Trần nguyên Thao
Trong thương chiến Mỹ ~ Trung, Bắc Kinh chuyển đổi từ thái độ “đánh đến cùng” đến “mềm mỏng” rồi “đổi chiều” tuyên bố “sẵn sàng hợp tác” bình thường với các công ty Mỹ . . . Mọi đổi thay đã diễn ra trong vòng hai tuần lễ cuối tháng Tư. Cùng thời gian này, Mỹ cũng đưa ra các quyết định về thuế quan “cởi mở” hơn với ngành sản xuất ô-tô khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa . . .
Mức thuế đối ứng Hoa Kỳ đánh trên hàng hóa Bắc Kinh bán sang Mỹ là 145% (gồm 20% thuế từ tháng 3, và 125% từ ngày mùng 9 tháng 4). (https://vanhoimoi.org/?p=24823)

Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách áp đặt mức thuế 125% đối với hàng nhập cảng của Hoa Kỳ. Sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng khoáng sản đất hiếm vào Mỹ. Từng nhiều lần mô tả Nội Các Donald Trump gồm những “kẻ bắt nạt”, đồng thời lưu ý rằng, Bắc Kinh sẽ “chiến đấu đến cùng”.
Cuối tháng 3, Bắc Kinh từng “kết bè” không xong với Nhật Bản và Đại Hàn trong mục tiêu bao vây thương mại Mỹ. Giữa tháng 4, Chủ Tịch Tập Cận Bình thăm Đông Nam Á, năm ngày từ 14-18 tháng Tư. Khi mới ở chặng đầu thăm Việt Nam hai ngày, từ 14-15 tháng Tư, Bắc Kinh đã nhận ra “cương” mãi cũng chẳng xong, nên ngày 16 tháng 4 đã thay đại diện thương mại mới, ông Lý thành Cương, Thứ Trưởng Bộ Thương Mại, nhân vật được mô tà là “nhũn nhặn” và có học vị hàn lâm; được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế bế tắc để đàm phán thuế quan với Hoa Kỳ.
Trong thời gian chờ tình thế chuyển biến, theo Lizzi C. Lee, Tiến Sỹ Kinh Tế MIT, Bắc Kinh loay hoay thực hiện một kế hoạch ba lớp: (i) Củng cố sản xuất, tiêu thụ trong nước, (ii) Gây sức ép với Mỹ, và (iii) Tiếp tục tìm kiếm vị thế trên trường quốc tế.
(https://vanhoimoi.org/?p=24871; https://vanhoimoi.org/?p=24929)
Giữa tháng Tư, Bắc Kinh từng ra lệnh cho các hãng hàng không từ chối nhận máy bay từ công ty Boeing. Nhưng việc gây sức ép với Mỹ có vẻ cũng chỉ đưa đến “lâm chung”, nên ngày 29 tháng 4, Bắc Kinh chính thức tuyên bố sẵn sàng ủng hộ hợp tác bình thường với các công ty Mỹ. Bắc Kinh thừa nhận rằng việc chính quyền Trump tăng thuế đã gây xáo trộn nghiêm trọng đến thị trường vận tải hàng không toàn cầu. Cả các hãng hàng không Trung cộng và Boeing đều đang gánh chịu hậu quả nặng nề. Trung cộng hy vọng Mỹ có thể tạo ra một môi trường ổn định để có thể dự đoán được cho các hoạt động thương mại và đầu tư bình thường. [1]

Cũng có nhận định nhẹ nhàng: “Mặc dù tuyên bố như trên, Bắc Kinh dường như không muốn nói rằng, đã đảo ngược quyết định trước đó, nhưng đã gửi đi một thông điệp hòa giải rằng Trung cộng sẵn sàng tham gia vào một cuộc đàm phán”.
Thực tế, khi nhìn lại các sự kiện diễn ra tuần tự theo thời gian, thì Bắc Kinh thực sự cảm nhận được chiều hướng tiêu cực phát sinh:
- Chỉ số Purchasing Managers Index (PMI) của Trung cộng trong tháng Tư đã xuống mức 49 điểm, thấp nhất từ tháng 12 năm 2023. Tình trạng này cho thấy hoạt động sản xuất ở Trung cộng sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn một năm do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại; làm hao mòn ý chí “củng cố sức sản xuất và tiêu thụ nội địa”.
- Sau nhiều đợt vận động “kéo bè” bất thành, rốt cuộc Bắc Kinh nhận ra rằng: Chính giới các nước Bắc Kinh ra sức dẫn dụ lại giữ thái độ “thờ ơ”; Còn thương giới thì âu lo mất thị phần ở Mỹ, đồng nghĩa với mất nguồn phúc lợi họ vẫn có lâu nay. Cho nên, thương giới không chọn con đường “theo voi hít bã mía” (**)
- Bắc Kinh chỉ còn loay hoay tìm kiếm vị thế trên trường quốc tế.
Cuối tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent cho hay: “Cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn leo thang căng thẳng. Mọi cơ quan chính phủ đều đang liên lạc với phía Trung Cộng. Tôi tin rằng cả hai sẽ đạt được một thỏa thuận, vì Trung Cộng đang bán cho Mỹ khối lượng hàng hóa nhiều gấp 5 lần so với chúng tôi bán cho họ”. Do vậy, Bắc Kinh đang muốn giảm căng thẳng với Washington thông qua việc miễn trừ một số hàng hóa của Mỹ khỏi mức thuế trả đũa.
Về phần mình, cũng ngày 29 tháng 4, Tổng thống Trump đã quyết định miễn một số loại thuế quan cho các nhà sản xuất ô tô, động thái mới nhất trong chính sách cứng rắn mà ông Trump cho là nhằm mục đích mang lại việc làm trong ngành sản xuất cho nước Mỹ và tăng doanh thu cho chính phủ. Trong đó, Nội Các Trump có kế hoạch giảm bớt một số loại thuế áp dụng đối với các bộ phận nước ngoài trong ô tô sản xuất trong nước và giữ thuế đối với ô tô sản xuất ở nước ngoài không chồng lên các loại thuế khác. [2] Dường như quyết định mới này của ông Trump nhằm đáp lại đề nghị của liên minh các công ty sản xuất ô tô Mỹ thúc giục TT Trump không áp thuế 25% đối với phụ tùng ô tô nhập cảng, dự kiến có hiệu lực trễ nhất là từ 03 tháng 05.
Reuters dẫn lời của bộ trưởng Thương Mại Mỹ Howard Lutnick rằng, quyết định mới minh chứng chính sách thương mại của TT Trump “khen thưởng các công ty sản xuất trong nước, tăng cường sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà sản xuất đã bày tỏ cam kết đầu tư vào Hoa Kỳ”.
Cùng này 29 tháng 4, Thị trường chứng khoán Mỹ có phản ứng tich cực trong phiên ngày 29 tháng 4, sau phát biểu của ông Lutnick. Cùng lúc đồng Mỹ kim tăng cao hơn, do thuế ô tô được giảm đối với các nhà sản xuất trong nước cũng như triển vọng về đầu tư gia tăng của ngành này.
Theo Bộ trưởng Tài chính Hoa kỳ, Scott Bessent, các cuộc đàm phán về thuế quan của Mỹ vẫn đang tiến triển tốt, đặc biệt là với các đối tác thương mại ở châu Á. Ấn Độ có thể là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thành viên quan trong của khối BRICS, ký kết thỏa thuận thương mại với chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Nhật Bản cũng đang có những cuộc đàm phán quan trọng và tích cực. . . Kết quả các cuộc đàm phán thuế đối ứng dự trù sẽ công bố trong những ngày gần đây.
Cho đến lúc này, tuy Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố “sẵn sàng hợp tác” với Mỹ, nhưng vẫn muốn theo đuổi mục tiêu “gây thanh thế” trên trường quốc tế để “gỡ lại” những hao mòn uy tín do sản xuất nội đia suy giảm.
Bắc Kinh đang ra sức chống lại sự thống trị của đồng Mỹ kim. Ngân hàng Trung ương Trung cộng đang nỗ lực hợp tác với các nước thành viên BRICS và các quốc gia khác để xây dựng hạ tầng thanh toán chung, qua đó giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng Mỹ kim trong thương mại song phương thay vì đang phải giao dịch thanh toán thương mại qua hệ thống SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunications). SWIFT là mạng lưới toàn cầu giúp các ngân hàng và tổ chức tài chính trao đổi thông tin và thực hiện các giao dịch tài chính một cách nhanh chóng, chính xác và bảo mật.[3]

Khối BRICS hiện quy tụ các nước Nga, Trung cộng, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). BRICS với dân số khoảng 3,5 tỷ người, tương đương 45% dân số thế giới. Trị giá kinh tế toàn khối hơn 28,5 ngàn tỷ Mỹ kim – khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu. BRICS sản xuất gần 44% sản lượng dầu thô của thế giới. CsVN cũng được mời dự hội nghị BRICS, nhưng chưa xin gia nhập.
Nhằm ngăn chặn trước ý định này, hôm mùng 02 tháng 12 năm 2024, khi chưa nhậm chức Tổng Thống nhiệm kỳ 2, ông Trump kêu gọi các nước khối BRICS cam kết không tạo ra một loại tiền tệ mới hoặc hỗ trợ một loại tiền tệ khác thay cho đồng Mỹ kim. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với thuế quan 100% và nên chuẩn bị nói lời tạm biệt với việc bán hàng hóa của BRICS vào thị trường Hoa Kỳ. (https://vanhoimoi.org/?p=23588)
Trần nguyên Thao
[1] https://24hmoney.vn/news/trung-quoc-bat-ngo-tuyen-bo-san-sang-hop-tac-voi-my-sau-lenh-cam-boeing-c28a2562250.html
[2] https://www.reuters.com/world/china/dollar-limps-along-us-china-trade-standoff-2025-04-29/
[3] https://www.cointribune.com/en/brics-china-officially-launches-a-plan-to-promote-its-own-payment-system/
(**) “THEO VOI HÍT BÃ MÍA” | Tuấn Công Thư Phòng (tuancongthuphong.blogspot.com)