* Tạp bút UYÊN THAO

Nếu kể từ khi chế độ thuộc địa Pháp ban hành đạo luật báo chí 1881 thì lịch sử báo chí Việt Nam đã kéo dài hơn 120 năm. Suốt thời gian này gần như người làm báo Việt Nam chưa có ngày nào thoát khỏi cuộc vật lộn để dành được quyền hành nghề đúng nghĩa. Chua xót hơn là dường như cứ thêm một bước thời gian, gánh nặng trên vai người làm báo lại nặng hơn và gông cùm do các chế độ xiết lên ngòi bút càng khủng khiếp hơn.

Những ngày cuối tháng 10-2001, các viên chức của chế độ Hà Nội đã mở một hội nghị kéo dài 3 ngày để kiểm xem báo chí trên toàn quốc thi hành chỉ thị số 22 của Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng ra sao trong 4 năm qua, đồng thời chuẩn bị để Hội Nghị Trung Ương Đảng lần 5 đưa ra những chỉ thị mới vào tháng 2/2002 cho báo chí. Gần đây, Nguyễn Tấn Dũng với cương vị thủ tướng đã khẳng định nhiều lần chủ trương kiểm soát chặt chẽ báo chí, bác bỏ quyền làm báo của tư nhân và Hội Nghị Trung Ương Đảng lần 5 vào trung tuần tháng 7-2007 đã lập lại chủ trương báo chí luôn phải tuân hành mọi chỉ thị của Đảng. Người làm báo trong khung cảnh đó rõ ràng chỉ còn là tôi mọi cho bạo quyền và là nỗi ô nhục không thể bôi xóa.

Từ cảnh ngộ đau lòng này của báo giới Việt Nam nói chung, tôi chợt nhớ về đoạn đường vùng vẫy trong tuyệt vọng của báo giới Miền Nam năm 1974 đã hình thành bức chân dung đầy nhọc nhằn của người làm báo Việt Nam.

Đối chiếu hai khung cảnh – của báo giới Việt Nam hiện nay và báo giới miền Nam trước 1975 – người ta có thể tự an ủi là dù sao những ngòi bút của miền Nam vẫn thắp lên được ánh lửa hào khí Đồng Nai giữa cơn bão táp. Nhưng nhìn chung thì nỗi đau vẫn hiển hiện, nếu người ta thành thực tự hỏi: Giới cầm bút đã đem lại được gì hữu ích cho cuộc sống của những đồng bào khốn khó trên khắp đất nước chúng ta? Nỗi đau càng thấm thía hơn khi câu hỏi thu hẹp lại trong một phạm vi cụ thể: Giới cầm bút đã có thời điểm nào thể hiện nổi tiêu chuẩn hành nghề của mình đúng nghĩa chưa?

Ngày 31-10-1974, lệnh thiết quân luật được ban bố tại Sài Gòn. Lực lượng Cảnh Sát với mặt nạ, khiên mây và lăm lăm súng trên tay dàn ra trấn đóng khắp các ngã tư. Nhiều đường phố vắng ngắt. Hình ảnh này chắc chắn sẽ được ghi mãi trong mọi hồi ức về hoạt động báo chí. Có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng là lần độc nhất trong lịch sử báo chí thế giới, chiến xa và súng đạn được đưa ra trực tiếp đối đầu với người cầm bút: Ngày đó chính quyền đưa nhật báo Sóng Thần ra Tòa. Lệnh thiết quân luật được ban bố không do tình trạng chiến tranh mà nhắm ngăn chặn và trấn áp mọi giới quần chúng tới pháp đình bày tỏ thiện cảm với tờ báo cũng như với giới cầm bút nói chung.

Kể từ ngày ra mắt, 25-9-1971, nhật báo Sóng Thần tự nguyện góp phần xây dựng một chế độ dân chủ tự do và một guồng máy chính quyền trong sạch tại miền Nam phù hợp với mong mỏi của mọi người để bảo đảm hiệu quả cho nỗ lực chiến đấu chống Cộng mà quân dân đang theo đuổi. Ý hướng đó đã đặt Sóng Thần vào tư thế luôn bị đe dọa bởi những thế lực mưu cầu tư lợi, coi rẻ mọi nguyện vọng quần chúng. Tình thế đối đầu ngày một căng thêm và lên tới tột đỉnh vào đầu tháng 9-74, sau khi Sóng Thần liên tục báo nguy về những dấu hiệu có thể đang diễn ra những dàn xếp cho một cuộc cờ quốc tế mới bất chấp ý nguyện của người Việt, nhất là khi Trung Cộng ngang nhiên đưa lực lượng hải quân tấn công chiếm quần đảo Hoàng Sa ngoài khơi Đà Nẵng vào tháng 1-1974. Chúng tôi không tin là giới cầm quyền không thấy viễn ảnh tương lai ảm đạm đó, nhưng hấp lực của những mưu cầu cá nhân đã khiến vận mạng đất nước bị coi như cát bụi. Để dễ dàng đạt mục đích, một thiểu số nắm trọng quyền trong guồng máy lãnh đạo quốc gia cố tình dập tắt mọi tiếng nói trung thực của báo chí bằng ngọn đòn tịch thu bất kỳ tờ báo nào loan báo với công chúng những tin tức tiết lộ các mưu cầu trên cũng như tin tức về tình trạng chênh vênh của chế độ Cộng Hòa Việt Nam.

Tòa soạn Sóng Thần thấy không còn con đường nào khác ngoài sự lên tiếng đòi cởi bỏ xiềng xích đang bóp nghẹt báo chí để giúp mọi giới quần chúng nhìn rõ thực tế đen tối của miền Nam hầu kịp thời nỗ lực cứu nguy cho đất nước.

VN_BaoChi_HoaBinh

Sau khi nhật báo Hòa Bình tuyên bố tự đình bản từ ngày 31-8-1974 vì không chịu nổi hậu quả của biện pháp tịch thu, Sóng Thần số 962 phát hành chiều Thứ Bảy 31-8-74 (đề ngày 1-9-1974) đăng tải một bài viết với tựa đề “Quốc Hội và Chính Phủ phải gánh mọi trách nhiệm về các hiểm họa đe dọa đệ tứ quyền VN”.

Bài báo trở thành phát pháo lịnh mở đầu cuộc đấu tranh đòi tự do báo chí. Trong bài báo mở màn tranh đấu này, Sóng Thần đề cập tới 2 chủ điểm gây ra tình trạng báo chí suy đồi tại miền Nam là sắc luật 007 và tinh thần hủ bại của những người thi hành luật tại Bộ Dân Vận Chiêu Hồi để khẳng định cả hai thứ đó đều không còn lý do tồn tại. Bài báo tiếp:

“Đây là một đòi hỏi khẩn thiết không vì quyền lợi riêng của báo chí mà vì nhu cầu sống còn của chế độ và đất nước. Đòi hỏi này cũng được đặt ra cho cả sáng quyền và trách nhiệm của Quốc Hội. Các đại diện dân cử không thể đưa ra một lập luận nào để chối cãi sự phản bội của mình đối với đồng bào cử tri, nếu luật báo chí 007 còn tồn tại để dung dưỡng những biện pháp lạm quyền phản dân chủ đối với báo chí … Chúng tôi đồng ý là tình trạng chiến tranh có thể đòi hỏi sự hạn chế một số quyền tự do, nhưng hạn chế không đồng nghĩa với tàn sát báo chí để làm tổn thương cho chế độ và dân tộc.
Cả chính quyền và Quốc Hội cần phải can đảm nhìn thẳng vào vết thương nhức nhối hiện nay của báo chí với ý thức sáng suốt đó là vết thương chung của tất cả.”

Số báo Sóng Thần 962 còn đăng tải một bài khác của ký giả lão thành Ngọa Long kiểm điểm sinh hoạt báo chí trong 85 năm bị Pháp đô hộ dưới các bộ luật thực dân 1881 và 1898.

Ký giả Ngọa Long đối chiếu sinh hoạt báo chí của thời khoảng trước đó với đương thời và đã phải kết luận rằng luật 1881 và 1898 do thực dân đề ra vẫn còn tạo cho ký giả những điều kiện hành nghề an toàn hơn so với luật 007/72.

Sáng chủ nhật 1-9-74, Chủ nhiệm nhật báo Hoà Bình, linh mục Trần Du, gửi tới Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm một lá thư ngỏ đòi hỏi “nghiêm trị và loại trừ những sâu dân mọt nước đang đục khoét phá hoại nền móng tự do dân chủ độc lập mà toàn dân đã phải hy sinh biết bao xương máu để kiến tạo cho Quốc Gia Dân Tộc”

17 giờ chiều 1-9-74, Trung Tâm Văn Bút Việt Nam triệu tập phiên họp bất thường của ban thường vụ, thông qua một bản tuyên bố gởi cho báo chí và Hội Nghị Thơ Văn Quốc Tế kỳ 6 đang họp tại thủ đô Bruxelles, Bỉ với nội dung kêu gọi Hội Văn Bút Quốc Tế và các tổ chức văn hóa báo chí quốc tế tích cực can thiệp cho quyền tự do thông tin và diễn tả được tái lập tại VNCH.

Nối theo các hành động khai pháo đó, chiều Thứ Hai 2-9-74, báo Chính Luận trong số đề ngày Thứ Ba 3-9-74 lên tiếng báo động Tổng Thư Ký Thái Lân và ký giả Ngô Đình Vận bị bắt giữ vì loan tin về một vụ buôn đồng lậu xuất phát từ Phủ Thủ Tướng.

Chiều 2-9, phản ứng lại các sự việc trên, Tổng Trưởng DVCH Hoàng Đức Nhã tuyên bố qua Việt Nam Thông Tấn Xã rằng tờ Hòa Bình số 826 bị tịch thu không phải là việc làm bừa bãi của Bộ DVCH và nhờ báo chí phổ biến trong các số báo phát hành chiều 3-9, lá thư gửi Nghị sĩ Tôn Thất Đính, Chủ Tịch Hội Chủ Báo Việt Nam đề nghị “xin ông Chủ Tịch vui lòng thông báo cho quí vị chủ báo lời mời của tôi để tiếp xúc với quí vị ở Bộ Dân Vận Chiêu Hồi và vui lòng thông báo cho tôi ngày giờ thuận tiện cho quí vị chủ báo về buổi gặp gỡ đó”.

Sáng Thứ Tư 4-9, cuộc đấu tranh đòi tự do tiếp nhận sự tham gia của 11 Dân Biểu thuộc Nhóm Quốc Gia với bản tuyên bố nhắc lại đòi hỏi của báo Sóng Thần: hủy luật 007/72. Bản tuyên bố mang chữ ký của các dân biểu Nguyễn Văn Binh, Nguyễn Văn Cử, Dương Minh Kính, Nguyễn Trọng Nho, Nguyễn Tuấn Anh, Đặng Văn Tiếp, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Đức Cung, Vũ Công Minh, Đỗ Sinh Tứ và Nguyễn Hữu Hiệu.

Đồng thời, TTVB tổ chức một buổi hội thảo về báo chí vào chiều Thứ Tư 4-9-74. Buổi hội thảo được công bố khởi sự lúc 18 giờ nhưng cảnh sát có mặt sớm hơn bủa vây từ lúc 16g30 nên cuối cùng chỉ còn là buổi hội thảo “bỏ túi” với khoảng 20 hội thảo viên gồm các dân biểu, nghị sĩ, nghị viên Nguyễn Đức Quí, Đoàn Văn Lượng, Hồ Ngọc Nhuận, Hà Thế Ruyệt … và các linh mục Thanh Lãng, Trần Du, Thiên Hổ Nguyễn Quang Lãm, Trần Hữu Thanh…

Cùng trong ngày, Khối dân biểu Dân Tộc Xã Hội do luật sư Trần Văn Tuyên làm Trưởng Khối tuyên bố gia nhập cuộc đấu tranh đòi tự do báo chí bên cạnh nhóm dân biểu Quốc Gia.

Chiều Thứ Năm 5-9, Hội Chủ Báo họp tại tòa soạn nhật báo Điện Tín thảo luận về việc sẽ gặp Tổng trưởng DVCH. Buổi gặp được định là chiều Thứ Ba 10-9-1974.

Ngày Thứ Sáu 6-9, Ủy Ban Tranh Đấu cho Tự Do Báo Chí và Xuất Bản chính thức thành lập với sự tham gia của các đại diện dân cử, đại diện các hội đoàn báo chí và các nhật báo tại thủ đô Sài Gòn.

Sáng 7-9, Hội Bảo Vệ Nhân Quyền và Dân Quyền VN ra tuyên cáo tán thành hủy bỏ sắc luật “007”. Cùng ngày 7-9-74, Nghiệp Đoàn Ký Giả VN phổ biến bức điện tín khẩn cấp mà Nghiệp Đoàn này đã gửi tới Liên Đoàn Ký Giả Quốc Tế tại Bruxelles ngày 5-9 để thông báo các hành động bóp nghẹt sinh hoạt báo chí xuất bản tại VNCH. Bức điện tín khẩn yêu cầu Liên Đoàn tích cực hỗ trợ cho cuộc tranh đấu của báo chí và ký giả VN.

1-kygia

Giữa không khí hực lửa đó của giới cầm bút tại thủ đô Sài Gòn, sáng Thứ Hai 9-9, tin điện từ Huế cho biết chiều Chủ Nhật 8-9 tại cố đô, Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh vừa nhập cuộc. Bản Cáo Trạng số 1 với 6 điểm tố cáo đích danh Tổng Thống Thiệu tham nhũng được phân phát cho các báo chiều 9-9 tức 24 giờ sau khi đọc công khai trước các đám đông tại Huế.

Sáng sớm Thứ Ba 10-9, Bộ DVCH buộc các báo không được phổ biến cáo trạng trên.

Tòa soạn nhật báo Sóng Thần quyết định thực thi quyền hành nghề của báo chí đã từ chối yêu sách của bộ DVCH, quyết định cho đăng tải tóm lược phần nội dung chính yếu của 6 điểm cáo trạng số 1.

14 giờ 30 chiều Thứ Ba 10-9, bộ DVCH nhắc lại đòi hỏi buộc nhà báo phải đục bỏ bản tin trên. Đáp lại, tòa soạn Sóng Thần trả lời dứt khoát “không thể làm báo theo lệnh Nhà Nước”.

15 giờ, cảnh sát bao vây nhà in Sóng Thần, truyền đạt lệnh “nếu không đục bỏ bản tin, sẽ tịch thu báo”.

Chiều 10-9 cũng là thời điểm dự kiến diễn ra cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Chủ Báo và Tổng Trưởng DVCH. Trước áp lực trên, đại diện Sóng Thần trong phái đoàn Chủ Báo tuyên bố “không tới bộ DVCH, nếu Sóng Thần bị tịch thu”. Phái đoàn Chủ Báo lên tiếng tán thành tuyên bố trên.

16 giờ 30, vấn đề được giải quyết: Bộ DVCH cam kết không tịch thu Sóng Thần và phái đoàn Chủ Báo đồng ý tới gặp Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã.

Nhưng ngay sau đó, sự việc đã xảy ra ngược lại khiến Sóng Thần lại phải kêu cứu với các hội đoàn báo chí vào chiều 11-9 và công bố trong một bài viết đăng trên số báo 973 ra chiều Thứ Năm 12-9:

“Lúc 16 giờ 10 phút ngày Thứ Ba 10-9, lực lượng cảnh sát bao vây nhà in Sóng Thần được lệnh rút lui sau 1 giờ chận bít các ngõ xuất nhập để ngăn cản việc phát hành số báo 970. Vị chỉ huy khi ra đi đã tươi cười nhắc: “Quí ông cứ đem báo đi bán”. Nửa giờ sau đó, tại văn phòng Tổng Trưởng DVCH, ông Hà Thế Ruyệt đại diện Sóng Thần hỏi thẳng Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã “liệu số báo Sóng Thần chiều nay có bị tịch thu dưới một hình thức nào khác không?” và được trả lời “chắc chắn là không”.

16 giờ chiều 11-9, tòa soạn nhận được từ nhiều sạp báo những biên bản tịch thu ST do một số nhân viên DVCH lập chiều ngày 10-9-74. Lý do tịch thu: ST in 2 ấn bản.

Cảm tưởng đầu tiên của chúng tôi là một cảm tưởng chua chát vì đã quá hấp tấp tin tưởng ở thiện chí và sự ngay thẳng của người khác…Luật 007 cấm báo chí in 2 ấn bản, nhưng trên thực tế, chính sách báo chí của bộ DVCH đã tạo ra mỗi ngày hàng chục ấn bản cho một tờ báo. Với lề lối “yêu cầu tự ý đọc bỏ”, viên chức báo chí DVCH nội một buổi chiều có thể “yêu cầu” một tờ báo đục bỏ 5, 7 lần là ít.

Sự việc đó khiến không một tòa soạn nào có thể nắm vững nội dung tờ báo của mình, nhất là khi “yêu cầu tự ý đục bỏ”, viên chức DVCH lại điện thoại thẳng cho nhà in thay vì qua tòa soạn. Cả làng báo đã bị đẩy lọt vào cái bẫy lớn để khi cần thì người ta giở chiêu bài thi hành pháp luật – dù là thứ pháp luật đã được chính người thi hành nhận là cần sửa sai – ra để hạ báo chí.

Từ 26 thế kỷ trước đây, những người dựng nên chế độ dân chủ của đô thị Athènes đã biết nói rằng: “Trong một chế độ dân chủ, nhiều trường hợp vi luật phải được coi là cần thiết”. Đó là một nguyên tắc được đề ra để ngăn chặn khuynh hướng lạm dụng sự thi hành luật pháp do có ác ý phá bỏ dân chủ…

Chúng tôi minh định rằng sự sống hay chết của một tờ báo không có gì quan trọng. Nhưng, sự sống hay chết của quyền tự do ngôn luận thì gắn liền vào số phận của chế độ. Trong cảnh ngộ hiện nay, sự vắng mặt bất kỳ một tờ báo nào do các mưu toan ác ý trên đều đe dọa nghiêm trọng đến chính tính chất tự do dân chủ của chế độ tức trực tiếp đe dọa vận mạng của miền Nam trước hiểm họa Cộng Sản”.

Lời khẩn báo của ST được tiếp nhận ngay trong buổi hội thảo dài 2 giờ tại Trung Tâm Văn Bút chiều Thứ Tư 11-9 và được ghi lại trong bản tuyên bố nêu ba điểm yêu sách như sau:

– THỨ NHẤT: Yêu cầu chính phủ đưa ra một chính sách văn hóa tôn trọng các quyền tự do tư tưởng, sáng tạo, ngôn luận báo chí và xuất bản.

– THỨ HAI: Yêu cầu hủy bỏ sắc luật 007 và đạo luật 19/69 về báo chí, thay thế bằng một đạo luật tôn trọng các quyền tự do nói trên.

– THỨ BA: Yêu cầu bộ DVCH cụ thể hóa tinh thần hợp tác thân hữu nêu trong văn thư số 2400 ngày 7-9-74 bằng việc giải quyết một số trường hợp thiết thực ….

VN_BaoChi_QuyetTien

16 giờ ngày Thứ Năm 12.9, Hội Chủ Báo gồm chủ nhiệm các báo Việt, Hoa, Anh, Pháp ngữ xuất bản tại Sài Gòn họp bất thường về tình trạng báo chí và đưa ra bản nghị quyết 6 điểm đòi hỏi có một chánh sách báo chí bảo đảm các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận.

Ngày 12-9-74 cũng được ghi dấu bằng ngọn lửa hỏa thiêu sắc luật 007 bùng lên giữa hội trường Hạ Viện trong buổi hội thảo qui tụ gần 200 người gồm các dân biểu, nghị sĩ, chủ nhiệm, chủ bút, tổng thư ký, ký giả, thượng tọa, linh mục và một số luật gia cùng đại diện các hội đoàn báo chí. Trong dịp này, Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu cho biết luật lệ kiểm duyệt được nhìn theo lăng kính lạ lùng tới nỗi bộ DVCH không cho phép in bản Hiệp Định Ba Lê và “một bài thơ của Đỗ Phủ trong tập thơ Đường do cụ Trần Trọng Kim dịch bị kiểm duyệt không cho ra chỉ vì có những câu mô tả cảnh khổ ải của chiến tranh từ 1000 năm trước ở bên Tàu”.

Luật sư Bùi Chánh Thời mô tả những vụ báo chí ra tòa một cách kỳ quái và ông Thái Lăng Nghiêm phát biểu “không có tự do báo chí sẽ không thể chống tham nhũng, không thể hòa giải dân tộc, không thể chấm dứt chiến tranh”… Dân biểu Nguyễn Hữu Chung cho rằng Luật 007 chỉ là sản phẩm phát sinh từ luật ủy quyền và luật này không có giá trị khi chỉ do một số dân cử thân chính “nửa đêm làm luật, sáng ra trao cho Tổng thống Thiệu thi hành”.

Giáo sư Nguyễn Liệu vừa từ miền Trung bay vào, cho biết dựa trên quan điểm của một người dân khốn khó để phát biểu. Ông khẳng định không thể tranh đấu đòi chính quyền sửa luật hay hủy bỏ luật, vì không khi nào Tổng Thống Thiệu chịu như vậy.

Ông Liệu nói “còn Tổng Thống Thiệu là còn luật 007 ” và đề nghị “ báo chí tự đặt mình ra ngoài luật này để chỉ chấp nhận điều 12 Hiến Pháp ”.

Ý kiến của giáo sư Nguyễn Liệu được thể hiện ngay bằng hành động điểm giờ lịch sử của đại diện Sóng Thần. Nghị viên Hà Thế Ruyệt tuyên dương tự do của người cầm bút bằng hành động đốt bỏ quy chế báo chí và sắc luật 007. Cả hội trường đứng dậy như một biểu đồng tình rằng làng báo đã tự tách ra khỏi kềm kẹp của luật này. Cả hội trường cũng xúc tiến ngay việc thành lập ủy ban chống tịch thu báo do luật sư Trần Văn Tuyên làm trưởng ban, hai phụ tá là nghị viên Hà Thế Ruyệt, dân biểu Nguyễn Trọng Nho và gồm tất cả các nhân vật trong Ủy Ban Tranh Đấu Đòi Tự Do Báo Chí và Xuất Bản.

Ngày 14-9, nhóm dân biểu Dân Quyền công bố một bản nhận định cho rằng “tệ trạng tham nhũng và hành vi đàn áp báo chí sẽ gây nguy hại cho sự tồn tại của miền nam trước nguy cơ Cộng Sản.”

Ngày 15-9-74, Tổng Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo công bố tuyên cáo số 1 bày tỏ quyết tâm hỗ trợ các phong trào tranh đấu đòi tự do báo chí.

Ngày 16-9-1974, trong một bài viết trên Sóng Thần, giáo sư Nguyễn Liệu nhân danh Nhóm Nhân Chủ yêu cầu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nên từ chức để bảo vệ uy tín lãnh đạo, tránh gây xáo trộn cho nội bộ miền Nam mà hậu quả sẽ tác hại vào công cuộc ngăn chống hiểm họa Cộng Sản đang ngày một trở nên nặng nề hơn.

Sáng Thứ Tư 18-9, Giáo Hội Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương phái Đức Hoài Sanh công bố một văn thư gởi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đưa ra 3 câu hỏi liên quan tới cuộc chống Cộng không thành công tại miền Nam:

– “Phải chăng dân chúng Miền Nam chưa có ý thức về hiểm họa Cộng Sản và chưa chống Cộng đúng mức?

– Hoặc giả cơ quan lãnh đạo kháng Cộng thiếu sự kết hợp tâm hướng? Hay đã phạm lỗi dành quyền ưu tiên chống Cộng?

– Hoặc giả nền tảng Dân Chủ tại Miền Nam VN chỉ có hình thức làm mất niềm tin của đa số quần chúng?”

Một chuyển đoạn mới được ghi dấu vào chiều Thứ Năm 19-9, tức ngày thứ 20 của cuộc đấu tranh đòi tự do báo chí kể từ khi Sóng Thần đặt vấn đề phải hủy luật 007 để cứu vãn chế độ dân chủ và cũng là để giữ gìn hơi thở của toàn thể Miền Nam trước nguy cơ Cộng Sản.

Tiếp tục vấn đề do giáo sư Nguyễn Liệu nhân danh Nhóm Nhân Chủ nêu ra ngày 16-9, ký giả Lý Đại Nguyên trình bày trên Sóng Thần số 979 ra chiều 19-9 đề ngày Thứ Sáu 20-9-74 một bài viết kiểm điểm việc làm của Tổng Thống Thiệu ở cương vị lãnh đạo quốc gia trong 3 lãnh vực đã tuyên hứa khi tranh cử là “chấm dứt chiến tranh, xây dựng dân chủ, cải thiện xã hội”.

Cùng trong số báo này, nhật báo Sóng Thần báo tin với độc giả là trong số phát hành chiều hôm sau, 20-9, tức số báo 980 đề ngày Thứ Bảy 21-9-74, Sóng Thần sẽ công bố toàn bộ văn bản dài 4000 chữ của bản Cáo Trạng Số 1 mà PTNDCTN của linh mục Trần Hữu Thanh đã phổ biến tại Huế chiều ngày 8-9-74 trước đó.

Chính quyền phản ứng thật quyết liệt, chấm dứt thời kỳ không tịch thu báo vừa mở ra được 10 ngày. Lực lượng cảnh sát được huy động tức khắc đến vây nghẹt nhà in Sóng Thần từ trước 15 giờ chiều 19-9 để tịch thu tờ báo. Tòa soạn Sóng Thần tập trung ký giả không cho cảnh sát mang báo đi.

Quyết định cuối cùng được tung ra lúc 18 giờ, sau hơn 180 phút tử thủ nhà in: hỏa thiêu toàn bộ các số báo đã in, không để lọt một mảnh vào tay cảnh sát.

Báo Chính Luận số ra chiều Thứ Sáu 20-9 đề ngày Thứ Bảy 21-9-74 đã tả lại những giây phút căng thẳng đó và khung cảnh của chiều Thứ Năm 19-9 trong một bài viết dài ghi lại hoạt động của tòa soạn Sóng Thần cũng như của cả làng báo dưới tựa đề

Sóng Thần nổi lửa chống đàn áp tự do ngôn luận”:

“Mười ngàn số báo Sóng Thần ngùn ngụt bốc cháy trước những khuôn mặt suy tư, cay đắng của toàn ban biên tập Sóng Thần. Nhà báo Sóng Thần đã chọn thái độ của những người thế yếu, tay trắng trước sức mạnh của cảnh sát, thái độ tự hủy.

Hà Thế Ruyệt đã châm ngọn lửa hoả thiêu tim óc của chính mình, bạn bè mình, hỏa thiêu những lời nói can trường nhất trong cái quyết tâm tự đặt mình trên con đường đã chọn, con đường tranh đấu cho tự do báo chí và chống tham nhũng.

VN_ChuTu_VuHoi

Chuyện xẩy ra vào đúng lúc trẻ em bán báo đang chờ giờ phát hành. Cảnh sát Quận 3 đưa tới một lịnh tịch thu. Tổng Thư Ký Uyên Thao không chịu vì báo chưa phát hành, chưa được bán ra thì vấn đề hốt báo phải được xét lại. Nhật báo Sóng Thần không cho cảnh sát tịch thu nhưng cảnh sát cũng không để báo Sóng Thần phát hành.

Đúng lúc đó, cuộc họp báo tại bệnh viện Vì Dân để thanh minh về việc làm của Phu Nhân Thổng Thống Thiệu trong bệnh viện này đang tiếp diễn. Phái viên Sóng Thần Lê Thiệp nhận được tin từ tòa soạn đã bước lên micro xin phép Chủ Tọa Đoàn loan một tin riêng của làng báo. Và, trước sự ngỡ ngàng của Chủ Tọa Đoàn, phái viên Lê Thiệp nói với các ký giả đang dự cuộc họp báo: “Tôi xin gửi tới quí vị một tin liên quan tới tờ Sóng Thần. Giờ này Cảnh Sát đang phong tỏa nhà in của chúng tôi để tịch thu số báo sẽ ra chiều nay. Toà soạn Sóng Thần đã quyết định tử thủ nhà in và hỏa thiêu tất cả những số báo đã in. Tôi phải trở về góp mặt với tòa soạn nên xin được rời khỏi cuộc họp báo trước”.

Toàn thể ký giả lập tức tẩy chay họp báo để về với Sóng Thần, sau khi dành một phút mặc niệm Tự Do Báo Chí vừa bị bóp chết thêm một lần nữa với hành động tịch thu Sóng Thần.

Toàn bộ tòa soạn báo Điện Tín kéo tới. Các hãng thông tấn quốc tế AP, UPI. Reuter, NHK, NBC, ABC … cùng các nhật báo Đông Phương, Chính Luận… đều có mặt. Anh em ký giả tần ngần nhìn nhau. Tự do báo chí là điều mơ ước, tường trình đầy đủ sự thật là lý tưởng, nhưng cảnh sát vẫn bọc kín, ngăn chặn không cho lọt ra ngoài một tờ báo nào. Sóng Thần mời thừa phát lại tới lập vi bằng về việc thiêu hủy các số báo đã được in ra.

Hà Thế Ruyệt châm ngọn lửa đốt tim óc anh em mình…

Ngọn lửa lan dần trên trang báo. Ngọn lửa tự hủy cứ thế bốc lên soi vào mặt ký giả. Báo chí kéo tới mỗi lúc một đông. Tịch thu à? Vâng, tịch thu vì Sóng Thần đăng một bài đối chiếu lời hứa trước quốc dân với những việc làm của Tổng Thống Thiệu. “Mai các anh có ra?” – “Vâng”, Uyên Thao trả lời. “Mai chúng tôi vẫn ra. Chúng tôi sẽ thông báo sự kiện này tới các hội đoàn báo chí quốc nội, liên đoàn báo chí quốc tế”.

VN_BaoChi_Song

Dân chúng tụ lại trước nhà in. Một hàng xe cây và xe Jeep cảnh sát í ới những tiếng trong máy liên lạc vô tuyến. Việc gì vậy? Những người làm báo chọn đường tự hủy vì không chấp nhận tịch thu báo….. Mười ngàn số báo xếp ngay ngắn thành hàng bốc lửa ngùn ngụt. Cảnh sát vẫn bọc một vòng phía ngoài chờ ra tay. Đống tro của mười ngàn tờ báo như một vết nhơ trong lịch sử chế độ. Và, Lý Đại Nguyên đã phủ lên trên một tấm giấy viết “Thà đốt, không chịu bị đàn áp – Chỉ có Cộng Sản mới sợ hãi tự do báo chí”. Tờ giấy trắng phủ đống tro như một nấm mộ và cạnh đó là một tấm carton viết: “Tự Do hay là Chết”. Một cuộc họp báo tại chỗ và dân biểu Nguyễn Trọng Nho, ủy viên trong ban hành động chống tịch thu báo, thành viên Ủy Ban Tranh Đấu Đòi Tựï Do Báo Chí và Xuất Bản, người đã có mặt tích cực với tòa soạn Sóng Thần từ lúc đầu, tuyên bố: “Chỉ có những kẻ độc tài mới sợ sự thật, không muốn nghe lòng dân mới sợ hãi báo chí, bóp nghẹt báo chí.”.

Nghị viên Hà Thế Ruyệt, phụ tá chủ nhiệm Sóng Thần phát biểu:“Sóng Thần đã chọn đường lối chống tham nhũng và Sóng Thần sẽ đi đến cùng. Ngày mai vẫn có Sóng Thần dù sau đó là cái chết. Toà soạn Sóng Thần sẵn sàng vào tù và nếu Sóng Thần có chết, ký giả Sóng Thần có vào tù thì đã chết, đã vào tù trên tư thế chiến đấu diệt tham nhũng để đất nước này có thể chống Cộng mà tồn tại”.

Tại tòa soạn Sóng Thần, điện thoại reo không ngừng. Các hội đoàn, các hãng thông tấn quốc tế liên lạc tới tấp đòi nghe kể nội vụ. NBC, AP, rồi Trung Tâm Văn Bút, Hội Bảo Vệ Nhân Quyền … Đại diện tòa soạn chỉ đủ thời gian để trả lời “Ngày mai chúng tôi vẫn có mặt và vẫn đăng đủ các bài dự định. Tất nhiên có cả nguyên văn bản Cáo trạng 6 điểm”. Đáp lại là một an ủi “xin thông báo ngay cho chúng tôi những tai nạn có thể xảy ra cho Sóng Thần. Chúng tôi sẵn sàng chia xẻ mọi chuyện với anh em”.

Việc Sóng Thần nổi lửa chống tịch thu trở thành đề tài lớn của toàn thể báo chí. Báo Điện Tín trong số 964 đề ngày 21-9, viết:

Ngọn lửa lên cao nung nấu lòng kiên trì và quyết tâm đấu tranh cho tự do báo chí khi mười mấy ngàn số báo Sóng Thần đã được châm lửa cháy để thà hỏa thiêu chứ không chấp nhận tịch thu bên cạnh những biểu ngữ đòi tự do viết còn ướt mực… Bộ DVCH chiều qua đã hạ con dao đồ tể trên đầu nhật báo Sóng Thần, nạn nhân bị tịch thu đầu tiên từ khi có phong trào đòi tự do báo chí đến nay. Với nhiều chiếc xe cây và gần 50 cảnh sát chìm nổi bao vây nhà in, đại diện Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát quận 3 đưa lệnh tịch thu cho nghị viên Hà Thế Ruyệt, phụ tá Chủ Nhiệm nhật báo Sóng Thần. Nghị viên Ruyệt đã phản kháng và không cho cảnh sát tịch thu bởi lẽ lệnh tịch thu xuất trình là một lệnh “không đóng dấu và không có chữ ký”. Một thừa phát lại ngay sau đó đã lập vi bằng công chứng về sự lạm pháp của Nhà Nước mà đại diện là Ty Cảnh Sát quận 3.

Anh Uyên Thao trong nhóm đầu não báo Sóng Thần ngồi trên đống báo với mồ hôi nước mắt của anh em nói:

Họ làm bất hợp pháp, chúng ta có quyền cho báo ra ngay. Nhưng làm sao xô được hàng rào cảnh sát?”

Trước tin nhật báo Sóng Thần bị tịch thu, rất nhiều ký giả và thông tín viên báo chí đã bỏ ngang cuộc họp báo của bịnh viện Vì Dân để chạy về ủng hộ tinh thần cho nhật báo nạn nhân. Ngoài số lượng đông đảo giới báo chí trong và ngoài nước, người ta nhận thấy ngay từ phút đầu có sự hiện diện của ông Hồng Sơn Đông, chủ nhiệm báo Điện Tín, dân biểu Nguyễn Trọng Nho trong Ủy Ban Chống Đàn Áp và Tịch Thu Báo Chí …và nhiều dân biểu khác.

Sau một hồi cãi vã dằng dai, ông Hà Thế Ruyệt, phụ tá chủ nhiệm báo Sóng Thần cương quyết không cho cảnh sát tịch thu báo Sóng Thần và đã ra lệnh đốt báo … Nghị viên Hà Thế Ruyệt cũng cho biết con đường mà ông và báo Sóng Thần đi có hai lối, một là tự do, hai là chết. Ông cho biết sẽ tiếp tục con đường mình đi để tranh đấu cho tự do bị đàn áp, dù bị chết hay dù cả tòa soạn Sóng Thần bị nhà nước bỏ tù”.

Báo Trắng Đen số 2226 đề ngày 21-9-74 chạy slogan 8 cột trên đầu trang 1 “Phản đối Nhà Nước Tịch Thu Báo Sóng Thần” và tuyên dương hành động nổi lửa của Sóng Thần như một sự biểu dương hào hùng của báo giới VN trong bài xã luận mang tựa đề: Ngọn lửa Sóng Thần mở cửa tự do ngôn luận. Bài viết có những đoạn sau:

“… Ngày 19-9 nhật báo Sóng Thần bị tịch thu… Anh em Sóng Thần đã giữ báo lại, đồng thời cấp báo cho Ủy Ban cùng các tòa soạn các nhật báo, các hãng thông tấn cùng với nhóm dân biểu trẻ, sau đó đã phản kháng cơ quan an ninh tới tịch thu không cho tịch thu, đem 10.000 số báo đã in ra trước sân nhà in nổi lửa đốt…

Ngọn lửa tự thiêu hóa Sóng Thần cũng là ngọn lửa đã làm sáng thêm niềm tin và lòng quả cảm của làng báo VN trong công cuộc tranh đấu đòi quyền tự do báo chí. Ngọn lửa đó cũng đã đốt cháy luôn những danh từ, để lộ ra những chữ tự do dân chủ đích thực nạm vàng.

Báo chí VN phải được tự do ngôn luận thực sự, đã tới lúc mọi sự giả trá bịp bợm phải được triệt tiêu. Cuộc đấu tranh đòi quyền tự do báo chí đang tới lúc cam go, làng báo đứng lại một bước là bị đẩy lui vào chỗ chết.

Làng báoVN không thể chết, do đó phải sát cánh để tiến lên. Ngọn lửa tự thiêu hóa Sóng Thần, ngọn đuốc mở đường tiến cho làng báo VN vượt qua bóng đêm tăm tối đã trùm phủ khung trời báo chí VN từ 2 năm nay.”

Nhật báo Đông Phương số 812 đề ngày 21-9-74 viết:

“Số báo phát hành chiều qua, đồng nghiệp Sóng Thần đã bị tịch thu.

Báo động đỏ được ấn nút, cả làng báo xôn xao. Chuông điện thoại của các tòa soạn đồng loạt reo vang, anh em ký giả đổ xô đến tòa soạn báo Sóng Thần… Đồng nghiệp Sóng Thần chỉ chấp thuận cho tịch thu vài chục tờ để lập biên bản, còn thì đem ra đốt ngay trước cửa tòa soạn… Đốt như Ủy Ban Tranh Đấu đốt sắc luật 007, ngọn lửa bùng lên trên nét mặt của làng báo hiện diện, mọi người đều đanh lại …

Đã đến lúc nhà cầm quyền không thể thao túng luật pháp vì toàn dân đều muốn có một luật pháp được áp dụng bằng tinh thần đại chúng trong một thể chế được mệnh danh là dân chủ, chứ không phải là luật pháp trong tinh thần độc tài, độc tôn, không ngoài mục đích phục vụ cá nhân, suy tôn cá nhân, bảo vệ uy quyền cá nhân hầu đạt tới mục đích bảo vệ quyền lợi một thiểu số, rồi mệnh danh đó là Quốc Gia Dân Tộc và Hiến Pháp”.

Việc báo Sóng Thần nổi lửa tự thiêu vì bị tịch thu thực sự gây xúc động cho các giới và nhiều nhân vật đã lên tiếng bày tỏ thái độ, qua ghi nhận của các báo, các hãng thông tấn như Linh Mục Thanh Lãng, Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút VN, nhà văn Nhật Tiến, Phó Chủ tịch TTVBVN, dân biểu Nguyễn Phúc Liên Bảo, nghị sĩ Hoàng Xuân Hào, Chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Định Chế Thượng Viện, ký giả Thái Dương, Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả VN, ký giả Trần Tấn Quốc, linh mục Trần Hữu Thanh …

Riêng Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất sau 60 phút báo Sóng Thần bị tịch thu đã lắc đầu tỏ vẻ chán ngán. Vị Hoà thượng Già Lam không phát biểu ý kiến, chỉ cho biết trong vài ngày tới, Ngài sẽ có phản ứng chính thức và đó là phản ứng của tập thể Phật Giáo Việt Nam.

Hành động phản đối nạn tịch thu báo của Sóng Thần cũng được loan đi khắp thế giới như nỗ lực đấu tranh cho tự do báo chí và quyền đòi hỏi biết rõ sự thật của nhân dân Miền Nam VN. Ngay lúc 20 giờ tối 19-9, hãng thông tấn AP đã loan tin liên tục 3 lần việc ký giả báo Sóng Thần tự đốt báo để phản đối.

Đài VOA, đài BBC, các hãng thông tấn UPI, Reuter đều loan tin về việc báo Sóng Thần chống lệnh tịch thu bằng những lời lẽ khích lệ. Đặc biệt, đài VOA trong khi đang phát thanh lúc 22 giờ đã ngưng lại nêu lý do kỹ thuật chỉ phát thanh nhạc băng. Đến 23 giờ, đài này trở lại chương trình với tin đầu tiên là vụ báo Sóng Thần bị tịch thu. Đây là lần đầu tiên đài này đề cập đến cao trào báo chí đòi tự do tại miền Nam VN.

Sau đây là nội dung một trong 3 bản tin của hãng thông tấn AP về vụ Sóng Thần:

“Các ký giả đã đốt 10 ngàn số của một nhật báo đối lập vào chiều thứ năm không cho cảnh sát tịch thu số báo này. Đây là một hành động khác trong một loạt đụng độ giữa chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và báo chí VN. Báo chí đã lên án chính phủ áp bức báo chí.

Các giới chức của nhật báo Sóng Thần cho biết cảnh sát đã tới nhà in của báo này để tịch thu số báo đề ngày 20-9 vì báo này đăng một bài xã luận chỉ trích Tổng Thống Thiệu trong thời gian 7 năm tại chức. Tờ báo trên cũng loan báo số tới sẽ đăng nguyên văn bản Cáo Trạng Số 1 của Phong Trào ChốngTham Nhũng tố cáo Tổng Thống Thiệu và những cá nhân tham nhũng, trong đó có vấn đề bất động sản và ma túy.

Cảnh sát đã đến tận nhà in tiïch thu số báo trên sau khi Sóng Thần gửi bản vỗ tới bộ DVCH theo thể lệ hiện hành. Ký giả của Sóng Thần và của các báo khác có cảm tình với Sóng Thần đã thiêu hủy số báo trên. Bài xã luận của báo này chỉ trích Tổng Thống Thiệu đã không mang lại hòa bình cho VN sau 7 năm tại chức. Giới chức của báo Sóng Thần cho biết cảnh sát nói với họ rằng cảnh sát được lệnh tới tịch thu báo này vì vi phạm an ninh quốc gia bằng cách chỉ trích Tổng Thống Thiệu. Các giới chức trên cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch và cho đăng Cáo Trạng Số 1 vào tờ báo ra chiều Thứ Sáu”.

Riêng báo Sóng Thần đã cấp tốc gửi một khẩn báo đề ngày 19-9-1974 tới Hội Bảo Vệ Nhân Quyền và Dân Quyền VN, Ủy Ban Tranh Đấu Đòi Tự Do Báo Chí, Trung Tâm Văn Bút VN, Nghiệp Đoàn Ký Giả VN, Hội Chủ Báo VN kêu gọi các hội đoàn này “vận dụng mọi khả năng và uy tín sẵn có để đòi nhà cầm quyền chấm dứt tức khắc các hành động đàn áp đối với báo chí VN nói chung và nhật báo Sóng Thần nói riêng”

Đêm Thứ Năm 19-9, trong lúc tin tức về vụ Sóng Thần nổi lửa chống tịch thu tiếp tục loan truyền tại các thủ đô trên thế giới, Ủy Ban Tranh Đấu Đòi Tự Do Báo Chí và Xuất Bản tại Sài Gòn đã họp khẩn từ 20 giờ tới 22 giờ, quyết định mở rộng cho tất cả đại diện hội đoàn Công Giáo, Phật Giáo, văn hóa, nhân quyền, các nghiệp đoàn ký giả cùng đại diện phế binh…tham gia Ủy Ban, đồng thời tuyên cáo tích cực yểm trợ Sóng Thần đấu tranh đòi tự do báo chí và xuất bản … 5 tờ báo đáp ứng lời kêu gọi ngay tại buổi họp là Hòa Bình, Đông Phương, Dân Luận, Đại Dân Tộc và Điện Tín.

HS_TS_146

Rồi thời gian bước qua ngày Thứ Sáu 20-9, ngày thử thách do Sóng Thần chọn lựa.

9 giờ sáng, tòa soạn Sóng Thần được tin chỉ còn lại 2 tờ báo đứng chung với Sóng Thần. Bạn đồng hành tuy ít nhưng vẫn là một khích lệ. Và, Sóng Thần tuyên bố tự đặt dưới sự che chở của Hiến Pháp để nắm tay Điện Tín, Đại Dân Tộc cùng bước lên.

Sóng Thần số 980 ra chiều Thứ Sáu 20-9 (đề ngày Thứ Bảy 21-9) công bố lời khẩn báo đưa ra đêm 19-9. Số báo này cũng đăng nguyên văn bản Cáo Trạng Số 1 của PTNDCTN và một bản tuyên bố minh định thái độ của nhật báo Sóng Thần là

“Sóng Thần tự đặt dưới sự che chở của Hiến Pháp”:

“Theo giáo sư Lipton, đặc tính của dân chủ là sự bình đẳng giữa cá nhân công dân và chính quyền. Trong khi đó, Hiến Pháp VNCH qui định rằng: Tự do ngôn luận là quyền tự do căn bản. Về nghề nghiệp, sứ mạng báo chí là diễn đạt và phổ biến trung thực mọi suy tư, mọi sự việc để thông đạt tin tức cho quần chúng. Đó là những căn bản chỉ đạo của Sóng Thần.

Đó cũng là lý do Sóng Thần lên tiếng bày tỏ trong số báo hôm qua các nhận định về công tác lãnh đạo quốc gia của Tổng Thống Thiệu và cho phổ biến trong số báo này bản Cáo Trạng 6 điểm của Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng.

Số báo hôm qua đã bị tịch thu. Dù vậy, chúng tôi không dừng lại. Chúng tôi chỉ thấy cần thiết phải xác định rằng chưa bao giờ chúng tôi hành động như kẻ tử thù của chế độ. Tất cả việc làm đã qua và sẽ tới của chúng tôi chỉ là giữ không cho hơi thở tự do cáo chung, tức là không để cho chế độ Dân Chủ cáo chung. Nếu việc làm của chúng tôi bị cản lại vì bất cứ lý do nào thì kẻ chủ mưu cản trở là kẻ thù của tự do, kẻ thù của chế độ.

Với tinh thần trách nhiệm công dân đó và với ý thức sáng suốt về một giai đoạn tế nhị của quốc gia, chúng tôi long trọng tuyên bố tự đặt nhật báo Sóng Thần dưới sự che chở của Hiến Pháp. Đàn áp Sóng Thần cũng đồng nghĩa với hành vi xóa bỏ Hiến Pháp”.

Ngày 20-9 trở thành một ngày lớn của báo chí VN và diễn biến từ xế trưa cho tới chiều của ngày này đã được báo Công Luận diễn tả như sau trong số báo 1853 đề ngày 24-9-74:

“14g45: Lực lượng của Ủy Ban Chống Tịch Thu Báo được báo động.

Áp dụng chiến thuật mới, cảnh sát tung an ninh chìm với hàng trăm nhân viên “hộ pháp” dàn hàng ngang trước nhà in Dân Nguyện của báo Đại Dân Tộc, nhà in Long Giang của báo Điện Tín và nhà in Tân Minh của báo Sóng Thần.

“16giờ: Lệnh tịch thu được cảnh sát đưa ra, nhân viên cảnh sát sắc phục định kéo vào nhà in hốt báo. Các vị linh mục xông lên ngăn cản. Các dân biểu không cho cảnh sát tịch thu, mang báo chất giữa đường nổi lửa đốt hừng hực và phát cho đồng bào. Nhân viên an ninh chìm nhào tới giựt xé. Đồng bào nhảy vào. Hai bên giằng co dữ dội trên đường phố. Tiếng đả đảo nổi dậy từng chập. Máy vô tuyến của cảnh sát gọi nhau nheo nhéo…

“17giờ: Lực lượng an ninh đang vây nhà inTân Minh rạt ra. Tiếng còi lệnh, tiếng gọi máy, tiếng ra lệnh, hô hoán, chưởi bới nổi lên từ hàng ngũ cảnh sát…. Đồng bào từ khu Vườn Chuối tủa ra chặn xe lại… Anh em Sóng Thần mở cửa nhà in đón tiếp. Lực lượng cảnh sát ùa vào, mấy sĩ quan cảnh sát cũng “lâm chiến” nhảy xổ vào giành giật báo với dân chúng…

Sau khi bảo vệ không cho báo Sóng Thần bị tịch thu, dân biểu Nguyễn Văn Binh cho biết Ủy Ban sẽ tranh đấu đến cùng để đòi hỏi tự do báo chí, để người dân được biết sự thật, để tiếng nói dân tôïc “không bị chận họng như từ trước đến nay”….Vượt phong tỏa của nhân viên công lực, một số dân biểu, nghị sĩ đã dùng quyền bất khả xâm phạm chạy xe vào cở sở ấn loát Tân Minh chất hàng chồng báo lên xe riêng của mình và vọt khỏi hàng rào kiểm soát…”

VN_BaoChi_DuocNhaNam

Trong một ký sự dài đăng trên Sóng Thần số ra chiều 21-9 đề ngày 22-9-74, nhóm phóng viên Sóng Thần đã ghi lại hoạt cảnh diễn ra từ 6g30 sáng tới buổi tối Thứ Sáu 20-9 từ phía trong tòa soạn Sóng Thần tới ngoài đường phố như sau:

“- Đốt rồi!

Tổng thư ký Uyên Thao ngã người xuống ghế lặng đi. Khuôn mặt anh như già hẳn sau nhiều giờ đồng hồ căng thẳng vì chờ đợi. Niềm tin tưởng của anh thật vô bờ.

Lúc 12 giờ trưa, anh đứng chỉ huy bàn mise vẫn đùa:

– Cáo Trạng số 1 nhằm nhò gì mà tịch thu. Bài hôm qua Lý Đại Nguyên nóng quá. Hôm nay không tịch thu đâu. Phải tin ở sự ngay thẳng của người cầm quyền tới lúc còn tin được.

Huy Tường, Vị Ý, Cù Nghim, Trương Cam Vĩnh không ai trả lời, lui cui dán, kẻ, can trên tấm report…

– Kẻ cho tao một cái coi!

– Cái tít ép hơi hụt. Ông Vị Ý phải coi giùm để có đúng cỡ!

Cái đầu tàu được mệnh danh là “Mặt Sắt Đen Sì” cố làm vui anh em bằng những lời nói hâm nóng tòa soạn, cố nung chí anh em nhưng chẳng ai có ý kiến gì. Cả đến Tấn Typo cũng lo lắng ra mặt.

Khởi đi từ lúc 6 giờ sáng, tòa soạn Sóng Thần chìm trong một bầu không khí chập chờn. Quyết định cho đăng toàn văn bản Cáo Trạng khiến mọi người thấy sợ từ hôm qua. Nhưng chẳng ai dám nói ra, chẳng ai muốn nói đến một sự việc đen tối sắp xảy ra, một tan vỡ của niềm tin. Chẳng ai muốn nhắc đến chiều hôm qua. Chẳng ai muốn nhìn lại một lần nữa những số báo thơm mùi mực in oằn oại trong lửa đỏ.

Hà Thế Ruyệt xuất hiện vào lúc 10 giờ sáng, phấn khởi:

 Anh em yên trí. Chúng ta không cô đơn trong cuộc dấn thân. Nhiều bạn đồng nghiệp sẽ đăng chuyện Sóng Thần ngày hôm qua và sẽ cùng đăng nguyên văn bản Cáo Trạng.

Và, công việc lại tiếp tục. Săn tin, chọn hình, đặt tít, sắp, dán, mise.

Báo đưa nạp bản, trưởng ban trị sự Sáu Cao còn cẩn thận hỏi lại Uyên Thao:

– Ông có chắc cả làng báo cùng làm không? Ông có chắc chính phủ không tịch thu không?

Quản lý Nguyễn Đức Nhuận cũng áy náy:

– Quảng cáo kẹt lắm rồi. Ông nói thật cho tôi liệu để nhận của thân chủ.

Uyên Thao cười:

– Tôi bảo đảm với các ông là toàn thể anh em tòa soạn không một ai ân hận về cái quyết định chung này. Mình không tin tưởng ở lương tri của người cầm quyền thì tin ở ai bây giờ. Tôi với các ông tuy không đi bầu nhưng kết quả cuộc bầu phiếu vẫn là ông Thiệu làm Tổng Thống. Tôi nhắc lại ông Thiệu là Tổng Thống. Thôi, đi ép bản kẻo trễ.

Hơn 13 giờ, anh em ký giả vây quanh mâm cơm trưa. A, vẫn bà đưa cơm đó, vẫn dưa chua, canh cải, mấy món cũ ăn đi ăn lại mà sao khó nuốt thế. Có cái gì nghèn nghẹn, có cái gì vướng vất, có cái gì trục trặc quanh bàn ăn, trong khắp xó xỉnh tòa soạn. Niềm tin do Tổng Thư Ký Uyên Thao bơm vào không khí hình như không thấm được vào, không trấn an được ai.

Buông đôi đũa xuống, anh ra lệnh:

– Lê Thiệp trực tòa soạn. Anh Điển lo tiếp khách. Hùng Phong, Choé sang tăng cường cho Hà Thế Ruyệt, Trương Cam Vĩnh bên nhà in. Lý Đại Nguyên cũng qua đó tiếp khách giùm. Còn lại ai lo việc nấy. Hãy tỏ ra là coi được. Sóng Thần không xệ, đồng ý không?

Tất nhiên Sóng Thần không xệ, nhưng cái niềm tin mong manh còn sót lại liệu có bị tan vỡ như bong bóng trời mưa không?

Buổi trưa ở tòa soạn hôm nay khác hẳn ngày thường. Một tên phóng viên chạy lên:

– Ê, mấy ông linh mục, mấy ông sư đến rồi. Đang ở bên Điện Tín. Ủy Ban Tranh Đấu yêu cầu viết biểu ngữ chống tịch thu và đàn áp báo chí căng trước cửa.

Vải sơn được lập tức mua về và CùNghim mở ra kẻ chữ. Một cô bé e ấp bước vào:

– Em ở trong Vòng Tay Chim Sẻ.

– A, chim sẻ của Triều Giang hôm nay đi thăm Đắc Lộ. Vào đi em!

Rồi hai, ba, mười, gần hai mươi em trai gái ngồi đầy tòa soạn. Những con mắt nai tơ, những khuôn mặt ngây thơ, những dáng dấp chim sẻ khiến không khí tòa soạn vui vui. Vậy đó, tòa soạn dấn thân vào cuộc tranh đấu đòi tự do báo chí nhưng lúc nào cũng nhớ các em, những kẻ một mai sẽ phải đảm đương trách nhiệm. Vòng Tay Chim Sẻ đã đi thăm gia đình Phạm Duy, hôm nay đi thăm truyền hình Đắc Lộ và rồi sẽ đi thăm Cô Nhi Viện vào dịp trung thu…

Dọc đường Võ Tánh từ tòa soạn Sóng Thần đến đường Gia Long, tòa soạn Đại Dân Tộc, lực lượng của Ủy Ban Tranh Đấu chống tịch thu đang biểu dương… Rồi linh mục Thanh, tác giả của bản Cáo Trạng đến. Anh em báo chí xúm quanh, phỏng vấn tới tấp. Lâu lắm rồi thì phải, báo chí mới quây lại một nơi đông thế này. Người dân đi đường dừng lại hỏi nhau: “Lại tịch thu nữa à?”

Ở một nơi xa hơn, bên đường Hồng Thập Tự, tại Tân Minh Ấn Quán, nơi in báo Sóng Thần, Lý Đại Nguyên đi đi lại lại, hút thuốc liên miên. Hà Thế Ruyệt bồn chồn. Sáu Cao đăm chiêu. Một số văn hữu đã đến từ lúc 14 giờ.

Nhà văn Nhật Tiến, nữ sĩ Đỗ Phương Khanh, cây bút Thiên Lý Nhĩ, thi sĩ Viên Linh … Họ đến không để can thiệp mà để chứng kiến, để chia xẻ. Họ chỉ là những người tay trắng, võ khí chỉ có lời văn, tiếng thơ, nhưng tình của họ thật lớn, can đảm của họ thật nhiều. Một khẩu hiệu được căng ra: “Cơm áo có thể bị cướp, sinh mạng có thể bị nguy. Ngòi bút phải tự do”. Khẩu hiệu đã nói lên đầy đủ ý nguyện và tinh thần của anh em Sóng Thần. Cơm áo vốn là một ám ảnh lớn của bất cứ ai làm báo vì chưa bao giờ làm báo đủ ăn. Sinh mạng của anh em Sóng Thần luôn luôn nằm trong tay chính quyền, muốn bỏ tù, muốn ám sát lúc nào cũng được. Ngô Đình Vận vẫn còn biệt tăm biệt tích trong nhà lao. Nhưng ngòi bút phải tự do. Nếu không, đời sống không còn ý nghĩa, không còn đáng để cầm bút.

VN_BaoChi_DanChung

Không khí cứ bừng bừng trong tư thế chờ đợi: Liệu có tịch thu không? Liệu chính phủ có chấp nhận để Sóng Thần đăng tải nguyên văn bản Cáo Trạng tố cáo tham nhũng? Một lời tố cáo đã được công bố trước 10 ngàn người tại Huế, được phân phát ở Quốc Hội, được Sóng Thần tóm tắt đăng tải một lần trên số 970 ngày 11-9, nay sao lại không đăng được.

Khu đường Võ Tánh mỗi lúc một đông cho đến khi có lệnh tịch thu thì cảnh biết trước diễn ra. Các ấn bản của hai tờ Đại Dân Tộc, Điện Tín được chất ra đường đem đốt. Đoàn người đông đảo gỡ hai biểu ngữ chống tịch thu báo ùn ùn từ đó xuất phát sang đường Hồng Thập Tự.

Lệnh tịch thu tờ Sóng Thần được cảnh sát mang tới lúc 16 giờ. Anh em tòa soạn dàn ra, yêu cầu cho xem lệnh. Uyên Thao ra lệnh ký giả rút lui nhường cho đại diện của Ủy Ban Tranh Đấu đối phó. Các dân biểu Kính, Phước nói chuyện với cảnh sát. Mẩu đối thoại khá lý thú:

– Chúng tôi đại diện cho luật pháp.Có lệnh, chúng tôi làm..

– Cảnh sát cũng là công dân như mọi người, vậy cũng mong mỏi tự do. Chính vì tự do mà các ông nên để báo Sóng Thần phát hành.

– Chúng tôi phải bảo vệ luật pháp. Chúng tôi là kẻ thừa sai của luật pháp. Chúng tôi mong quí vị dân biểu là những người làm luật hãy giúp chúng tôi thi hành luật.

– Chúng tôi là người làm luật nên có thể nói với ông rằng luật mà ông áp dụng tức sắc luật 007 không hợp hiến, được soạn ra vì tư lợi, vì quyền hành riêng của một cá nhân. Vậy ông nên bỏ qua luật nhỏ mà bảo vệ luật lớn. Cảnh sát hãy bảo vệ Hiến Pháp.

– Quý vị cản trở chúng tôi thi hành luật?

– Chúng tôi đang giúp quí vị thực thi Hiến Pháp.

Và, đoàn biểu tình đã tới với những tiếng hô vang dội “Đả đảo đàn áp báo chí”, “Đả đảo tham nhũng độc tài”… Cửa nhà in mở rộng và Ủy BanTranh Đấu vào khuân từng chồng báo Sóng Thần ra. Những tờ báo được tung cho mọi người. Nhiều chồng báo bị công an giật lấy quăng xuống cống ướt nhẹp. Những tờ báo chuyên chở tự do, những tờ báo nói lên sự thật phản ảnh lòng dân, những tờ báo bất khuất…

Những tờ báo đó đang bị bàn tay thô bạo cướp ra xe cảnh sát, bị những bàn tay ô uế nhận xuống mương xuống cống, nhưng vẫn có những tờ được chuyền đi…

Hỗn loạn diễn ra trước nhà in Tân Minh. Những tờ Sóng Thần tung ra nở hoa trên bầu trời. Rồi, dân biểu Nguyễn Văn Binh ôm một đống Sóng Thần chất giữa lộ nổi lữa. Ngọn lửa nối ngọn lửa hôm qua lại bùng lên ngày hôm nay như tinh thần bất khuất không có gì dập tắt nổi. Những lời nói được nhắc đi nhắc lại “Sóng Thần có thể chết, có thể vào tù, nhưng ngòi bút phải tự do”. Giá của tự do tất nhiên không rẻ ….

Tòa soạn Sóng Thần như chìm trong ảm đạm. Thế là người ta đã bất chấp lẽ phải? Thế là người ta đã bỏ qua ý nguyện của dân chúng? Thế là người ta sợ sự thật? Niềm tin do Uyên Thao đặt nơi lương tri của những người hữu trách, cái niềm tin mong manh do Uyên Thao cố tiêm vào anh em đã tan vỡ. Lý Đại Nguyên nói với mọi người:

– Chúng ta đã cố hết sức. Chúng ta đã giữ đúng đường đi. Cuộc thử lửa với niềm tin như vậy đã có kết quả. Nhưng Sóng Thần không lùi. Sóng Thần đã đứng đầu gió. Sóng Thần đã đi tiên phong. Độc giả yêu quí đang chờ đợi chúng ta. Chính vì quí trọng độc giả, chính vì những người dân khốn khó, chúng ta phải dấn thân”.

Ngày 21-9, Sóng Thần, Điện Tín tiếp tục bị tịch thu và có nhiều nguồn tin cho biết một số ký giả của Sóng Thần sẽ bị triệt hạ. Toà soạn Sóng Thần bị nhân viên an ninh chìm canh chừng gay gắt. Cuộc canh chừng kéo dài trong khi các tin tức cho biết thêm chi tiết: Tổng trưởng DVCH Hoàng Đức Nhã đã bỏ nửa triệu bạc đãi ăn một nhóm giết mướn để thuê hành động. Tòa soạn Sóng Thần phải lên tiếng báo nguy với dân chúng trên số báo ra chiều Thứ Ba 24-9 tức số 983 đề ngày Thứ Tư 25-9-74 , đồng thời kêu cứu với tất cả các hội đoàn báo chí về tình trạng bị bạo lực đe dọa nặng nề:

“Hơi thở của Sóng Thần và mạng sống của Tổng Thư Ký Uyên Thao đang như chỉ mành treo chuông, sau 20 ngày Sóng Thần khơi động phong trào đấu tranh đòi tự do báo chí. Tình trạng bị đe dọa của tờ báo và riêng ký giả Uyên Thao đã căng thẳng tới tột độ.

Chúng tôi xin khẩn cấp báo động cùng dư luận và chiến hữu khắp nước rằng hiện đang có âm mưu bóp chết tờ Sóng Thần, tiếng nói của tự do và người điều khiển tờ báo, Tổng Thư Ký Uyên Thao.

Sau khi nổi lửa khai pháo cho cuộc đấu tranh của báo chí VN, nhật báo Sóng Thần đã bị coi là kẻ thù, là một cái gai cần phải nhổ. An ninh của những ký giả làm ra tờ báo bị đe dọa trầm trọng. Mỗi ngày 24/24 giờ, hai xe an ninh thường phục với hàng chục nhân viên gác trước tòa soạn Sóng Thần. Một em bé đi lấy bản tin Việt Tấn Xã cũng bị khám xét. Một nhân viên cầm báo đi nạp bản cũng bị theo dõi. Một ký giả bị chận ở đường Võ Tánh để xem có chuyển thư từ đi đâu chăng. Người ta đã coi tờ Sóng Thần là một hội kín, một tổ chức bí mật thuộc loại nguy hiểm.

Chúng tôi, những người viết báo chỉ có một võ khí duy nhất là ngòi bút. Chúng tôi, toàn thể những người góp sức làm ra tờ báo từ thợ xếp chữ đến em bé chạy việc, từ ký giả săn tin đến nhân viên trị sự chỉ là những công dân sống dưới sự che chở của Hiến Pháp, nền tảng và pháp lý của chế độ hiện tại. Nhưng chúng tôi bị đe dọa không phải chỉ là những đe dọa áp lực mà là những đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng. Nhiều nguồn tin cho biết Tổng Thư Ký Uyên Thao có thể bị cướp tính mạng vì trò bắn lén hoặc ít nhất cũng bị chụp mũ để đưa ra tòa quân sự lãnh một cái án tù 5 năm. Hiện đang có trò ngụy tạo tài liệu để biến Uyên Thao hoặc thành một đặc công Cộng Sản, một tên ăn cắp, một tên ăn cướp, một tên lừa bịp, hay khá hơn, một kẻ đại phản nghịch âm mưu lật đổ chế độ.

Chúng tôi cầm chắc sẽ vào tù, chúng tôi cầm chắc sẽ phải chết, nếu đó là ý muốn của chính quyền vì chúng tôi biết chắc chúng tôi không thể trốn tránh hay khước từ được. Người ta có tất cả mọi thứ từ tiền bạc, quyền thế đến sức mạnh võ lực trong khi chúng tôi chỉ có thiện chí và lòng hăng say, chúng tôi chỉ có ngòi bút phục vụ đồng bào và ý nguyện giữ vững hơi thở tự do cho miền Nam trước hiểm họa lạm quyền đang phá vỡ mọi nỗ lực ngăn chống CS.

VN_BaoChi_TiaSang

Hăng say phục vụ tự do, nhiệt thành phụng sự đồng bào có thể là lý do để bị thanh toán, bị vào tù chăng? Nếu quả đúng vậy, và nếu quả đúng đó là ý muốn của người cầm quyền thì thực vô cùng mai mỉa. Dầu sao, chúng tôi vẫn khẳng định rằng anh em Sóng Thần sẽ xếp hàng vào tù, anh em Sóng Thần sẽ xếp hàng chịu xử bắn thay vì phải uốn cong ngòi bút chấp nhận một nền báo chí mất tự do. Công khai nói lên sự kiện này, chúng tôi nhắm trước hết gióng lên một tiếng chuông báo cùng đồng bào và chiến hữu khắp nước về thân phận của những người cầm viết chân chính tại Việt Nam. Đồng thời, công khai nói lên sự kiện này, chúng tôi xin trao hơi thở của tờ Sóng Thần cùng an ninh của toàn thể ký giả nhân công vào tay Nhà Nước, đặc biệt là đặt tính mạng của ký giả Uyên Thao vào tay các cơ quan an ninh.

Chúng tôi muốn nói rằng chính quyền sẽ gánh trọn mọi trách nhiệm trong trường hợp Sóng Thần tắt tiếng và ký giả Uyên Thao bị cướp mạng sống hay bị cướp quyền hành nghề bằng những trò xảo trá.

Với bạn đọc và anh em khắp nước, chúng tôi xin nhắc lại: Chúng tôi sẵn sàng vào tù, sẵn sàng xếp hàng chịu xử bắn thay vì bẻ cong ngòi bút, phản bội sự thật để chìu lòn quyền thế.”

Những ngày sau đó của tháng 9 là khoảng thời gian của cơn sốt tịch thu và đốt báo.

Tổng trưởng Nội Vụ Lê Công Chất khi ra trước Quốc Hội điều trần đã đe dọa sẽ đưa những người đốt báo ra tòa “vì đó là hành vi tiêu hủy tang vật”. Nhưng tiếng nói đe dọa đó không làm làng báo lùi bước và cũng không ngăn chặn nổi các giới, các đoàn thể lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh đòi tự do báo chí. Hai ngày cuối cùng của tháng 9 được ghi dấu lại bằng hai tiếng nói đấu tranh dõng dạc của Hội Chủ Báo và của 37 dân biểu đối lập.

Ngày 28-9-74, Hội Chủ Báo VN trong một phiên họp đặc biệt quy tụ tất cả chủ nhiệm các báo Việt, Hoa, Anh, Pháp ngữ cùng các báo định kỳ đã đưa ra bản Tuyên Cáo số 1 nêu 3 quyết định đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận, báo chí, xuất bản đúng theo điều 12 Hiến Pháp.

Ngày 30-9-74, 37 dân biểu thuộc Khối Dân Tộc Xã Hội và Nhóm Quốc Gia đã ký tên chung trong một kháng thư gửi Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm cảnh báo về nguy cơ Cộng Sản đang gia tăng do “cả chế độ đang đi vào chỗ tự hủy diệt vì đã công khai xóa bỏ những quyền tự do căn bản nhất của nhân dân và bởi đó đang trở thành thù địch của nhân dân vì “đã coi nhân dân như chó ngựa”.

Tháng 9 chấm dứt với sự chờ đợi của mọi người hướng về ngày 1-10-74 là thời điểm Tổng Thống Thiệu chọn lựa để lên tiếng trước toàn thể quốc dân.

Nhưng sáng 1-10-1974 đã được ghi nhận bằng 2 sự kiện mới của cuộc đấu tranh đòi tự do báo chí. Đó là sự chính thức lên tiếng của Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn với bản thông cáo mang ấn ký của đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình xác định Giáo Hội luôn bênh vực cho lẽ phải, công bằng và khuyến khích giáo dân tích cực đấu tranh lành mạnh hóa xã hội. Đồng thời, 85 luật sư tại Sài Gòn đại diện cho toàn thể giới luật sư khắp nước công bố bản tuyên cáo xác định:

1. Miền Nam phải tồn tại ngoài sự thống trị của Cộng Sản như hiến pháp qui định.

2. Cuộc độc cử 3-10-71 phá hoại tận gốc rễ lý do tồn tại của miền Nam VN.

3. Các luật lệ khắt khe làm giới hạn tự do dân chủ.

4. Tham nhũng trở thành tay sai số 1 của Cộng Sản.

Cuộc đấu tranh chuyển qua giai đoạn mới: giai đoạn vai trò chủ chốt được đặt lên vai giới luật pháp và các tổ chức nhân dân, trong khi Sóng Thần nhận được án lịnh ra Tòa vào ngày 31-10-1974 về tội phỉ báng mạ lỵ Tổng Thống, và sau đó bị thu hồi giấy phép xuất bản theo một quyết định hành chánh của Bộ Nội Vụ.

Hàng trăm ngàn người thuộc mọi thành phần tại Sài Gòn đã bất chấp lệnh thiết quân luật, xuống đường ngày 31-10-74, kéo tới pháp đình phản kháng hành vi lạm quyền của giới lãnh đạo đối với báo chí khiến Tòa phải tuyên bố đình hoãn vô thời hạn.

Nhưng thời gian không còn đủ cho những người mang nặng nhiệt tình với tự do dân chủ có thể ngăn chống cơn hồng thủy đã nhìn thấy trước ào ào xô tới vùi dập đất nước vào thảm trạng tối tăm từ 30-4-1975

UYÊN THAO (Virginia 12/2001)

(tài liệu trích theo VỤ ÁN SÓNG THẦN do Uyên Thao, Lê Thiệp,   Đặng Thị Tám, Trùng Dương, Trần Phong Vũ sưu tập

* Ấn hành tại Sài Gòn cuối 1974)

VN_BaoChi_ThoiThe

Bài liên quan:
  • Nhảy Múa Để Chết và Thân Phận Việt Nam
  • Đi Tìm Nhân Vật
  • Giới thiệu ĐÊM GIỮA BAN NGÀY
    -Uyên Thao