____________________________
  • Cờ bạc, mãi dâm, cá độ . . .  là “kinh tế ngầm” sẽ đưa vào thống kê để làm tăng GDP .
  • Các dự án đầu tư công tham nhũng càng nhiều, lãng phí càng lớn, thì GDP càng tăng.
  • Đánh giá lại GDP, không làm cho Kinh Tế lớn hơn, nhưng Chính Phủ sẽ dựa vào số liệu mới để vay thêm nợ.
  • GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tuy có tăng qua các năm nhưng vẫn không đạt so với mục tiêu 3.200-3.500 Mỹ kim đặt ra vào năm 2020.

Do nhu cầu vay nợ, gần đây CSVN có khuynh hướng chuẩn bị dư luận để chính thức công bố “đánh giá lại” nhằm tăng GDP Việt Nam khởi đầu từ năm 2010, bình quân  mỗi năm thêm trên 25%, với hy vọng làm cho Việt Nam trở thành hấp dẫn hơn, thu hút hơn đối với các nhà đầu tư, thương mại nước ngoài (?). Nhưng quan trọng hơn hết, không nói ra vì “phải vay thêm nợ”- vay được hay không thì chưa chắc! Việc đánh giá lại GDP được CSVN chuẩn bị từ 3 năm trước, nhưng nay gần như toàn hệ thống truyền thông Nhà Nước vào cuộc để dọn đường, cổ võ cho việc “tạo thêm tài sản thế chấp” hỗ trợ cho hồ sơ vay một khoản nợ lên đến 1,734 triệu tỷ đồng cho 3 năm tới, từ 2021-2023. Riêng năm 2021 Chính phủ phải vay 624.221 tỷ đồng. [1]

Sau khi đánh giá lại so với trước đánh giá lại, GDP của Việt Nam cao hơn từng quãng thời gian như sau: 2010 là 27% . . ., 2015 là 23,83%. . ., 2019 là 26,79%, 2020 là 26,8% – Các tỷ lệ vừa kể tăng khá cao, bình quân cao hơn trên 25%. Đánh giá lại GDP chỉ là danh nghĩa trên số liệu thống kê, không làm cho Kinh Tế Việt Nam lớn hơn.

GDP viết tắt từ Gross Domestic Product là số liệu tổng sản phẩm quốc nội, ghi lại kết quả sản xuất hàng hóa, dịch vụ, do người cư ngụ cùng một vùng hay quốc gia trong thời gian nhất định nào đó, thường là một, ba, sáu tháng hay mỗi năm. Cách tính GDP là một ngành đòi hỏi chuyên môn. Có (3) phương pháp để tính GDP: chi tiêu, trị giá gia tăng và thu nhập [2]

GDP thường được sử dụng để phân tích cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, trình độ phát triển và mức sống của con người.

Từ lâu nay GDP Việt Nam là những số liệu gây ra nhiều nghi ngờ, tranh cãi, kể cả những chuyện rất “bất ngờ”, nghe đến ai cũng há họng, ngạc nhiên. . .  Phía nghi ngờ cho rằng, GDP Việt Nam được trình bầy theo hướng “tô hồng”. Kẻ cầm quyền thì “chưa hài lòng”, còn muốn tô “đậm” hơn nữa “mới đạt” chỉ tiêu do đảng đề ra. 

Tiến sỹ Vũ Quang Việt, từng phục vụ tại Cục Thống Kê Liên Hiệp Quốc cẩn trọng rằng: “có thể tạm kết luận là tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam do Tổng Cục Thống Kê tính là cao hơn sự thật”.

Còn quan điểm của Tổng Cục Thống Kê (TCTK) từ 3 năm trước đã nói: “kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại một số hoạt động kinh tế chưa quan sát được. Đối với các hoạt động này, TCTK đã nghiên cứu và soạn thảo đề án “thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam”, nhằm tính toán bổ sung vào quy mô GDP sẽ công bố trong thời gian tới”.

Đề án này đưa ra nhằm thi hành ước muốn của CSVN, mong tìm mức thu nhập của các ngành nghề hoạt động ngầm trong phạm vi gia đình hay các loại nghề bất hợp pháp như cờ bạc, mãi dâm, buôn lậu. . . phải được điều nghiên sâu rộng để cho vào thống kê; làm cho tổng sản lượng quốc gia (GDP) có thể tăng thêm trung bình trên 25% nữa cho mỗi năm.

GDP năm 2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 9 triệu tỷ đồng sau khi được Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại, điều chỉnh tăng 25,4%. Chỉ tiêu này đã được Chính phủ chính thức trình Quốc hội trong báo cáo số 530/BC-CP ngày 16/10/2020.

Theo Ấn phẩm “Động thái và thực trạng kinh tế – xã hội Việt Nam 5 năm 2016-2020” [3] của Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tuy có tăng qua các năm nhưng vẫn không đạt so với mục tiêu 3.200-3.500 Mỹ kim đặt ra vào năm 2020. Hiện nay Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, năm 2019 GDP bình quân đầu người xếp thứ 120/187 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1993; Thái Lan năm 2003; Indonesia năm 2010; Trung cộng năm 2009 và Hàn Quốc thập niên 90 của thế kỷ trước.

Tính đến năm 2019, GDP bình quân đầu người của Thái Lan gấp 2,3 lần Việt Nam; Malaysia gấp 3,5 lần; Indonesia và Philippines cũng là những quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp nhưng hơn Việt Nam lần lượt là 1,5 lần và 1,1 lần; riêng Hàn Quốc thuộc nhóm nước có thu nhập cao với GDP bình quân đầu người hơn Việt Nam 5,7 lần.

Việc tính toán kinh tế ngầm vào GDP bị đa số chuyên gia tố cáo là, âm mưu này chỉ nhằm phục vụ mục đích làm cho GDP có vẻ lớn hơn khiến tỷ lệ nợ công giảm xuống và tiềm ẩn nguy cơ nới rộng hơn trần nợ công. Tức là Hà Nội thấy hết tiền đến nơi, phải chuẩn bị tài liệu để đi vay thêm nợ. 

Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ công của Việt Nam bằng khoảng 55,8% GDP và nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP.

Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng, Hà Nội, Giáo Sư Nguyễn đình Cống trong một bài viết có đoạn: “được thông báo GDP của quốc gia tăng ngoạn mục mà cứ băn khoăn. Nó tăng nhờ cái gì? Tại sao GDP như vậy mà nợ nước ngoài vẫn tăng và không biết GDP tăng thì toàn dân được lợi gì? Riêng lão già hưu trí như tôi thấy bị thiệt so với mấy năm trước vì lương hưu tuy có thêm chút ít, nhưng lạm phát và giá cả tăng nhanh hơn”. 

Gần 3 năm trước (8/2018), các báo Nhà Nước đều đăng: bình quân mỗi người dân gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm 2018 [4], tăng gần 4 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31 triệu đồng).

Dân chúng chưa bao giờ được chính thức thông báo, Việt nam tính GDP theo phương pháp nào. Còn Tổng Cục Thống Kê nói là GDP của Việt Nam tính theo thông lệ Quốc Tế. 

C: Tiêu dùng của toàn dân; I: Tổng vốn đầu tư; G: Chi tiêu của chính phủ; X: Xuất khẩu; M: Nhập khẩu

Giới chuyên gia nói là Nhà Nước tính GDP theo phương pháp chi tiêu: GDP = (tiêu dùng + đầu tư + xuất khẩu) – nhập khẩu. Phương pháp này đo lường GDP bằng cách thu thập các dữ liệu về: 

Do giá trị tổng sản lượng hàng hóa dịch vụ của nền kinh tế (Y) phải bằng tổng chi tiêu để mua lượng hàng hóa và dịch vụ đó nên tổng chi tiêu bằng GDP (Y) = C + I + G + X-M [5] 

Xuất khẩu (X) là hàng hoá, dịch vụ được sản xuất ở trong nước, đem bán ra cho người tiêu dùng ở nước ngoài.

Nhập khẩu (M) là những hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ở nước ngoài, được mua về để tiêu dùng trong nước.

Nếu X > M gọi là xuất siêu; M > X gọi là nhập siêu; X = M là cân bằng thương mại.

Trên thực tế, theo Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Ngân hàng MB (Military Commercial Joint Stock Bank), Đàm nhân Đức “tăng trưởng về quy mô cũng như về số lượng của chỉ tiêu GDP thực ra chưa phản ánh được đầy đủ bức tranh của nền kinh tế, chẳng hạn doanh nghiệp FDI chuyên về khai thác tài nguyên sẽ chuyển phần lợi nhuận về nước họ nhưng vẫn được thể hiện trong GDP của Việt Nam”.

Còn những khoản tiền khổng lồ khác do tham nhũng được chuyển ra bên ngoài để mua các loại bất động sản, đầu tư, cất dấu trốn thuế, chi tiêu xa xỉ. . .  những số liệu chi tiêu to lớn vừa nói chắc chắn là của những người thuộc nhóm quyền lực trong nước, là tiền thuộc mục “tiêu dùng toàn dân” được tính vào GDP, nhưng thực tế khối tài sản đó đã được chuyển bằng nhiều cách ra khỏi nước rồi!

Phúc trình của Hiệp hội Chuyên viên địa ốc quốc gia Hoa Kỳ (NAR) công bố hôm 18-7-2018 cho biết, công dân Việt đứng ở vị trí thứ 9, với số tiền bỏ ra ước tính hơn 3 tỷ Mỹ kim (Con số này mỗi năm mỗi tăng), chiếm 2% tổng số tiền người nước ngoài chi ra để mua nhà ở Mỹ. Trên báo mạng nêu đích danh một vài người tiêu biểu cho việc chuyển tài sản khỏi Việt Nam [6].

Bất cứ dự án đầu tư công nào do Nhà Nước hay do Bắc Kinh thực hiện như vài thí dụ dưới đây, mà tham nhũng càng nhiều, lãng phí càng lớn, chất lượng càng kém thì GDP càng tăng! Kết quả tăng chi (gồm cả phần tham nhũng) sẽ được ghi vào mục (G : Government Spending).

Dự án sửa chữa đoạn đường số 356 chỉ dài 2.2 cây số, nằm từ ngã ba Nguyễn bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ, Hải Phòng. Theo các số liệu Thanh tra đưa ra, vốn đầu tư ban đầu cho đoạn đường ngắn này chỉ là 314,9 tỷ đồng. Nhưng sau đó, vốn bị “đội lên” tới 1.310,9 tỷ đồng, tương đương 56 triệu Mỹ Kim. Nếu đoạn đường này không phải sửa chữa thêm nữa, thì 1.310,9 tỷ sẽ được coi là tiền đầu tư hạ tần cơ sở, cộng trong GDP. Nhưng giá trị thật của đoạn đường là rất nhỏ, trong khi số liệu “ma” khác biệt gần 1000 tỷ [7]. (báo Giao Thông Vận tải 18-07-18).

Đường Sắt Cát Linh- Hà Đông dài 13 km, là dự án đầu tư công do Bộ Giao Thông Vận Tải làm chủ, khởi công tháng 11/2011, kinh phí 552 triệu Mỹ kim. Sau 10 năm chậm tiến độ, mãi đến tháng 5/2021 cũng vẫn chưa khai thác thương mại mà vốn thực hiện đã lên đến 886 triệu Mỹ kim. Hôm 28/6 kiểm toán Nhà Nước mới khám phá thêm ra dự án này tính sai giá nhân công hơn 222 tỷ đồng.

Tháng 11-2016, với 82,39% đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo đó, quy mô nợ công hằng năm giai đoạn này không quá 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP [8]

Năm 2021, sau khi đánh giá lại GDP, nợ công trên GDP sẽ giảm từ 56,1% còn 44,7%; nợ chính phủ trên GDP giảm từ 49,2% còn 39,2%; nợ nước ngoài trên GDP giảm từ 45,8% còn 36,5%; thâm hụt ngân sách trên GDP giảm từ 3,6% còn 2,9%.

Căn cứ vào thông tin trên thì nghị quyết của Quốc Hội khóa XIVvề thời gian đã hết hiệu lực. Như thế, phía Chính Phủ được rộng tay dùng số liệu mới của Tông Cục Thống Kê, tức nợ Chính Phủ mới có 39,2% để vay thêm nợ mà không bị một tỷ lệ nào do lập pháp (dù cũng chỉ bù nhìn) ràng buộc.

Tuy nhiên cơ chế nào dám cho CSVN vay nợ trong hoàn cảnh này, và vay được bao nhiêu, chưa biết.

Trần Nguyên Thao
01 July 2021

Tham khảo:

[1] https://zingnews.vn/chinh-phu-du-kien-vay-1-7-trieu-ty-dong-trong-3-nam-toi-post1224495.html
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95ng_s%E1%BA%A3n_ph%E1%BA%A9m_n%E1%BB%99i_%C4%91%E1%BB%8Ba
[3] https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/06/dong-thai-va-thuc-trang-kinh-te-xa-hoi-viet-nam-5-nam-2016-2020/
[4] https://thanhnien.vn/thoi-su/moi-nguoi-viet-ganh-35-trieu-dong-no-cong-994012.html
[5] https://en.wikipedia.org/wiki/Gross_domestic_product
[6] http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2018/08/cuoc-ra-i-cua-nhung-ke-hai-khe.html
[7] http://www.baogiaothong.vn/hai-phong-bac-thong-tin-lam-22km-duong-doi-von-1000-ty-dong-d264721.html
[8] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/no-cong-khong-duoc-qua-65-gdp-20161108222255836.htm

Bài liên quan:
  • BÓI KINH TẾ: Vận hạn Ba-Đình Năm Ất Tỵ
    Trần Nguyên Thao
  • Sổ Tay Thường Dân: LÊ THỊ THANH LÂM
    Tưởng Năng Tiến
  • Chiến tranh và Hòa bình trong thời đại của Trí tuệ Nhân tạo
    Henry A. Kissinger, Eric Schmidt, Craig Mundie
  • Nhìn lại Trung Quốc năm 2024
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 29/12/2024. Việt Nam 2024: Địa chấn rung chuyển thượng tầng lãnh đạo, đấu đá quyền lực đạt đến đỉnh điểm. Từ chống tham nhũng sang chống lãng phí?
    BS Nguyễn Trọng Việt