Trọng Việt
Tổng quát
Trong nhiều tháng qua, tình hình tại Đài Loan trở nên căng thẳng một cách bất thường. Trung Cộng đã công khai đe dọa đảo quốc này, tổ chức tập trận rầm rộ với nhiều chiến hạm tại eo biển giữa 2 nước, chiến đấu cơ thường xuyên vượt qua đường trung tuyến, xâm phạm không phận Đài Loan. Động thái của TC đã dấy lên mối quan ngại cho sự bất ổn và có thể dẫn đến những xung đột vũ trang ở Đài Loan và có thể lan rộng trong khu vực.
Bài viết này sẽ tìm hiểu một số nguyên nhân và những hệ lụy của nó.
Để hiểu biết về đảo quốc Đài Loan (ROC: Republic of China), có lẽ chúng ta cần lùi lại để biết về bối cảnh chính trị của Trung Hoa trong những thập niên đầu của thế kỷ 20.
Xin khái quát những mốc điểm chính:
Từ năm 1927, sau khi lãnh tụ Tôn Trung Sơn tức Tôn Dật Tiên, cha đẻ của chủ thuyết Tam Dân, qua đời, tướng Tưởng Giới Thạch được đưa lên nắm quyền ở Trung Hoa. Họ Tưởng đã thành lập chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, đặt thủ đô tại Nam Kinh.
Cuộc nội chiến đẫm máu quốc cộng ở Trung Hoa kéo dài từ năm 1927 đến năm 1949, giữa phe Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và đảng Cộng Sản của Mao Trạch Đông. Mao và đảng CS đã tranh thủ, huy động thành phần nông dân, giành được chính quyền ở vài vùng nông thôn, nhưng chủ yếu là hoạt động bí mật và chiến tranh du kích.
Trong suốt chiều dài của cuộc nội chiến, đã có một giai đoạn tạm lắng dịu trên bề mặt khi cả hai bên đã đồng ý với việc thành lập Mặt trận thống nhất Trung Hoa để kháng chiến chống sự xâm lăng của Nhật Bản từ năm 1937 đến 1945.
Sau khi Thế Chiến thứ II kết thúc, cuộc nội chiến quốc-cộng lại tiếp tục khốc liệt trở lại cho đến 1949.
Năm 1945, sau khi đầu hàng Hoa Kỳ, Nhật Bản đã trả lại đảo Đài Loan cho đồng minh sau 50 năm chiếm đóng. Tổng thống Truman đã trao Đài Loan cho Tướng Tưởng Giới Thạch.
Sau Đệ nhị Thế Chiến, hồng quân của Mao Trạch Đông được tiếp tục nhận viện trợ dồi dào của Liên Xô, đồng thời tiếp thu toàn bộ các trang thiết bị, quân trang quân dụng, vũ khí do Nhật Bản bỏ lại, nên đã đủ khả năng mở các cuộc chiến tranh quy ước với sách lược “Nông thôn bao vây thành thị” và từng bước tiến chiếm, thu hẹp các thành phố, thị trấn, khu công nghiệp, lãnh thổ do Quốc Dân đảng kiểm soát.
Tháng 1-1949, Hồng quân chiếm được Bắc Kinh và đến tháng 4 chiếm Nam Kinh. Thống chế Tưởng Giới Thạch và toàn bộ quân đội của Quốc Dân đảng rút ra đảo Đài Loan. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, tại quảng trường Thiên An Môn, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đặt thủ đô ở Bắc Kinh.
Tuy thất bại dưới tay Mao Trạch Đông và mất Trung Hoa lục địa, nhưng trong bối cảnh khởi đầu cuộc chiến tranh lạnh với thế đối đầu lưỡng cực giữa ý thức hệ cộng sản và tư bản, cùng với chủ thuyết Domino của Tổng Thống Truman, Tổng Thống Tưởng Giới Thạch và đảo quốc Đài Loan tức Trung Hoa Dân Quốc được thế giới tự do, các quốc gia đồng minh, phương Tây và Hoa Kỳ ủng hộ, công nhận là một quốc gia hợp pháp với chủ quyền và tư cách đại diện Trung Hoa trên trường quốc tế. Đồng thời, Hoa Kỳ xem Đài Loan là một phần trong hệ thống phòng thủ chống cộng và đặt Đài Loan dưới sự bảo vệ quân sự của Hoa Kỳ.
Mặ khác, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa Cộng Sản (Trung Cộng – TC) ngày một xấu đi khi TC không ngừng lên án Hoa Kỳ là trùm đế quốc và từ chối thảo luận mọi vấn đề với Hoa Kỳ cho đến khi chấm dứt viện trợ cho họ Tưởng và ngừng bảo vệ Đài Loan. Sau chiến tranh Triều Tiên, Hoa Kỳ đoạn giao với TC và dùng ảnh hưởng của mình để ngăn TC gia nhập vào Liên Hiệp Quốc.
Những thay đổi trong mối quan hệ của Đài Loan với Hoa Kỳ và thế giới
Năm 1970, để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ và Trung Cộng và biết hồ sơ Đài Loan là một trở ngại lớn phải giải quyết, Tổng thống Nixon đã chỉ thị cho Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Henri Kissinger nghiên cứu việc “chấp nhận” TC gia nhập Liên Hiệp Quốc.
Đến năm 1971, trong một cuộc biểu quyết của Đại Hội Đồng, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (TC) giành được ghế đại diện cho Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc. Đồng thời Trung Hoa Dân Quốc tức Đài Loan bị loại khỏi Ủy viên thường trực của Hội Đồng Bảo An và tất cả các định chế quan trọng khác của LHQ (như WHO, Unesco, FAO ..v..v..), đồng thời bị nhiều quốc gia đoạn giao nên mất dần thừa nhận ngoại giao trên quy mô lớn.
Ngày 21 tháng 2 năm 1972, Tổng thống Richard Nixon đã chính thức viếng thăm Trung Hoa và ký kết Thông Cáo Chung Thượng Hải, chấm dứt mối quan hệ thù nghịch trong hơn hai thập niên, mở ra một giai đoạn mới với sự thay đổi to lớn trong cán cân thế và lực của chiến tranh lạnh. Việc điều chỉnh chiến lược của Hoa Kỳ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến “vận mạng” ít nhất là hai quốc gia trong khu vực, đó là Đài Loan và Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 1/1/1979, Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Cộng Sản. Và vị trí của Đài Loan, về mặt ngoại giao, đối với Hoa Kỳ chỉ còn ở mức thấp nhất là Đại Diện.
Tưởng Giới Thạch qua đời tháng 4/1975. Con trai là Tưởng Kinh Quốc lên kế vị cha, và thời gian đầu vẫn duy trì thiết quân luật, tiếp tục chính sách cai trị hà khắc, độc đảng ở Đài Loan.
Tuy nhiên, khi phải đối diện với thực trạng bị cô lập trên thế giới và nguy cơ bị tiêu diệt bởi TC, trước nhu cầu sống còn của đảo quốc với 24 triệu dân, Tưởng Kinh Quốc cùng Quốc Dân đảng, và các nhà hoạt động ở Đài Loan đều nhận thức rằng điều kiện duy nhất để tồn tại là phải thay đổi thể chế chính trị để mọi người dân được tự do tham gia vào đời sống chính trị, xã hội của quốc gia, từ đó tiềm năng của người dân được phát huy tối đa trong việc bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước.
Năm 1984, Tổng thống Tưởng Kinh Quốc đề cử Lý Đăng Huy vào chức vụ phó tổng thống cho mình. Việc làm này của họ Tưởng đã mở đầu cho những chuyển động chính trị tích cực cho đất nước. Hai năm sau, tháng 9/1986, hơn 130 nhà hoạt động họp mặt tại Grand Hotel và lập lời thề thành lập đảng đối lập, và Đảng Dân Tiến (DPP: Democratic Progressive Party) chính thức ra đời. Tháng 7/1987, thiết quân luật được gỡ bỏ, theo sau là tự do báo chí. Đài Loan từng bước tiến đến một nền dân chủ pháp trị.
Sau khi Tưởng Kinh Quốc mất vào năm 1988, Lý Đăng Huy kế nhiệm chức vụ tổng thống. Ông nhiều lần sửa đổi hiến pháp, xúc tiến bãi bỏ quốc hội vạn niên, cải cách toàn diện bầu cử quốc hội. Tháng Giêng 1989, Đài Loan thông qua luật về Tổ Chức các Nhóm Dân Sự, mở đường cho đa đảng. Đến cuối năm, có 50 đảng chính trị đăng ký hoạt động.
Tháng 3/1996, lần đầu tiên trong lịch sử, Đài Loan tổ chức bầu cử tự do, phổ thông, trực tiếp chức vụ tổng thống. Ông Lý Đăng Huy đắc cử, tiếp tục làm tổng thống.
Vị trí của Đài Loan trong chiến lược an ninh và bành trướng của TC
Để bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của Trung Hoa, Trung Cộng cần xây dựng một hệ thống phòng thủ sâu và nhiều tầng/vòng đai (a defense-in-depth/layered-defense posture) tại các vùng biển chung quanh họ. Để đạt được vị thế này, Trung Cộng cần nắm lấy quyền kiểm soát các đặc điểm hàng hải (maritime features) trong vùng biển lân cận cho những mục đích quốc phòng, càng nhiều càng tốt bằng bất cứ giá nào.
Hệ thống phòng thủ gồm hai phòng tuyến:
- Phòng tuyến thứ nhất tức vòng/tầng một là “Chuỗi Đảo Thứ Nhất” (First Island Chain) chạy dài từ đảo Tsushima suôi xuống hướng nam, qua Okinawa, bao phủ hết biển Hoa Đông, vòng xuống phía đông của Đài Loan, Philippines, Biển Đông đến tận Mã Lai.
- Phòng tuyến thứ hai là “Chuỗi Đảo Thứ Hai” (Second Island Chain) đi từ Nhật Bản qua đảo Guam xuống Indonesia. (Xin xem bản đồ 1.)
Hơn thế nữa, không như Nhật Bản và Hoa Kỳ có các căn cứ hải quân hoàn toàn mở ra Thái Bình Dương, tất cả các căn cứ của hải quân Trung Cộng đều ở bên trong Biển Hoa Đông (ECS), hoặc Hoàng Hải (Yellow Sea), hay Biển Đông (SCS). Điều này có nghĩa là tất cả lực lượng hải quân Trung Cộng bị kềm giữ (contained) trong những vùng biển mà một nửa đã bị vây kín bởi hàng loạt các chuỗi đảo, cũng như bởi các quốc gia quần đảo quanh Biển Đông.
Ngoài ra, để cho hải quân và không quân Trung Cộng có thể hoạt động bên ngoài vùng biển cận duyên, các đơn vị hạm đội của họ phải vượt qua một số nút chặn (choke points) để có thể đi ra và tiến vào các vùng biển lớn và không phận tương ứng. Hiện có nhiều nút chặn bao quanh khu vực trách nhiệm của hải quân Trung Cộng, ví dụ như Quần đảo Tây Nam của Nhật, giữa Đài Loan và Phi Luật Tân, trong vùng lãnh hải của Phi Luật Tân và Nam Dương, và Eo biển Malacca.
Cho đến nay, tất cả những nút chặn này đều được kiểm soát bởi các quốc gia khác, và các quốc gia này tương đối thân thiện với Washington và Tokyo hơn là với Bắc Kinh. Khi các đồng minh của Hoa Kỳ ngăn chặn sự qua lại tại những nút chặn này, TC sẽ gặp nhiều khó khăn to lớn. Thí dụ như Nhật Bản có thể khoá cứng các nút chặn trong chuỗi Quần đảo Tây Nam bằng cách đưa các đơn vị của Lực Lượng Tự Vệ Nhật (Japan Self-Defense Forces) trấn đóng tại đó, khiến các chiến hạm của hải quân Trung Cộng không thể di chuyển qua các nút chặn này để ra biển rộng. Trong trường hợp này, để tháo gỡ nút chặn, hải quân TC sẽ khó tránh khỏi các cuộc đụng độ quân sự với Lực Lượng Tự Vệ của Nhật Bản.
Khi eo biển Malacca bị phong tỏa, 80% lượng dầu hỏa đến TC sẽ bị chận đứng.
Bởi lẽ Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất mà TC phải kiêng nể, tránh đụng độ nên trong trường hợp có khủng hoảng khu vực hoặc chiến tranh cục bộ với một quốc gia khác, chưa nói đến việc đụng độ quân sự trực tiếp giữa quân đội Hoa Kỳ và Trung Cộng, rõ ràng là bằng mọi giá Trung Cộng cần ngăn chặn sự can thiệp của các lực lượng Hoa Kỳ. Vì vậy, Trung Cộng đã phát triển một chiến lược “Chống tiếp cận, Ngăn xâm nhập” (Anti-access, Area denial – A2/AD) để giữ những lực lượng của Hoa Kỳ đứng bên ngoài khu vực bằng các hỏa tiễn hành trình tầm xa “diệt hạm”. TC muốn cho Hoa Kỳ biết khả năng quân sự đó có thể phá hủy những biểu tượng sức mạnh chính yếu của đối phương, hàng không mẫu hạm, trong những vùng biển cách xa lục địa. Đồng thời, với sự phát triển nhanh chóng lực lượng hải quân, TC hiện đang có một lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới mà trong một báo cáo, Ngũ Giác Đài đã xác nhận.
27/08/2020, Bắc Kinh bắn hai hỏa tiễn, một trong số các hỏa tiễn, DF-26B với tầm bắn 4.000 km, được phóng từ tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc nước Tầu, trong khi một hỏa tiễn khác, DF-21D có tầm bắn 1.800 km, bắn từ tỉnh Chiết Giang ở phía đông. Cả hai đều đến mục tiêu gần Hoàng Sa (xin xem hình 1).
Vậy, nhìn trên bản đồ của “Chuỗi Đảo đầu tiên”, Đài Loan nằm ở vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong hệ thống phòng thủ đầu tiên để bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của TC và cũng là cửa ngõ mở ra Thái Bình Dương.
Nếu chiếm giữ được Đài Loan, TC sẽ làm chủ tình hình ở Biển Hoa Đông, Hoàng Hải, Biển Đông với đảo Ba Bình (đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa mà Đài Loan đang kiểm soát); khống chế được tuyến hải lộ huyết mạch đi và đến Nhật Bản và Nam Hàn; kiểm soát được Nhật và Philippines; thoát được các nút chặn bởi chuỗi đảo Tây Nam của Nhật Bản; có khả năng ngăn chận và đẩy lùi hải quân Hoa Kỳ ra đến Guam, truyến phòng thủ thứ hai, chuỗi đảo thứ hai (Second Island chain); loại Hoa Kỳ ra khỏi Châu Á; và trở thành bá chủ vùng Châu Á Thái Bình Dương.
Xa hơn nữa, Đài Loan và Biển Đông còn nằm trong Đại Chiến Lược “Con đường tơ lụa trên biển” (Maritime Silk road) để nối liền Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải của Tập Cận Bình trong tham vọng củng cố vị thế địa chính trị, bành trướng quân sự, và cường quốc đại dương.
Đó là lý do để giải thích tại sao Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông là cực kỳ quan trọng và được Tập Cận Bình xếp vào “Lợi Ích Cốt Lõi” của Tầu trong phát biểu trước Đại Hội Đảng CS năm 2012 mà TC phải chiếm lấy bằng mọi giá.
Và hơn bao giờ hết, phải chăng bây giờ là lúc mà TC phải giải quyết vấn đề Đài Loan càng nhanh càng tốt?
Những biến chuyển dồn dập trong thời gian gần đây
Đài Loan luôn là cái gai trong mắt của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Thái độ của Bắc Kinh đối với Đài Loan rất dứt khoát. TC gọi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc là “Nhà đương cục Đài Loan”, không phải là một thực thể pháp lý độc lập. Mối quan hệ căn cứ trên 2 nguyên tắc: 1. Chỉ có một Trung Hoa và Đài Loan là một phần của Trung Cộng bất khả phân ly; 2. Đài Loan sẽ được “thống nhất” vào Trung Hoa lục địa với chính sách “1 quốc gia, 2 thể chế”. Năm 2005, TC ban hành đạo luật “Chống Ly Khai Quốc Gia” và không từ chối xử dụng vũ lực để bảo đảm việc thống nhất.
Trong bối cảnh khó khăn, chịu áp lực thường xuyên về mọi mặt từ TC, Đài Loan một mặt vẫn vươn lên nhanh chóng về kinh tế, khoa học, công nghệ, xã hội với tốc độ thật ngoạn mục, trở thành một quốc gia phát triển và là một trong bốn con rồng kinh tế Á Châu; mặt khác vẫn tìm mọi cách phát triển ngoại giao thực chất bằng việc xúc tiến các quan hệ phi chính thức với các quốc gia, thành lập các “Văn Phòng Đại Diện kinh tế, văn hóa Đài Bắc”.
Nền dân chủ non trẻ Đài Loan đã trải qua thử thách và đã thành công rực rỡ. Đặc biệt đối với người dân tại lục địa, Đài Loan đã trở thành một kiểu mẫu và bằng chứng hùng hồn cho một cuộc sống tốt đẹp trong một xã hội tự do, dân chủ, ổn định và phát triển.
Đến nay có 14 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc và Vatican còn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa Dân Quốc, hầu hết đặt cơ cấu đại diện ngoại giao tại Đài Bắc. Một số quốc gia khác đối đãi với Trung Hoa Dân Quốc như thực thể độc lập. Hiện có hơn 60 quốc gia sau khi đoạn giao đã lấy danh nghĩa tổ chức quần chúng để thiết lập cơ cấu đại diện phi chính thức, duy trì quan hệ chính trị, thương mại và văn hóa, đồng thời giải quyết các sự vụ lãnh sự.
Về phương diện chính trị nội bộ, khởi đi từ Tổng thống Lý Đăng Huy, người đặt nền móng cho công cuộc hướng đến nền độc lập và kiến thiết nên bản sắc quốc gia, rồi đến 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Trần Thủy Biển thuộc đảng Dân Tiến, người dân Đài Loan dần dần hình thành ý thức tự chủ độc lập. Trần Thủy Biển tiến thêm một bước trong việc đề xuất chủ trương “mỗi bên [eo biển] một quốc gia”, và yêu cầu bất kỳ quyết định nào về chủ quyền đều phải qua trình tự công dân đầu phiếu; mạnh dạn cổ xúy cho “quốc gia Đài Loan” như là một nhà nước thực tế (De facto Independence State).
Mặc cho những lời đe dọa thô bạo của Bắc Kinh, đầu năm 2020, người dân Đài Loan đã lên tiếng và Tổng thống Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến, với chủ trương chủ quyền độc lập, đã tái đắc cử vẻ vang.
- Bài học Hồng Kông
Những cuộc xuống đường đòi tự do dân chủ ở Hồng Kông chống lại giới lãnh đạo tay sai của Bắc Kinh đã là những nguồn khích lệ, cảm hứng lớn lao cho người dân Đài Loan, đồng thời cũng là một phép thử quan trọng để đo lường thiện chí của Tập Cận Bình trong việc áp dụng chính sách “một quốc gia, hai thể chế”.
Ngày 30/06/2020, TC thẳng thừng áp đặt luật “An Ninh Quốc Gia” lên đặc khu hành chính Hồng Kông, đàn áp người dân, tước đoạt các quyền căn bản, bóp nghẹt báo chí ..v..v… Biến cố này là một giọt nước làm tràn ly. Hành động thô bạo trên cho thấy Tập Cận Bình đã bất chấp khát vọng tự do của người dân, coi thường phản ứng của thế giới, ngang nhiên vi phạm những thỏa thuận đã cam kết ngày 19/12/1984 giữa Đặng Tiểu Bình và Thủ Tướng Anh Quốc Thatcher về chính sách “Một quốc gia, hai thể chế” cho Hồng Kông.
2. Đài Loan phản ứng ra sao?
Biến cố tại Hồng Kông đã chứng minh chiêu bài “một quốc gia, hai thể chế” của TC chỉ là “bánh vẽ”. Thực tế này đã đẩy Đài Loan vào đường cùng, đặt người dân ở thế phải lựa chọn một mất một còn: hoặc cúi đầu từ bỏ tự do, chấp nhận sự cai trị độc tài của ĐCSTH; hoặc cương quyết chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, dân chủ tự do và quyền dân tộc tự quyết. Và họ đã chọn!
Ngày 02/09/2020, Đài Loan phát hành một loại hộ chiếu mới để xác định rõ hơn tên Đài Loan của hòn đảo. Quyết định được chính phủ Đài Bắc thông báo nhằm tránh mọi nhầm lẫn với Trung Cộng. Một cách thật rõ ràng để xác định bản sắc và căn tính của Đài Loan trước thế giới.
Ngày 21/09/2020, trong buổi lễ tưởng niệm cố Tổng thống họ Lý, Tổng thống Thái Anh Văn nhấn mạnh: “Trong khi tưởng nhớ những cống hiện trọn đời của cựu Tổng thống Lý Đăng Huy, chúng ta không được quên rằng tương lai của Đài Loan đang nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có trách nhiệm kế thừa những thành tựu của cựu Tổng thống Lý Đăng Huy và càng phải có trách nhiệm nỗ lực hết sức để thực hiện “niềm hạnh phúc khi sinh ra là người Đài Loan”, đảm bảo cho nhân dân Đài Loan được an cư lạc nghiệp từ thế hệ này sang thế hệ khác.”
Ngày 17/09/2020, Bộ trưởng ngoại giao của Đài Loan Joseph Wu phát biểu với đài truyền hình Pháp 24TV rằng “Đài Loan đang ở tuyến đầu để bảo vệ nền dân chủ đang bị đe dọa cướp mất bởi Trung Cộng” (“on the front line defending democracies from being taken over by the communist China”), và cho biết thêm là Đài Loan phải đương đầu với các đe dọa này ngày cũng như đêm. Ông cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ để bảo vệ Đài Loan trước nguy cơ chiến tranh có xác xuất xảy ra cao.
Ngày 21/09/2020, Bộ Quốc Phòng Đài Loan ra thông cáo khẳng định quyền tự vệ phản công đối với các hành vi “sách nhiễu và đe dọa” của Trung Cộng. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục phô trương sức mạnh, “diễu võ dương oai” tại eo biển Đài Loan. Đài Loan nhắc lại nguyên tắc “không khiêu khích, gây hấn, không leo thang” nhưng có quyền tự vệ, phản công và “không sợ kẻ thù”. Đài Loan đã xử dụng nhiều lần từ ngữ “kẻ thù” trong thông cáo này.
Lập trường cứng rắn của bộ Quốc Phòng Đài Loan được đưa ra một ngày sau phát biểu trong một cuộc họp báo của tổng thống Thái Anh Văn xem Trung Quốc là mối đe dọa đối với toàn khu vực. Bà cũng nhấn mạnh rằng thái độ hù dọa của TC không có lợi gì cho hình ảnh của họ trên trường quốc tế; mặt khác càng khiến người dân Đài Loan thấy rõ chân tướng của chế độ CSTH và sẽ cảnh giác hơn nữa, đồng thời các nước trong khu vực cũng có dịp hiểu sâu hơn về mối đe dọa của Trung Cộng.
Chính phủ Đài Loan đã nghiêm khắc thông báo cho chính quyền Bắc Kinh rằng lãnh hải và không phận của Đài Loan là chủ quyền không thể nhân nhượng của Đài Loan và chúng hoàn toàn không phải là nơi huấn luyện của quân đội Trung Hoa.
3. Những động thái của Hoa Kỳ
Ngày 10 tháng 4 năm 1979, sau khi Hoa Kỳ và Đài Loan đoạn giao, Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter ký “Luật Quan hệ Đài Loan” để duy trì quan hệ ngoại giao thực chất. Hoa Kỳ và Đài Loan thiết lập hiệp định đặc quyền, miễn thuế, quyền miễn trừ giữa các cơ cấu, chính thức ký kết vào ngày 2 tháng 10 tại Washington D.C.
Kể từ ngày ban hành đạo luật “Quan Hệ Đài Loan” năm 1979 cho đến nay, mối quan hệ Hoa Kỳ – Đài Loan đã trải qua nhiều bước thăng trầm và luôn chịu áp lực nặng nề của Bắc Kinh khiến Đài Loan gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ ở mức tối thiểu, nhất là trong 30 năm qua, dưới nhiệm kỳ của tổng thống Bill Clinton, George Bush, Barrack Obama. Tất cả đều không muốn “làm mất lòng” anh “khổng lồ” Bắc Kinh.
Tuy nhiên, sách lược bành trướng quân sự, âm mưu đe dọa khống chế toàn thế giới của Tập Cận Bình và ĐCSTH đã bị nhận diện, bị “vạch mặt chỉ tên”. Sách lược ngoại giao của Tổng Thống Donal Trump đã có những thay đổi triệt để nhằm đối phó với Trung Cộng, cũng như phát triển mối quan hệ với Đài Loan.
Ngày 2 tháng 12 năm 2016, Tổng thống Thái Anh Văn và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói chuyện qua điện thoại trong 10 phút. Đây là biến cố đầu tiên giữa nguyên thủ đương nhiệm hoặc đắc cử hai bên kể từ khi đoạn giao vào năm 1979, và là chỉ dấu khởi đầu cho những thay đổi ngoạn mục.
Năm 2018, quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ, trong dịp kỷ niệm 40 năm “Luật Quan Hệ Đài Loan”, đã biểu quyết thông qua 3 dự luật quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ Hoa Kỳ – Đài Loan. Đây cũng là một trong những trường hợp rất hiếm hoi mà có được sự đồng thuận với đa số tuyệt đối của lưỡng đảng tại lập pháp Hoa Kỳ. Các dự luật này đã được Tổng thống Trump ban hành:
- Ngày 12 tháng 12 năm 2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký ban hành “Luật Uỷ quyền Phòng Vệ Quốc phòng 2018” (H.R.2810 – National Defense Authorization Act), trong đó chính sách với Đài Loan bao gồm việc Hoa Kỳ mời quân đội Đài Loan tham gia các cuộc diễn tập quân sự như “Exercise Red Flag”, tiến hành giao lưu sĩ quan và quan chức cấp cao giữa Hoa Kỳ và Đài Loan để cải thiện quan hệ hai quân đội, ủng hộ việc mở rộng chương trình huấn luyện cho quân nhân Đài Loan tại Hoa Kỳ, trao đổi các tin tức tình báo.
- Ngày 16 tháng 3 năm 2018, Tổng thống Donald Trump ký kết “Luật Du Hành Đài Loan“(H.R.535 – Taiwan Travel Act), cho phép giao thiệp ngoại giao cấp cao giữa các quan chức Đài Loan và Hoa Kỳ, và khuyến khích viếng thăm giữa các quan chức chính phủ của Hoa Kỳ và Đài Loan ở mọi cấp độ.
Các Đạo Luật này đã khiến Trung Cộng vô cùng phẫn nộ.
theo Reuters, ngày 09/07/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông cáo nước này đã phê chuẩn và sẽ bán cho Đài Loan 7 hệ thống vũ khí bao gồm mìn, hỏa tiễn hành trình, phi cơ không người lái MQ-9 Reaper ..v..v.. trị giá 23 tỷ đô la trong vòng 10 năm, nâng cấp hỏa tiễn đất-đối-không Patriot trị giá 620 triệu đô la, một động thái nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc.
Trên phương diện ngoại giao, mặc cho những phản đối gay gắt từ Bắc Kinh, ngày 08/08/2020, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân đạo Alex Azar, chính trị gia cao cấp nhất của Hoa Kỳ, lần đầu tiên đã công du Đài Loan kể từ 40 năm qua. Trong các cuộc họp với lãnh đạo Đài Loan trên hòn đảo này, ông cho biết “việc công nhận Đài Loan như một xã hội cởi mở và dân chủ, nơi đã phản ứng rất thành công và minh bạch trong việc đối phó Covid-19; tái khẳng định Đài Loan là một đối tác và là bạn hữu dài lâu của Hoa Kỳ; và ghi nhận rằng Đài Loan xứng đáng được công nhận như một một nhà lãnh đạo y tế thế giới, với những kết quả tuyệt vời mà họ đã đóng góp cho nền y tế quốc tế.“
Trong khi cơn nóng giận của Tập Cận Bình chưa kịp nguôi, hôm 17/09/2020, Thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Keith Krach, đặc trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường, đã công du Đài Loan. Tại Đài Bắc, ông thứ trưởng có các cuộc tiếp xúc và tham khảo với giới chức cao cấp sở tại. Cùng đi với ông Keith Krach còn có trợ lý ngoại trưởng phụ trách Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động, Robert Destro. Về mặt chính thức, thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ tới Đài Loan để tham dự lễ tưởng niệm cố tổng thống Lý Đăng Huy. Vì Tổng thống Lý Đăng Huy là người khởi xướng việc chủ quyền độc lập cho Đài Loan nên sự có mặt của Thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ trong lễ tưởng niệm này được các nhà phân tích xem là một chỉ dấu khuyến khích của Hoa Kỳ với Đài Loan về hướng chuyển dịch này.
Với Bắc Kinh, việc Đài Loan ly khai, độc lập khỏi TC là “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua.
Ngày 16/09, dân biểu liên bang Hoa Kỳ Tom Tiffany vừa giới thiệu dự luật kêu gọi Mỹ bãi bỏ chính sách “Một Trung Hoa” và “bình thường hóa quan hệ với Đài Loan,” theo Taiwannews.
Ngày 7/10/2020, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Robert O’Brien, trong một phát biểu tại đại học Nevada, Las Vegas, đã cảnh cáo Trung Cộng về bất kỳ cố gắng nào nhằm xâm lăng Đài Loan bằng quân sự.
Thay lời kết
Tình hình tại eo biển Đài Loan nói riêng và toàn khu vực nói chung hiện đang rất căng thẳng.
Trên hồ sơ Biển Đông, TC bị hoàn toàn cô lập với các quốc gia trong khu vực, với các cường quốc Âu Châu và Hoa Kỳ. “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự Do và Mở” của bốn quốc gia Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc Châu (Bộ Tứ Kim Cương) đang được tiến hành.
Đối với bên ngoài, Trung Cộng tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự, tập trận trên Biển Đông, eo biển Đài Loan; liên tục gây hấn với Nhật Bản tại Điếu Ngư Đài (tàu xâm phạm lãnh hải Nhật1097 lần trong 282 ngày; xâm phạm không phận 675 lần, trong năm 2019); đang gây chiến với Ấn Độ tại vùng biên giới trên bộ. Nội tình của Trung Cộng cũng trong tình trạng bất ổn: Hồ sơ nhân quyền tại Tân Cương và dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ vẫn đang nóng bỏng; tình hình Hồng Kong vẫn chưa ổn định; kinh tế bị khựng lại do cuộc thương chiến với Hoa Kỳ và tiếp theo với trận đại dịch do siêu vi Vũ Hán; tăng trưởng đã tụt thấp; các trận lụt lội kéo dài đã gây thiệt hại mùa màng to lớn với nguy cơ khủng hoảng lương thực vào cuối năm nay; chiến lược “Vành đai, con đường” cũng bị đình đốn.
Ngoài ra, Hoa Kỳ đang trong mùa bầu cử rất gay go với nhiều biến động bất thường, khó lường và đang lôi kéo sự chú ý của người dân Mỹ và thế giới.
Trong bối cảnh phức tạp và khó khăn hiện nay, để làm giảm bớt bất mãn, chống đối trong nước, lôi kéo sự chú ý của người dân Tầu đến những vấn đề bên ngoài, và khỏa lấp những khó khăn nhiều mặt đang đè nặng trên gia đình của từng người dân, chiêu bài kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong quần chúng đang là kế sách mà họ Tập muốn áp dụng.
Vậy, liệu TC có mở một cuộc chiến tranh cục bộ, ồ ạt, chớp nhoáng để thanh toán Đài Loan chăng? Đây là mối quan tâm thực sự của các nhà quan sát và cũng là nỗi âu lo có thật mà chính phủ Đài Loan đã lên tiếng cảnh báo cách nay không lâu.
Hơn nữa, theo một số nhà phân tích, xác xuất nổ ra chiến tranh khá cao và thời điểm tốt nhất cho TC ra tay là trong tuần lễ bầu cử tại Hoa Kỳ, nhất là khi tình trạng sức khỏe của Tổng thống Trump chưa hoàn toàn ổn định!
Có lẽ vì dự kiến nguy cơ trên, Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ thông báo là sẽ có 9.000 quân nhân của các binh chủng Hải-Lục-Không quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ cùng với tàu khu trục lớp Halifax của hải quân Hoàng Gia Canada sẽ phối hợp với 37.000 quân, 20 tàu chiến và 170 phi cơ của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản tham gia trong cuộc tập trận hỗn hợp bắt đầu từ ngày 26/10 đến 05/11/2020.
Khi Đài Loan và Hoa Kỳ biết và đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, tức là đối phó với một cuộc xâm lăng quân sự đến từ TC với binh đoàn ước lượng 1 triệu quân; hàng chục ngàn tàu chiến và tàu dân quân, các đơn vị hỏa tiễn từ Phúc Kiến; các phi đoàn oanh tạc và chiến đấu cơ; thì cuộc đụng độ sẽ vô cùng khốc liệt và đẫm máu (xin xem hình 2). Họ Tập có thể phải trả một giá rất đắt cho hành động phiêu lưu này. Phải chăng Tập Cận Bình dám liều lĩnh đánh cược?
Cho dù cuộc chiến xâm lược Đài Loan có thể không xảy ra trong những tuần trước mặt mà đi theo kịch bản ít tồi tệ hơn là giữ nguyên trạng (Status Quo), hồ sơ Đài Loan vẫn là một thế “tiến thoái lưỡng nan” lớn nhất mà TC phải đối diện trong thập niên tới.
Ba yếu tố quyết định cho tương lai của Đài Loan vẫn là tham vọng bành trướng, thống trị thế giới của họ Tập; những biện pháp phản công, đáp trả của Phương Tây và Hoa Kỳ; và quan trọng nhất mang tính quyết định là ý chí cùng quyết tâm bảo vệ thành trì tự do của 24 triệu dân Đài Loan.
Cán cân lực lượng đang nghiêng về Đài Loan và thế giới tự do. Chúng ta hãy chờ xem!
California, 07/10/2020
__________________________
Tài liệu tham khảo:
Syaru Shieley Lin, Taiwan’s China Dilemma, Stanford University Press, 2016
Eric Heginbotham, The US-China Military Scorecard, RAND Corporation, 2015
Steven Tsang, Editor, Taiwan’s Impact on China, The Nottingham China Policy Institude Series, 2017
Yoji Koda, China’s Blue Water Navy Strategy and its Implications, Center for a New American Security, 2017.
Chris Horton, Taiwan’s Status Is a Geopolitical Absurdity, The Atlantic, 07/2019
Helen Davidson, Taiwan Calls for Global Coalition Against China’s Agression as US Official Flies In, 09/2020
Vincent Wei-Chenh Wang, The Taiwan Relations Act at 40: A New Dynamics of an Enduring Framework, Foreign Policy Research Institude, 08/2019