nỗ lực nhằm đạt được điều này đều sẽ lãng phí và phản tác dụng. Điều Washington thật sự cần là một tiềm lực đủ để ngăn chặn thành công mọi cuộc tấn công nhắm vào các đồng minh và đối tác của Mỹ. Điều này có nghĩa là cần cung cấp sự bảo vệ đủ mạnh để giữ các nước này tham gia vào tập hợp lực lượng của Mỹ. Quan trọng hơn cả là cần đảm bảo các nước này sẽ không bị chiếm đóng, nhất là bởi “sự đã rồi”, hay bị bóp nghẹt bởi một cuộc phong tỏa hoặc bị cưỡng ép – một chiến lược gọi là “denial defense”. Làm cho Nga và Trung Quốc không thể chiếm đóng các lãnh thổ như Đài Loan hay các nước Baltic sẽ khó khăn, song trong một thế giới ngày nay với đạn chính xác cùng tiềm năng xử lý dữ liệu, xác định mục tiêu, và tình báo khổng lồ, thì điều này hoàn toàn có thể. Muốn làm được vậy cần có các lực lượng đủ khả năng chịu đựng được một cuộc tấn công mở đầu và ngăn Trung Quốc chiếm Đài Loan hay Nga xâm lược các lãnh thổ Baltic.
Hoàn thành các mục tiêu này đồng nghĩa với việc các cam kết khác phải bị hạ thấp hoặc dẹp sang một bên. Nếu như trong một thế giới đơn cực, Washington có thể chi phối mọi khu vực, như một gã khổng lồ thống trị thế giới, thì điều này sẽ không còn có thể thực hiện được trong thời kỳ cạnh tranh giữa các siêu cường. Thay vào đó, Washington sẽ phải giảm can dự vào các vùng thứ yếu và ngoại biên. Hãy lấy ví dụ sự can thiệp của Mỹ ở Trung Đông, thay vì tìm cách ổn định khu vực và duy trì “các chuẩn tắc quốc tế” ở đó, Washington chỉ nên tập trung vào các biện pháp tiết kiệm chi phí nhằm chống lại khủng bố xuyên quốc gia. Tương tự, Mỹ không nên đặt mục tiêu thay đổi các chế độ như ở Iran; ngăn cản nước này đạt bá quyền ở Vịnh Ba Tư là đủ và cần ít tài lực hơn hẳn. Chậm rãi giảm bớt chi phí quân sự và sự can dự ở Afghanistan, Iraq, và Syria – với sự trợ giúp của các đồng minh địa phương và các lực lượng tại khu vực – sẽ giúp giải phóng tiềm lực của Mỹ.
Không còn tự mãn
Trump sẽ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc trên Twitter và các phương tiện truyền thông khác, làm vui lòng một số người, trong khi làm lúng túng hay chọc giận số khác. Và nhiều người khác sẽ tiếp tục bối rối trước cuộc khủng hoảng hiện tại ở Trung Đông. Song dù gì đi nữa, Hoa Kỳ đang bước vào một cuộc tranh đấu lâu dài nhằm quyết định kẻ sẽ vận hành thế giới trong thế kỷ 21. Giai đoạn tới đây sẽ càng khó dung thứ cho sự tự mãn và thiếu chuẩn bị. Nhận thức thực tế này đã đưa đến một quá trình đánh giá lại các ưu tiên quân sự, kinh tế, và ngoại giao của Mỹ, điều cần tiếp tục được nối tiếp bởi các chính quyền tương lai.
Thực hiện mục tiêu này sẽ yêu cầu những đánh đổi và hy sinh đau đớn. Nó đồng nghĩa với việc từ bỏ giấc mơ bấy lâu về sức mạnh quân sự tuyệt đối và các nền tảng vũ khí thiếu thích hợp, trong khi lại yêu cầu các đồng minh đóng góp nhiều hơn. Nó cũng có nghĩa là phải tăng cường lợi thế công nghệ của Mỹ trong các lĩnh vực chiến lược liên quan mà không tác động đến cam kết của Mỹ với thương mại tự do quốc tế; đồng thời tập trung nhiều hơn hẳn vào Á, Âu so với các khu vực khác. Quay lưng lại với tâm lý tự mãn xưa cũ – khi Mỹ tự tin rằng các địch thủ sẽ cư xử chừng mực, duy trì các chính sách kinh tế gây hại cho an ninh quốc gia, và che giấu các thiếu sót nguy hiểm của các đồng minh dưới danh nghĩa thống nhất chính trị một cách giả tạo – không phải là một lựa chọn. Kể cả lựa chọn đứng ngoài cạnh tranh địa chính trị cũng không khả dĩ. Câu chuyện vẫn như ngày đó, Hoa Kỳ chỉ có thể đảm bảo an ninh và thịnh vượng của mình trong một xã hội tự do nếu họ đảm bảo được các cán cân quyền lực có lợi và chuẩn bị xã hội, nền kinh tế, và các đồng minh một cách có hệ thống cho một cuộc cạnh tranh kéo dài trước các địch thủ lớn, nhiều tiềm lực, đang quyết tâm đe dọa mục tiêu đó của Mỹ./.
Elibridge Colby từng là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đảm trách Chiến lược và Phát triển Lực lượng từ 2017 đến 2018 và hiện là thành viên Sáng kiến Marathon.
A Wess Mitchell từng là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đảm trách Các vấn đề châu Âu và Á-Âu từ 2017 đến 2019. Ông hiện cũng là thành viên của Sáng kiến Marathon.
Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế (nghiencuuquocte.org)
nghiencuuquocte.org/2020/02/28/ky-nguyen-canh-tranh-nuoc-lon-va-phan-ung-cua-my-duoi-thoi-trump-p2/