Năm 2021, CSVN vay nợ 4 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi người dân phải “gánh” 40 triệu đồng nơ công. Trong bối cảnh tăng trưởng ảm đạm và gánh nặng trả nợ gốc lãi của Nhà Nước hàng năm đã đến qua mức giới hạn đỏ 25%, thậm chí lên 27,4% tổng thu Ngân Sách. Tình cảnh này sẽ đẩy một khối Dân Tộc lớn từng lâm cảnh đói nghèo từ trước không hy vọng thoát được nghèo. Ngoài ra, hoàn cảnh mới này còn đẩy các gia đình cận nghèo, đặt cả hai chân vào vòng xoáy của nghèo đói đang chực chờ, chỉ vì guồng máy cầm quyền chi tiêu hoang phí, tham nhũng gây thêm nợ nần chồng chất.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) khuyến cáo: nếu quốc gia nào phải trả nợ lãi và gốc hàng năm vượt quá 25% tổng thu ngân sách thì nước đó sẽ không còn cơ hội để tăng trưởng nữa. Dân Tộc đó sẽ “bước vào vòng luẩn quẩn đói, nghèo”. Việt Nam đang trả nợ gốc và lãi lên đến 27,4% tổng thu Ngân sách.
Tại Quốc Hội hôm 20/10 Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%. Tuy nhiên, không tìm đâu ra tiền để kích cầu Kinh Tế do đai dịch CoVid, Nhà Nước, qua Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ Đức Phước nói là “phải chấp nhận bội chi tăng lên trên 4%”, bằng cách vay mượn hay phát hành công trái, trái phiếu ngoại tệ trong nước. Như thế, bội chi và nợ công sẽ tăng cao chưa thể có số liệu dự đoán. [1]
Kho Bạc Nhà Nước (KBNN) với nhiệm vụ huy động vốn cho Ngân Sách Nhà Nước năm 2021từ 350 nghìn tỷ đồng lên 373 nghìn tỷ đồng, tức vay thêm 23 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu. Đây cũng là quy mô huy động lớn nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh tổng mức đáo hạn nợ Trái Phiếu Chính phủ (TPCP) lên đến “đỉnh điểm” 160 nghìn tỷ đồng thuộc năm 2021. [2]
Với khối lượng 23 nghìn tỷ đồng vay thêm sau khi điều chỉnh, tỷ lệ huy động theo kế hoạch tới hết quý 3 mới đạt khoảng 63,7%, số còn lại tương ứng tới 135,286 nghìn tỷ đồng TPCP cần huy động trong quý 4, là một nghiệp vụ khó khăn vào lúc dân chúng biểu hiện thái độ “giảm niềm tin” khiến hệ thống Ngân hàng Thương Mại giảm 1000 tỷ đồng ký thác vào đầu quý 4.
Sự thể trên diễn ra cho thấy Thủ Tướng Chính không nắm vững vận hành tài chánh và các giải pháp nhằm cứu nguy Kinh Tế Việt nam. Trong lúc Thủ Tướng Chính hiên ngang hứa trước Quốc Hội sẽ kiểm soát bội chi ngân sách khoảng 4%, thì các Bộ thuộc Nội Các lại toan tính giải pháp bội chi vay nợ để có thêm tiền.
Bất chấp hoàn cảnh xã hội trong đa phần dân chúng lầm than, Bộ Tài Chánh chọn giải pháp tập trung tăng thu thuế, phí trên các nền tảng số mà nay còn dư địa như: bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới…
Chưa lùi bước trước làn sóng phản đối từ dân chúng, Thủ Đô Hà-nội và thành phố Saigon loan báo hôm đầu tháng 11: hai nơi này sẽ thu lệ phí trên mỗi xe ô-tô vào Hà-nội là 50 ngàn đồng, đậu xe 100 ngàn đồng. Đối với Saigon mỗi xe vào thành phố phải trả 40 ngàn đồng, chưa kể lệ phí đậu xe.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị. . . . Mọi phương án đang được giới tham mưu chuyên ngành soạn thảo trình “thượng cấp” chọn lựa. [3]
Bộ Tài Chính, qua lời Bộ Trưởng Phước đang đề nghị một số chính sách tài khoá cũng như gói kích cầu ví dụ như: Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để có thể trích từ 10.000 – 20.000 tỷ đồng trong một số ngành nghề nhất định và công trình trọng điểm.
Ngân khoản 20 ngàn tỷ đồng do Bộ Tài Chánh đề nghị không thấm gì so với nhu cầu Phòng Thương Mại và Công Nghệ Việt Nam, Vietnam Chamber of Commerce and Industry (VCCI) xin yểm trợ doanh nghiệp Việt Nam 250 ngàn tỷ; Đoàn Đại Biểu Quốc Hội thành phố Saigon đề nghị 410 ngàn tỷ đồng.
Qua các báo Nhà Nước, dân chúng được nghe đến, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư (KH&ĐT) vừa trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 với quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng (gần 35 tỷ Mỹ kim), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021. Đây là chương trình phục hồi kinh tế được báo Nhà Nước tung hô là “có quy mô lớn nhất từ trước đến nay”. [4]
Đề nghị của Bộ KH7ĐT nói là sẽ huy động ngân sách nhà nước gồm: nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; nguồn phát hành trái phiếu chính phủ; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). . .
Chưa thấy Ủy Ban Tài Chánh Quốc Hội đưa vào nghị trình để cứu xét các đề nghị trên từ phía Chính Phủ.
Dù gói kích cầu từ Chính Phủ chưa được Quốc Hội đưa vào nghị trình xem xét, nhưng báo Nhà Nước đã ca tụng là “lớn nhất”, nhưng so ra còn thua xa hai nước hàng xóm: Thái Lan với 70 triêu dân có gói hỗ trợ Kinh Tế tổng cộng lên đến 33,4 tỷ Mỹ, tương đương 11,4% GDP. Còn Malaysia chỉ có dân số dân chưa đến 33 triệu người, đã sử dụng gói kích cầu trị giá 36 tỷ Mỹ kim. [5]
Tổng chi NSNN giai đoạn 2021-2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước.
Bộ Tài Chánh thì ước vọng rằng phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 1%, đạt khoảng 29%; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống 2%, còn khoảng 60%. Trong trường hợp Bộ Tài Chánh đạt tới mơ ước vừa nêu, thì số tiền chi thường xuyên này cũng là rất cao, vì CSVN phải trả lương cho hai hệ thống cán bộ Đảng và Nhà Nước song hành, một khoản tiền khổng lồ trong ngân sách ở quốc gia bình thường không có.
Nợ công từ 3,63 triệu tỷ đồng và sẽ tiếp tục lên 4 triệu tỉ đồng vào năm 2021. Như vậy, trung bình mỗi người Việt phải “gánh” 40 triệu đồng nợ công năm 2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trình Chính phủ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tổng mức vốn đầu tư công được đề nghị trong 5 năm tới lên tới 2,87 triệu tỷ đồng, lớn gấp 2,4 lần tổng mức đầu tư giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh tăng trưởng ảm đạm và gánh nặng trả nợ gốc lãi của Nhà Nước hàng năm đã đến mức giới hạn đỏ 25%, thậm chí lên 27,4% (*) [4] tổng thu Ngân Sách, kế hoạch tham vọng về đầu tư công rõ ràng dựa trên tăng bội chi và vay nợ. [5]
Nếu Quốc Hội chấp thuận kế hoạch đầu tư công thì có phần đi ngược lại lời hứa của Thủ Tướng hôm 20/10 là, “bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 sẽ giữ trong khoảng 4% của GDP”. [6]
Năm 2018 cả nước có 56.567 dự án đầu tư công được thực hiện, trong đó có 1.778 dự án chậm tiến độ, 422 dự án thất thoát, lãng phí…, con số được đưa ra tại báo cáo tổng hợp công tác giám sát đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Thủ tướng Chính phủ.
Nghịch lý là Việt Nam có những tượng đài nghìn tỷ, xa lộ thênh thang và nhiều cây cầu cao lớn, đường cao tốc tối tân . . . do dự án đầu tư công thực hiện chậm tiến độ hàng chục năm, đội vối lên 2, 3 lần là bình thường . . . Quan trọng hơn, nhiều công trình chưa khánh thành đã hư hỏng. Hàng ngàn quan chức điều hành các dự án đầu tư công mang tầm nhìn không qua khỏi “cái miệng túi” của riêng họ.
Các kế hoạch của phía Chính Phủ về kích cầu Kinh Tế hậu CoVid-19, trong đó có đầu tư công ngân khoản lên đến gần 3 triệu tỷ đồng. Phần lớn ngân khoản thực hiện đều dựa vào vay nợ hay phát hành trái phiếu Chính Phủ. Điều này chứng minh rằng tầm nhìn và cách điều hành Kinh Tế Tài Chánh và Kế hoạch Nhà Nước so với giới doanh nghiệp từng cọ sát nơi thực tế thăng trầm trong đại dịch còn quá xa nhau. Tuy đôi bên cùng chung khó khăn trong môi trường Kinh Tế ảm đạm, nhưng lại mang toan tính của riêng mình, nên nảy sinh ra mỗi nhóm nhìn về một hướng như hai khung trời cách biệt!
Trần Nguyên Thao
05 Nov
Tham khảo:
[1] https://cafebiz.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-dang-tinh-toan-goi-kich-thich-kinh-te-moi-20211028211644866.chn
[2] https://bnews.vn/quy-mo-huy-dong-trai-phieu-chinh-phu-du-kien-cao-ky-luc/217518.html
[3] https://cafebiz.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-dang-tinh-toan-goi-kich-thich-kinh-te-moi-20211028211644866.chn
[4] https://www.baogiaothong.vn/goi-kich-thich-kinh-te-800-nghin-ty-dong-huy-dong-tien-tu-dau-chi-cho-ai-d530936.html
[5] https://www.daututiente.com/malaysia-bom-36-ty-usd-cap-cuu-nen-kinh-te-lao-dao-vi-covid-19/
[6] https://thanhnien.vn/no-cong-ngay-cang-tang-post1009149.html