Hệ thống Tuyền Thông đảng CSVN vừa vẽ lại “khung trời Mùa Xuân” về triển vọng kinh tế Việt Nam, sau khi Hà-nội ký Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Toàn Diện (Regional Comprehensive Economic Partnership-RCEP). RCEP được nói là lớn nhất thế giới, bao trùm thương mại 15 nước, trên quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, bằng 30% dân số thế giới, với tổng sản lượng toàn vùng, GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ Mỹ kim.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khoe đây là “niềm tự hào, là thành quả to lớn” sau 8 năm đàm phán (2012), Hiệp định RCEP đã được ký kết ngày 15/11 trong khuôn khổ Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội. RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới giữa 10 nước khối ASEAN và các đối tác bên ngoài, gồm:  Trung cộng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.  RCEP đã đồng thuận mở ra cơ hội để Ấn Độ gia nhập kể từ ngày hiệp định có hiệu lực.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam bày tỏ lo ngại về “cái hại nhiều hơn cái lợi” mà hiệp định thương mại RCEP mang đến cho Việt Nam trong tương lai, khi Trung cộng sẽ là nước hưởng lợi nhiều hơn và tình trạng nhập siêu, lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào nước láng giềng phương Bắc sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.

Từ năm 1993 đến nay, Hà-nội điều hành 13 hiệp đinh thương mại (FTA) đang hiệu lực. Nguồn thu từ 13 Hiệp Đinh Thương Mại suốt 27 năm phần lớn vào túi cán bộ có quyền. Dân sinh vẫn ngụp lặn trong bất công, nghèo đói. Toàn hệ thống quyền lực tham nhũng, thối nát; đưa đến quá một nửa ngân hàng thương mại có nợ xấu từ 30% đến 70% [1], như tin mới nhất.  Hà-Nội lại vừa tự nhận tòan guồng máy đảng trong 5 năm qua, (thời gian trùng khớp với nhiệm khóa 5 năm của Ban Chấp Hành nhiệm khóa 12 đảng csVN) chi tiêu sai quy định đến 250 ngàn tỷ [2]. Nhưng công luận biết đến số liệu Hà-nội tự thú chỉ là phần nổi của tảng băng chìm chi tiêu xa hoa, hoang phí trong bộ máy cầm quyền có cả hệ thống đảng song hành. 

Chỉ khi chế độ bị dân chúng đẩy vào đường cùng họ mới lên tiếng nhìn nhận có sai lầm. Nhưng lần này, Hà-nội tự nhận đã chi tiêu sai số tiền to lớn lên hàng tỷ Mỹ kim là việc “có chủ đích” muốn tố cáo nhau trong hoàn cảnh nội bộ đảng đấu đá quyết liệt để tranh ghế cao hơn cho nhiệm kỳ 5 năm sắp tới ở đại hội đảng 13.

Bất chấp cảnh báo của giới chuyên gia về viễn ảnh nền kinh tế sẽ rất ảm đạm sau đai dịch Vũ Hán; nền tài chánh lâm vào nợ xấu có ngân hàng tăng đến 71%. Và việc chi tiêu vô tội vạ gây ra tham nhũng cả chế độ. . .  dẫn đến ngân sách trống rỗng, Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc vẫn hiên ngang khoe trước Quốc Hội hôm 10/11 là, “Việt Nam đã tạo ra hơn 1200 tỷ Mỹ kim GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau để bất luận trong trường hợp nào vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội tốt nhất”.

Gần đây, các báo chuyên ngành Tài Chánh trong nước thuật lại số liệu thống kê tổng kết từ Báo Cáo Tài Chánh quý 3/2020, theo đó, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng tính đến ngày 30/9/2020 là hơn 111.000 tỷ đồng, tăng 29,5% so với đầu năm [3].

Riêng 7 Ngân Hàng được lần lượt nêu tên có nợ xấu nội bảng cao khác nhau, gồm:  ACB tăng 71% lên 2.480 tỷ đồng;  VietinBank tăng 66% lên 17.949 tỷ đồng;  HDBank tăng 51% lên 3.012 tỷ đồng,  SCB tăng 58,6% lên 2.608 tỷ. VietBank tăng 61% lên 867 tỷ; TPBank tăng 59,6% lên 1.971 tỷ đồng. Cuối cùng trong  số 7 ngân hàng là Kienlongbank có nợ xấu lớn nhất, gấp 6,6 lần lên 2.241 tỷ do ngân hàng này bất ngờ phải ghi nhận lượng nợ xấu lớn liên quan đến nhóm khách hàng hiện đang thế chấp tài sản đảm bảo là 176 triệu cổ phiếu của Sacombank. Kienlongbank cho biết đang gấp rút chào bán số cổ phiếu này để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp.

10 ngân hàng có nợ xấu nội bảng lớn nhất hiện nay là BIDV, VietinBank, Vietcombank,VPBank,  SHB, Sacombank, MBBank, VIB, HDBank và LienVietPostBank. Tỷ lệ nợ xấu của những ngân hàng này đang chiếm tới 76% tổng nợ xấu của 27 ngân hàng. Tỷ trọng của nợ nhóm 3 trong tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng tăng từ 24% lên 31%.

Tài sản 35 ngân hàng thương mại tư nhân đạt trên 4,96 triệu tỷ đồng, tăng 9,06% và chiếm 41,4% tổng tài sản toàn hệ thống. Đảng CSVN nắm giữ 7 ngân hàng thương mại quốc doanh: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, GPBank, CBBank và OceanBank có tổng tài  sản lớn hơn toàn khối ngân hàng tư nhân, đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 7,12% so với đầu năm và giữ tỷ trọng lớn nhất với 43,4%. Trong đó có 3 ngân hàng là BIDV, VietinBank và Vietcombank, mang 40 ngàn tỷ đồng nợ xấu, mà 50% số nợ này đang đứng trước nguy cơ sẽ mất vốn hoàn toàn[4].

Đáng chú ý, nợ nhóm 3 [*] (nợ dưới tiêu chuẩn) là nhóm nợ tăng mạnh nhất, tăng 69% lên gần 35.000 tỷ tại 27 ngân hàng. Trong đó, nợ nhóm 3 có xu hướng tăng đột biến tại nhiều ngân hàng, mức tăng theo cấp số nhân.

Chẳng hạn tại VietinBank, nợ nhóm 3 tăng gấp 5,8 lần lên 11.919 tỷ đồng; Vietcombank tăng hơn 4 lần lên 2.923 tỷ; Sacombank tăng gấp đôi lên 638 tỷ; HDBank và LienVietPostBank tăng 2,5 lần lên 1.189 tỷ và 698 tỷ đồng.

Một cuộc tìm tòi của Viện Nghiên Cứu & Đào tạo BIDV chỉ ra rằng, đến cuối năm nay, mức tăng nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng có thể lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% cuối năm 2019 do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp.

Nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài ghi nhận tổng tài sản 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 11,36%; nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính ghi nhận 190.797 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 13,69% . . . Tiến Sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng sẽ vào khoảng 4%, cao gấp đôi so với cuối năm ngoái. Nợ xấu cộng gộp gồm: nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho Công ty Mua bán nợ VAMC và nợ xấu tiềm ẩn khác, cuối năm nay sẽ là 6% tổng dư nợ, cao gấp rưỡi so với cuối năm 2019.

Không có số liệu chính thức về tổng trị giá tài sản thế chấp trong khối nợ xấu. Tuy nhiên, theo báo cáo soát xét bán niên chỉ mới tại 20 ngân hàng cho thấy, đến giữa năm 2020, tài sản thế chấp, cầm cố chỉ tính trên bất động sản (BĐS) có tổng giá trị trên 7,3 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 313 tỷ Mỹ kim) và con số này vẫn ngày một tăng  [5] .

Để giải quyết nợ xấu, thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã ráo riết thu hồi nợ xấu bằng việc bán tài sản mà các doanh nghiệp thế chấp, trong đó phần lớn là BĐS.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, việc phát mãi tài sản đảm bảo là BĐS để thu hồi nợ xấu của các ngân hàng không hề dễ dàng. Có những ngân hàng rao bán nhiều lần vẫn ế.

Bởi vì ngay lãnh vực BĐS số tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với năm 2019; chỉ có 11,9% mới thành lập; 200 sàn hoạt động cầm chừng; gần 80% sàn tạm ngừng giao dịch. Ngành BĐS được mô tả đang trong viễn ảnh “màu xám”. Chính sự kiện này đang kéo khối ngân hàng chết theo.

Những tài sản khác như xe ô tô hay tài sản bảo đảm khác tại thời điểm này đang giảm giá mạnh vì sự suy yếu của nền kinh tế. Mặc dù lượng tài sản rao bán của các ngân hàng khá nhiều nhưng lượng người mua lại rất ít. Bước sang năm 2021, có thể nền kinh tế sẽ còn suy yếu hơn và giá trị của tài sản bảo đảm sẽ xuống thấp hơn nữa.

Nhiều con nợ dùng một tài sản thế chấp nhiều nơi để mươn nợ. Những trường hợp này có bán giá rẻ mạt cũng chẳng ai muốn dây dưa đến tranh tụng pháp lý về nguồn gốc tài sản thế chấp.

Thành ra, chuyên gia tài chánh đề nghị cách tốt nhất đối với các ngân hàng hiện nay mang nợ xấu là chấp nhận mất mát để “gỡ gạc” chút vốn còm cõi, còn hơn mất hết!

Trong tháng11, Ngân Hàng Nhà Nước cho hạ giá 50 đồng VN trên mỗi Mỹ kim, và tung ra thị trường 30 ngàn tỷ đồng để mua vào một số lượng lớn Mỹ kim [6]. Chủ đích việc này theo các chuyên gia tài chánh là để trả nợ bất chấp rủi ro bị Mỹ kết luận thao túng tiền tệ và rủi do lạm phát tăng . . . Như vậy trước đây NHNN nói là ngoại tệ dự trữ của Việt Nam lên đến 100 tỷ Mỹ kim là số liệu không đáng tin.

Giới chuyên gia Tài Chánh tin rằng, Hà-nội đã in thêm nhiều tiền mới chỉ chờ dịp tiện để bơm vào thị trường sẽ chỉ giải quyết tình trạng tạm bợ. Trong khi khối ngân hàng đầy nợ xấu lại bị dẫn dắt bởi các nhân sự lệ thuộc vào thế lực chính trị trong Ban Chấp Hành nhiệm khóa thứ XIII (2021-2025) của đảng CSVN là viễn ảnh khá bi quan, nhiều thách thức cho lãnh vực Tài Chánh, Tiền Tệ Việt Nam.

Trần Nguyên Thao

Tham khảo:

[1]  https://cafef.vn/toan-canh-no-xau-cua-27-ngan hang-20201111153145912.chn
[2]  https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/moi-nam-tieu-sai-50000-ti-dong-thi-khong-no-nan-moi-la-855601.ldo
[3]  https://cafef.vn/toan-canh-no-xau-cua-27-ngan-hang-20201111153145912.chn
[4]https://firstnewsinworld.com/vi/no-xau-tai-3-ong-lon-ngan-hang-da-hon-40-000-ty-hon-nua-trong-so-do-la-no-co-kha-nang-mat-von/
[5]  https://danviet.vn/om-no-bang-bat-dong-san-nhieu-nha-bang-dang-khoc-20201112160518893.htm
[6] https://vietnambiz.vn/ssi-research-nhnn-tiep-tuc-mua-vao-mot-luong-lon-ngoai-te-2020112315513172.htm
[*] https://fmi.vn/p/no-xau-nhom-3-la-gi/ (Xin tìm hiểu nợ nhóm 3 nơi dường link này).

Bài liên quan:
  • HỘI LUẬN ngày 14/9/2024. Tranh luận Trump & Haris: Ai thắng, ai thua? Thông điệp gì cho cử tri? Chiến tranh Ukraine đi vào khúc quanh: Giải pháp nào? Căng thẳng ở Biển Đông: Sách lược của mỗi ứng viên?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • NHỮNG NGƯỜI KHÔNG NÊN LẤY LÀM CHỒNG
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 8/9/2024. Putin đến Mông Cổ: Tìm kế giải vây? Diễn đàn hợp tác TC-Châu phi: Nhưng cả khách lẫn chủ đều gặp kinh tế trì trệ, nợ cao, không lối thoát?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Bất đồng chính kiến gia tăng ở Trung Quốc khi cột mốc 2025 đến gần
    William Pesek
  • NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 7/9/2024. Trước gọng kềm tứ phía của Bắc Kinh, VN tìm lối thoát?
    BS Nguyễn Trọng Việt