_________________________

Tài liệu: Mầu Nhiệm Thánh Thể Trong Đời Sống Hội Thánh

Sự Thật và thuật vo tròn, bóp méo của truyền thông thiên tả Mỹ

I,- Bối cảnh

           Vào những ngày áp Lễ Tạ Ơn năm nay, chính xác là ngày 18-11-2021, Hội Đồng Giám Mục Mỹ đã thông qua và công bố tài liệu quan trọng trên đây.

           Khởi nguồn từ cuộc họp khoáng đại Mùa Xuân tháng 6 vừa qua, thời gian dư luận khắp nơi đang bàn tán sôi nổi quanh câu hỏi liệu giáo quyền Mỹ sẽ phản ứng ra sao đối với các chính khách đảng Dân Chủ ở Hoa Thịnh Đốn, cụ thể là ông Biden, tuy mang danh Công giáo lại tích cực ủng hộ quyền phá thai, nhưng vẫn công nhiên Rước Lễ.

           Khi tài liệu có tên tiếng Anh “The Mystery of the Eucharist in the Life of the Church” được đăng trong trang web https://www.usccb.org/resources/mystery-eucharist-life-church, ngay lập tức các hệ thống truyền thông thiên tả đã đua nhau gay gắt lên tiếng. Riêng tờ Washington Examiner đã đăng một bài giật gân với tựa đề Catholic bishops adopt Communion document that doesn’t mention politicians who favor abortion accessCác Giám mục Công giáo chấp nhận tài liệu không đề cập gì đến các chính trị gia ủng hộ phá thai!

Bên cạnh cái nhìn méo mó, nông cạn, và ẩn tàng trong đó tính xuyên tạc, gian dối trên đây, cùng lúc một người Việt Nam cũng hùa theo để nêu quan điểm riêng trên mạng như sau:

“Chỉ vài ngày sau nghị hội đưa ra quyết định gây sự chú ý và tranh cãi của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB), được cho là dường như để cấm Tống Thống Joe Biden và các chính khách Công Giáo cấp tiến không được phép rước lễ, Hội Đồng đã lập tức đưa ra lời đính chính về điều này, trong đó bản công bố mới ghi rõ là không mang tính chất kỷ luật cũng như nhắm vào bất cứ một cá nhân hay giới nào”.

           II.- Suy nghĩ về phản ứng của truyền thông thiên tả.

           Nhận định nông nổi trên đây của tờ Washington Examiner có thể coi là tiêu biểu cho hệ thống truyền thông và những thành phần thiên tả vốn không mấy có cảm tình với tôn giáo, cách riêng Công giáo.

           Nói họ nông nổi chỉ là một cách nói. Thật ra có thể hiểu đây là một mục tiêu được tính toán trước nhằm đánh lạc hướng nhận định của những ai có dịp đọc tài liệu quan trọng kể trên của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK) vừa công bố cách đây hơn một tháng.

           Tại sao lại có chủ trương đánh lạc hướng suy nghĩ của quần chúng Mỹ khi đọc tài liệu?

Đây là câu trả lời:

Giản dị vì người ta chỉ muốn cho công luận quần chúng, nhất là tập thể những tín hữu có niềm tin Kitô hiểu lầm rằng: đa số các Giám Mục trong Giáo Hội Mỹ không coi chuyện ông Biden, và các chính khách thuộc đảng Dân chủ Hoa Kỳ vốn tự nhận là tín hữu Công giao dù ủng hộ chính sách phá thai, là quan trọng. Điều này cũng hàm ý là những loại chính khách này sẽ không gặp trở ngại gì về phía Giáo quyền khi đón nhận Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô (!?).

           Để mong thuyết phục người đọc, tác giả bài nhận định trên tờ Washington Exaniner đã cố tình dẫn giải sự việc đi theo một hướng khác. Không phải chỉ trong bài viết mà còn được công khai khẳng định trực tiếp ngay trên tiêu đề:“tài liệu không đề cập gì đến các chính trị gia ủng hộ phá thai”.

Đây quả là một chiêu trò gian dối. Đi sâu vào tài liệu dài hơn 20 trang này, người đọc lương thiện sẽ phát hiện SỰ THẬT CÓ ĐÚNG NHƯ VẬY KHÔNG?

Vì vô tình hay cố ý, họ tưởng rằng: khi viết một câu xác quyết theo kiểu “đinh đóng cột” trên đây sẽ che mắt được tất cả mọi người, vì gần như hầu hết nội dung tài liệu, các Giám Mục đã dành cho chủ đề: “Màu Nhiệm Thanh Thể Trong Đời Sống Hội Thánh.

Sau đây chúng ta thử cùng nhau phân tích, tìm hiểu cặn kẽ nội dung tài liệu xem đâu là đích điểm, là mục tiêu hàng đầu các Giám Mục nhắm tới.

III.- Nội dung tài liệu & đích nhắm của HĐGM Hoa Kỳ

Sau đây là những điểm cần chú ý:

Mở đầu, các Giám mục nhấn mạnh về sự hiện diện thường xuyên và liên tục của Chúa Kitô trong Thánh Lễ xuyên qua Màu Nhiệm Thánh Thể. Để làm điều này, các ngài đã trích dẫn khá nhiều trong Kinh Thánh, và những Giáo huấn trong Giáo hội qua những Thông điệp những lời tuyên tín của các Giáo Hoàng. Tài liệu viết:

“Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện liên tục này khi ngài lặp lại với chúng ta những lời của Đức Kitô: ‘Thầy ở cùng các con luôn mãi, cho đến tận thế’ (Mt 28:20). Ngài công bố: “Lời hứa này của Đức Kitô không bao giờ ngừng vang lên trong Hội Thánh như là bí mật màu mỡ của đời sống và suối nguồn hy vọng của Hội Thánh. Như ngày Chúa Phục Sinh, Chúa Nhật không chỉ là ngày tưởng nhớ một biến cố đã qua: mà còn là ngày kỷ niệm sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh qua Thánh Thể giữa dân Người.”

Sau khi nhớ lại những tháng ngày bị cách ly vì đại dịch Covid Vũ Hán không thể đến Thánh Đường tham dự Thánh lễ, không được Rước Mình Thánh Chúa, đã tạo nên một sự trống vắng lớn lao trong đời sống đức tin của người Tín Hữu CG như thế nào, tài liệu viết tiếp:

“Là Kitô hữu, chúng ta biết rằng chúng ta cần Đức Kitô hiện diện trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Người chính là của ăn của chúng ta như Người đã nhắc nhở chúng ta: nếu anh em không ăn thịt Con Người và uống máu Con Người, thì anh em sẽ không có sự sống trong mình (Ga 6:53).

Chúa đồng hành với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng không cách nào sâu xa bằng khi chúng ta gặp gỡ Người trong Bí tích Thánh Thể. Trên cuộc hành trình hướng đến cuộc sống vĩnh cửu, Chúa Giêsu Kitô nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Mình của Người. Trong bánh Thánh Thể, cuộc tạo dựng được hướng tới sự Thần Hóa, hướng tới Tiệc Cưới Thánh, hướng tới sự hợp nhất với chính Đấng Tạo Hóa ‘”

Đức Bênêđictô XVI đã viết:

“Việc tưởng niệm hồng ân tuyệt hảo của Người không hệ tại ở việc lập lại cách đơn thuần bữa Tiệc Ly nhưng là ở chính Bí tích Thánh Thể, nghĩa là trong điều mới mẻ triệt để của phụng tự Kitô giáo. Bằng cách này, Chúa Giêsu để lại cho chúng ta sứ vụ bước vào “Giờ” của Người: Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta vào hành vi dâng hiến của Chúa Giêsu. Chúng ta không chỉ lãnh nhận Ngôi Lời nhập thể cách thụ động, nhưng chúng ta còn bước vào chính động năng của việc tự hiến của Người”.

 Bí tích Thánh Thể là một bữa tiệc hy sinh, “bữa Tiệc Thánh của sự hiệp thông với Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô”.

Nhấn mạnh tới khía cạnh Bí Tích cao trọng của Thánh Thể qua sự hoàn thành công cuộc cứu độ của Chúa, tài liệu lập lại lời dạy sau đây của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

Hội Thánh không ngừng rút sự sống của mình từ hy tế cứu độ [này]; Hội Thánh đến gần hy tế ấy không phải bằng một cuộc tưởng niệm đơn thuần đầy đức tin mà thôi, nhưng còn bằng một tiếp xúc thực sự, vì hy tế này được làm cho hiện diện một lần nữa, luôn mãi cách bí tích, trong mọi cộng đoàn hiến dâng nó, qua tay của thừa tác viên được thánh hiến”.

Xác tín về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bánh và Rượu, tài liệu nhắc lại:

“Ngay từ thuở sơ khai, Hội Thánh đã tin và cử hành theo giáo huấn của chính Chúa Giêsu: Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sự sống đời đời và Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Vì thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máuTôi, thì ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy (Ga 6: 54-56). Chúng ta lãnh nhận trong Bí tích Thánh Thể không phải “bánh thông thường và thức uống thông thường”, nhưng thịt và máu của Đức Kitô, Đấng đã đến để nuôi dưỡng và biến đổi chúng ta, để phục hồi mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau

Ở một đoạn khác, tài liệu cho hay:

“Tin Mừng thánh Gioan kể lại rằng, ‘khi Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá, máu và nước chảy ra (Ga 19:34), tượng trưng cho Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh Thể’. Công đồng Vaticanô II dạy, ‘Nguồn gốc và sự phát triển của Hội Thánh được tượng trưng bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn mở ra của Chúa Giêsu chịu đóng đinh,’”

Các Giám Mục cũng xác quyết:

Bí Tích cực trọng này cũng là một sự tham dự vào phụng tự được các Thiên Thần và các Thánh dâng hiến trên Thiên Đàng, trong và qua Đức Kitô. Đức Bênêđíctô XVI giải thích rằng: “mỗi cuộc cử hành Thánh Lễ hoàn thành một cách bí tích sự quy tụ cánh chung của Dân Thiên Chúa. Đối với chúng ta, bữa tiệc Thánh Thể là một sự nếm trước thực sự bữa tiệc cuối cùng đã được các ngôn sứ tiên báo (x. Is 25: 6-9) và được mô tả trong Tân Ước là “tiệc cưới của Chiên Con” (Kh 19: 7- 9), được cử hành trong niềm vui hiệp thông của các Thánh”.

Nhấn mạnh về tính “xác thật” mang đặc nét “độc nhất vô nhị” của Bí Tích Thánh Thể mà tín hữu phải tin, các Giám Mục viết:

“… trong Bí tích Thánh Thể, bánh và rượu trở nên Mình và Máu, Linh hồn và Thiên tính của Đức Kitô mà không ngừng có vẻ như bánh và rượu đối với ngũ quan của chúng ta là một trong những mầu nhiệm trung tâm của đức tin Công giáo. Đức tin này là một cánh cửa mà qua đó chúng ta, giống như các Thánh và các nhà Thần Bí trước chúng ta, có thể đi vào nhận thức sâu xa hơn về lòng thương xót và tình yêu được biểu lộ trong và qua sự hiện diện Bí Tích của Đức Kitô ở giữa chúng ta. ……Dù Đức Kitô hiện diện với chúng ta bằng nhiều cách trong phụng vụ, kể cả trong cộng đoàn được tụ họp lại, thừa tác viên chủ tế, và Lời Chúa được công bố, nhưng Hội Thánh cũng khẳng định rõ ràng rằng “Cách hiện diện của Đức Kitô dưới dạng thức Thánh Thể là đôc nhất vô nhị.”

Như Thánh Phaolô VI đã viết:

“ Sự hiện diện này được gọi là ‘thật’, không loại trừ ý tưởng rằng những sự hiện diện khác cũng ‘thật’, nhưng là để chỉ sự hiện diện một cách đôc nhất vô nhị, bởi vì sự hiện diện này là hiện diện bản thể và qua đó, Đức Kitô trở nên hiện diện hoàn toàn và toàn thể, Thiên Chúa và con người.”

Trong việc tái trình bày cách bí tích hy tế của mình, Đức Kitô không giữ lại gì, mà hiến dâng chính mình, hoàn toàn và toàn thể. Việc sử dụng từ “bản thể” để đánh dấu sự hiện diện độc nhất của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể nhằm truyền đạt toàn bộ món quà mà Người ban cho chúng ta.

Câu trả lời “Amen” khi chịu lễ là một lời tuyên xưng đức tin vào Sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô và phản ánh cuộc gặp gỡ thân mật cách cá nhân với Người, với món quà tự hiến của Người, xảy ra qua việc rước lễ.

Tài liệu cũng ghi nhận quan điểm của Nhà thần học Chính Thống giáo thế kỷ XIV Nicholas Cabasilas đã mô tả Bí Tích này qua lời tuyên tín sau đây:

Khác hẳn tất cả các Bí Tích khác, Mầu Nhiệm Thánh Thể hoàn hảo đến mức đưa chúng ta đến đỉnh cao của mọi điều tốt lành: đây là mục tiêu cuối cùng của mọi ước muốn của con người, bởi vì ở đây chúng ta đạt được Thiên Chúa và Thiên Chúa kết hợp với chúng ta trong sự kết hợp hoàn hảo nhất” Qua Bí Tích này, Hội Thánh lữ hành được nuôi dưỡng, đào sâu thêm sự hiệp thông của mình với Thiên Chúa Ba Ngôi và do đó, với nhau”.

Vì giới hạn của một bài viết ngắn, trên đây chúng tôi chỉ trích dẫn một phần những lý chứng phong phú của các Giám Mục nêu lên để làm bật sáng “Màu Nhiệm Thánh Thể trong Đời Sống Hội Thánh”. Nó cũng là đời sống và là bổn phận phải tin của người tín hữu chúng ta.

Sau đây là những Sự Thật, xuyên qua vài trích dẫn tuy ngắn nhưng súc tích trong tài liệu mà truyền thông thiên tả cố tình bưng bít không muốn cho công luận nhìn ra.

Đầu tiên các Giám Mục đề cập bổn phận thiêng liêng của mỗi Kitô hữu là phải bảo vệ nền văn minh Sự Sống và ý niệm về vấn đề tội nhẹ/tội trọng.

Các ngài chỉ ra rằng:

” Là Kitô hữu, chúng ta có trách nhiệm cổ võ sự sống và phẩm giá của con người, yêu thương và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất ở giữa chúng ta: những người chưa sinh ra, những người di cư và tị nạn, những nạn nhân của bất công về chủng tộc, những người bệnh tật và già cả.

Thánh Thể củng cố đức ái của chúng ta và xóa sạch các tội nhẹ, đồng thời cũng giúp chúng ta tránh được những tội trọng hơn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm cho chúng ta chú ý đến tính chất thần dược này của Bí tích Thánh Thể khi ngài vạch ra rằng Bí tích này “không phải là phần thưởng cho những người hoàn hảo nhưng là liều thuốc mạnh mẽ và sự nuôi dưỡng cho những người yếu đuối.

Ngài cũng cảnh báo chúng ta chống lại sai lầm của phái Pelagiô là quên mất việc thường xuyên cần ân sủng và nghĩ rằng việc sống một cuộc sống thánh thiện lệ thuộc vào sức mạnh ý chí của chúng ta.

Tuy nhiên, có một số tội phá vỡ sự hiệp thông mà chúng ta chia sẻ với Thiên Chúa và Hội Thánh, và làm cớ cho sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người. Chúng được gọi là tội nặng, hay tội trọng (x. 1 Ga 5: 16-17). Người ta phạm một tội trọng bằng cách tự do, cố ý và sẵn sàng chọn làm điều gì đó liên quan đến vấn đề nghiêm trọng và trái với đức bác ái, trái với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân.

Tài liệu cũng nhấn mạnh tới các trường hợp không được cử hành Thánh Lễ hay Rước Lễ

Một người không được cử hành Thánh Lễ hay Rước Lễ trong tình trạng tội trọng mà chưa tìm đến Bí Tích Hòa Giải để được tha tội. Như Hội Thánh đã dạy một cách chắc chắn, một người Rước Lễ trong tình trạng tội trọng, không những không nhận được ân sủng mà bí tích truyền đạt; người ấy phạm tội phạm thánh vì không bày tỏ lòng tôn kính dành cho Mình và Máu Thánh của Đức Kitô. Thánh Phaolô cảnh cáo chúng ta rằng ai ăn bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng, sẽ phạm tội với Mình và Máu Chúa. Một người phải tự xét mình, rồi mới ăn bánh và uống chén này. Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”. (1 Cor 11: 27-29).

Các Giám mục còn nhắc lại những gì các ngài đã tuyên bố vào năm 2006:

“Nếu một người Công giáo trong đời sống cá nhân hoặc nghề nghiệp (Chú  thích của tác giả bài nhận định này: dĩ nhiên không loại trừ nghề làm chính trị như Dân Biểu, Nghị  Sĩ, Thống Đốc kể cả Tổng Thống) của mình, cố ý và ngoan cố chối bỏ các giáo lý đã được xác định của Hội Thánh, hoặc cố ý và ngoan cố từ chối giáo huấn dứt khoát của Hội Thánh về các vấn đề luân lý, thì người đó sẽ giảm thiểu cách nghiêm trọng sự hiệp thông của mình với Hội Thánh. Việc rước lễ trong hoàn cảnh như vậy không phù hợp với bản chất của việc cử hành Thánh Thể, vì vậy người đó phải kiềm chế.

Rước Lễ trong hoàn cảnh như vậy cũng dễ làm gương mù cho người khác, làm suy yếu quyết tâm trung thành với các đòi hỏi của Tin Mừng của họ.Đặc biệt điều 49 trong bản tài liệu do HĐGMHK công bố còn dẫn lời giải thích sau đây của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

“Phán quyết về tình trạng ân sủng của một người chỉ thuộc quyền của người liên hệ, vì đó là một vấn đề xem xét của lương tâm một người. Tuy nhiên, trong trường hợp một hành vi bên ngoài vi phạm nghiêm trọng, công khai và liên tục luật luân lý, Hội Thánh trong quan tâm mục vụ về trật tự cộng đồng và vì lòng tôn kính Bí tích, không thể không cảm thấy trực tiếp liên hệ. Tình trạng mâu thuẫn luân lý công khai này đã được đề cập đến trong Giáo Luật về việc từ chối không cho rước lễ những ai “tỏ tường ngoan cố ở trong tình trạng tội trọng”.

Giám mục giáo phận có trách nhiệm đặc biệt là làm việc để khắc phục các tình cảnh liên quan đến các hành động công khai trái ngược với sự hiệp thông hữu hình của Hội Thánh và luật luân lý. Thật vậy, ngài phải bảo vệ sự toàn vẹn của Bí Tích, sự hiệp thông hữu hình của Hội Thánh, và việc cứu rỗi các linh hồn.

Trong điều 50, các Giám Mục ghi thêm:. “Trước khi rước lễ, chúng ta phải xét mình kỹ lưỡng hầu đảm bảo rằng mình được chuẩn bị thích đáng để rước Mình và Máu Chúa. Nếu chúng ta nhận thấy rằng mình đã làm vỡ sự hiệp thông với Đức Kitô và Hội Thánh của Người, thì chúng ta không được chuẩn bị thích đáng để rước nhận Thánh Thể.

Được biết, trong bài tường thuật về Nghị Hội của HĐGMHK ngày 18-11-2021, Linh Mục Trần Đức Anh cũng đã ghi lại một số chi tiết đáng chú ý sau đây:

Trước hết, ngoài tuyên bố nền tảng về Bí tích Thánh Thể, Mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống đức tin của người tín hữu Công giáo, chương trình nghị sự của các Giám Mục Hoa Kỳ còn bao gồm các vấn đề như a/-Thượng Hội Đồng Giám Mục 2021-2023; b/-Sáng kiến làm sống lại đời sống Thánh Thể, c/-Phê chuẩn Đại hội Thánh Thể toàn quốc vào năm 2024.

Vẫn theo tác giả bài tường thuật, lên tiếng trước Hội Nghị, Đức cha Gomez, Tổng giám mục giáo phận Los Angeles và là Chủ tich HĐGMHK cho biết Hội Đồng đang thành lập một tổ công tác để chuẩn bị cách xử thế của Giáo hội Công giáo Mỹ, dưới thời tổng thống Joe Biden. Đức Tổng giám mục nói:

“Tổng thống tân cử đã cho chúng ta những lý do để tin rằng đức tin sẽ thúc đẩy ông ủng hộ một số chính sách tốt, trong đó có việc cải tổ các chính sách di trú, tị nạn và người nghèo, chống kỳ thị chủng tộc, án tử hình và thay đổi khí hậu…

Tuy vậy, ông cũng cho chúng ta lý do để tin rằng ông sẽ ủng hộ các chính sách đi ngược với các giá trị cơ bản mà chúng ta gắn bó trong tư cách là tín hữu Công giáo. Trong những chính sách này, có việc bãi bỏ luật cấm dùng công quĩ để tài trợ phá thai và tiếp tục bảo tồn án lệnh ‘Roe chống Wade’ của Tối cao pháp viện cho phá thai. Cả hai chính sách này làm thương tổn ưu tiên hàng đầu của chúng ta trong việc loại bỏ phá thai”.

Đức Tổng giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ cũng nói thêm rằng:

“Trong thời tổng thống Biden, những quan tâm về tự do tôn giáo và các chính sách liên hệ tới căn tính về ‘giống’ cũng có thể là những đe dọa. Các giám mục từ lâu vốn chống lại những chính sách đi ngược với công ích và sẽ tiếp tục như vậy”.

Ngài nhấn mạnh:

“Khi các chính trị gia tuyên xưng đức tin Công giáo ủng hộ những chính sách ấy, thì có thêm các vấn đề, trong đó có việc tạo nên sự hoang mang nơi các tín hữu Công giáo về những gì Giáo hội đang thực sự giảng dạy. Đây là một tình trạng khó khăn và phức tạp.

Vì thế, để giúp chúng ta xử sự trước tình trạng như vậy, Hội đồng Giám mục Mỹ sẽ bổ nhiệm một tổ công tác, dưới sự hướng dẫn của Đức cha Allen Vigneron, Tổng giám mục Detroit, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục, và gồm có các vị chủ tịch các Ủy ban giám mục về các lãnh vực liên hệ, cũng như Ủy ban về giáo lý đức tin và thông tin”.

IV.- Vài nhận định vắn tắt trước khi kết thúc.

Những Sự Thật trong đoạn cuối tài liệu của HĐGMHK được trích dẫn trên đây, cùng với lời tuyên bố của đức TGM Gomez, tuy không nhiều, nhưng đã quá đủ cho công luận thấy tính bất lương của hệ thống truyền thông thiên tả Mỹ, khi đọc lại bài viết trên Washington Examiner và những kẻ theo đóm ăn tàn trên mạng ảo.

Tạm gác ra một bên những Sự Thật vừa kể, chỉ bằng vào chủ điểm HĐGMHK tập trung bàn về “Mầu Nhiệm Thánh Thể Trong đời Sống Hội Thánh” trong bối cảnh niềm tin của người tín hữu Chúa Kitô, cũng cho phép chúng ta bẻ gẫy luận điểm của những kẻ ngoan cố muốn biện hộ cho loại chính khách coi quyền lực, danh vọng nặng hơn tín điều đòi buộc họ phải tin.

Không ai phủ nhận rằng: từ đầu đến cuối bản tài liệu, các Giám Mục đã không phí nhiều thì giờ đề cập chuyện trừng phạt hay cấm đoán việc Rước Thánh Thể Chúa đối với những chính trị gia có niềm tin Công Giáo khi họ minh nhiên ủng hộ việc phá thai. Nhưng cần phải phân biệt, không nói nhiều không có nghĩa là các Giám Mục không nói và mặc nhiên nhìn nhận là họ vô tội khi Giáo lý CG tông truyền từng đề cập “án tiền kết” đối với những tội nhân cố tình.

Đọc và đào sâu dụng tâm của các Giám Mục Hoa Kỳ khi chọn chủ đề “Màu Nhiệm Thánh Thể Trong Đời Sống Hội Thánh”, người đọc dễ dàng nhận ra sự khôn ngoan và thâm thúy của các Ngài.

Cho dù mộtcá nhân tín hữu đang nắm giữ những vai trò cao cấp đến đâu trong sinh hoạt chính trị như Dân Biểu,Thượng Nghị Sĩ, Chủ tịch Thượng, Hạ viện, hay Tổng Thống, Phó Tổng thống, thì trước mắt Giáo hội họ cũng chỉ là một tín hữu,có trách nhiệm tuân giữ giới răn trong Hội Thánh. Và như mọi người đều rõ, giới răn “sát hại sinh mạng con người” là giới răn quan trọng bậc nhất. Khi mang trong mình tội trọng như phá thai, ủng hộ phá thai, tức là mang tội hủy diệt sự sống con người mà liều mình nhận Mình Thánh Chúa là mang tội trọng: tội “Phạm Thánh”. Nếu tiếp tục hoài mà không xám hối, ăn năn, cho dù chưa bị Hội Thánh dứt Phép Thông công thì tự mình đã chuốc lấy “Án Tiền Kết” rồi.

Trần Phong Vũ
Miền nam California, những ngày chuẩn bị mừng Năm Mới Dương Lịch 2022

Bài liên quan:
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt