Trần Phong Vũ
* TTX/CSVN nói gì về “công tác quản lý tôn giáo” của đảng và nhà nước CSVN sau cuộc hội nghị ngày 25-2-2011 ở Hànội nhằm “tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2010 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2011”?
* Báo Nhân Dân công khai lên tiếng về công tác kết nạp người Công Giáo ở Kim Sơn, Phát Diệm vào đảng cộng sản trong kế hoạch ngũ niên từ 2011 đến 2915?
I.- Tổng quan:
Đối với cộng sản, tôn giáo là một thế lực siêu hình nhưng lại đáng sợ nhất. Trước hết dựa trên nguyên lý bất biến: bóng tối kị ánh sáng, sự ác độc không thể sống chung với sự thánh thiện. Vì thế, để dọn đường cho việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản chuyên chính tại Việt Nam, ngay từ những ngày đầu, bằng mọi giá họ phải khống chế các thế lực tôn giáo. Nếu không tiêu diệt được thì cũng phải tìm hết cách xâm nhập, lũng đoạn để làm cho suy yếu, tê liệt đến trở thành thờ ơ, vô cảm! -một điều hoàn toàn nghịch lý đối với mọi tôn giáo, nhưng đau đớn thay lại cũng là điều rất hiện thực trên đất nước ta hôm nay!
Sở dĩ những người cộng sản đánh giá cao tôn giáo vì ngoài sức mạnh vạn năng tiên thiên do niềm tin trang bị cho các tín đồ mọi tôn giáo, trên thực tế hầu như quảng đại quần chúng –cách riêng quần chúng Việt Nam- dù tham gia vào bất cứ tổ chức xã hội, chính trị nào, cũng đều xuất phát từ một tôn giáo. Nếu không là Phật Giáo thì là Công Giáo, Tin Lành hay Cao Đài hoặc Phật Giáo Hòa Hảo. Vì thế, nắm được tôn giáo là coi như nắm được tất cả.
Trong số các tôn giáo, người cộng sản tỏ ra e sợ nhất là khối tín đồ Công Giáo. Đây không phải là nhận định chủ quan. Nó đã được chính đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, đương kim Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, nhìn nhận trong một văn thư tố cáo tội ác của cộng sản đối với tôn giáo gửi Tổng Bí Thư Đỗ Mười đầu thập niên cuối cùng của thế kỷ trước. Do đó, những nhận định trong bài này đặt nền trên những vấn nạn mà Giáo Hội Công Giáo đã và đang phải gánh chịu trước những thủ đoạn xâm nhập, bách hại triền miên của đảng và nhà nước CSVN. Người viết hy vọng những nét chung trong đó sẽ giúp chúng ta hiểu được hoàn cảnh của các tôn giáo khác.
Với những kinh nghiệm quý báu học được từ hai đàn anh lớn Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh và từ các nước cộng sản Đông Âu trước khi chế độ cộng sản tại các nước này bị tan rã vào thập niên cuối thế kỷ trước, ngay từ thời gian đầu trước khi chiếm được một nửa lãnh thổ năm 1954, CSVN đã đề ra những sách lược chi tiết với ý đồ nắm trọn quyền kiểm soát mọi đường đi nước bước của các tôn giáo. Riêng với Giáo hội Công Giáo, nhờ những kinh nghiệm học được từ Ba Lan, một nước 90 phần trăm dân số là Công Giáo, Hànội đã có cả một kế hoạch quy mô trong việc xâm nhập và lũng đoạn, dẫn tới những hiện tượng chia xé, nghi kỵ, phân hóa đáng buồn hiện nay. Khởi đầu là mua chuộc một thiểu số giáo sĩ đã biến chất để đặt nền cho việc hình thành những tổ chức mang tính xã hội dân sự với màu sắc tôn giáo dưới cái dù của Mặt Trận Tổ Quốc như cái gọi là “Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo Yêu Hòa Bình và Tổ Quốc VN” ở miền Bắc và hậu thân của nó ở miền Nam sau tháng 4-1975 là “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước”. Từ những tổ chức được giáo dân trong nước mỉa mai là “Công Giáo Quốc Doanh” này, lần hồi trong những năm gần đây, đảng và nhà nước cộng sản đã tạo được những ảnh hưởng sậu đậm tới những giới chức lãnh đạo cấp cao trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN).
II.- Chúng ta đọc được gì qua bài “Công tác tôn giáo ổn định, đi đúng đường hướng” đăng trên TTXVN cuối tháng 02-2011 vừa qua?
* Vai trò chỉ đạo của ông Nguyễn Thiện Nhân trong lãnh vực tôn giáo.
Qua văn kiện trên đây, người ta phát hiện ông Nguyễn Thiện Nhân, ngoài tư cách phó TT còn có vai trò lớn trong việc thi hành sách lược gọi là “công tác quản lý tôn giáo”. Văn kiện viết:
“Phó Thủ Trường Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong năm qua (…) Tuy nhiên, PTT cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tại địa phương, giữa địa phương với Trung ương trong công tác quản lý tôn giáo”.
Những điều này đã được ghi nhận “tại hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2010 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2011, ngày 25/2, ở Hà Nội”.
Phát giác trên đây khiến cho dư luận người Công Giáo trong và ngoài nước có một cái nhìn khác về sự hiện diện của ông Nguyễn Thiện Nhân trong đại lễ Bế Mạc Năm Thánh của Giáo Hội Công Giáo ở La Vang đầu năm nay. Hiển nhiên, ông được chế độ đặc cử đến và lên tiếng trong dịp này không chỉ đơn thuần với tư cách Phó Thủ Tướng thay mặt các ông Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng mà còn có vai trò của đảng và nhà nước cộng sản để giám sát những diễn tiến trong một dịp lễ lớn của GHCG. Điều này lý giải cho tấm hình chụp ông Nhân đang lúng túng trong tư thế ngồi trước khán đài lễ Bế Mạc Năm Thánh tại La Vang, trong khi tất cả các Hồng Y, TGM, GM và tân khách trong và ngoài nước đều đứng dậy trong tư thế nghiêm chỉnh để đón chào ĐHY Ivan Dias, đặc sứ đại diện Tòa Thánh Vatican (xin coi hình chụp). Theo tiết lộ trực tiếp của người chụp tấm hình này với cá nhân chúng tôi thì sau một phút hoang mang, bất định “ngài PTT” đã phải gượng gạo đứng lên khi nhận ra “mình chẳng giống ai?”. Rõ ràng là với tư cách người được trao phó trách nhiệm giám sát đường đi nước bước của các tôn giáo, ông đã bị giằng co trước quyết định ngồi hay đứng khi ấy: theo mọi người cùng đứng trong nghi thức chào kính HY Ivan hay tiếp tục ngồi để kiên định lập trường của người thay mặt đảng và nhà nước? Cuối cùng, dù chậm nhưng ít nhất ông cũng đã vớt vát được đôi chút thể diện của một người từng là Bộ trưởng Giáo Dục và nghe đâu trong tương lai gần sẽ là Bộ trưởng Ngoại Giáo của chế độ, trước sự chứng kiến của những HY, GM thuộc nhiều quốc gia trên thế giới..
* Những nét cụ thể của “công tác quản lý các tôn giáo”:
Văn kiện đăng trên TTX/CSVN cho biết thêm:
“Phó Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai tổng kết 10 năm tình hình công tác tôn giáo và quản lý nhà nước về tôn giáo, định hướng 10 năm tới”.
Đồng thời “yêu cầu các tỉnh, thành phố có hướng dẫn về chế độ gặp gỡ thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, thành phố với chức sắc tôn giáo trên địa bàn. Ngay trong quý I này, cần tổ chức cuộc gặp gỡ với người đứng đầu các tôn giáo, giúp họ nắm bắt được tình hình đất nước, các biện pháp điều hành ổn định kinh tế, an sinh xã hội của Chính phủ, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, để đồng lòng cùng đất nước vượt qua khó khăn, không nghe bên ngoài xúi giục.”
Văn kiện cũng nhấn mạnh tới “Việc đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo”. Riêng “Năm 2010, có trên 18.700 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng và trên 2.800 người đã tốt nghiệp, hoàn thành các khóa bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành.”
(Một số đoạn tô đậm và gạch dưới do người viết muốn lưu ý độc giả)
Một loạt câu hỏi được đặt ra: a/ con số 18.700 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng và trên 2.800 người đã tốt nghiệp này là ai? 2/ Những gì đã được đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng? 3/ Tỉ lệ phân chia cho các tôn giáo ra sao? 4/ Ai, cơ quan nào phụ trách việc đào tạo, bồi dưỡng?
Với Giáo Hội Phật Giáo, những tiết lộ của nhà văn Dương Thu Hương, bao gồm những báo động gần đây của các chức sắc trong GHPGVNTN ở hải ngoại –cách riêng bên Úc Châu- cho thấy trong nhiều năm qua, đảng và nhà nước CSVN đã ra sức đào tạo một thế hệ Tăng Sĩ trẻ để thay thế lớp cũ quản lý các Thiền viện, Chùa chiền trực thuộc cơ chế gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do họ dựng lên để chống lại GHPGVNTN dưới quyền chỉ đạo của đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Việc thay thế này đã được thực hiện từ lâu tại quốc nội và gần đây lan ra hải ngoại, nhất là bên Úc châu.
Riêng với Công Giáo, vì truyền thống và kỷ luật lâu đời của Giáo Hội trong việc đào tạo tu sĩ, linh mục không cho phép họ trực tiếp can dự vào lãnh vực này. Để bù lại, bằng mọi phương sách: từ hăm dọa, khủng bố, phỉnh gạt, mua chuộc kể cả hủ hóa, sau khi bất đắc dĩ phải cho mở lại một số chủng viện, đảng và nhà nước giành quyền duyệt xét danh sách các ứng viên đi tu, mà hậu ý không gì khác hơn là nhằm loại bỏ những thành phần tốt đồng thời cài đặt vào những ứng sinh do họ lựa chọn. Để chắc ăn, trong suốt những năm tu học, vào những dịp về quê nghỉ hè, các chủng sinh còn phải trình diện với các viên chức nhà nước ở địa phương để được dạy dỗ, “bồi dưỡng” theo chủ trương, đường hướng của đảng! Chưa hết, sau khi kết thúc học trình, sẵn sàng chịu chức, những linh mục tương lai này còn phải được sự chuẩn nhận của đảng và nhà nước! Nếu “ông nhà nước” cho phép sẽ được phong chức. Bằng không sẽ được khuyến cáo bỏ tu đi lấy vợ. Trái lại, nếu còn kiên trì với lý tưởng đời tu sẽ phải chờ 5 năm, 10 năm hoặc… 30 năm như trường hợp linh mục Lorenso Chu Văn Minh, hiện là Giám Mục Phụ Tá TGP Hànội.
Nhấn mạnh tới công tác “học tập, bồi dưỡng” dành cho các nhà lãnh đạo tôn giáo trong giai đoạn này, văn kiện của TTX/CSVN ghi nhận:
“Năm 2011, ngành Tôn giáo xác định 5 nhiệm vụ chính, trong đó, tập trung quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về công tác tôn giáo và thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Công tác thông tin trong nước cũng như thông tin đối ngoại tôn giáo được tăng cường, phối hợp công tác đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo và đấu tranh nhân quyền.”
Về điều gọi là “chế độ gặp gỡ thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, thành phố với chức sắc tôn giáo trên địa bàn”, cùng với chỉ thị “Ngay trong quý I này, cần tổ chức cuộc gặp gỡ với người đứng đầu các tôn giáo, giúp họ nắm bắt được tình hình đất nước, các biện pháp điều hành ổn định kinh tế, an sinh xã hội của Chính phủ, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, để đồng lòng cùng đất nước vượt qua khó khăn, không nghe bên ngoài xúi giục” chúng ta thấy được những gì ẩn sâu trong đó?
Khi những cuộc “gặp gỡ thường xuyên” trở thành “chế độ” đối với giới lãnh đạo trong tỉnh, thành với các chức sắc tôn gíáo thì ai cũng hiểu được mức độ “chiếu cố” các tôn giáo của Hànội như thế nào. Tiếp đến, lời khuyến cáo “Ngay trong quý I này, cần tổ chức cuộc gặp gỡ với người đứng đầu các tôn giáo, giúp họ nắm bắt được tình hình…” soi sáng cho người đọc hai điều. Thứ nhất, nó liên quan tới yếu tố thời gian và thứ hai cho thấy sự đánh giá cao sức mạnh của các khối tín đồ thuộc các tôn giáo trước những biến động hiện nay tại Bắc Phi.
Ba chữ “Quý I này”, chỉ thời gian 3 tháng từ tháng 01 đến hết tháng 3-2011 trùng hợp với thời gian xảy ra cuộc “Cách Mạng Hoa Lài” đánh dấu bằng cái chết qua ngọn đuốc thân xác của Mohamed Bouazizi ở Tunisia ngày 17-01, tiếp theo là sự cáo chung của chế độ độc tài Mubarack sau 18 ngày vùng lên của quần chúng Ai Cập, và hiện nay là những ngày giờ định mệnh của Muammar Gaddafi ở Libia cùng những cuộc xuống đường liên tiếp của dân chúng tại nhiều quốc gia trong vùng và đang có cơ lây lan qua các xứ sở độc tài thuộc các lục địa khác, bao gồm cả Á châu, trong đó có Trung Cộng, Bắc Hàn và Việt Nam..
Sự trùng dụng về thời gian khiến giới cầm quyền trong nước“cần tổ chức cuộc gặp gỡ với người đứng đầu các tôn giáo” trong quý I năm nay hé mở cho người ta thấy trước được nội dung những cuộc gặp gỡ mang tính khẩn cấp này ra sao. Hiển nhiên, qua bài học kinh nghiệm rút được trong những cuộc tập hợp hàng chục ngàn giáo dân ở tòa Khâm sứ cũ, ở Thái Hà và trên 200 ngàn tín hữu ở Xã Đoài, Tam Tòa vài năm qua, có khả năng dẫn tới một sự kết hợp rộng rãi và đồng loạt giữa tín đồ các tôn giáo nên mặc dầu đã có những buổi gặp gỡ thường xuyên từ trước tới nay, nhưng vì e sợ “mùi hương Hoa Lài” từ Bắc Phi có khả năng đánh động khứu giác bén nhạy của quần chúng Việt Nam nên đảng và nhà nước đã phải mở một chiến dịch “tôn giáo vận” một cách khẩn cấp từ giới lãnh đạo chop bu. Riêng với Giáo Hội Công Giáo, mục tiêu gặp gỡ trực tiếp được nhắm tới là Hồng Y Phạm Minh Mẫn, TGM Sàigòn, Giám mục Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hànội, Giám mục Nguyễn Như Thể, TGM Huế và nói chung HĐGMVN, trong đó có những GM cầm đầu các Giáo phận trên toàn lãnh thổ. Nội dung hẳn sẽ không ngoài những vuốt ve, hứa hẹn trong khuôn khổ cơ chế XIN/CHO kèm theo những đe noi, hăm dọa.
Văn kiện cũng đếm kỹ những lần đảng và nhà nước cho phép các chức sắc tôn giáo đi ra nước ngoài, theo đó chỉ riêng “Năm 2010 có 240 lượt chức sắc, nhà tu hành đi nước ngoài”. Bản văn cũng nhắc lại những nét chủ đạo trong đường hướng của mỗi tôn giáo được sự đồng thuận của đảng và nhà nước như:
“Phật giáo có đường hướng “đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; Công giáo là “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”; đạo Tin lành là “sống phúc âm phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”; đạo Cao Đài có đường hướng “nước vinh, đạo sáng”…”
Đọc kỹ những tiêu hướng này, người tín hữu thuộc mọi tôn giáo đều không có điều gì để phản bác. Lý do là bằng những suy tư ngay chính, nó không có gì đi ngược lại lương tri cá nhân của con người và càng không phản lại giáo lý của mỗi tôn giáo. Có điều từ ngôn ngữ chuyển vào thực tế áp dụng, người cộng sản đã cố tình đánh lộn sòng giữa tình tự quốc gia, dân tộc với chủ nghĩa Mác-Xít, với chủ trương bá quyền, chuyên chính, đọc tài phi tôn giáo của họ. Vấn đề khúc mắc ở đây là thái độ cam đành, chấp nhận và cung cách ứng xử khó hiểu của giới cầm đầu các tôn giáo.
III.- Đòn mới của CSVN: công khai cổ võ việc kết nạp người có đạo vào đảng!
Đối với người tín hữu Công Giáo thuần thành, việc gia nhập đảng cộng sản đồng nghĩa với việc chối bỏ niềm tin nơi Thiên Chúa. Nói cách khác, một tín đồ khi tuyên thệ trở thành đảng viên đảng cộng sản tức là đương sự đã chính thức bỏ đạo. Vì thế không ai ngạc nhiên là qua những thư chung 1951 và 1960, các Giám Mục đã hơn một lần lên án chủ nghĩa vô thần, vô tôn giáo cộng sản, nghiêm khắc cảnh báo những mưu toan phá đạo của chúng và tuyệt đối ngăn cấm người tín hữu gia nhập đảng này.
Đã đành trong nhiều năm qua quả đã có những tín hữu giáo dân, kể cả một số giáo sĩ vong thân, biến chất trở thành đảng viên cộng sản. Nhưng với mục tiêu thâm độc, đảng vẫn tìm hết cách để che đậy cái đuôi cộng sản của những thành phần mất gốc vừa nói. Chủ trương này không ngoài ý đồ giúp họ không bị giáo quyền, giáo dân điểm mặt hầu dễ dàng xâm nhập, trà trộn để lũng đoạn Giáo Hội. Do đó, nếu ngày hôm nay, trong hàng ngũ chủ chăn cấp cao có lọt vào một vài kẻ “chăn thuê” từng âm thầm tuyên thệ gia nhập đảng cộng sản Việt Nam thì cũng chẳng làm cho ai ngạc nhiên. Bởi lẽ đấy là chủ trương ngấm ngầm và tối hậu của cộng sản: để vô hiệu hóa sức đề kháng của tập thể công giáo và phương sách tốt nhất mà họ chọn là tìm thêm đảng viên trong số những người có đạo, đặc biệt là hàng ngũ lãnh đạo.
Điều khiến người ta ngạc nhiên và cũng gây nhiều lo âu là hiện nay Hànội đã và đang ra mặt công khai cổ võ cho công tác kết nạp người có đạo vào đảng cộng sản. Trong một bài viết mới đây trên nhật báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, người ta đọc được những giòng sau đây:
“Ðến nay, số lượng quần chúng ưu tú là người có đạo được kết nạp đảng tăng lên hàng năm, giảm dần số xóm không có đảng viên là người có đạo. Những đảng viên là người có đạo được kết nạp đã thật sự là hạt nhân tích cực, đầu tàu gương mẫu trong công tác”.
Bài báo được xây dựng trên Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Sơn (Ninh Bình) thuộc Giáo khu Phát Diệm vốn được coi là cái nôi của Giáo Hội Công Giáo miền Bắc với tỷ lệ công dân có tín ngưỡng Công Giáo rất cao. Bài báo viết:
“Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về đẩy mạnh công tác kết nạp đảng đối với quần chúng có đạo đề ra và triển khai thực hiện từ tháng 8-2008, với mục tiêu, mỗi năm, toàn Ðảng bộ huyện kết nạp Ðảng từ 200 đảng viên trở lên, trong đó có hơn 40 đảng viên là người có đạo; hằng năm có thêm 10 – 15 chi bộ nơi có đồng bào theo đạo, có đảng viên là người có đạo, tiến tới năm 2015 có 100% chi bộ trong vùng có đông đồng bào theo đạo có đảng viên là người có đạo. Nghị quyết cũng đề ra một số nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu cần thực hiện, trong đó nhấn mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của quần chúng có đạo về Ðảng, về chính sách tôn giáo tín ngưỡng, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Ðảng và Nhà nước; đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy và đảng viên trong công tác kết nạp đảng viên mới và trong việc bố trí, sử dụng cán bộ là người có đạo…
Tiết lộ trên đây cho thấy, dù chưa công khai hóa, từ cuối hạ bán niên 2008, riêng huyện Kim Sơn đã đề ra chỉ tiêu hàng năm phải kết nạp từ 200 đảng viên trở lên, trong đó 20% là đảng viên có tín ngưỡng Công Giáo. Nêu lên một trường hợp điển hình để nhấn mạnh về nhu cầu đoàn ngũ hóa giới trẻ Công giáo dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản, báo Nhân Dân cho hay:
“… Bí thư Ðoàn Thanh niên xã Kim Mỹ – đồng chí Ngô Thượng Ðại-, một đảng viên trẻ là người Công giáo cho biết, Kim Mỹ là xã nằm ở ven biển, có gần 88% số dân theo đạo Công giáo; số người trong độ tuổi sinh hoạt Ðoàn là 1.775, trong đó thanh niên Công giáo chiếm 85%. Do đó việc đoàn kết, tập hợp thanh niên Công giáo là một trong những hoạt động chính của công tác Ðoàn.”
Để thực hiện được điều này, Đoàn đẩy mạnh việc tổ chức những buổi học tập để giới trẻ Công Giáo tìm hiểu về điều gọi là “Gương đạo đức của Bác”, và về “Vinh quang của đảng” v.v … “Từ đó, tạo cơ hội và điều kiện rèn luyện cho thanh niên và phát hiện những nhân tố tiêu biểu để giới thiệu, kết nạp Ðảng.”
Ở một đoạn khác, báo Nhân Dân viết:
“Ðồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Bí thư chi bộ Quỹ tín dụng cơ sở xã Hùng Tiến là một đảng viên gốc đạo, sinh ra trong gia đình công giáo yêu nước, anh thấy rõ sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với đồng bào công giáo. Ngày càng có nhiều giáo dân tham gia công tác xã hội, được thể hiện khả năng của mình và được đứng vào hàng ngũ của Ðảng. Hiện nay ở Hùng Tiến có một đồng chí cấp ủy xã là gốc giáo; 4/15 bí thư chi bộ và 9/14 trưởng xóm là người công giáo (…) Tờ trình về việc xét, quyết định kết nạp đảng viên và chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức của Ban Tổ chức Huyện ủy Kim Sơn, đề nghị 18 hồ sơ, trong đó có năm trường hợp quần chúng ưu tú là người gốc giáo. Ðảng ủy xã Ðịnh Hóa là một trong những cấp ủy thực hiện vượt chỉ tiêu được giao trong kết nạp đảng viên gốc giáo. Chỉ tiêu Huyện ủy giao cho Ðịnh Hóa năm 2010 là kết nạp bảy đảng viên, trong đó có một đảng viên gốc giáo, kết quả cuối năm đã kết nạp 10 đảng viên, vượt 43%, và ba đảng viên gốc giáo, vượt 200%. Ðảng viên trẻ Trần Xuân Trí, người theo đạo Công giáo, công an viên xóm 10, xã Ðịnh Hóa, tâm sự: Ðược sự giúp đỡ nhiệt tình của cấp ủy, đoàn, hội, hiện nay có rất nhiều thanh niên công giáo ở địa phương mong muốn được sinh hoạt trong các tổ chức xã hội, được phấn đấu vào Ðảng”
Việc tìm kiếm đảng viên trong số những tín hữu Công giáo không phải lúc nào cũng suông sẻ. Cũng trong bài viết trên đây, báo Nhân Dân tiết lộ:
“Tuy nhiên, trên địa bàn Ðịnh Hóa vẫn còn xóm 12 với 100% số dân theo đạo Công giáo chưa có đảng viên. Cái khó vẫn là công tác tư tưởng và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy và đảng viên được phân công theo dõi địa bàn. Phát triển Ðảng tại xóm 12 cũng là mục tiêu phấn đấu của Ðảng bộ xã nhiệm kỳ này, do đó thực hiện nghị quyết Ðảng bộ đề ra cần sự nỗ lực đồng bộ từ cấp ủy, các đoàn, hội và mỗi cán bộ, đảng viên.”
IV.- Kết luận:
Cho đến năm đầu thập niên thứ hai của đệ tam thiên niên, chủ trương khống chế, bách hại các tôn giáo của đảng và nhà nước CSVN vẫn tiếp tục được đặt lên hàng đầu. Thời gian gần đây, do nhu cầu bắt buộc phải mở ra với thế giới, trên nguyên tác, đối sách về tự do tôn giáo của Hànội đã có những thay đổi. Nhưng nhìn sâu vào bên trong, đấy chỉ là những thay đổi bề ngoài khi mà thực chất vẫn không khác, nếu không muốn nói là còn hiểm độc và nguy hại hơn trước.
Từ giai đoạn thẳng tay triệt hạ tôn giáo: sát hại, bắt bớ giáo sĩ, giáo dân; đóng cửa tu viện và các cơ sở đào tạo chủng sinh với thâm ý: khi số chủ chăn ít oi già yếu, chết đi sẽ không có người thay thế, đạo tư tan… họ miễn cưỡng phải nới lỏng những sinh hoạt phụng tự. Cho phép tu sửa, xây cất các giáo đường, thánh thất, chùa chiền. Tự do (và đôi khi còn khuyến khích) tổ chức các lễ hội rầm rộ, dĩ nhiên với điều kiện chỉ giới hạn trong khuôn viên các cơ sở tôn giáo. Tiến thêm một bước, đảng và nhà nước cho phép những cơ sở đào tạo linh mục hoạt động trở lại với một số điều kiện như phải để cho họ duyệt xét danh sách ứng viên đi tu, thêm vào chương trình giảng huấn những môn học về chủ nghĩa Mác-Lê. Việc phong chức linh mục, bổ nhiệm giám mục phải thông qua nhà nước, v.v…
Bằng cái nhìn bề mặt, mọi tôn giáo –cách riêng Công giáo- đã có phần dễ thở. So sánh với Giáo hội ở Trung hoa lục địa có người còn tỏ ra mừng rỡ cho rằng GHVN vẫn mang tính chất tông truyền, gắn bó với Tòa Thánh Vatican không phải là một Giáo hội tự trị như bên láng giềng Trung quốc.
Với tâm trạng ưu tư và cái nhìn sâu lắng của người tín hữu thành tâm yêu mến Giáo hội, không ít người bao gồm giáo dân và giáo sĩ đã có những suy nghĩ ngược lại. Họ cho rằng: thà như ở Trung cộng, trong khi bắt buộc phải chấp nhận một thứ Giáo hội tự trị thống thuộc nhà nước nhưng bên cạnh đó còn có một Giáo hội thầm lặng –một Giáo hội hầm trú tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa qua mối hiệp thông tinh tuyền với Giáo hội hoàn vũ… còn hơn là một thứ Giáo hội “nửa nạc nửa mỡ” như GHVN hiện nay. Tuy trên danh nghĩa thống thuộc Rôma nhưng thực tế GHVN ngày nay đã hoàn toàn biến chất để lần hồi trở thành một Giáo hội theo chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa thực dụng –một thứ chủ nghĩa từng được đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI lên tiếng cảnh giác lâu nay-. Nói theo linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh thì đấy là một thứ “Tôn Giáo Lễ Hội”, đã bị biến chất, bị rút ruột!
Minh họa cho những biểu hiện đáng buồn trên đây là thái độ im lặng, đồng lõa với tội ác của một số những lãnh đạo cấp cao trong Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay. Nếu cần chỉ danh, người tín hữu CGVN ngày nay không ngần ngại nói tới HY Phạm Minh Mẫn, TGM Sàigon, GM Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hànội đương kim chủ tịch HĐGMVN, GM Nguyễn Như Thể, TGM Huế, các GM Bùi Văn Đọc, Châu Ngọc Tri, Vũ Huy Chương v.v…
GM Nhơn, HY Mẫn và TGM Thể sắp hàng bắt tay TT/CSVN
Xuyên qua hai văn kiện, một trên TTX/CSVN và một trên tờ nhật báo Nhân Dân, hai tiếng nói chính thức của đảng và nhà nước liên quan tới công tác gọi là “quản lý tôn giáo” và công nhiên dụ dỗ người tín hữu vào đảng cộng sản để có thêm vây cánh, tiếp tục đè đầu cưỡi cổ nhân dân, chúng ta chờ đợi gì nơi những người có trách nhiệm trong Giáo hội khi các ngài ở vào tình trạng tê liệt “há miệng mắc quai” để trở thành vô cảm. Trong điều kiện xót xa, đau đớn ấy, chúng tôi trạnh nhớ tới tiêu đề hai bài viết của cha Tỉnh: “ĐẠO để làm gì?” và “HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC để làm gì?”
Nam California, ngày 04-3-2011
Trần Phong Vũ
———————
Theo đồng chí Trần Văn Sớm, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Ðịnh Hóa, dù rất cố gắng bằng nhiều giải pháp nhằm phát triển Ðảng trong đồng bào công giáo và đã đạt những thành tích bước đầu, tuy nhiên trên địa bàn Ðịnh Hóa vẫn còn xóm 12 với 100% số dân theo đạo Công giáo chưa có đảng viên. Cái khó vẫn là công tác tư tưởng và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy và đảng viên được phân công theo dõi địa bàn. Phát triển Ðảng tại xóm 12 cũng là mục tiêu phấn đấu của Ðảng bộ xã nhiệm kỳ này, do đó thực hiện nghị quyết Ðảng bộ đề ra cần sự nỗ lực đồng bộ từ cấp ủy, các đoàn, hội và mỗi cán bộ, đảng viên.
2011-03-04