Trọng Việt
08/2020

Bối cảnh

Trong những năm gần đây, mối quan hệ Mỹ-Hoa ngày càng trở nên căng thẳng. Cuộc thương chiến về mậu dịch đã mở màn cho một cuộc đối đầu giữa hai siêu cường và cuộc chiến không còn chỉ giới hạn trong lãnh vực kinh tế, tài chính mà đã lan sang các lãnh vực an ninh, tình báo, quân sự của quốc gia.

Trong thời kỳ hậu Mao, khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, dân tình Trung Hoa nghèo đói tan nát sau hai cuộc cách mạng “Đại nhẩy vọt” với hơn 40 triệu người chết đói và “Đại cách mạng văn hóa vô sản” đẫm máu với cả triệu nạn nhân bị giết hoặc tù khổ sai; tình trạng kinh tế xã hội vô cùng kiệt quệ, lạc hậu với hơn 80% dân số có mức thu nhập mỗi ngày chưa đến 1 mỹ kim. Họ Đặng đã mau chóng nhận thức được rằng việc phát triển quốc gia phải cần đến sự trợ giúp của Phương Tây và Hoa Kỳ về mọi phương diện. Vì vậy, ngay sau khi thu tóm được quyền lực, với phương châm “Thâu quang, dưỡng hối”, “dấu mình chờ thời”, và với đầu óc thực dụng qua khẩu hiệu “làm giàu là vinh quang”,  họ  Đặng đã tìm mọi cách để vận động viện trợ, đầu tư, trợ giúp kỹ thuật từ Phương Tây, nhất là Hoa Kỳ. Thế giới tự do đã mở rộng vòng tay và hào sảng giúp đỡ với hy vọng là sau khi mở cửa, tiếp xúc với thế giới văn minh tự do dân chủ, các lãnh đạo của Trung cộng (TC) sẽ nhận ra nhu cầu hội nhập vào cộng đồng thế giới và con đường tất yếu phát triển đất nước là phải dân chủ hóa chính trị và tự do hóa kinh tế.

Hơn nữa, trong bối cảnh chiến tranh lạnh với sự đối đầu gay gắt giữa thế giới tự do, đứng đầu là Hoa Kỳ với Liên bang Sô Viết và các quốc gia Đông Âu nên đối với các chiến lược gia Phương Tây lúc bấy giờ việc lôi kéo một quốc gia cộng sản đông dân như Trung Cộng về phía thế giới tự do hẳn sẽ làm suy yếu thành trì cộng sản của Liên Xô đồng thời giảm đi mối đe dọa quân sự từ TC.

Cho đến nay, mọi học giả và các nhà làm chính sách đều công nhận là việc giúp đỡ của các quốc gia Phương Tây trên mọi phương diện từ khoa học kỹ thuật đến an ninh, quân sự; từ kinh tế thương mại đến mậu dịch; từ kiến năng quản trị đến giáo dục đào tạo; cung cấp các kiến thức khoa học chính là nền tảng căn bản quan trọng nhất cho việc phát triển, tăng trưởng của TC trong nhiều thập niên qua. Thành quả là hơn 600 triệu người đã thoát cảnh nghèo đói; rất nhiều công trình hạ tầng cơ sở và đô thị được xây dựng; cả nước trở thành “công xưởng thế giới”; nắm giữ những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu; đặc biệt, số lượng sinh viên được gửi đi du học nước ngoài gia tăng đều đặn hàng năm, chỉ riêng trong niên khóa 2015– 2016, lên đến hơn 328.000 tại Hoa Kỳ.

Sau ba thập niên phát triển nhanh chóng, ngày hôm nay, TC đã qua mặt hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự đứng hàng thứ nhì sau Hoa Kỳ. Mặc dù, theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới vào năm 2010, TC vẫn còn 150 triệu người nghèo đói với thu nhập chưa đến 2 mỹ kim mỗi ngày.

Trong Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của đảng Cộng Sản Trung Hoa (ĐCSTH) vào tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình đã được bầu làm tổng bí thư đảng, chính thức trở thành lãnh đạo cao cấp nhất ở TC, và trở thành chủ tịch nước vào đầu năm 2013.

Vì cho rằng TC nay đã trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới, cả về quân sự lẫn kinh tế, và chẳng bao lâu sẽ qua mặt Hoa Kỳ để trở nên đệ nhất siêu cường, nên trong bài diễn văn đọc trước đại hội đảng, họ Tập đã long trọng công bố mục tiêu của ĐCSTH là “Phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại” nhằm thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa.”

Do khuôn khổ giới hạn của bài viết, và trước thực trạng đầy bất ổn hiện nay, tác giả sẽ bắt đầu từ giai đoạn “trỗi dậy không hòa bình” của Trung Cộng trong gần một thập niên dưới sự cai trị của Tập Cận Bình và tìm hiểu tổng quát những quan niệm nền tảng của họ Tập và cộng đảng Tầu và các sách lược bành trướng với tham vọng thay đổi trật tự hiện hành, soán ngôi Đệ Nhất siêu cường của Hoa Kỳ, nhằm thống trị toàn thế giới.

Giấc mộng Trung Hoa

Theo diễn giải của giới học thuật tầu, “Giấc mộng Trung Hoa” là hậu thân, là tiếp nối của tư tưởng “Thế kỷ quốc sỉ”, tức mối “quốc nhục thế kỷ” của nước Tầu. Tư tưởng này đã có và âm ỉ từ lâu trong xã hội Tầu từ những thập niên đầu thế kỷ 20. Tư tưởng này được chính Đặng Tiểu Bình khơi dậy và phát động rầm rộ khi lên nắm quyền; được bộ máy tuyên truyền liên tục cổ xúy mạnh mẽ; được học tập rộng khắp trong nội bộ đảng; thậm chí còn được đưa vào sách giáo khoa các cấp trong học đường để giáo dục, nhồi nhét mọi tầng lớp thanh niên. Mục tiêu là để kích động người dân nuôi lửa căm hờn quyết chí phục thù, rửa mối quốc nhục này.

Cộng đảng Tầu đã dùng 100 năm lịch sử của Trung Hoa khởi đi từ giữa thế kỷ 19 dưới triều đại nhà Thanh khi Trung Hoa bị thất trận trước nước Anh trong hai cuộc chiến tranh nha phiến; rồi thất trận trước liên quân Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ … vào đầu thế kỷ 20; rồi trước Nhật Bản năm 1931; đất nước bị chiếm đóng, chia cắt, nhượng địa … để giải thích nguyên nhân của mối nhục đến từ sự xâm lăng, chia cắt của ngoại bang. Không dừng lại ở đây, thâm sâu hơn nữa, lãnh đạo cộng sản dùng ký ức lịch sử này làm chất xúc tác để kích động người dân nhằm xây dựng chủ nghĩa dân tộc hiện đại. Rồi từ đó, biến chủ nghĩa dân tộc hiện đại này trở thành một lý tưởng mới thay thế cho lý tưởng cộng sản, và qua đó trở thành chỗ dựa mới cho đảng CS và nhà cầm quyền; đồng thời biện minh cho thế chính danh để tiếp tục nắm quyền, lãnh đạo đất nước.

Còn đâu nữa những “căm thù giai cấp”, những “giải phóng giai cấp công nhân”, những “giai cấp tư sản phản động”; những “liên minh công nông”; những “chuyên chính vô sản”..v..v..? Các khẩu hiệu rất quen thuộc với người Việt chúng ta trước đây nay ngày càng trở nên xa lạ. Phải chăng tất cả những ý niệm nền tảng của chủ nghĩa cộng sản đã bị đánh tráo? Nếu có giữ lại chăng chính là nền “chuyên chính vô sản” nhưng được biến đổi, không phải chuyên chính của giai cấp vô sản nữa mà là chuyên chính của giai cấp thiểu số đặc quyền “tư bản đỏ.”

Vì vậy, danh xưng Đảng CS được duy trì đến ngày nay là để bám víu lấy cái “di sản” cộng sản đã mất của thời Mao Trạch Đông ngõ hầu có thế chính danh mà tiếp tục nắm quyền. Trên bình diện ý thức hệ, Chủ nghĩa Xã Hội với đặc tính Trung Hoa thực chất chỉ là chủ nghĩa cực quyền, độc tài toàn trị và khoác bên ngoài chiếc áo dân tộc để che mắt người dân Tầu. Trên thực tế đối với thế giới, Trung Hoa của Tập Cận Bình đang đi theo chủ nghĩa dân tộc hiện đại cực đoan toàn trị với chiến lược bá quyền đế quốc.

Cũng xuất phát từ não trạng này, động lực mà họ Tập dùng để huy động sức mạnh và sự hy sinh của người dân không đến từ lòng yêu nước cao đẹp mà lại là bản năng thấp hèn của sự thù hận, của bạo lực. Lòng thù hận này đã được nung nấu, tuyên truyền ngày đêm trong quần chúng để chờ ngày rửa mối quốc nhục. Đối tượng để TC rửa hờn chính là các cường quốc, là các quốc gia văn minh, tiến bộ, và cả thế giới. Nói cách khác, mối “quốc nhục 100 năm” này sẽ được rửa khi cả thế giới sẽ phải “thần phục” một “Trung Hoa vĩ đại” và “khấu đầu” trước sức mạnh về quân sự và kinh tế của nó. Đó chính là bản chất của “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình, một giấc mộng thống trị toàn thế giới. Theo các toan tính của họ Tập, giấc mộng này sẽ thành hiện thực vào năm 2049 qua các đại dự án chiến lược đang được tiến hành trên khắp thế giới, và năm 2049 cũng là lúc kỷ niệm 100 thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Cũng trong bài diễn văn tại đại hội đảng, họ Tập đưa ra 2 phương châm để thực hiện mục tiêu trên, đó là: Xây dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của đất nước; và phải bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của TC bằng mọi giá, ngay cả phải hy sinh hoặc ảnh hưởng xấu đến quan hệ với các nước.

Lợi ích cốt lõi

Tập Cận Bình muốn ám chỉ gì khi đề cập “Lợi ích cốt lõi”, và chỉ thị ra sao để “bảo vệ” lợi ích này?

Lợi ích cốt lõi mà họ Tập đề cập được khai triển trên sáu lãnh vực, đó là: 1. Chủ quyền quốc gia, 2. An ninh quốc gia, 3. Toàn vẹn lãnh thổ, 4. Thống nhất đất nước, 5. Hệ thống chính trị quốc gia và ổn định xã hội, 6. Bảo đảm và duy trì sự phát triển kinh tế xã hội.

Thoạt nghe, những lợi ích này quả hết sức chính đáng và đúng với mọi quốc gia. Tuy nhiên, “Lợi ích cốt lõi” mà họ Tập đề cập cần được hiểu xa hơn nghĩa đen của nó. Bởi lẽ nội hàm của các “lợi ích cốt lõi” này, theo cách diễn giải minh định một cách tùy tiện của TC –bất chấp công pháp và công ước quốc tế– có liên quan trực tiếp và đe dọa đến quyền lợi, sự an nguy của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia khác trong khu vực. Những “Lợi ích cốt lõi” này gồm có: Đài Loan; khu tự trị Tân Cương và dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ; khu tự trị Tây Tạng; chủ quyền vùng biên giới đất liền đang tranh chấp với Ấn Độ; chủ quyền và quyền tài phán Biển Hoa Đông đang tranh chấp với Nhật Bản; chủ quyền và quyền tài phán Biển Đông đang tranh chấp về với Việt Nam, Mã Lai, Philippines, và Nam Dương.

Các lợi ích cốt lõi kể trên là những điều mà cộng đảng Tầu phải bảo vệ hoặc chiếm đoạt. Nói cách khác, với sách lược tổng quan của họ Tập, cho dù thế giới có phản đối hay không, TC sẽ sống chết, bằng mọi giá, chiếm đoạt thâu tóm cho bằng được, ít nhất, là Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Chiến lược bá quyền của họ Tập đã lộ rõ trong phương châm này. Điều đáng nói là những chủ trương này đã được công khai trước thế giới vào cuối năm 2012, nhưng nhiều chính phủ, các nhà chiến lược, nhà ngoại giao ..v..v.. cho đến gần đây, vẫn không nhận thức được những hiểm họa, đe dọa đến từ các hoạt động của TC từ nhiều năm qua, và vẫn ngây thơ tin vào “thiện chí trỗi dậy hòa bình” mà Tập vẫn đang rao bán.

Mặt khác, cũng trong một hội nghị cấp trung ương của đảng vào đầu năm 2013, họ Tập đã đề cập đến sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết. Biến cố này, mặc dù đã xảy ra hơn 20 năm trước đó, vẫn được chính thức đề cập trước hội nghị hẳn phải rất quan trọng. Hơn nữa, từ năm 2009, họ Tập đã chỉ thị cho một đội ngũ viên chức và trí thức nghiên cứu về biến cố xụp đổ của thành trì cộng sản này. Thật vậy, sự tan rã của Liên Xô là nỗi lo sợ và ám ảnh lớn nhất của họ Tập và có lẽ vẫn còn đeo đuổi ông ta cho đến hôm nay. Họ Tập đã vạch ra ba nguyên nhân đưa đến thảm họa này, đó là: Đảng đã để cho tư tưởng dân chủ, tự do tây phương xâm nhập khuynh đảo và thắng thế chủ nghĩa vô sản từ bên trong; lãnh đạo đảng bị thoái hóa, biến chất vì tham nhũng; Đảng không lãnh đạo và kiểm soát được quân đội, công an.

Trước hết và trên hết, để thực hiện mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa”, đảng CS Tầu không thể đi vào vết xe đổ của Liên Xô. Vì vậy, họ Tập đã đưa ra các biện pháp cứng rắn nhằm củng cố vị trí lãnh đạo của đảng và xác định vai trò trung tâm của đương sự trong guồng máy thống trị; tung ra chiến dịch chống tham nhũng nhằm “trong sạch hóa” guồng máy đồng thời loại trừ mọi đối thủ chính trị; xiết chặt kiểm soát quân đội và công an; thiết lập hệ thống theo dõi và khống chế người dân; và kiểm soát, ngăn chận mọi “tư tưởng phản động”, tự do dân chủ tây phương.

Củng cố vai trò lãnh đạo

Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, tất cả mọi tiến trình lấy quyết định ở cấp cao nhất của cộng đảng Tầu đã hoàn toàn thay đổi. Trước đây, thể thức lãnh đạo tập thể do Đặng Tiểu Bình đề ra cho phép các quan điểm khác biệt, bất đồng được nêu lên, và các quyết định được đưa ra phần lớn dựa trên đồng thuận – một tiến trình tuy chậm chạp khiến đôi khi các cơ hội bị bỏ lỡ, nhưng nó cũng là một cơ chế quản lý rủi ro quan trọng và tránh được sự tập trung quyền lực quá lớn vào một người như Mao. Họ Tập đã đảo ngược thể thức trên, thay thế việc ra quyết định tập thể bằng sự lãnh đạo tập trung, áp dụng chủ nghĩa tân-Mao. Do đó, không còn chỗ cho sự phong phú và đa dạng của các quan điểm dù chính đáng, thay thế bằng sự trung thành tuyệt đối và tuân phục chính trị giống như thời của Mao Trạch Đông. Trên thực tế, đường lối này còn đi xa hơn nữa, cộng đảng Tầu đã hình sự hóa việc nêu những ý kiến trái ngược với lập trường lãnh đạo cấp cao, tức là nêu ý kiến trái với lãnh đạo là có tội và thể bị truy tố, bắt giam.

Tập cũng công khai xác định rằng ông ta là người lãnh đạo tối cao và duy nhất, là “Hạt nhân.” Ngoài những chức vụ gắn liền với chức danh Tổng Bí thư – lãnh đạo Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Hoa và Chủ tịch nước –Tập Cận Bình còn là lãnh đạo của những ủy ban quan trọng khác: Ủy ban An ninh Quốc gia (mới thành lập), cơ quan có thẩm quyền đối với quân đội, lực lượng cảnh sát, và tất cả các cơ quan an ninh quốc gia trong và ngoài nước; nhóm lãnh đạo Trung ương về Cải tổ sâu Toàn diện (mới thành lập) – có vị trí cao hơn Quốc vụ viện (tức nội các, đứng đầu là Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật đứng thứ hai trong Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Hoa, khiến chức vụ và vai trò của thủ tướng họ Lý trở nên “hữu danh vô thực”)– chịu trách nhiệm điều hành các công việc về kinh tế; và các nhóm lãnh đạo trung ương về đối ngoại, an ninh mạng, và công nghệ thông tin.

Trong Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng Sản Trung Hoa, đối với thuộc cấp, theo Andrew Nathan, họ Tập đã định nghĩa lại chế độ trọng dụng nhân tài (meritocracy) thành chế độ đi theo (followocracy), có nghĩa là cán bộ sẽ được cất nhắc dựa trên “thành tích”, đó là: “tuân theo sự lãnh đạo của hạt nhân [ông Tập], đi theo sự lãnh đạo của trung ương [ông Tập], và ủng hộ uy quyền của ủy ban trung ương [ông Tập].” Trong các cuộc thảo luận tổ suốt thời gian đại hội đảng, các đại biểu đảng đã hăng hái “thi đua lập thành tích” để đạt tới các “kỷ lục” mới về nhiệt tình tôn vinh sự lãnh đạo của họ Tập.

Chiến dịch đánh tham nhũng

Họ Tập đã cất nhắc Vương Kỳ Sơn, một đồng nghiệp lâu năm mà ông tin dùng trong nhóm 7 người của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, để điều hành Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương và cầm đầu chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi.”

Theo báo cáo mà ủy ban trình ra tại đại hội gần đây, kể từ khi ông Vương lên phụ trách ủy ban này năm 2012 đã có 74.880 quan chức lãnh đạo đảng– nghĩa là những người mà sự nghiệp do Ủy ban quản lý – ở cấp quận huyện và cao hơn đã bị điều tra, trong số này có 280 cán bộ cấp bộ hoặc cao hơn. Có 35.000 vụ tham nhũng mà ủy ban đã chuyển hồ sơ cho ngành tư pháp để truy tố chính thức. Trong số gần 90 triệu đảng viên của đảng Cộng sản, Ủy ban đã điều tra hơn 2,7 triệu quan chức, có 1.375.000 người đã bị trừng phạt vì vi phạm kỷ luật đảng, bao gồm 7 thành viên Bộ Chính Trị và Chính phủ, và khoảng 39 tướng lĩnh cấp cao. Hai quan chức cao cấp đã bị tuyên án tử hình. Con “hổ” lớn là Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ bộ chính trị, từng phụ trách Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, người đứng thứ ba sau Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo tại nhiệm kỳ trước đã bị tù chung thân. Trong số những kẻ sa cơ, chắc có vài “con ruồi” có lẽ đã bỏ qua quy định của đảng khi tiệc tùng chỉ có tối đa “bốn đĩa và một súp”, nhưng chắc chắn cũng có không ít những đối thủ chính trị của họ Tập mà điển hình nhất gần đây là việc thanh trừng Tôn Chính Tài, ủy viên bộ chính trị và bí thư thành ủy của đại đô thị Trùng Khánh.

Lẽ dĩ nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng ở cấp cao lẫn cấp thấp này của họ Tập đã khiến nhiều người quyền thế trong Đảng Cộng sản lo lắng. Hơn nữa, trước thực trạng tham nhũng lan tràn, tệ nạn mua quan bán tước, rửa tiền ở mọi cấp, và với khẳng định chống tham nhũng “đao to” của họ Tập, mới chỉ có khoảng 3% số đảng viên bị điều tra và 1,4% đảng viên bị kỷ luật, một tỷ lệ hết sức khiêm tốn khiến vẫn còn nhiều nghi vấn về việc liệu các cáo buộc tham nhũng chống lại các con “hổ” có phải chỉ là bình phong cho một cuộc thanh trừng các đối thủ của họ Tập trong đảng và quân đội và liệu kết quả của chiến dịch chỉ là “đầu voi, đuôi chuột”?

Điều mà cộng đảng Tầu từ chối thừa nhận là tham nhũng không thể nhổ được tận gốc nếu đảng này còn tiếp tục duy trì vai trò độc tôn về quyền lực chính trị.

(Xin xem tiếp phần hai)

Bài liên quan:
  • Sổ Tay Thường Dân: GIẢI GIỚI
    Tưởng Năng Tiến
  • Trung Quốc nên lo lắng về Triều Tiên
    Lee Hee-ok & Cho Sungmin
  • Tập vẫn sẽ theo đuổi “Trung Hoa Mộng” bất chấp sự trở lại của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa
  • Chiến dịch vùng xám của Trung Quốc chống lại Đài Loan đang phản tác dụng
    David Sacks
  • Trump và sự hấp dẫn của phong cách lãnh đạo cứng rắn
    Gideon Rachman