___________________________

Bói Kinh Tế năm con Cọp đang nghiêng về phía chuyên gia trong nước “Kinh Tế Viêt Nam đang trải qua hình chữ “U”, (*)năm 2022 vẫn đang ở đáy bên phải theo chiều đi lên, nhưng với nét chữ tượng trưng cho phục hồi còn khá “mong manh”do ngân khoản đề nghị phục hồi Kinh Tế quá khiêm tốn, chưa được bằng 50% so với mức đề nghị tháng 11-2021. Trong khi biến chủng Delta còn cuộn trong gió Bấc heo may bao trùm khí lạnh làm tê buốt thịt da; mang thêm lo âu trước mối nguy con Omicron “ló dạng”. . . Khắc khoải trước cảnh dân nghèo đang trở thành nạn nhân của cường quyền, trấn áp, các chuyên gia Tài Chánh còn chút tấm lòng “mơ” một cuộc chấn hưng hệ thống Ngân Hàng Thương Mại (NHTM), để có thêm nội lực lành mạnh hóa nền Tài Chánh Việt Nam, làm “đòn bẩy” đẩy nền Kinh Tế may ra vượt qua “cơn lốc” lạm phát đang đe dọa miếng cơm, manh áo của dân nghèo.

Ba yếu tố giúp phục hồi sản xuất đẩy nền Kinh Tế đi lên, gồm: (i) đủ tài chánh và lành mạnh, (ii) kiểm soát được dịch bệnh, (iii) bộ máy điều hành tinh nhuệ. Khi lượng giá cả ba, thì Việt Nam được ví như “kiềng 3 chân” khập khễnh:

Từ 21-4-2021 đến nay gần 9 tháng csVN huênh hoang đưa ra các đề nghị phục hồi kinh tế: từ gói 800 ngàn tỷ, đến gói 40 ngàn tỷ hỗ trợ lãi suất 2 năm; đưa vào nền kinh tế thành trên 1 triệu tỷ, đến gói năm 2022-2023 là 445.000 tỷ đồng tương đương 5,48% GDP, gói 60 ngàn tỷ được Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ Đức Phước “dạo đàn” vào cuối năm. Đến hôm 05-01, đề nghị mới nhất chỉ có 347 ngàn tỷ cho hai năm 2022-2023. [1]. Chưa cho biết sẽ dùng nguồn tiền nào cho đề nghị lần này. Trường hợp in thêm tiền mới bơm vào nền Kinh Tế thì sẽ đẩy lạm phát cao nữa.

Gói hồi phục sản xuất quá thấp, mà dịch bệnh lại tăng cao : Thủ đô Hà-Nội và các Tỉnh, phía Nam đang bị con Delta khống chế. Việt Nam hiện có số người bị CoVid lên đến 1.930.155 ca. Riêng ngày 12-01 có  thêm 16.066 ca. Tại Hà-nội chỉ trong này 12-01 cũng có 2.948 người nhiễm bệnh. Cho đên hôm 12-01, Việt Nam đã có 34 người nhiễm biến thể Omicron.

Về bộ máy điều hành “tinh nhuệ” là một điều khá “nhậy cảm”. Dân nêu ra chỗ sai phạm của cán bộ thì bị trấn áp, ra tòa lãnh án tù vị tội “nói xấu lãnh đạo”. Nhìn vào vụ án Kit-test công ty Việt Á thì từ Ông Nguyễn phú Trọng, khi còn là Chủ Tịch Nước (10/2018 – 05/2021) cũng đã tặng cho ông Phan quốc Việt tấm “khiên” vững chắc là huy chương lao động, như để người cầm đầu Việt Á yên tâm tung hoành tăng giá hàng triệu kit-test suốt 2 năm trời, nặn bóp đến đồng bạc cuối cùng của dân nghèo. Sự việc này là câu trả lời khá rõ.

Rất có thể ước vọng của giới chuyên gia vẫn chỉ là “mơ”. Vì mọi việc còn tùy vào nhiều yếu tố, trong đó có nợ xấu từ rất lâu vẫn tồn đọng cho đến nay như một “khối u” ở đa số NHTM. Khối nợ xấu “phồng lên, xẹp xuống” tùy theo các văn bản lập quy mang tính điều hành của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) phải nương theo những biến đổi thăng trầm, có lúc làm “dấy lên” cơn khủng hoảng Tài Chánh.

Ngân Hàng Trung Ương của một quốc gia trên nguyên tắc được hoạt động độc lập. Tuy nhiên NHNN Việt Nam điều hành bởi một đảng viên csVN. Hiện bà Nguyễn thị Hồng là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII.

Khối ngân hàng mang “nợ xấu rất xấu” [2] lại bị dẫn dắt bởi các nhân sự lệ thuộc vào thế lực chính trị trong Ban Chấp Hành nhiệm khóa thứ XIII (2021-2025) của đảng csVN là viễn ảnh khá bi quan, nhiều thách thức cho lãnh vực Tài Chánh, Tiền Tệ Việt Nam. Cho nên giấc “mơ” về chấn hưng hệ thống NHTM nếu xẩy ra cũng phải theo tiêu chuẩn của Bộ Chính Trị đảng csVN.

Theo cáo tài chính quý 3-2021 của 27 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, số dư nợ xấu đã tăng lên 113.006 tỷ đồng. Vào thời điểm 30-9-2021, nợ xấu đã cao hơn 26% so với đầu năm, chất lượng nợ vay của tất cả các ngân hàng đều đi lùi với ba ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước bao gồm Vietcombank, ViettinBank và BIDV. Tổng nợ xấu nội bảng vào cuối năm nay tăng hơn 40% lên hơn 50.400 tỷ đồng so với hồi đầu năm. [3]

NHNN cho biết, năm 2021 tín dụng vẫn tiếp tục chảy vào 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp – nông thôn, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao.

Coi như “bí mật nghiệp vụ tài chánh”, công luận chưa bao giờ biết được trong 12,97% tỷ lệ tín dụng của năm 2021, NHTM cho vay vào khu vực Bất Động Sản (BĐS) và chứng khoán (CK) là bao nhiêu. Chắc chắn NHNN phải biết, nhưng không công bố cho dân chúng.

Do kết quả tăng trưởng GDP chỉ có 2,58% toàn năm thì biết rằng hiệu quả đầu tư trong năm 2021 rất thấp. Đây là bằng chứng cho thấy hiệu quả từ đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng qua kênh NHTM cho Doanh Nghiệp vay khá thấp. Và khi đầu tư hiệu quả thấp, tất nhiên phát sinh thêm nợ xấu khối NHTM.

Căn cứ vào suy luận trên và do hai thị trường BĐS và CK vẫn tiếp tục nóng, thì công luận có quyền nghĩ rằng phần lớn dòng tiền của NHTM đang được DN dùng để đổ vào chứng khoán, nhưng với danh nghĩa vay để sản xuất kinh doanh.

Suy luận trên nếu đúng, thì nợ xấu chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn tỷ lệ 3,79% vào ngày 31-12-2021, do NHNN công bố có vẻ ở mức thấp. [4] Nhưng nếu thực hiện đúng theo nguyên tắc, tính đúng tính đủ, rất có thể nợ xấu tăng tới mức “hòm hòm” 2 con số. Như vậy, nợ xấu sẽ trở thành “rất xấu” tiềm ẩn rất nguy hiểm. Hiện nay, thị trường BĐS và CK vẫn đang giữ đà tăng trưởng nên nợ xấu chưa xuất hiện. Khi thị trường BĐS và CK vỡ bong bóng, nợ xấu sẽ tung tóe không cách gì đỡ nổi.

Do thực tế về dòng tín dụng tại Việ Nam như thương dẫn, nếu gói kích cầu được dùng để hỗ trợ lãi suất theo quan điểm của Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ đức Phước thì sẽ đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao, đồng nghĩa với nợ xấu tiềm ẩn sẽ tăng cao. Khi đó, Việt Nam sẽ rơi vào đúng cảnh giác của quốc tế nói rằng, “tỷ lệ nợ xấu vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng cho vay sẽ trở thành nguy cơ “đầu độc” môi trường tài chính – tín dụng trong nền Kinh Tế”.

Khởi đi từ căn bản lọc lừa của chế độ khiến sản sinh ra nhiều đại gia “tay không bắt giặc”, Quý độc giả sẽ ngỡ ngàng về bài “Mỡ nó rán nó, Tay không bắt giặc” trên trang Bauxitvn, nói về mánh khóe tham nhũng qua hồ sơ vay nợ NHTM. [5] Theo đó, con nợ chỉ nhờ “quan hệ lớn, chia chác đúng” nên thu về rất nhiều tiền. Một trong cách đi vay được tóm lược như sau:

Thí dụ: miếng đất trị giá 500 tỷ đồng, ngân hàng X sẽ dùng “quy trình” hợp pháp để định giá nó thành 2.000 tỷ đồng. Theo luật được phép cho vay tối đa 70%, tức khoảng 1.500 tỷ đồng. Nhưng để có vẻ “khách quan” và “khắt khe”, NHTM chỉ cho vay 1.350 tỷ đồng.

Có tiền, con nợ sẽ lại quả cho ngân hàng 1-200 tỷ dồng, 5-600 tỷ đồng bỏ túi, còn lại dăm ba trăm tỷ thì dùng đầu tư theo hồ sơ vay nợ. Chẳng may thua lỗ thì ngân hàng “xiết nợ” miếng đất và rốt cuộc.. chẳng “ai” thiệt hại gì!?

Các dự án BT, BOT, hay đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Lào Cai, Hải Phòng… chỉ khác cái tên, còn phương thức “mỡ nó rán nó” giống nhau.

Lấy sân bay Long Thành làm ví dụ. Tại sao cùng công suất 100 triệu khách mỗi năm nhưng nước khác làm chỉ mất 7-8 tỷ Mỹ kim. Tầu cộng nổi tiếng tham nhũng cũng chỉ mất khoảng 10 tỷ Mỹ kim, mà VN dự kiến mất 16-18 tỷ Mỹ kim?

Theo luật hiện hành, nhà đầu tư phải đối ứng ít nhất 15%. Tăng dự án lên 18 tỷ nghĩa là họ được vay 85% (cỡ 15 tỷ Mỹ kim).

Khi đã có 15 tỷ, nếu quản lý tốt thì xây sân bay chỉ mất 7-9 tỷ. Chẳng cần vốn liếng hay trắng đêm suy tư gì đã dư ra dăm bảy tỷ Mỹ kim chia nhau thoải mái. Chưa kể còn được nhận nhiều ngàn mẫu đất thuộc dự án (sân bay Heathrow của Anh, công suất 100 triệu khách mỗi năm chỉ rộng 1.200ha; Long Thành cũng 100 triệu khách mỗi năm, tại sao cần những 5.000 mẫu đất ?).

Lúc vận hành, nếu có lãi, họ sẽ tiếp tục thu nhiều tỷ đô trong hàng chục năm sau đó. Chẳng may lỗ – đã có ngân hàng chịu.

Bác sỹ Trần văn Phúc, Bệnh Viện Đa Khoa Saint Paul Hà-nội trong dịp trao đổi với Tạp Chí Giáo Dục Việt nam, hôm 8-01 nhận định rằng, do xã hội mất đạo đức, đã đưa đến  “5 lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng: Mua sắm thuốc; Mua sắm thiết bị y tế; Vật tư tiêu hao và sinh phẩm y tế; Xây dựng và sửa chữa hạ tầng cơ sở; Quản lý tài chính.” [6]

Những gì thực tế đang diễn ra ở Việt Nam như trình bầy, quý độc giả đã tìm ra lời giải đáp: phần lớn tiền dân đóng thuế và phúc lợi 14 Hiệp Định Thương Mại (FTA) lần lượt hiệu lực từ trên 20 năm qua đã bị bòn rút để cán bộ sắm biệt phủ, siêu xe, con cháu du học ngoại quốc, sống xa hoa, mà bữa ăn “dát vàng” chỉ là trường hợp vô tình bị lộ. . . Như thế, nhóm chuyên gia mơ lành mạnh hóa hệ thống NHTM khó thành hiện thực. Việc phục hồi Kinh Tế sau đại dịch trở thành khó khăn trong năm 2022.

Trần Nguyên Thao
12 Jan. 2022

Tham khảo:

[1] https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trinh-quoc-hoi-goi-chinh-sach-ho-tro-phuc-hoi-kinh-te-khoang-347-nghin-ty-dong-98289.html

[2] https://vanhoimoi.org/?p=7358

[3] https://cafef.vn/giai-quyet-van-de-no-xau-co-the-tang-sau-dai-dich-the-nao-20211227091604486.chn

[4] https://thoibaotaichinhvietnam.vn/no-xau-cuoi-2021-la-19-nhung-tinh-ca-no-xau-tiem-an-la-379-98131.html

[5] https://boxitvn.blogspot.com/2021/12/mo-no-ran-no-va-tay-khong-bat-giac.html

[6] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/ngoai-hoa-hong-lai-qua-con-nhieu-hinh-thuc-tham-nhung-hoi-lo-khac-post223513.gd

(*) https://vanhoimoi.org/?p=13042,

Mô hình phục hồi hình chữ U (U-Shaped Recovery) đề cập đến nền kinh tế trải qua sự suy thoái dần dần và sau đó tăng dần trở lại mức trước đó.

Bài liên quan:
  • Quan hệ Tập–Putin gặp nguy hiểm khi người Trung Quốc tràn vào Nga
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 24/3/2024. Bầu cử ở Nga: Putin nắm trọn quyền lực, tiêu diệt đối lập, đẩy nước Nga vào kiệt quệ, nhận chìm thế giới trong khủng hoảng, mở rộng đế chế Nga.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 23/3/2024. Đỉnh điểm đấu đá quyền lực: VN thay ngựa giữa dòng, bất chấp thể diện quốc gia!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Nguyễn Phú Trọng đốt ‘Đoàn Phái’
    Ngô Nhân Dụng (VOA Tiếng Việt)
  • HỘI LUẬN ngày 23/3/2024. VN Đổi ngựa giữa dòng: CT Võ Văn Thưởng ngã ngựa. Tranh quyền hay Đốt lò? Putin thừa thắng xông lên, tiếp tục mở rộng đế chế Nga? Ấn Độ nhập cuộc chống TC!
    BS Nguyễn Trọng Việt