Nhiều dấu hiệu đáng mừng trong nền kinh tế đang bị che lấp giữa những tin xấu vì số người mất việc gần đây lại tăng lên và bệnh dịch Covid-19 vẫn nặng nề. Một tin vui là số tiêu thụ của dân Mỹ đã tăng lên liên tục trong sáu tháng qua, kể từ tháng Tư, và còn tăng mạnh hơn khi dân Mỹ tiêu tiền vào dịp cuối năm.
Ba phần tư nền kinh tế Mỹ dựa vào người tiêu thụ. Lúc Covid bắt đầu tấn công, vào tháng Ba kinh tế Mỹ tụt xuống mạnh vì nhiều người mất việc, ngưng tiêu tiền – mà nếu có tiền cũng ít cơ hội đem xài. Nhờ Ngân Hàng Trung Ương đẩy lãi suất xuống tới đáy, quốc hội và chính phủ bỏ tiền vào túi những người dân đóng thuế, nhất là cho những người mất việc, dân Mỹ tiêu thụ thoải mái hơn, dù tốc độ vẫn chậm hơn. Hiện nay, người Mỹ đang để dành được $2 ngàn tỷ mỹ kim chưa đem xài, theo Ngân Hàng Trung Ương (Federal Reserve) kết toán. Tức là 10% Tổng Sản Lượng Nội Địa đang nằm yên tại chỗ, chỉ chờ cơ hội đem ra mua sắm!
Cơ hội sẽ đến trong năm 2021. Trong khi chờ đợi, không nên nao núng trước những tin xấu nhất thời, như tin tức về thất nghiệp. Tuần trước, có thêm 137 ngàn người bắt đầu khai mất việc. Trong mấy tháng Mùa Đông sắp tới, sẽ còn tăng thêm nữa, vì Covid-19 còn tiếp tục lan rộng. Các chuyên gia về bệnh dịch từ đầu mùa Thu đã báo trước bệnh sẽ càng ngày càng nặng hơn cho tới đầu năm 2021; nhưng người ta không nghe các nhà khoa học vì ai cũng mải lo tranh cãi về chuyện chính trị.
Nhưng thuốc chủng ngừa, vaccines, sẽ bắt đầu được đem dùng trong mấy tuần lễ tới, đó là tin mừng lớn nhất cho nền kinh tế. Đầu năm 2021 nhiều người thất nghiệp từ tháng Ba sẽ được kêu trở lại làm việc. Đến mùa Xuân sang năm, khi nhiều người đã chích vaccine, giới kinh doanh sẽ hoạt động trở lại. Người ta đã đoán trước điều này khi các loại vaccine mới được công bố. Cho nên ngay trong tháng 11 các hoạt động, trong cả các ngành sản xuất lẫn dịch vụ đã lên cao.
Một dấu hiệu đáng mừng là ngay bây giờ đã có rất nhiều xí nghiệp mới ra đời. Riêng trong quý thứ ba đã có 1.6 triệu xí nghiệp mới (startups) ra đời, so với con số cùng thời gian năm ngoái chỉ có 860,000 startups.
Một lãnh vực nở bùng, đáp ứng với tình trạng thay đổi do Covid gây ra, là hoạt động thương mại trên mạng, gọi là e-commerce. Nước Mỹ “chuẩn bị sẵn sàng” cho nền kinh tế trên mạng này nhờ đã thiết lập được hạ tầng cơ sở trong những năm qua, với hệ thống chuyển các thông tin gọi là “broadband.” Khi Covid được ngăn chặn, các công ty e-commerce sẽ nhân đà này mà phát triển. Khi nào người Mỹ nào cũng có thể mua thuốc chủng ngừa về, tự chích lấy, thì hoạt động kinh tế sẽ phục hồi. Nhưng phần lớn sẽ thay đổi, khác hẳn thời trước khi bị Covid tấn công. Người ta sẽ làm việc cách khác và học hành cũng theo cách mới.
Trong tám tháng bị bệnh dịch tấn công, e-commerce là chiếc phao giúp cho kinh tế Mỹ bám vào, ngoi lên thở. Hàng triệu người đã làm việc qua internet. Các văn phòng ở New York, Chiacago, San Francisco vắng người, vì nhân viên có thể làm việc ở nhà. Công ty Amazon sẽ tuyển mộ hàng triệu công nhân mới, các công ty khác cũng xuất hiện, cạnh tranh trên cùng một thị trường mạng.
Hàng triệu trẻ em tiếp tục việc học hành qua mạng, dù trường đóng cửa. Sau khi mở cửa trường, nhiều cha mẹ chọn cho trẻ em tiếp tục học qua mạng. Công ty Zoom, do một người Mỹ gốc Hoa làm chủ, trước cơn bệnh dịch ít được ai biết đến. Bây giờ, các cuộc họp của giới lãnh đạo các công ty, các gia đình họp mặt, cho đến các buổi lễ lạc, đang sử dụng Zoom hoặc các phương tiện tương tự.
Các thành phố lớn như New York đang bàn kế hoạch biến các văn phòng trong cao ốc thành những căn hộ cho người ở. Các thành phố lớn sẽ bớt xe cộ vì người ta có thể sống ở bên ngoài mà vẫn làm việc với trụ sở ở bên trong. Các khu đậu xe có thể biến thành công viên, không gian sẽ mở rộng cho dân đạp xe đi làm hay để tập thể dục. Các xí nghiệp đang tự thay đổi, ngay từ trong cách thiết trí cơ xưởng. Hệ thống sản xuất được điều chỉnh để các công nhân sẽ không phải đứng, ngồi gần nhau quá.
Nhưng khi kinh tế Mỹ hồi phục, người ta sẽ thấy rõ những ai là nạn nhân của cơn bệnh dịch toàn cầu 2020. Một số tầng lớp lao động bị ảnh hưởng nặng hơn những người khác. Tình trạng chênh lệch giàu nghèo sẽ gia tăng.
Đây là cuộc suy thoái kinh tế đầu tiên đánh nặng nhất trên các nạn nhân ở những thành phố lớn, trên các ngành dịch vụ, đặc biệt là trên giới phụ nữ đi làm.
Ngay từ lúc nền kinh tế phải tạm đóng cửa, vào tháng Ba 2020, những người đầu tiên mất việc làm là giới công nhân với lương bổng từ $40,000 một năm trở xuống. Họ làm trong các dịch vụ, như tiệm ăn, siêu thị, những người làm tài xế, tiệm hớt tóc hoặc làm nail, rạp chiếu bóng, khu giải trí. Khoảng 40% phải ngưng làm việc, ngưng lãnh lương. Người da đen và người gốc Hispanic chiếm đa số trong nhóm người đầu tiên mất việc.
Theo thống kê Lao Động, số phụ nữ bị mất việc cao hơn tỷ lệ trung bình. Từ tháng Hai 2020, phụ nữ đã chiếm 55 phần trăm trong số những người mất việc. Kể từ tháng Tư, số phụ nữ đi làm, trong lứa tuổi từ 25 đến 54, đã giảm 15 phần trăm, so với trong nam giới chỉ giảm với tỷ lệ 12%.
Tuy nhiên, nhờ tổ chức công việc thay đổi sau khi kinh tế hồi phục, nhiều phụ nữ sau này sẽ có thể làm việc ở nhà thay vì tới sở. Đó là giới chuyên nghiệp, lương cao, họ có thể nhiều thời giờ trông nom con cái hơn. Những người bị khuyết tật, trước đây không thể đi làm bình thường, cũng có cơ hội mới nếu có nghề chuyên môn để làm việc ở nhà. Những người khó thay đổi và sẽ bị thiệt thòi là lớp công nhân không có tay nghề chuyên môn.
Bệnh dịch Covid sẽ thay đổi cách sống và cách chúng ta làm việc. Nhưng ngay từ khi kinh tế bắt đầu xuống vì bệnh dịch, chúng ta đã biết rằng đến lúc có cơ hội thì các hoạt động kinh thương và tiêu thụ sẽ lên trở lại, và sẽ bùng lên rất nhanh. Lý do vì nguyên nhân gây ra cảnh suy thoái là từ bên ngoài gây ra. Trước đây, kinh tế xuống thường vì những nguyên nhân nội tại, vì chênh lệch cung cầu hay vì hệ thống tài chánh bất cẩn. Vụ suy thoái năm 2020 trên khắp thế giới là do loài vi khuẩn gây nên.
Trong một năm qua, Đài Loan là nền kinh tế ổn định vững vàng nhất. Chính phủ Đài Loan đã phản ứng và ngăn chặn căn bệnh ngay từ đầu năm 2020, khi nghe tin bệnh phát ra ở Vũ Hán. Nhờ chính sách hợp lý, trên dưới một lòng, đầu đuôi không thay đổi, Đài Loan thành công nhất trong việc chặn đứng bệnh dịch, nền kinh tế không bị virus tàn phá.
Cho nên, chúng ta hy vọng khi loài người có cách ngăn chặn không cho vi khuẩn corona lan truyền thì kinh tế thế giới sẽ hồi phục và sẽ phát triển rất nhanh. Nước Mỹ có thể sẽ trở lại bình thường sớm hơn nhiều nước khác.
Nhưng tình trạng gọi là “kinh tế bình thường” đó sẽ khác hẳn nền kinh tế trước khi bệnh dịch xảy ra. Khác trước, không có nghĩa là kém trước. Nhưng nó đòi hỏi tất cả mọi người, mọi ngành hoạt động phải thay đổi. Trong nền kinh tế tự do, sự thay đổi là điều không thể tránh được, và luôn luôn đưa tới tiến bộ. Bệnh dịch Covid thúc cho kinh tế thay đổi nhanh hơn.
Ngô Nhân Dụng
14-12-2020
Nguồn: VOA Tiếng Việt
https://www.voatiengviet.com/a/covid-kinh-te-hoi-phuc-trong-tuong-lai/5698794.html