_________________________

Nguồn: James Palmer, “Countries Face Pressure to Pick Sides in U.S.-China Trade War”,  Foreign Policy, 22/04/2025

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Bắc Kinh và Washington đang đặt các bên thứ ba vào thế khó.

Tiêu điểm tuần này: 

  • Thương chiến Mỹ – Trung khiến các nước lâm vào thế khó;
  • Thoả thuận giữa Trung Quốc và Vatican lung lay sau sự ra đi của Giáo hoàng Francis;
  • Các ứng dụng giao đồ ăn Trung Quốc tranh giành thị phần.

Mỹ – Trung đặt áp lực lên đối tác thương mại

Trước tình hình thương chiến Mỹ – Trung vẫn chưa đến hồi kết, cả hai bên đều đang tìm cách gây sức ép lên các bên thứ ba, buộc họ phải chọn phe. Mỹ hứa hẹn có thể giảm thuế – vốn đang ở mức cơ bản 10% cho đến khi thời hạn 90 ngày tạm hoãn thuế kết thúc vào tháng Bảy tới – cho những nước nào sẵn sàng hạn chế giao thương và đầu tư với Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc cảnh báo rằng họ “kiên quyết phản đối bất kỳ bên nào vì ký kết một thoả thuận mà phương hại đến lợi ích của Trung Quốc. Nếu tình huống như vậy xảy ra, Trung Quốc sẽ không chấp nhận và cương quyết thực hiện các biện pháp trả đũa tương xứng”. Các chuyên gia Trung Quốc cũng kêu gọi các nước “vững vàng trước áp lực từ chính quyền Trump”.

Tuyên bố chính thức từ Bắc Kinh nhấn mạnh rằng đầu hàng không phải là một lựa chọn: “Thương lượng với hổ chỉ có một kết cục: bị hổ ăn thịt. Đấu tranh kiên quyết là con đường duy nhất để giành lấy tương lai”. Trung Quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế không “khoanh tay đứng nhìn trước hành vi bá quyền và bắt nạt của Mỹ”.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đồng thời ra sức gây ảnh hưởng nhằm ngăn các nước đạt được thỏa thuận với Washington, bằng cả những biện pháp như hạn chế xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng Hàn Quốc được sản xuất từ đất hiếm của Trung Quốc.

Sự cạnh tranh này khiến các nước còn lại lâm vào tình thế khó xử. Cuộc đối đầu Mỹ – Trung từng là đòn bẩy giúp những nước đang tìm viện trợ và đầu tư nước ngoài. Nhưng giờ đây, Washington chỉ trao “gậy” chứ không trao “cà rốt”, và dường như Bắc Kinh cũng sẵn sàng làm tương tự.

Nhất là với những nước Đông Nam Á như Campuchia và Việt Nam, họ không thể từ bỏ xuất khẩu sang Mỹ, cũng không thể đánh mất vốn đầu tư từ Trung Quốc. Họ có thể đưa ra một số hành động mang tính hình thức nhằm xoa dịu Washington, nhưng rốt cuộc vẫn sẽ không rời xa Bắc Kinh. Giải pháp khả dĩ nhất là ngả về phía Mỹ trong các yêu cầu thương mại, trong khi đẩy mạnh hợp tác an ninh với Trung Quốc như một sự bù đắp.

Trong khi đó, chính quyền Trump tuyên bố đang tiến hành đàm phán thương mại với hơn 70 nước. Nhưng ngay cả trong điều kiện thường, mỗi thoả thuận thương mại cũng cần khoảng 18 tháng để đàm phán và 45 tháng để triển khai. Cùng một lúc đàm phán 70 thoả thuận, nhất là với một đội ngũ quan chức Mỹ thiếu người và thiếu kinh nghiệm, gần như là chuyện không tưởng.

Triển vọng đạt được một thoả thuận Mỹ – Trung đã bị tổn hại bởi những phát ngôn thiếu kiềm chế từ phía đội ngũ của Trump và các thành viên Đảng Cộng hoà. Điển hình là việc Phó Tổng thống J.D. Vance sử dụng cụm từ “nông dân Trung Quốc” (Chinese peasants), đã làm dậy sóng cộng đồng mạng Trung Quốc, họ coi đây là một lời lăng mạ đầy khinh miệt.

Việt Nam liệu có thể “du dây” được mãi?

Trung Quốc vẫn sẵn sàng đàm phán. Các nhà ngoại giao cùng các chuyên gia kinh tế nước này đang tìm kiếm những đối tác có thiện chí ở Mỹ. Có thể Trung Quốc sẽ tìm thấy một vài người: Cả Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent lẫn Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick dường như đều cởi mở với đàm phán, bởi họ là những người đã đóng vai trò then chốt trong việc thuyết phục Tổng thống Donald Trump tạm dừng áp thuế đối ứng vào ngày 9/4.

Trong một cuộc họp riêng với giới đầu tư vào hôm thứ Ba, ông Bessent nhận định, thương chiến sẽ không thể kéo dài và việc hạ nhiệt là điều tất yếu. Xét về lý, Bessent hoàn toàn đúng. Một nền kinh tế Mỹ, vốn đã chao đảo, sẽ không thể chịu nổi một cuộc đoạn giao hoàn toàn khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời là công xưởng chính của toàn cầu. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc – đang vật lộn hậu đại dịch COVID-19 và sau cú nổ bong bóng bất động sản – cũng không thể đánh mất thị trường xuất khẩu trọng yếu của mình.

Nhưng hiện nay không phải là thời buổi của lý trí; Bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần được thông qua bởi một vị tổng thống luôn muốn mọi thứ phải xoay quanh mình.

Tin tức được quan tâm

  • Thoả thuận đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau sự ra đi của Giáo hoàng. 

Trung Quốc đã gửi lời chia buồn tới Vatican sau khi Giáo hoàng Francis qua đời vào hôm thứ Hai. Tuy nhiên, cùng với sự ra đi của Giáo hoàng, là sự lung lay của một thoả thuận quan trọng. Tại Trung Quốc, trên thực tế tồn tại hai hệ thống Công giáo, dù các tín đồ đôi khi cũng không rạch ròi: Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) được chính quyền Bắc Kinh công nhận và Giáo hội Công giáo ngầm được quốc tế thừa nhận.

Các hoạt động đàn áp tín đồ Cơ Đốc giáo gia tăng dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, vào năm ngoái, Bắc Kinh và Toà thánh đã gia hạn một thoả thuận được ký từ năm 2018, theo đó cho phép Vatican có tiếng nói trong việc lựa chọn các giám mục cho CCPA. Toàn văn thoả thuận không được công bố, nhưng Vatican đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm thoả thuận này trong năm 2022.

Các nhà hoạt động nhân quyền đã chỉ trích Giáo hoàng Francis, người đã ủng hộ thoả thuận trên với hy vọng bảo vệ các tín hữu Công giáo Trung Quốc. Họ cho rằng ông làm ngơ trước cảnh khốn khó của các nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc và đã chấp nhận một thoả thuận, theo những nhà nhân quyền này, là một thoả ước đầu hàng trước Đảng Cộng sản Trung Quốc. Giáo hoàng kế nhiệm có thể nhìn nhận vấn đề này theo một hướng khác.

  • Khẩu chiến giữa Ukraine và Trung Quốc.

Sau cáo buộc Trung Quốc làm ngơ trước việc lính đánh thuê Trung Quốc tham chiến cho Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục cho rằng, Trung Quốc đang cung cấp vũ khí cho Nga và đang giám sát hoạt động sản xuất vũ khí trên đất Nga.

Trung Quốc, vốn tuyên bố ủng hộ hoà bình ở Ukraine nhưng trên thực tế đứng về phía Nga, đã gọi cáo buộc trên là “vô căn cứ”.

Cá nhân các doanh nhân Trung Quốc chắc chắn đã tranh thủ nhu cầu quân sự của Nga. Có thể Bắc Kinh cũng vậy. Tuy nhiên, Kyiv vẫn chưa đưa ra các bằng chứng mà ông Zelensky khẳng định mình đang nắm giữ; có thể Zelensky đang cố dùng tâm lý bài Trung làm đòn bẩy để có thêm sự ủng hộ từ chính quyền Trump.

  • Công nghệ và Kinh doanh

Vận tải hàng hoá bị ảnh hưởng. Tảng băng trôi mang tên thương chiến Mỹ – Trung đã bắt đầu va vào hoạt động kinh doanh, với lượng hàng vận chuyển xuyên Thái Bình Dương sụt giảm. Tính đến tuần trước, đã ghi nhận 80 chuyến “tàu không” – tức tàu huỷ chuyến (blank sailing) – kể từ khi thuế quan được công bố, tương đương khoảng 640,000 đến 800,000 container hàng hoá không được vận chuyển.

Không chỉ các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu chịu thiệt hại – toàn bộ chuỗi vận tải cũng vậy. Những người làm việc trong ngành vận tải đường bộ Mỹ, vốn sống nhờ vào việc vận chuyển container từ cảng đến các nhà bán lẻ hàng ngày, đang bắt đầu hoảng loạn.

Nhưng thương mại thường có xu hướng tự tìm ra lối thoát. Mặc dù các biện pháp của Mỹ với phạm vi toàn cầu đã giúp hạn chế được hiệu quả của việc trung chuyển hàng hoá nhằm tránh thuế áp lên Trung Quốc, nhưng người tiêu dùng Mỹ lại đang tìm đến sàn thương mại điện tử Dunhuang (được gọi là DHgate trong tiếng Anh), nơi bán hàng trực tiếp từ nhà máy, với mục đích tranh thủ giá xưởng, dù bị áp thuế đi nữa, vẫn rẻ hơn giá hàng ở Mỹ.

Cuộc chiến giá cước giao đồ ăn. Giá cổ phần của các ứng dụng vận chuyển đồ ăn lao dốc khi một cuộc chiến khốc liệt về giá đang diễn ra trên thị trường nội địa tại Trung Quốc. Giá cước giao đồ ăn cực kỳ rẻ ở Trung Quốc, và nhu cầu thậm chí còn tăng vọt vào thời điểm đại dịch. Nhưng hiện nay nhu cầu giao đồ ăn đang sụt giảm do nền kinh tế trì trệ.

Hai trong số những ứng dụng vận chuyển đồ ăn lớn nhất, JD.com và Meituan, đang cạnh tranh nhau – theo đó, các ứng dụng này tìm cách buộc các shipper, phần đông trong số họ thường “nhảy app” để tìm cuốc xe trả cao nhất, phải chọn phe. Điều này đã gây ra nhiều phản ứng dư luận tiêu cực, bởi các shipper – những người từng mạo hiểm cả sức khoẻ trong thời kỳ đại dịch – hiện đang phải trải qua những ngày tháng đầy khó khăn.

James Palmer

Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2025/04/27/cac-nuoc-dung-truoc-ap-luc-chon-phe-trong-thuong-chien-my-trung/#more-61514

Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới