
Trung cộng và csVN đều trông cậy vào xuất cảng hàng hóa sang thị trường Mỹ để duy trì mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa Gross Domestic Product (GDP). Năm 2024, Bắc Kinh bán hàng sang Mỹ lấy về 436 tỷ Mỹ Kim; csVN thu về 136,6 tỷ Mỹ kim. Nếu hai nước mất thị trường Mỹ thì Trung cộng mất tương đương 2,36% của GDP; còn csVN mất khoảng 28,7% GDP.
Năm 2024, GDP của Trung cộng khoảng 18,6 nghìn tỷ Mỹ kim. GDP của Việt Nam ước tính 476,3 tỷ Mỹ kim.
Trong nhiệm kỳ Tổng Thống đầu tiên của ông Donald Trump (2017-2021), Bắc Kinh xuất cảng sang Mỹ khoảng 26% trong tổng số hàng hóa. Hiện tại tỷ lệ này đã giảm xuốn một nửa, chỉ còn khoảng 13%, nhưng năm 2024, Bắc Kinh cũng đã bán hàng cho Mỹ để thu về một khoản phúc lợi khổng lồ đến 436 tỷ Mỹ kim, tương đương 2,36% tổng sản lượng toàn quốc (GDP) của Trung cộng.
Nền kinh tế chỉ huy của csVN gần như dựa phần lớn vào xuất cảng, trong đó trông cậy đến trên 70% vào khối đầu tư ngoại quốc Foreign Direct Investment (FDI). Riêng thị trường Mỹ, năm ngoái Ba-Đình đã thu về khoản tiền đến 136,6 tỷ Mỹ kim, tương đương 28,7% trên GDP.

Mức thuế đối ứng Hoa Kỳ đánh trên hàng hóa Bắc Kinh bán sang Mỹ là 145% (gồm 20% thuế từ tháng 3, và 125% từ ngày mùng 9 tháng 4). Mức thuế mới này có hiệu lực ngay. (https://vanhoimoi.org/?p=24823)
Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách áp đặt mức thuế 125% đối với hàng nhập cảng của Hoa Kỳ. Sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng khoáng sản đất hiếm vào Mỹ. Từng nhiều lần mô tả Nội Các Donald Trump gồm những “kẻ bắt nạt”, đồng thời lưu ý rằng, Bắc Kinh sẽ “chiến đấu đến cùng”.
Thuế đối ứng của Mỹ đánh trên hàng hóa Việt Nam bán sang Mỹ là 46%. Nhưng mức thuế này được Mỹ hoãn thi hành 90 ngày cùng với tất cả các quốc gia khác trên thế giới, ngoại trừ Trung cộng. Quyết định triển hạn thuế quan “bất ngờ” của TT Trump được các nước từ Âu sang Á lên tiếng hoan nghênh. Riêng Bắc Kinh đang thục hiện kế hoạch vận động đầu tiên đến nhóm các nước Đông Nam Á nhằm “bao vây Mỹ”.
Trong thời gian 90 ngày hoãn thi hành thuế đối ứng với 180 đối tác trên toàn thế giới, Mỹ đang bận rộn sắp xếp để tiếp 75 nước “xếp hàng” đến lượt mình thương thảo nhằm đạt mục tiêu công bằng “có qua có lại”.
Sau Israel nhanh chân đàm phán với Mỹ, để có mức thuế là 17%, Nhật Bản đang trong quá trình thương thảo, rà soát các rào cản phi thuế quan, đặc biệt là tiêu chuẩn an toàn ô tô và sản phẩm nông nghiệp , , , nhằm tìm kiếm giải pháp hợp tác lâu dài với Mỹ.
Vào ngày Chúa Nhật, 13 tháng 4, ông Trump đi nước cờ mới làm “thay đổi cuộc chơi”: miễn thuế “đối ứng” cho điện thoại thông minh, máy tính và một số thiết bị điện tử khác, bao gồm cả mức thuế 125% được áp lên hàng nhập cảng từ Hoa Lục. Theo đó, các mặt hàng này sẽ được loại trừ khỏi mức thuế toàn cầu 10% mà ông Trump áp dụng với hầu hết các quốc gia, cũng như từ Trung cộng. Các mặt hàng được miễn thuế – có hiệu lực hồi tố từ ngày 5 tháng 4. Các đại tập đoàn như Apple, Nvidia, Microsoft và toàn ngành công nghệ liên quan tin học nhận tin lành như được hòa nhập vào dịp Thế Giới Kito Giáo đón Chúa Kitô Phục Sinh. [1]

TT Trump cũng biết rõ, Bắc Kinh ra sức “lập cụm kéo bè” để chống lại Hoa Kỳ, bằng chuyến công du của ông Tập cận Bình đích thân thăm Việt Nam từ 14-15 tháng 4, tiếp đến là Campuchia và Malaysia để đưa ra lời dẫn dụ rằng: chỉ có Bắc Kinh mới là chỗ đáng tin cậy như một chính phủ của siêu cường “có trách nhiệm” – trái ngược với Hoa Kỳ dưới thời TT Donald Trump. Như thế, trong cuộc chiến thương mại của Donald Trump “sẽ không có bên nào chiến thắng”. Và rằng, “chủ nghĩa bảo hộ sẽ chẳng dẫn đến đâu cả”.
Lập luận trên của ông Tập cận Bình đã được hai nước rập khuân “đánh bóng” trong các bài xã luận được đăng đồng thời trên các phương tiện truyền thông tại Trung cộng và Việt Nam.
Tuy nhiên, tín hiệu khá ảm đạm với nền kinh tế trên 18 ngàn tỷ Mỹ kim hiện lâm vào hoàn cảnh “mất sức”, mà theo Reuters thì các nhà xuất cảng từ Trung cộng cho biết, đơn hàng từ Mỹ – vốn đóng vai trò sống còn đối với các công ty đã bị trì hoãn hoặc ngừng hoàn toàn. Như thế tốc độ tăng trưởng GDP của Trung cộng năm 2025 có thể “hụt” khoảng 2% (?).
Do tự lượng gía về tình thế “không mấy thuân lợi”, cho nên trong lúc Chủ Tịch Trung cộng Tập cận Bình đang thăm Đông Nam Á, Bắc Kinh bất ngờ thay người đại diện mới để đàm phán thuế quan với Mỹ từ nay (16 tháng 4) sẽ là ông Lý Thành Cương, người được mô tả là “mềm mỏng”, đào tạo hàn lâm, học thuật vững vàng và am hiểu ngoại thương liên quan đến pháp lý một cách toàn diện trong cuộc đàm phán với Mỹ hiện nay.
Đối với các nước có tham dự vào hành vi “lâp lờ” thương mại, cố vấn thương mại Nhà Trắng, Peter Navarro nói rõ rằng: “Chúng tôi muốn nghe các quốc gia như Campuchia, Mexico và Việt Nam tuyên bố rằng các bạn sẽ ngừng cho phép Bắc Kinh trốn thuế của Hoa Kỳ bằng cách vận chuyển hàng xuất cảng của họ qua các quốc gia của các bạn” để sau đó bán vào Mỹ.

Nếu mục tiêu “kéo bè” của Bắc Kinh không thành, thì phải điều đình với Mỹ, hoặc không bán hàng sang Mỹ nữa hoặc phải chịu thuế 145% để tiếp tục tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Trong hoàn cảnh nào cũng đẩy Bắc Kinh vào thế phải có gói kích cầu rất lớn để vực dậy nền kinh tế đang “bùng nhùng” do hệ lụy nhiều năm từ CoVid-19.
Trong lúc tuần trước, khi thuế đối ứng 46% của Ba-Đình vẫn còn treo “lo lửng” thì đoàn đai diện cấp cao của csVN, hôm mùng 10 tháng 4, đã đưa ra lời cam kết công khai, sẽ kiểm soát chặt chẽ, không cho Bắc Kinh tuồn hàng sang Mỹ qua ngả Việt Nam. Lần cam kết này Ba-Đình khó mà lật lọng như kiểu thề “cá trê chui ống” từng làm nhiều lần trong quá khứ. Bởi vì các tiến bộ ngày nay đưa ra bằng chứng Ba- Đình từng toa rập với Bắc Kinh “lập lờ” thương mại để hưởng lợi, gây thiệt hại lớn cho Mỹ!
Trong đàm phán thuế quan với Mỹ lần này, theo GS Zachary Abuza, csVN có khả năng sẽ phải đối mặt với vấn đề “thao túng tiền tệ” do phía Mỹ đưa ra.
Với hiện tình mới: Ba-Đình tiếp tục đường cũ hợp tác với Băc Kinh để tuồn hàng hóa của Trung cộng sang Mỹ khó lòng tiếp tục. Giữ lới hứa với Mỹ ngăn chặn không để hàng hóa Bắc Kinh “quá cảnh” Việt Nam trước khi “sang” Mỹ thì mất lòng Bắc Kinh.
Tính đến đầu năm 2025, mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn có 79 tỷ Mỹ kim, chỉ đủ đáp ứng 2,5 tháng nhập cảng, thấp hơn đáng kể so với mức khuyến nghị tối thiểu 3 tháng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). [2]
Năm 2025, áp lực cần có thêm “đồng bạc xanh” vạn năng rất lớn, bởi 2 lý do: (i) csVN có đai hội đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026; bắt buộc phải chi tiêu cho việc khai triển và bố trí nhân sự cấp cao theo đúng “mưu chước” để đảng Ba-Đình tiếp tục giữ lợi quyền. (ii) Ba-Đình đã dùng 31,4 tỷ Mỹ kim tiền bán hàng cho Mỹ thuộc quý 1 năm 2025 để mua hàng hóa từ Bắc kinh đến 30 tỷ Mỹ kim nhằm “làm nguôi cơn thinh nộ” của ông Tâp cận Bình.
Như thế, giải pháp nào cho vấn đề của Ba-Đình đã thấy rõ.
Trần nguyên Thao
[1] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c99p44mv52jo
[2] https://tapchitaichinh.vn/du-tru-ngoai-hoi-ve-duoi-80-ty-usd-ty-gia-du-bao-tang-3-54-0-trong-2025.html