Trong bài thứ 8, bài chót trong loạt bài viết về nội dung Chương 10 Tập 2 Tác phẩm “The Vietnam Upheaval” của GS Vũ Quý Kỳ, chúng tôi đã dành phần cuối để giới thiệu sơ qua về sử liệu quan trọng này của Liên Hiệp Quốc dưới thời ông U Thant là Tổng Thư Ký.

Tổng Thư Ký LHQ U Thant

Biên bản của LHQ nói về trình tự dẫn tới việc gửi Phái bộ qua nam Việt Nam năm 63 ghi như sau: “…trong thư đề ngày 4-9-1963 gửi TTK/LHQ, đại diện của 14 quốc gia A Phú Hãn, Algeria, Cam Bốt, Tích Lan, Guinea, Ấn Độ, Nam Dương, Mông Cổ, Nigeria, Pakistan, Rawanda, Sierra Lione, Somalia, Trinidad và Tobago. Sau đó có thêm Mali và Nepal, yêu cầu đưa thêm vào chương trình nghị sự của Đại Hội Đồng khóa 8 một đề mục bổ sung có tên “Sự vi phạm nhân quyền ở Nam Việt Nam.”

Trong cuộc họp ngày 7-10-63, chủ tịch Đại Hội Đồng cho biết ông đã nhận được 2 lá thư từ Đặc sứ VNCH tại LHQ gửi cho LHQ “với lời mời các đại biểu của các quốc gia thành viên đến thăm Việt Nam trong tương lai gần nhất hầu quý đại biểu có cơ hội tự mình tìm ra sự thật về những quan hệ giữa chính phủ và cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

Đại biểu của Costa Rica đề nghị Đại Hội Đồng nên chấp nhận lời mời trên để làm một cuộc khảo sát thật nghiêm chỉnh và cẩn thận về những dữ kiện có thể có được.”

Sau đó một Phái Bộ bao gồm đại biểu của các quốc gia thành viên được chỉ định gồm: A Phú Hãn,  Ba Tây, Tích Lan, Costa Rica, Dahomey, Ma Rốc và Nepal. Chính phủ các quốc gia này đã cử vị sau đây để đại diện cho các quốc gia mình trong Phái bộ:

A Phú Hãn, ông Abdul Rahman Pazhwak;  Ba Tây, ông Sergio Corrêra da Costa; Tích Lan, Ngài Senerat Gunewardene; Costa Rica, ông Fernando Volio Jiménez; Dahomey, ông Louis Ignacio – Pinto; Ma Rốc, ông Ahmed Taibi Benhima; và Nepal, ông Matrika Prasad Koirala.

Trưởng Phái bộ được chỉ định là ông Pazhwak, thuộc A Phú Hãn. 

Mục đích của Phái Bộ, như được chỉ ra trong lá thư đề ngày 4.10.1963, là thăm viếng VNCH hầu xác minh những sự thật về tình hình Nước này về những liên hệ giữa Chính phủ VNCH và Cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

Tổng Thư Ký LHQ chỉ định các thành viên sau đây đi theo Phái Bộ:

              Thư ký trưởng: John P. Humphrey;

              Viên chức báo chí: Valleri J. G. Stavridi;

              Phụ tá thư ký trưởng: Ilham Lutem;

              Phụ tá thư ký trưởng: Alain L.Dangeard (quản trị và tài chánh)

Phòng thư ký của Ủy Ban Kinh Tế Châu Á và Viễn Đông tại Vọng Các cung cấp một thông dịch viên và một phụ tá: ông The Pha Thay Vilaihongs, và một thông dịch viên Anh–Pháp, Cô G. Bazinet.

Trước ngày lên đường qua Sàigòn, Phái Bộ đã có những cuộc họp liên tiếp ở Nữu Ước để trao đổi và chuẩn thuận những quy tắc cho chuyến điều tra, chương trình làm việc và bầu người phát ngôn viên cho Phái Bộ là đại diện của Marốc, ông Ahmed Taibi Benhima.

Trước ngày Phái Bộ qua Sàigòn chính phủ Ma-rốc chỉ định ông Mohamed Amor đại diện Ma-rốc trong Phái Bộ thay cho ông Taibi Benhima. Do đó Phái Bộ ghi nhận ông Amor sẽ là phát ngôn viên cho Phái Bộ. Nhận biết tầm quan trọng của chuyến đi, Phái Bộ đã đặt trọng tâm vào những nguyên tắc chủ yếu cần phải thông suốt. Một trong những quy tắc quan yếu hàng đầu được Phái Bộ nhắc đi nhắc lại nhiều lần là:

Phái Bộ là một bộ phận với mục đích đặc thù để đi tìm kiếm sự thật và đã được thành lập để xác định những sự thật về tình hình liên quan tới những cáo buộc vi phạm nhân quyền bởi chính phủ VNCH đối với cộng đoàn Phật Tử của nước này.”

Đây cũng là lời nhấn mạnh của chủ tịch Đại Hội Đồng phát biểu tại cuộc họp khoáng đại thứ 1239 trước đó.

Tuyên bố với phái đoàn báo chí tại phi trường Tân Sơn Nhất, sau khi nhắc lại lời kêu gọi các bên liên quan hãy kiềm chế những cuộc biểu tình, ông Trưởng Phái Bộ nhấn mạnh đến sự vô tư tuyệt đối của Phái Bộ. Ông nhấn mạnh:

“Chúng tôi đang đến đây với mục tiêu duy nhất là tìm kiếm sự thật, sẵn sàng lắng nghe sự thật và quyết chí tường trình các sự thật.”

Những ghi nhận trên đây cho thấy nguyên do khiến tổ chức Liên Hiệp Quốc quyết định cử Phái Bộ qua Việt Nam tháng 10 năm 1963 để tìm hiểu sự thật là do một số chính quyền tại các quốc gia Á Phi than phiền trước những lời đồn đại về tình trạng nhân quyền ở nam Việt Nam. Ngoài ra cũng vì vào thời gian ấy, Đặc sứ của Việt Nam Cộng Hòa đã gửi thư cho Chủ tịch Đại Hội Đồng LHQ chính thức mời tổ chức này qua để đích thân quan sát sự việc.

Trong ngày làm việc đầu tiên ở Sàigòn, Phái Bộ đã gặp ông Bộ trưởng Ngoại giao Trương Công Cừu. Khi đề cập lời mời của Chính phủ Việt Nam, ông bảo đảm với Phái Bộ rằng Phái Bộ sẽ được tự do đi bất cứ nơi nào Phái Bộ muốn, và hứa sẽ cố gắng hết sức để tạo điều kiện dễ dàng cho công việc tìm kiếm sự thật với tất cả sự khách quan và vô tư. Ông nói thêm:

Chúng tôi không hoàn hảo; sự hoàn hảo không có trong thế giới này. Chính phủ không hoàn hảo; các bộ trưởng không phải là thánh, nhưng chúng tôi sẽ rất vui mừng lắng nghe ý kiến ​​của Quý Ngài và cố gắng sửa chữa những gì không hoàn hảo nơi chúng tôi.”

Những sự bảo đảm tương tự về sự hợp tác của chính phủ với Phái Bộ đã được bộ trưởng Bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương đưa ra, khi Phái Bộ đến thăm xã giao ông trong cùng ngày. Cũng trong ngày đầu, Phái Bộ đã yết kiến TT Diệm, gặp gỡ và trao đổi với ôg Cố Vấn Nhu và những yếu nhân khác trong chính quyền Đệ Nhất VNCH,

 Trở lại với chủ đề bài này, thiết tưởng cũng cần nhắc tới nội dung hai bức thư trao đổi giữa ông U Thant, TTK/LHQ và TT/VNCH Ngô Đình Diệm. (Cả hai văn kiện này đã được post lên đầu Bản Tường Trình của Phái Bộ Liên Hiệp Quốc).

Thư của ông U Thant gửi TT Diệm viết tại Nữu Ước đề ngày 31-8-1963.

Mở đầu, ông TTK/LHQ viết:

“Tôi hân hạnh thông báo cho Ngài biết rằng các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thuộc Châu Á, Châu Phi, thông qua các đại diện của các nước này tại tổ chức Liên Hiệp Quốc, đã đến gặp tôi để bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về tình hình đang trỗi lên trong nước VNCH, và đã yêu cầu tôi thỉnh nguyện chính phủ của Ngài dùng những biện pháp cần thiết để bình thường hoá tình hình kể trên trong nước của Ngài bằng cách bảo đảm sự thực thi những nhân quyền căn bản cho mọi thành phần nhân dân trong nước Cộng Hoà của Ngài”.

Sau đó, với tâm tình riêng, ông mong mỏi TT Diệm với cương vị người cầm đầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sẽ tìm kiếm được những giải pháp tốt đẹp cho những nan đề có thể đang tạo nên những nỗi khó khăn cho con dân Việt Nam, chiếu theo những nguyên tắc đã được đặt ra trong hiến chương phổ quát về Nhân Quyền của LHQ.

Văn thư hồi âm ông TTK/LHQ U Thant của TT VNCH Ngô Đình Diệm đề ngày 5-9-1963. Mở đầu, TT Diệm viết:

“Tôi xin thông báo là tôi đã nhận được thư Ngài mới gởi cho tôi, trong đó Ngài có hảo ý báo cho biết về mối quan ngại biểu lộ nơi đại diện của các quốc gia thành viên LHQ thuộc Châu Phi và Châu Á về tình hình ở Việt Nam. Tôi cảm ơn Ngài đã cho tôi cơ hội để làm sáng tỏ vấn đề Phật giáo mà thông điệp của Ngài đã đề cập tới”.

Ngay sau đó, TT Diệm lên tiếng bảo đảm với người đang nắm giữ vai trò quan trọng là TTK cơ cấu quốc tế tối cao Liên Hiệp Quốc rằng: “Kể từ khi thành lập Nước VNCH, không hề có chuyện đàn áp Phật giáo ở Việt Nam”.

Theo TT Diệm, những luận điệu ngược lại điều ông khẳng định trên đây, chỉ là sự bịa đặt của bọn đế quốc xuất phát từ cả Đông lẫn Tây phương.

Vẫn theo ông, vấn đề Phật giáo không phải là vấn đề đàn áp, nhưng là một hiện tượng nằm trong tiến trình phát triển chung của các quốc gia mới dành lại độc lập từ tay thực dân Pháp như VNCH trong khi lại phải đối đầu với tham vọng bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Dĩ nhiên trong đó bao hàm cả tiến trình phát triển riêng của Phật giáo.

TT Diệm đặt ngang sự “chuyển mình đau đớn của Phật giáo” với sự “chuyển mình đau đớn của một Đất Nước mới giành được độc lập và kém phát triển như nền Cộng Hòa son trẻ của Việt Nam”. Chính từ đấy, ông nêu ý kiến với ông U Thant là những nan đề của Phật giáo nên được xem xét trong bối cảnh lịch sử Phật giáo nằm trong bối cảnh chung của một nước thiếu cán bộ, thiếu các nguồn tài chánh, nhưng lại mong muốn khẳng định mình trong thời gian ngắn.

Điều này được hiểu, nếu chính quyền do ông gánh vác đang phải đương đầu với nạn thiếu hụt cán bộ, thiếu hụt nguồn tài chánh… và như thế, Phật giáo cũng không có luật trừ.

Để ông U Thant hiểu rõ cảnh ngộ đặc thù của Việt Nam Cộng Hòa vào thời điểm ấy, từ đấy có thể thấy được trường hợp riêng của Phật giáo, cũng như hầu hết những tập thể khác tại VN, TT Diệm đi sâu vào vấn đề bằng cách nhấn mạnh:

Giống như các phong trào trong tiến trình phát triển gắn liền với phong trào giành độc lập, phong trào Phật giáo bắt đầu phát triển nhanh hơn cả bởi vì Phật giáo bị kìm hãm trong thời thuộc địa. Trong tiến trình phát triển quá nhanh như thế, Phật giáo giống như các phong trào khác, trong lãnh vực công cũng như tư, đều chịu cảnh thiếu cán bộ, cả lượng lẫn phẩm. Và tình trạng này đã cho Đông Phương và Tây Phương cơ hội xâm nhập nếu không nói là cài đặt những cán bộ của họ vào để những kẻ này cố gắng nắm lấy quyền lãnh đạo.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Hàm ý trong điều TT Diệm viết “để những kẻ này nắm lấy quyền lãnh đạo” cho chúng ta hiểu khi ấy, các nhà lãnh đạo Phật giáo chân chính bị gạt ra bên lề để cho Đông Phương (tức cộng sản) hoặc Tây Phương (tức bọn thực dân) mượn thế Phật giáo qua tay một tiểu số Tăng sĩ bất chính để lật đổ chính quyền hợp pháp tạo nên cảnh hỗn loạn. Cuối cùng kẻ thủ lợi chính là bọn “ngư ông” cộng sản phương bắc.

Hàm ý trên đây được TT Diệm diễn giải trong thư như sau:

“Điều này sẽ dẫn tới những chệch hướng về ý thức hệ. Những chệch hướng như vậy, trên thực tế, phản ảnh qua những thủ thuật kích động chính trị, tuyên truyền, và trong cách thức tổ chức các cuộc bạo loạn và đảo chánh nhằm phục vụ lợi ích của ngoại nhân. Đây là tấn bi kịch của Phật giáo Việt Nam và chắc chắn cũng là tấn bi kịch cho những nước khác ở Á Châu”.

Từ viễn cảnh không mấy sáng sủa trên đây, vị sáng lập nền Cộng Hòa miền nam Việt Nam nêu lên một niềm hy vọng. Thay vì cứ để cho mình bị đầu độc bởi âm mưu quốc tế từ Đông cũng như Tây chống lại nước VNCH, những quốc gia thân hữu Phi Châu cũng như Á Châu sẽ tận dụng được kinh nghiệm của Việt Nam và sẽ ngăn ngừa được những cơn khủng hoảng mà các nước đó có thể phải đương đầu, sớm hay muộn.

Lời cuối trong thư, TT Diệm viết:

“Mọi chính phủ đều có trách nhiệm giữ gìn trật tự công cộng và trách nhiệm bảo đảm không cho các cán bộ ngoại lai cả Đông lẫn Tây, với ý thức hệ và đường lối chính trị đặc thù của họ, làm bẩn đi tính tinh ròng nguyên thủy của Phật giáo và của những phong trào khác. Nói cách khác, hành động liên quan với vấn đề Phật giáo mà chính phủ VNCH thực thi, không có mục đích nào khác hơn là giải cứu hàng giáo phẩm Phật giáo khỏi mọi áp lực từ bên ngoài, và che chắn sự phát triển của Phật giáo khỏi bất cứ ảnh hưởng ngoại lai nào, là những ảnh hưởng gây thêm tổn hại cho lợi ích của Phật giáo và những lợi ích tối thượng của Quốc Gia”

Trong những bài kế tiếp, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận định về giá trị nội dung Bản Tường Trình của Phái Bộ Liên Hiệp Quốc qua nam Việt Nam để Tìm Hiểu Sự Thật về biến cố Phật giáo năm 1963. Cuối loạt bài này vào thượng thuần tháng 11-2021, người viết sẽ nói về nội dung buổi sinh hoạt giới thiệu Tập 2 tác phẩm “The Vietnam Upheaval”của Giáo Sư Vũ Quý Kỳ cùng với Sử liệu song ngữ Việt/Anh của Bản Tường Trình kể trên do một số anh em sẽ đứng ra tổ chức ở vùng Tiểu Sàigòn, miền nam tiểu bang California vào chiều Chúa Nhật ngày 14-11-2021.

Trần Phong Vũ
Miền Nam California, ngày Thứ Tư 13-10-2021

Bài liên quan:
  • Nhóm tin tặc Salt Typhoon của Trung Quốc gây hoang mang cho Washington
    James Palmer
  • Những ảo tưởng và lừa dối trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden
    Bret Stephens
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 11/1/2025.Thủ tướng Trudeau từ chức: Khủng hoảng chính trị? Suy thoái kinh tế? Hồ sơ nhập cư?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trudeau là kẻ thù tệ nhất của chính mình
    Stephen Marche
  • Năm dự đoán về Trung Quốc năm 2025
    James Palmer